Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 32: Vì Cái Chúng Ta Ăn
C
húng ta là những gì chúng ta ăn (We are what we eat). Ăn thứ bổ dưỡng chúng ta khỏe mạnh; ăn thứ mất vệ sinh chúng ta ốm yếu, bệnh tật. Về cơ bản, thể chất của con người do thức ăn quyết định. Và nếu như vậy, thì quả thật thể chất của chúng ta đang có vấn đề, bởi vì rằng thức ăn của chúng ta đang có quá nhiều vấn đề.
Các vấn đề đó là dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng hóa chất trong rau quả; dư lượng chất kháng sinh trong tôm cá; dư lượng chất tăng trọng trong thịt gia súc; dư lượng chất 3-MCPD trong nước chấm v.v. và v.v. Nghĩa là mọi thức có vẻ đều “dư”, chỉ có vệ sinh, an toàn thực phẩm là lại thiếu.
Có ba loại chủ thể liên quan đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là các nhà sản xuất, những người tiêu dùng và Nhà nước. Nhà nước là quan trọng nhất trong ba chủ thể nói trên. Tuy nhiên, việc Nhà nước phải coi vệ sinh an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của mình; việc Nhà nước phải nâng cao năng lực cho bộ máy xác lập tiêu chuẩn, kiểm tra, thanh tra hàng hóa thực phẩm đều là những chuyện “biết rồi khổ lắm…”. Vì vậy, ở đây xin được bàn thêm đôi điều về các nhà sản xuất và những người tiêu dùng.
Trước hết về các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất bao gồm cả các nhà nông, các ngư dân, các công ty kinh doanh thực phẩm… Tại sao đông đúc các nhà này lại để nhiều hóa chất độc hại như vậy trong các sản phẩm của mình? Câu trả lời chỉ có thể: một là do họ không hiểu biết; hoặc hai là do họ không tử tế.
Đối với những người không hiểu biết thì giải pháp phải là đào tạo, là cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết. Đối với những người không tử tế thì giải pháp là phải lên án, phải xử phạt (áp dụng cả chế tài đạo lý và cả chế tài pháp lý). Trong những công việc nói trên, Nhà nước vẫn là chủ thể quan trọng nhất. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội cũng cần đóng góp phần của mình.
Điều cần lưu ý ở đây là cái chuyện không biết chỉ có thể đúng với một số bà con nông dân và ngư dân, còn khó có thể đúng với các công ty kinh doanh thực phẩm.
Hai là về những người tiêu dùng. Những người tiêu dùng có vẻ như là tất cả chúng ta. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm nhiều hơn thì là những người làm công việc nội trợ. Tại sao chúng ta lại mua các loại thực phẩm độc hại như vậy về để ăn? Câu trả lời cũng chỉ có thể: một là do chúng ta không hiểu biết; hoặc hai là do chúng ta bất cẩn.
Thực ra, để biết đâu là rau sạch, đâu là tôm không có dư lượng kháng sinh là điều không dễ. (Nhiều người cho rằng rau bị sâu ăn lỗ chỗ mới là rau sạch. Tuy nhiên, đó chỉ là một cú đoán mò đầy rủi ro: sâu có thể ăn lá trước lúc người ta phun thuốc và sâu thì cũng có loại kháng độc, mà người thì chẳng có loại nào như vậy cả). Tuy nhiên, sự hiểu biết của những người tiêu dùng vẫn đóng vai trò quyết định ở đây. Những người tiêu dùng cần phải biết về thương hiệu, về nhãn mác của hàng hóa, về tiêu chuẩn hàng hóa, về giấy phép cho lưu hành và về tên địa chỉ của các nhà sản xuất. Có biết được những điều này mới áp đặt được chế độ trách nhiệm đối với các nhà sản xuất. Bị áp đặt chế độ trách nhiệm các nhà sản xuất mới không dám làm ẩu. Ngoài ra, bằng cách lựa chọn những thương hiệu có sản phẩm đạt chất lượng, những người tiêu dùng còn khuyến khích các nhà sản xuất phấn đấu để gìn giữ thương hiệu của mình. Cái tốt này dẫn đến cái tốt kia. Hy vọng những người làm ăn tử tế hùng mạnh lên sẽ lấn án và loại bỏ được những người làm ăn gian dối.
Riêng về sự bất cẩn của những người tiêu dùng, thì đây đúng là một bài toán khó. Cứ nhìn vào tai nạn giao thông trên đường phố, chúng ta sẽ thấy mình bất cẩn biết chừng nào. Những thứ thực phẩm kém chất lượng vẫn tiêu thụ được là vì chúng ta đã chặc lưỡi cho qua. Trong tình cảnh này, một chiến dịch truyền thông hữu hiệu và bền bỉ là rất cần thiết để cải thiện tính bất cẩn của những người tiêu dùng. Thực tế cuộc sống cũng có thể dạy cho những người tiêu dùng về hậu quả khôn lường của tính bất cẩn. Tuy nhiên, đó sẽ là những bài học đắt giá.