If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 88
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 35
au khi quân cộng sản bị đánh bật ra khỏi Huế, cả thành phố đã trở thành một bãi tha ma!
Gần như gia đình nào cũng có thân nhân bị chết hoặc mất tích. Những người chết có may mắn được thân nhân hoặc người quen ở bên cạnh lúc nhắm mắt lìa đời, còn được vùi nông bên đường, ngay chỗ nằm xuống để chờ cải táng. Do đó ở đâu cũng thấy những nấm mộ mới, với nhiều cách ghi dấu để khỏi lầm lẫn với những ngôi mộ lân cận. Khi thì một viên gạch vỡ chôn một nửa xuống mặt đất. Khi thì một cây cọc cắm chéo cho dễ nhận. Đôi lúc là một mảnh giấy viết nguệch ngoạc tên họ người xấu số, người còn sống quên rằng cả mảnh giấy màu mực ấy không đủ sức chịu đựng được sương gió, tồn tại cho qua mùa chiến tranh.
Những xác chết vô thừa nhận, hoặc không có thân nhân, xác lính Bắc Việt và du kích Việt cộng, thì nằm nguyên ở nơi ngã xuống. Cái lạnh của thời tiết chỉ đủ giữ cho xác chết không sình thối nhanh mà thôi. Sang đến ngày thứ ba, thứ tư, tử thi căng lên, khuôn mặt tái xanh phì ra, ruồi đen bu đen trên hai hố mắt và vết thương. Những bộ áo quần rộng thùng thình bị sức căng của xác chết giật tung cả nút áo. Mùi tanh thối bắt đầu tỏa khắp không khí. Những con chó đói, những con heo lâu ngày không có chủ nuôi, phá chuồng chạy rong ngoài đường tìm tới những cái xác vô chủ ấy, gặm nát chân tay, mặt mũi tử thi.
Huế khuỵu xuống, trở thành tàn tật, vì cánh tay “Trường Tiền” thân ái ôm choàng hai bờ tả hữu ngạn sông Hương đã gãy lìa. Từng người dân Huế cũng khuỵu xuống, trở thành tàn tật, vì sau cơn phong ba, dù may mắn được sống sót, họ không thể nào quên được những kinh nghiệm hãi hùng làm họ bàng hoàng đến tận cuối đời. Kinh nghiệm đó thay đổi đời họ, thay đổi cách họ nhìn, thay đổi cách họ cảm xúc, cách họ phán đoán, cách họ yêu ghét. Những thanh sắt cầu bị oằn, những cành cây bị gãy, những mảnh ngói bị vỡ, những thân kèo cột bị cháy, những bức tường bị đổ đều trở thành những vết thương không bao giờ lành. Thời gian qua đi, bên ngoài có thể vết sẹo đã liệp với những khoảng da khác khó nhận ra được, nhưng bên trong, những vết thương đó vẫn âm ỉ. Lâu lâu, khi thời tiết đổi thay, dù là thời tiết của trời đất bốn mùa hay thời tiết của tâm hồn, vết thương cũ lại tái phát, làm đau nhói người dân Huế.
* * *
Nhân loại mau mắn tìm đủ cớ yên tâm với sự chém giết nhau ngoài mặt trận. Đó là quy luật tự nhiên của cuộc chiến: “Tao không giết mày, thì mày cũng giết tao!”
Nhân loại cũng yên tâm dấn mình vào những cuộc thánh chiến: “Giết kẻ tà đạo là một nghĩa vụ thiêng liêng!”
Từ đó bọn sử quan cung đình không dè dặt phong thánh cho lũ bạo chúa, lũ hiếu sát, lũ lưu manh gặp thời vì vua chúa là “Con Trời”, nắm được “Thiên Mệnh!”
Nhưng vụ thảm sát của Cộng sản tại Huế, cho tới nay, vẫn còn làm cho rất nhiều người chép sử bàng hoàng, thắc mắc. Họ muốn lịch sử, dù trong những giai đoạn rối rắm phức tạp nhất, cũng phải có sự hợp lý tương đối.
Sau khi tìm thấy và khai quật 19 mồ chôn tập thể quân cộng sản để lại cho Huế, người ta thấy những người bị giết thuộc đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, và “được” chết theo đủ cách: hoặc chết mà hai tay bị trói quặt bằng dây điện thoại, hoặc chết mà “được” nhét giẻ vào mồm, hoặc may mắn thân thể nguyên lành không một vết thương vì “được” chôn sống.
Ngôi mộ tập thể được khám phá đầu tiên hôm 26/2/68 ở trường trung học Gia Hội, với 170 xác: tác phẩm tuyệt vời của Sáu Lăng. Mấy tháng sau đó, người ta tìm thêm được một vài nơi chôn xác nữa ở chùa Tăng quang (67 xác), Bãi Dâu (77 xác), Chợ Thông (100 xác), Khu Lăng (201 xác), Thiên hàm (200 xác), Đồng Gi (100 xác). Tổng kết có tới gần 1200 xác bị vùi nông trong những huyệt tập thể đào vội, lấp vội.
Sang đầu năm 1969, tháng 3 và 4, người ta lại tìm thêm những hầm xác khác tại các đụn cát hiu quạnh của quận Hương thủy và Phú thứ. Sang tháng 5, thêm các mồ tập thể được phát hiện ở quận Vinh lộc, và một số khác ở quận Nam hòa tìm ra vào tháng 7. Riêng tại các đồi cát ở Vĩnh lưu, Lê Xá đông và Xuân ổ, người ta đào được trên 800 xác.Tháng 9-1969, hầm xác khổng lồ ở Đá mài được tìm thấy, tiếp theo là hầm xác ở làng Lương viên, quận Phú thứ tìm ra tháng 11-1969.
Trong cuốn The Viet Cong Strategy of Terror, ông Douglas Pike viết năm 1970, tác giả cho rằng con số tối thiểu bị cộng sản tàn sát trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân ở khu vực Huế phải lên tới 5700 người. Căn cứ vào 800 xác khai quật được trong những đợt đầu, Douglas Pike đưa ra bảng thống kê phân loại các nạn nhân như sau:
Thành phần quân nhân VNCH…………………30%
Thành phần công chức VNCH………………….10%
Phụ nữ…………………………………………………...5%
Trẻ em dưới 16 tuổi………………………………….5%
Không thể xác định được lý lịch…………….…50%
Nếu những người bị “xử lý” đều thuộc 30% quân nhân và 10% công chức phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thành phần cộng sản vẫn gọi chung là “bọn phản động, kẻ thù của nhân dân, của Cách mạng”, thì các nhà chép sử còn tạm yên tâm, tạm thấy sự hợp lý trong cuộc thánh chiến giả mạo.
Đằng này, người ta tìm ra được xác những đàn bà, trẻ con chưa hề nhận được chút ơn mưa móc nào của chính quyền miền Nam, trong lúc dấu vết còn lại cho thấy cái chết của họ không do tai nạn, hoặc ngẫu nhiên. Họ bị xử tử, và những đao thủ phủ của họ hành động một cách bình tĩnh, không vội vàng, không hốt hoảng.
Vì sao vậy?
Cho tới nay, vẫn chỉ lối giải thích của ông Douglas Pike có vẻ hợp lý nhất.
Ông cho rằng trong thời gian chiếm Huế và vùng phụ cận, lực lượng cộng sản đã trải qua ba giai đoạn hành động khác nhau, tùy thuộc vào cách lượng giá tình hình của họ.
Giai đoạn 1: Là vài ngày đầu bất thần xâm nhập và chiếm được hầu hết khu vực của Huế. Quân cộng sản được lệnh chỉ ở lại Huế tối đa một tuần, không lâu hơn. Do đó, trước khi về Huế, họ đã lập sẵn danh sách những “bọn ác ôn, kẻ thù của cách mạng” cần phải thanh toán. Một số có tên trong sổ đen rủi ro bị họ bắt được. Thế là họ lập tòa án nhân dân, tuyên án, và hành quyết công khai để thị uy. Một số khác họ cần khai thác tin tức, nên không giết mà đưa vội lên mật khu để hỏi cung, lấy tin.
Giai đoạn 2: Sau khi thấy phản ứng của quân đội VNCH và quân đội Hoa Kỳ yếu ớt, do dự, Cộng sản nghĩ rằng họ có thể chiếm được Huế lâu dài. Muốn vậy, phải bắt tay “xây dựng chính quyền cách mạng”, phải tiêu diệt một cách có hệ thống tất cả trật tự cũ. Do đó, cộng sản tàn sát không phải những cá nhân, mà cả một thành phần. Bản án để gài lên tử thi kẻ bị hành quyết không có tên họ mà chỉ là mấy chữ “thành phần phản động” ghi trên lệnh “xử lý” viết tay. Các vụ hành quyết cũng đổi hình dáng. Không có tòa án, không xử công khai. Mà hành quyết tập thể, khuất lấp, không cho dân chúng được chứng kiến hoặc bén mảng tới gần.
Giai đoạn 3: Trước sức phản công mạnh mẽ của quân đội Hoa kỳ và Việt Nam Cộng hòa, Cộng sản nhận định rằng không thể nào giữ Huế được. Phải rút lui khỏi Huế. Cái khó là bọn nằm vùng đã lộ diện hết suốt thời gian chiếm đóng. Cho nên trước mắt, phải giết hết những người chứng kiến hoạt động của cộng sản tại Huế, kể cả những đứa trẻ chưa làm gì để có lý lịch xấu, những phụ nữ suốt đời tảo tần nuôi con, những cụ già sắp lìa đời vì già yếu bệnh tật…Cuộc thanh toán diệt khẩu tuy vội vã, nhưng được tính toán trong bình tĩnh.
Douglas Pike giải thích thật hợp lý! Thứ hợp lý của Lịch sử Mù lòa!
Ngữ và Lãng vội về thăm nhà ngay sau khi ngọn cờ Việt Nam Cộng hòa được kéo lên đỉnh Kỳ đài.
Mặc dù đã quá quen thuộc với cảnh đổ nát, chết chóc, cả hai anh em không khỏi xót xa đến quặn thắt cả lòng khi tận mắt nhìn cảnh đổ nát của những ngôi nhà, những đường phố thân yêu. Người ta có thể dửng dưng trước cảnh hoang tàn của Hiroshima, nhưng lại có thể khóc sướt mướt vì mất một cái áo cũ. Sự mất mát tầm thường hay lớn lao tùy thuộc vào mức độ mật thiết ta gắn bó với thứ vừa mất mát.
Gần như các hình ảnh, các cảnh vật quen thuộc, những mẩu kỷ niệm yêu dấu của Ngữ và Lãng đều bị sụp đổ, tàn phá nặng nề. Trên nền ngôi nhà cũ đã sập, có thể người ta sẽ xây lên một ngôi nhà mới khang trang hơn, đẹp đẽ hơn, tiện nghi tối tân hơn. Nhưng hồn của những mái ngói âm dương rêu phủ, hồn của những viên gạch Bát Tràng, của những cột gỗ lim chạm trổ…nay vất vưởng không còn chỗ đậu. Huế là thành phố của Quá khứ, của Lưu niệm! Chiến tranh đã cướp mất niềm hãnh diện cuối cùng đó của Huế!
Trên đoạn đường đổ nát từ cửa Thượng tứ đi dọc theo phố Trần Hưng Đạo về Gia hội, hai anh em thất thểu ngỡ ngàng như hai người mất hồn. Họ phải tránh những cây cối bị bom đạn quật ngã nằm vắt qua đường, tránh những xác chết đã nặng mùi, những đống gạch ngói vỡ nát, những bức tường sắp đổ. Những người họ gặp đều như những bóng ma âm thầm, quần áo nhớp nhúa, mặt mày lem luốc, thất thần. Lãng luôn miệng hỏi Ngữ:
- Chỗ này hồi trước là cái gì, anh?
Ngữ cũng luôn miệng hỏi em câu đó. Hai anh em chỉ đoán mò. Thành phố bị đổ nát, chiều cao bị quật sụm, thành ra hẹp một cách khác thường. Từ con đường này nhìn thấy suốt được một dọc dài con đường song song gần đó. Ngữ có cảm giác sợ hãi, bất an hơn cả lúc bị vây khổn hay chịu nguy hiểm giữa tên đạn. Những ngôi nhà chung quanh chàng đã sụp, những tàn cây đã gãy, không còn gì che chở cho Ngữ nữa. Chàng cảm thấy cô độc, bơ vơ lạ lùng, cảm thấy trơ trọi bẽ bàng như một người bị buộc đứng trần truồng trước đám đông. Bóng râm của kỷ niệm, tàn che của thiên nhiên không còn! Ngữ cảm thấy lạnh, mặc dù thời tiết đột ngột thay đổi, nắng lên hâm nóng mùi tử khí lâu nay bị giá rét và mù sương hãm lại!
Bà Văn, Nam, Quế mừng rỡ ôm chầm lấy Ngữ và Lãng. Căn nhà thân yêu đã bị sập, cả nhà tạm trú dưới tàn mít sau vườn. Cả bà Văn lẫn Nam, Quế giành nhau báo tin ông Văn mất tích. Bà Văn và Nam vừa kể vừa mếu máo khóc. Quế thì giận dữ nhìn những người hàng xóm đang lấp ló tò mò quan sát cảnh đoàn tụ của gia đình mình, hai hàm răng cắn chặt khi nói với Lãng:
- Toàn là một lũ miệng lưỡi độc như rắn rít. Ba bị bắt đi mất tích, mà chúng nó dám phao tin là ba đã theo Việt cộng.
Lãng sốc nổi, giận dữ hét lên:
- Đứa nào nói vậy? Đứa nào bảo ba tao theo Việt cộng, ra đây tao bắn nát thây nó ra!
Bà Văn sợ quá, vội giữ Lãng lại:
- Thôi con! Họ xì xầm như thế chứ có dám nói thẳng ra đâu! Lòng dạ con người, con còn lạ gì! Rán đi tìm xem ba mày bị lạc ở đâu, ba mày về thì mọi sự sáng tỏ.
Cả nhà tỏa đi tìm ông Văn, trừ Nam phải ở “nhà” để trông con và giữ một vài thứ đồ đạc lặt vặt cần thiết moi ra được khỏi đống gạch vụn. Lãng và Ngữ bình yên trở về, khiến bà Văn lạc quan tin rằng có một đấng thiêng liêng nào đó che chở cho gia đình bà. Bà tin tưởng ông Văn vẫn còn sống, vì theo bà, nếu có một người nào trong gia đình xứng đáng được đấng thiêng liêng đó che chở bảo vệ hơn hết, người đó là chồng mình.
Nhưng khi người ta khám phá ra hầm xác tại trường trung học Gia hội, niềm tin ấy bị sụp đổ. Nhờ quần áo và vài thứ đồ đạc còn trên xác chết, người ta xác định được lý lịch một số người bị giết. Vài nạn nhân cũng được gọi đi “học tập” ba ngày y như ông Văn. Vụ khám phá ra mồ chôn tập thể ở trường Gia hội hôm 26 tháng 2 đưa những người Huế sống sót vào một cảnh địa ngục mới.
Ở đâu có tin đồn tìm ra một chỗ chôn xác là người ta ùn ùn kéo tới. Chỗ đất nào hơi khả nghi vì có dấu đào xới đều được khai quật lên. Hai ba người hì hục đào, những người còn lại, phần lớn là phụ nữ đội khăn tang, đứng chờ chung quanh, vừa hy vọng tìm được dấu tích người thân lại vừa không muốn tìm thấy dấu tích ấy.
Tin đã tìm thêm hầm xác ở chùa Tăng quang đến “nhà” gia đình bà Văn vào buổi trưa. Lãng đã trở vào Sài gòn theo đơn vị. Ngữ xin phép trung tá Phan được ở lại Huế ít lâu để lo chuyện gia đình, khi ông Phan đáp máy bay từ Pleiku ra Huế thăm mẹ. Quế đã vào lại Đà Nẳng để trông coi quán.
Ngữ trở thành người đàn ông độc nhất cột trụ của gia đình, nên trong thời gian ngắn còn được ở Huế, chàng gắng che tạm cho mẹ và em một chỗ tạm trú bằng tôn và ván.
Ngữ đèo mẹ bằng xe đạp xuống chùa Tăng quang, với tâm trạng phức tạp hàm hồ y như tâm trạng những người khác.
Lúc hai mẹ con tới, chung quanh khuôn đất khả nghi, người ta ùn ùn từ khắp nơi đổ tới, lóng ngóng hồi hộp theo dõi từng nhát cuốc của bốn người đàn ông lực lưỡng phụ trách việc khai quật.
Cây cối trong khuôn viên chùa bị dẫm nát, tin đồn loang nhanh nên người kéo tới mỗi lúc mỗi đông. Một mùi hôi thối khác thường bắt đầu bốc lên sau các nhát cuốc, xác nhận điều khả nghi đã trở thành sự thật.
Bà Văn và Ngữ phải khó nhọc lắm mới chen vào được hàng đầu, sát bên chỗ đang khai quật. Công việc đang đều đặn, đột nhiên khựng lại khi một nhát cuốc vất lên một mảnh quần áo. Đã bắt đầu tới lớp xác chết đầu tiên!
Đám đông xô tới trước, bà Văn bị ngã chúi, nếu không có Ngữ bên cạnh có lẽ đã bị dày lên người. Công việc bị trở ngại. Ngữ phải cùng một số thanh niên Phật tử tự nguyện đứng ra làm ban trật tự mở rộng vòng người bao quanh ngôi mộ tập thể. Hơi thối nồng nặc cũng góp phần nào để những người đứng gần chỗ khai quật phải dang ra xa.
Bốn người đàn ông lo việc đào xác đều có mang băng che mũi và miệng đề phòng hơi thối. Tay họ đeo găng cao su, chuẩn bị đầy đủ như những người bốc xác chuyên nghiệp. Lâu lâu, họ lấy rượu xoa vào tay chân để khử độc.
Cái xác đầu tiên được mang lên khỏi mặt đất, nắm xương cốt đã thối rữa dồn lại làm oằn bộ quần áo vải dày chưa kịp mục, khi bốn người bốc xác nhẹ nhàng cẩn thận đưa bọc xác đầu tiên lên khỏi huyệt.
Tự nhiên thời gian như dừng lại. Không ai bảo ai, tất cả mọi người chung quanh đều im lặng. Nắng dội lên những chiếc đầu trần, hấp nóng hơi tối. Rồi đột ngột một người đàn bà nào đó bật khóc nức nở. Tiếng khóc thảm thiết lan truyền nhanh chóng, bật thành tiếng khóc chung. Khuôn mặt người nào cũng ràn rụa nước mắt, tiếng kể lể bi ai chen lẫn với tiếng cầu kinh, niệm Phật.
Những cái xác sau không được nâng niu gượng nhẹ đưa lên khỏi lòng đất bằng những xác trước. Một số thanh niên tình nguyện vào giúp bốn người bốc mộ chuyên nghiệp. Việc xếp các tử thi và lục tìm đồ đạc còn lại trên quần áo người chết cho thân nhân dễ nhận diện cũng được tổ chức hợp lý hơn. Bảy thanh niên Phật tử tiếp tục bới xác, bốn người bốc mộ dạn tay quen nghề, lo lục tìm các di vật. Tới lúc chạng vạng, tất cả 67 tử thi đã được mang lên đặt xếp thành một dãy dài ngay bên ngôi huyệt tập thể.
Nhờ Ngữ xung phong làm việc trong toán giữ trật tự, nên chàng được xem sớm hơn những di vật bám đầy đất nhão hôi hám ấy. Chàng chết sững, ngồi lặng bên một xác chết đàn ông, khi nhận ra chiếc đồng hồ Wyler ông Văn vẫn thường đeo.
Ngược lại với mọi dự đoán, suốt thời gian ma chay, bà Văn là người giữ được sáng suốt bình tĩnh nhất.
Qua xúc động ban đầu, tự nhiên bà trở nên tỉnh táo khác thường. Bà biết rõ những gì phải làm, biết rõ việc gì phải làm trước, việc gì làm sau. Bà nhờ một người hàng xóm đánh điện gọi ngay Quế và Lãng về, sau đó nhờ người thương lượng để mua cho được một cỗ quan tài tốt và rẻ. Việc này không dễ, vì hầu hết gia đình ở Huế sau Tết Mậu Thân đều có ít nhất một vụ cải táng hoặc một đám tang mới.
Người bị cái chết của ông Văn cướp đi chút sức tàn còn lại, là Nam. Gần như nàng không còn biết những gì xảy ra chung quanh nữa. Ngữ và bà Văn vừa đem xác ông Văn về, Nam bật khóc nức nở, thả rơi con bé Thúy, chạy tới ôm chầm lấy cái xác bầy nhầy đặt trên băng-ca. Nàng không còn biết tới mùi hôi thối, vật vã quằn quại như một người điên phát cơn. Ngữ và bà Văn phải nắm hai cánh tay ốm của Nam, gỡ không cho nàng bám lấy xác cha, dẫn nàng đi tắm rửa, buộc nàng nằm yên trên cái giường bố nhà binh đặt dưới tấm tôn che tạm mưa nắng dưới gốc mít. Nam ngoan ngoãn vâng lời, nhưng cứ nói làm ràm như người dại. Nàng lim dim mắt, nằm nói chuyện một mình. Những lời rời rạc không đầu không đuôi, những lời vô nghĩa. Đôi khi cố lắng tai theo dõi, Ngữ nghe em gái đang nói chuyện với ông Văn. Những lúc đó, giọng nói của Nam trở nên dịu dàng, từ tốn, như giọng tâm sự giữa hai cha con, thời Nam còn ngoan ngoãn nấp dưới sự che chở tinh thần âu yếm và đầy thi vị của cha. Lâu lâu, giọng độc thoại của Nam lại trở nên hốt hoảng, chới với. Nàng rên rỉ giữa cơn nức nở: “Ba tha lỗi cho con! Con có lỗi với ba! Xin ba đừng nhìn con như thế! Ba hiểu cho lòng con!”
Ngữ nhìn em, xót xa không biết phải làm thế nào để đưa Nam ra khỏi cơn mông muội.
May mắn là thời gian đó Diễm có qua giúp Nam coi sóc cháu Thúy. Diễm tới từ lúc nào, thành thật mà nói, Ngữ không biết rõ. Chàng sống chập chờn giữa thực và mộng, hồn cứ bập bềnh như người say sóng. Lúc nhận ra có Diễm bên cạnh, chàng sung sướng dạt dào. Tâm hồn chàng tỉnh táo hơn, lòng chàng dịu lại. Mọi vật trước mắt hiện ra rõ hơn, thứ gì cũng rực rỡ như có hào quang. Kể cả ánh ngọn nến leo lét trên đầu quan tài ông Văn.
Đêm ấy, Ngữ ngồi một mình bên người cha thân yêu, thầm ôn lại những kỷ niệm vui buồn giữa hai cha con, nhớ lại những lúc hai cha con xung khắc, những cuộc đối thoại lấp lửng, những phút mở lòng hiếm hoi nhưng quý giá. Đột nhiên, có ai đó cầm lấy tay Ngữ. Chàng cảm thấy mềm mại, ấm áp, một cảm giác mềm mại ấm áp có sức truyền cảm vô bờ giữa lúc tâm hồn chàng mong manh nhạy cảm như một sợi tơ. Không bao giờ, phải, không bao giờ chàng quên được cảm giác ngây ngất truyền từ bàn tay mềm mại ấm áp đêm ấy. Diễm đã ngồi xuống bên Ngữ, và thì thào:
- Em chia buồn với anh!
Ngữ nắm lại bàn tay Diễm, bóp nhẹ để cảm ơn. Diễm để yên một lúc, rồi rút về. Ánh nến soi đôi mắt Diễm sáng. Soi cả đôi môi run, và hai dòng lệ từ từ chảy xuống má. Ngữ cố dằn xúc cảm, hỏi Diễm:
- Em đến lúc nào?
- Mới đến. Có mạ em nữa.
Ngữ vội hỏi:
- Thế à! Bác đâu rồi?
- Mạ đã về với …ông Mân. Ba em bị Cảnh sát bắt hôm qua. Mạ lo lắm!
Giọng Diễm đột nhiên mong manh:
- Em khổ lắm! Anh biết không?
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động