Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Ba Mươi Tư
C
ho con xem cái huân chương được không ạ?” tôi hỏi.
“Tất nhiên là được rồi,” mẹ tôi nói.
Bà ra chỗ tủ kính cất dàn âm thanh, và tôi có thể nghe thấy tiếng bà sục sạo đống giấy tờ bảo hiểm, ngân hàng, thư từ và đủ thứ giấy tờ của cả một đời người.
Bà quay lại cùng với một cái hộp chữ nhật nhỏ nhắn màu gì đó đậm hơn màu vang đỏ, nhưng không hẳn là đen. Bên trong có một tấm huân chương bạc, không sạch cho lắm, tựa trên lớp nhung màu tím. Huân chương của cha tôi.
Dải dây đeo huân chương có màu xanh da trời và trắng, hai sọc to bản màu trắng với một sọc mảnh màu trắng ở giữa chia đôi nền xanh da trời. “Thành tích xuất sắc,” trên huân chương viết, cạnh hình đầu của Nhà Vua.
Trên nắp hộp, tên của nhà sản xuất được in trên lụa trắng - “Theo đơn đặt hàng,” nó viết như vậy phía trên dấu Hoàng gia, “J.R. Gaunt & Son Ltd, 60 phố Conduit, London.” Và giờ thì tôi đã nhớ ra rằng, hồi còn nhỏ, cái tên công ty ấy - nó còn tồn tại nữa không? Nếu tôi đi tìm thì liệu nó có còn ở đó? - có vẻ như cũng là một phần của trích dẫn.
Tôi nhẹ nhàng lấy nó ra, ngạc nhiên bởi trọng lượng tấm huân chương của cha, y như hồi tôi còn bé.
“Pat từng rất thích nghịch huân chương của cha,” mẹ tôi cười.
“Mẹ để Pat chơi với cái này sao?” tôi nói, ngỡ ngàng.
“Thằng bé thích ghim nó lên người mẹ,” mẹ mỉm cười. “Mẹ phải làm công chúa Layla ở cuối cái phim đấy.”
“Leia mẹ à. Cô ấy là Công chúa Leia.”
Vừa quá nửa đêm, và chúng tôi giờ đã quá mệt để có thể ngồi bên giường bệnh của ông thêm được nữa, nhưng cũng quá bồn chồn để có thể chợp mắt. Thế nên chúng tôi định uống một cốc trà nóng. Vốn vẫn là đáp án của mẹ cho mọi chuyện.
Trong khi mẹ đi nấu nước, tôi nắm tấm huân chương trong lòng bàn tay và nghĩ về những trò chơi hồi nhỏ đã chuẩn bị sẵn sàng cho tôi trở thành một người đàn ông giống như cha tôi khi xưa, và như ông cha tôi trước thời của cha tôi - một người đàn ông chiến đấu, một người đàn ông đã hôn tạm biệt một người phụ nữ mắt rưng rưng nào đó, rồi khoác bộ quân phục và ra trận.
Khi nhìn lại những trò chơi chúng tôi từng chơi trên cánh đồng và ở những ngõ hẻm khi tôi còn thơ ấu, chúng có vẻ không chỉ là trò tiêu khiển của trẻ con ngợi ca phẩm chất nam nhi - chúng có vẻ như đã giúp chúng ta sẵn sàng cho cuộc chiến tiếp theo, cho trận Normandy hay Dunkirk hay Monte Casino của riêng mỗi người.
Thế hệ của tôi đã chơi các trò chơi với súng giả - hay những cái gậy giả làm súng, hay những ngón tay giả làm súng, bất kỳ cái gì cũng có thể thay thế cho một khẩu súng - và không ai nghĩ rằng chuyện đó là độc hại hay chướng tai gai mắt. Nhưng cuộc chiến duy nhất mà chúng tôi từng chứng kiến hồi thanh niên chỉ là những cuộc chiến nhỏ, những cuộc chiến truyền hình, cũng thật và nguy hiểm tới tính mạng dân thường ngang với những trò chơi điện tử.
Thế hệ tôi, một trong những thế hệ cuối cùng của những cậu bé chơi súng giả, may mắn hơn mình tưởng. Khi lớn lên, chúng tôi không có một cuộc chiến đang chờ đợi mình. Không có quân Đức hay quân Nhật để chúng tôi chiến đấu.
Những người vợ, đó là đối thủ của chúng tôi, cái thế hệ đàn ông may phước được hưởng hòa bình này. Và vụ xử ly dị trên tòa, đấy là nơi chúng tôi chiến đấu trong những cuộc chiến nhỏ bé tầm thường của mình.
Tôi đã nhìn thấy những vết sẹo trên người cha đủ nhiều để biết là chiến tranh không phải một bộ phim của John Wayne. Nhưng những người đàn ông còn sống sót - những người trở về nhà ít nhiều nguyên vẹn - đã tìm thấy cho mình một ai đó để ở bên trọn đời. Cái nào tốt hơn? Chiến tranh và tình yêu hoàn hảo? Hay hòa bình và thứ tình yêu chia thành từng đợt năm, sáu hay bảy năm? Ai là người thực sự may mắn? Cha tôi hay tôi?
“Con thực sự thích cô gái này phải không?” mẹ tôi nói, quay lại phòng, mỗi tay cầm một chiếc cốc bốc hơi nghi ngút. “Ý mẹ là người phụ nữ này. Cyd. Con rất thích cô ấy.”
Tôi gật đầu.
“Ước gì chúng con cố gắng được. Như mẹ và cha. Thời đại này, chuyện đó dường như là bất khả thi vậy.”
“Con quá sướt mướt về quá khứ đấy,” mẹ nói, nhưng không có vẻ trách móc. “Con tưởng nó toàn là bia nâu và hoa hồng. Nhưng nó khó khăn hơn thế.”
“Nhưng cha mẹ đã hạnh phúc mà.”
“Ừ, đúng vậy,” bà nói, mắt nhìn ra một nơi xa xăm nào đó mà tôi không theo nổi. “Cha mẹ đã hạnh phúc.”
Và tôi tự nhủ - tôi cũng hạnh phúc.
Khi nghĩ về thời thơ ấu của mình, tôi nghĩ về một tháng Tám nóng hừng hực nào đó - ngay đầu tháng, khi kỳ nghỉ sáu tuần vẫn trải dài rực rỡ trước mắt, và tôi biết là sẽ có những chuyến đi tới những quán rượu đồng quê nơi cha và các chú sẽ chơi phi tiêu và mang ra cho tôi và các anh chị em họ nước chanh và bim bim khi chúng tôi ngồi chơi trên vườn cỏ, những bà mẹ đang cười vui bên mấy chai Babychams trên bàn gỗ, tránh xa đám đàn ông như phụ nữ Hồi giáo.
Hay là một ngày lễ nào khác - Giáng sinh, đêm muộn với các cô chú vừa hút thuốc và uống rượu vừa lập nhóm chơi bài, với quả bóng trong ngày Lễ Tặng Quà ở công viên Upton mờ sương cho những người đàn ông và bọn con trai.
Hoặc là buổi chạy ra bờ biển vào ngày nghỉ, với những đám mây kẹo bông hồng to tướng và mùi của biển lẫn với hành tây rán, hay đường đua chó nơi mẹ tôi luôn đặt cược vào con chó số sáu vì bà thích cái màu đó, bà thích cách con số màu đỏ tương phản với sọc đen trắng.
Tôi thấy biết ơn cái thời thơ ấu ngoại ô ấy - những chuyến xe và bài bạc có điểm dừng và những chuyến đi chơi trong ngày còn lưu lại nơi ký ức - nó có vẻ như là một thời thơ ấu đầy ắp sự sống và tình thương yêu, một thời điểm thật tốt để lớn lên, khi mà Bobby Moore chơi cho West Ham và Hoa hậu Thế giới chiếu trên ti vi và mẹ và các cô tôi mặc váy ngắn.
Và cho dù tuổi thơ của con trai tôi có nhiều thứ vật chất hơn, nó còn có cả sự tan vỡ tê tái của ly dị.
Với tất cả những kỹ năng ngoại giao và áo giáp cảm xúc mà một đứa trẻ năm tuổi có thể có được, giờ con trai tôi bật nảy giữa mẹ và bạn trai của mẹ với cha và trái tim bị bầm tím nặng nề của cha. Một đầu thu video và ghế lái phụ của một cái xe bóng nhoáng xem ra chỉ là một khoản bồi thường rất nhỏ cho tất cả những điều đó.
Tôi cảm thấy như thể Gina và tôi - và hàng triệu cặp đôi khác y hệt chúng tôi - không để lại bao nhiêu cho thế hệ sau.
“Chuyện giữa cha mẹ ổn bởi vì cha mẹ làm cho nó ổn,” mẹ tôi nói. “Vì cha mẹ đã muốn nó ổn. Vì - ngay cả khi cha mẹ không có tiền, ngay cả khi cha mẹ không có nổi một đứa con - cha mẹ vẫn không vẫy cờ trắng. Ta phải đấu tranh vì kết cục có hậu của mình Harry à. Nó không tự nhiên rơi vào lòng ta đâu.”
“Mẹ nghĩ là con không đấu tranh vì kết cục có hậu của mình à? Mẹ nghĩ là con không có đủ sức chiến đấu à? Không bằng cha ạ?”
Tôi tò mò muốn biết mẹ nghĩ gì. Có hồi, khi tôi còn trẻ và ngạo mạn, tôi từng cảm thấy cha mẹ tôi không biết gì về cuộc sống bên ngoài cái vườn gọn ghẽ và phòng khách sưởi quá ấm của mình. Nhưng giờ thì tôi không cảm thấy thế về họ nữa.
“Mẹ nghĩ là con vẫn còn rất nhiều sức chiến đấu Harry à. Nhưng nhiều khi con tự hành hạ bản thân. Con không thể là người đàn ông giống hệt như cha ngày xưa - đó là một thế giới khác. Gần như là một thế kỷ khác. Con phải chiến đấu ở những trận chiến khác và không kỳ vọng có ai gắn một cái huân chương lên ngực mình. Một thân một mình gà trống nuôi con - con nghĩ là cha con làm được thế sao? Mẹ yêu cha hơn cả sinh mệnh của chính mình, nhưng việc đó nằm ngoài khả năng của cha. Con phải cứng cáp ở những mặt khác. Con phải là một người đàn ông mạnh mẽ theo kiểu khác.”
Tôi đặt lại tấm huân chương vào hộp và điện thoại kêu.
Mẹ tôi chớp mắt nhìn cái đồng hồ rồi quay lại tôi, mắt đẫm lệ. Mới vừa quá bốn giờ sáng và đây chỉ có thể là chú Jack gọi từ bệnh viện.
Cả hai chúng tôi đều biết.
Chúng tôi ghì chặt nhau, tiếng điện thoại vẫn kêu trong sảnh. Kêu mãi kêu mãi.
“Đáng lẽ ra chúng ta phải ở đó với ông ấy,” mẹ tôi nói, như bà sẽ nói bao nhiêu lần trong những ngày và những tuần và những năm sắp tới. “Đáng lẽ ra chúng ta phải ở đó.”
Kết cục có hậu là như thế này đây, tôi cay đắng nghĩ. Ta sống cả đời với ai đó và rồi, nếu họ mất trước ta, ta có cảm giác như thể ta đã mất hết tay chân của mình.
Ít ra thì thế hệ của tôi - cái thế hệ phá phách, trốn tránh và làm loạn - sẽ đỡ phải biết chính xác cảm giác bị cắt cụt chân tay là như thế nào. Giả sử rằng chúng tôi không có một kết cục có hậu của riêng mình.
Tôi nhấc điện thoại lên và chú Jack nói với tôi rằng cha tôi đã mất.
Đến sáng, tôi lên phòng gặp Pat ngay khi nghe thấy tiếng bước chân thằng bé bì bạch trên sàn nhà tiến đến chỗ các hộp đồ chơi mà cha mẹ tôi luôn cất riêng cho nó ở phòng ngủ nhỏ, căn phòng mà lần nào nó cũng ngủ ở đó mỗi khi đến đây, căn phòng từng là của tôi.
Nó ngước mắt lên nhìn tôi từ hộp đồ chơi, mỗi tay cầm một hình nộm Chiến tranh giữa các vì sao, mắt vẫn húp lên ngái ngủ. Tôi bế nó lên, thơm lên khuôn mặt đáng yêu của nó, và ngồi xuống giường, đặt thằng bé trên đùi mình.
“Pat à, ông con mất tối qua.”
Nó chớp mắt đôi mắt xanh da trời nhìn tôi.
“Ông đã ốm được một thời gian dài rồi và giờ ông không phải đau đớn nữa,” tôi nói. “Giờ ông đã thanh thản. Chúng ta có thể vui phải không? Ông không còn đau đớn nữa. Ông sẽ không bao giờ phải thấy đau nữa.”
“Bây giờ ông ở đâu ạ?”
Tôi không biết nói gì.
“Thì, ông đang ở bệnh viện. Ông sẽ được chôn sau.”
Tôi nhận ra là mình chẳng biết gì về những công đoạn hành chính của cái chết. Bao giờ thì họ sẽ đưa xác ông ra khỏi bệnh viện? Trước đám tang thì người ta sẽ giữ nó ở đâu? Và chính xác thì người ta là ai?
“Hiện giờ chúng ta thấy buồn,” tôi nói. “Nhưng rồi một ngày chúng ta sẽ biết ơn cuộc sống của ông. Chúng ta sẽ nhận ra rằng mình thật may mắn - cha may mắn vì đã có ông là cha và con may mắn vì đã có ông là ông. Cả hai chúng ta đều vô cùng may mắn. Nhưng hôm nay thì chúng ta chưa thể cảm thấy may mắn được. Còn sớm quá.”
Pat gật đầu, rất nghiêm túc. “Ông vẫn ở bệnh viện ạ?”
“Thân thể ông thì ở bệnh viện. Nhưng linh hồn ông thì đi mất rồi.”
“Linh hồn ông là gì ạ?”
“Đấy là sức sống đã tạo nên con người ông.”
“Nó đi đâu rồi ạ?”
Tôi hít một hơi.
“Có người nghĩ rằng linh hồn lên thiên đường và sống mãi mãi. Cũng có người nghĩ rằng nó biến mất và rồi ta ngủ mãi mãi.”
“Cha tin cái nào ạ?”
“Cha nghĩ là linh hồn vẫn tiếp tục sống,” tôi nói. “Cha không biết là nó ở thiên đường hay ở một nơi khác, một nơi mà cha không biết gì về nó cả. Nhưng linh hồn không chết. Nó tiếp tục sống. Ngay cả khi chỉ là trong trái tim của những người ta yêu quý.”
“Con cũng tin là vậy,” con trai tôi nói.
Với cái mui bị rạch tan tành của chiếc MGF tơi tả như một cánh buồm rách trong cơn lốc dữ, tôi lái xe chầm chậm trên con đường chính của cái thị trấn nhỏ bé nơi tôi đã lớn lên, trong khi bản thân không còn nhận ra nổi nơi này nữa.
Khắp nơi, các cửa hàng và quán cà phê nhỏ mà tôi từng quen mặt nay đã trở thành những văn phòng môi giới bất động sản hay những đại lý của một chuỗi cửa hàng lớn nào đó. Thảo nào mà người Anh mong muốn được vẫy lá cờ St. George đến tuyệt vọng, để nhắc nhở bản thân rằng gốc rễ của chúng ta cũng sâu và sắc nét không kém gì người Ai Len và Scotland. Đây là quê tôi. Nhưng chẳng khác gì bao nơi khác.
Tôi không nhìn thấy bất kỳ thứ gì quen thuộc cho đến khi tôi bắt gặp chú Jack trong căn phòng nhỏ ấm cúng nằm trong góc quán Red Lion cũ kỹ, cái quán rượu này như thể là một phần của con đường lớn đã được bảo vệ bởi một lệnh bảo tồn không chính thức. Chú đang chìm trong mây mù khói thuốc, khum tay che điếu thuốc, uống nước khoáng dưới xà gỗ sồi và đồ trang trí yên ngựa.
“Chia buồn về chuyện cha cháu, Harry à.”
“Cảm ơn chú.”
“Cháu muốn một điếu không? Hay ta làm luôn?”
“Ta làm luôn đi ạ.”
Chú Jack ở bên tôi trong lúc tôi giải quyết các công đoạn hành chính của cái chết. Tôi vẫn tê liệt bởi thiếu ngủ và cơn sốc khi biết cha tôi không còn trên đời nữa. Nhưng sự hiện diện vạm vỡ, không ngừng hút thuốc của chú Jack làm mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều với tôi.
Chúng tôi lái chiếc MGF đến bệnh viện và nhận cái túi nhỏ đến tội nghiệp từ ban quản lý trong đó có chứa đồ của cha tôi.
Ví của ông với một tấm ảnh đứa cháu trai, kính đọc sách, răng giả của ông.
Đấy là tất cả những gì còn lại của ông, được đưa cho tôi không kèm theo chút cảm xúc hay lời chia buồn nào. Tại sao họ lại phải buồn vì ông? Hay vì tôi cơ chứ? Họ đâu có quen cha tôi. Chúng tôi lại tiếp tục làm thủ tục.
Vì một lý do hành chính khó hiểu nào đó, chúng tôi phải khai tử ở một thị trấn nhỏ mà tôi chưa từng đến bao giờ, cho dù với những cửa hàng Burger King và Body Shop và những văn phòng môi giới bất động sản, đáng buồn thay trông chúng thật quen thuộc.
Một phần trong tiến trình sống và chết vĩ đại, chúng tôi xếp hàng sau một đôi vợ chồng trẻ tuổi khai sinh cho con của họ, trước một bà cụ khai tử cho chồng mình. Và tôi tự hỏi tại sao Nigel Batty lại than phiền về chuyện đàn ông chết trước vợ họ chứ. Thật may mắn khi không phải đến nơi này, thật may mắn khi không bị buộc phải sống một mình.
Sau cùng, chúng tôi quay về quê để gặp nhân viên dịch vụ tang lễ. Giống như quán rượu, đây là một nơi chưa từng thay đổi trong ký ức của tôi - uống say mèm và chết bất thần, hai điều bất diệt của những con phố sầm uất trên đất nước Anh này.
Với ô cửa sổ ủ rũ bày những tấm bia trắng xếp cạnh không biết bao nhiêu thước lụa đen, cái cửa hàng cho những người đã mất này hồi tôi còn nhỏ lúc nào trông cũng như đang đóng cửa, và hiện giờ trông nó có vẻ đã đóng cửa. Khi tôi còn bé và vừa phát hiện ra là mình sẽ không sống mãi mãi, tôi thường im lặng nhanh chân đi qua nơi này. Giờ thì tôi vào hẳn bên trong. Và thấy cũng không sao. Chú Jack đặt nhẹ tay lên vai tôi và tôi bình tĩnh nói chuyện với nhân viên dịch vụ tang lễ về những chi tiết của đám tang, như thể chuyện này xảy ra với tôi hằng ngày. Khi đã có giấy khai tử, xem ra nói chuyện với người đàn ông ủ rũ cao tuổi mặc đồ đen này về lễ chôn cất cha tôi cũng là việc hoàn toàn tự nhiên. Khoảnh khắc lạ lùng thật sự là khi, gần như với vẻ tội lỗi, người nhân viên dịch vụ tang lễ chìa ra một quyển quảng cáo bóng bẩy. Tôi phải chọn quan tài cho cha.
Nó chỉ là một quyển quảng cáo bình thường - ảnh trang nhã, cách trình bày đẹp mắt - và nhân viên dịch vụ tang lễ nhẹ nhàng chỉ cho tôi, bắt đầu từ những cái bằng gỗ thông rẻ nhất, đơn giản nhất, đến tận những cái loại xịn nhất, một cái quan tài to gỗ cứng viền nhung đỏ được trang hoàng tay cầm lớn bằng đồng.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chọn cái đắt nhất - làm cho nó hoành tráng đi, không có gì là quá tốt cho ông già của tôi. Nhưng ý nghĩ thứ hai của tôi là quan tài loại xịn nhất thì hơi quá trau chuốt để cha tôi ngủ giấc ngủ vĩnh hằng.
Tôi lưỡng lự, và nói với nhân viên dịch vụ tang lễ rằng chúng tôi sẽ lấy cái quan tài đắt thứ nhì. Và khi chú Jack và tôi đã quay ra ngoài phố, tôi thấy hài lòng với lựa chọn của mình.
“Ông già cháu sẽ giận điên vì cái quan tài xịn kia,” chú Jack cười.
“Cái đắt nhất ấy ạ?” tôi mỉm cười. “Vâng, cháu nghĩ là cái đó hơi quá đáng.”
“Tay cầm vàng và viền nhung đỏ!” chú Jack cười mỉm. “Nó trông giống nhà thổ ở Pháp hơn là một cái quan tài!”
“Đến phải bật mồ mà sống dậy,” tôi bật cười. “Cháu biết ông sẽ nói gì nếu mình chọn cái kia - ‘Con nghĩ cha là ai? Napoleon chết tiệt chắc?’ “
Tôi có thể nghe thấy giọng nói của ông.
Tôi sẽ không bao giờ nghe thấy giọng nói của ông lần nữa.
Tôi sẽ luôn nghe thấy ông.