Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 13
N
ơi súng nổ là ở đâu? Chưa biết, nhưng chắc chắn đó là nơi giao tranh. Và đã giao tranh là có người bên mình. Có người bên mình rồi! Tiển thấy mình khỏe hẳn lên.
Theo hướng có tiếng súng, Tiển tìm đường. Hướng thứ nhất, Tiển gặp một vách đá dựng đứng. Hướng thứ hai, Tiển bị một khe sâu ngăn lối. Suy nghĩ một hồi, Tiển quyết định chặt cây, mở lối theo chiều dốc của rừng. Tiển tính, ở chân rừng thế nào cũng có lạch nước. Theo lạch nước đi, thế nào cũng tới con suối. Theo suối đi, nhất định tìm được một bản làng.
Quả nhiên, gần trưa, tới chân núi thì gặp một con suối rộng. Theo con suối này đi thế nào cũng tìm thấy làng đồng bào. Vừa chợt nghĩ, Tiển liền nghe thấy tiếng gió quạt ào ào ở trên đầu. Vội nép mình vào bụi cây, Tiển đã thấy một đôi chim công đáp xuống doi cát bên kia suối. Hai con chim công to như hai con ngỗng nghển cao cổ dò xét, rung bộ lông xám điểm trắng, khẽ kêu mấy tiếng trong cổ họng. Con to hơn có bộ đuôi vểnh xoè to như cái quạt. Con nhỏ hơn, đuôi cụp, dài thượt. Đôi chim âu yếm nhìn nhau. Và con công lớn bắt đầu nhún nhảy đôi chân, rập rình lượn vòng quanh mình con cống nhỏ sau một hồi cất tiếng thiết tha gọi người thân. Con nhỏ nghển cổ, khe khẽ lắc lư cái đầu. Điệu múa yêu đương vào nhịp. Hai đôi cánh xập xoè.
Vù ù ù! Điệu múa bỗng đứt đoạn, đôi chim công cất cánh vụt bay lên. Tiển leo vội lên một chạc cây ba la. Bên kia suối có tiếng chân người chạy. Rồi bóng một cô bé ló ra ở chỗ đôi cồng vừa múa. Cô bé trạc mười tuổi, da ngăm, mặc áo dài, vạt sau nhọn hình mũi tên. Tóc tết cuộn một vành trên đầu, phía trên phủ hờ một tấm khăn đen. Ở cổ líu ríu có đến chục chiếc vòng hạt cườm và từ trên tấm khăn thả xuống một sợi dây treo bung bênh một chiếc lược sừng.
Xách một chiếc ống bương vàng ánh, cô bé lội ra giữa dòng suối, vục ống xuống lấy nước rồi đi lên, thon thón chạy. “Không phải người Tày. Không phải người Mông. Không phải người Dao.” Tiển nghĩ. Và rất nhanh, thấy cô bé vừa xách ống nước sang bên kia bờ, Tiển liền lội qua con suối đi theo. Bên này suối, qua một doi cát, có một vệt đường. Nước từ ống bương của cô bé rỏ giọt tròn tròn lia ria hình ngôi sao trên mặt đường.
Con đường xuyên vào một khu rừng già.
Đây là khu rừng toàn loại dẻ và lim xanh. Cây nào cây nấy đều lực lưỡng, cành lá rậm ròa, xanh thâm. Đã thế, sương mù ở đâu kéo đến, quẩn trong từng vòm lá khiến cả tầng không bên trên lúc nào cũng ướt át mờ ảo. Trong khi đó, dưới tầng lâm hạ, như cố tình tạo cảnh đối nghịch, lại ngời ngời sắc lá xanh của dương xỉ và trăm thứ cỏ dại cùng là dây leo. Dương xỉ, cỏ dại và dầy leo um tùm. Mặc dù vậy, tất cả bọn này cũng không thể khuất lấp lấn át được những khóm thảo quả cao hơn đầu người, lá mọc đối xứng, dưới gốc xúm xít những chùm quả đỏ hồng, quả nào cũng mòng mọng như những chiếc bóng đèn, thắp sáng cả vùng đáy rừng thâm u.
Thảo quả đã vào mùa kết trái. Trong bóng sáng ao ảo, từ dưới gốc mẹ, những chùm thảo quả mỗi ngày qua lại một thêm chín nục, đỏ rực như chứa lửa ở bên trong. Mùa thu hái thứ thảo dược quý này đã bắt đầu được gần tuần trăng, chứng cứ là lúc này, khu rừng đang vào cữ nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trong tịch mịch tiếng sương rơi vẫn có thể nghe thấy tiếng chân người đi đi lại lại và tiếng lưỡi rìu bổ củi nhát một chắc nịch. Đó đây, chẳng cần thính nhạy cũng có thể nhận ra bay lượn trong làn không khí ướt át là một dải hương thảo quả đang khô se tỏa mùi thơm nồng và đưa mắt nhìn quanh sẽ thấy những ánh lửa nhấp nhoáng hắt ra từ cửa các lò sấy đang cháy ngùn ngụt.
Thảo quả tươi thu được địu nào là lập tức được đưa đến các lò sấy ngay. Lò sấy là một căn hầm lửa cháy liên tục, hắt nhiệt lên thảo quả tươi rải trên một mặt sàn ghép bằng những thân cây nhỏ. Công việc làm ăn dù thời nào thì cũng tấp nập. Tấp nập vì việc thu hái và sấy thứ thảo dược quý này đòi hỏi nhiều sức lực nhân công. Nên cũng là mùa ở đây có khá đông những người từ các nơi khác đến làm thuê.
Tiển đã tìm lại được cô bé. Thì ra cô bé đi lấy nước cho mấy người đang làm ở một chiếc lò sấy. Lò đang ăn lửa. Trước lò, có ba người đàn ông. Một người đang cho củi vào lò. Người có bộ râu dài lõng thõng đang ngồi uống nước. Còn người trẻ nhất đang cắm cúi bổ củi. Nghe người đang uống nước nói gì đó, người đang bổ củi liền dừng tay, ngẩng lên, bỏ chiếc rìu còn cắm vào khúc gỗ, đi lại. Người này tầm vóc thấp, chân tay ngắn ngủn, nhưng to ngang, vai rộng, ngực nở, có dáng một đô vật. Như linh cảm thấy có người lạ từ đâu đến đang nhìn mình, người đó bỗng quay lại phía Tiển. Một luồng giao cảm vụt hiện. Ngờ ngợ, sửng sốt rồi vỡ òa vì bàng hoàng, trong giây phút, Tiển ngây đờ như hóa đá. Và đây là một khoảnh khắc bất ngờ, một tình huống không thể tưởng tượng ra được trong quãng đời thiếu nên vô cùng phong phú của Tiển. Nhưng oái ăm thay, đó cũng lại là lúc xảy ra một nghịch cảnh quá vô lí và éo le. Đúng lúc Tiển vừa định bật lên tiếng reo: “Ai như anh Nhã! Có phải anh Nhã đó không?” thì Tiển liền giật bắn mình.
- Hê! Thế là tóm được mày rồi nhé, thằng oắt con du kích!
Cùng với tiếng quát là một cái bợp tai và liền ngay đó, vừa ngã chúi về phía trước, Tiển đã thấy hai cánh tay bị bẻ quặt ra sau, và khẩu các bin rơi đánh bịch xuống đất.
Trước mặt Tiển đặc kịt bóng ba người mặc quần áo chàm đen. Bọn biệt kích? Tóc chúng rậm, da chúng đen sạm, mắt chúng ngầu ngầu dữ tợn. Chúng cầm tiểu liên xì ten[157] mới.
Một tên răng vàng, mặt bèn bẹt vừa lội suối sang, nhìn Tiển quát bằng tiếng quan hỏa[158]:
- Thế nào, trên rừng còn bao nhiêu thằng du kích như mày?
- Du kích nào? Sao lại bắt tôi?
- Thế mày đang định đi đâu?
- Đi... tìm trâu.
- Trâu nào?
- Trâu thả ấy. Rét lắm, tôi sợ nó chết trên rừng.
Tên răng vàng hất hàm. Một tên béo ục ịch, dáng bộ lờ ngờ, khoác khẩu các bin của Tiển vào vai, cởi cuộn dây dù buộc ở bụng.
- Ơ kìa! Sao lại trói tôi! - Tiển vung tay gạt.
Tên răng vàng gườm gườm hai con mắt ti hí:
- Trói nó vào! Mẹ mày, nói dối lòi đuôi ra nhé! Đi tìm trâu sao có súng?
- Tôi nhặt được!
- Nhặt được? Nói dễ nghe nhỉ! Đưa nó về cho Lý Đại Nhân xử!
Tiển găng:
- Về đâu tôi cũng không đi!
- Về Y Tý chứ còn đi đâu. - Tên béo cáu.
- Không! Tôi đi tìm trâu!
- Đi! Là du kích trên rừng hôm rồi đã dám bắn lại chúng ông, giờ còn chối à!
Lại một cái bợp đầu nữa. Tiển chúi về trước, lảo đảo rồi lảo đảo bước, uất ức rực lên ngực. Trời! Thế là mình bị bọn biệt kích bắt rồi! Sao mình lại để chúng bắt dễ thế? Bọn Lý Đại Nhân đã nhảy dù, nổi phỉ ở Y Tý mất rồi.
o O o
Qua một con suối. Qua một khu đất quây tròn bâng những cây cọ lùn, ở giữa có những chiếc bập bênh, những chiếc đu và những chiếc lều nho nhỏ - bãi vui chơi của dân làng. Leo một con dốc ngắn là đến thôn Y Tý với hơn năm chục căn nhà, mái khum đều bốn phía, tường xám trắng, nặng nề như các khối đất nện.
Nơi ăn ở của người Hà Nhì trông thật lạ mắt. Bước vào mảnh sân trắng lóa đất sét, đập vào mắt là các chũa củi xếp vào một cái giá đỡ, cao vượt mái nhà. Cạnh cửa ra vào là cái thùng đựng nước chàm xây trát bằng tam hợp thổ. Hai chi tiết là lạ với Tiển. Một, chứng tỏ ở đây rất rét. Hai, người Hà Nhì thích trang phục lúc nào cũng có màu chàm mới, nên quần áo thay ra, giặt xong là vứt vào thùng chàm ngâm.
Nhà người Hà Nhì ở đây vững chãi và kín đáo. Tường trình đất dày hơn gang tay. Gian ngoài hẹp như một cái hành lang. Cửa vào gian trong chếch với cửa vào nhà. Gian trong thì thật là một cái hang rộng, vuông vức và tối om. Đó là nơi ăn ở của toàn gia. Bước vào đây, thoạt đầu khách như bị bịt mắt. Định thần một lát và nhờ ánh lửa từ cái bếp đặt trên khuôn đất ở giữa cái sàn gỗ, dần dần mới nhìn rõ toàn cảnh.
Nhà người Hà Nhì ở không có cửa sổ. Thông với bên ngoài chỉ có những chiếc lỗ đục to bằng nắm tay, thút nút lá chuối khô. Nhà kín mới tránh được rét. Thêm nữa, nhà tường dày mới tránh được đạn. Đất này, trộm cướp, thổ phỉ lâu nay vốn dĩ là cái nghiệp chướng.
Bị đẩy vào gian giữa căn nhà, phải đứng một lúc Tiển mới nhận được người và vật ở xung quanh. Ngồi bên bếp lửa đang cháy lom đom là một ông cụ chít khăn vành to, mặt dài, miệng luôn mim mím như kìm tiếng khóc sắp bật ra. Ông cụ đang đảo cái gì trong chảo, khói bốc thơm thơm. Cạnh ông cụ là một cô bé. Lửa sáng bừng, nhìn rõ mặt nhau, Tiển giật thót mình. Vì nhận ra đó là cô bé Tiển đã thấy ở rừng thảo quả!
- Dơ Ta, lấy nước cho ông nào!
Ông cụ bảo cô bé. Cô bé đứng dậy khép nép đi qua trước mặt Tiển thì vừa lúc Tiển bị tên răng vàng thúc mạnh một cái vào lưng. Bị đẩy vào một cái ngách nhỏ kín mít, sờ soạng xung quanh, Tiển chỉ thấy lủng củng những tấm ván gỗ, những chiếc cán cuốc và những cái dịu mây rách.
Lối vào ngách hoe hoe vàng. Có người cầm đóm đi vào. Tiển nhìn ra. Một cái bóng nhỏ bé trùm khăn đen. A! Cô bé. Tiển ngẩng lên. Cô bé dụi đóm, đặt một gói lá xuống cạnh Tiến rồi vội quay lưng, đi ra. Tiển xoay lưng, quờ quờ hai bàn tay bị trói. Cái gói nóng nóng, hình như bên trong có củ khoai lùi, Đói ngấu thật rồi. Nhưng làm sao mà ăn được bây giờ? Nghe thấy cô bé nói cái gì đó hên một lát thì tên răng vàng đi vào, vừa càu nhàu vừa cởi trói cho Tiển.
o O o
Ngoài kia, trời đã vào đêm cùng với tiếng gió rít. Nghe thấy tàu lá cọ và vòm cây xoan đào rũ lá ào ào. Tiển ngồi dậy. Bây giờ mới thấy rét. Rét quá! Cứ như đang mặc cái áo ướt. Rét đến mức trong cái ngách tối tăm bẩn thỉu này, không có cả đến con sâu, con bọ, con kiến, không có cả tiếng muỗi vo ve.
Ngoài xa, rì rì tiếng máy bay đang lượn vòng, chắc là đến để thả dù cho bọn biệt kích. Chập chờn tiếng hát giọng đàn ông ồ ồ. Tiếng con ngựa bờ rừ bờ rừ. Tiếng chân tên lính gác lề rề. Rồi đột ngột là tiếng cười sằng sặc ở gian ngoài và sau đó là xè xè tiếng thuốc phiện cháy trên ngọn đèn dầu cải.
Lúc này, ở gian chính, trên một tấm da báo trải trên mặt sàn gỗ có hai người đang nằm quay mặt vào cỗ bàn đèn thuốc phiện. Nằm bên trái là gã vệ sĩ răng vàng, da ngăm ngăm, mặt bẹt như đồng xu. Bên phải là Lý Đại Nhân. Lý Đại Nhân tức Lý seo phải, gầy sắt, mặt lộ cốt, một bên mắt lép, mồm vẩu, xưa là thôn trưởng Y Tý, đầu sỏ đám biệt kích mới nhảy dù xuống đây được ba hôm. Lý ngậm dọc tẩu, hai đầu gối co lên sát bụng trong cái chăn len màu cỏ.
Hút tới điếu thứ năm, Lý mới ngồi dậy vươn vai, thở khà khà:
- Chà chà... Thuốc chính hiệu ở đây đậm, hơn hẳn thuốc Hồng Kông nhiều.
Gã vệ sĩ răng vàng đang nạo xái[159] nhổm theo:
- Thuốc Hồng Kông pha mà.
- Ừ, cái gì chính hiệu mới tốt. - Lý lê tới cạnh bếp lửa, nhìn ông cụ ngồi phía bên kia.
Hình như ông cụ cả đêm ngồi cứ như thế, cạnh lửa, không ngủ. Và đứa cháu gái thì nằm sau ông cụ, đắp một cái da hổ, cũng cựa quậy, thao thức, nhìn lửa, không ngủ.
- Có phải không, ông cụ Bớ?
Lý cười nịnh, bắt chuyện. Ông cụ không ngẩng lên, không đáp.
Lý chống tay, ngồi lên cái ghế rơm cuộn, mồm chù chù như đang thổi lửa. Tên răng vàng cũng lê ra cạnh bếp:
- Ông cụ Bớ à! Lý seo phải bây giờ là Lý Đại Nhân rồi. To rồi đấy! Nói một tiếng bằng một trăm tiếng ngày xưa. Quan một rồi mà! Lý về đây để diệt hết bọn Việt Minh du kích làm loạn, cụ có biết không?
Nhìn ông cụ ngồi im như pho tượng đá, Lý Đại Nhân nhíu trán, phì hơi qua hàm răng vổ:
- Này, ông cụ Bớ, những đứa làm du kích ở trên rừng là đồ ngu. Ngu! Chống thế nào được tôi mà chống!
- Phải! Gai định chọc đá à? - Gã răng vàng phụ họa.
- Người Tây đóng ở Phong Sa kia kìa. Gì cũng có!
- Phải! Người Tây mạnh lắm. - Tên răng vàng thêm.
Lý Đại Nhân gằm gằm cả con mắt lành và con mắt lép:
- Ông cụ có biết tôi về đây bằng gì không?
- Bằng tàu bay Tây đấy! - Tên răng vàng đón lời.
Lý Đại Nhân vênh vênh mặt:
- Rồi thì tôi sẽ lấy lại rừng thảo quả của tôi.
- Phải, lấy lại chứ!
Chừng như đã quá quen nhàm với những lời phụ họa của gã vệ sĩ, Lý bèn giơ tay phật mạnh như bảo hắn lánh ra và dịch ghế về phía ông cụ:
- Ông cụ Bớ này. Tôi nói là làm. Có nhớ hồi tôi cho thiêu sống một đứa theo Việt Minh không? Nhưng giờ tôi là quan to rồi, tôi không muốn ác nữa. Tôi muốn gọi họ về cùng nhau bàn bạc hợp tác làm ăn. Là cái bọn du kích trên rừng thảo quả ấy. Thằng con cụ nó là đầu sỏ ở đấy. Còn cụ thì gan lì lắm, như hòn đá cuội ấy.
Cô bé đã dậy, nghe tới đấy, liền nép vào cạnh ông cụ. Lý Đại Nhân nhìn cố bé:
- Nó là bố con bé này, hả?
- Ừ, bố nó đấy. Bố nó là Dờ Gu đấy!
Bấy giờ, ông cụ Bớ mới chịu đáp một câu, nhưng giọng cứng cỏi và kiêu hãnh.
- Ông cụ Bớ này. - Lý đại nhân lảng tránh cái nhìn của ông cụ. - Gọi nó về đi. Đừng làm “hòn đá cuội” nữa. Rồi ta lại làm ăn như xưa. Lại mở hội như hôm xưa. Lại đàn. Lại hát. Rồi còn thi ngựa nữa! Vui lắm. Tính tôi thích vui. Tôi không muốn ác.
- Ông không muốn ác. - Ông cụ Bớ ngẩng dậy, nheo mắt như giễu cợt.
- Tôi không muốn ác! Thật đấy. Mà sao cơ?
- Thế thì thằng bé hôm qua bắt, sao cứ trói, cứ giam?
Lý Đại Nhân vờ như giật mình:
- Thế hả! Thế bây giờ thằng oắt ấy đâu? Hứ! Tôi sẽ ra lệnh cởi trói cho nó ngay bây giờ! Để cụ xem nhá!
Chà, Lý nói là làm thật! Trong bóng tối mờ mờ của gian ngách, có một bóng đen bước vào. Rồi Tiển nhận ra hai cánh tay đang bị ghì chặt ở sau lưng sau khi ăn xong củ khoai nướng được nới lỏng và buột rơi về phía trước. Ngoài gian chính, Lý Đại Nhân cười khé khé:
- Đấy nhé. Tôi cho lính cởi trói thằng du kích lỏi con ấy rồi đấy. Mà tôi nghi nó không phải là du kích Y Tý đâu. Nó là người của bộ đội Trần Hòa Việt Minh cộng sản đấy. Bộ đội Trần Hòa nó cho lính tản xuống huấn luyện du kích mà. Nhưng Lý tôi coi chúng chỉ là con muỗi thôi. Tuy thế Lý tôi chưa thả nó được. Tôi giữ nó làm con tin. Vì tôi thực bụng muốn gọi Dờ Gu về làm lễ kết nghĩa anh em, sống hòa thuận với anh. Giờ thì cụ tin tôi chưa?
Thấy ông cụ Bớ vẫn lì lì không nói, Lý liền rạp người, khề khề:
- Nào, cụ cho một câu đi để tôi cho lính mổ sửa soạn đồ lễ. Dà! Mổ một con lợn này. Lấy một đĩa tiết của nó bày ở giữa mâm này. Cạnh đó là một bát rượu đầy này. Một con dao, một khẩu súng làm chứng nữa. Chích máu năm đầu ngón tay cho chảy vào bát rượu nữa. Rồi từng người nâng bát rượu lên, uống rồi nói: “Máu người Hà Nhì ta cùng là màu đỏ. Còn máu kẻ khác chỉ là nước lã. Vậy người Hà Nhì ta phải tốt với nhau. Miệng nói tay làm phải như bụng nghĩ, không được ác với nhau.” Có đúng lí lối chưa, cụ?
- Đúng rồi đó!
Được lời như cởi tấm lòng, hếch bộ mặt xương xẩu lên cao, Lý cười khành khạch. Nhưng Lý biết ngay là mình đã quá vội vàng. Và lập tức Lý tắt tiếng cười, đổi mặt như lật bàn tay, gườm gườm nhìn ông cụ, sừng sộ:
- Thế nào, “hòn đá cuội” lầm bẩm cái gì trong miệng thế!
- Ta nói, lửa và nước không ở cùng nhau được! Vả lại, ông có phải người Hà Nhì đâu!
- Huớ!
Bất ngờ quá, Lý Đại Nhân đứng phắt dậy, chỉ kêu được một tiếng, rồi há mồm cứng họng, như bị trúng gió độc.
Ngoài cửa cùng lúc xồng xộc chui vào bốn tên mặc quần áo đen tuyền.
- Lại có chuyện gì thế, lũ quạ!
Quay đầu lại, đang trong cơn bực tức, Lý gằn một hơi. Bốn tên vừa tới cùng đồng thanh đáp. Bây giờ Lý mới giật ngửa người về phía sau, giật đùng đùng:
- Hết nước! Sao mà hết?
- Dạ, làm sao mà chúng tôi biết được ạ.
- Thế nước ở con suối chảy đi đâu?
- Dạ! Làm sao mà chúng tôi biết được ạ! Gạo hết! Thịt hết! Nước lại mất! Trình Đại Nhân. Đêm qua cũng không thu được chiếc dù tiếp tế nào.
Mặt tái mét. Tóc bết trên trán. Lý vùng vằng:
- Sao lại không thu được cái dù gạo, dù thịt nào?
- Dạ! Làm sao mà chúng tôi biết được ạ.
- Hay là thằng bay trên trời nó thả nhầm.
- Dạ! Làm sao mà chúng tôi biết được ạ.
Lý nghiến răng rít:
- Thế chúng bay có đốt đúng ba đống lửa không, hả?
- Dạ, có đốt đúng ba đống lửa. Nhưng du kích nó cũng đốt đúng ba đống lửa!
Chống tay lên sườn, Lý giậm chân đánh phịch, gào:
- Hừ! Thế thì thằng bay trên trời đểu. Đểu! Thằng Thào A Đủa đểu! Thằng người Mông này đểu. Nó đẩy thằng Ngao xuống Ngài Thầu cho dân Mông ăn thịt. Giờ nó lại định bỏ đói bọn ta. Nó muốn làm tổng chỉ huy tất cả. Đ. mẹ mày thằng Thào A Đủa nhé! Mày chỉ bằng cái lông d. của tao thôi. Chẳng qua là do mày cúng tiến thuốc phiện cho De Bernard nên nó thăng chức cho mày. Chứ mày chỉ là cứt hổ thôi. Tao! Tao mới là Đại Nhân. Tao sẽ là tổng chỉ huy dẫn quân đi đánh Dào San, bắt thằng Lê Văn Tố cầm đầu Việt Minh ở miền tây này cho chúng mày xem.
Dừng lại, hổn hà hổn hển, Lý quay lại nhìn ông cụ Bớ, hẩm hè:
- Còn “hòn đá cuội” kia! Đừng có che mắt tao. Mày vẫn liên lạc với bọn trên rừng. Đây, cho mày tiếp tục liên lạc, báo cho bọn du kích biết: Hẹn hai hôm nữa, không mở nước, tao sẽ đốt nhà này, thiêu chết mày và thằng bé con tin kia. Tao sẽ lấy máu chúng mày làm nước. Đi báo cho chúng nó biết đi! Còn anh em, lên ngựa ra xem máy bay thằng Đủa đêm nay đã đến chưa. Thằng mang máy bộ đàm đâu. Nhanh chân lên theo tao! Mẹ nó chứ, thằng Đủa nó định chơi xỏ tao à!