Số lần đọc/download: 1196 / 24
Cập nhật: 2017-05-25 16:42:54 +0700
Cỏ Đỏ Trên Mộ Chiêu Quân
T
ỉnh Tuy Viễn ở Trung Hoa, bắc giáp Mông Cổ. Thị trấn tỉnh hội là Quy Tuy. Cách 10 cây số về phía nam có mộ của Vương Chiêu Quân, người cung phi tuyệt đẹp của Hán Nguyên đế, được tiếng là "trầm ngư"(°), một trong "tứ đại mỹ nhân" ở cổ Trung Hoa.
Nơi đây có 3 tòa cổ miếu xây bằng đá và 4 tấm bia xoay mặt về hướng nam. Đó là mộ của nàng Chiêu Quân ở giữa; hai bên là mộ của 2 nữ tỳ đã cùng thác với nàng. Trên bia đá có khắc tên tuổi của ba người.
Mộ của Chiêu Quân đặt ở dưới ngôi miếu giữa. Trên mộ bia có khắc mấy dòng chữ đã mờ vì thời gian "Vương Chiêu Quân chi mộ". Trên một tấm bia chót to hơn, có ghi qua sự tích của nàng kỳ nữ Chiêu Quân.
Đây là cuộc đời của Chiêu Quân, vì lịnh vua, vì để làm một công việc hòa bình cho đất nước trong lúc vận nước suy đồi nên đem tấm thân liễu yếu đào tơ, vượt qua hai cửa ải Nhạn Môn và Đắc Thắng để sang cống Hồ.
Chiêu Quân tên là Vương Tường quê ở Tùy Quy là một cung phi của vua Nguyên đế đời nhà Hán (48-53 trước D.L.). Lúc bấy giờ vua Hán có đến ba ngàn mỹ nữ cung phi nên không thế nào biết mặt cả thảy được. Vua truyền tên thị vệ Mao Diên Thọ bảo họa sĩ vẽ hình tất cả những cung phi để vua ngắm và chọn làm hậu cung khi cần thiết.
Mao Diên Thọ được dịp "nước đục thả câu", ăn hối lộ của cung nhân. Hễ ai đút tiền thì truyền thần mặt xinh tươi, đẹp đẽ để dâng lên nhà vua. Cung nhân cũng nhờ đó mà hưởng được chút ơn mưa móc của quân vương, cho cuộc đời tài sắc của mình đỡ tẻ lạnh. Chiêu Quân đẹp hơn các cung phi khác nên không chịu đút lót tiền, lại còn xỉ vả nặng lời Diên Thọ. Do đó, khi cầm lấy bức ảnh Chiêu Quân, hắn lấy viết chấm dưới mắt ảnh nàng một chấm làm thành nốt ruồi. Rồi khi dâng tranh lên nhà vua, hắn lại xàm tấu cho rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng vì có nốt ruồi mà sách tướng gọi là "thương phu trích lệ", đó là ruồi sát phu. Nhà vua nghe lời nên không đoái hoài đến nàng.
Rợ Hung Nô bấy giờ đánh thắng nhà Hán. Chúa Hung Nô buộc Hán Nguyên dến phải cống phẩm vật và một cung phi tuyệt sắc mới chịu bãi binh. Trong tình thế nguy của nước nhà, Nguyên đế phải đồng ý.
Vừa sợ việc làm bị bại lộ, vừa ghét Chiêu Quân nên Mao Diên Thọ mưu với bọn gian thần đem Chiêu Quân đi cống. Nguyên đế trước đã xem hình của Chiêu Quân nên bằng lòng đem nàng đi cống Hồ. Nhưng đến lúc Chiêu Quân vào triều bái để lên đường sang Phiên thì nhà vua mới trông thấy rõ mặt thật là một tuyệt thế giai nhân. Vua tức giận lắm, điều tra mới rõ mưu mô gian xảo của Diên Thọ, định đem trị tội. Thọ hay được trốn sang đầu hàng Hung Nô. Bây giờ sự thực đã rồi, không thể thay người khác được. Vì sứ giả đã nhận được mặt của Chiêu Quân.
Thế là Chiêu Quân từ biệt xứ sở cố hương, tới ải biên thùy Nhạn Môn. Nỗi thương nhớ nước nhà, nỗi giận kẻ gian thần, xót xa phận bồ liễu, nàng xuống kiệu song loan hướng về quê hương cố quốc, gảy một bản đàn biệt ly. Giọng đàn bi ai thảm thiết, những kẻ theo đưa tiễn đều não lòng rỏ lệ. Cây cỏ bên đường cũng héo xào gục xuống mặt đất như để xớt thảm chia sầu...
Chiêu quân chẳng những có sắc mà còn có tài đàn hay thơ giỏi. Nhìn một con chim lẻ cánh bạt gió về chiều, nàng xót xa cảm cho thân thế, cất tiếng ngâm:
Cánh én cô đơn đượm tủi sầu,
Ngang trời gió cuốn bạt về đâu?
Quan san ngàn dặm vương thương nhớ,
Hồ Hán từ đây cách biệt nhau.
Và:
Mây trắng trời trong gió ngạt ngào,
Hồn hoa mờ mịt dưới trăng sao,
Đêm đêm thổn thức, đêm đêm mộng,
Có phải trời xanh cợt má đào.
Và, khi mùa thu đến, nhìn mây thu, trời thu, sắc thu nhuộm úa lá vàng, dưới bầu trời ảm đạm lá vàng rơi lả tả, bài "Thu phong oán" của nàng còn truyền tụng do một tình cảm sâu đậm của một kỳ nữ vì nước ly hương:
Thu mộc lê thê,
Kỳ diệp nuy hoàng.
Hữu điểu xử sơn,
Tập ư bào tang.
Dưỡng dục mao vũ.
Hình dung sinh quang.
Ký đắc thanh vân,
Thượng du khúc phường.
Ly cung tuyệt khoáng.
Thân thế tồi tàn.
Chí niệm ức chẩm,
Bất đắc hiệt ngoan.
Tuy đắc ẩm thực,
Tâm hữu hồi hoàng.
Y hà ngã độc,
Vãng lai biến thường!
Phiên phiên chi yến,
Viễn tập Tây Khương,
Cao sơn nga nga.
Hà thủy ương ương
Phụ hề mẫu hề.
Đạo lý du trường.
Ô hô ai tai
Ưu tâm trắc thương!
Thái Bạch dịch:
Cành thu hiu hắt lá thu vàng,
Trên đỉnh non cao, đó rõ ràng.
Có một chim kìa hay đáo để,
Ở ăn tự lúc mớ ra dàng.
Ra dàng đã đủ cánh lông bay,
Thấy rõ hình dung quý giá thay.
Trên nóc lầu cao đá đổ xuống.
Chín từng mây thẳm đã tung bay.
Tung bay, nhưng khốn biết sao rầy;
Sự thế than ôi, nỗi nước này!
Nỗi nọ dường kia khôn tả xiết;
Gan sầu ruột héo, ngỏ ai hay!
Ai hay cho khúc đoạn trường này,
Cho nỗi quan hoài ở chốn đây!
Uống uống ăn ăn khôn đắp lại,
Những hờn những oán, những sầu cay!
Sầu cay riêng nghĩ xiết bàng hoàng,
Biết đến bao giờ hận mới tan.
Én nọ tung bay xập xòe cánh,
Đường xa mấy mấy dặm quan san.
Quan san thăm thẳm nỗi lòng đau,
Biển rộng non cao chất tủi sầu.
Vòi vọi đường xa muôn dặm cách,
Mưa nắng sân Lai, xót dãi dầu!
Dãi dầu ai hỡi thấu cho chăng?
Lấp đặng cho ai những bất bằng.
Những nhớ những thương tầy núi biển,
Tình thu chan chứa hận sầu vương!
Khi đến Lạc Nhạn đài bên sông Hắc Thủy, Chiêu Quân bắt được chim nhạn, liền viết thư buộc vào chân nhạn, rồi thả cho bay đi, mong nó mang tin về quê hương. Nhìn chiếc nhạn bay, nhìn dòng sông Hắc Thủy, nàng xót xa đau đớn, ngao ngán thở dài:
Thủy hà sóng lạnh gió đìu hiu,
Cánh nhạn lê thê giải nắng chiều.
Thấp thoáng mây về nơi lữ thứ,
Mơ màng một giấc mộng cô liêu.
Ngâm thơ xong, nàng lao mình xuống sông Hắc Thủy. Cái chết trinh liệt của nàng khiến cho mọi người, kể cả chúa Hung Nô cũng ngậm ngùi thương tiếc, cảm phục người kỳ nữ nhà Hán. Nhứt là chúa Hung Nô tưởng là hoa nọ về tay, người mang tiếng là chúa của một nước rợ oai hùng sẽ được cùng người ngọc Trung Nguyên âu yếm, tận hưởng tất cả những khoái cảm của cuộc đời người, không ngờ mối hy vọng nay đã hoàn toàn tan vỡ.
Văn thơ đời Hán và đời sau có nhiều bài nói về cuộc đời và ca tụng đức tính hy sinh cao khiết của Chiêu Quân. Đến đời nhà Tấn (265-419), Tấn chúa Tư Mã Chiêu đổi tên Chiêu Quân là Minh Phi. Thạch Sùng sáng tác khúc ca gọi là Vương Minh Quân. Có khúc cổ nhạc phủ được phổ biến ở Trung Hoa xưa gọi là khúc "Chiêu Quân oán", "Chiêu Quân cống Hồ".
Tương truyền cỏ ở chung quanh đất nầy đều màu trắng, chỉ riêng cỏ mọc trên mộ Chiêu Quân màu đỏ, là giống màu cỏ ở Trung Nguyên mà thôi. Phải chăng đó là hồn thiêng của đất nước của người kỳ nữ đã hun đúc tạo thành một vật lạ lùng để tiếng muôn đời.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả khúc Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe buổi sơ ngộ có câu:
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu:
Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ,
Bởi người Diên Thọ họa đồ gây nên.
°: theo tư liệu khác, tứ đại mỹ nhân được mô tả theo 4 vẻ đẹp:Tây Thi "trầm ngư", Điêu Thuyền "nguyệt thẹn", Chiêu Quân "lạc nhạn" (vì chim nhạn thấy nàng đi cống Hồ, mải nhìn mà đâm vào đá(!?)), Dương quý phi(Dương Ngọc Hoàn) "hoa nhường". Mỗi vẻ đẹp đều có tích riêng. Tôi ghi thêm vào đây chứ phần này không có trong tác phẩm.