Số lần đọc/download: 2501 / 60
Cập nhật: 2016-06-19 02:18:00 +0700
Giai Thoại 34: Lý Long Xưởng Vừa Sợ Vừa Thẹn
C
hiêu Linh thái hậu biết thuyết phục Tô Hiến Thành hợp mưu phế Long Trát để lập Long xưởng là không thể được, nhưng vẫn cố nói lần cuối cùng. Đây là lần căng thẳng nhất và ngay sau đó thì chỉ chút xíu nữa là có chuyện thanh toán lẫn nhau. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 9 - a) chép rằng:
“Thái hậu biết rằng âm mưu của mình không thành, song vẫn quyết không chịu đổi ý. (Bởi vậy), Bà cho mời Tô Hiến Thành đến và bảo rằng:
Ông đối với nước có thể gọi là trung đấy. Song, tuổi ông cũng đã về chiều, vua Ông đang thờ vua thì tuổi còn nhỏ, những việc ông làm rồi ai sẽ biết cho? Chi bằng lập Trưởng quân (chỉ Lý Long xưởng ND) thì người đó sẽ mang ơn ông mà cho ông được giàu sang lâu dài, thế có phải là hay hơn không?
Hiến Thành đáp:
- Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là việc mà bậc trung thần nghĩa sĩ chịu làm. Huống chi, di chúc tiên vương còn văng vẳng bên tai, công luận sẽ nói như thế nào? Thần không dám phụng chiếu.
(Nói xong thì) đi nhanh ra ngay. Thái hậu bèn sai người mời Bảo Quốc Vương (tức Lý Long xưởng - ND) đến gấp. Bảo Quốc vương nửa mừng nửa sợ, lấy thuyền nhỏ mà theo sông Tô Lịch vào kinh. Hiến Thành bèn mời các quan chức tả hữu đến, dụ bảo rằng:
- Tiên vương thấy ta và các ngươi hết sức phò vua, không ở hai lòng nên mới phó thác ấu chúa cho chúng ta. Nay Bảo Quốc vương nghe lời Thái hậu, muốn phế bỏ Chúa thượng để tự lập làm vua các ngươi phải hết lòng cố gắng, nghe mệnh ta truyền bảo, ai vâng mệnh ta, ta thưởng cho suốt đời, ai trái lệnh ta, ta sẽ giết ở chợ. Các ngươi nên gắng sức.
Các quan ai nấy đều nghe mệnh. Lát sau, Bảo Quốc vương đến cửa Ngân Hà. Thái hậu cho mời gấp lắm. Bảo Quốc vương toan vào nhưng bị các quan ngăn lại, nói rằng:
- Chúng tôi chưa được nghe chiếu chỉ nên không dám phụng mệnh. Nếu vương cứ cố mà vào thì kẻ phạm đến vương không phải là chúng tôi mà là quân lính đấy.
Bảo Quốc Vương nghe nói thế, vừa sợ vừa thẹn mà bỏ đi”.
Lời bàn:
Sự đối nghịch giữa Chiêu Linh và Tô Hiến Thành nào phải chỉ là sự đối nghịch trong một ý kiến cụ thể. Thực ra, đây là sự đối nghịch của hai nhân cách, của thấp hèn và cao thượng, của gian tà và trung nghĩa, của ích kỉ với chí công... Long xưởng và Chiêu Linh gặp nhau ở sự thấp hèn, gian tà và ích kỉ, ở sự công khai chống đối quyết liệt vì những mục đích cá nhân của mình. Song, điều đáng nói ở đây chính là việc sử đã chép rõ Long xưởng vừa sợ vừa thẹn. Kẻ nổi danh ngang tàng, vì sao lúc này lại sợ? Ấy là bởi hơn ai hết, Long xưởng tự biết mình bất nghĩa. Kẻ to gan từng làm chuyện loạn luân nhơ nhuốc ở trong cung đình, vì sao lúc này lại thẹn? Ấy là bởi, chút nhân bản cực kì hiếm hoi đã xuất hiện trong con người Long xưởng, Long xưởng tự biết mình vô đạo quá mức.
Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng thấy sử chép việc Long xưởng vừa sợ vừa thẹn. Dầu ít ỏi đến mức chỉ có một lần, nhưng thế còn hơn là không.