Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Ngôn Tình
Dịch giả: Schan
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 37
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4497 / 244
Cập nhật: 2015-11-28 04:46:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 34
ã trưởng đoàn người Cao Ly khua tay múa chân, rối rít vai nài lính gác thành, nói muốn đi thì cả đoàn phải cùng đi, tôi cũng xin hộ mấy câu, chúng tôi nhao nhao nói thứ tiếng phổ thông Trung Nguyên méo xẹo bập bẹ, khiến gã gác cổng đâm bực bảo: "Không đi nữa thì bắt cả lũ ở lại hết bây giờ!"
Nhưng chúng tôi nào đã chịu buông xuôi, cả nhóm vây quanh quan giữ cổng đua nhau mà nói, bấy giờ hàng người xếp đợi phía sau càng lúc càng dài, nhiều người sốt ruột đâm nhao nhao la ó. Trước đây triều đình và Cao Ly từng xung đột trong nhiều năm, dân Trung Nguyên vốn đã có thành kiến với Cao Ly, nay càng thêm phần khinh miệt, họ chê bọn Cao Ly bát nháo chi khươn không biết phép tắc.
Đám dân buôn Cao Ly tức tím tái, chực xắn tay táo đánh nhau.Tayhiệu úy thấy tình hình căng thẳng, sợ lớn chuyện, lại thêm phần lo đám người đứng chắn cổng càng lúc càng đông, gã vội khoát tay: "Hai đứa Cao Ly ta vừa điểm mặt không được phép rời thành, những kẻ khác mau đuổi ra ngoài!"
Cả đám người lẫn đàn ngựa thồ bị hẩy khỏi cổng, hai gã thương nhân người Cao Ly kia đành chịu nán lại trong thành. Trong lòng tôi thấy áy náy vô cùng, gã trưởng đoàn len lén giật tay áo đoạn chìa tay với tôi
Tôi chưa kịp hiểu ý, gã đã vân vê râu, cười nói thứ tiếng Trung Nguyên bập bõm: "Đưa tiền!"
Tôi sửng sốt cả người: "Mễ La đã chẳng đưa tiền cho ông rồi còn gì?"
Gã trưởng đoàn người Cao Ly cười giảo hoạt: "Hai người, trong thành, thêm tiền."
Tôi nhớ ra hai gã cùng đoàn bị giữ lại trong thành, liền sai A Độ đưa cho gã một miếng vàng lá.
Kể từ lúc đó tôi thấy hối hận vì sự hào phóng của bản thân.
Gã Cao Ly vừa thấy vàng, mắt đã thiếu điều phát sáng. Suốt dọc đường đi, gã bạ đâu liền kiếm cớ vòi vĩnh đấy, nào là ăn cơm thì bọn tôi phải trả tiền, ở nhà trọ cũng cần bọn tôi trả tiền, suốt cả ngày, hễ cứ mở mồm ra là lại thét giá. Tuy tôi khôn ngoan cũng chỉ loại xoàng thôi, nhưng ba năm ở Thượng Kinh, gần như ngày nào chẳng rong ruổi trên đường với A Độ, tôi biết tỏng thứ gì cần mua bao nhiêu tiền. Bình thường chỉ cần hai lá vàng là đã đủ mua một căn nhà rồi, bọn Cao Ly kia ăn có một bữa cơm thôi mà cũng đòi tôi một lá vàng, chúng vòi vĩnh chẳng khác nào coi tôi là kẻ tiêu tiền như nước. Tôi tự nhủ đằng nào thì cũng là tiền của Lí Thừa Ngân, nên tôi tiêu chẳng xót ruột tẹo nào, vả lại quả thực chúng còn có bạn bị giữ trong thành, thôi thì để chúng ăn chặn một tý cũng chẳng đáng bao nhiêu, thế là tôi chỉ có nước giả đò coi như mình không biết giá cả. Đánh rằng lũ Cao Ly ấy tham lam vô độ, nhưng sống cũng cơ cực lắm, hàng ngày trời chưa tỏ đã phải dậy, rồi đến tối sẩm mới được nghỉ chân. Ngày nào cũng rong ruổi suốt 8, 9 khắc, ba năm rồi giờ tôi mới có dịp ngồi lâu trên lưng ngựa đến thế, ngựa lắc lư khiến xương cốt đau rừ, tối đến vừa dừng chân trong quán trọ, đầu chạm gối là ngủ ngay tức thì.
Đêm nay đương lúc ngủ ngon thì A Độ chợt lay tôi dậy. Trên tay đã cầm đao, trong bóng tối, thấy đôi mắt nàng ấy ánh lên, tôi cuồng cuồng bật dậy, se sẽ hỏi: "Người của Lí Thừa Ngân mò đến à?"
A Độ lắc đầu. Cũng chẳng rõ nàng ấy không biết, hay không đoán ra.
Chúng tôi nín lặng mọp người đợi trong bóng tối, bỗng một tiếng "xẹt" vang lên, nếu như không để ý, chắc cũng chẳng nghe thấy. Rồi một đoạn ống trúc nhỏ xíu chọc qua giấy dán cửa sổ, thòi vào. A Độ và tôi đưa mắt nhìn nhau, đầu ống trúc chợt phun khói trắng, tôi vừa hít hà đã cảm giác chân tay nhũn nhão, không trụ vững nữa, thì ra thứ khói trắng chúng thổi vào lại là thuốc mê. A Độ xông lên, dùng ngón cái bịt đầu ống trúc, giữ chặt một đằng rồi bất ngờ đẩy thật mạnh.
Ngoài kia chỉ nghe thấy một tiếng rên khẽ, sau đó đổ cái rầm, dường như có thứ gì đó nặng lắm lăn kềnh ra đất. Đầu óc tôi choáng váng, A Độ mở cửa sổ, gió mát lạnh ùa vào khiến tôi có phần tỉnh táo, A Độ lại đưa nước cho tôi uống, lúc bấy giờ mới cảm giác hiệu lực của thuốc mê nhạt dần đi. A Độ mở cửa phòng, ngoài hành lang có một kẽ đang nằm sóng soài, hóa ra là gã trưởng đoàn người Cao Ly, gã bị ống trúc chứa thuốc mê chọc đúng huyệt, giờ mồm vểnh lên, cứng còng ngồi yên vị. A Độ cầm đao xích ngay gáy hắn, đoạn nhìn tôi.
Tôi chỉ sợ bên trong có ẩn tình, liền bảo A Độ: 'Kéo hắn vào đây, rồi tra hỏi trước đã."
A Độ lôi hắn vào, rồi đóng cửa như cũ. Tôi đạp cho hắn một cái, hỏi: "Rút cuộc ngươi là ai?"
Gã đó vẫn bướng bỉnh: "Muốn giết thì giết đi, đại trượng phu hành tẩu khắp giang hồ, đã sẩy tay, hà tất phải hỏi."
"Vậy ra cái loại dùng thủ đoạn hạ cấp đánh thuốc mê người khác cũng được gọi là đại trượng phu cơ đấy?"
Guơng mặt gã trâng tráo, không biết thẹn là gì, gã hắng giọng bảo: "Vì lợi ích quyết không từ mọi thủ đoạn!"
Tôi bảo: "Giờ thì ngươi lỗ chắc rồi nhé!"
Gã còn định già mồm, nhưng A Độ đã rạch nhẹ một nhát lên đùi gã, máu ngay lập tức ồ ồ tuôn. Gã rống lên như lợn bị cắt tiết, hỏi gì cũng phun bằng hết. Thì ra gã Cao Ly này thấy tôi ra tay hào phóng, gã thèm đỏ con mắt nên nảy sinh ý đồ giết người cướp của, đáng nhẽ định đánh thuốc mê tôi và A Độ, chẳng ngờ vừa thổi được ít khói, đã bị A Độ chọc ngược lại, điểm trúng huyệt đạo.
"Thì ra là phường đạo tặc giả dạng thương nhân!" Tôi đạp gã thêm một phát, "Nói mau! Rốt cuộc ngươi hại bao nhiêu người rồi?"
Nước mắt nước mũi gã bắt đầu đầm đìa, lia lia xin tha mạng, gã bảo gã đích thực là dân buôn bán chân chính, chẳng qua nhất thời nổi lòng tham, nên mới làm bừa như thế. Chứ xưa nay chưa từng hại ai bao giờ, nhà còn có mẹ già 70 tuổi và đứa con nhỏ mới lên ba.
Phải chăng lòng tham của con người luôn vô độ vậy? Gã Cao Ly này hám tiền tài, quan viên hám chức tước, mà Hoàng đế lúc nào cũng muốn mở rộng lãnh thổ, thế nên chinh triến triền miên, không hề ngơi nghỉ.
Xưa nay chưa từng có lúc thỏa mãn.
Tôi sực nhớ Lí Thừa Ngân, khi chàng còn là hoàng tử bé con, chung quy cũng phải dấn từng bước mới tới được ngày hôm nay. Phụ hoàng lấy ngôi vua ra để cám dỗ chàng, thế là chàng cứ bước dần cho đến ngày hôm nay.
Mà tôi, thực ra tôi chỉ cần có một người, chúng tôi ở Tây Lương, cùng nhau chăn cừu, thả ngựa. Ham muốn chỉ đơn sơ giản dị vậy thôi, song lại không cách nào đạt được.
A Độ gõ nhẹ chuôi đao vào đầu gã Cao Ly, đầu gã xiêu vẹo rồi ngất xỉu. Tôi và A Độ trói gã dưới gầm bàn, bịt kín cái miệng gã lại. A Độ ra hiệu hỏi tôi có nên trừ khử không, tôi lắc đầu: "Taynày lúc tỉnh dậy cũng không dám báo quan đâu, nói cho cùng thì lúc đầu hắn có âm mưu giết người cướp của. Cứ trói hắn ở đây đã, chúng ta không thể tiếp tục chung đường hắn được nữa, vừa hay đến lúc phải rẽ về phía Tây."
Chúng tôi sợ lộ dấu vết, nên trời chưa tỏ đã rời quán trọ ngay. Ngựa đi được một đoạn, mặt trời mới nhô, cho đến buổi chiều thì ghé qua chợ bán ngựa, đổi sang một cỗ xe bò, tôi và A Độ cải trang thành nông dân và phụ nữ thôn quê, thong thả đi về hướng tây.
Hiển nhiên vẫn có binh mã đuổi theo, nhiều lúc bị cả đội quân từ đằng sau bắt kịp, nhưng chúng nom bộ dạng chiếc xe bò tồi tàn của chúng tôi, chúng hộc tốc phóng qua, chứ hoàn toàn không thèm liếc lấy một cái. Cứ qua một thành là tình hình kiểm soát lại càng thêm sít sao, nhưng có lúc tôi và A Độ tuyệt nhiên không vào thành, mà đi lách qua con đường quê nho nhỏ. Hành trình đương nhiên có nhiều cơ cực, cũng chẳng rõ đã đi được bao lâu, mãi mới đến được Ngọc Môn Quan.
Trước mắt là cửa ải hiểm yếu trấn giữ giữa núi, lúc ấy tôi thấy phấn chấn hẳn.
Chỉ cần qua được cửa ải là đặt chân lên lãnh thổ Tây Vực, dù Lí Thừa Ngân có là đương kim Hoàng đế, nếu như chàng cố tình lùa quân truy đuổi qua bên kia biên giới, chỉ e sẽ khiến cả Tây Vực xôn xao, rồi cho rằng chàng muốn tuyên chiến, đến lúc đó xảy ra đánh nhau thật thì chẳng phải chuyện đùa. Chính bởi vậy mà trong Ngọc Môn Quan, hình dáng tôi và A Độ lúc hóa trang thành đàn ông bất ngờ bị vẽ trên cáo thị truy nã khâm phạm, tuy nhiên, tên trên cáo thị thì lại không là chúng tôi.
Nói thực lòng, bức tranh ấy vẽ rõ giống, Lí Thừa Ngân chỉ nhìn thấy tôi mặc đồ nam có mỗi một lần, thế mà chàng cũng sai người vẽ ra được.
Song giờ đây cả tôi và A Độ đều vận đồ nữ, mà tội phạm khét tiếng trên cáo thị lại là đàn ông, nên chúng tôi vẫn hòa mình vào dòng người xếp hàng chờ qua cửa khẩu. Có điều cả hai không có giấy thông hành, vấn đề hóc búa là giờ phải làm sao để qua.
Tôi cũng chẳng căng thẳng lắm, trong tay nải có không ít vàng bạc, cộng với võ công cao cường của A Độ, nếu thật sự gặp chuyện, cứ đánh nhau một trận cái đã, không thắng được thì lại bỏ tiền mua chuộc thế là xong.
Chẳng ngờ phen này chúng tôi đã không thắng nổi thì chớ, lại còn hết cả đường mua chuộc.
Tôi liếc vị tướng quân trấn ải.
Là Bùi Chiếu.
Tôi thấy Lí Thừa Ngân xảo quyệt thật, tôi vòng vèo khắp thiên hạ hòng tránh chàng, song vẫn phải vượt Ngọc Môn Quan mới về được Tây Lương. Giờ chàng lại sai Bùi Chiếu đứng giữa cửa Ngọc Môn Quan, kiểm tra từng người một thế này, cứ cho như võ công của A Độ tài giỏi hơn người đến mấy, lúc đánh nhau thật, thế nào cũng kinh động đến vạn quân đang đồn trú quanh năm ở đây, lúc ấy, chỉ sợ tôi và A Độ có mọc cánh cũng khó thoát nổi.
Tôi cười giả lả với Bùi Chiếu, Bùi Chiếu cười với tôi.
Tôi bảo: "Ô, sao Bùi tướng quân cũng ở đây à?"
Bùi Chiếu nói: "Mạc tướng được điện hạ phái đến để lùng bắt phạm nhân bỏ trốn."
Vậy mà tôi còn cười bảo: "Bùi tướng quân là Kim ngô tướng quân, thống lĩnh ba ngàn Vũ Lâm của Đông Cung, không rõ loại tội phạm vượt ngục nào lại kinh động đến cả tướng quân, mà phải đuổi đến tận Ngọc Môn Quan thế này."
Bùi Chiếu tỉnh bơ, lạnh nhạt bảo: 'Đương nhiên là tội phạm quan trọng của triều đình rồi."
Tôi lại cười mấy tiếng: "Tội phạm quan trọng của triều đình..."
A Độ khẽ động đậy, phía sau công sự trên mặt thành đã xuất hiện vô số binh sĩ, bọn họ giương sẵn cung tên, lạnh lùng nhắm mục tiêu vào chúng tôi.
Tôi thở dài, đoạn bảo Bùi Chiếu: "Dù thế nào đi chăng nữa hôm nay ta quyết phải qua cửa khẩu, nếu ngươi cản ta, thì cứ để ta chết dưới muôn tên đi, đằng nào thì chuyện này ta đâu phải chỉ làm có một lần."
Bùi Chiếu lại thưa: "Thái Tử Phi hiểu lầm Điện hạ rồi, thực ra Điện hạ một lòng một dạ si mê Thái Tử Phi."
Tôi bảo: "Si mê cái gì mà si mê, ta và Lí Thừa Ngân không còn tình nghĩa gì cả, ngươi chớ có nhắc đến Lí Thừa Ngân trước mặt ta nữa."
Bùi Chiếu nói: "Vụ cháy Thừa Thiên Môn, thực chất không phải do nến."
Tôi hơi hoảng hốt.
"Tết Nguyên tiêu cho muôn dân vào thành trẩy hội, lúc đó thực sự không được phép đóng cổng thành, Điện hạ nôn nóng trong lòng, chỉ sợ thích khách ép Thái Tử Phi xuất thành, sẽ khó bề truy bắt, nên Điện hạ vẫn bất chấp, sai người ngầm phóng hỏa, đốt Thừa Thiên Môn." Giọng Bùi Chiếu vẫn đều đều, "Vì Thái Tử Phi mà Điện hạ làm chuyện đó, trong khi Thái Tử Phi lại không thể tha thứ cho Điện Hạ."
Tin này khiến tôi quá đỗi kinh ngạc, bao lâu không thốt nên lời. Thừa Thiên Môn tượng trưng cho quyền lực đế vương, từ khi Thừa Thiên Môn xảy ra hỏa hoạn, trong triều xôn xao bàn tán, Bệ Hạ cũng vì chuyện này mà phải viết Tội kỉ chiếu(*), vơ tội thất đức vào thân. Có nằm mơ tôi cũng chẳng ngờ, thì ra Lí Thừa Ngân sai người phóng hỏa, chứ không phải tình cờ mà cháy.
(*Tội kỉ chiếu: Các vua ngày xưa ban chiếu tự nhận là có lỗi với dân gọi là tội kỷ chiếu)
Bùi Chiếu nói "Điện hạ thân làm Thái Tử, có nhiều việc buộc phải vậy. Hôm đó phục kích thích khách, lại ngộ thương A Độ, thảy là do mạc tướng cố chấp làm theo ý mình, Thái Tử Phi nếu có bắt tội, đương nhiên mạc tướng sẽ gánh chịu, Thái Tử Phi đừng vì thế mà trách oan Điện Hạ nữa."
Mặc dù tôi chẳng suy nghĩ trù tính gì, song cũng không phải đứa ngốc, tôi bảo: "Ngươi đừng hòng lừa ta."
Bùi Chiếu nói: "Mạc tướng không dám."
Tôi lạnh lùng mà rằng: "Có gì mà ngươi không dám, chẳng phải lệnh vua khó cưỡng đó thôi? Không có lệnh của Lí Thừa Ngân, ngươi dám điều động Vũ Lâm quân bao vây diệt thích khách chắc? Không có lệnh của Lí Thừa Ngân, ngươi dám sai chúng phóng tên đấy à? Ngươi gom hết mọi chuyện về mình, chẳng qua cốt khuyên ta quay về, ta không mắc lừa các người nữa đâu. Này Bùi Chiếu, ba năm trước lúc ta nhảy xuống sông Quên, lúc đó ta tưởng sẽ không phải gặp lại các người nữa. Ba năm này ta quên sạch tất cả, nhưng dễ chừng ngươi chẳng tính đến chuyện, ta sẽ nhớ lại từ đầu. Những gì Lí Thừa Ngân từng làm, ta mãi mãi không bao giờ tha thứ cho chàng, hôm nay ngươi ngăn ta qua cửa khẩu, ta sẽ liều xông qua, muốn chém muốn giết gì thì cứ việc."
Bùi Chiếu trầm mặc một lúc, chợt bảo: "Không."
Tôi cảm giác chẳng hiểu hắn nói gì: "Cái gì không?"
Hắn ngước mắt nhìn tôi: "Bữa đó Thái Tử Phi hỏi, nếu như thích khách giữ người trong tay, liệu mạc tướng vẫn sẽ ra lệnh giết người cùng thích khách, phải không? Bây giờ mạc tướng đang trả lời người, mạc tướng sẽ không làm vậy."
Tôi chợt hiểu, liền ra dấu với A Độ, A Độ rút đao, kề cổ tôi.
Tôi nói: "Mở cổng mau!"
Bùi Chiếu xẵng giọng: "Thích khách uy hiếp Thái Tử Phi, chớ làm Thái Tử Phi bị thương, mau mở cổng."
Cổng thành được mở, cánh cửa nặng trịch phải đến mười mấy người hò nhau đẩy dịch từng chút một, phía bên kia, mặt trời chói gắt đổ nắng chang chang, sáng loáng, phủ xuống người lại hơi ran rát.
Ánh mặt trời ngoài Ngọc Môn Quan luôn nhức nhối là thế, tôi kìm nén sự hả hê, liền thúc ngựa vọt về phía cửa quan ngoại.
Bất ngờ nghe sau lưng có tiếng vó ngựa cất lên, một đoàn kỵ binh đang lao về đằng này. Cờ quạt đi trước phấp phới, tôi thấy hoa văn hình rồng thêu long trọng trên lá cờ, không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, khi khoảng cách xích lại gần, vó ngựa cất bụi mù tung bay ập đầu, tôi nheo mắt nhìn đạo quân kia lao đến mỗi lúc một cập kề, rồi mới nhận ra, kẻ dẫn đần hóa lại là Lí Thừa Ngân.
Trái tim tôi bất chợt chùng xuống.
Tôi và A Độ thúc ngựa lao về phía cổng thành.
Xa xa vẳng lại tiếng hét: "Đóng cổng thành! Điện hạ có lệnh! Đóng cổng thành!"
Đám sĩ tốt luống cuống bắt đầu đẩy cánh cửa về đằng trước, toan đóng cổng thành.
Cánh cổng nặng trịch đã gần kề ngay trước mắt, ánh sáng lọt qua càng lúc càng vợi, họ ra sức đẩy cửa toan đóng thành, mỗi lúc một hẹp, mỗi lúc một gần, kẽ hở chỉ vừa đủ lọt một con ngựa, xem ra không còn kịp nữa rồi. A Độ lao lên trước, nàng ấy ngoảnh đầu toan kéo tôi sang ngồi cùng ngựa, tôi dang tay, giật mạnh yên, con ngựa đau, nó hí một tràng dài, đoạn nhảy vọt qua cổng thành.
Cổng thành từ từ khép lại, tôi thấy A Độ hốt hoảng ngoái đầu nhìn mình, A Độ ghìm cương quay ngựa dợm vòng lại, nhưng cánh cửa nặng nề kia đã đóng mất rồi, thoạt đầu A Độ chọc đao vào cánh cửa, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì nữa. Cổng thành đã đóng, chốt sắt đã cài, tôi nghe đao nàng ấy đang ra sức chặt đứt chốt sắt, song những vết chém vô ích chỉ tổ tóe ra một vài tia lửa, nàng ấy không biết nói, mà cũng không thốt được tiếng nào, tôi thấy mũi đao chém điên cuồng giữa khe cửa, nhưng nhát nào nhát nấy đều phí hoài công sức.
Toán Vũ Lâm lang đã xộc lên, tôi xoay lưng chạy về phía quan ải, chạy thẳng lên thành lầu, nhoài mình trên tường trổ, khom người ngó xuống A Độ vẫn đang bơ vơ nện vào cánh cổng, cửa ải hiểm yếu phòng thủ kiên cố như thế, có mình nàng ấy, sao đủ sức lay động được nó dù chỉ mảy may? Tôi thấy A Độ mếu máo khóc trong nín lặng, chợt lại nhớ đến Hách Thất, huynh ấy phó thác tôi cho A Độ, cũng bằng như đã gửi gắm A Độ cho tôi. Nếu không có tôi, có lẽ A Độ cũng chẳng thiết sống nữa, và tôi cũng vậy, nếu mất đi A Độ, tôi đã bỏ mạng lâu rồi.
Đột Quyết đã diệt vong, A Đô còn bơ vơ hơn tôi gấp một ngàn lần một vạn lần, hai mươi vạn dân Đột Quyết đã chết trong vòng vây của Nguyệt Thị và Trung Nguyên, mối thù không đội trời chung còn đó, vậy mà vì tôi, nàng ấy vẫn ở Trung Nguyên suốt ba năm.
Chuyện đến ngày hôm nay, người duy nhất tôi thấy mình có lỗi là A Độ.
Đông Cung Đông Cung - Phỉ Ngã Tư Tồn Đông Cung