Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 34
a thấy lão câm bưng mâm cơm từ trong bếp ra nàng liền dẹp vội mấy mẹt thuốc đang phơi vào cuối sân cho gọn để sửa soạn ăn vài miếng.
Hôm qua tới giờ không nuốt nổi bất cứ gì vào bụng. Hình ảnh Khuyên ôm ngang người Tùng ép sát vào lưng chàng làm cho Sa đau đớn không thiết làm gì. Trằn trọc cả đêm nhìn ngắm cái nhẫn cưới Sa nghĩ dù Tùng với mình chưa gần gũi nhưng vẫn là vợ chồng, ngón tay mình vẫn còn đeo nhẫn cưới không việc gì phải ghen với ai!.
Nhờ thế nên hôm nay Sa giữ được vẻ trầm tĩnh, tiếp tục làm việc như chưa có gì xảy ra. Dù sao cũng phải ăn để có sức mà chống chọi với đời. Dân và Khuyên là hai người Sa phải dè chừng. Bây giờ Sa đã rõ tại sao Khuyên lại ác cảm với mình như vậy!. Còn Dân giờ đang ở xa nhưng khi nào chàng về Sa sẽ tỏ thái độ dứt khoát để Dân đừng có ý định ngông cuồng đó nữa, đồng thời sẽ không nói với ai chuyện này để giữ thể diện cho chú thím Sinh. Nàng ngồi xuống so đũa nhận chén cơm từ tay lão câm cất tiếng mời:
_Già ăn cơm!
Nói xong cúi xuống lặng lẽ ăn. Lão câm nhìn Sa rồi gắp con tôm kho vàng ươm bóng mỡ bỏ vào bát cho nàng, Sa vừa đưa con tôm lên miệng cắn lão lại múc nguyên quả trứng tiếp thêm liền. Nhìn thái độ trìu mến ân cần cuả lão Sa rưng rưng nước mắt nói:
_Sao già gắp cho con nhiều thế! Con ăn nhiều quá đầy bụng sao?
Lão câm làm như không nghe gắp thêm con tôm thứ hai Sa kêu lên:
_Chết thật có mấy con tôm trông ngon mắt già gắp cho con hết à! Già nhịn à?. Không được đâu!
Nói rồi Sa cầm bát cơm ngồi xa ra một bên không cho lão câm tiếp thức ăn cho mình nữa.
Tiếng chuông phía trước lại kêu lanh canh. Sa ngồi im không chạy ra ngóng trông như mọi bữa. Lão câm vừa ăn vừa khẽ liếc, dòm chừng Sa rồi đột nhiên lão ngừng nhai khựng lại nhìn về phía dãy hoè. Sa cũng nhìn theo.
Tùng đang đi về phía dãy nhà gỗ. Sa bỏ đũa định đứng lên nhưng chưa kịp Khuyên đã xuất hiện chạy theo Tùng. Cả hai người đều dừng taị phòng số sáu. Sa cứ ngồi chờ cho đến khi hai người bước ra mới đứng dậy nhìn đăm đăm về phía Tùng mong chàng trông thấy nhưng Tùng quay đi không hề có ý lại phía sân.
Chịu không nổi nữa Sa gọi:_Anh Tùng!
Tùng quay người lại thấy Sa nhưng không tiến gần đứng từ xa hỏi với lại:
_Có chuyện gì không?
Sa chạy lại nói:
_Bệnh nhân đỡ rồi phải không anh? Em nghĩ chắc chừng dăm ngày là có thể hy vọng mười phần cũng lành đến bảy tám phải không anh?
Tùng nhìn Sa ánh mắt lãnh đạm thờ ơ đáp:
_Hôm nay ghé coi vết thương lần cuối còn thì từ đây cho đến khi bệnh nhân về nhà để già chăm sóc được rồi, sự nguy nan không còn nữa!
Nói xong chàng cất bước.
Quan sát thái độ bình thản phớt lờ của Tùng đối với Sa, Khuyên mỉm cười khoái trá bám vội theo gọi ơi ới:
_Anh ơi! đợi em với!
Sa đứng chết lặng nhìn lên phòng số sáu với vẻ nuối tiếc như vừa để hụt mất một thứ gì lẽ ra đã có được. Nước mắt lăn dài trên má, Sa chạy ra phía sau dãy nhà lá ngồi trên phiến đá ấm ức khóc.
Nãy giờ âm thầm quan sát lão câm vội thu dọn mâm cơm, rót nước hoa hoè mon men ra chỗ Sa ngồi vỗ nhè nhẹ lưng rồi đặt bát nước vào lòng bàn tay nàng. Lão bần thần nhìn Sa khóc, lắc đầu thở dài.
Bà Chánh nhìn ra ngoài trời chép miệng “Đúng là tháng năm chưa nằm đã sáng tháng mười chưa cười đã tối” rồi bà uể oải đứng lên định rời bếp đi vào phòng. Thằng Tí đang ăn cơm nói:
_Nội ngồi chờ con ăn xong rồi lên chơi với nội!
Xuân gạt:
_Để cho nội nghỉ con à! Với lại bài đã thuộc đâu mà đòi tối qua phòng nội chơi! Thôi ăn nhanh lên rồi mang tập ra bàn kia tập viết đi!
Bà Chánh nói đỡ cho cháu:
_Đừng tập viết buổi tối dù cho có thắp đèn đi cũng vậy! Mắt cháu bà sẽ bị mờ thì sao? Phải không nào?
Thằng Tí gật:
_Dạ đúng đó nội! Con cũng thấy cứ học bài buổi tối dưới ánh đèn là mỏi mắt!
Xuân phì cười mắng yêu con:
_Hình như ăn chơi thì không kể tối sáng còn học thì cứ y như rằng đủ thứ cái không tốt tôi đi guốc trong bụng ông đó nhé!
Thằng Tí lý sự:
_Bụng con nhỏ mẹ lại lớn làm sao đi guốc vào trong bụng được! Mà mẹ vô bụng con bằng lối nào?
Rồi nó há miệng thách:
_Đây, mẹ vào đi, con mở cửa miệng cho mẹ vào đó!
Bà Chánh đang xỉa răng bỗng cười sằng sặc say sưa ngắm cháu yêu không rời mắt nữa. Đối với bà chính thằng Tí làm cho ngôi nhà lặng lẽ này lâu lâu chộn rộn toát ra những điều thật kỳ diệu khiến lòng bà ấm lại nhẹ nhõm đi.
Xuân nhắc nhở con:
_Dù sao cũng để bà nội uống thuốc xoa bóp đâu đó đã, không lên phòng nội giờ này hiểu chưa? Ăn nốt miếng cơm đi cho mẹ còn dọn dẹp.
Khuyên thò đầu vào kêu to:
_A! hôm nay bác ra ăn cơm với con cháu vậy là khoẻ rồi!
Bà Chánh đáp:
_Thì cũng đỡ thôi chứ chưa hết. Hồi sáng thím Sinh có qua đấm bóp cho nhưng chả ăn thua gì! Còn nhức mỏi lắm! Chưa về sao Khuyên, tối rồi?
_Dạ con về ăn cơm tắm rửa xong nhưng tại bố con có hẹn anh Tùng nên con qua nhắc nhở sợ ảnh quên. Trời lạnh có chút đồ nhắm mời ảnh qua đưa cay với bố con cho vui vậy mà!
Xuân đáp:
_Tùng không quên đâu! Nên hôm nay đâu có ăn cơm tối ở nhà để dành bụng qua nhậu với bố em đó!
Khuyên chép miệng than:
_Cả ngày nay làm việc em thấy ảnh sao ấy cứ lừ đừ, có lẽ ra ngoài đi chơi chút cho khuây khoả rồi về ngủ cho ngon là khoẻ thôi! Lúc nãy trước khi vào đây con thấy ảnh ở thư phòng bây giờ qua giục ảnh đi, sổ sách để đó mai làm, ghi chép hết rồi, lúc nào kiểm mà chả được, phải không chị?
Bà Chánh xen vào:
_Thôi vậy qua đó rủ anh nó đi đi!
Rồi bà quay lại nói với Xuân:
_Con bảo Sa mang thuốc cho mẹ uống nhé!
Xuân đang rửa nồi niêu ngoái đầu lại khẽ dạ một tiếng.
Nghe bà Chánh nói, Khuyên nhíu mày ánh mắt hơi loé lên:
_Để con ra sau nói cho, chị Xuân cứ làm việc đi!
Ra tới sân Khuyên đụng đầu Sa cầm cái khay trên có chén thuốc và một chén nước bốc khói phảng phất mùi tinh dầu bạc hà. Khuyên đưa tay ra định giành lấy miệng nói:
_Để tôi đưa vào cho bác được rồi. Cô khỏi đưa.
Sa giữ chặt cái khay không chịu trao, nàng nhìn Khuyên đáp:
_Không! Thuốc của tôi sắc tôi phải đến tận nơi cho người bệnh uống không qua bất cứ tay ai khác Chị biết điều này phải rõ hơn tôi chứ!
Thái độ dứt khoát giọng nói cứng rắn sẵn sàng đối đầu khiến Khuyên chưng hửng bất ngờ, ánh mắt lấm lét mất hẳn tự tin có vẻ e dè như sợ Sa khám phá điều gì. Khuyên nhún vai hạ giọng:
_Tưởng bận đây giúp cho, không muốn thì thôi vậy!
Sa quay mặt đi tránh nhìn Khuyên.Sự cay đắng bàng hoàng khi trưa vẫn còn. Giờ Sa không hy vọng điều gì chỉ mong được hai chữ “bình yên”, cũng chẳng dám tin ai nâng đỡ cho mình, nếu gặp ngăn trở khó khăn tự tìm cách đối phó vượt qua.
Bà Chánh ngồi chờ trong phòng. Cửa được mở toang, rèm buông xuống. Mắt bà đăm đăm nhìn cái ngõ tối lộ ra phía dưới bức rèm. Một lúc sau có vệt sáng di chuyển soi đôi chân trần, từng bước từng bước rất nhẹ, tà áo quyện theo. Ánh sáng rõ dần, bóng người thấp thoáng bên ngoài giọng Sa nói vọng vào:
_ Thưa mẹ có thuốc rồi mẹ ạ!
Bà Chánh lên tiếng:
_Vào đi!
Sa vén rèm cầm khay bước vào. Trên cái khay có hai cái chén đang bốc khói lại thêm ngọn nến cắm để soi đường vì trời đã tối như mực. Bà Chánh khẽ kêu lên:
_Khéo không đổ đấy! Mang gì lỉnh kỉnh thế uống một chén thuốc thôi chứ! Tập đội đèn đi là vừa! Ngày xưa người ta đội đèn làm việc hay lắm chứ không vụng về lỉnh kỉnh thế này đâu!
Sa tiến lại gần giường để cái khay xuống rồi cầm cái gối lót sau lưng bà dịu dàng nhắc:
_Mẹ ngồi dựa vách cho khỏi mỏi lưng rồi con lấy thuốc mẹ uống ngay đây! Thuốc chỉ uống một chén nhưng con mang thêm chén nước có chút bạc hà cho mẹ hít vào xem có khoẻ hơn là thắp nến tinh dầu không?
Nói xong nàng cầm chén thuốc khẽ kề tận miệng mẹ chồng:
_Mẹ uống từ từ cũng được thuốc này dùng không khắt khe kiêng cử lắm đâu!
Khi nàng hơi nghiêng người sát lại, bà chợt đưa mắt tìm kiếm. Rõ ràng có một mùi đặc biệt của nắng gió quyện trong cây cỏ ngai ngái nồng nồng nhưng rất dễ chịu thoang thoảng đâu đây. Cũng không hẳn mùi thiên nhiên nguyên vẹn mà đã được ướp với hơi người thấm dần qua lớp vải thô cũ không bị không gian thoáng đãng làm phôi pha. Ánh nhìn dừng lại nơi vạt áo màu xám tro lốm đốm những lỗ thủng li ti dấu vết của những hoa lửa từ than bắn vào. Một mùi rất quen nhưng lại toát ra từ một người khác còn lạ lẫm chứ không phải của lão gia chợt đánh thức trong lòng bà nỗi niềm da diết. Từ khi chồng mất bà tìm kiếm trong vô vọng sự nồng nàn này. Thuốc uống đã xong Sa đưa chén nước bạc hà rà qua lại trước mũi của bà. Đang ngơ ngẩn nàng đã bưng khay lên nói nhỏ vào tai bà:
_Mẹ ngồi đây chờ con tí nhé!
Nói xong Sa bước ra khỏi phòng rồi trở lại với thau nước khẽ khàng đặt xuống đất nói:
_Thưa mẹ con sửa soạn nước ấm có pha muối hột cho mẹ ngâm chân.
Bà Chánh còn lúng túng chưa biết phản ứng ra sao Sa đã vội đỡ hai bàn chân mẹ chồng thòng xuống mép giường rồi nhẹ nhàng ngâm vào thau nước. Tay nàng vuốt ve thỉnh thoảng vỗ vỗ, xoa bóp nhè nhẹ, kỳ cọ miết đều hai bàn chân.
Nhìn con dâu lặng lẽ rửa chân cho mình, dồn sự chú tâm vào đó như quên hết mọi điều xung quanh, thái độ ân cần chăm chút tưng tiu như thể đó là bàn chân của chính mình, bà lặng cả người cứ thế ngắm nàng làm việc không chớp mắt.
Đã từ lâu lắm bà không hề hưởng cảm giác kỳ lạ được một bàn tay chăm sóc như vậy. Khi chồng chưa mất mỗi năm cứ vào dạo này ông về thăm, bà lại se mình nhức mỏi. Chồng bà với vai trò một thầy thuốc luôn tìm mọi cách để làm dịu cơn đau của vợ được chừng nào hay chừng nấy. Ngâm chân bằng nước muối là phương cách ông dùng để chữa trị cho bà. Khác với Tùng chỉ xoa bóp, khác với Xuân là mang thau nước khi nào bà nhắc và để bà tự ngâm tự rửa, Sa làm bà ngạc nhiên ngỡ ngàng. Bỗng dưng không đâu bà nhớ ông đến thắt cả ruột gan. Tất tất mọi điều nơi nàng đều gợi về ông mới lạ! Nét mặt Sa vẫn rầu rầu nhưng bà biết Sa làm việc với tất cả tấm lòng chứ không phải chỉ phục vụ vì cam chịu nhẫn nhục. Từ khuỷu tay đến bàn tay làn da Sa có hai màu rõ rệt. Phần trên trắng muốt phần dưới ngăm ngăm dấu vết cuả nắng gió. Dù trắng hay ngăm cánh tay ngà ngọc của nàng vẫn làm cho một người già như bà cứ dán mắt vào chứ không muốn rời ra. Không phải cho đến bây giờ bà mới nhận ra sự u uẩn trên mặt con dâu nhưng đây là lần đầu tiên bà cảm thấy xót xa dao động. Lòng bà dịu lại, một niềm thương cảm dâng lên. Bà không còn muốn nhớ đến những tội lỗi của Sa hệt như ngày xưa bà đã tha thứ cho ông cái tội cứ đi biền biệt và hơn thế nữa có lần còn muốn cưới thiếp về đây.
Sa nhấc chân bà ra khỏi nước đặt lên tấm khăn trải sẵn trên giường tiếp tục lau khô. Xong xuôi Sa ngước lên nhìn bà nói:
_Thưa mẹ xong rồi ạ! Mẹ có cần gì thêm không?. Nếu không con xin phép được về phòng còn đi giặt và tắm gội.
Bà thở ra một tiếng khoan khoái rồi đáp:
_Thôi con đi đi, sao hôm nay lại tắm gội trễ thế? Ngâm chân được như thế này chắc chút nữa Tùng khỏi cần phải xoa bóp.
Sa cúi xuống bưng thau nước quay gót xuyên người qua bức rèm. Bà bần thần dõi theo. Vệt sáng cứ xa dần trong ngõ tối.
Dưới ánh đèn lồng rủ xuống bà Chánh ngồi thừ ra rưng rưng mơ màng như đang nhìn về cõi xa xăm nào đó. Bất giác bà gọi thầm: “ Ông ơi! biết rằng ông không còn nữa đã mãi mãi ra đi mà sao cứ ngỡ như ông đang hiện diện quanh đây. Bỗng dưng lòng tôi cồn cào. Có làn hương nào gây mùi nhớ không ông? Hay đó chỉ là mùi của cỏ cây đất trời một thời hay ảm vào áo ông, sao giờ lại thoang thoảng phiêu diêu trong phòng này?”
Tùng cầm cái chén cho Xuân rót trà vối từ cái ấm đất đang bốc khói nghi ngút rồi trao lại cho mẹ. Bà Chánh hớp một ngụm gật gù:
_Chà lâu lâu uống lại nụ vối thấy cứ ngọt lừ đi mới lạ! Không chát chút nào!
Tùng đùa:
_Chắc tại mẹ uống thuốc đắng nên giờ uống gì khác cũng ngọt!
Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu lạc bà Chánh nhìn sát mặt Tùng cố tìm xem vẻ mặt con trai có gì khác hơn mấy ngày qua không sao lại có hứng đùa thế? Tùng thấy thái độ kỳ lạ của mẹ hỏi:
_Mẹ làm gì mà nhìn con kỹ thế? Có bám nhọ nồi à?
Bà Chánh lắc đầu:
_Mẹ tưởng con làm việc mệt mỏi không thể đùa được nữa nên lấy làm lạ chứ sao!
Tùng nhìn Xuân rồi cả hai phá lên cười. Bà Chánh ngơ ngác Tùng giải thích:
_Mẹ tinh thế! Mẹ biết hôm nay con nhận được thư ai không?
_Có tin vui từ ai phải không?
_Đúng rồi! Mẹ nhớ anh Nghiêm không? Con mới nhận được thư ảnh báo là giữa năm sau sẽ về đây chơi đó mẹ. Ảnh hỏi coi gia đình ta có cho ảnh trọ một thời gian không?
_Ồ Nghiêm hả? Nó bây giờ ở đâu? Làm gì? Vợ con ra sao?
_Ảnh làm việc về khai thông các con kênh ở miền nam đó mẹ! Khi nào xong việc ảnh ra ngoài này nghỉ ngơi thư thả. Ảnh chưa có gia đình xét cho cùng công việc của ảnh nay đây mai đó.
Bà Chánh nghe vậy gật ngay:
_Được được con nhắn với nó không ra thì thôi ra là phải về đây chơi đó nhé! Nói nó đừng kén cá chọn canh nữa! Mỗi lần nghĩ về nó mẹ cứ tiếc không có con gái nếu không mẹ gả cho nó ngay! Cái thằng hiền như đất mà khéo tay khéo chân chi lạ!
Tùng nghe mẹ nói thế quay lại nháy Xuân, Xuân thẹn quay mặt đi không dám nhìn ai nữa.
Mọi người đang trò chuyện vui vẻ thì lão câm ôm cái siêu thuốc kiểu từ ngoài bước vào đi thẳng sang phòng bên cất cái siêu vào trong sập gụ. Bà Chánh ngưng nói chuyện cứ nhìn theo lão không chớp mắt. Thấy mẹ tự nhiên ngơ ngác Tùng hỏi:
_Mẹ sao thế?
Bà Chánh lắp bắp:
_Phải cái siêu sắc thuốc của mẹ, già đem cất phải không? Vậy sắc thuốc cho mẹ bằng gì?
Tùng đáp:
_Dạ hôm qua là ngày cuối trong lượt thuốc con bốc cho mẹ. Uống năm thang là ổn rồi! Sáng con dặn lão đem cọ rửa sạch sẽ phơi khô đem cất đi chứ để chung với những siêu thuốc của bệnh xá sao được!
Bà Chánh đờ người ra một lúc rồi hỏi:
_Thuốc con bốc cho mẹ là thuốc bổ phải không?
Tùng đáp:
_Dạ!
_Thuốc bổ uống thêm có sao không?
_Thưa mẹ dù là thuốc bổ cũng không nên uống nhiều! Mẹ uống năm thang là đủ rồi!
Nói xong chàng cầm tay mẹ bấm mạch khẳng định:
_Mẹ khoẻ rồi! Bây giờ mẹ mà muốn đi chơi xa cũng được nữa đó mẹ à!
Bà Chánh không nói gì, hai tay cầm bát chè uống mà run run. Suốt năm ngày nay Sa đều vô phòng chăm lo cho bà. Không thể nói hai người đã có những giây phút gần gũi thân thiết bên nhau ngoài những câu ra lệnh ngắn ngủn của bà và những từ vâng dạ đáp lại của Sa nhưng khi nghe không uống thuốc nữa bà chưng hửng tiếc nuối. Suốt năm hôm nay đêm nào bà cũng chìm đắm trong sự nồng nàn êm dịu nhưng cũng rất mong manh từ làn hương Sa tình cờ mang vào phòng. Mùi hương tự nhiên ấy đã sưởi ấm cõi lòng bà, nhưng hôm nay Sa không sắc thuốc nữa! Sao nhanh thế? Con trai nói mình khoẻ rồi ư? Nhưng sao mình lại thấy tứ chi như đang giá lạnh lại?
Tùng đứng lên ngáp dài vươn hai tay lắc lắc mấy cái như để xua tan cơn buồn ngủ rồi nói:
_Mẹ để con dìu về phòng xoa bóp rồi còn ngơi nghỉ.
Bà Chánh chìa tay ra cho chàng cầm lấy hy vọng con sẽ nhận ra tay bà đang rất lạnh. Bà chưa khoẻ. Nhưng Tùng lại không nhận ra điều đó. Chàng xoa xoa mu bàn tay mẹ rồi khẽ dìu bà đứng lên, quay qua nói với Xuân:
_Em với mẹ đi nghỉ đây! Chị cũng nghĩ sớm đi nhé! Đọc kỹ thơ anh Nghiêm đi ảnh kể chuyện miền nam vui lắm! Chúc chị nhiều mộng đẹp đêm nay.
Biết Tùng đang trêu mình Xuân nguýt dài một cái rồi đùa lại:
_Em không nằm mộng thì thôi chứ chị còn gì đâu nữa mà mộng với mị.
Bà Chánh đang ngẩn người ra thẫn thờ nên không nghe thấy hai người nói gì. Bà ngoái đầu nhìn về phiá sân sau qua khung cửa bếp vẫn còn mở toang như để tìm kiếm. Ánh mắt sắc lẻm của bà như muốn xuyên thủng màn đêm dầy đặc đã bao trùm lên khu bệnh xá từ lúc nào!.
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên