Số lần đọc/download: 997 / 3
Cập nhật: 2017-08-25 13:40:43 +0700
Nhật Kí Cà Phê
T
ôi hay có thói quen ngồi cà phê một mình để thời gian trôi lơ đễnh qua miền kí ức. Những lúc thẫn thờ ấy, tôi sẽ lấy giấy và viết tay lại thành dòng những suy nghĩ vẩn vơ chợt nảy ra trong óc, những chuyện vừa chạm mặt, hay những thứ đáng yêu nghe được từ bàn bên cạnh.
Ngồi cà phê để ghi chép tình đời xem ra cũng là một thú vui đầy đáng yêu bên đời.
Cà phê Vy, ngày… tháng… năm…
Hôm nay, Sài Gòn nắng rất lớn. Dường như mọi mây mù và gió cuốn đều bị hút về vùng tối tăm ngoài kia. Nắng và khô làm bệnh của mình trở nặng thêm. Nghe rõ ràng những rệu rã trên mớ xác thịt trần tục. Ủ rũ pha trà cũng không buồn chép miệng. Nặng nhọc nghe Ý Lan cũng không còn thấy vui. Lúc này nghe Khánh Ly đòi sống đòi chết lại thấm đẫm vô cùng. Kiểu như muốn nằm xuôi theo tay ai vỗ nhè nhẹ vô lưng mà thủ thì vào tai “tôi ru em ngủ một sớm mùa đông”.
Nhưng không, chỉ là mộng ảo. Chỉ có tiếng Phương Dung ỉ ôi từ nhà ai đằng sau thêm phần ám ảnh thân xác bệnh vùi thân tâm trong kiếp ở trọ.
Nhiều khi, mọi túng quẫn cùng đến một lúc khiến đời quá đỗi mệt nhọc và đớn đau.
Cuộc đời vốn dĩ là bạc hạnh nên hãy tử thủ cho mình vài mối tình thâm. Ít nhất là cho những lúc như thế này.
Bình thạch thảo đã chớm héo...
Quay quắt mãi cũng tìm đến quán cũ.
Cà phê Vy, ngày… tháng… năm…
Hãy chôn giấu và cất giữ thật chặt những tháng ngày này, phút giây này, cảm xúc này cho đến khi thật bình tâm và viết nó ra thành dòng như nước mắt tuôn trào.
Hoặc có thể sẽ không đi qua nổi vì vừa kịp đớn đau đến chết.
Faulkner nói, con người là tổng cộng những khổ đau của chính họ.
Cũng được một tháng ngày dấn bước ‘ra đi’. Thấy, nỗi buồn đau nào rồi cũng vượt qua, bằng phương này hay cách khác. Có thể là vô cùng ‘tốn kém’ về nước mắt và nỗi đau. Sau cùng thì, nỗi nhớ không phải là cái gì đó quá đáng sợ. Nó là một điều hiển hiện và có thật. Là kết tinh đẹp đẽ của một thứ đã vào mùa chết chóc.
Qua mùa tang chế, nhiều màu sắc ấp ủ. Rồi cũng dấn bước. Ðã có lúc muốn nói cảm ơn người đã ra đi. Nhưng rồi, thấy sắc màu bạc bẽo không phải là của mình. Và dù tim ai có bạc cỡ nào...
Ði thôi, mùa chưa ngả chiều hôm.
Cà phê Vy, ngày… tháng… năm…
Tình yêu, khi rũ bỏ được chuyện nhục dục và tiền bạc thì thực sự thăng hoa nhiều lắm. Chả phải, hai thứ ấy, nó làm lung lay tình cảm theo một kiểu cách nào đó sao?
Tiền bạc làm tình yêu bị nhuốm màu toan tính.
Nhục dục làm tình yêu bị úa màu xác thịt.
Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để còm cõi ôm một khối tình chân chất lãng mạn. Vậy nên, người ta cứ đi, cứ bước rồi bơi, ngụp, lặn trong bể tình trần ai ấy. Lắm lúc than vãn, rồi mất đi niềm tin. Rồi sầu úa.
Thực ra, tình yêu không phải bộ môn để áp dụng phương pháp “thử, sai, làm lại”. Tình yêu cần sự thận trọng và trân trọng. Thực ra, không phải người ta, nhiều người cô đơn vẫn hay nói mình cô đơn, thèm khát tình yêu, mà phải chăng họ chỉ đang thèm thuồng cảm giác ấp iu, thương mến và đóng vai là một người đang yêu mà thôi.
Ai có đi trong mưa đêm, mới thấu là mưa rất lạnh lẽo. Ai có buồn trong kỉ niệm, trong nỗi niềm cô đơn, mới thấu hiểu ôi tình sao quý giá.
Cà phê Vy, ngày… tháng… năm…
Phải nói là dân Việt rất khoái buồn, thích buồn, muốn buồn và ưng buồn. Buồn quanh năm, buồn muôn thuở.
Có lẽ tại vì nhân tình thế thái buộc người ta không buồn không được. Mà, cũng có thể là người ta thích được buồn để… lãng mạn.
Bởi thế cho nên, quanh năm bốn mùa, mùa nào cũng có bài buồn hiu quay quắt.
Mùa hè, ông Thanh Sơn viết Phượng buồn thì cũng chính ổng “chơi” luôn Hạ buồn như sợ người ta không biết mùa hè buồn triền miên bởi chia li.
Sang mùa thu thì khỏi phải nói rồi. Này thì Buồn tàn thu của ông Văn Cao, thấy ôi thôi não nề. Mà mấy bài về mùa thu có bài nào không buồn cho cam. Kể vanh vách: Nước mắt mùa thu, Mùa thu chết, Mùa thu không trở lại...
Ðến mùa đông thì ông Ðức Trí cũng ráng hốt hụi chót cho có Sầu khúc mùa đông, hay ông Anh Bằng thì Mất nhau mùa đông.
Qua mùa xuân, ai nói mùa này hết buồn? Qua tới đây cũng có Xuân sầu, Xuân sầu lữ thứ, và bao thể loại sầu úa khác.
Nói mà hổng tin, dân Việt ưa buồn sầu lắm. Sầu hết bốn mùa, sầu hết nguyên năm đó thấy chưa. Bởi vậy, Gọi tên bốn mùa mà ông Trịnh Công Sơn cũng phán một câu xanh rờn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…” là xám hồn nghen.
Cà phê Vy, ngày… tháng… năm…
Ðang ngồi cà phê một mình, nghe cô nhỏ phục vụ gọi anh ơi, anh ơi… giọng ngọt xớt. Tự dưng thấy hay hay, vui vui.
Phải công nhận là cái chữ “ơi” mang nhiều mê lực thật. Tiếng gọi anh ơi, em ơi, bé ơi, nhỏ ơi… nghe sao mà trìu mến đến dường thế. Thêm một tí xíu ngọt ngào, thêm cái mắt lúng liếng tình tình thì gọi một chữ “ơi” thôi cũng muốn rụng tim! Lạ lẫm là bản thân rất dễ dãi với những rung động nhưng vẫn hoài sống mòn trong tình yêu…
Tình yêu, bản thân nó đã là đẹp, nên không cần quá cầu kì. Hãy nhường chỗ cho cảm xúc. Có lẽ vì bạn quá mờ mắt với những hoành tráng và diễm lệ nên đâu thấy rằng người ta dễ dàng thâu mình thành con mèo con nhỏ xíu bên bạn chỉ vì những thứ rất nhỏ, rất nhỏ.
Vì là nhỏ, nên có thương mới để ý…
Cà phê Vy, ngày… tháng… năm…
Người lạ xuất hiện.
Người lạ nói: “Thôi được rồi, mỗi cuối tuần anh sẽ đến cà phê cùng em… anh không muốn thấy em cô đơn”.