Nguyên tác: Peste Et Choléra
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Ông Vua Cao Su
O
ng, người đầu tiên ở An Nam đi xe đạp, người đầu tiên đi môtô, người đầu tiên lái ôtô, cũng khá là logic khi ông cũng là nhà sản xuất cao su đầu tiên. Kể từ khi sang Madagascar trở về, ông đã đọc các tạp chí khoa học, theo dõi chặt chẽ các bước tiến bộ của công nghiệp và ngành cơ khí, bị hấp dẫn trước mọi thứ hiện đại, tuyệt đối hiện đại, và ở đây là trường hợp cái lốp xe.
Kể từ La Condamine, và nhóm các nhà khoa học thời Ánh Sáng được cử sang Ecuador hồi thế kỷ 18, người ta đã biết đến mủ cao su do người da đỏ thu hoạch. Họ dùng chất gôm để bịt chỗ rò và xảm thuyền. Họ tìm những cây cao su mọc tự nhiên đâu đó trong bạt ngàn cây cối xanh um vùng Amazon. Người Anh đánh cắp hạt ở Braxin và gieo thành hàng lối ở Sri Lanka. Người Hà Lan làm tương tự như vậy bên Java. Cả ở lĩnh vực này, cuộc xung đột cũng nhanh chóng có tính chính trị và địa chiến lược. Yersin bèn sang Java.
Từ Batavia ông tới Buitenzorg. “Họ trồng cấy thật giỏi. Dân cư thì hiền hòa. Thêm nữa, tại rất nhiều ngọn núi lửa có những điều kỳ lạ của thiên nhiên, chỉ riêng chúng thôi cũng đã khiến hòn đảo trở nên rất thú vị.” Ông thăm các đòn điền ở Malaysia, ở Malacca, chọn các hạt Hevea brasiliensis. Lúc ông trồng những cây cao su đầu tiên, kỹ thuật gia giảm lưu huỳnh vào cao su đã được Goodyear sáng chế 50 năm trước đó, còn Dunlop đã làm ra lốp xe được 10 năm rồi. Yersin và cộng sự khởi đầu trên một mảnh đất rộng chừng 100 hécta. Khi chiến tranh nổ ra, mỗi tháng họ thu hoạch được khoảng hai tấn mủ cao su. Họ liên lạc với ông Michelin tài giỏi. Rổi mở rộng lên 300 hécta. Một doanh vụ bằng vàng. Yersin làm việc hiệu quả và suy nghĩ quyết liệt.
Thành công củng có phần bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa ông và Vernet, một nhà nông học được Vilmorin cử sang châu Á để sưu tầm các loại cây. Yersin thuê anh ta làm cho mình, ông có cái tài là biết tập hợp những người giỏi nhất và lắng nghe ý kiến của họ. Yersin không chỉ hài lòng với việc là người trồng cao su đầu tiên tại An Nam, ông còn muốn tiến hành một cuộc nghiên cứu nông học. Hai người cùng nhau lập ra các giao thức, viết các bài báo vể tính hóa học của các loại đất, về các thử nghiệm phân bón, về việc thu thập hạt và các kỹ thuật làm đông mủ cao su, phương thức chích tuyến mủ. Các thí nghiệm được tiến hành trên những cái cây dùng cho nghiên cứu, lá bị vặt hết hoặc chỉ sử dụng một phần. Từ đó họ đi đến kết luận rằng “tỉ lệ gôm trong mủ cao su phần lớn phụ thuộc vào chất diệp lục: vậy nên có thể coi lá đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra chất cao su”.
Hai người sáng chế ra một máy đo tên là picno-dilamomètre, hiệu quả cao hơn máy xác định giống ở gà, dùng để đo mật độ mủ cao su và hàm lượng gôm. Họ in các bảng tính. Rồi họ cãi nhau. Yersin phàn nàn với Calmette. “Vernet có tính cách khó chịu vô cùng, rất phù phiếm, bướng bỉnh như lừa, đầu óc thì cực kỳ mâu thuẫn.” Yersin muốn làm việc trực tiếp với Michelin, chuyên gia cao su ở Clermont-Ferrand, đề nghị ông cử một kỹ sư tới Nha Trang. “Michelin chắc chắn là người có năng lực nhất trong các vấn đề cao su.” Ông đề nghị nhóm Pasteur trợ giúp mình. “Thế nên em đã viết một bức thư cho Michelin, nhờ ông Roux chuyển giúp.”
Nhưng bên châu Âu chiến tranh đã nổ ra và Roux có nhiều bận tâm khác, ông được điều ra mặt trận, đi khảo sát vệ sinh. Viện Pasteur, cùng với Viện Koch ở bên kia chiến tuyến, bị cuộc xung đột trùng tập để phục vụ bộ tham mưu của phe mình. Yersin bị cô lập. Nước Pháp không hồi âm. Ông cầm lại cây gậy hành hương, đi vào vùng núi cùng Armand Krempf. Từ Suối Giao, sau hai ngày đi thuyền và hai ngày leo núi, họ dựng lều ở trên cao và phát hiện ngọn núi Hòn Bà, trong cái lạnh và dưới màn mưa.
Trong vòng vài tháng, họ dựng ở đó một trạm thiên văn khí tượng, tiến hành các cuộc di thực đối với các loài thực vật và động vật, thực hiện gieo giống. Nhiệt độ ở đây xuống tới 6 độ và vào mùa đông, ngọn đồi được bao phủ trong một làn sương mù dày đặc. Không còn muỗi nữa. Một dòng sông sôi sùng sục. Yersin dựng cho mình một căn nhà gỗ kiểu Thụy Sĩ trong rừng rậm lạnh lẽo. “Em đã đánh điện cho ông Roux để hỏi liệu em có thể phụng sự một cách có ích tại Pháp trong chiến tranh hay không. Em đang đợi ông ấy trả lời.” Người ta bảo ông ở lại châu Á.
Ông biết mình sẽ không đi xa được nữa, sẽ phải từ bỏ khách sạn Lutetia cũng như con tàu Paul-Lecat. Cuộc chiến hoặc trận cãi cọ với Vernet càng làm ông thêm ghét loài người, ông đâm ra có thói quen đến đó nhiều tuần liền, sống ẩn dật trong ngôi nhà gỗ trên đỉnh núi, bên dòng sông nơi ông lấy nước để dùng, suy tư, không gặp một ai, không thốt ra một lời, chỉ bổ củi. Cũng như anh chàng Rousselle (“Anh chàng Rousselle có ba ngôi nhà” là lời một bài hát dân gian của Pháp), giờ Yersin có ba ngôi nhà, ở ba vùng khí hậu khác nhau, không ra ngoài nữa, tức là không rời vùng đất giờ đã rộng năm nghìn hécta và sẽ tăng lên ba lần nữa. Chiến tranh đã sa lầy từ gần hai năm nay. Trận Verdun nổ ra. Yersin ngồi trong căn nhà gỗ của mình, ông nghiên cứu điểu học và nghề làm vườn, viết đầy những quyển sổ. “Em đang có mấy cây cúc Nhật Bản nở hoa. Những bông hoa thật lớn, cánh rối, tuyệt đẹp. Ngồi ngắm chúng em thấy lòng mình thật vui sướng.”
Có lẽ là vì ngồi không, ông xoay sang say mê hoa lan, sưu tầm, và lấy được về từ các vùng mà chiến tranh không chạm đến, nơi những lầu vọng cảnh được hải quân các bên tham chiến tôn trọng. Ông cho chuyển từ Trung Mỹ, xuyên qua Thái Bình Dương vể Nha Trang, các giống hiếm của Costa Rica, dựng một nhà kính lớn, đặt vào giữa đó bộ đồ chụp ảnh của mình. Một máy Vérascope Richard. Trong phòng thí nghiệm ông phóng những bức ảnh màu đầu tiên. Từ hàng chục năm chụp ảnh ấy, còn lại hàng trăm bức gần như chưa ai nhìn thấy, vẫn nằm chờ trong bóng tối kho lưu trữ của Viện Pasteur ở Paris.
Ông trồng cây sung trước nhà, nó là một cành giâm được Émilie gửi sang, từ Nhà Cây Sung ở Morges. Ông nghiên cứu nghề trồng cây, học xén tỉa cây và chiết cành, chuẩn bị các đợt cành để ghép vào các loại cây ăn quả, trồng thử nghiệm táo và mận. “Hơn cả cây đào, cây mơ thích ứng với mùa mưa rất kém.” Ông tiến hành một chiến dịch trồng lại rừng, cố thuyết phục dân làng từ bỏ tập quán chặt cây đốt rừng, một thảm họa sinh thái tuy làm cho gạo trong rừng mang vị khói rất ngon vì mọc lên từ tro than. Được nhóm Nha Trang của ông trợ sức, ông thống kê các loài cây đặc hữu và mô tả chúng, lim, căm xe, giáng hương. Ở đây gỗ tếch chẳng được coi là có mấy giá trị, chỉ dùng làm cọc hàng rào ở các bãi chăn. Họ đào các vườn ươm, những đường rãnh dài tới một cây số, chất đầy lá mục và đất mùn.
Ông tiếp tục viết tất cả những điều này vào trong các thư từ gửi cho Viện Pasteur ở Paris, cứ như thể với cánh Pasteur ông duy trì dạng nhật ký mà ông từng viết cho Fanny. Ông viết cho Roux: “Càng ngày tôi càng say mê trồng hoa hơn. Tôi những muốn phủ đầy hoa lên đỉnh núi, và tôi hy vọng với thời gian sẽ làm được như vậy. Tôi đang thử nghiệm các loại cây vùng Alpes, tôi đã có cây giống của việt quất và cây long đởm nhỏ màu xanh, tôi đang lo lắng theo dõi chúng.” Và ta có thể hình dung cái nhún vai của Roux trước nỗi lo lắng của Yersin. Hoặc cơn cười căng thẳng làm cả người ông rung lên khi nhớ lại sự hãi hùng của những trái đạn pháo và những cơ thể bị băm nát thối rữa trên dây thép gai. Roux đang nghỉ vài ngày, từ chiến trường trở vể trong bộ quân phục lấm lem bùn và máu, tay đeo băng chữ thập đỏ, và mở chồng thư của Yersin, nỗi lo lắng của Yersin về những cây long đờm nhỏ màu xanh.
Sau biển và núi, giờ là hoa.
Vậy tại sao không cả những con chim nhỏ bé nữa.
Yersin dựng chuồng nuôi, quanh ông là những con vẹt thường và vẹt xanh. Ông cho đưa về đây những giống chim lạ từ khắp nơi và thả chúng vào trong các phòng kính trồng lan.
Cánh Pasteur không nghe ông nói nữa, thế là ông chuyển qua viết thư với Henry Correvon ở vườn trồng cây thử nghiệm, tại Yverdon bên Thụy Sĩ. Ông đặt ông ta các loại hạt và xin các lời khuyên. Những người đầu tiên viết tiểu sử ông sẽ liệt kê ở Nha Trang có cây lan cát lệ và dâm bụt, loa kèn đỏ và cây mỏ vẹt. Ở Suối Giao, trên cao hơn, thì có mào gà và cẩm chướng, cỏ roi ngựa và hoa chân bê, vãn anh và hoa lồng đèn. Ở Hòn Bà là hoa hồng và hoa lan. Trong các bức thư ấy, Yersin lập danh sách những loài cây chỉ ra được lá mà không bao giờ nở hoa: quế trúc và dạ lan hương, thủy tiên và tuylíp. Ông nghiên cứu thực vật học. Những bông hoa là các cơ quan sinh dục của cây cối.
Có lẽ những bông hoa ấy, cũng như ông, đã quyết định không bao giờ sinh sản.
Ông quá biết những thứ dấm dớ mà báo chí bịa ra. Ông đã đọc những điều ngu xuẩn vể huyền thoại đen bao quanh ông, rằng ông có hậu duệ, rằng một cô gái bản xứ miển núi đã sinh cho bác sĩ Năm một đứa con trai. Một phụ nữ thuộc các bộ tộc mà ngay nước Cộng hòa lẫn hoàng đế An Nam cũng chẳng buồn ghi nhận là công dân. Rồi sẽ có những điều hoang đường khác. Nước chảy chỗ trũng. Khả năng cao hơn là Yersin đã vượt lên trên những động tác sinh sản đôi phần cải lương. Ông đã dành vô khối thời gian ở phòng thí nghiệm để ghép đôi những con đực lên cơn động dục và những con cái hứng tình, gí mũi chuột đực vào âm hộ chuột cái đề đẩy nhanh tốc độ cuộc thí nghiệm, và chưa bao giờ ông nhìn ra được ở trong đống vi khuẩn của mình một vi khuẩn tình yêu nào. Chắc hẳn, trong đầu ông đã nảy sinh một sự khinh bỉ sâu xa đối với những cái gương và hành động giao cấu, những thứ làm tăng dân số loài người một cách vô cớ (Jorge Luis Borges viết trong tập Fictions: “Những cái gương và hành động giao cấu thật tởm lợm, vì chúng làm tăng dân số loài người”).
Yersin sẽ không đi xa nữa. Ông đã đi vòng quanh thế giới và vòng quanh vấn đề. Ông biết rằng hành tinh chật hẹp lại, nơi nào cũng thế cả, và sẽ sớm phải đề phòng “cái ma lực tư sản ấy ở mọi nơi mà chiếc rương đặt ta xuống” (Câu này trong nguyên bản là “La même magie bourgeoise à tous les points où la malle nous déposera” (Rimbaud viết trong tập Les Illuminations), ý nói dù đi đâu thì đi, chúng ta vẫn phải cảnh giác với nguy cơ trưởng giả hóa). Giờ đây ông là một cái cây. Là một cái cây cũng chính là cuộc đời và cũng là không đi đâu. Ông đã đạt tới sự cô độc thật đẹp, thật kỳ vĩ. Đạt tới một sự buồn chán đáng ngưỡng mộ. Và tối đến, khi nỗi mệt mỏi rốt cuộc đã đẩy lùi xa các ý tưởng điên rồ, đầu óc con người ta quay mòng mòng mà chẳng cần uống rượu, ta hẳn sẽ muốn nói tất cả những chuyện ấy với cha mình, để hỏi ý kiến. Ta nhớ ra rằng giờ đây ta đã già hơn ông ấy ở bất kỳ lúc nào. Ta bắt đầu chờ đợi cái chết. Ông là chuyên gia về sự tan rã. Và ông muốn cơ thể mình tan rã ở chính mảnh đất này.
Thường thường, buổi tối ở căn nhà gỗ, một mình với lũ mèo Xiêm, ông đọc lại Pasteur. “Nếu các vi sinh vật biến mất khỏi trái đất của chúng ta, bề mặt quả đất sẽ dầy lên chất hữu cơ chết đi và đủ mọi loại xác chết, cả động vật lẫn thực vật. Chính chúng là những tác nhân chủ yếu cung cấp cho ôxy các đặc tính ôxy hóa của nó. Nếu không có chúng thì sẽ không thể có cuộc sống, bởi vì tác phẩm của cái chết sẽ không được hoàn thành.” Chính sự sống muốn được sống, rời bỏ càng mau càng tốt cái cơ thể đang già nua này, để nhảy vào một cơ thể mới và, những cơ thể ấy được sự sống, khi đi ngang qua, trả công cho sự đóng góp không chủ ý của chúng vào việc kéo dài nó, bằng cái đống tiền lẻ là cực khoái. Chẳng có gì sinh ra từ hư vô. Mọi thứ từng sinh ra đều sẽ phải chết đi. Giữa hai trạng thái đó, mỗi người được tự do sống cuộc đời bình thản và thẳng tắp cùa một kỵ sĩ trên lưng ngựa. Thứ chủ nghĩa khắc kỷ cũ kỹ được Spinoza tìm lại và sức mạnh nội tại của sự sống, thứ duy nhất trường tồn. Nguyên tắc thuần túy, bản tính thiên về tự nhiên nơi mọi thứ đều dẫn đến. Cuộc đời là câu chuyện đùa ai ai cũng trải qua.
Ông thấy hơi u tối, và chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Hai dân tộc huynh đệ đã chém giết nhau sắp được bốn năm rồi, họ ném hàng nghìn đứa con của mình vào các đường hào rác rưởi. Chắc hẳn ông sẽ chẳng bao giờ được thấy lại hòa bình, Paris và Berlin. Chiến thắng thật bất định. Clemenceau và Roux, cả hai đều là bác sĩ, đều đang xung trận.