Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 35: Người Nữ Tù Xà Lim II …
uối Xuân và trời đã bắt đầu sang Hè, không khí trở lên dìu dịu. Thỉnh thoảng vẫn còn những trận mưa Xuân lưa thưa phảng phất, như báo cho nhân thế chuẩn bị đón nhận những ngày nắng hạn.
Tối hôm đó, tôi đang ngồi đăm chiêu với bao nỗi đầy vơi của cuộc đời. Giữa cái vắng lặng đến lạnh lùng, sau khi cái loa cạnh xà lim đã tắt ngủm lúc 9 giờ tối. Đột nhiên, từ một cái loa phòng ngoài góc sân có giàn nho phía trước, tiếng một người miền Nam thong thả dõng dạc:
“Các anh em chiến sĩ trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa thân mến! Tôi là Phan Thanh Vân, Trung úy phi công thuộc phi đội “X” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã nghe theo lời phỉnh phờ dụ dỗ của Mỹ Diệm, lái chiếc C-47 xâm nhập bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa để thả gián điệp biệt kích, đã bị bộ đội phòng không của chính phủ cách mạng hạ…..tại Cồn Thoi, Ninh Bình. Tôi đã bị thuơng nặng, nhưng do chính sách khoan hồng của nhà nước cách mạng, đã tận tình cứu chữa cho tôi. Nay, tôi đã bình phục. Được sự giáo dục, đùm bọc của cách mạng, tôi đã thấy được tội lỗi phản dân hại nước của tôi, hiểu được đường lối nhân đạo thuơng yêu dân của đảng và chính phủ. Tôi kêu gọi tất cả các bạn thuộc binh chủng Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hãy vì độc lập của Tổ Quốc, vì hạnh phúc tự do của nhân dân. Các bạn hãy mạnh dạn đứng lên quay về với chính phủ cách mạng, về với nhân dân. Hãy lái máy bay về vùng Mặt Trận Giải Phóng, các bạn sẽ được đón tiếp nồng hậu như anh hùng. Các bạn sẽ góp sức mình cùng nhân dân tiêu diệt kẻ thù là Mỹ Diệm…”
Nguyên văn thì tôi không thể nhớ rõ, nhưng nội dung là như vậy. Tai tôi lắng nghe, mà lòng tôi rỉ máu dần dần, tên Tân đang nằm cũng bò dậy nghe. Mắt tôi hơi sượng sùng khi gặp ánh mắt y. Tôi hỏi một câu thăm dò, để giảm nét hổ lòng:
- Họ bắt Phan Thanh Vân phải đọc như vậy sao?
Tên Tân tỏ vẻ hiểu biết:
- Mỗi lần đọc một bản như vậy, được thù lao 5 đồng. Một phần do họ bắt đọc, phần khác, cũng do mình muốn tiến bộ.
Thấy y có vẻ hiểu biết thật, tôi hỏi tiếp để sáng tỏ:
- Bài viết do họ viết sẵn, hay do mình phải viết?
- Họ gợi ý cho mình viết, rồi họ sửa!
Tuy ngoài miệng hỏi chuyện Tân, nhưng trong đầu tôi liên miên với giòng suy tưởng. Nếu chúng thu thanh tiếng nói của Phan Thanh Vân, rồi đem về miền Nam, phát cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nghe. Hoặc cho nhân dân nghe, thì có thể làm ruỗng lòng người có tinh thần, làm nghiêng ngả cho người không có chính kiến, khi những người này còn mơ hồ về Cộng Sản. Thật là tai hại!
Tên Tân còn nói tiếp là đã nghe Phan Thanh Vân đọc mấy lần rồi. Hiện nay Vân được ở trại thợ trong khu nhà bếp, tỏ ra rất tiến bộ, cán bộ chiếu cố rất nhiều mặt. Thảo nào, tôi nhớ tới hình ảnh Vân ngồi gốc cây bàng, hôm đầu tiên tôi bị bắt vào Hỏa Lò. Tôi im lặng, chẳng muốn hỏi nữa, về một câu chuyện mà trong lòng mình chẳng vui gì. Lòng tôi cứ bồng bềnh, lững lờ chảy về miền Nam xa xôi.
Hàng ngày, tiếng loa ở cổng trại chung cứ chọc vào tai tôi, tình hình Phật giáo sôi sục đấu tranh với chính quyến…Tôi chẳng lạ gì khi nghe đài truyền thanh của địa phương Hà Nội và phát thanh trên vô tuyến của Cộng Sản. Nhưng, với khả năng nghiệp vụ của tôi, cộng với kiến thức riêng, tôi cũng thâu nhận được một số tin tức qua từng khía cạnh của từng sự việc. Những người chịu suy nghĩ thấu đáo, ai cũng hiểu ở đây chính là do bàn tay máu của Cộng Sản. Cộng với cái tự do nhố nhăng không đúng chỗ, không đúng lúc của miền Nam. Với tác phong lề lối làm việc, mang sẵn tinh thần tắc trách nói chung của cán bộ cũng như chính quyền miền Nam. Cộng sản tha hồ, lợi dụng thao túng… Chúng gieo rắc lẫn thổi phồng, bóp méo, khích lệ mọi mâu thuẫn giữa chính quyền với nhân dân, với tôn giáo, với đảng phái. Rồi chờ, khi có điều kiện, có thời cơ, chúng chỉ cần cầm cái gậy chọc vào từng điểm.
Thí dụ “Vụ Phật Giáo”.. Chúng sẽ có hàng trăm cách, tùy theo từng nơi, từng lúc. Tôi cứ hình dung: Trong một đám rước đang diễn hành trang nghiêm trên đường phố ở Huế chẳng hạn, của một ngày lễ Phật giáo đặc biệt. Ngay trong đám Phật tử đang diễn hành này, thậm chí ngay trong các tiểu chức sắc ni tăng, chúng đã cài người của chúng vào, cùng làm việc với nhau mà cũng không biết, lợi dụng điều kiện lúc đông đúc, cũng như lúc thuận tiện, chúng dễ dàng bí mật thả truyền đơn chống và mạt sát chính quyền. Các cơ quan có trách nhiệm về an ninh như cảnh sát, mật vụ, v.v…lúc đó sẽ giải quyết thế nào? Khi chưa hiểu rõ đầy đủ những thủ đoạn tinh vi của Cộng Sản. Khi chưa có kinh nghiệm hữu hiệu để giải quyết những trường hợp phức tạp như thế, chỉ còn một phương pháp ngăn chặn, bằng cách tìm tòi, khám xét làm ngưng đọng đám rước. Đám rước đã rối loạn, Cộng Sản càng làm rối loạn hơn, hò la chính quyền Công Giáo phân biệt, đàn áp Phật tử, v.v… Mâu thuẫn chồng lên mẫu thuẫn, lòng căm hờn chồng lên lòng căm hờn. Lúc đó chỉ có trời mới giải quyết nổi.
Thân tôi đang chìm trong nỗi tăm tối ngục tù, giờ đây lại đắp thêm mối ưu tư cho quê nhà miền Nam thương yêu.
Hôm sau, chiếc loa ở cổng đã ngừng mồm mép, như vậy là đã 8 giờ, giờ bắt đầu làm việc của một ngày, thế mà vẫn không thấy tên trực xà lim đến cho tù ra đổ bô. Tên Tân ngồi chờ mãi, y đừng dậy đi đi lại lại, rồi không hiểu y nghĩ thế nào lại trở lên sàn, rồi lựa thế kiễng chân, nhìn ra phía cổng xà lim. Y tỏ vẻ phấn khởi, cúi xuống nhìn tôi:
- Cửa xà lim vẫn đóng!
Tên Tân quái lắm khi cửa xà lim đóng hay khép là an toàn. Y có thể nói chuyện với buồng khác, nhưng mắt vẫn để ý nhìn mép trên của cánh cửa xà lim, khi thấy hé ra là trong này tụt xuống rồi, vì thế ít khi bị bắt. Y cất tiếng gọi:
- Số 7! Số 7!
Im lặng một lát, y gọi nữa:
- Số 7!
Một giọng phụ nữ rất trong:
- Ai gọi đấy?
- Số 4 đây! Dạo này có khỏe không?
Vẫn giọng khi nãy:
- Cám ơn, khỏe!
- Bị bắt vì tội gì đấy?
Im lặng một phút, rồi giọng trong lại cất lên:
- Kéo chuông nhà thờ Nam Đồng báo cho giáo dân vì công an vào bắt Cha phó.
- Bao lâu rồi?
Bỗng Tân nhớn nhác tụt vội xuống, trong khi tôi không nghe thấy một tiếng đồng gì khác. Cửa con xịch mở, tên Tư mắt long sòng sọc:
- Anh nào trong buồng này vừa đứng lên nói chuyện?
Y hỏi để mà hỏi, chứ y thấy tôi ngồi cùm, làm sao mà đứng dậy được. Tên Tân nắm hai tay vào nhau, vặn vẹo:
- Thưa cán bộ…
Tân chưa nói hết câu, tên Tư đã cúi xuống rút xoạch chốt cùm ra, rồi quát:
- Bỏ chân vào!
Mặt tên Tân chảy dài. Y biết không còn cách nào khác, nên tự tay nhấc cùm và từ từ nhấc một chân bỏ vào. Tên Tư nhìn qua cử con theo dõi, y chốt cùm vào, không nói gì thêm. Như vậy, tên Tư cũng quái. Y chưa mở cửa, đứng ngoài im lặng nghe đã. Nếu khi y đến, dù đẩy khẽ cửa đi vào. Tân đã biết rồi. Tiếng nói của Tân, Tư còn lạ gì. Thế là tình cảm hay chẳng tình cảm gì, sai là vẫn cùm.
Tôi nghe tiếng mở cửa mấy buồng đổ bô, rồi tự nhiên thấy chốt cùm tôi rút ra. Tôi nhẹ tay nhấc cùm, nhấc chân. Cái chân ê đi, bước xuống đất cứ bì bì. Tôi tưởng đi cung, nhưng khi mở cửa, tên Tư không nói gì, tôi chợt hiểu, ôm vội bô vào nhà tắm để đổ, rửa. Tôi gõ nhẹ vào tuồng số 7 mấy cái như ý nói: “Các cô đã làm cho một người nữa bị cùm đấy nhé!”. Đến bữa cơm, tên Tư lại mở cùm cho tôi ra lấy cơm cho cả Tân. Tên Tân mặt rất buồn. Theo y, bị cùm là một chuyện, y còn sợ là vụ của y sắp xử, có thể bị ảnh hưởng xấu vì y đã không giữ tốt nội quy trại giam.
Trước đây, ngay khi mới tới xà lim II được mấy ngày, tôi đã biết buống số 7 có hai cô gái đều bị cùm. Tôi rất băn khoăn, dứt khoát đây không phải là tội hình sự rồi. Bởi vì, hình sự rất hiếm phải vào xà lim, cá biệt nào đó. Phải là những tội tương đối quan trọng, nhưng cũng chỉ đến một vài tuần hay một tháng là cùng. Hai cô phải là tội chính trị nặng ký mới phải vào xà lim, và còn bị cùm nữa. Mặc dù về lý trí, tôi tin là không phải, nhưng phần tình cảm trong lòng tôi, cũng lắng lo một cách phảng phất. Biết đâu, đây lại chả là chính “đối tượng” nhận tài liệu “M”? Cho mãi tới một hôm, tôi bắt Tân phải tả lại. Y nói dáng người đó như nhà tu, mới khoảng 20 tuổi, tôi mới yên tâm. Dù vậy, tôi vẫn để ý theo dõi với mọi khả năng có thể, kết hợp suy đoán dựa trên những điều kiện đã biết:
- Cùng một tội, hoặc cùng một tổ chức, không bao giờ chúng giam chung một buồng ở xà lim.
- Hai tội khác nhau, lại cùng bị cùm? Ngay phạm nhân nam ở xà lim, cũng ít khi cùng bị cùm, huống chi là nữ. Vậy nữ bị cùm là hạn hữu, ở đây lại cả hai!
Tại sao có sự trùng hợp kỳ lạ như vậy? Câu giải đáp chỉ có thể thỏa đáng là phải có một người thực, một người giả!
Với điều kiện của mình như thế này, muốn làm sáng tỏ vấn đề trên. Tôi chỉ còn cách duy nhất là phải lắng nghe những âm thanh, sự việc…..rồi từ đấy suy lý dần. Từ định tâm đó, tôi thấy cá biệt, lẻ tẻ vài lần thôi, còn hầu như cứ cô nằm phía trái, tức cô có dáng nhà tu đi cung. Sau đó, cô nằm bên sàn phải lại đi, rồi thông thường là về trước. Như vậy, nếu cô đi sau về trước này không nói, thì cô đi trước về sau không hề biết là cô sau có đi cung.
Lúc này, tôi đã có thể phân biệt được, tiếng động của chốt cùm nào rút, tiếng mở cửa buồng nào; mụ Hoa vào gọi cung hay Bằng, hay Kim già, hoặc lão Tư, họ chưa mở cửa tôi đã biết ngay là ai, qua cách bước sền sệt trên nền nhà, cách cầm chùm chìa khóa lắc, cách mở cửa buồng…..Còn những tật khịt mũi hay hắng giọng thì quá rõ. Óc tổng hợp ngay các âm thanh để ra lời giải đáp không khó khăn gì. Hơn nữa, trừ buồng tôi, cả xà lim chỉ có chiếc cùm buồng 1, và 2 cô gái bị cùm ở số 7. Như vậy, chỉ phân biệt 3 tiếng cùm thì hầu như không lầm. Vì thế, tôi đã nhận định được đến 80% là 2 cô ở buồng số 7: Một cô giả và một cô thật. Nếu chính mình không bị cùm, tôi có thừa khả năng để thử, cũng như mắt nhìn để kết luận. Ngay bây giờ, tôi muốn báo cho cô thật biết để cảnh giác. Không để ý thì khổ. Nhưng đành chịu vì cái chân trong cùm. Cách nào cũng có chỗ bất lợi cả. Vì người kia thường xuyên có mặt ở đấy. Chỉ còn cách chờ đợi một bữa nào bất ngờ cô bên phải đi cung, cô bên trái ở nhà, tôi sẽ lên tiếng nói bâng quơ. Thí dụ: “Chớ có tin người cùng buồng mình” chẳng hạn. Nếu cán bộ có đứng rình, mở cửa con hỏi, giả vờ nằm nhắm mắt ngủ, nằm mơ. Nó chẳng làm gì được mình.
Chiều hôm đó, tôi đang nằm vẩn vơ suy nghĩ, cửa con xoạch mở, tên Bằng chỉ tôi:
- Mặc quần áo đi cung!
Đã hơn một tuần nay không gọi. Hôm nay, không hiểu có gì khác chăng? Từ đêm đem tôi đi bắn tới giờ đã hơn ba tháng rồi, cứ một tuần hai, ba lần chúng gọi tôi đi cung. Vẫn những trò dụ dỗ phỉnh phờ, đe dọa, rồi lại tình cảm. Truy hết chỗ này, lại đến điểm khác. Có lúc, chúng bắt tôi viết hẳn lại một sự việc nào đó cho rõ ràng. Tôi vẫn trước sau như một. Có một vài chỗ do cái dốt của tôi đã bị bục, tôi đã phải lao đao vất vả. Bây giờ đã có thêm kinh nghiệm, đã nắm được những mánh khóe khai thác, những động tác thật, giả hầu như tôi đã thấy trước. Tuy vậy, tôi vẫn tỏ vẻ còn ngây thơ, hiểu biết kém. Đôi khi, tôi phải vờ sa vào những cái bẫy chúng đã giương ra, nhưng tôi vẫn chủ động lái nó thành vô hại, hoặc hại ít. Cũng có lúc tôi làm như hoang mang, dao động để chúng khó xét đoán, hoặc sẽ hiểu sai về con người thực của tôi.
Thí dụ: Một hôm 3 đứa hùng hổ đập bàn, xô ghế, nào là xin tha tội xử tử cho tôi, vì tôi còn quá trẻ, chưa suy nghĩ chín chắn; mong đường lối khoan hồng, nhân đạo của đảng sẽ thấm nhuần vào tim vào óc tôi, để tôi sẽ thành thật khai báo hết, v.v…..Nào ngờ, tôi vẫn là một tên ngoan cố ngu xuẩn, chuyến này, cho đi luôn…..Nào là cứu một người là để hy vọng nó sẽ trở nên tốt, chứ không phải cứu một người mà tật xấu vẫn cứ khư khư giữ trong mình, mười thằng như thế cũng bắn bỏ…..
Phải nói rằng, từ ngày chúng đưa tối đi bắn đến giờ, tôi chẳng sợ nữa; ngay dủ bây giờ chúng đem tôi đi bắn thật, tôi cũng vậy thôi. Dứt khoát, tôi không đến nỗi ngắc ngư con tàu đi vừa qua. Tuy thế, tôi vẫn vờ hoang mang lo sợ, xin chúng tha cho. Xin chúng là người trực tiếp với tôi, hiểu tôi đã thành khẩn khai báo mọi vấn đề ngay từ đầu.
Hôm nay, không biết chúng còn giở trò gì nữa đây? Vào tới phòng cung, tôi thấy mặt 3 tên: Nhuận, Đức và Đặng rất lạnh lùng. Trên bàn, trước mặt chúng, một chiếc cặp da đen dầy cộm. Thái độ của chúng hôm nay hơi khác thường. Chúng nhìn tôi rất lâu như muốn xét đoán một cái gì. Cuối cùng, tên Nhuận trang nghiêm:
- Từ ngày anh bị bắt vào đây đã bao lâu rồi?
Tôi nhìn y dè dặt:
- Thưa ông, hơn 10 tháng rồi.
- Anh có biết rằng, trong Nam chúng đã phái ra đây mấy tên để tìm anh không?
Tôi hơi ngỡ ngàng, xen lẫn chút lắng lo trong lòng. Dù thế, ngoài mặt, tôi vẫn xem như họ nói đùa:
- Chúng nó tìm tôi làm gì! Tôi quả quyết là không có ai ra tìm tôi cả. Ở trong Nam, tôi là loại vô danh tiểu tốt. Chẳng qua chúng trả mấy tháng lương, rồi tung ra ngoài Bắc để lấy tiếng vang là chính; còn bị bắt, sống hay chết, chúng đâu còn cần biết đến nữa.
Tên Đặng từ nãy vẫn cứ ngồi yên nhìn và nghe tôi nói, bây giờ đập bàn cái “thình!”, chỉ tay vào mặt tôi:
- Ngậm ngay cái mồm anh lại! Hôm nay tôi báo cho anh biết, và không cần giấu giếm gì cả. Người của chúng tôi từ trong Nam ra, đã báo cáo đầy đủ về anh. Chúng tôi đã thấy bộ mặt thật của anh. Anh là một tên ngoan cố đến cùng, muốn đem trứng chọi với đá, dám đội đá vá trời, dám đánh lừa cả Bộ Công An cách mạng!
Trong khi vừa sỉ vả tôi, y vừa mở cặp lấy ra một cái phong bì dầy cộm. Y chọn, rút ra một tấm ảnh cỡ 6×9, cố ý cho tôi thấy là còn rất nhiều ảnh nữa. Y vất tấm ảnh xuống bàn, trước mặt tôi, gằn giọng:
- Đây, hãy mở mắt ra nhìn. Khôn hồn khai báo lại ngay. Nếu không, lần này chúng tôi sẽ không nương tay với anh nữa, sẽ có biện pháp mạnh!
Tôi thoáng nhìn bức ảnh, dù chưa cầm, tôi đã thấy tim mình như thắt lại. Tấm ảnh Phan và tôi chụp ở góc đường Nguyễn Huệ, trông chéo sang rạp xi nê Rex. Phan cao lớn, mặc áo sơ mi ca rô bỏ ngoài quần, đeo kính đen đang quay chéo mặt về phía người chụp ảnh. Tôi, áo sơ mi trắng, bỏ trong quần, đeo kính trắng. Một tay đang cầm mấy cuốn sách, một tay đang chỉ về phía trước mặt. Mặt tôi nghiêng góc với mày ảnh khoảng 30 độ.
Tôi điếng hồn, suy nghĩ, phản xạ tổng hợp cấp thời. Chúng đã biết hết rồi chăng? Chúng còn nhiều ảnh nữa hay không? Tại sao chúng lại chụp ảnh ở ngoài đường? Có thể chỉ là một tấm duy nhất, bởi vì Phan đã bị lộ, chúng đã biết lâu rồi. Khi thấy tôi đi với Phan, lạ, chúng chụp một tấm, để sau này phòng hờ dùng trong tình huống áp lực về chứng cớ. Tại sao chúng phải cố ý cho tôi thấy, chúng còn nhiều ảnh nữa? Chính cái “cố ý” này cho thấy, đó chỉ là một động tác giả của chúng để gây áp lực tâm lý. Một điều tôi tin chắc, dù cho nằm ngay trong Cục Tình Báo Sài Gòn, nhưng nếu không cùng một công tác, chúng cũng không thể biết được sự việc. Và dù cho cùng một công tác đi nữa, cũng chỉ biết được từng khâu, từng phần, chứ không thể biết toàn bộ. Mấy phút tính toán, phản ứng nhậy lẹ, thành quyết định. Đầu tiên để thăm dò, tôi làm ra vẻ mạnh bạo, nét mặt tươi lên tin tưởng:
- Tôi càng tin tưởng cách mạng hơn. Đây là tên Hòa mà. Như thế này, sự việc của tôi càng được xác minh sớm hơn.
Tên Đức đứng bật dậy, xô lại sát tôi, chỉ tay vào mặt tôi, gầm lên:
- Anh đừng có già họng! Đấy là tên Hòa à?
Tôi mở to mắt ngạc nhiên, cầm tấm ảnh, chỉ khẳng quyết:
- Thưa ông, tôi bảo đảm với các ông, đây là tên Hòa mà! Hàng ngày, y đi với tôi, huấn luyện tôi, tôi còn lạ gì mặt y nữa!
Đây là một điểm tình cờ, mà lại may. Trước đây, khi tôi tả về ông Hòa, tôi thường lấy hình ảnh người cậu họ tôi, béo trắng, to lớn. Ông là chủ hãng xuất nhập cảng hàn vải Vĩnh An ở đường Hồng Thập Tự. Ông Phan cũng to lớn, chỉ có điểm khác là tôi tả cậu tôi da trắng, đỏ hồng, hay mặc áo sơ mi trắng, trong khi ông Phan da bánh mật, hay mặc áo sơ mi ca rô. Nhưng, trông ảnh làm sao phân biệt được da bánh mật hay da trắng! Còn áo sơ mi và trắng, có điều khoản nào bắt buộc ông Hòa cứ phải mặc áo sơ mi trắng mãi đâu. Còn tôi, tôi chỉ biết cái tên “Hòa”, tên “Phan” tôi không biết. Điều gì chứng minh bắt buộc tôi phải biết tên “Phan” khi mà trong tình báo, với mọi người đều dùng tên giả. Vì thế, tôi cứ khăng khăng hình người trong ảnh là tên Hòa. Điều tôi vẫn nơm nớp lo sợ là, nếu chúng đưa một tấm hình nào đó chụp tôi với Cẩn, hoặc với Hoàng Công An, lúc đó tôi chưa biết tính sao. Bởi vì từ trước, tôi chỉ khai tên Hòa duy nhất là người huấn luyện và đào tạo tôi mà thôi. An và Cẩn, người chỉ cao 1m62 là cùng.
Chúng tỏ vẻ tức tối lắm, nhưng xem ý chúng không làm gì hơn được. Qua thái độ tức bực của chúng, tôi càng yên tâm hơn. Nếu chúng có vài tấm ảnh nào khác, chắn chắn chúng sẽ lấy ra ném vào mặt tôi. Tôi cầm tấm ảnh đưa trả lại chúng, mặt tôi đầy vẻ hân hoan tin tưởng:
- Như thế này, tôi đoán cách mạng đã bắt được tên Hòa rồi, và cách mạng đã xác minh được sự việc của tôi. Tôi rất mong, một buổi nào đó, tôi sẽ gặp tên Hòa ở đây để thỏa phần nào lòng căm phẫn của tôi đối với y.
Tên Đặng cười nhạt! Tên Nhuận cầm tấm ảnh, giọng giễu cợt:
- Bình đeo kính trắng, đẹp trai, trông tư cách đấy chứ!
Tôi cười:
- Các ông còn lạ gì xã hội miền Nam! Một anh dốt đặc cán mai, nhưng ra ngoài, cứ ra vẻ ta đây là sinh viên, trí thức, tay luôn luôn ôm chồng sách ngoại ngữ dầy cộm. Hiển nhiên, tôi cũng lây cái nét giả tạo ấy. Mắt tôi có sao đâu, thế mà cũng đeo kính trắng gọng vàng, loại không độ. Bây giờ nghĩ lại, tôi còn thấy ngượng.
Hôm nay, chúng tưởng với tấm ảnh ấy, chúng sẽ làm tôi tan hoang, hoặc ít nữa cũng phải bục ra một số mảng. Nhưng cuối cùng, vẫn không giải quyết được gì, chúng bầm gan, tím ruột!
Tên Đặng cộc lốc:
- Đi về!
Tôi về xà lim, thật hú vía! Tuy thế, lòng tôi vẫn đầy lo lắng. Tôi hiểu sự việc chưa thể yên được.
Từ ngày tôi bị phát hiện, rồi bị theo dõi ở nhà thờ “X‟ tôi đã nhiều đêm ngày suy nghĩ vì sao tôi bị phản gián phát hiện. Tôi tập trung tư tưởng: nhìn, xét, rọi, soi lại từng điểm. Từng khía cạnh, từng sự việc, từ điểm đổ bộ ở Kỳ Phương cho đến khi tới Hà Nội, những ngày vào Việt Đức, lúc sang Gia Lâm…..Tôi không thấy một điểm nào nghi ngờ để bị địch phát hiện. Như vậy, tôi bị địch phát hiện, chỉ có thể:
1) Từ nơi linh mục A. Linh mục đang bị Cộng Sản bí mật theo dõi. Tôi mò đến, nên chúng tìm về nhà trọ để xác minh. Mà đã xác minh, chân tướng tôi lòi ra ngay.
2) Từ Paul Lạng ở Paris. Có thể y là nhân viên “hai mang”. Để lấy tiền, y đã cung ấp cho phản gián Hà Nội biết rằng sẽ có một người xâm nhập Hà Nội, nhưng không biết đích xác ngày tháng cũng như nhiệm vụ. Nếu đúng như vậy, phản gián Hà Nội phải tìm ra là tất nhiên. Nhưng điểm này yếu khả năng hơn điểm trên.
Tôi mất bao ngày đêm nặn óc suy nghĩ, nhưng vì thiếu cơ sở để nhìn, để xét, cho nên tôi vẫn chưa thể khẳng quyết là do điểm một, hay điểm hai. Bây giờ, lại có thêm tấm ảnh của Phan và tôi. Với tấm ảnh trong điều kiện như hôm nay, tôi chưa thể có ý kiến gì, phải đợi những ngày kế tiếp mới sáng tỏ.
Tên Tân bị cùm đến ngày thứ tư, thì mụ Hoa vào gọi đi cung. Qua gần 2 tháng trò chuyện với tên Tân, tôi được biết y chỉ có một chấp pháp duy nhất tên là Châu. Cũng thuộc phòng 44, phòng hỏi cung chính trị. Vậy mà tôi, sao nhiều chấp pháp thế! Trước sau đã 6 người rồi. Mỗi buổi hỏi cung lại thường có từ hai, tới ba người. Có lẽ tại tôi là một điệp viên, có nghiệp vụ, được đào tạo huấn luyện bởi những cơ quan tình báo của một quốc gia, cho nên, để khai thác chúng phải mất nhiều tâm sức hơn?
Tên Tân đi cung gần hai tiếng đồng hồ đã về ngay. Tân đã vào buồng mà tên Tư vẫn chưa đóng cửa. Vẫn đứng ở ngoài, trong khi tên Tân vội vàng quấn chăn màn và quần áo. Tân quay lại tôi nói nhanh:
- Tôi được ra trại chung, vụ án của tôi sắp xử.
Y ôm các thứ ra tới cửa, quay lại gật đầu chào tôi. Cửa đóng, rồi khóa. Tôi thấy nhẹ hẳn người. Từ nay một mình, dù buồn hơn, nhưng không làm phiền toái ai, tôi cảm thấy dễ chịu, tự do hơn.
Ngày hôm sau nữa, tôi lại nghe cán bộ vào bảo cô gái bị cùm, phía trái của buồng số 7 mang chăn màn, quần áo ra trại chung. Cô đó đi được hơn một tiếng, rồi cô bị cùm phía phải cũng đi, rất im lặng. Tôi cố gắng nghe để phán đoán, nhưng cũng không hề nghe thấy một âm thanh gì. Như thế, sự nghi ngờ của tôi cô “phía phải” là tù giả cùng chắc đúng hơn nữa… Mặc dù mỗi người một buồng, họ ra đi, lòng mình cũng thấy mang mang vắng lặng.
Buồng số hai cũng một người ra trại chung, cùng với hôm Tân đi, có lẽ là người anh họ cùng “vụ” với Tân. Như thế, hiện nay xà lim chỉ còn có 4 người: Một ở buồng số 1, bị cùm một chân, một ở buồng số 2, không bị cùm; một ở buồng số 4 là tôi và một ở buồng số 5, không bị cùm.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen