Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 34
Cuộc va chạm đầu tiên giữa ông Đỗ và ông Kim diễn ra chỉ hai ngày sau khi ông Đỗ lên thay ông Ẩn. Ban đầu chỉ là câu chuyện mang tính xã giao của cả đôi bên, ôn lại vài kỷ niệm thời cùng đơn vị. Cuộc chiến bắt đầu ngay ngày hôm sau. Một cuộc chiến dai dẳng gần như đến tận cuối đời của ông Kim.
Ông Đỗ gọi điện thoại mời ông Kim sang chỗ mình làm việc. Ngồi uống chén nước ông Đỗ đưa cho, ông Kim hỏi luôn:
- Anh cho tôi biết nội dung làm việc hôm nay để tôi còn suy nghĩ nhằm trả lời đầy đủ cho anh?
- Tôi muốn tìm hiểu tình hình Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Phước Vĩnh theo chỉ thị của anh Trung Chính.
- Chúng tôi có vấn đề gì hay sao mà anh Trung Chính chỉ thị cho anh tìm hiểu?
- Anh Trung Chính nghe các đồng chí phái viên về báo cáo một số việc làm của các anh đối với hợp tác xã nông nghiệp, anh Trung Chính tỏ ra không bằng lòng nên yêu cầu tôi tìm hiểu kỹ để báo cáo lại với anh ấy.
- Anh Trung Chính không bằng lòng chúng tôi về chuyện gì? Có phải những điều anh Bao báo cáo với anh ấy có phải không?
- Anh Bao báo cáo sai sự thật hay sao?
- Tôi không biết anh Bao báo cáo những gì, nhưng chắc chắn anh ấy nói lại với anh Trung Chính về những việc chúng tôi đang làm theo quan điểm nhìn nhận của anh ấy nên anh Trung Chính mới tỏ ra không vừa ý.
- Anh Bao báo cáo là một việc. Cái chính là bản dự thảo về quản lí lao động nông nghiệp trong các Hợp tác xã của các anh. Ở đó anh Trung Chính đã chỉ rõ những sai lầm hết sức nghiêm trọng của tỉnh ủy các anh.
- Anh có đọc bản dự thảo ấy không?
- Trước khi giao nhiệm vụ cho tôi lên đây thay anh Ẩn, anh Trung Chính có đưa cho tôi đọc.
- Anh đồng ý với nhận định của anh Trung Chính chứ?
- Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của anh Trung Chính. Các anh đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng đối với đường lối tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.
- Tôi muốn hỏi anh câu này. Đường lối tập thể hóa của Đảng nhằm mục đích gì?
- Tôi có phải trẻ con đâu mà anh hỏi tôi câu ấy.
- Anh coi thường trẻ con rồi. Tôi cam đoan với anh rằng, nếu tôi đưa câu ấy ra hỏi một đứa trẻ con trên mười tuổi, nó có thể trả lời cho anh hay là đường lối tập thể hóa của Đảng là nhằm đưa lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Tất nhiên chúng chẳng biết Chủ nghĩa Xã hội là gì nên chúng chỉ trả lời một câu giản đơn vậy thôi. Nhưng thực hiện cho được câu trả lời giản đơn ấy không phải là dễ. Chúng tôi phải đấu tranh để tự mình vượt qua được những quan niệm máy móc, giáo điều, xơ cứng mới có được những điều đề ra trong bản dự thảo ấy đấy anh ạ. Sai lầm nghiêm trọng? Sao lại thế được? Từ chỗ mấy năm qua năng suất của chúng tôi chỉ đì đẹt ở mức một tấn hai đến một tấn rưỡi một héc-ta. Thế mà vụ chiêm này bà con nông dân khẳng định với tôi sẽ đạt năng suất trên ba tấn một héc-ta. Từ chỗ hàng năm, Hợp tác xã không đạt chỉ tiêu cân lợn bán nghĩa vụ cho Nhà nước thì nay lại vượt chỉ tiêu 150%. Bộ mặt các Hợp tác xã đang dần dần khởi sắc nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất. Anh bảo tỉnh ủy chúng tôi sai lầm ở chỗ nào? Nếu anh chỉ cho tôi thấy mình sai lầm ở chỗ nào, tôi xin chịu kỷ luật trước Đảng và bà con nông dân tỉnh chúng tôi.
Những câu cuối cùng, cổ ông Kim như tắc nghẹn. Giọng ông đứt từng quãng.
Từng công tác dưới quyền ông Kim nên ông Đỗ rất hiểu tính tình của ông Kim. Không dễ gì nói năm ba câu đã lay chuyển được ý chí của con người này. Thôi thì đành vận dụng chiến thuật trong quân sự tạm lui về phòng ngự chuẩn bị lực lượng rồi sẽ tấn công sau vậy. Nghĩ thế ông Đỗ nói:
- Có lẽ tôi mời anh sang làm việc đột ngột quá nên anh chưa suy nghĩ kịp những điều anh cần nói. Thực ra vấn đề không quá nặng nề như anh nghĩ. Có lẽ tỉnh ủy các anh hơi nôn nóng khi thấy tình hình sản xuất nông nghiệp nhiều nơi yếu kém nên muốn nhanh chóng khắc phục tình trạng trên nên đề ra những quyết sách chưa thật đúng đắn. Theo tôi chuyện khắc phục chuyện này dễ thôi. Chỉ cần…
Nhận ra chân tướng của ông Đỗ, ông Kim ngắt lời:
- Anh bảo chỉ cần gì? Có phải chỉ cần chúng tôi nhận mình sai lầm và để cho nông dân chết đói là mọi việc đều ổn cả phải không? Tôi bảo đảm với anh là không bao giờ có chuyện đó đâu.
Ông Đỗ nhìn ông Kim. Bao nhiêu năm rồi mà tính tình ông ấy chẳng thay đổi chút nào. Mạnh mẽ, quyết đoán. Chiến thắng được con người này không phải dễ. Tạm thời lui quân để tìm lấy một chiến thuật khác may ra mới đánh gục được đối phương.
Ông Đỗ rót thêm nước vào chén của ông Kim rồi dịu giọng:
- Buổi làm việc đầu tiên có lẽ cả anh lẫn tôi chưa thật hiểu nhau nên ta tạm dừng ở đây để mỗi người có thời gian suy nghĩ. Có lẽ hôm sau tôi sẽ mời anh làm việc với tập thể tổ phái viên có khi có những ý kiến khách quan hơn.
Hắn định dùng áp lực của tập thể để đàn áp ý kiến của mình đây. Ông Kim nghĩ vậy nên uống xong chén nước, ông đứng lên chào ra về chứ không nói thêm lời nào.
2
Bao cầm tờ báo đi vào phòng làm việc của Đình.
- Có bản tin mật của Thông tấn xã Việt Nam đưa nhiều tin hay lắm. Trong này có một bài bình luận của một tay nhà báo Mỹ nói về cuộc chiến tranh Việt Nam rất tuyệt, tôi đưa qua cho ông đọc để tham khảo.
Đình ngước lên hỏi:
- Tay nhà báo Mỹ này đứng về phía nào để bình luận?
- Nó bình luận một cách khách quan chứ không đứng về phía nào cả.
- Cái thằng BBC thỉnh thoảng phát một bài nghe cũng sướng tai lắm. Nó ca ngợi quân giải phóng miền Nam hết lời.
- Âm mưu của chúng đấy. Thỉnh thoảng chúng nó nói vài câu ca ngợi Mặt trận Giải phóng để mọi người nghĩ là chúng nó đưa tin khách quan, sau đó là những tin toàn có lợi cho Mỹ-ngụy, khiến mọi người tin là nó nói thật.
Đình rót nước mời Bao rồi buông ra câu hỏi thăm dò:
- Hình như hôm qua tổ phái viên làm việc với ông Kim à?
- Ông nghe ai nói?
- Tôi thấy ông Kim ra về với bộ mặt giận dữ, nói chuyện lại với bà Thường.
- Ông Kim nói gì?
Đình cười vẻ bí hiểm để moi tin của Bao:
- Thì cũng loanh quanh chuyện các anh bảo là sai, ông Kim lại cho là đúng chứ chẳng có chuyện gì.
- Ông Kim nói đúng đấy. Cuộc cãi vã giữa ông Đỗ và ông Kim chưa có hồi kết thúc.
Đình thất vọng với câu trả lời của Bao nên nói qua chuyện khác:
- Ngày mồng chín tới tổ chức hội nghị tỉnh ủy để thảo luận và thông qua Nghị quyết về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp đấy anh ạ.
Bao tỏ ra quan tâm với câu thông báo của Đình:
- Thế à? Ông thấy xu thế chung thế nào?
- Được thông qua là chắc chắn.
- Thế thì ông Kim đang định đùa với hổ rồi. Không biết cái ghế bí thư tỉnh ủy của ông ấy sẽ ra sao đây.
- Tôi nghĩ khó giữ được.
Bao hỏi:
- Ông có bản Nghị quyết trong tay không?
Đình đáp:
- Có. Mỗi tỉnh ủy viên đều được phát một bản để nghiên cứu trước. Tôi định đưa cho anh xem khi đọc xong nhưng rút kinh nghiệm lần trước tôi đưa bản dự thảo cho anh, anh lại đưa về cho anh Trung Chính thành thử tôi bị phê bình là đưa tài liệu nội bộ cho người khác xem. Anh muốn xem nguyên văn Nghị quyết thì tôi đưa cho anh ngồi đây mà đọc. Ngắn thôi mà, chỉ có hơn mười trang đánh máy.
Đình đứng lên đi đến cái tủ đựng tài liệu lục lọi một lát rồi cầm bản Nghị quyết đến đưa cho Bao.
- Nói chung Nghị quyết này dựa trên văn bản của bản dự thảo trước đây, chỉ bổ sung thêm vài điểm.
Bao cầm lấy bản Nghị quyết hỏi Đình:
- Anh nhận xét thế nào?
- Tôi đã nói với anh Nghị quyết này là cả một mớ bòng bong. Chỗ này thì xác định Hợp tác xã là đơn vị kinh tế Xã hội chủ nghĩa nhưng chỗ kia lại lấy đất chia cho nông dân sản xuất. Đã gọi là một đơn vị kinh tế Xã hội chủ nghĩa thì trước hết phải công hữu hóa cao độ tư liệu sản xuất. Tất cả là của chung. Có như vậy mới cắt triệt để cái đuôi tư hữu của nông dân. Nếu không tách tư liệu ra khỏi hộ nông dân thì còn gọi Hợp tác xã làm gì.
Bao khen:
- Câu này thì chẳng ai cãi ông được.
- Thế mà khi đưa Nghị quyết này ra xem xét ở Ban thường vụ, hầu hết đều phản đối tôi đấy.
- Rồi đây trước hội nghị tỉnh ủy, ông có dám bảo vệ quan điểm của mình không?
- Tính tôi bao giờ cũng trước sau như một. Nghị quyết về quản lí lao động nông nghiệp trong Hợp tác xã là một sai lầm, nó sẽ đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể.
Bao vỗ tay tán thưởng:
- Giọng điệu của ông khí khái chẳng thua kém gì ông Kim.
- Không thể so sánh tôi với ông Kim được. Việc gì tôi không nhất trí với ông ấy thì tôi đấu tranh đến cùng. Nhưng tôi vẫn rất kính trọng ông ấy. Phải nói đó là một con người chỉ biết sống vì cái tâm chứ không quan tâm gì đến địa vị, danh vọng. Hiếm lắm anh ạ.
Bao lại giở giọng triết lí:
- Trong mỗi con người bao giờ cũng chứa đựng đầy đủ hai yếu tố. Đó là tình cảm và lí trí. Ở người bình thường thì coi trọng tình cảm mà nhẹ phần lí trí. Nhưng với những người ở cương vị lãnh đạo thì bao giờ cũng đặt lí trí lên hàng đầu. Phải có cái đầu lạnh thì mới có thái độ quyết đoán và không phạm phải sai lầm. Ông Kim sống kiểu để cho trái tim làm chủ cái đầu thành thử thường chạy theo quần chúng.
Đình ngẫm nghĩ thấy Bao nói cũng có lí.
- Có lẽ anh nói đúng. Ông Kim thường giải quyết công việc theo tình cảm. Đây là một nhược điểm của ông ấy - Đình ngừng lại rồi quay sang hỏi chuyện khác - Anh Đỗ về nhận công tác mấy hôm nay rồi mà tôi chưa qua chào hỏi anh ấy được. So với anh Ẩn thì anh Đỗ có gì khác không anh?
- Anh Đỗ là một con người sống rất nguyên tắc. Khác hoàn toàn với anh Ẩn và anh Sắc. Anh Trung Chính rất quý anh ấy.
Đình dò hỏi buổi gặp gỡ giữa ông Đỗ và ông Kim. Bao kể tỉ mỉ đến từng chi tiết và nói thêm:
- Anh Đỗ kiên quyết phản đối những việc làm đang diễn ra ở các Hợp tác xã trong tỉnh Phước Vĩnh. Anh ấy yêu cầu tỉnh ủy Phước Vĩnh phải chấn chỉnh lại việc làm của mình.
Đình hỏi:
- Ông Kim bảo sao?
- Ông Kim phản ứng dữ dội. Ông ấy cho rằng tổ phái viên chỉ có nhiệm vụ báo cáo việc làm của tỉnh ủy về Ban bí thư chứ không có quyền ra lệnh cho tỉnh ủy Phước Vĩnh phải làm thế này thế nọ.
- Tôi thấy chỗ này thì ông Kim đúng. Đáng ra các anh không nên bảo ông Kim cho dừng lại những việc đang làm mà chỉ nói cho ông ấy biết sẽ báo cáo việc này với anh Trung Chính hoặc Ban bí thư, có khi khiến ông Kim phải suy nghĩ.
Bao cười:
- Đây cũng là bài học đầu tiên để cho anh Đỗ nhận biết ông Kim là người thế nào.
- Hình như khi còn ở trong quân đội, anh Đỗ là cấp dưới của ông Kim có phải không? Nếu đúng như vậy thì rất khó làm việc đấy. Không khéo anh với tôi được tọa sơn quan hổ đấu đây.
Bao cười và đưa tập Nghị quyết trả cho Đình.