Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33
õ ràng tin thăm nuôi đã có đến 80 phần trăm đúng, khi bọn quản giáo ráo riết động viên tù lao động tốt, chấp hành nội quy tốt để được chấm công cao và dĩ nhiên sẽ được thăm nuôi sớm hơn người khác. Song song với những đợt động viên, kêu gọi, khích lệ một cách... bắt buộc ấy, những chiếc loa lớn cũng được toán thợ điện Lê Văn Tần lần lượt treo trên những điểm cao nhất của các trại. Ngoài ra, những toán thợ mộc của các trại cũng đã được lệnh thiết lập một dãy nhà thăm nuôi nằm gần khu cổng chính.
Để sửa soạn cho lần thăm nuôi đầu tiên, bọn cán bộ cai tù Cộng sản phát động một chiến dịch đào ao cá. Ao cá này nằm về phía Bắc trại An Dưỡng. Chiến dịch huy động này cả 4 trại tham gia với tổng số lao động cả ngàn người.
Nơi đây là một vùng đất hoang, cửa ngõ dẫn đến một vùng đồi cỏ cây rậm rạp và có nhiều suối nước lớn nhỏ. Thực ra vùng đất này đã được khai quang khá nhiều và anh em cảnh sát trước đây cũng đã khởi sự nhiều bước đầu trong công cuộc thực hiện ao cá. Hiện nay cả ngàn người lại được huy động làm tiếp công tác bỏ dở đó.
Vì là quy mô lớn nên dĩ nhiên ao cá phải rất lớn. Ao có chiều dài sáu mươi thước, ngang bốn mươi thước, đào sâu xuống lòng đất bốn thước, chung quanh đắp bờ cao ba thước, chân bờ rộng năm thước và đê bờ rộng hai thước rưỡi.
Hai trăm tù thường trực đứng dưới lòng ao để đào. Ba trăm khiêng ki. Ba trăm đắp bờ và non ba trăm khác lo đủ thứ việc linh tinh như tiếp tục khai quang, đắp một con đường mới chạy vòng lên tới con đường gần bệnh xá, sửa chữa bảo trì các dụng cụ đào ao...
Trong thời gian thực hiện công tác đào ao cá - một cái ao lớn đến độ bọn tù đâm thắc mắc không hiểu là sẽ dùng nuôi cá mập hay làm mồ chôn tập thể cho chính mình khi cần thiết - bọn tù đã phải lao động 10 tiếng một ngày.
Nếu từ trên cao nhìn xuống, người ta có thể hình dung ra một quang cảnh của thời nô lệ xa xưa, nơi ấy những kiếp người khốn khổ đang khổ dịch xây dựng một công trình kiến trúc cho các bậc vua chúa ở La Mã hay Ai Cập gì đó. Và nếu người ta nhìn xa hơn một tí nữa về phía phi trường Biên Hòa, người ta sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy hàng đống máy cày, máy ủi, máy xúc đất; hàng đống cơ giới tối tân của "Mỹ ngụy" để lại đã bị bỏ phế một cách vô cùng phí phạm, mặc cho nắng mưa dập vùi để một ngày kia biến thành đống sắt vụn. Tại sao chúng không xử dụng đến những máy móc đó? Trong lũ tù đang lao động quần quật kia, đâu có thiếu những kỹ sư tài ba, những chuyên viên cơ giới lỗi lạc? Nơi đây, một lần nữa xác nhận câu nói của một chính khách Tây phương đúng tuyệt đối: Thời chuyên chính vô sản nắm quyền chính là thời mà nhân và vật lực bị phung phí một cách kinh khủng nhất!
Vĩnh khênh ki cùng với Đặng Ngọc Sinh, họa sỹ và là tổ viên của tổ 3. Sinh hiền lành và nhẫn nhục, vẽ thật đẹp và cũng vô cùng khéo tay trong những công việc thủ công như biến những miếng Inox thành những quân cờ, biến những miếng nhôm dày thành những cái lược có xủi hình long ly quy phượng thật tinh xảo... Một người ít nói vì bệnh tật, một người ít nói vì bản tính, khiêng đất chung với nhau nên một ngày lao động mà coi như dài bằng ba. Dẫu sao Vĩnh thấy như vậy thoải mái hơn. Mỗi ngày, cứ đi lên đi xuống để khênh đất, anh tính nhẩm mình phải bước tới hơn tám trăm nấc thang, những nấc thang đục khoét lài lài theo thế đất cho những người khiêng ki xuống lấy đất và đem đất lên đắp bờ ao... Trong khi đi lên đi xuống, Vĩnh cố gắng tập trung tư tưởng để suy nghĩ những điều anh hằng theo đuổi, hai mắt cố chụp cho hết những hình ảnh, những góc cạnh của chốn địa ngục này.
Với non một ngàn tù thực hiện công tác, dưới sự đốc công trực tiếp của bọn cán bộ trung đoàn, ao cá đã thành hình nhanh chóng. Giờ đây, mỗi khi từ dưới lòng ao khênh đất lên tới bờ thành, Vĩnh đã có thể đứng quan sát suốt một vùng rộng lớn. Anh có thể nhìn thấy những nóc nhà hăng-ga của phi trường Biên Hòa, nhìn thấy những dãy trại nằm san sát nhau, nhìn thấy cả cái tháp nước mà anh nghĩ rằng nó là cái tháp nước phía trước quân đoàn 3 xưa kia... Nhìn lên hướng Bắc, Vĩnh chỉ thấy chập chùng một vùng đồi cây. Có anh em nào của ta trấn đóng trong những vùng đồi cây hoang dã ấy không? Hết ngó vời hướng Bắc, Vĩnh lại ngó về hướng Nam... Nơi đây xa Gia Định chẳng là bao nhiêu đường chim bay, nơi ấy có gia đình họ hàng anh sinh sống... Chao ôi! Thân nhân anh, hàng xóm anh và mấy chục triệu người dân ngày nay sinh sống ra sao? Họ có đói như trong này không? Có nhòm nhỏ tố giác nhau không? Ai giữ được liêm sỹ, ai bị cuốn hút vào cái giòng đời dơ bẩn hiện nay?
Một cán xẻng đập nhẹ vào hông Vĩnh lúc anh vừa đổ xong mớ đất trên cái ki xuống bờ đê và đứng nghĩ ngợi vu vơ. Tiếp theo là một tiếng nói nho nhỏ.
- Tôi vừa gặp một thằng bạn bên trại 4. Nó trong khâu đào đất dưới kia. Nó hỏi tôi có phải có ông bên này không? Nếu có thì nhắn hộ rằng có một người quen ông bên trại 2 gửi lời hỏi thăm ông. Tên hắn là Nguyễn Chí Kham...
Kim thuộc khâu san đất trên bờ ao, vừa thuật lại lời nhắn với Vĩnh. Vĩnh nghĩ mãi đến cái tên mà không nhớ ra. Nguyễn Chí Kham? Nguyễn Chí Kham nào kìa?
- Hắn có nói gì thêm không?
- Có, nó bảo tay Kham nhắn ông là có cả Dzoãn Bình trong này...
Nghe đến cái tên Dzoãn Bình thì Vĩnh mới trực nhớ ra cái tên Nguyễn Chí Kham. Kham là một tay viết truyện ngắn xuất hiện khá thường xuyên trên các báo Văn, Vấn Đề và Bách Khoa trước đây.
- À, tôi nhớ ra rồi. Vậy tay Kham có lao động ở đây không?
Kim lắc đầu mệt mỏi.
- Tôi đâu có biết. Ông hỏi tay ngồi dưới kia kìa.
Theo Kim chỉ, Vĩnh nhìn xuống lòng ao sâu thẳm. Đâu có dễ để nhận ra một người rách rưới, gầy còm, xanh xao trong cả một rừng người đồng dạng như thế! Cuối cùng qua sự mô tả của Kim, Vĩnh định điểm được anh chàng nhắn tin đó. Điểm để nhớ chỉ có cái mũ của anh ta hơi khác mọi người, ấy là anh chùm luôn lên đầu một cái bao cát thay vì khâu vá biến chế thành một cái mũ như mọi người.
Chuyến lấy đất kế tiếp Vĩnh cố lái Đặng Ngọc Sinh về phía anh chàng đội cái bao cát trên đầu. Vĩnh đặt cái ki xuống trước mặt anh để anh xúc đất đổ vào. Vĩnh quan sát một vòng. Bọn cán bộ giờ đã rút vào một góc có bóng mát của ao cá. An toàn! Vĩnh cất tiếng hỏi.
- Xin lỗi anh, có phải anh là bạn của Kim không?
Anh chàng đang xúc đất vội ngừng tay, ngước lên nhìn Vĩnh. Qua một thoáng dò xét anh ta gật đầu.
- Vâng.
Vĩnh thấy anh ta hơi kỹ trong cách trả lời, anh cố cười thật tươi.
- Phe ta cả. Xin anh đừng nghi ngại. Khi nãy Kim có nói với tôi anh có lòng tốt nhắn hộ...
Người đối diện như đã nắm vững vấn đề, anh ta vui vẻ trở lại.
- À, đúng rồi. Thằng Kham cùng tổ tôi nó được biết có anh bên trại 1, nó cũng biết trại anh lao động ở đây nên nhờ tôi tìm cách nhắn hộ. Không dè gặp Kim. Không dè cũng có anh ở đây nữa...
Vĩnh hy vọng có tin gì mới lạ, anh vội vã.
- Thế Kham hắn có nói gì không anh?
Người đối diện lắc đầu.
- Không, không nói gì cả, chỉ nói vậy thôi. Anh bạn nói đoạn nhìn Vĩnh hỏi tiếp. Anh là bạn nó ngoài đời hả? Thằng ấy nguy hiểm quá. Nó cứ viết lách lung tung. Tôi ăn cơm chung với nó từ hồi Katum 1, lên tới đây nó còn ráng đem theo đống tập vở của nó. Tôi teo quá! Anh bạn lại tặc lưỡi. Dù sao nó chỉ viết truyện tình. Truyện nó hay lắm...
Vĩnh chẳng biết nói sao. Thực tế anh chưa hề có dịp gặp Nguyễn Chí Kham bao giờ. Anh chỉ biết Kham qua tên xuất hiện trên một số tờ văn học nghệ thuật của Sài Gòn trước đây. Khi ki đất đã được xúc đầy, Đặng Ngọc Sinh thúc Vĩnh tiếp tục lao động, Vĩnh vội nói với người nhắn tin.
- Cám ơn anh nhắn tin hộ bạn tôi. Khi về trại, xin anh nói hộ với Kham rằng tôi cũng gửi lời thăm anh ta và cả anh Dzoãn Bình nữa. À, anh Dzoãn Bình có ở cùng nhà với anh và Kham không?
Anh bạn lắc đầu.
- Không. Anh ấy ở nhà bên cạnh tôi. Vui vẻ lắm.
Vĩnh xốc một đầu ki đất lên. Đầu kia Đặng Ngọc Sinh đã sẵn sàng cất bước. Một vài cục đất khá to rơi ngược về phía chân Vĩnh. Trước khi đi Vĩnh hỏi thêm một câu.
- Anh có tin gì vui không?
Anh bạn khẽ cười.
- Chúng ta cùng ở trong hộp như nhau!
Anh ta chỉ nói thế rồi quay lại với công việc. Vĩnh cất bước đi theo Đặng Ngọc Sinh. Anh vừa đi vừa cúi nhìn từng bước chân, mặc Sinh muốn dẫn lối nào thì dẫn. Mặt đất giờ đã sình lầy không giống như những ngày trước. Độ sâu của ao đã khơi dậy nhiều mạch nước chạy ngang dọc. Khiêng nặng, bụng đói, miệng khát và lết đôi chân run rẩy trong đôi guốc tự chế, trái đất lắm khi như chòng chành muốn đổ trước mặt. Cũng có những lúc Vĩnh thấy ê ẩm trong đầu vì những tiếng hò là, những tiếng thúc giục, những tiếng báo động trước một nguy hiểm nào đó của anh em đang lao động chung quanh. Cõi trần gian như chết rồi mọi tiếng chim, chết rồi mọi mầm xanh hy vọng. Tất cả còn lại là một màu đen bất tận với những tiếng reo hò giả tạo phát ra từ những con người đã khánh kiệt nỗi yêu đời.
Đôi guốc làm bằng hai khúc gỗ thông cưa ngắn với quai là hai miếng dây dù to bản của Vĩnh bỗng gẫy đôi một chiếc. Vĩnh lúng túng hất chiếc guốc sang một bên lối đi, tuy nhiên anh phải dừng ngay lại và làm Sinh đi trước suýt ngã ngửa.
- Gì thế ông?
- Tôi đứt guốc. Ngừng lại tí.
Hai người đặt ki đất xuống. Vĩnh thấy sau lưng anh em khiêng đất nối thành một hàng dài. Anh không muốn mình bị chửi làm cản trở lưu thông, vội vàng lượm hai chiếc guốc bỏ lên ki đất. Chiếc guốc gãy lòi những mũi đinh lởm chởm, vứt bậy bạ có thể giết chết một người bạn như chơi trong hoàn cảnh thiếu thuốc men như ở đây!
Hai người đi tiếp để những người phía sau không bị cản trở.
Khi tiến lên đến bờ đất, Vĩnh nghe thấy anh em bàn tán nhiều về vụ thăm nuôi. Họ cũng bàn tán nhiều đến việc các trại đã được lệnh mở "căng tin", chữ của Việt cộng dùng thay cho chữ câu lạc bộ. Riêng vụ căng tin được tranh cãi thật nhiều. Qua bao nhiêu giả thuyết được đặt ra để tranh luận, cuối cùng mọi người hầu như đều đồng ý với kết luận việc cho mở căng tin trong các trại cải tạo tại An Dưỡng nhất định xuất phát từ sự tính toán của bọn cán bộ với những nguyên do như sau:
- Tạo một dịch vụ sinh lợi cho các cán bộ có tí tiền bỏ túi.
- Việc dấm dúi tiền bạc của thân nhân cho tù cải tạo vượt ngoài số quy định 20 đồng của nhà nước sẽ là chuyện tất yếu, có cản cũng khó được. Do đó, chúng phải tạo điều kiện cho những đồng tiền ấy không nằm chết một chỗ và cũng không biến thành một phương tiện trốn trại cho những tên tù mà chúng thừa biết rất xanh vỏ đỏ lòng.
Căng tin sẽ ra đời trong trại cải tạo vì lẽ đó chăng? Chưa ai dám chắc chắn. Có chăng mọi người đều mừng, và trong những lúc dầm mưa dãi nắng, bụng đói cồn đói cào như thế này, họ hình dung mỗi chiều trở về trại, thay vì dành giật chia chác những phần cơm chó chê dê lạy, họ có thể thong thả đôi ba thằng kéo nhau vào căng tin... kêu một chai bia, có thể có cả khô mực nướng thơm phức nhưng cái này có lẽ không cần. Tốt nhất nên kêu thêm một đĩa cơm trắng phau với thịt kho nước dừa trứng đậu hũ béo ngậy vừa no vừa khoái khẩu. Ngày tháng nhờ thế sẽ đỡ nặng nề hơn. Ba năm, năm năm... coi như gặp vận không may cơm nhà vác ngà voi một thời gian vậy.
Vĩnh cũng không tránh khỏi được sự mơ mộng bên cạnh những lời bàn tán của các bạn. Thốt nhiên trong sự tưởng tượng của anh lại hiện lên những hình ảnh đối nghịch ghê rợn... Anh thấy mình đang ăn một cách ngon lành một cặp bánh dầy giò mua trong căng tin, tự dưng miếng giò lụa trắng phau biến thành hình một con sâu củi nhễ nhại to tướng! Anh nhìn kỹ, đúng là con sâu củi mới chiều nào đây, lúc tổ trực bổ củi dưới bếp và nhà vô địch đẩy cây VNCH Vương Đắc Vọng - Tác giả của câu nói bất hủ: Mọi sinh vật cựa quậy được trên mặt đất đều ăn được cả - chụp ngay lấy cho vào miệng nuốt chửng; nuốt xong còn reo hò: Protéin! Đầy chất Protéin!... Vĩnh hoảng hốt ném miếng giò giờ đã biến thành con sâu củi đầy protéin của Vương Đắc Vọng xuống đất. Anh tiếc rẻ cố cắn thêm miếng bánh dầy nhưng rồi cũng hoảng hốt ném đi vì miếng bánh dầy bỗng trở mùi hôi thối và đỏ lòm như miếng thịt chuột cuống nướng vội của những người tù khổ sai dưới thời đại Hồ Chí Minh...
Vĩnh ngã chúi vì vấp phải một cán xẻng để ngang lối. Sinh đi phía trước cũng suýt bước nhằm lưng một người ngồi san đất. Một người bạn nào đó la lên.
- Vĩnh, chân ông chảy máu kìa!
Bây giờ Vĩnh mới thấy đau nơi bàn chân trái. Anh buông ki đất đổ tùm lum giữa lối đi và ngồi xuống. Một móng chân muốn lật khỏi ngón đang từ từ ứa máu ra. Cái đau không làm Vĩnh ngại mà ý nghĩ đầu tiên là anh ngại ngày mai lại phải đi khai bệnh. Cứ tưởng tượng ra bộ mặt của thằng chuẩn úy quân y tiểu đoàn mà lại phát sốt rét. Giỏi lắm nó cho một tí thuốc đỏ kèm với lời chửi bới này nọ... rồi lại tiếp tục lao động như thường. Nhưng nếu không khai bệnh thì cũng không ổn. Bị gì chứ bị lật móng chân mà tiếp tục lội sình như ở đây cưa cẳng không mấy chốc!
Đúng lúc Vĩnh đang ngồi suýt xoa thì nơi góc ao bên trái phát lên những tràng tiếng động như đất lở, kế đó là những tiếng thét thất thanh của vô số người. Mọi người bên này bờ ao hốt hoảng đứng phắt lên. Vĩnh cũng cố đứng lên để nhìn cho biết chuyện gì...
Anh chỉ nhìn thấy bên bờ ao đối diện bọn tù ngã lăn quay và có kẻ rơi từ mấy thước cao xuống lòng ao. Tiếng la hét vang trời, cảnh tượng hỗn loạn trong một lớp bụi bốc cao... Trong đám Vĩnh có tiếng la lớn.
- Trời ơi! Bờ ao bên kia bị lở tụi mày ơi.
- Sập! Sập! Chắc chết người rồi.
Thốt nhiên Vĩnh không còn cảm thấy một tí đau đớn nào nơi bàn chân nữa. Theo mọi người, anh phóng ra khỏi bờ đê cao và chạy vòng phía ngoài sang phía ao đối diện. Mọi người đã bu đến một góc ao. Thấp thoáng vài thằng quản giáo tỏ dấu lúng túng chưa biết xử trí ra sao với hoàn cảnh hiện tại. Vài thằng vệ binh từ xa không biết chuyện gì xách súng phóng tới và hăm hở như sắp được dịp bắn hạ quân thù.
Đến lúc này Vĩnh mới nhìn thấy hết mọi chuyện. Một chuyện thật tang thương. Và hiện tại chưa ai biết nổi trong cái tang thương này có mấy xác người!
Một góc bờ ao đã sập xuống và đè bẹp những người có công tác thiết lập một hệ thống dẫn nước để cân bằng mực nước trong ao với mặt đất bên ngoài.
Đứng nhìn một số người chạy tới để đào, bới... với những tốc độ nhanh nhất hầu lôi được những xác người đang bị cả tấn đất đè lên trên ra ngoài, Vĩnh nhớ lại mấy ngày qua. Thay vì trước khi đắp đê quanh ao, bọn cán bộ kế hoạch của trung đoàn phải cho làm trước hệ thống thoát thủy và cân bằng mực nước trong ao. Đàng này, chúng bắt tù đắp bờ cho đã đời, đến khi bờ gần xong chúng mới ra lệnh cho một đội phải xẻ một khoảng trống hai thước, cắt bờ ao ra lấy chỗ thiết lập ống thoát thủy bằng những đoạn tôn cong của Mỹ xử dụng làm đường mương trước kia. Khi xẻ xong khoảng trống trên bờ ao, một số người phải chui vào đó để đặt các ống tôn cong. Đất mới đắp, chân vừa vững lại bị đục khoét, bờ ao từ hai bên bị lở và đất sụp xuống chôn sống luôn mấy người có nhiệm vụ làm công tác đặt ống thoát thủy.
- Các anh lao động thiếu kỹ thuật gây phiền hà và trở ngại cho tổ chức.
Một giọng nói cất lên khiến ai cũng uất ức và ngó lại. Đó là giọng nói của một thằng cán bộ trung đoàn trong ban chỉ đạo đào ao. Tên cán bộ hình như cũng đọc được những nét uất ức trong bao đôi mắt của bọn tù, nó yên lặng và đi tránh chỗ khác. Bọn tù chẳng ai nói với ai, cứ hùng hục đào và bới.
Gần mười lăm phút sau, hai nạn nhân được lôi ra ngoài. Dĩ nhiên họ chỉ còn là hai cái xác mềm nhũn dù vẫn còn đầy đủ hơi nóng trong người. Bọn quản giáo đã phóng tới đông đủ. Một tên hét.
- Anh nào tự thấy mình khỏe mạnh, tiếp nhau khênh hai anh này lên bệnh xá.
Có một hai tay có lẽ rành chuyện sống chết, sau khi phủi đất trên xác nạn nhân, xem mạch, xem mắt, đều nói rằng nạn nhân đã chết và vô phương cứu chữa. Tên quản giáo có vẻ giận dữ trước những lời bàn tán vô phương cứu chữa của bọn tù, hắn nạt.
- Ai? Ai dám khẳng định hai anh này đã chết nói tôi nghe? Tôi bảo khênh là khênh, cấm không được chống đối lệnh. Chỉ có quân y mới có quyền... cho phép sống hoặc chết.
Bọn tù ním thinh. Mọi người đều biết tên quản giáo muốn nói chỉ có quân y mới có quyền xác nhận nạn nhân còn sống hay đã chết, nhưng vì hắn dùng chữ không chỉnh, thành thử tự nhiên hắn biến quân y của nhà hắn thành một thứ có quyền uy tối cao, khác nào cơ quan công an mật vụ trung ương.
Dù sao thì sau đó nạn nhân cũng đã được đặt nằm trên hai cái ki với bốn người khênh đi thẳng lên bệnh xá nằm ở một góc trại 4. Vĩnh muốn tìm cách đi theo nhưng nghĩ mãi không ra lý do. Khi đám người khênh hai nạn nhân có vệ binh hộ tống vượt qua một con suối nhỏ và khuất sau những lùm cây rậm rạp Vĩnh mới chấm dứt ý nghĩ tìm cách đi theo.
Mọi người trở lại với hiện trường lao động trước sự thúc hối của bọn cai tù. Tuy nhiên biến cố vừa qua rõ ràng có ảnh hưởng đến năng xuất của bọn tù. Ai cũng mong cho mặt trời sớm lặn để chấm dứt một ngày đọa đày buồn thảm. Vĩnh vừa khênh đất vừa lắng nghe những lời bàn tán chung quanh. Hình như chỉ có một người nói rằng: Đất đè như thế có đến sức khổng tượng cũng chết! Và sau đó anh không còn thấy ai đề cập đến tai nạn vừa qua nữa.
Cái đói, cái mệt có sức mạnh khủng khiếp để lái tất cả mọi chuyện về với cái ăn, cái ngơi nghỉ!
Vĩnh băn khoăn tự hỏi, sẽ còn bao lâu nữa bản thân ta còn nhớ tới, còn xót xa cho những người thân yêu? Liệu sẽ có một ngày nào tất cả đều mờ nhạt đi và trong mọi xúc cảm, miếng ăn sẽ chiếm một ưu thế tuyệt tối? Chao ôi, có hai người bạn vừa nằm xuống bằng một tai nạn bi thảm, tại sao có quá nhiều người đã quên ngay và những lời bàn tán chỉ còn quy về những miếng ăn ở một căng tin chưa hề nhìn thấy, ở những cuộc thăm viếng với thức ngon vật lạ nhưng chưa ai biết sẽ có hay không!? Vĩnh nhớ lại anh có đọc một câu văn của nhà văn nữ Trùng Dương, đại ý rằng những cay đắng trên đời tạo thành cá tính. Nếu câu ấy đúng, bọn tù như anh hòng gì còn giữ lại được nhân tính cũ trong những chuỗi đau khổ kéo dài không biết đến ngày nào mới chấm dứt như nơi đây!?
Tiếng kẻng chiều phát ra từ một cái nhà lô - danh từ chỉ một túp lều tranh dựng trên một thế đất cao làm nơi trú nắng cho bọn quản giáo vệ binh - đã lan nhanh và tạo một sự dây chuyền cho những tiếng kẻng xa xa khác. Bọn tù như bừng tỉnh và thoát nhanh ra khỏi nét mệt mỏi cố hữu. Tất cả nhanh chóng thu góp, kiểm soát lại các dụng cụ lao động. Các tổ trực của các đội lo thu những chiếc ki xếp thành từng đống theo nơi quy định cho đội mình trên một phía bờ ao. Cuốc xẻng của ai nấy giữ... Rồi thì tất cả lại so hàng, lại điểm danh, lại báo cáo nhân số và hăng hái lầm lũi tiến ra con đường mòn lởm chởm đá ong hướng về phía các cổng trại.
--------------------------------
1 Katum: Rừng biên giới Việt Miên thuộc tỉnh Tây Ninh. Sau 30 tháng Tư Katum cũng có một hệ thống trại giam các quân nhân QLVNCH.
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu