Số lần đọc/download: 2470 / 112
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Chương 34
- Đi anh!
Rồi Thu lôi tôi lội xuống suối trườn tới mà đi một cách hết sức hăng hái. Vừa lội Thu vừa ngoái cổ lại xem và kêu lên từng chập. Thu nói:
- Không có ông Chín ở đây cho ổng huấn từ!
Chúng tôi lội một chốc thì gặp bác sĩ Năm Cà Dom. Anh ta chỉ có cái quần đùi dính da. Ba-lô của anh treo lủng lẳng trên cành cây. Anh đứng chống nạnh nhìn dòng suối chảy xiết. Thấy tôi và Thu bè bè đi đến, Năm reo lên:
- A hay quá! lên đây nghỉ các bồ. Ngâm nước mãi dọp bẻ chết tươi đấy!
Tôi và Thu lại leo lên đứng trên một tảng đá. Tôi thấy hơi bối rối vì tôi đang đứng trước một tượng thần nữ bằng xác thịt qua ư gần gũi với tôi. Đằng sau những manh vải ướt đẫm dán sát vào thân nàng hiện lên những đường cong hài hoà mà con đường tai ác này đã ra sức tàn phá, nhưng nó vẫn giữa được vẻ đẹp nguyên thủy của một hình khối mà đứng bên cạnh nó tất cả đều trở nên thô kệch vụng về.
- Cô đang sốt đấy – rồi Năm nhìn từ đầu đến chân Thu. Bỗng Năm trông thấy máu chảy dọc theo bắp chân của Thu. Năm kêu lên:
- Lại làm sao nữa kìa?
Thu xấu hổ nhìn xuống.
- Cô ấy đang có kinh! – Tôi đáp thay cho Thu.
- Cha cha cha! Dã man thật. Thôi ngồi lại đây nghỉ. Lội thế này nhiễm trùng, hỏng cả cuộc đời đấy. Lấy võng ra cho cô ta nằm, căng tăng lên. Chết, chết! Sao ẩu thế. Phải tôi biết tôi đâu có cho đi. Ai đời phụ nữ có kinh lại bè dưới suối mà đi như vậy chớ. Thiệt là ngược ngạo y như trong vè nói ngược… Ngựa đua dưới nước, tàu chạy trên bờ…
Năm Cà Dom nói không hở miệng.
Tôi mắc võng đỡ Thu lên nằm. Mặt nàng tái nhợt. Nàng thiếp đi.
Năm Cà Dom bảo:
- Cậu lấy ga-men nấu nước để tôi tiêm cho cô ta một mũi thuốc khoẻ!
Trời lại vần vũ sắp mưa. Mây đen cuồn cuộn trên đầu. Con suối chảy càng lúc càng xiết. Mưa trên đường này là một đại hoạ. Suối đang dâng lại gặp mưa thì càng nguy hiểm.
Tôi bám rễ cây chuyền trên những gộp đá đi tìm củi. Nhưng tôi không tìm ra một nhánh củi, mà tôi lại tìm thấy những mảnh đời bị vùi lấp trong sương gió Trường Sơn.
Trên một mảng đá, ba khẩu AK dụm lại theo kiểu giá súng của tổ tam tam chế ở thao truờng. Và bên cạnh đó là ba cái võng mắc cạnh nhau. Trên mỗi chiếc võng đều có người nằm. Tôi nhặt lấy đá ném nhưng không thấy ai cử động. Thế là thêm ba oan hồn trên đường này. Tôi lật đật quay trở lại và thuật chuyện đó với Năm.
Năm ngồi lặng giây lâu rồi mới nói:
- Những chuyện như vậy thiếu gì. Thôi đừng có nói, nghe mất mẹ nó hết tinh thần. Mình cứ ngậm tăm mà đi cho tới nơi.
Trời mưa. Chúng tôi ngồi co ro trong lều của Thu mà chờ đợi cơn mưa tạnh để Năm tiêm cho Thu rồi tiếp tục đi.
Rải rác vài người hì hục lội ngang qua chúng tôi, có người ném những câu bất ngờ:
- Sướng he! Một bà hai ông he!
- Có muốn thì lên! – Năm Cà Dom vui vẻ ngoắc – Lên đây!
Anh lính lắc đầu:
- Thôi, teo tóp mẹ nó hết rồi! Tiên có vẫy em cũng xin thôi!
Trời mưa, và mưa to ngay. Đường đi càng vắng. Có lẽ người ta không lội được nữa, đã leo lên hai bên vách đá mà bám ở đó như những con thằn lằn.
Nước càng dâng lên, trông thấy từng phút một. Những lối đi ven bờ suối cũng ngập luôn.
Thế mà anh lính gãy chân cứ nằm tòng teng trên võng, nước ngập cả người, anh ta phải ngóc cổ lên. Và bốn người khiêng anh ta cứ lần từng bước một, tay bám vách mà đi. Gần đến chỗ chúng tôi thì một người trượt chân ngã. Cái võng bị ném xuống nước và anh thương binh bị nước cuốn phăng đi như một cái lá. Nhanh như chớp một anh lao theo, chụp lấy nhưng chỉ vớ được cái ống quần của anh bệnh, cho nên chỉ giữ được chiếc quần trong tay còn anh ta thì tuột trôi theo dòng nước.
Năm Cà Dom thét lên:
- Mau.. mau….au! Kẻo trôi mất.
Hai anh kia lao theo như Tạc-Dăng. Và sau một chặp đuổi bắt, hai anh bè ngược người bệnh về như bè một khúc chuối cây xơ xác. Có lẽ cái tai nạn làm cho bản năng tự vệ của anh ta sống dậy cho nên anh ta tỉnh hẳn lên. Anh ta bám chặt một cái rễ cây và gục đầu vào đấy. Và lại kêu:”Ối cha mẹ ơi, ối làng nước ơi!”
Năm Cà Dom chép miệng:
- Gay go nhất là cái chân gãy. Làm sao đi? Đời anh ta kể như “lúa” rồi!
Tôi không muốn nhìn cái cảnh tượng đó nữa. Tôi đi tìm củi. Bỗng Năm xem đồng hồ và nói:
- Bây giờ thì không thể đi kịp rồi. Nước lên to quá! Cứ hạ trại ở đây. Chuyến mai giao liên đi ngang mình sẽ tháp tùng.
Thế là tôi và Năm cũng mắc võng căng tăng. Và tìm cách nấu cơm, nấu cháo. Gạo thì còn chút đỉnh, nhưng làm sao nấu? Không có củi. Cũng không có chỗ bắc bếp. Năm nói:
- Anh có vẻ thư sinh quá. Gặp cái gì bất ngờ tôi thấy anh cũng lúng túng. Không sao đâu, tôi sẽ có cách!
Rồi Năm nói giọng cà rởn:
- Anh lấy con dao rừng của tôi đây. Anh leo lên cái gốc cây đó ngồi mà gọt cho tôi…
- Gọt cái gì?
- Gọt cái cây đứng đó. Gọt từng lát một như lát cam thảo của thầy thuốc Bắc vậy.
- Trời đấy! – Tôi kêu lên.
- Ừ, anh thấy công việc ghê gớm lắm, nhưng anh gọt trong một tiếng đồng hồ sẽ có đủ củi đun sôi một gà-mèn nước. Gọt một giờ rưỡi thì sẽ có củi nấu được một gà-mèn cháo búp búp. Mình sẽ nấu một gà-mèn cháo, mỗi đứa một chén, húp, chịu tới ngày mai….
Nói xong, Năm nhảy ùm xuống suối lội qua chỗ anh lính gãy chân. Anh ta còn giữ được cái lương tâm của người thầy thuốc.
Tôi làm y lời Năm. Tôi ngồi tôi gọt cái gốc cây rừng với sự kiên nhẫn của người xưa đục núi mở đường. Xong tôi lại gọt dép cao su lấy ra một ít lát để nhóm lửa. Cuối cùng tôi nấu được một gà-mèn cháo. Tôi gọi Thu dậy. Tôi múc cho nàng đầy nắp ga-men và bỏ vào đó một ít đường cát của tôi.
Thu húp xong, oà lên khóc.
Tôi ngồi lặng im. Không nói một tiếng nào, làm như tôi không quen Thu và không hề biết Thu đang khóc…
Trời tối mờ mờ. Hạt mưa bay vun vút qua mặt tôi. Gió rít ù ù như giận dữ. Những ngọn cây xoay tít, những nhánh cây vặn vẹo như những con trăn uốn mình, chực tách ra rời xuống đầu chúng tôi. Dòng nước đục lừ dầy dẫy những thân cây, những gỗ mục, những rác rêu xoáy tít. Những xoáy nước sùi bọt lên như mồm những con thủy quái đói mồi. Thỉnh thoảng lại có một thân cây to lao như một đoàn tàu hoả không phanh xuống dốc, sẵn sàng húc vào bất cứ ai.
Tôi không suy tính gì cả. Tôi cũng không muốn cử động, tôi sợ tôi biết rằng tôi là tôi và đang lâm vào cảnh tượng này.
- Uống thuốc phòng đi anh! – Thu đã dứt khóc từ bao giờ và nhắc tôi bằng một giọng còn đẫm nước mắt.
Tôi không quay lại và đáp:
- Chắc không sốt đâu. Vi trùng sốt rét phải trốn khỏi cái cảnh tượng này. Em có đỡ không?
- Còn bao xa nữa anh?
- Đi tới rồi mới biết bao xa.
- Mình phải biết là mình sẽ đi bao xa nữa chớ!
- Cố nhiên là khi đi người ta phải biết trước con đường mình đi, nhưng ở đây thì mình không thể biết thì làm sao đây?
Thu lặng im. Thu nghếch đâu lên mép võng và nhìn dòng nước cuốn. Mặt nước cuộn lên như cái lưng của con thuồng luồng nổi giận từ thời tiền sử. Đột nhiên, Thu nói:
- Em đã quyết định rồi.
- Quyết định gì?
- Em đã có lần nói với anh..
- Hừm! Em cứ thế mãi…!
- Em biết có đi cũng không đến!
Tôi lặng thinh. Thu xuýt xoa:
- Em rét quá anh ạ!
Đâu có cái gì khô? Kể cả cái ruột bật lửa. Thi làm sao mà hơ hám cho Thu. Ngồi trong tăng mà như ngồi ngoài mưa.
Tôi lục ba-lô lấy lọ cù-là quốc doanh, một thứ cù-là mà nếu người ta bôi vào mũi và trán sẽ lột da ngay. Vậy mà nó rất tốt trong lúc này. Tôi bảo:
- Để anh đánh gió cho.
Rồi không để Thu trả lời tôi bước lại võng. Thu nằm sấp lại và vén áo cho tôi. Tôi quệt ngay một mớ cù-là thật nhiều trên hai sóng lưng nàng và đưa tay chà-xát thật mạnh để tránh cho nàng cơn lạnh.
- Em thấy nóng không em?
- Lạnh lắm, anh xát mạnh vào! thế! thế!
Trong ánh sáng hoàng hôn, trong màn mưa dày đặc, tôi đang sống trong một cơn say. Tôi ngây ngất vì mùi dầu hoà mùi da thịt nàng. Tôi muốn lập lại mỗi cử động, chà xát bàn tay tôi vào làn da trắng nuốt của nàng mà cả trong bóng tối, trong lâm nguy tôi vẫn trông thấy ánh lên, vang lên một tiếng kêu của da thịt, của dục tình.
Tôi run run hỏi:
- Em đã thấy đỡ nhiều chưa?
- Đôi chân em còn lạnh quá!
Tôi lại xoa dầu và bóp chân nàng. Tôi nắn và bôi tẩm cù là vào từng thớ thịt của nàng. Đôi chân nàng dài nằm song song trên võng như hai thỏi ngọc chẳng gợn chút bụi trần, dần dần ấm lại và nóng ran, bốc hương nồng lên.
Không biết thời gian có trôi nhanh như dòng suối?
Không biết tôi đã làm cho nàng ấm lại, hay chính nàng đã nhen ngọn lửa trong tôi?
Nàng nằm im, duỗi thẳng đôi chân mà nghe những cảm giác chạy lan khắp người. Còn tôi như một tên nô lệ tận tụy miệt mài và mong chờ ở nữ chúa một phản ứng tốt lành. Nhưng tôi lại là một bạo chúa đứng ngắm cả một đất nước đầy núi đèo tuyệt mỹ với sự thèm khát rực cháy tâm can.
Tôi đưa tay run run xoa dầu trên cổ nàng. Nhưng nàng xoay mình và từ từ đưa tay lên bấm cúc áo và hơi ưỡn ngực lên để cho cả một vầng tuyết trắng hiển hiện trước mắt tôi và đôi môi nàng khẽ mấp máy:
- Em còn lạnh quá, anh!
- Em! Tôi khẽ kêu lên và tôi cảm thấy tôi khỏe hơn bất cứ lúc nào.
Tiếng giây võng nghiến dưới một sức nặng gấp đôi. Nàng tỉnh hẳn ra. Nàng trăn trở trong tay tôi. Nàng nức nở. Nước mắt của nàng nhiều hơn nước suối đang dâng.
Ngoài trời vẫn mưa. Dòng suối phình to lên rồi tràn trề…