Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 35
Ðêm ấy Giác Tuệ ngủ thật ngon. Sáng hôm sau chàng đến viếng thăm ông nội, mong đợi rằng ít nhất chàng cũng bị mắng mỏ.
Phân nửa màn giường đã kéo ra, và chàng trông thấy ông nội từ thắt lưng trở lên. Ðại lão gia nằm tựa cái đầu hói lên chồng gối, khuôn mặt tái mét và gầy hơn bao giờ, miệng hơi hé mở. Bên trên gò má, đôi mắt của lão gia hõm xuống; thỉnh thoảng lão gia khẽ mệt mỏi nhắm mắt lại. Ðối với Giác Tuệ, ông nội chàng trông quá yếu đuối và tội nghiệp; ông nội chàng không còn giống Cao Ðại lão gia đáng sợ hãi nữa.
Ðại lão gia thở khó khăn. Lão gia mở to mắt và nhìn Giác Tuệ khi chàng bước vào. Một nụ cười thân thiện hiện ra trên bộ mặt già nua, một nụ cười trông rất tội nghiệp.
Ðại lão gia nói, "A, con tới rồi." Lão gia chưa bao giờ chào hỏi Giác Tuệ thân thiện như thế. Giác Tuệ không thể hiểu được sự thay đổi ở ông nội.
Ðại lão gia cố gắng nói, "Con là một đứa con tốt." Lão gia cố mỉm cười. Giác Tuệ nghiêng lại gần ông nội.
Ðại lão gia yếu ớt nhắc lại, "Con tốt lấm. Bọn chúng nói con có một tính khí kỳ cục. Con hãy chăm chỉ học hành."
Ðại lão gia thong thả nói tiếp, "Bây giờ ta hiểu cả rồi. Con có gặp Nhị ca của con không? Ta hy vọng nó mạnh khoẻ." Nước mắt lấp lánh trong khoé mắt lão gia. Ðây là lần đầu tiên Giác Tuệ trông thấy ông nội tử tế như thế.
Giác Tuệ trả lời, "Có, con có gặp Nhị ca."
"Ta đã sai lầm. Ta muốn gặp nó. Bảo nó về mau. Ta sẽ không gây khó khăn cho nó nữa." Nói xong ông già lấy bàn tay chùi mắt.
Trần Di Thái vừa chải tóc, bôi son phấn và kẻ lông mày xong, bước vào từ phòng bên cạnh, trông thấy Ðại lão gia chùi mắt, liền mắng Giác Tuê, "Tam thiếu gia đã lớn rồi phải hiểu biết hơn nữa chứ. Ðừng nên làm phiền lòng ÐạI lão gia trong lúc bệnh hoạn như thế."
Ðại lão gia nói ngay, "Ðừng trách nó. Nó là một đứa con ngoan." Trần Di Thái tức giận quay đi chỗ khác trong lúc Ðại lão gia giục Giác Tuệ, "Con hãy dẫn Nhị ca của con về đây. Ðã lâu lắm rồi ta không trông thấy nó. Bảo cho nó biết ta sẽ không nói gì đến vụ hứa hôn với nhà họ Quách nữa. Ta sợ ta không còn sống lâu nữa. Ta muốn trông thấy nó lần nữa. Ta muốn gặp tất cả anh em con."
Khi rời phòng ông nội, Giác Tuệ đi thẳng tới phòng Giác Tân. Ðại ca và Ðại tẩu đang nói về chuyện gì đó, và trông có vẻ lo lắng. Giác Tân nhớ lại chuyện tối hôm trước, bối rối cúi đầu xuống khi chàng trông thấy Giác Tuệ lại gần.
Ngay khi bước vào cửa, Giác Tuệ reo lên, "Ông nội muốn em dẫn Nhị ca về. Ông nội tự nhận đã lầm lẫn."
Giác Tân ngạc nhiên và vui mừng. Chàng ngẩng lên hỏi, "Thực hả?" Chàng không tin tai mình.
Giác Tuệ trả lời, khuôn mặt chàng rạng rỡ thỏa mãn, "Ðúng rồi. Bây giờ ông nội hối tiếc. Em đã bảo anh tụi em sẽ chiến thắng mà. Anh thấy đó - chúng em đã thắng rồi!"
"Hãy cho anh biết ông nội nói thế nào?" Giác Tân mỉm cười bước lại và cầm bàn tay Thụy Giao. Nàng định cố giằng tay ra mà không được, bởi vì nàng không quen cử chỉ âu yếm của chồng như thế trước mặt người khác. Cả hai vợ chồng đều hân hoan khi nghe được cái tin vui này. Ðối với họ quả thực là một phép lạ khi vấn đề khó khăn lớn lao này lại được giải quyết dễ dàng như thế. Hai người nghĩ phép lạ này sẽ đem may mắn lại cho họ.
Giác Tuệ kể cho hai người nghe chi tiết cuộc nói chuyện của chàng với ông nội, lời lẽ của chàng mỗi lúc một hứng khởi hơn. Trước khi nói hết, một nô tỳ bước vào và thông báo:
"Ðại lão gia muốn gặp Ðại thiếu gia."
Giác Tân vội vã đi ra ngay. Giác Tuệ ở lại nói chuyện với Thụy Giao. Người vú bồng Hoàn Trân từ ngoài vào, và Giác Tuệ chơi đùa với đứa bé một lúc.
Rồi chàng chạy tới nơi ẩn nấp của Giác Dân. Chàng chạy vội vàng. Ở nhà chàng không cảm thấy cần phải vội vã; chàng ngồi nói chuyện với chị dâu khá lâu. Nhưng ngay lúc chàng rời nhà, chàng cảm thấy đã chậm trễ quá. Ðáng lẽ chàng phải đem cái tin mừng này cho Nhị ca ngay tức khắc.
Dĩ nhiên Giác Dân cực kỳ vui sướng khi Giác Tuệ kể cho chàng biết quyết định của ông nội. Sau vài phút nói chuyện với Tác Nhân, hai anh em vội vàng ra đi.
Trước hết hai người đến nhà Ngọc Cầm. Nàng vô cùng sung sướng trước tin vui ấy, đúng như hai anh em mong đợi. Cái viễn ảnh của một tương lai rực rỡ dường như chắc chắn hơn bao giờ hết đối với ba người trẻ tuổi này; họ hầu như có thể đưa tay ra và sờ thấy được tương lai ấy. Tương lai ấy đến với họ không phải là một sự ngẫu nhiên của số phận, mà bằng những cố gắng hết sức của họ. Và vì thế thành quả này đặc biệt quý giá đối với họ.
Thoải mái và vui mừng, họ nói chuyện một lúc lâu. Sau khi ăn trưa cùng với Ngọc Cầm và mẹ nàng, hai anh em đi bộ về nhà. Trên đường đi Giác Dân chuẩn bị những điều phải nói với ông nội, với kế mẫu là bà Châu, và với Ðại ca. Chàng rất sung sướng. Chàng trở về nhà như một anh hùng chiến thắng.
Giác Dân bước qua cổng chính, đi vào nội hoa viên, rồi tới toà đại sảnh, và đi sâu nữa vào trong dinh cơ. Chàng ngạc nhiên thấy mọi thứ trông vẫn như cũ.
Nhưng bỗng nhiên chàng nhận ra sự thay đổi. Người ta đang vội vã đi ra đi vào phòng ông nội chàng. Họ trông có vẻ hoảng hốt, và nói với nhau bằng những giọng thật khẽ.
Giác Tuệ lên tiếng, "Chắc có chuyện gì không hay." Chàng nắm tay người anh và bước vội tới. Tim chàng chìm xuống với một sự dự đoán đen tối.
"Có lẽ ông nội..." Giác Dân không dám nói hết câu. Chàng không dám nghĩ thêm nữa. Chàng lo sợ cái tương lai rực rỡ dường như đến gằn chàng nay đã bay đi rồi.
Hai anh em bước vào phòng ông nội. Trong phòng đầy người. Hai anh em không trông thấy ông nội vì bị người khác che khuất, và chỉ nghe thấy một âm thanh kỳ lạ rất khẽ. Không ai để ý đến hai anh em. Cuối cùng hai người cố lách người lại gần. Ðại lão gia ngồi trong một cái ghế bành trước giường, đầu cúi xuống, thở hổn hển. Ðó là cái âm thanh kỳ lạ mà hai người vừa nghe thấy.
Quá xúc động, Giác Dân muốn quỳ xuống trước mặt ông nội, nhưng người chú Khắc Minh cản lại. Khắc Minh giật mình nhìn Giác Dân và lắc đầu.
Giác Tuệ giải thích, "Ông nội bảo cháu đem anh ấy về. Ông nội nói muốn gặp anh ấy."
Khắc Minh buồn bã lắc đầu. Ông khẽ nói, "Quá trễ rồi."
"Quá trễ!" Lời nói ấy như một cú đánh mạnh vào đầu Giác Tuệ. Chàng dường như không hiểu. Nhưng khi chàng nghe thấy tiếng thở đau đớn của ông nội, thì chàng hiểu quả thực đã quá trễ rồi. Ông nội chàng đang sắp sửa từ giã cõi đời rồi, mang theo khoảng cách giữa ông nội và cháu nội xa cách mãi mãi.
Giác Tuệ không thể chịu đựng được như thế. Chàng xô lại ông nội, cầm tay ông nội và kêu lên, "Ông nội, ông nội! Con đã mang Nhị ca trở về với ông nội!"
Ðại lão gia không nói gì. Lão gia vẫn tiếp tục chiến đấu với hơi thở. Mọi người cố lôi Giác Tuệ ra, nhưng chàng ôm lấy đầu gối ông nội và lắc, kêu khóc thê thảm, "Ông nội!" Giác Dân đứng nhìn.
Bỗng nhiên ông già thở dài và mở to mắt. Ông nhìn Giác Tuệ mà không nhận ra. Ông khẽ hỏi, "Tại sao người làm huyên náo thế này?" Ông yếu ớt vẫy tay, muốn bảo Giác Tuệ lui ra.
Rồi sự lờ đờ từ từ biến mất khỏi bộ mặt gầy guộc của ông già. Ðôi môi ông mấp máy, nhưng không có âm thanh phát ra. Ông nhìn Giác Dân và đôi môi lại mấp máy. Giác Dân kêu lên, "Ông nội!" Ông già dường như không nghe thấy gì. Quay mặt nhìn Giác Tuệ, Ðại lão gia hơi nhếch mép có vẻ như muốn mỉm cười. Nước mắt chảy ứa xuống từ cặp mắt già nua. Ông vỗ đầu Giác Tuệ và thì thào, "Con đã tới...Con rất ngoan...Nhị ca con đâu?"
Giác Tuệ kéo Giác Dân lại và nói, "Anh ấy đây."
Giác Dân kính cẩn gọi, "Ông nội!"
"Con đã trở về. Tốt lắm! Chúng ta sẽ không nói đến chuyện hứa hôn với nhà họ Quách nữa...Các con phải học hành chăm chỉ." Ông già thở thật sâu rồi lại chậm chạp nói tiếp, "Nhớ đem lại danh dự cho dòng họ...Ta mệt quá rồi...Ðừng đi... Ta đi đây..." Giọng của ông mỗi lúc một yếu hơn, và đầu từ từ gục xuống. Cuối cùng ông ngậm miệng lại hoàn toàn.
Khắc Minh vội bước lên và gọi ông già, nhưng thân phụ của ông không trả lời. Ông nắm lấy tay ông già. Nước mắt ứa ra, ông kêu lên, "Tay lão gia đã lạnh rồi!"
Mọi người đều nhích lại gần hơn, tất cả đều than khóc ồn ào. Rồi sự ồn ào dần dần lắng xuống; một người quỳ gối xuống, những người khác cũng bắt chước theo, và căn phòng vang lên tiếng khóc.
Tin cái chết của Ðại lão gia lan truyền mau lẹ. Chỉ vài phút, cả dinh cơ đều biết Ðại lão gia đã từ trần. Gia nhân vội vàng chạy đến những thân thích của họ Cao để báo tin buồn. Chỉ một lát sau khách khứa tới đầy nhà; khách đàn bà giúp gia tăng âm thanh của tiếng khóc, đồng thời than vãn cái số phận đau khổ của họ.
Rồi việc sửa soạn tang lễ bắt đầu. Người ta phân chia công việc cho riêng đàn bà và đàn ông. Ba hoặc bốn người bà con đàn bà được phân công ngồi khóc bên xác Ðại lão gia. Người ta đặt Ðại lão gia lên giường, và tháo bỏ màn giường đi.
Công việc tiến hành mau lẹ; ai cũng bận rộn. Những bài vị tổ tiên, bàn thờ và những dụng cụ khác được đưa vào một phòng cạnh phòng đại sảnh. Rồi quan tài được khiêng vào. Quan tài này đã mua từ nhièu năm rồi và cất đi. Giá tiền quan tài này rất đáng kể - chỉ hơn một ngàn lượng bạc.
Ðạo sĩ có nhiệm vụ "mở đường" vào thế giới bên kia đã tới. Vì sự linh thiêng, đạo sĩ quyết định cái giờ và phút đúng nhất để liệm xác. Ðại lão gia được tắm rửa, mặc quần áo thường ngày rồi đặt vào quan tài. Tất cả những đồ vật Cao Ðại lão gia ưa thích khi còn sống cũng được bỏ vào quan tài bên cạnh xác, và chất đầy tới nắp.
Bây giờ đã gần tối rồi. Một nhóm gồm 108 tu sĩ Phật giáo được mời vào, mỗi người cầm một cây hương đốt sáng. Họ đi lang thang trong dinh cơ, vào từng phòng, lên lầu xuống lầu. Theo sau các nhà sư là Giác Tân và ba người chú, cũng cầm hương. Giác Tân dẫn đầu, bởi vì chàng là "người con trưởng của người con trưởng."
Vào mười giờ sáng ngày hôm sau, là giờ đóng quan tài. Giờ này cũng được đạo sĩ coi là giờ linh. Tiếng khóc lên đến chỗ cùng cực nhất; tuy nhiên một vài tiếng khóc là do lòng thương tiếc thành thực.
Cái chết của Cao Ðại lão gia khiến cho mọi sinh hoạt trong gia đình ngừng lại. Phòng khách chính trở thành phòng tang lễ, treo đầy những trướng phúng điếu, và đàn bà tụ tập kêu khóc tại đây. Phòng đại sảnh trở thành phòng cầu nguyện, nơi các nhà sư cầu siêu tụng niệm.
Mọi người bận rộn với lễ nghi cuối cùng cho người chết. Hoặc nói đúng hơn thì mọi người bận rộn lợi dụng cơ hội để giữ mặt và phô trương uy thế của mình.
Ba ngày sau bắt đầu giai đoạn chịu tang. Gia đình nhận được rất nhiều đồ phúng điếu, và phải cử hành hàng chục những lễ nghi; hàng đoàn người đến chia buồn. Ðây là cái mà mọi người chờ đợi nhất, và hoạt động của tang lễ đến hồi sôi động nhất.
Ngay Giác Dân và Giác Tuệ cũng không thể không tham gia. Hai người không muốn thế, nhưng họ cũng không bận tâm nữa. Hai anh em phải đứng để đáp lễ những khách tới viếng, nghĩa là khi một người khách khấu đầu trước vong linh của người chết, thì hai người cũng phải khấu đầu đáp lễ lại, trong lúc người chủ tế đọc câu: "Lòng biết ơn của con và cháu hiếu thảo." Rồi tất cả cùng đứng lên và vụng về mỉm cười với nhau.
Hai anh em Giác Tuệ không thể không mỉm cười với nhau khi hai anh em trông thấy Ðại ca và ba người chú mặc quần áo tang - một chiếc mũ gai với một hàng dài những cái giải đằng sau lưng, một áo tang rộng màu trắng cũng bằng vải gai, chân đi dép rơm - bước đi với dáng vẻ trang trọng. Ðối với hai anh em thì đúng là một hoạt cảnh của trò khôi hài.
Sau bữa trưa ngày hôm sau hai anh em có thể trốn tránh được bổn phận khó chịu này. Giác Tuệ bỏ đi trước, và đi thẳng ra phòng đọc sách công cộng mà học sinh đã thành lập. Chàng làm việc tại đó suốt ngày, và đến tối mới trở về nhà. Giác Dân không thấy trở về.
Giác Tuệ thấy phòng đại sảnh trống vắng. Các nhà sư đã đi rồi. Hai cây nến cao trước quan tài người chết cháy gần hết, và tạo ra một vũng sáp duới chân nến. Ngay cả những cây hương cũng đã cháy hết.
Chàng tự hỏi tại sao yên lặng thế. Mọi người đi đâu cả rồi? Chàng điều chỉnh lại bấc hai cây nến, và thắp thêm một bó hương nữa.
Chợt chàng nghe thấy tiếng la to của người chú Khắc Ðịnh từ phòng của ông nội, "Chẳng làm gì cả! Chỉ chia ruộng đất và tài sản mà không kể đến đồ cổ và những họa phẩm thì chưa phải là chia gia tài đầy đủ!"
Tiếp theo là lời nói tức giận của chú Khắc Minh, "Ðây là những thứ mà ông già yêu quý nhất. Ông già sống cả đời để thu thập những món này. Là con trai, chúng ta không nên chia ra cho chúng ta như vậy!"
Khắc An lạnh lùng cười, "Tôi không cần đồ cổ và họa phẩm. Nhưng nếu chúng ta không chia những món đó thì có kẻ sẽ chiếm hết. Tôi muốn nói bất cứ cái gì của ông già cũng phải chia đồng đều."
Khắc Minh nóng giận nói lẫy. "Ðược rồi. Nếu đó là cái các người muốn thì ngày mai chúng ta sẽ chia ra. Nhưng thành thực mà nói, tôi không bao giờ có ý định giữ riêng cho tôi."
Trong phòng có sự lộn xộn tiếp theo là giọng của mấy người đàn bà. Rồi Khắc Ðịnh hầm hầm đi ra. Ông ta lẩm bẩm, "Theo chúc thư, theo chúc thư thừa kế - tất cả đều là giả mạo! Phân chia thế này không công bằng!" Ông bưóc ra ngoài.
Một lát sau Giác Tân cũng bước ra, trông có vẻ chán nản lắm.
Giác Tuệ chào anh một cách chế nhạo, "Chia tài sản ngay hả? Không chờ đợi được phải không?"
Giác Tân chua chát nói, "Kế mẫu và anh bị đẩy tới đẩy lui như hình nộm. Ông nội để cho anh ba ngàn cổ phần của Tây Tứ Xuyên Thương Cuộc, nhưng các chú lại không công nhận cái chúc thư thừa kế ấy."
Ðúng lúc ấy Giác Dân về đến nhà. Chàng hỏi, "Thế còn phần cô Trương thì sao?" Dĩ nhiên chàng quan tâm đến người đàn bà vừa là cô chàng vừa là mẹ của Ngọc Cầm.
Giác Tân thở dài, "Cô ấy chỉ được năm trăm quan trị giá cổ phiếu và một vài thứ lặt vặt khác - và họ chỉ chia cho cô ấy vì điều khoản ấy đã viết sẵn trong chúc thư. Trái lại Trần Di Thái được cả dinh cơ này. Chỉ có gia đình chúng ta lo cho cô Trương mà thôi. Không một người nào nói một lời cho cô ấy."
Giác Dân trách móc, "Tại sao anh không lên tiếng?"
Giác Tuệ vội báo động, "Kìa, chú Khắc Minh tới."
Khắc Minh vừa đi vừa ho khan khó chịu, và đi khỏi phòng của Cao Ðại lão gia.