Anger is like a storm rising up from the bottom of your consciousness. When you feel it coming, turn your focus to your breath.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Văn Nhẫm
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 34. -
4.Cứu Diệu Hồng và Trương Vân Anh,
Cùng thuyền chủ bắt Mã Đức Kiếm.
Hai ngày sau, tới một vùng xa núi rừng, nhưng những đồi trà cao thấp liên tiếp. Chưa phải mùa hái, nên những ngọn đồi vắng bóng các giai nhân nổi tiếng nơi đây. Đi nhanh khỏi quãng đồi, hiện ra trước mắt phong cảnh đẹp tuyệt trần: một đô thị trung nguyên tắm nắng chiều bên cạnh con sông rộng lớn, đậu bờ hàng trăm chiếc giang thuyền, cột buồm như rừng tre trụi lá.
Đây là trấn Trà Lương, một đô thị phồn thịnh, trên bến dưới thuyền. Quán trọ khá nhiều, đủ hạng. Như thường lệ, Nguyên Thái chọn hạng rẻ, vừa túi tiền của người phiêu lưu thanh bạch. Cuối phố chính, gần khỏi tỉnh, một bảng hiệu làm chàng giật mình: Diệu Hồng Lữ Quán, chữ vàng nền đỏ, hãy còn mới. Chàng tưởng Từ Diệu Hồng từ Tuy Hòa lên đây mở tiệm, nhưng khi vào sảnh đường gặp nhân viên mới biết chỉ là trùng tên. Chi tiết ấy càng làm cho con người giàu tình cảm nghĩ lại những ngày ở Tuy Hòa. Chủ quán cho chàng một căn phòng trên lầu mà cửa sổ cũng trông ra sông. Đồ đạc không sang trọng, nhưng sạch sẽ tươm tất. Bằng lòng nhất cái án thư nhỏ gỗ lát nổi vân bóng lộn. Gỗ của Đoàn gia chăng? Chi tiết đó không cần, nhưng án thư trông thật dễ thương.
Mê hay thích đẹp, Nguyên Thái không rời mắt cái án thư xinh xắn, cho nên, sau bữa cơm chiều thanh đạm, chàng vội lên ngồi trước án thư, mở mấy dòng về trấn Trà Lương, và dự định biên chép tài liệu về những giống trà vùng này.
Khêu đèn, ngắm nghía án thư, chàng đưa mấy ngón tay trên thớ gỗ mịn màng. Đêm đã khuya, không sao chợp mắt. Cái án thu dưới ánh đèn le lói, như muốn gọi chàng đến bên. Linh tính thúc giục. Nguyên Thái trở lại án thư, mài mực, sửa bút lông…
Sau vài dòng về phong cảnh Trà Lương, chàng đặt bút nghiên, tò mò mở mấy ngăn kéo, nhưng khi sắp đưa tay vội rụt lại, chặc lưỡi với cảm tưởng hơi khó chịu, linh tính báo chàng có thể bị cầm chân nơi đây, thực trái với ý định rút ngắn hành trình để mau mau tới Trấn Bắc.
Rút cục chàng không tránh được thói quen tò mò quan sát. Án thư có bộn ngăn kéo. Ba ngăn trên, nhìn nghiêng còn bụi bám chút ít, duy ngăn thứ tư sạch bóng, không còn hạt bụi. Mở ba ngăn trên không thấy vật gì, trừ hai ba đồng tiền kẽm. Còn ngăn thứ tư, khỉ mở ra, một hương thơm phảng phất tỏa ra, thứ hương thơm phụ nữ kinh kỳ thường dùng trang điểm. Khứu giác tinh tế của chàng nhận ra ngay: hương thơm son phấn mà cháu tri huyện Cẩm Giang, nàng Mai Trang Hồng thường dùng…Cho là một thiếu nữ kinh kỳ đã ở phòng này trước chàng. Chàng mở hẳn ngăn kéo thì thấy trong cùng có một tờ giấy hoa tiên gấp tư, và một chiếc trâm cài tóc bằng đồi mồi, viền vàng dát ba viên ngọc, một vật báu khó lòng ai bỏ quên.
Mở tờ hoa tiên: đó là bức thư dở dang, mấy dòng chữ nét bút mềm mại:
«Tiểu muội Trương Vân Anh kính đại nhị vị hiền tẩu Bích Ngọc, Hồng Ngọc, Trần gia, phường Tả Nhất,
«Không ngờ giang thuyền đến Trà Lương sớm ba ngày, em phải tạm trú ở Diệu Hồng Lữ Quán, để chờ người liên lạc của Song Lưu Thương Xã…Em vẫn nhất định đi đến gặp song đường, thân hèn đâu đáng kể..Chỉ tiếc song đường không nghe lời can ngăn của em và nhị vị hiền tẩu…việc đã rồi…em phải… »
Bức thư dở dang đến dòng này thì hết. Nguyên Thái chưa thể đoán được chuyện gì, nhưng cứ theo ngày tháng thì được viết trước đây có hai ngày. Tự trách móc mình có một trí tưởng tượng quá mạnh, có thể rất giản dị, chẳng có chuyện gì, nàng Vân Anh đã ra đi vì công việc gấp rút. Nghĩ thế nhưng cảm tưởng khó chịu vẩn vơ trí óc, chàng liền tắt đèn, định thần nhìn quanh phòng, đằng sau án thư. Thì ra có một lỗ nhỏ bằng đồng tiền trên vách, nơi để án thư. Lấy ngón tay đẩy thì lỗ đó có nắp bằng gỗ, chàng buông màn, xếp chăn gối, như có người ngủ.
Đêm khuya yên lặng, Nguyên Thái rón rèn ra khỏi phòng. Đẩy cửa phòng bên, thì nơi đây chỉ là một phòng xép, chứa đầy chăn màn, gối nệm. Qua đống nệm, Nguyên Thái tới nơi có lỗ, thì ra lỗ có nắp tự động. Mở nắp thì từ nơi đây rõ ràng nhin khắp căn phòng. Để tay xuống sàn thì chạm phải một ít bụi tro, còn phảng phất hương trầm đặc biệt…Nguyên Thái kết luận là chàng đã lọt vào một hắc điếm, thứ quán trọ bẫy người mà trước đây, chàng tưởng chỉ có trong tiểu thuyết. Thành ra cả đêm đề phòng, sáng sau, tâm thần mệt mỏi, chàng phải ngủ thêm hai tiếng, lẽ dĩ nhiên vào khoảng thời gian an toàn nhất, khi nhân viên đã bắt đầu làm việc.
Khoảng giữa Tị, Nguyên Thái xuống văn phòng, viên quản lí đang kiểm tra mấy hành lý của khách trọ, sắp đem xuống thuyền.
Nguyên Thái hỏi:
- Xin lỗi, tôi muốn gặp người ở trước tôi, căn phòng 17. Người ấy bỏ quên một cuốn sách. -
Viên quản lý, sắc mặt biến đổi, nhưng lấy lại bình tĩnh rất nhanh:
- … Cậu muốn nói Trương công tử. Trương công tử và tiểu đồng đã rời khách sạn tối hôm qua rồi…-
- Ông có biết đi đâu không? Nguyên Thái hỏi tiếp.
- Không biết, hình như đi cùng vợ chồng ông lái buôn chè, chủ thuyền…Cậu cứ việc đưa tôi cuốn sách…khi nào Trương công tử trở lại đây, tôi sẽ hoàn lại..-. Quản lý trả lời, định gấp quyển sổ ghi danh lại. Quyển sổ này vẫn để mở từ hôm qua, sau khi Nguyên Thái ghi tên. Nguyên Thái để tay cản, như vô tình, chàng đọc nhanh mấy hàng chữ trên tên chàng:
- Ngô Tôn Ích (vợ chồng), chủ nhân giang thuyền Bạch Đằng 82…buôn chè.
- Trương Công Trị, sinh viên, và tiểu đồng, đi thăm gia đình.
Theo luật Trà Lương, quán trọ đều phải biên tính danh quan khách và mục đích qua Trà Lương. Chàng vội vàng giao cho quản lý cuốn Chinh Phụ Ngâm lượm được ở hành lang, không đả động tới cây trâm và bức thư viết dở, rồi như không quan tâm đến chuyện ấy, chàng từ từ ra cửa. Xuống bến, Trưởng giang quan cho biết Bạch Đằng 82 chưa rời bến. Chàng thở dài khoan khoái tự nhủ: Nếu thấy Trương Công Tử hay Trương Vân Anh (chắc là Vân Anh cải dạng nam nhi đi đường như Trang Tuyết Tâm, thì tâm hồn chàng được an bình).
Cuối bến Giang thuyền Bạch Đằng còn đang xuống hàng. Nguyên Thái đến trước Ngô Tôn Tích đang ngồi trên mặt thuyền, trước khay chè khói bốc. Chàng vòng tay:
- Kính chào Ngô tiên sinh, túc hạ muốn gặp Trương công tử có chuyện cần.-
Ngô Tôn Ích trả lời:
- Sáng qua, Trương công tử đã rời quán trọ, tôi không biết đi đâu.-
Nguyên Thái:
- Xin lỗi tiên sinh, trước khi từ biệt tiên sinh, có nói gì không?-
Câu hỏi này làm cho Ngô Tôn Ích tỏ vẻ không bằng lòng, rồi bà vợ cũng phụ vào:
- Cháu hỏi làm gì? Trương công tử, chắc hẳn con quan to nào đây. Vì trưởng chi thương hội giới thiệu, tôi để công tử cùng tiểu đồng quá giang, mà suốt ba ngày trời nằm dài trong khoang đọc sách, chẳng cười chẳng nói, thậm chí cơm cũng ăn riêng…Nếu tôi không làm bổn phận với chi hội thì vợ chồng tôi đã mời công tử lên bờ từ lâu rồi…Trước khi rời bên Kẻ Chợ, con trai tôi cũng học trò, muốn làm quen mà Trương công tử thoái thác mọi cách…Thôi, Trương công tử đi đâu thì đi, vợ chồng tôi không cần biết, chúng tôi làm xong bổn phận với chi hội, đưa đến Trà Lương rồi…-
Nguyên Thái để mặc ông bà trách móc một hồi, chàng nhận thấy hai người chân thật giản dị, chàng xin phép vào khoang thuyền nơi dành cho Trương công tử. Nhất chiếc gối bọc vải hồng điều, lại ngửi thấy hương thơm quyến luyến, đúng với hương thơm ở ngăn án thư và tờ giấy hoa tiên.
Đắn đo vài phút, Nguyên Thái mời Ngô Tôn Ích cùng chàng bách bộ trên bờ. Khi chàng ngỏ ý nghi ngờ Trương công tử là một nữ nhi, Ngô Tôn Ích suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Cháu nói cũng có lý, thảo nào tôi thấy có nhiều dáng điệu không hợp với nam giới…thực ra tôi và nhà tôi cũng không để ý, cho rằng Trương công tử con nhà quyền thế cho nên mới như vậy…Thế rồi, khi rời quán trọ cũng không từ biệt đích thân, lại còn nhắn quản lý viên, gửi lời chào…Tôi và tiện nội lại càng không bằng lòng -
Nguyên Thái thêm:
- Cháu bắt được lá thư viết dở, và một cây trâm trong phòng 17…như vậy có thể coi Trương công tử là con gái cải dạng nam nhi…Mà nếu là con gái thì cháu cho rằng nàng có thể đã bị bắt cóc đi -
Ngô Tôn Ích chợt nghĩ ra điều gì:
- Có thể, có thể lắm, bây giờ tôi mới nghĩ ra, sáng sớm qua quản lý và nhân viên kéo hành lý rất nặng ở hành lang, xong rồi vào phòng chúng tôi nói Trương công tử gởi lời chào, và đã đi từ sớm! Thôi nguy rồi, cháu nói đúng, chúng ta phải đến ngay phủ đường Trà Lương trình quan chức -
Nguyên Thái vội cản:
- Không được! không được! nếu không có chuyện gì, chúng ta sẽ mang tội, còn nếu chuyện bắt cóc có thực, việc được công bố thì thủ phạm sẽ thủ tiêu kẻ bị bắt cóc…Tiên sinh để mặc cháu định liệu, đừng nói cho ai biết, dù người dưới thuyền hay người quen nào ở Trà Lương.-
Ngô Tôn Ích gật đầu đồng ý. Hai người quyết định không cho thuyền xuôi và làm như không có việc gì khác thường. Ngô tiên sinh trao cho Nguyên Thái một tờ khai nhân chứng rõ ràng chi tiết.
Chính Ngô thuyền chủ cũng bắt đầu lo ngại cho số phận « Trương công tử » nên muốn cùng Nguyên Thái về quán trọ. Sợ hỏng việc, Nguyên Thái khuyên ông cứ ở lại thuyền làm như chờ thêm người giao trà, và chỉ xin ông giúp phần tài chính tối thiểu, sẵn sàng thuê ngựa nếu cần đến.
Tới quán trọ, thì vào buổi cơm trưa. Nguyên Thái thấy trong phòng ăn khoảng mươi người; đối với vùng này, quán này vắng khách. Chàng gọi mấy món ăn thanh đạm, rồi trong khi mọi người bận rộn sửa soạn bữa ăn, chàng trở lại phòng thu xếp, coi lại mấy cái giương đựng chăn màn. Một chiếc khi mở ra cũng phảng phất mùi hương phụ nữ như trong ngăn kéo án thư.
Cơm xong, Nguyên Thái ra tiệm bào chế. Chàng đưa cho lương y chủ tiệm loại tro thoảng hương trầm hỏi ý kiến. Lương y chủ tiệm nhận ngay ra thứ hương trầm thợ săn dùng đánh bẫy dã thú lớn, như hổ, báo, trăn, gấu. Rất mạnh, thở dài, dã thú ngủ lì có khi cả ngày lẫn đêm, không còn biết trời đất gì nữa.
Kết quả tạm thời là Nguyên Thái vừa thu lượm thêm bằng chứng một vụ bắt cóc có thể xảy ra như chàng tóm tắt trong Viễn Trình Nhật Ký:
Ngày 6 tháng… Trương Công Trị (hay là Trương Vân Anh) xuống thuyền Bạch Đằng 82.
Ngày 7, 8, 9… Ngược dòng, gặp gió thuận thuyền ngược rất nhanh.
Ngày 10… Khách quá giang họ Trương ấy cùng ông bà Ngô Tôn Ích vào quán trọ Diệu Hồng. Vì cá tính đặc biệt của họ Trương, họ Trương xin riêng một phòng riêng biệt ở cuối hành lang, (phòng của Nguyên Thái hiện thời số 17). Vân Anh là con gái. Cả tiểu đồng cũng là con gái. Vì sợ lộ tung tích nên tránh xa mọi người.
Ngày 11: Không có gì xảy ra.
Ngày 12: Gần sáng thủ phạm thổi vào phòng Vân Anh mê hồn hương, hai người mê mệt. Thủ phạm liền cho hai người vào rương mang đi rất sớm. Thủ phạm có thể là quản lý vì quản lý chuyển lời từ biệt của hai người đến Ngô thuyền chủ, lẽ dĩ nhiên lời từ biệt bịa đặt. Quản lý quyết định bắt cóc Vân Anh và thị tì, tại sao? Căn phòng 17 có lỗ thủng bí mật. Thủ phạm rình mò, nhìn thấy Vân Anh và thị tì cởi quần áo đi ngủ, biết là gái cải trang.
Ngày 13: Nguyên Thái đến quán trọ Diệu Hồng, khám phá ra tính cách bất thường của phòng số 17.
(Xét ra cách thức làm việc của Nguyên Thái không khác Quốc Đức. Hai chàng trai ưa suy luận, nghiên cứu nguyên nhân rồi giải thích kết quả. Tìm nguyên nhân rồi ức đoán kết quả. Tri và Hành trong lãnh vực thực tế).
Nguyên Thái bắt đầu lo ngại cho số phận Vân Anh và thị tì. Phải nhanh nhanh khám phá ra nơi bắt giữ.
Làm như ra chơi sân quán, chàng liếc nhìn cỗ xe ngựa vẫn dùng chở hành lý. Chàng thấy bánh xe đều bao phủ bởi một thứ bụi đường đặc biệt ở cao nguyên, màu đỏ mà bốn vó ngựa vẫn còn bùn đỏ. Nội hạt Trà Lương không có bụi đường đó. Chỉ có thể ở miền trên, theo một độc đạo bắc tiến. Nguyên Thái dùng ngựa theo đường đó tiến về phía Thượng Tùng, vùng đất đỏ, nơi chủ quán chính thức Mã Đức Kiếm có một lớp gia cư rộng lớn, gia nhân hàng trăm người. Nguyên Thái giục ngựa đi qua cổng gia trang, nghĩ thầm thật là khó xử. Vết xe ngựa rành rành vào cổng gia trang. Vân Anh và thị tì bị cầm giữ nơi đây. Nếu đệ đơn vào phủ được tri phủ xét đơn cho quân binh đến đây thì Mã gia có thì giờ thủ tiêu tang chứng. Gia cư quá rộng rãi. Khám xét tinh vi phải lâu thì giờ. Nguyên Thái kết luận phải đích thân tra cứu và đêm nay hẳn phải dùng đến cách thức xâm nhập của hiệp khách muôn đời mà chàng thường hay mỉm cười chế nhạo, mỗi khi đọc truyện.
Chờ đêm nay hành động, Nguyên Thái quay ngựa về Trà Lương. Dọc đường không khỏi tự trách có thể chàng quá giàu tưởng tượng mà nếu là sự thật thì việc gì đến chàng? Chỉ cần báo cho quan chức là đủ, nhưng nhiệm vụ của kẻ hành hiệp thì sao? Cái hiệp liệt trong lòng chàng giục giã chàng hành động.
Chàng từ biệt Diệu Hồng lữ quán làm như theo thuyền xuôi, nhưng đến ở cùng Ngô Tôn Ích, trên giang thuyền. Ban đêm, đeo kiếm, cung tên, bận võ y màu đen sát người, rất ấm, tuy mỏng, quà tặng của Cúc Xuyên. Không quên cẩm nang nàng cho hôm từ biệt, vẫn đeo bên người. Nguyên Thái nghĩ thầm, nếu có Cúc Xuyên bên mình đêm nay thì thực là tuyệt đích! Ngô Tôn Ích muốn đi theo nhưng chàng một mực chối từ, giao cho ông nhiệm vụ sẵn sàng lên phủ đường nếu đêm nay chàng không trở về. Thuyền đoàn thủy thủ không đủ sức tấn công Mã gia trang công khai.
Khoảng cuối Tí, đến Mã gia. Trời tối như mực. Định thần hồi lâu mới nhìn rõ cảnh vật. Buộc ngựa. Trèo lên một cành cây cao, nhìn xuống Mã gia. Kiến trúc cổ điển, mấy dãy nhà ngang hai bên một sân rộng lớn, mà nhà chính xây trên thềm cao nhiều bực. Trong sảnh đường, nhà chính có tiếng đàn hát, đèn lồng sáng trưng, gia nhân ra vào tấp nập. Có một dãy nhà ngang phía tây, lớp gần tường, một gia nhân vác vũ khí đi lại canh phòng. Nguyên Thái cho là hơn lúc khác, bây giờ là thời gian hành động, phải lợi dụng ngay cái bất ngờ của địch. Vả lại dãy nhà ngang biệt lập, canh phòng cũng không cẩn mật lắm.
Nguyên Thái rẽ sang tường phía Tây. Đu mình lên nóc tường, nhìn qua mái nhà. Thì ra dãy ngang này xây sát vào tường cũng không kiên cố lắm. Chờ tên gia nhân vác võ khí đi khuất, chàng nhẹ nhàng nhảy xuống, thấy dãy nhà ngang này là một nơi giam giữ. Có hai phòng nhỏ và một phòng lớn. Phòng nào cũng có chấn song sắt kiên cố, mà cửa vào bằng gỗ lim chắc nịch, chỉ có khóa sắt lớn bên ngoài. Nhìn qua chấn song: phòng lớn khoảng năm sáu bóng người ngủ trên mấy chiếc giường tre. Thoáng nghe có tiếng than yếu đuối. Lại nhảy lên mái nhà vì tên gia nhân canh gác đi trở lại. Nguyên Thái chờ cho tên ấy rẽ lối, lại nhảy xuống. Quan sát hai phòng nhỏ. Một không ai, còn một có ba bóng người ngủ trên ba chiếc giường tra cùng kiểu với bên phòng lớn.
Nguyên Thái khám phá nơi giam giữ người. Tư nhân giam giữ người như vậy, phải là bọn đại gian ác. Cần phải cứu những người bị giam giữ, dù trong hành động phải tổn thương đến mạng người.
Tuy nhiên, không thể đơn thương độc mã hành động. Nguyên Thái lên ngựa như phi bay về bến. Ngô thuyền chủ và thủy thủ đoàn mấy mươi người đều một lòng nghĩa hiệp. Thủy thủ đoàn được chủ thuyền và Nguyên Thái tỏ bày tình thế.
Cả đoàn tới gần Mã gia trang thì mới giữa giờ Dần. Cuộc vui ban đêm đã tàn. Mã gia trang im lìm trong đêm khuya...
Hành động kín đáo, bất ngờ, lại thêm quân lực của mình quá ít so với số gia nhân trong Mã gia trang. Nguyên Thái ấn định một chương trình khẩn cấp. Bốn đơn vị quân lực được đặt ra. Đơn vị xâm nhập kín đáo chỉ có hai người: Vũ Tấn, một thủy thủ giang hồ, anh chị Kẻ Chợ xuất thân, phiêu lưu đây đó trên giang thuyền hay hải thuyền nếu có dịp, và chỉ huy là đích thân Nguyên Thái. Vũ Tấn có biệt tài mở các thứ khóa, dù thứ khóa khó khăn nhất đương thời. Võ nghệ siêu quần, lối anh hùng Kẻ Chợ sự dụng mấy lưỡi dao găm. Vũ Tấn cũng như toàn thể thủy thủ rất mến Ngô chủ. Ngô chủ thích giao du với anh hùng thiên hạ hơn là làm giàu. Về màu sắc chính trị thì không Lê mà chẳng Trịnh, không Nguyễn mà cũng chưa Tây Sơn. Ngô thuyền chủ có lúc vô cùng hài hước, coi chuyến đi đêm nay là một trò chơi hào hứng... Đơn vị công binh có ba thủy thủ lực lưỡng, cựu tiều phu, chán núi rừng, sang sông nước. Võ khí là cuốc và búa tạ. Đơn vị chiến đấu chính do Ngô thuyền chủ chỉ huy, là đơn vị nhập cuộc sau các đơn vị khác, tất cả tám người. Còn đơn vị đặc biệt, nghi binh và phóng hỏa, bốn người. Tổng cộng mười bảy người chống đối với hơn trăm. Nhưng có thể nói ưu thế vì địch không ngờ.
Cả đoàn đến Mã gia trang khoảng giữa Dần. Theo như đã định, Nguyên Thái cùng Vũ Tấn leo lên mái nhà, tường phía Tây, nơi giam giữ người. Chuyền sang một cành cây cao um tùm, hai người chờ tên canh gác tuần tiểu qua mặt. Vũ Tấn nhảy xuống như con báo đen chộp mồi. Tên canh gác ngã lăn xuống đất không một tiếng kêu than. Nguyên Thái xuống theo. Hai người đến cánh cửa lim của phòng giam nhỏ. Vũ Tấn, sờ chiếc khóa, gật gù thỏa mãn: rút sau lưng một chiếc kim dài, bẻ vòng thành cái móc nhỏ…chưa đầy mười giây, khẽ rút khóa đặt xuống đất. Đẩy cửa vào, định thần, Nguyên Thái thấy ba phụ nữ, mỗi người bị trói trên một chiếc giường tre. Nguyên Thái vội vàng khẽ nói:
« Xin đừng khinh động, chúng tôi đến cứu… »
Ba người được Vũ Tấn cắt hết giây trói, một cách gượng nhẹ, vì lối trói rất lợi hại. Cắt mạnh, có thể làm tổn thương tới da thịt nạn nhân.
Ba người được phóng thích, im lìm theo Nguyên Thái và Vũ Tấn ra ngoài. Vũ Tấn định mở cửa lim thứ hai. Cửa này không khoá ngoài. Vũ Tấn định đẩy vào, Nguyên Thái vội ra lệnh ngừng ngay, không muốn Vũ Tấn mở cửa ấy, và cả đoàn sang phòng giam lớn. Cửa gỗ lim thứ nhì là căn phòng của mụ cai tù và hai nữ phó, còn phòng giam lớn, có thể chứa tới gần hai chục người toàn thiếu nữ và con gái nhỏ tuổi. Khi bước qua tên tuần canh nằm bất tỉnh, một người lượm luôn thanh kiếm của tên ấy. Vừa lúc đổi canh, một tên khác sửa soạn qua dãy nhà ngang phía Tây: Công việc của Vũ Tấn. Từ giờ phút này, biết đây là sào huyệt của bọn ác nhân, Vũ Tấn không e dè, hành động để bảo vệ an toàn cho cả bọn, chàng theo sau tên ấy mà hắn không hay biết, rồi như ánh chớp, lưỡi dao găm làm tên ấy lăn, xuống đất, Vũ Tấn đỡ khẽ, hắn ngã xuống đất không một tiếng động. Người được phóng thích thứ hai lượm thanh kiếm. Vũ Tấn trao cho người thứ ba con dao găm… Thế là cả bọn đều được võ trang. Nguyên Thái ngạc nhiên khi chàng ngỏ ý giúp họ leo qua mái nhà để ra ngoài đường thì cả ba đều từ chối, tình nguyện cùng đi giải thoát những người bị giam giữ ở phòng lớn.
Vì trời tối đen như mực, không ai kịp xưng tên họ, năm người tiếp tục âm thầm phân công. Khẽ mở cửa phòng thứ hai, cửa không cài then. Trong phòng ba người đàn bà ngủ say như chết, hơi rượu nặc nồng, kết quả của buổi tiệc tối qua. Nhét giẻ vào mồm, trói chặt kéo sang phòng giam, mà Vũ Tấn vừa mở cửa. Nguyên Thái biết, vào phòng này, không thể tránh được huyên náo, chàng để lại một người trong phòng, chặn ngang cửa không cho ai vào. Thiếu nữ tình nguyện ở lại phòng, xách kiếm đánh thức bọn tù nhân…quả nhiên, bọn ấy giật mình thức tỉnh sợ hãi kêu la…
Nguyên Thái liền bắn tên qua tường phía động. Mật lệnh khởi sự. Tức thì dãy tàu ngựa bốc cháy, khoảnh khắc lửa ngất trời, mấy con ngựa phá cửa chạy ra ngoài sân dẫm cả lên bọn gia nhân nửa tỉnh nửa mê vừa chạy ra. Đồng thời mười mấy tên lửa bay qua mái nhà chính và nhà ngang phía Đông…
Đồng thời, tiếng đục chát, đập tường phía Tây…Mã Đức Kiếm tỉnh giấc nồng giữa hai cô nàng hầu, xách kiếm chạy ra, chưa hiểu chuyện gì, đốc thúc gia nhân chữa cháy. Chợt thấy hai ngọn tên lửa cuối cùng bay vào nhà chính, hắn hiểu ngay đang bị tấn công, vội vàng cùng hai ba gia nhân, chạy sang phía Tây. Bởi vì theo lệnh của hắn nghiêm ngặt, nếu có chuyện gì, lập tức phóng hỏa đốt ngay dãy nhà ngang phía Tây giam người, không cho ai chạy thoát, để mất hết tang chứng. Chi tiết này Nguyên Thái đã nhận ra ngay từ khi đột nhập: dãy nhà ngang phía Tây, nơi giam ngưòi, không phải chuồng ngựa, chuồng trâu, mà đều có chất rơm khô, mà đống rơm khô cũng có ở cửa phòng ba nữ cai tù, tỏ ra lòng dạ thâm độc của Đức Kiếm, thủ tiêu cả tòng phạm nếu cần.
Mã Đức Kiếm cùng bọn thủ hạ, vừa đến đầu hành lang phía Tây thì gặp bọn Nguyên Thái. Mã gia chủ chưa kịp giao phong với Nguyên Thái thì bị mũi dao găm của Vũ Tấn bay tới, cắm vào bả vai trái. Hắn ta nghiến răng rút lưỡi dao, phóng về phía Vũ Tấn, Vũ Tấn né tránh, sắp sửa phóng lưỡi dao thứ hai thì Nguyên Thái tới gần Mã gia quá, đành phải ngừng tay. Nguyên Thái tấn công tới tấp Mã gia chủ. Tên này quả là một tay chẳng vừa. Bị thương vai trái, mà tay phải đường kiếm chống trả, rất nguy hiểm. Chủ tâm Nguyên Thái là muốn bắt sống Mã gia. Nếu bắt được chủ tướng thì bọn thủ hạ phải ngưng tay. Nguyên Thái e ngại phần chủ lực của Mã gia chủ chưa vào trận…
Vừa lúc ấy, một tiếng nổ long trời, thùng thuốc súng của Ngô Tôn Ích phá tan cửa chính. Ngô Tôn Ích phá tan cửa chính. Ngô Tôn Ích tiến vào Mã trại với nội bọn, lửa hồng sáng rực, tiếng hò hét vang tới sườn núi bên kia.
- Anh hùng Kẻ Chợ hãy cho bọn thảo khấu sơn lâm biết tay! Tiếng hô của Ngô Tôn Ích sang sảng hãi hùng…
Mã gia chủ hoảng hốt định tẩu thoát, chợt thấy nữ lang vừa được phóng thích, ném kiếm cho nữ lang đi theo:
- Em Thi Thi, không cho thủ phạm chạy thoát -
- Chị Vân Anh đừng ngại, em nhất định phải trả thù! -
Ánh lửa hồng rực, Nguyên Thái trông thấy hai chị em vây đánh Mã gia chủ, chàng liền nhảy vào trợ chiến, trong khi Vũ Tấn dùng dao găm, chỉ dùng dao găm đã làm tổn thương hai gia nhân, tên thứ ba chay mất.
Nguyên Thái bằng lòng thì ra hai người đó là Trương Vân Anh và nữ tì.
Nguyên Thái đưa mắt cho Vũ Tấn, muốn để chiến công cho hai chị em. Hai người vây ngoài cầm chừng.
Hồi lâu không thấy hai người hạ được đối thủ, Nguyên Thái đành vào vòng chiến. Chỉ năm hiệp sau, Mã Đức Kiếm rơi kiếm, ngã xuống đất. Trương Vân Anh định kết liễu cuộc đời Mã gia chủ, Nguyên Thái can khuyên, chàng muốn giao cho pháp luật trừng trị.
Phần chính gia nhân chưa biết chủ tướng bị bắt, hùng hổ chiến đấu, nhưng chỉ vài phút sau, đội nghi binh của Ngô Tôn Ích hành động tấn công mấy phía…Bọn ấy tưởng quan quân đến bắt, vội vàng xách võ khí, bằng cửa chính, hay vượt tường tẩu thoát.
Nhắc lại, Nguyên Thái hài lòng, rất hài lòng, vì thấy mình đoán trúng.
Quả là Trương Vân Anh, thiếu nữ Trương Vân Anh cùng nữ tì bị bắt cóc, phỏng đoán mà thành sự thực. Chàng tin tưởng ở cách suy luận của mình. Nhưng một thắc mắc: nữ lang phụ trách phòng giam lớn là ai. Theo như quân lệnh, thì nàng đã đưa bọn bị giam giữ qua lối tường do đơn vị công binh đục.
Vũ Tấn đang trói chặt cánh khỉ Mã Đức Kiếm, thì nữ lang ấy xách kiếm từ cửa chính đi vào. Bị đội binh Ngô Tôn Ích cản lại. Nữ lang đến trước Ngô chủ hươi gươm tấn công. Ngô chủ tránh né quát:
- Con tiện tì, tòng phạm của tên đại ác Mã Đức Kiếm, muốn cứu chủ mi phải không? Biết điều vứt vũ khí hàng phục, ta tha cho tội chết -
Nữ lang giật mình, vòng tay:
- Xin tướng quân bớt giận, tiện nữ vừa được quân sĩ của tướng quân phóng thích ở trại giam, muôn đời đội ơn, nhưng tiện nữ phải trở lại cứu người và gia huynh-
Ngô Tôn Ích dẫn cả bọn vào sảnh đường. Những gia nhân còn lại, và một số phụ nữ, xanh mặt đợi ở đây, vừa đúng lúc Nguyên Thái giải Mã Đức Kiếm đến.
Nữ lang trông thấy Nguyên Thái, hết sức ngạc nhiên, vội chạy đến bên chàng khóc nức nở:
- Không ngờ anh lại cứu mạng em lần thứ hai. Em là Từ Diệu Hồng ở Tuy Hòa.-
Nàng chưa kịp nói tiếp, Nguyên Thái cũng ngạc nhiên không kém:
- Từ cô nương, sao lại bị bắt cóc ở đây? Thế ra Diệu Hồng là tên quán của cô nương? … tôi không hề biết trước. Trời thương, chúng tôi tổ chức cứu Trương cô nương, thì may lại giải thoát cả Từ cô nương -
Từ Diệu Hồng không nghe Nguyên Thái nói tiếp, xách kiếm đến bên Mã gia chủ, đâm vào bả vai phải của hắn, quát to:
- Cha ta, và anh ta đâu, nếu không nói ngay, ta kết liễu đời mi! -
Trương Vân Anh vội đến can, khuyên nàng để Ngô thuyền chủ và Nguyên Thái điều tra.
Vũ Tấn đi khám xét các nơi, trở về báo cáo, không còn ai bị giam giữ trong Mã gia trang.
Vũ Tấn và Ngô Tôn Ích chăm chú nhìn Trương Vân Anh. Vân Anh thẹn thùng, chạy đến trước Ngô thuyền chủ:
- Cháu xin lỗi thúc thúc, và cả thủy thủ đoàn, cháu đã lừa dối mọi người, nhưng vì cháu phải đề phòng nhiều mặt -
Ngô Tôn Ích mỉm cười thầm khen cô gái đã khéo đóng vai nam nhi và cư xử đến nỗi chính mình mắc lừa…trong ba ngày.
Không bắt giữ người nào thêm, ngoài Mã Đức Kiếm và ba nữ cai tù.
Mã Đức Kiếm tuy trạc ngoại tứ tuần, nhưng không có vợ chính thức, chỉ có mấy nàng hầu. Mọi người quyết định để bọn này ở lại gia trang, rồi cả đoàn về Trà Lương thì gần sáng. Sau khi về Diệu Hồng lữ quán bắt tên quản lý, họ dẫn cả nội bọn đến Phủ Đường.
Phủ quan, Trần Trọng Vệ, được tiếng liêm minh, bị tiếng trống báo động, mặc quần áo đăng đường, cho cấp tốc gọi lục sự, nhưng có vẻ không bằng lòng…
Sau khi nghe Nguyên Thái và Ngô thuyền trưởng trình bày tự sự, không hài lòng lắm, cho là hai người này đã lạm quyền công dân…công việc bắt bớ tra cứu là thẩm quyền của quan chức. Nhưng khi nghe Nguyên Thái bày tỏ tính danh, nhớ đến vụ án Thiện Thành, bán tín bán nghi về chức vụ ủy nhiệm viên Bố Chính tòa Trịnh Phủ, nhưng không dám hỏi thêm vì dù sao cũng e dè chính quyền trung ương. Vả lại trong thâm tâm cũng thán phục chàng trai, nghĩ rằng nếu mình ở địa vị chàng cũng không thể làm khác, vì chờ đến nhà chức trách ra tay thì quá muộn.
Trần tri phủ ra lệnh tạm giam Mã Đức Kiếm và ba mụ dầu, rồi cả ngày hôm ấy phải lấy cung mọi người, các nguyên đơn, nhân chứng và tội phạm. Gần nửa đêm mới tạm xong.
Hàng phố nghe tin Mã Đức Kiếm bị bắt chưa biết chuyện gì, họp thành đám đông trước phủ đường, Khi rõ chuyện, chưa tin hẳn, vì đối với dân Trà Lương, Mã Đức Kiếm là một người hào hoa phong nhã, lịch sự gặp ai cũng có một câu tốt đẹp, những nạn nhân của hắn đều là người lạ, người Trà Lương không ai quen biết.
Chuyện Mã Đức Kiếm là một điển hình lịch trình tiến triển từ thiện đến ác.
Mã Đức Kiếm trở nên giàu có vì hắn chuyên nghề buôn bán những cô gái đồng trinh. Bắt đầu bằng thương thuyết ôn hòa mua con gái nhà nghèo, lớn bé cũng được, mà lớn thì phải là đồng trinh. Đức Kiếm mang đi miền duyên hải bán cho khách thương ngoại quốc, nhất là người Trung Hoa. Mua một, bán nghìn. Trở nên giàu có, xây dựng Mã gia trang như thành ốc của lãnh chúa xưa kia. Nhưng danh tiếng trong làng buôn bán đặc biệt này làm cho hắn « sản xuất » không đủ « cung cấp », cho nên cách đây hai ba năm, hắn mới tổ chức bắt cóc, giam cầm…Hắn đã nhúng tay vào máu, chưa xác định được bao nhiêu lần, hắn hết sức chối cải những việc nào không đủ chứng cớ.
Để độc giả biết được rõ ràng về vụ này, chúng tôi ghi sau đây những lời khai của các đương sự, trích trong Viễn Trình Nhật Ký của Nguyên Thái.
Lời khai của Đoàn thị Lục, thiếu phụ và ba con gái, nạn nhân trong phòng giam lớn:
Tôi, Đoàn thị Lục, quán xã Lộ Thành, cách đây hai ngày đường về phía đông. Chồng tôi là Nguyễn Văn Bá, bị bắt đi quân dịch hơn bốn năm, không về. Năm ngoái làng tôi mất mùa, đói kém, tôi cố gắng buôn bán tảo tần, không nuôi nổi ba con. Một người đàn bà đến nhà nói dẫn tôi và ba con đến nơi đồn trú của chồng tôi. Tôi và ba con đi theo, tới Thượng Tùng thì bị giữ lại, thế là hơn bảy tháng rồi. Mấy lần, bà quản gia Hào nói theo lệnh Mã chủ nhân, tôi phải để lại ba con gái cho bà, còn tôi phải đi làm việc ở Hải Ninh, bà ta không nói làm việc gì. Tôi không chịu, bà Hào sai người đánh đập. Tháng trước, tôi định trốn đi cùng ba con, nhưng việc bại lộ, cho nên tôi cùng ba con bị giam vào phòng giam lớn…
Lời khai của Dương Cúc Hoa, 16 tuổi:
- Tôi cùng cha mẹ đáp thuyền về quê, đến khúc sông nào tôi không nhớ, giang tặc cưóp thuyền, bố mẹ tôi bị thương, chúng ném xuống sông, không biết nay sống sót ra sao; còn tôi bị chúng bắt, mang về đây bán cho Mã chủ nhân. Từ ngày ấy tôi bị giam giữ, tính ra hơn ba tháng rồi…
Lời khai của Vũ Thúy Lan 17 tuổi, quán Ngọc Hà, Kẻ Chợ:
…tôi bán hoa ở phía Nam Tây Hồ. Một hôm có một bà, dáng dấp quyền quý muốn tôi mang hoa xuống thuyền ở bến Nứa, sông Hồng. Xuống tới thuyền tôi bị bắt luôn, họ giam tôi trong khoang thuyền.Thuyền nhổ neo, giương buồm, đi không biết bao nhiêu ngày. Chỉ biết tôi bị giam hơn hai tháng rồi…
Đại khái các lời khai khác cũng tương tự. Đại da số những người con gái bị giam ở đây chỉ vào khoảng 11 đến 13, 14 tuổi. Khi Nguyên Thái và Ngô Tôn Ích giải thoát thì con số bị giam chỉ là 24 nhưng suy luận theo các lời khai, thì đã có phòng giam chứa hơn ba chục, mà người bị giam luôn luôn thay đổi. Có nghĩa là nhiều người đã bị bán đi.
Khám ra việc « doanh thương » của Mã Đức Kiếm, tổ chức qui mô, có đại diện chi nhánh khắp nơi, từ Kẻ Chợ đến thôn quê, từ đồng bằng đến sơn lâm cùng cốc.
Những « mặt hàng hảo hạng bảo đảm », là con gái đồng trinh. Mã Đức Kiếm cương quyết giữ phẫm lượng ấy, cho nên Diệu Hồng, Vân Anh và em Thi Thi chưa bị tổn thương « danh dự ». Hàng hoá phải « nguyên si » như ngày nay ta thường nói.
Tất cả những « hàng hóa tồn trữ » đều bị mụ quản gia Hào, Lê thị Hào, khám xét kỷ càng, và mụ cấp « giấy chứng nhận » hàng đã được kiểm kê phẩm lượng. Mã Đức Kiếm, lẽ dĩ nhiên, chứng kiến những vụ kiểm tra hàng hóa ấy, cho nên hắn cũng thông thạo về việc « coi tướng » nữ giới.
Sau này, khi đọc cáo trạng đến phần này, các nạn nhân còn nhỏ, hay tâm hồn giản dị, thôn quê, không mảy may phản ứng, còn Diệu Hồng và Vân Anh thẹn thùng đỏ mặt, tay nắm chặt chuôi kiếm, thề quyết giết cho kỳ được Mã ác ôn. Hai nàng nhớ lại đã bị thuốc mê ngủ lì bì hai ngày, hai đêm…
Hai nàng bị trói chặt ở phòng riêng cùng nữ tì Thi Thi, vì Mã Đức Kiếm không ngờ gặp hai thiếu nữ võ nghệ hạng cao. Chỉ vì không có kinh nghiệm đề phòng, nay lọt vào tay hắn, hắn coi như là một thứ hàng hóa vô cùng quí giá, dành riêng cho các chúa tể sơn lâm thảo khấu, hoặc những « dũng tướng » ngoại xâm. Lại thêm cả hai mỗi người một vẻ, mắt phượng mày ngài, thân hình thần tượng, nữ tì Thi Thi cũng chẳng kém phần xinh đẹp. Hàng hảo hạng, thượng hảo hạng, nhưng nguy hiểm! Mã gia chủ đã bắt đầu thương lượng, cuộc bán mua hẳn đã thành tựu, nếu kịp thời, không có cái tinh khôn quan sát của Nguyên Thái. Diệu Hồng được Nguyên Thái cứu thoát cùng Vân Anh chỉ là một tình cờ, cái tình cờ ấy sẽ được giải thích bằng lời khai của nàng, cũng trích chép ở đây.
Thứ « doanh thương » này đã có từ bao thế kỷ trước, mà vẫn tồn tại bao thế kỷ sau, kể cả ngày nay, chỉ có phương pháp và hình thức thay đổi mà thôi. « Doanh thương » này là hạng « nhất bản vạn lợi » như người ta thường chúc tụng nhau…các doanh thương khác không thể nào nhất bản mà được tới vạn lợi. Mà ngoại thương « đồng trinh » với Trung quốc rất mạnh bất cứ thế kỷ nào.
Xin hoãn phê bình « kinh tế » và trở lại trường hợp Mã Đức Kiếm. Bạch Đằng thuyền trưởng Ngô Tôn Ích, hài lòng cho hắn là hậu duệ của Mã Giám Sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh (hồi này chưa có truyện Kiều), gia đình họ Mã đã di cư từ Triết Giang Trung Quốc, sang đây, tái lập nghệ nhà.
Luận ra, tình trạng sinh lý của họ Mã không được quân bình, nếu theo lời khai của Vương Liêu Đông, một trong ba nàng hầu của hắn:
- « Tôi cũng như chị Thu, chị Hạnh (hai người kia), chúng tôi ở Mã gia trang đã sáu bảy năm. Anh Kiếm không hề đánh đập tàn nhẫn chúng tôi. Trái lại, lúc nào cũng săn đón thăm hỏi…chúng tôi có cảm tưởng anh Kiếm như một nhà tu hành, đạo đức, không phải thứ sư hổ mang, hổ lửa. Chúng tôi có khi cả ba người chung phòng với anh, không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi nghi anh là người có…tật. Nhưng khi chăn gối cùng anh thì không thấy gì khác thường… chúng tôi không có kinh nghiệm để so sánh…
« Tất cả ba chúng tôi, khi còn thiếu nữ, được anh đem đi « gả » cho mấy phú thương Trung Hoa ở Hải Ninh…nhưng chúng tôi chỉ ở đấy ít ngày, sau lại theo anh về đây… »
« Từ ngày anh nhận bác Hà Dục Tứ làm quản lý, mấy năm nay, hai ba năm nay thôi, có nhiều khi nhìn tia mắt của anh, cả ba chúng tôi rất sợ hãi, không hiểu chuyện gì. Nhiều lần anh đi vắng rất lâu, về nhà cho chúng tôi quà bánh, quần áo Kẻ Chợ và quần áo Trung Hoa, nhưng có khi lạnh lùng không gặp mặt, bảo gia nhân đến đưa cho chúng tôi…Chúng tôi như cấm cung, không được đi đâu. Chúng tôi không hề hay biết gì về tội ác của anh… »
Trần tri phủ không nghi ngờ sự thành thật của lời khai trên, xếp ba người nàng hầu vào hàng nhân chứng.
Nữ quản gia Lê Thị Hào:
« Tôi tên Lê Thị Hào, quán xã Kim Liên, gần Kẻ Chợ, năm nay 55 hay 56 tuổi không nhớ rõ. Hồi hơn 10 tuổi vì nghèo đói, bố mẹ tôi bán tôi cho một phú hào địa chủ ở Thường Tân. Khi tôi 14 hay 15 tuổI, không nhớ, một đêm, con trai thứ hai của ông chủ vào phòng ngủ gia nhân kéo tôi ra khu rừng cạnh nhà. Cậu Hai bắt tôi ăn nằm với cậu. Đêm nào tôi cũng theo cậu ra rừng trong mấy tháng, rồi một hôm, cậu Hai dẫn tôi ra Kẻ Chợ gửi vào một nhà sang trọng ở phường Hồng Mai. Tôi ở đấy nhiều ngày mà không thấy Cậu Hai trở lại…bà chủ bắt tôi tiếp khách…Tôi hành nghề mụ dầu về sau, hai ba chục năm chẳng ra khỏi cửa nhà ấy…Một hôm Mã chủ nhân mang tôi về giao cho chức quản gia trông nom một số con em…Ở nhà chủ không tiếp khách, tôi chỉ phải trông nom giữ gìn sức khoẻ của các người con gái mà Mã chủ nhân giao cho tôi…Tôi chỉ ở trong Mã trang trại, không đi tới đâu…Tôi không hề hay biết những tội ác của Mã chủ nhân… »
Khi Trần tri phủ hỏi về cách cư xử tàn nhẫn với con em, Lê thị Hào trả lời:
- Tôi không biết như thế nào là tàn ác. Trước đây tôi cũng bị đánh đập, tôi cho là lẽ thường, vả lại, tôi thương người, không bao giờ quá tay, mà tôi cũng không cho hai người giúp việc tôi dùng « đòn nặng »…Mã chủ nhân cũng dặn tôi, không bao giờ được làm hư hỏng « hàng hoá » (!) -
Trần tri phủ ra lệnh lính lệ kéo ta trước mặt mụ một cô bé còn mang trên lưng nhiều vết ngang dọc tím bầm, mụ bình tĩnh trả lời:
- Bẩm quan lớn, trông thế thôi…mấy ngày lành lặn như cũ…con Mai Thoa này, hai lần trèo tường, định trốn đi -
Trương Vân anh khai:
- « Tiện nữ, họ Trương, tự Vân Anh, 17 tuổi, sinh quán phường Đông Các, Kẻ Chợ cùng nữ tì, em Thi Thi, cải dạng nam trang, đi tìm bố mẹ; bố mẹ bị bọn Hắc Y bắt đi từ bốn năm nay…Đáp thuyền của Ngô Tôn Sinh, tới Trà Lương như ước hẹn, chia tay. Ngô tiên sinh dẫn tôi va Thi Thi tạm trọ lại Lữ quán Diệu Hồng, cuối tỉnh. Sau bữa cơm chiều, tôi và Thi Thi, đường xa mệt nhọc, đi ngủ. Hôm sau, ba bốn giờ chiều, mới thức giấc, thì thấy bị trói trong căn phòng nhỏ hẹp mà về sau, khi được phóng thích, mới biết là ở Mã gia trang. Trong căn phòng tôi và Thi Thi có một thiếu nữ bị trói trên giường. Chị nói tên là Diệu Hồng, chị bị Mã chủ nhân lừa đến Mã gia trang cùng cha và anh…Sau bữa tiệc khoản đãi tân khách, chị ngã xỉu không biết gì nữa…tỉnh giấc bị trói trên giường, cũng như tôi và Thi Thi … »
Từ Diệu Hồng:
« Tiện nữ họ Từ, tên Diệu Hồng, 16 tuổi, sinh quán Tuy Hòa, theo cha và anh lên Trà Lương, có người giới thiệu mua bán một quán trọ, mục đích sinh cơ lập nghiệp ở đây.
« Chúng tôi cũng có quán trọ ở Tuy Hòa, nhưng vì có một đạo tặc tên Hồ Tự Tôn ngày đêm kiếm chuyện phá phách, chúng tôi phải bán rẻ cho hắn, chạy lên đây. Mối lái dẫn chúng tôi gặp Mã Đức Kiếm. Mã chủ nhân muốn bán lại quán trọ. Giá ngã ngũ ba trăm lượng bạc, chúng tôi nhận quán trước khi làm văn tự, trao tiền, theo như lời của Hà Dục Tuế, quản lý của Mã chủ … chúng tôi treo xong bảng hiệu: Diệu Hồng Lữ Quán thì quản lý mời chúng tôi lên Mã gia trang làm văn tự và trả tiền.
« Cha tôi tên Đạo Vệ, và anh tôi, tên Đạo Thành, cùng tôi đến Mã gia trang. Sau khi ký văn tự, trao tiền, Mã chủ nhân đặt tiệc khoản đãi mừng tân gia chúng tôi. Chúng tôi không nghi ngờ, dự tiệc.
« Giữa tiệc, tôi chóng mặt, ngã lăn xuống đất, sáng hôm sau thấy mình bị trói chặt trên giường tre…
« Được hai anh Nguyên Thái và Vũ Tấn phóng thích, tôi có đi tìm kiếm khắp nơi mà không biết cha và anh tôi bị giam ở đâu… »
Quản lý Hà Dục Tuế bị dẫn ra công đường, trông thấy Vân Anh và Diệu Hồng xanh mặt biết không chối cải nổi, hắn ta đổ tội cho Mã chủ nhân:
- « …Tất cả hành động của tôi đều theo lệnh Mã chủ, kể cả việc mang ba bố con Từ tiểu thư vào bẫy…Mã chủ vừa được tiền vừa được người…Tôi không biết ông Từ Đạo Vệ và anh Từ Đạo Thành nay ở đâu. Mã chủ cùng gia nhân, cho hai người ấy lúc cùng mê mệt lên xe, đẩy ra khỏi Mã gia trang…Tôi bận việc ở Lữ quán, nên trở về Trà Lương ngay, không biết gì thêm…chúng tôi chưa kịp tháo bảng « Diệu Hồng Lữ Quán » thì nhiều người vào quán, nên đành để nguyên… »
Khi lính dẫn giải Mã Đức Kiếm ra công đường, Nguyên Thái giật mình trước sự biến đổi khí sắc của tội nhân. Hai tay vẫn bị trói sau lưng, hai vết thương bả vai làm độc, sưng vù. Thì ra thời xưa, kể cả thời nay cũng vậy, người ta không cần để ý đến sự chữa những vết thương của tội nhân, hay tình nghi tội phạm.
Đôi mắt mất hẳn tinh thần, Mã Đức Kiếm trả lời gióng một, không chối cãi mà cũng không nhận. Nhấn mạnh về số phận Từ Đạo Vệ, Đạo Thành. Mã Đức Kiếm nói không nhớ hai người ấy là ai. Không thể biết Mã chủ nói thực hay nói dối, chỉ đoán đó là một phương pháp tự vệ…
Trả lời không mạch lạc của Mã Đức Kiếm làm cho Từ Diệu Hồng tức giận và lo ngại cho số phận cha, anh. Nước mắt vòng quanh, tay nắm chuôi kiếm, Diệu Hồng định xông đến kết liễu cuộc đời Mã Đức Kiếm, nhưng Nguyên Thái đứng bên, nắm chuôi kiếm cản lại.
Hồi lâu, Nguyên Thái xin phép đến nói nhỏ bên tai Trần tri phủ:
- « Tội phạm không đủ sáng suốt trả lời, đề nghị chữa những vết thương của hắn, và hoãn cuộc thẩm vấn vài ngày. »
Trần tri phủ đồng ý tuyên bố hoãn thẩm, cho phép lương y Trà Lương vào ngục chữa cho Mã chủ.
Mọi người, trừ quản gia Lê Thị Hào cùng hai nữ cai tù và quản lý Hà Dục Tuế bị giam cùng Mã chủ nhân, ai nấy về Diệu Hồng Lữ Quán, với sự ưng thuận của Trần tri phủ, tạm coi như quán này thuộc sở hữu Diệu Hồng.
Diệu Hồng quen nghề, tổ chức chu đáo, tuyên bố sau khi kết thúc vụ án nay, ai muốn ở lại giúp việc cũng được. Ba cô nàng hầu của Mã Đức Kiếm, không biết đi đâu, tình nguyện ở lại, sau này thành chiêu đãi viên lương thiện của quán trọ.
Mấy ngày sau, Trần tri phủ đăng đường tái thẩm. Mã chủ nhân bớt bệnh khai báo rành mạch, thì được biết tấn thảm kích xảy ra cho gia đình Từ Diệu Hồng. Tấn thảm kịch ấy, Nguyên Thái đã xây dựng lại lịch trình, trong cuốn Viễn Trình Nhật Ký.
Xét lại nội cuộc thì được biết cái nhân cách không có gì đặc biệt của Mã Đức Kiếm. Họ Mã bắt đầu cuộc đời bằng tội nhỏ đi đến tội lớn một cách dễ dàng…Cái tội lớn ấy bắt đầu từ ngày gặp quản lý họ Hà. Quản lý họ Hà từ Kẻ Chợ về đây, là một nhân vật quen đi đường tội lỗi từ nhỏ…cho đến ngày nay, không còn phân biệt tốt xấu, đã xúc giục họ Mã đi đến sát nhân.
Họ Mã cãi rằng:
- Trước khi gặp họ Hà (Dục Tuế), tôi không nghĩ đến bắt cóc, đến giết người…Hồi ấy, tôi chỉ cử gia nhân đi về thôn quê, hay các nơi thành thị, thấy nhà nào nghèo bán con thì tôi mua, có trả tiền đàng hoàng, có văn tự ký kết hẳn hoi. Tôi không hề vi phạm luật pháp hiện hành. Trong tình trạng xã hội rối ren mà mạng người không giá trị, tôi tưởng tôi làm việc tốt, vì những con gái tôi « gả bán » đi đều nơi quyền quý, nơi giàu sang…có người được phú thương yêu dấu, đưa đến địa vị chính thê, về qua Thượng Tùng, đến chào tôi như dưỡng phụ…Nếu những người con gái ấy không gặp tôi…thì số phận có gì hơn không? -
- Nhưng nhà ngươi tuy không vi phạm luật pháp mà nhà ngươi đã bôi nhọ luân thường đạo lý…rồi nhà ngươi đi đến tội sát nhân -
Mã tội nhân:
- Bẩm đại nhân, tôi không chối cãi tội sát nhân, tôi nguyện xin giả tử, tôi đã không biết giới hạn của tội lỗi, từ cái vi phạm luân thường đạo lý ấy, tôi đã dễ dàng sang tội sát nhân, tội nặng nhất của con người. Nếu chính tôi cầm dao cầm kiếm hạ sát người nào thì có lẽ tôi ngừng tay trước mà tránh xa được tội ác. Nhưng tôi đã không nghĩ ngợi, trong địa vị chủ nhân, trong địa vị quyền hành ở gia trang, tôi đã « ừ » một tiếng dễ dàng, sau đề nghị của Hà Dục Tuế. Tôi không nhìn thấy ông Từ Đạo Vệ và con là Từ Đạo Thành chết đi vì tiếng « ừ » của tôi, nhưng tôi biết hai người đã chết, mà tôi dửng dưng, không tiếc thương hối hận, trái lại chỉ nghĩ đến cái oai phong quyền hành của tôi…nay tôi nghĩ lại, tội tôi còn nặng hơn tội Hà Dục Tuế.
Đêm trong ngục tù đã đánh thức tôi…tôi là một tội phạm không thể tha thứ, tôi xin chịu chết dưới lưỡi kiếm của Từ Diệu Hồng cô nương, nếu luật pháp cho phép. Nhưng tôi chỉ xin Từ cô nương đùng dúng tay vào máu, dù là máu của kẻ thù…Tôi sẽ chịu chết dưới lưỡi gươm của đao phủ, cho luật lệ nước nhà được tôn trọng. Tiếc một điều, bao nhiêu sát nhân bằng một tiếng « ừ » theo kiểu của tôi trong chính quyền, dù Lê, dù Trịnh, dù Nguyễn..., chưa ai được đem ra xử cùng tôi! Họ đầy dẫy trong nước!…-
Trần tri phủ nghe tới đây, ra lệnh dẫn Mã tội nhân vào ngục.
Lời khai của Hà Dục Tuế là lời khai của một tội phạm « chuyên nghiệp » không đáng ghi chép vào đây.
Trần tri phủ cùng hội đồng bồi thẩm tuyên án mươi ngày sau. (Xin đừng quên hồi xưa, quan lại hành chính cũng là quan lại tư pháp, và án tòa không tách rời hình sự, dân sự…như ngày nay).
Mã Đức Kiếm và Hà Dục Tuế: xử tử.
Nữ quản gia Lê thị Hào và hai nữ cai tù: mỗi người năm mươi roi, đuổi khỏi địa hạt Trà Lương.
Ra lệnh truy nã những tòng phạm của Hà Dục Tuế.
Tịch thu toàn bộ tài sản của Mã Đức Kiếm. Một nửa dành cho việc công ích Trà Lương, còn một nửa, bồi thường cho gia đình những nạn nhân bị giết và chi cho các nạn nhân bị giam giữ, kể vả ba nàng hầu họ Mã, coi như hồi môn hay vốn liếng gây dựng doanh thương lương thiện.
Khi Trần tri phủ tuyên án, không biết rõ tài sản của họ Mã, nhưng khi kiểm soát kỹ càng, thì được biết họ Mã giàu như Vương Khải, Thạch Sùng (?) hồi xưa. Trong một hầm bí mật, một kho vàng khổng lồ, gần ba ngàn lạng vàng (khoảng 113 kí lô ngày nay) và nhiều châu báu, phải hai ngày mới vào sổ xong xuôi.
Trần tri phủ cho giải họ Mã ra công đường:
- Nhà ngươi giàu có như thế, tại sao phạm tội sát nhân, vì ba trăm lượng bạc?-
Mã tội nhân trả lời:
- Nếu tôi trả lời được đại nhân, thì tôi đã không ở nơi ngục tù này -
Vương Liên Đông, nàng hầu của họ Mã khai rằng.
« …Một hôm, anh Kiếm dẫn tôi xuống hầm bí mật. Tôi đi theo anh. Anh đi vào chỗ chứa của, mân mê những thỏi vàng xếp đồng, những đồ nữ trang đầy hộp, đầy thùng. Anh hỏi tôi muốn lấy gì thì cứ việc. Trước cái dửng dưng của tôi, tôi chả ham muốn gì hơn. Từ ngày ở nhà phú thương Trung Hoa về với anh…ông phú thương ấy cho tôi chuỗi bích ngọc và vòng xuyến, tôi vẫn để trong phòng tôi, ít khi dùng đến…»
Nguyên Thái xây dựng lại lịch trình tội sát nhân của Mã Đức Kiếm:
Sau khi giao bà Từ mẫu ốm đau cho chị Diệu Lan, Từ Diệu Hồng cùng bố Đạo Vệ, và anh, Đạo Thành, theo người mối lái từ Tuy Hòa lên Trà Lương điều đình mua lữ quán. Gặp quản lý Hà Dục Tuế và chủ nhân họ Mã, giá cả xong xuôi định ba trăm lượng bạc…Hà Dục Tuế và Mã chủ nhân, khởi đầu thực tâm muốn bán lữ quán, ý định sau này cộng tác để mở một « hồng lâu » danh tiếng. Họ cho phép nhận quán, ba bố con vui mừng, đặt biển hàng, chọn ngày tốt treo lên: Diệu Hồng Lữ Quán. Họ tin nhau lối Trung Quốc, chưa có giấy tờ. Mới treo biển hàng, chưa khai trương. Ba bố con tạm ở trú quán. Hà quản lý chia phòng…Từ Diệu Hồng ở phòng số 17, căn phòng « cạm bẫy ». Hà quản lý rình mò, qua lỗ hổng bí mật, nhìn thấy Diệu Hồng tháo bỏ xiêm y đi ngủ, anh ta mê mệt, nhưng thấy nàng lên giường ngủ vớI hai đoản kiếm, anh ta không dám làm càn…
Sáng sau khi ngỏ ý về dự định tương lai với ba bố con, ông Đạo Vệ và con gái Diệu Hồng không bằng lòng, chỉ muốn một quán trọ sang trọng, lương thiện. Trái lại, Đạo Thành bùi tai, nhất là khi Hà Dục Tuế, nói đến một sòng bạc sẽ tổ chức gác trên…Hà Dục Tuế tưởng Đạo Thành có thế lực, bố và em gái phải nghe, nhưng thấy ông Đạo Vệ và Diệu Hồng cương quyết phản đối, hắn ta lờ đi không nhắc đến nữa.
Hà quản lý về tường trình với Mã chủ. Mã chủ bắt đầu tiếc đã bán quá rẻ. Hà quản lý ghé tai: « Tôi có cách! Tôi có cách!»…Tội ác bắt đầu từ lúc ấy.
Mã Đức Kiếm mời ba người lên gia trang, trả tiền và làm văn tự. Ba người, cùng Hà quản lý đến gia trang khoảng chiều tà.
Một tiệc rượu được đặt ra, chỉ có năm ngườI dự, Mã chủ, Hà quản lý, và ba cha con Diệu Hồng.
Tiệc chưa tàn, ba cho con ngã lăn bất tỉnh. Hà Dục Tuế vỗ tay. Tức thì hai gia nhân lực lưỡng vào phòng trói chặt ba cha con. Tịch thu đôi đoãn kiếm của Diệu Hồng.
Hà Dục Tuế chỉ Diệu Hồng nói với Mã chủ:
- Tôi đã nhìn thấy con bé này đáng giá ngàn vàng…chúng ta làm như mấy người trước -
Dứt lời sai khiêng sang phòng giam phía Tây.
Còn lại ông Từ Đạo Vệ và Từ Đạo Thành, cùng số tiền ba trăm lượng bạc, khá nặng do chính Đạo Thành đeo bên lưng, Mã chủ nhìn số bạc, khinh bỉ, hất hàm hỏi Dục Tuế:
- Tôi tưởng Hà quản lý tìm được người cộng tác mở hồng lâu..ai ngờ bán rẻ lữ quán…Thôi bây giờ tùy Hà quản lý -…
Dục Tuế nghĩ ngợi hồi lâu, sai gia nhân khiêng Đạo Vệ và Đạo Thành sang phòng giam biệt lập, phía Đông.
(Tới phút này họ chưa có ý định sát nhân. Bắt cóc, uy hiếp, cố tâm bắt ba người hủy bỏ chuyện mua quán trọ…nhưng họ đã đi đến sát nhân vì cá tính ham mê cờ bạc và cái ngu xuẩn của Đạo Thành, ngưòi đã cả gan bán em gái để đánh bạc.)
Sau khi đã chia nơi giam giữ, Mã chủ và Hà quản lý bàn luậnvề việc xử trí với ba nạn nhân. Mã chủ để quản lý toàn quyền xét định. Hà quản lý ở lại gia trang đêm ấy. Sáng sau, ông Đạo Vệ và Đạo Thành thức tỉnh. Ông Đạo Vệ thấy mình bị trói chặt, biết đã mắc bẫy. Không thấy Diệu Hồng, hỏi họ Hà. Hắn trả lời:
- Từ cô nương, nghe chúng tôi đã về Tuy Hòa lấy thêm tiền, mà mang Từ mẫu lên đây. Từ cô nương đồng ý về việc khuếch trương quán trọ -
Từ Đạo Vệ biết Hà Dục Tuế nói dối, ông có cảm tưởng có thể nguy đến tính mạng nơi này, ông nhanh trí khôn trả lời « hoãn binh »:
- Tôi cũng đồng ý, thôi thì chúng ta ôn hòa tính toán công chuyện -
Hà quản lý phân vân chưa biết xử trí ra sao, sang phòng bên nơi giam giữ Từ Đạo Thành. Hắn ta nói cho Đạo Thành biết về việc mở hồng lâu và sòng bạc đã được cha và em ưng thuận. Đạo Thành chân tay bị trói chặt, chẳng thèm nghĩ tại sao, vội trả lời:
- Đồng ý rồi hả? Có thật thế không? Tôi không tin lắm! Việc này cứ để cho tôi trông nom, thế nào ông cũng vừa ý…Cứ cho cha tôi và em gái tôi về Tuy Hòa đi. Tôi ở lại đây một mình trông nom công việc…Vả lại về sòng bạc thì tôi rất quen.-
Câu trả lời này làm cho Hà quản lý suy nghĩ, lên sảnh đường thảo luận với Mã chủ, Mã chủ gắt:
- Tôi đã bảo Hà quản lý toàn quyền mà! -
- Đã đành, nhưng nếu tôi thôn tính…?
Mã chủ:
- Ừ, ừ, muốn làm gì thì làm! -
Hà Dục Tuế trở lại phòng giam ông Đạo Vệ. Ông Đạo Vệ vẫn bị trói chặt còng queo trên sàn gỗ, trong vị thế một con vật sắp đem hy sinh. Ông có tuổi, mệt nhọc, ngủ thiếp. Hà Dục Tuế suy nghĩ: Ông Vệ mới là « chứng ngại vật » chính trên đường hành động khuếch trương quán trọ, nếu tin lời nói của Đạo Thành. Dục Tuế liền điểm huyệt ông, rồi gọi hai gia nhân khiêng ông ra cánh rừng gần nhà, trên mõm núi đá, ném luôn xuống vực sâu. (Đó là bước đầu nhẹ nhàng của tội ác).
Hà Dục Tuế tường trình Mã chủ. Mã chủ lơ đãng, chẳng thèm nghe, vẻn vẹn một câu:
- Thế à! -
Hà Dục Tuế đi ra rồi hồi lâu trở lại:
- Tôi nghĩ lại, việc này không xong. Thằng Đạo Thành cũng không tin cẩn được, vả lại, việc gì mình phải cần đến nó? Chúng ta chỉ giữ lại ba trăm lạng bạc và con Diệu Hồng…Bán con Diệu Hồng lợi hơn, và đỡ lôi thôi -
Mã chủ nhân sốt ruột, nghĩ rằng từ hai năm nay, giao quyền cho họ Hà, mấy thiếu nữ bắt cóc được hai năm trước đều bán đi « thanh thỏa ». Hắn lại gắt:
- Đã bảo muốn làm thế nào thì làm! -
Hà Dục Tuế đi ra. Thế là số phận của Đạo Thành ngu xuẩn cũng như số phận của cha, bỏ xác dưới vực sâu… Hắn về qua nơi giam Diệu Hồng. Diệu Hồng tỉnh thức, thấy chân tay bị trói chặt, đau đớn da thịt, kêu thét…Nữ quản gia Lê thị Hào mang roi vào đánh mấy cái dọa nạt thì vừa lúc Dục Tuế vào phòng. Dục Tuế nói với Diệu Hồng:
- Cha và anh cô về Tuy Hòa đón thân mẫu cô lên đây…đi từ hôm qua rồi…Chúng tôi phải trói cô, vì hôm qua cô đập phá trong bữa tiệc. -
Diệu Hồng tâm thần mệt mỏi, bán tín bán nghi, xin cởi trói. Hà Dục Tuế nói:
- Chưa được. Mã chủ nhân chưa cho phép. -, nói rồi đi xuống Trà Lương. Đến Trà Lương, về quán trọ, thì vừa đúng ngày Trương Vân Anh và nữ tì Thi Thi, vô tình mang thân vào cạm bẫy.
Nguyên Thái không ghi lại tội nhân bị hành quyết ngày nào, nhưng có ghi thêm:
« Từ Diệu Hồng được tin bố và anh trai bị hy sinh, nàng khóc lóc thảm thiết, tự trách mình, đã theo ngành võ đạo, mà không biết phân biệt tốt xấu, đến nỗi hại đến tính mạng cha và anh. Nàng coi nàng trách nhiệm về việc này…Nàng bỏ quán Diệu Hồng cho bọn nạn nhân của Mã, Hà, khước từ cả tiền bạc bồi thường, trở về Tuy Hòa. Bà mẹ được hung tin, buồn rầu, chẳng bao lâu cũng đi theo chồng và con trai.
Từ Diệu Hồng, mãn tang, từ biệt chị Diệu Lan, ra đi, mấy năm sau gặp Nguyên Thái ở Trấn Bắc.
Thương Giang Diễm Sử Thương Giang Diễm Sử - Bùi Văn Nhẫm