Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Chương 7: Xúng Xính Như Thôn Nữ
W
aouh, mẹ kiếp, thế chứ, - Manuela nói.
Một từ tượng thanh và một cách nói bỗ bã như thế từ miệng của Manuela, người mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghe thấy phát âm một từ thô tục, câu nói đó giống như khi giáo hoàng quên mất địa vị của mình và nói với các hồng y giáo chủ: Mà cái mũ lễ rác rưởi đâu nhỉ?
- Đừng giễu, - tôi nói.
- Giễu ư? Nhưng mà chị Renée ạ, trông chị tuyệt lắm!
Rồi cô ấy ngồi xuống vì xúc động.
- Một quý bà thực sự, - cô ấy nói thêm.
Đó chính là điều làm tôi lo lắng.
- Đi ăn tối như thế này, trông tôi thật buồn cười, xúng xính như thôn nữ ấy, - tôi vừa nói vừa pha trà.
- Không hề, - Manuela nói, - đương nhiên, đi ăn tối thì phải diện đồ. Mọi người đều thấy rất bình thường.
- Đúng, nhưng còn cái này, - tôi nói, tay đưa lên đầu và cảm thấy như sờ nắm một cái gì đó nhẹ và mỏng mảnh.
- Chị đã đội cái gì lên đầu sau đó à, đằng sau trông phẳng lì, - Manuela vừa nói vừa nhíu mày và lấy từ trong túi ra một gói nhỏ bọc bằng giấy lụa đỏ.
- Bánh rán phồng đấy, - cô ấy nói.
Vâng, chúng tôi chuyển sang chuyện khác.
- Sao lại thế? - tôi hỏi.
- Ôi, giá mà chị nhìn thấy cảnh ấy! - cô ấy thở dài. - Tôi cứ tưởng bà ấy sẽ bị một cơn đau tim. Tôi nói: Thưa bà Pallières, rất tiếc tôi không thể đến đây làm được nữa. Bà ấy nhìn tôi mà không hiểu gì cả. Tôi phải nói đi nói lại đến hai lần! Rồi bà ấy ngồi xuống và nói với tôi: Nhưng mà tôi sẽ làm thế nào đây?
Manuela ngừng một chút, vẻ bực tức.
- Giá như bà ấy nói: Nhưng mà tôi sẽ làm thế nào đây nếu thiếu cô? May thay cho bà ấy là tôi bảo Rosie làm thay mình. Nếu không, tôi có thể nói với bà ấy: Bà Pallières ạ, bà hoàn toàn có thể làm việc gì bà thích, tôi chẳng thèm qu...
Cái mũ lễ bẩn thỉu, giáo hoàng nói.
Rosie là một trong nhiều đứa cháu của Manuela. Tôi biết điều đó có nghĩa là gì. Manuela nghĩ đến sự thay đổi, nhưng một chỗ béo bở như nhà số 7 phố Grenelle thì phải giữ cho người nhà - vì thế cô ấy định đưa Rosie vào làm để chờ tương lai sáng sủa.
Trời ơi, nhưng mà tôi sẽ làm gì đây nếu thiếu Manuela?
- Tôi sẽ làm gì nếu thiếu cô? - tôi nói với Manuela và cười.
Bỗng nhiên cả hai chúng tôi trào nước mắt.
- Chị có biết tôi nghĩ gì không? - Manuela vừa hỏi vừa lau hai má bằng một chiếc khăn tay to màu đỏ như của võ sĩ đấu bò tót. - Tôi bỏ bà Pallières, đó là một dấu hiệu. Sẽ có những thay đổi tốt.
- Bà ấy có hỏi cô về lý do không?
- Đó chính là điều hay nhất, - Manuela nói. - Bà ấy không dám. Được giáo dục tốt đôi khi lại là một vấn đề.
- Nhưng bà ấy sẽ biết ngay thôi, - tôi nói.
- Vâng, - Manuela nói nhỏ, tâm trạng phấn khởi. - Nhưng chị có biết không, một tháng nữa, bà ấy sẽ nói với tôi: Con bé Rosie đúng là một viên ngọc, Manuela ạ. Cô giao lại việc cho nó là đúng đấy. Còn những kẻ giàu có kia... Khỉ thật!
Cái mũ lễ khốn kiếp, giáo hoàng bực tức nói.
- Cho dù có chuyện gì đi nữa, - tôi nói, - chúng ta vẫn là bạn.
Chúng tôi nhìn nhau và cười.
- Vâng, - Manuela nói. - Cho dù có chuyện gì đi nữa.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 12
Lần này là một câu hỏi
Về số phận
Và những dòng tiên đoán
Cho người này
Chứ không cho người khác
Tôi lúng túng quá: nếu tôi châm lửa đốt căn hộ nhà tôi, tôi sẽ có nguy cơ gây thiệt hại cho căn hộ của ông Kakuro. Làm phức tạp cuộc sống của người lớn duy nhất mà cho đến lúc đó tôi cho là đáng được tôn trọng lại là hành động không xác đáng lắm. Nhưng châm lửa dù sao cũng là một dự định mà tôi ấp ủ. Hôm nay, tôi đã có một cuộc gặp gỡ thật thú vị. Tôi đến nhà ông Kakuro uống trà. Có cả anh Paul, thư ký của ông ấy. Ông Kakuro đã mời Marguerite và tôi khi gặp chúng tôi ở sảnh cùng với mẹ tôi. Marguerite là bạn gái thân nhất của tôi. Hai chúng tôi học cùng lớp đã hai năm và yêu quý nhau ngay từ phút đầu. Tôi không biết liệu các bạn có tí chút ý nghĩ dù là nhỏ nhất nào về một trường trung học cơ sở ở khu cao cấp của Paris hiện nay không, nhưng thẳng thắn mà nói, nó không có gì hay hơn so với các khu phía Bắc của Marseille. Có lẽ thậm chí còn tồi hơn, bởi vì ở đâu có tiền, ở đó có ma túy - và không phải ít, cũng không phải chỉ có một loại. Các bạn thời sinh viên 1968 1 của mẹ tôi làm tôi buồn cười với những ký ức vui vẻ của họ về pháo và tẩu thuốc của Chechnya. Ở trường trung học (vẫn là trường công lập, vì bố tôi từng là bộ trưởng của nhà nước Cộng hòa), người ta có thể mua mọi thứ: axít, thuốc lắc, cocain, thuốc kích thích thần kinh amphetamine, v.v... Khi tôi nghĩ đến thời các thanh thiếu niên hít hơi hồ dán trong nhà vệ sinh, trông không có chút sức sống nào. Các bạn cùng lớp tôi cắn thuốc lắc như người ta ăn kẹo Michoko, và điều tồi tệ nhất là ở đâu có ma túy, ở đó có tình dục. Đừng ngạc nhiên: hiện nay, người ta ngủ với nhau rất sớm. Có những học sinh lớp sáu (đúng là không nhiều, nhưng vẫn có một vài học sinh) đã quan hệ tình dục. Rất đáng tiếc. Thứ nhất, tôi cho rằng tình dục, cũng như tình yêu, là một điều thiêng liêng. Tôi không phải là de Broglie, nhưng nếu tôi đã qua tuổi dậy thì, tôi thích biến nó thành một thánh lễ huyền diệu. Thứ hai, một thiếu niên làm những điều của người lớn thì vẫn cứ là một thiếu niên. Tưởng tượng rằng lao vào hội hè và ngủ nghê sẽ làm cho bạn trở thành người hoàn toàn khác thì cũng giống như tin rằng lớp hóa trang biến bạn thành một người da đỏ. Thứ ba, dù sao cũng là một quan niệm sống nực cười khi muốn trở thành người lớn bằng cách bắt chước tất cả những hành động dở nhất của người lớn... Tôi đã thấy mẹ tôi dùng thuốc chống trầm cảm và thuốc ngủ, đó như một liều vắc xin suốt đời đối với tôi để chống lại những chất kiểu như vậy. Cuối cùng, thiếu niên tưởng rằng có thể trở thành người lớn bằng cách vụng về bắt chước những người lớn mà chính họ vẫn còn là đứa trẻ và đang chạy trốn cuộc sống. Thê thảm quá. Hãy lưu ý rằng nếu tôi là Cannelle Martin, cô nàng sành điệu của lớp tôi, tôi sẽ tự hỏi mình làm gì ngày ngày ngoài việc dùng ma túy. Số phận của Cannelle đã được viết trên trán của nó. Mười lăm năm nữa, sau khi đã cưới một ông chồng giàu có để mà cưới một ông chồng giàu có, nó sẽ bị chồng lừa dối, vì ông chồng sẽ đi tìm ở những phụ nữ khác cái mà cô vợ hoàn hảo, lạnh lẽo và phù phiếm vẫn không có khả năng đem lại cho ông ta - ví dụ như sự nồng nhiệt của con người và tình dục. Cannelle sẽ tập trung tất cả sức lực vào nhà cửa và những đứa con mà vì ý muốn trả thù vô thức, nó sẽ biến thành những phiên bản vô tính của chính mình. Nó sẽ đánh phấn và mặc cho những đứa con gái của mình như gái làng chơi cao cấp và ném chúng vào tay bất cứ nhà tài phiệt nào, và giao cho những đứa con trai việc chinh phục thế giới, giống như bố của chúng, và lừa dối vợ với những đứa con gái chẳng ra gì. Các bạn nghĩ tôi đã lạc đề ư? Khi nhìn Cannelle Martin, mái tóc màu vàng và bông xù, đôi mắt xanh, những chiếc váy ngắn kiểu Scotland, những chiếc áo thun ôm cực sát người và cái rốn hoàn hảo của nó, tôi dám chắc với các bạn rằng tôi nhìn thấy rõ điều đó như thể nó đã xảy ra. Ở thời điểm này, tất cả bọn con trai trong lớp đều thèm thuồng nhìn nó và nó có ảo tưởng rằng sự ngưỡng mộ của bọn con trai ở tuổi dậy thì thèm gái mà nó đại diện có nghĩa là thừa nhận sự quyến rũ của cá nhân nó. Các bạn nghĩ là tôi ác ý ư? Hoàn toàn không, điều đó thực sự làm tôi đau đớn, tôi đau thay cho nó, thực sự đau cho nó. Thế nhưng khi tôi nhìn thấy Marguerite lần đầu tiên... Marguerite là người gốc châu Phi và tên là Marguerite không phải vì sống ở Auteuil, mà vì đó là tên của một loài hoa. Mẹ bạn ấy là người Pháp, còn bố là người gốc Nigeria. Ông ấy làm việc ở bộ Ngoại giao, nhưng trông không hề giống những nhà ngoại giao khác mà chúng ta biết. Ông ấy rất giản dị. Có vẻ như ông ấy thích việc mình làm. Ông ấy hoàn toàn không vô liêm sỉ. Và ông ấy có một đứa con gái xinh đẹp vô cùng: Marguerite chính là hiện thân của cái đẹp, có vẻ mặt, nụ cười, mái tóc mà người ta mơ ước. Bạn ấy luôn tươi cười. Khi Achille Grand-Fernet (mà các bạn gái trong lớp đều thích) hát giễu Marguerite vào ngày đầu tiên: "Mélissa, con gái lai của Ibiza, không khi nào mặc quần áo." Marguerite đáp lại ngay lập tức với nụ cười tươi: "Alô mẹ bobo, mẹ làm gì con thế này để con không đẹp trai." Đây là cái mà tôi thán phục ở Marguerite: đó không phải là một mũi tên về phía quan niệm hay lôgic, mà bạn ấy có tài ứng đối linh hoạt chưa từng thấy. Đó là một năng khiếu. Tôi có trí tuệ thiên phú, còn Marguerite là một tài năng nhanh trí có hạng. Tôi rất thích được như bạn ấy; tôi luôn tìm được câu trả lời muộn năm phút và tôi tưởng tượng lại cuộc đối thoại trong đầu mình. Khi lần đầu tiên Marguerite đến nhà tôi, chị Colombe nói: "Marguerite, tên hay đấy, nhưng là cái tên của bà già," bạn ấy trả lời ngay lập tức: "Ít nhất thì cũng không phải là tên chim 2." Chị Colombe há mồm kinh ngạc, quá hay! Hẳn là chị ấy phải nghiền ngẫm trong nhiều giờ sự tinh tế trong câu trả lời của Marguerite, và tự an ủi rằng chắc chắn đó chỉ là một sự ngẫu nhiên - nhưng dù sao cũng cảm thấy bối rối! Tương tự như vậy, khi bà Jacinthe Rosen, bạn thân nhất của mẹ tôi, nói với Marguerite: "Mái tóc như của cháu chắc là không dễ chải" (Marguerite có mái tóc bù xù như bờm sư tử), Marguerite đáp: "Cháu chẳng hiểu bà da trắng nói gì cả."
Với Marguerite, chủ đề chuyện trò ưa thích của chúng tôi là tình yêu. Tình yêu là gì? Người ta yêu nhau như thế nào? Ai? Khi nào? Tại sao? Ý kiến của chúng tôi rất khác nhau. Rất lạ là Marguerite có cái nhìn rất trí tuệ về tình yêu, trong khi đó tôi là một cô gái lãng mạn không thể thay đổi được. Bạn ấy thấy tình yêu là kết quả của một sự lựa chọn hợp lý (kiểu www.sởthích.com), trong khi đó tôi thấy tình yêu là con đẻ của một xung năng tuyệt vời. Ngược lại, chúng tôi có cùng ý kiến về mọi thứ: yêu không được trở thành phương tiện, mà phải là mục đích.
Một chủ đề nói chuyện ưa thích khác của chúng tôi là tương lai của số phận. Cannelle Martin: bị chồng bỏ rơi và lừa dối, gả con gái cho một nhà tài phiệt, động viên con trai lừa dối vợ, kết thúc cuộc đời ở Chatou trong một căn phòng giá 8000 euro một tháng. Achille Grand-Fernet: trở thành con nghiện heroin, đi cai năm hai mươi tuổi, tiếp quản doanh nghiệp làm bao bì nhựa của bố, cưới một cô gái tóc vàng do tẩy màu, sinh ra một thằng con trai bị tâm thần phân liệt và một đứa con gái mắc chứng chán ăn, trở thành bợm rượu, chết vì ung thư gan ở tuổi bốn lăm, v.v... Và nếu các bạn muốn biết ý kiến của tôi, thì điều khủng khiếp nhất không phải là chúng tôi chơi trò này, mà đó là: đây không phải trò chơi.
Khi gặp Marguerite, tôi và mẹ tôi ở sảnh, ông Kakuro nói: "Chiều nay cháu gái của chú sẽ đến nhà chú, các cháu có muốn đến chơi không?" Mẹ tôi nói: "Vâng, vâng, tất nhiên rồi" trước khi chúng tôi kịp nói gì, vì mẹ tôi thấy đã gần đến lúc chính mẹ phải đi xuống tầng dưới. Và chúng tôi đến nhà ông Kakuro. Cháu gái của ông Kakuro tên là Yoko, là con gái của cô Elise, cô Elise là con gái của chị ông Kakuro, tức là bà Mariko. Yoko năm tuổi. Đó là cô bé xinh nhất trên trái đất! Cực kỳ đáng yêu nữa. Nó nói véo von, líu lo, cười rúc rich, nó cũng nhìn mọi người với vẻ tốt bụng và cởi mở như ông trẻ của nó. Chúng tôi chơi trốn tìm, và khi Marguerite tìm thấy nó trong một cái tủ ở bếp, nó đã cười đến mức vãi đái ra quần. Sau đó, chúng tôi ăn bánh gatô sôcôla và nói chuyện với ông Kakuro, con bé nghe chúng tôi nói chuyện, nhìn chúng tôi rất hiền lành bằng đôi mắt to (có cả sôcôla dính trên lông mày).
Tôi nhìn con bé và tự hỏi: "Liệu nó có trở thành như những người khác không?" Tôi cố tưởng tượng ra nó khi lớn thêm mười tuổi, chán đời, đi bốt cao, miệng ngậm điếu thuốc lá, và thêm mười tuổi nữa, trong một không gian nội thất được khử trùng, chờ đợi con cái trở về trong vai trò là người mẹ tốt và người vợ Nhật Bản. Nhưng không ổn.
Khi đó tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời tôi gặp một người mà số phận không thể đoán trước được, một người mà những ngả đường của cuộc đời vẫn đang rộng mở, một người đầy sức sống và nhiều khả năng có thể xảy ra. Tôi tự nhủ: "Ồ, đúng, Yoko, mình muốn nhìn thấy con bé lớn lên" và tôi biết rằng đó không chỉ là một ảo tưởng vì nó còn nhỏ, bởi vì chưa một đứa trẻ nào trong số con của bạn bè bố mẹ tôi đem lại cho tôi ấn tượng đó. Tôi cũng tự nhủ rằng ông Kakuro hẳn cũng như vậy khi còn nhỏ, và tôi tự hỏi liệu khi đó có ai nhìn ông ấy như tôi nhìn Yoko không, vừa thích thú, vừa tò mò, trong khi chờ xem con bướm thoát ra khỏi kén, và vừa không biết, lại vừa tin vào hoa văn trên đôi cánh của nó.
Thế là tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao là những người này, chứ không phải những người khác?
Và thêm một câu hỏi nữa: Còn tôi? Số phận của tôi có hiện rõ trên trán tôi không? Nếu tôi muốn chết, thì đó là vì tôi tin vào số phận.
Nhưng liệu trong vũ trụ của chúng ta có tồn tại khả năng trở thành cái mà hiện tại chưa thấy không... liệu tôi có biết nắm lấy nó và biến cuộc sống của tôi thành một khu vườn khác với khu vườn của cha ông tôi không?