Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Chương 34
Đ
ến toà án, ở ngoài hành lang, Nekhliudov gặp người mõ toà hôm qua, chàng hỏi y xem những tù nhân đã thành án hiện bị giam giữ ở đâu và ai là người có quyền cho phép gặp họ.
Người mõ toà cho biết tù nhân bị giam giữ ở nhiều chỗ và từ nay cho đến khi công bố án quyết, việc cho phép gặp họ là thuộc quyền quan chưởng lý.
- Vãn toà tôi sẽ nói để ngài rõ và sẽ dẫn ngài đi. Quan chưởng lý giờ cũng chưa có ở đây. Ngài để sau phiên xử. Còn bây giờ thì mời ngài vào dự. Phiên toà sắp bắt đầu đấy!
Sao hôm nay Nekhliudov cảm thấy người mõ toà có vẻ đáng thương thế. Chàng cảm ơn rồi đi tới phòng bồi thẩm.
Chàng vừa bước tới thì các bồi thẩm đang lục tục ở trong ra để sang phòng xử án. Cũng với cái vẻ tươi tỉnh ngày hôm qua và cũng như hôm qua, nhà thương gia đã ăn uống no say trước khi đến đây. Ông ta vồn vã chào hỏi Nekhliudov như chào hỏi một người bạn cũ. Và lúc nầy, thái độ suồng sã và tiếng cười khanh khách của Piotr Geraximovich không còn làm Nekhliudov khó chịu chút nào.
Nekhliudov muốn nói cho tất cả các bồi thẩm biết về quan hệ của chàng với nữ phạm nhân bị kết tội hôm qua.
Chàng nghĩ: "Lẽ ra hôm qua, lúc toà án xử, ta phải đứng dậy, công khai nói lên tội lỗi của mình mới phải". Nhưng đến khi chàng đã cùng các bồi thẩm vào trong phòng xử án và khi những thủ tục hôm qua lại bắt đầu tái diễn - lại "Toà thăng đường", lại bộ ba thẩm phán cổ áo thêu lên ngồi trên bục cao, lại im lặng, lại các bồi thẩm ngồi vào những chiếc ghế có lưng tựa cao, lại các tên hiến binh, bức ảnh Chúa, ông linh mục già, - thì chàng cảm thấy dù có bắt buộc phải làm, hôm qua chàng không đủ gan phá rối cái không khí trang nghiêm nầy.
Thủ tục tiến hành trước phiên toà cũng giống như hôm qua (trừ việc bắt các bồi thẩm tuyên thệ và bài nói của viên chánh án với các bồi thẩm là bỏ).
Hôm nay, toà xử một vụ ăn trộm có phá phách. Bị cáo do hai hiến binh gươm tuốt trần coi giữ, là một thanh niên hai mươi tuổi, gầy gò, vai hẹp, mặc áo tù màu xám, mặt tái nhợt. Anh ta ngồi một mình trên ghế bị cáo và đưa mắt lấm lét nhìn những người đang vào. Anh ta phạm tội đã cùng một người bạn bẻ khoá một nhà kho và ăn trộm mấy tấm thảm chùi chân cũ rích, trị giá ba rúp sáu mươi bảy kopeik. Bản cáo trạng có ghi rõ anh ta bị cảnh sát bắt giữ lúc đang đi với bạn, người bạn nầy vác mấy tấm thảm trên vai. Cả hai cùng nhận tội ngay và đều bị tống giam. Bạn anh ta là thợ nguội, đã chết trong tù.
Thế là người ta đem một mình anh ra xử. Mấy tấm thảm cũ nằm trên bàn tang vật. Việc xét xử lại diễn ra đúng như hôm qua, cũng có tất cả một loạt đầy đủ nào là bằng chứng, tang vật nhân chứng, tuyên thệ, hỏi cung, giám định, chất vấn. Khi nghe chánh án, chưởng lý, trạng sư bào chữa hỏi, viên cảnh sát nhân chứng cứ đờ đẫn trả lời nhát gừng "Đúng thế ạ", "tôi không biết" - và rồi lại "Đúng thế!"… Mặc dầu anh ta có cái vẻ đần độn, máy móc của con nhà binh, nhưng ai cung thấy rõ là anh ta thương hại bị cáo và miễn cưỡng phải kể lại việc mình đã bắt được thủ phạm như thế nào.
Nhân chứng thứ hai là một cụ già bé nhỏ, khổ chủ, chủ nhà và chủ những tấm thảm bị mất trộm. Rõ ràng ông cụ người bẳn tính, khi người ta hỏi cụ có nhận những tấm thảm ấy là của cụ không thì cụ nhận một cách miễn cưỡng. Khi phó chưởng lý vừa bắt đầu hỏi xem cụ định dùng những tấm thảm ấy làm gì, cụ có cần đến những tấm thảm ấy lắm không thì cụ nổi cáu và trả lời:
- Đem mà vứt những tấm thảm của nợ ấy đi cho rảnh! Lão không cần gì đến chúng hết. Nếu biết xẩy ra lắm chuyện phiền phức thế nầy thì lão chẳng hơi đâu đi trình báo làm gì. Giá có phải bù thêm vào đấy một tờ giấy bạc đỏ hay hai tờ đi nữa mà khỏi bị đòi hỏi đi lại thế nầy thì lão cũng xin bù. Chỉ riêng tiền xe cũng đã mất gần hai trăm rúp rồi. Mà lão lại đang ốm, vừa bị sa đì, vừa bị tê thấp.
Các nhân chứng thì nói như vậy. Còn chính bị cáo cũng đã thú nhận cả. Anh ta như một con thú bị bắt sống, ngơ ngác nhìn khắp xung quanh rồi ngập ngừng kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Sự việc đã rõ như ban ngày, nhưng cũng giống như hôm qua, phó chưởng lý lại nhún vai, đề ra những câu hỏi cực kỳ tế nhị, nhằm đưa tội phạm xảo quyệt kia vào tròng.
Trong lời buộc tội, hắn chứng minh rằng vụ trộm nầy diễn ra có phá phách và tại nhà có người ở. Vì thế cần trừng trị gã thanh niên nầy thật nặng.
Trạng sư bào chữa do toà cử ra cãi rằng vụ trộm nầy không xảy ra tại nhà có người ở, vì thế mặc dù tội đã rõ, bị can không đến nỗi nguy hiểm cho xã hội như ông phó chưởng lý quyết đoán.
Cũng lại như hôm qua, lão chánh án làm ra vẻ vô tư và công bằng. Lão giảng giải tỉ mỉ và dặn dò các bồi thẩm những điều mà họ đã biết hoặc không thể không biết.
Rồi lại cũng nghỉ giải lao như hôm qua, cũng hút thuốc, cũng viên mõ toà hô to "Toà thăng đường" và cũng hai tên hiến binh như hôm qua, cố gắng không ngủ gật, ngồi cầm gươm tuốt trẩn (đe doạ tội nhân).
Qua hồ sơ thấy rõ anh thanh niên kia được bố xin cho vào làm chân sai vặt ở một xưởng thuốc lá và anh ta đã sống ở đó năm năm. Năm nay, sau một vụ rắc rối xảy ra giữa chủ với thợ, anh bị đuổi. Mất việc, anh lang thang khắp thành phố, có đồng nào uống rượu sạch. Ở quán rượu, anh đánh bạn với một người thợ nguội cũng thất nghiệp như anh, mà còn thất nghiệp trước nữa lâu hơn, và cũng hay say rượu. Một đêm hai người say khướt, bẻ khoá nhà người ta vào vớ được cái gì thì lấy cái ấy. Cả hai bị bắt và đã thú nhận tất cả. Bị nhốt vào ngục, anh thợ nguội chết trong khi chờ ra toà. Còn anh nầy hiện đang bị toà xét xử và bị coi như một kẻ nguy hiểm cần phải trừ đi cho xã hội.
Nghe tất cả những điều đó, Nekhliudov nghĩ: Cũng nguy hiểm như nữ tội nhân hôm qua. Họ nguy hiểm, còn chúng ta thì không nguy hiểm ư? Như ta, một kẻ dâm dật, truỵ lạc, một tên lừa bịp, thế mà tất cả những ai biết ta, thấy ta như thế nầy, không những không khinh bỉ mà còn kính trọng ta nữa? Nhưng dù trong số những người có mặt trong gian phòng nầy, gã thanh niên kia có là kẻ nguy hiểm nhất cho xã hội đi nữa, thì theo lương tri, ta phải làm gì khi đã bắt được anh ta?
Thật rõ ràng anh ta không phải là một kẻ phạm tội đại gian, đại ác mà chỉ là một người rất bình thường, điều đó mọi người đều thấy. Và ai cũng rõ là anh ta sa ngã như bây giờ chỉ vì anh ta đã sống trong hoàn cảnh tạo nên những con người như vậy. Bởi thế cho nên ai cũng thấy rõ là muốn cho không còn có những thanh niên như vậy nữa, thì trước hết phải thủ tiêu những hoàn cảnh tạo nên những con người bất hạnh ấy đi.
Vậy mà chúng ta làm gì? Chúng ta tóm lấy gã thanh niên nầy do tình cờ đã sa vào tay chúng ta, trong khi chúng ta thừa biết có hàng ngàn người phạm tội như anh ta mà không bị bắt; rồi chúng ta phải bỏ anh ta vào tù đặt anh ta trong điều kiện hoàn toàn vô công rồi nghề, hoặc bắt anh ta làm những việc cực kỳ ngu xuẩn, có hại chỏ sức khỏe, bắt anh ta chung sống với những người cũng đã suy nhược và lầm lỗi trong cuộc đời như anh ta, rồi sau đó lại muốn làm tốn tiền công quỹ, đưa anh ta đi đày từ Moskva đến Irkusk, cùng những kẻ hư hỏng nhất đời.
Không những chúng ta không làm gì để thủ tiêu các điều kiện tạo nên những con người như thế mà chúng ta lại còn khuyến khích những cái lò đào tạo ra họ. Ai nấy đều biết đó là những xưởng máy, những xí nghiệp, những xưởng sửa chữa, những quán rượu, những tiệm ăn, những nhà chứa. Chẳng những chúng ta không triệt hết đi mà chúng ta còn cho là cần phải có và khuyến khích giúp đỡ cho những tổ chức ấy hoạt động đều đặn nữa.
Như vậy chúng ta tạo ra, không phải một mà hàng triệu người rồi sau đó lại đi tóm cổ một người và tưởng như thế là làm được một cái gì đó, đã bảo vệ được cho mình và, chẳng cần phải làm gì thêm nữa, chúng ta điệu người ấy đi từ Moskva đến Irkusk, - ý nghĩ của Nekhliudov lúc nầy rất sôi nổi và minh mẫn; ngồi cạnh viên đại tá, chàng nghe đủ các giọng của trạng sư, chưởng lý và chánh án nhìn những cử chỉ đầy tự tin của họ. - Mà cái trò hề nầy tốn biết bao nhiêu công sức? - Nekhliudov tiếp tục suy nghl, mắt ngắm nghía gian phòng rộng lớn, những bức chân dung, những ngọn đèn, những chiếc ghế bành, những bộ quần áo, những bức tường dầy, những khung cửa sổ, chàng nghĩ đến vẻ đồ sộ của toà nhà nầy và đến vẻ đồ sộ còn to gấp đôi của cả ban tổ chức nầy, đến toàn bộ đoàn quân viên chức, quan lại, thư ký, lính canh, tuỳ phái, không phải chỉ ở đây mà trên khắp đất nước Nga, cả bọn đó đều ăn lương để diễn cái tấn hài kịch không ai cần đến ấy. - Ừ, giá mà chúng ta đem dùng một phần trăm những công sức đó để giúp đỡ những người bị bỏ rơi nầy. Những con người mà chúng ta hiện đang chỉ coi như những cánh tay những tấm thân cần thiết cho cuộc sống yên ổn sung túc của chúng ta thôi. - Nhìn khuôn mặt ốm yếu, sợ sệt của anh thanh niên, Nekhliudov ngẫm nghĩ: Vì nghèo đói anh ta phải bỏ quê ra tỉnh, nếu ngay từ lúc ấy có được một người thương hại và cưu mang, hoặc là khi anh ta đã ở tỉnh rồi, sau mười hai giờ làm việc ở công xưởng, giá như lúc anh ta bị bè bạn lớn tuổi rủ rê đến quán rượu mà có được một người khuyên bảo: "Vania nầy, đừng đi! Không nên đâu!" thì anh ta sẽ không đi nữa, sẽ không la cà, tán gẫu và không làm gì bậy bạ cả.
Nhưng suốt mấy năm trời học việc ở tỉnh, có ai thương hại anh ta đâu; anh ta sống như một con vật, đầu cạo trọc lốc cho khỏi làm ổ chấy, chạy đi mua vặt cho các ông thợ cả. Trái lại, suốt thời gian ấy, anh ta chỉ nghe và thấy ở những người nầy và bạn bè có một điều là kẻ nào biết lừa bịp, uống rượu chửi bới, đánh nhau, chơi bời truỵ lạc mới là người giỏi giang. Thế rồi đến khi anh ta bệnh tật kiệt sức vì làm lụng quá sức, đến khi rượu chè và truỵ lạc đã làm anh ta u mê, ám chường, đi lang thang vớ vẩn khắp thành phố, rồi đến khi chỉ vì ngu ngốc anh ta chui vào một cái kho, lấy mấy cái thảm chùi chân cũ rích thì chúng ta, toàn những người giàu có, phong lưu, có học thức, chúng ta đã không tìm cách diệt trừ cho hết những nguyên nhân đưa người thanh niên ấy đến tình trạng hiện nay, chúng ta lại tưởng là uốn nắn chấn chỉnh tình hình bằng cách trừng trị anh ta.
Thật là kinh khủng? Không biết rằng ở đây, cái tàn nhẫn và cái vô lý, cái nào nhiều hơn. Có lẽ cả hai đều đã tới mức độ tột cùng.
Nekhliudov mải suy nghĩ, không chú ý đến việc đang diễn ra trước mắt. Chàng thấy hãi hùng về cái điều vừa khám phá ra. Chàng lấy làm lạ sao trước đây người khác cũng không nhìn thấy được điều đó.