Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 52
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Hoa Kỳ Với Việt Nam
iệt Nam là một trong ba quốc gia nằm trên Bán Đảo Đông Dương, một vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Á.
Đông Nam Á bao gồm các nước Ấn Độ, Đại Hồi, Tích Lan, Mã Lai, Thái Lan, Diến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân và Việt, Mên, Lào. Dân số tổng cộng trên năm trăm rưỡi triệu. 49% dân số toàn Châu Á.
Trước kia, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều bị các đế quốc biến thành thuộc địa hoặc bán thuộc địa. Trong trận Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, nhân dân vùng Đông Nam Á đã hợp tác với Đồng Minh chống cường quyền Phát-xít Nhật Bản. Sau chiến tranh, nhân dân vùng Đông Nam Á giác ngộ và vùng dậy tranh đấu giành độc lập như Ấn Độ với Anh-cát-lợi, Nam Dương với Hòa Lan, Đông Dương với Pháp, Phi Luật Tân với Hoa Kỳ…Tất cả đều được thắng lợi, riêng ở Việt Nam, cho đến nay, chiến tranh vẫn còn chưa chấm dứt.
Sở dĩ như vậy vì từ khi chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa của cụ Hồ chí Minh bị nhận rõ chân tướng là một chính phủ cộng sản trá hình, các nước tự do trên thế giới đã không ngần ngại bỏ rơi một cách phũ phàng và ủng hộ những hoạt động của Cựu Hoàng Bảo Đại, người chiến sĩ quốc gia số một của dân tộc Việt Nam.
Nếu cộng sản chi phối được Đông Dương, họ sẽ có thể chi phối được toàn vùng Đông Nam Á, gây họa cho thế giới tự do nhất là cho Hoa Kỳ.
Về phương diện kinh tế, sau khi Hoa Kỳ đã mất thị trường trên lục địa Trung Hoa. Hoa Kỳ càng không thể để cho thị trường Đông Nam Á lọt vào tay cộng sản. Đông Nam Á, một vùng giàu của, giầu người, lắm nguyên liệu và thóc lúa, một nguồn sống cần thiết vô tận không những riêng cho nhân dân còn lạc hậu ở Đông Nam Á mà cho cả các cường quốc tự do, kể cả Hoa Kỳ.
Về phương diện quân sự, nếu mất Việt Nam, cả vùng Đông Nam Á sẽ bị mất theo và sẽ ảnh hưởng vô cùng tới vận mệnh của toàn thế giới tự do. Đông Nam Á quan trọng sống còn cho thế giới tự do vì Đông Nam Á nối liền Trung Đông, Cận Đông với Thái Bình Dương chứa đựng nhiều trạm liên lạc giữa Châu Á với Châu Úc. Đông Nam Á có Hải Cảng Tân Gia Ba thuộc Mã Lai là trung tâm của các đường giao thông tối quan trọng nối liền Đại Tây Dương sang Nhật Bản hải. Đông Nam Á có những quốc gia ở biên thùy tiếp giáp khu vực Liên Bang Sô Viết như một phần biên cương Ấn Độ, tiếp giáp với Trung Cộng như biên cương Việt Nam, Diến Điện và Ấn Độ. Thế giới dân chủ muốn ngăn cản Liên Xô bành trướng tất phải cố gắng giữ vững Đông Nam Á, mặt Nam của khu vực cộng sản thế giới.
Về phương diện tinh thần và lý tưởng, Hoa Kỳ không thể khoanh tay để nhân dân vùng Đông Nam Á chịu áp bức dưới chế độ độc tài cộng sản, Hoa Kỳ có bổn phận phải giúp đỡ nhân dân vùng Đông Nam Á bảo tồn nền nếp cổ truyền, bảo tồn thuần phong mỹ tục, bảo tồn phẩm cách, tự do của con người.
Trong chính sách chung đối với những tiểu nhược quốc vùng Đông Nam Á, một mặt Hoa Kỳ cố gắng chuẩn bị các địa điểm quân sự để ngăn ngừa một trận chiến tranh bất thần với lực lượng cộng sản thế giới, một mặt Hoa Kỳ tích cực viện trợ giúp đỡ những chính phủ quốc gia để những chính phủ đó dần dần sẽ trở nên vững chắc trên nền tảng kinh tế.
Được giúp đỡ của Hoa Kỳ, những chính phủ quốc gia có thể tiến nhanh đến chỗ áp dụng triệt để mọi nguyên tắc dân chủ, nâng cao mức sống cho nhân dân một cách thật công bằng và trong sạch trên khắp phương diện. Được như vậy, nhân dân sẽ ủng hộ chính phủ chân chính của tổ quốc họ và do đó có thể cầm cự mãnh liệt chống lại kẻ thù chung, độc tài và phát-xít.
Tất cả những lý do trên đã thúc đẩy Hoa Kỳ cố gắng dìu dắt Việt Nam trên đường tự do dân chủ ngõ hầu Việt Nam có thể tự mình đứng vững trước làn sóng đỏ đang tràn lan trên thế giới.
Đối với ba quốc gia Việt, Mên, Lào, Hoa Kỳ có những đường lối chính:
– Giúp đỡ các nước liên kết làm sao để dân chúng có thể hoàn toàn ủng hộ chính phủ quốc gia của họ.
– Góp phần chống Việt Minh cộng sản bằng giúp đỡ kinh tế cho các chính phủ quốc gia.
Làm tăng sức sản xuất nhất về nông nghiệp.
– Viện trợ những nhu cầu cần thiết.
Mùa Xuân năm 1950, nhiều yếu nhân Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, đã đặt nền móng cho cuộc viện trợ lâu dài.
Ngày 24 tháng Giêng, Đại Sứ đặc biệt của Hoa Kỳ Philipp Jessup cùng ông Gibbson, cựu Sứ Thần Hoa Kỳ đến Sài Gòn tuyên bố:
‘’…Yếu tố tối cần thiết quy định sự viện trợ trong phạm vi khả năng kinh tế của Hoa Kỳ cho các quốc gia ở Á Châu là mức độ mà nhân dân ở các nơi đó tỏ ra ủng hộ chính phủ đã chọn lọc của họ để chống bọn cộng sản giết người…’’
Ngày 9 tháng 2, Sứ Thần Hoa Kỳ Edmond Gullion đến Việt Nam và ngày 7 tháng 3, ông Robert A. Griffin bắt đầu ghi chú tại Sài Gòn những nhu cầu về kinh tế của ba Quốc Gia Liên Kết.
Ngày 6 tháng 4, ông Kenneth P. Landon, giám đốc cơ quan Đông Nam Á Vụ Hoa Kỳ đến Đà Lạt hội đàm cùng Quốc Trưởng Bảo Đại.
Tháng 7 năm 1950, Đặc Sứ Donald Heath, đại diện Hoa Kỳ ở Đông Dương đặt chân tới Việt Nam, chính thức mở đầu công cuộc viện trợ cho các Quốc Gia Liên Kết.
– Viện trợ kinh tế và kỹ thuật.
– Viện trợ quân sự.
Ngày 16 tháng 6.1950, quân nhu vũ khí chuyến đầu tiên trong chương trình viện trợ quân sự rời Hoa Kỳ sang Việt Nam gồm có 8 phi cơ Dakota và một số xe cộ, vũ khí.
Ngày 7 tháng 8.1950, cũng chuyến đầu tiên tượng trưng khu vực viện trợ kinh tế, Việt Nam nhận được một số thuốc men:
– 150.000.000 đơn chất pénicilline.
– 140 ký lô thuốc sốt rét nivaquine.
– 180 chiếc ống tiêm.
1.- Viện Trợ Kinh Tế Và Kỹ Thuật:
Hoa Kỳ cam kết viện trợ cho Việt Nam dưới hai hình thức, sau khi chính phủ Việt Nam và các nhà đại diện Hoa Kỳ ở Việt Nam đã ký một bản hiệp ước (Hiệp Ước Song Phương tháng 9.1051)
– Viện trợ trực tiếp bằng hàng hóa, dụng cụ, trang bị.
– Viện trợ thương mại, Hoa Kỳ sẽ giúp các nhà nhập cảng Việt Nam những chỉ tệ bằng Mỹ kim cần thiết cho việc mua hàng hóa.
Từ năm 1951 đến cuối tháng 6 năm 1953, trong chương trình viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho ba Quốc Gia Liên Kết đã ghi con số khổng lồ là 70.330.000 Mỹ kim, chia ra như sau:
– Xã Hội: 1.200.100 Mỹ kim.
– Y Tế: 7.049.500 Mỹ kim.
– Canh Nông, Lâm, Ngư Nghiệp: 4.554.800 Mỹ kim.
– Giao Thông Công Chính: 9.840.700 Mỹ kim.
– Giáo Dục: 344.000 Mỹ kim.
– Công Kỹ Nghệ: 9.000 Mỹ kim.
– Hành Chính, Thông Tin: 1.486.300 Mỹ kim.
– Thương Mại: 45.782.500 Mỹ kim.
Riêng Quốc Gia Việt Nam được hưởng 76,7% (562.630.000 đồng Đông Dương) trong tổng số tiền viện trợ Kinh Tế. (Cao Mên 15,3%: 112.000 đồng Đông Dương và Ai Lao 8%: 58.000.000 đồng Đông Dương).
Số tiền 562.630.000 đồng đã được dùng trong chương trình hoạt động kinh tế Mỹ ở Việt Nam trong khoảng ba năm:
Năm 1951
– Hoạt động về kiến thiết xã hội: 5.767.000.
– Hoạt động về y tế: 12.807.000.
– Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: 22.817.000.
– Giao thông vận tải, công chính: 79.135.000.
– Công, kỹ nghệ: 5.551.000.
– Giáo dục: 8.153.000.
– Hành chính: 12.462.000.
Tổng cộng năm 1951 là: 146.792.000.
Năm 1952
– Hoạt động về kiến thiết xã hội: 26.345.000.
– Hoạt động về y tế: 42.531.000.
– Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: 23.291.000.
– Giao thông vận tải, công chính: 84.020.000.
– Công, kỹ nghệ: 133.000.
– Giáo dục: 6.285.000.
– Hành chính: 25.674.000.
Tổng cộng năm 1952 là: 208.279.000.
Năm 1953
– Hoạt động về kiến thiết xã hội: 26.386.000.
– Hoạt động về y tế: 40.192.000.
– Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: 28.027.000.
– Giao thông vận tải, công chính: 65.157.000.
– Công, kỹ nghệ: 120.000.
– Giáo dục: 7.585.000.
– Hành chính: 20.092.000.
Tổng cộng năm 1953 là: 207.559.000.
Sau Hiệp Ước Song Phương, cơ quan Kinh Tế và Kỹ Thuật được thành lập (S.T.E.M-Special Technieal Economic Mission to Cambodia, Laos anf Vietnam) để trực tiếp giúp đỡ ba Quốc Gia Liên Kết.
Bộ phận S.T.E.M chịu dưới quyền cơ quan An Ninh Hỗ Tương (Mutual Security Ageney) trước kia là cơ quan Quản Trị và Hợp Tác Kinh Tế (E.C.A-Economie Cooperation and Administration) và cơ quan này trực thuộc Ngoại Nghiệp Cục ở Mỹ (F.O.A-Foreign Operation Agency).
Trong 3 năm, nhờ số tiền của Mỹ Quốc viện trợ, Quốc Gia Việt Nam đã thực hiện được trên địa hạt xã hội, kiến thiết:
– Phát cho dân chúng nạn nhân chiến tranh hàng 5 vạn chiếu, gần 2 vạn bộ quần áo, hơn 1 vạn chăn mền, hàng triệu thước vải trắng, vải ka ki.
Thực phẩm phân phát như sữa hộp, sữa bột kể hàng chục tấn, đồ hộp hàng trăm tấn và cả máy khâu, chỉ khâu, kim khâu v.v…
– Nạn nhân bị bão ở Trung Việt tháng 10 năm 1952 cũng nhờ tiền viện trợ Mỹ để xây dựng lại cơ nghiệp, nhà cửa và được phân phát thóc gạo, thực phẩm.
– Nhiều làng mới được thành lập để giúp nhân dân tỵ nạn chiến tranh. Phần đông những người này đã mất hết cả gia sản, làng xóm quê quán của họ hoặc đã bị tàn phá trơ trụi hoặc đang là trận địa. Nhờ được Mỹ Quốc viện trợ Kinh Tế và Kỹ Thuật đã trù tính rất nhiều kế hoạch và đã thực hiện được nhiều việc:
– Viện trợ những thứ thuốc sát trùng như Pénicilline, Auréomyeine, Terramycine, những loại Sulfa, thuốc bệnh lao bột D.D.T. v.v…
– Viện trợ nhiều xe nhà thương (Hospital Equipment) và vô vàm những dụng cụ như máy quang tuyến, kìm kéo, bông, băng…
Trừ bệnh sốt rét rừng, mỗi tháng có tới 16 vạn bệnh nhân được chạy chữa và 45 vạn nhà cửa được bơm thuốc D.D.T. Nhờ vậy, số người bị sốt rét mỗi ngày một rút bớt.
– Thiết lập hàng ngàn sơ sở y tế và hoàn thành nhiều giếng nước hợp vệ sinh để dân chúng được dùng nước trong sạch.
– Khám và ngăn ngừa bệnh thời khí, dịch hạch, chấy rận, hoa liễu, đau mắt hột. Bệnh hoa liễu đã thấy thưa thớt ở Việt Nam và số bệnh nhân đau mắt hột cũng đã giảm rất nhiều.
– Thiết lập và mở mang các dưỡng đường, huấn luyện và chỉ bảo phương pháp gìn giữ vệ sinh ngăn ngừa bệnh tật ở thôn quê.
Về phương diện canh nông, Mỹ Quốc đã giúp Việt Nam tiến bộ trong ba khu vực:
• Nông nghiệp.
• Lâm nghiệp.
• Ngư nghiệp.
Nông Nghiệp:
– Phân bón và những máy móc dụng cụ canh tác do lối viện trợ trực tiếp đã giúp nhà nông Việt Nam tăng số lượng sản xuất. Hàng vạn tấn phân bón hóa học cho trên 20 mẫu tây ruộng và sức sản xuất do đó tăng được từ 25 đến 30%.
– Trâu bò dùng trong việc canh tác được tiêm thuốc ngăn ngừa bệnh dịch.
– Năm vạn mẫu Tây ruộng được hưởng nước điều hòa do những công cuộc thủy lợi. Đập dẫn nước khu nông giang Sơn Tây (Bắc Việt) bị phá hủy từ ngày chiến tranh được cơ quan An Ninh Hỗ Tương sửa chữa và xây đắp thêm năm 1951.
– Một Hợp Tác Xã sản xuất thuốc lá (Tháp Chàm Trung Việt), 4 nhà máy xay lúa và 1 Hợp Tác Xã máy xay (Cái Răng Nam Việt) đã được thành lập.
– Nhiều cơ sở được thiết lập với mục đích huấn luyện phương pháp canh tác khoa học. Chừng 1.153.000 quyển sách nhỏ giảng về canh tác đã phân phát cho nông gia, cộng thêm 50.000 tập nói về phương pháp bón xới và 500 bản đồ chỉ dẫn học hỏi. Nhiều sinh viên được đi học về kỹ thuật canh tác tại Mỹ Quốc.
Lâm Nghiệp:
Những máy kéo gỗ tồi tân được gửi sang để ngả cây và kéo cây.
– Nhiều nhà máy cưa được thiết lập.
Ngư Nghiệp:
– Viện trợ một số tàu nhỏ dùng trong việc đánh cá và che chở dân chài lưới khỏi bị Việt Minh làm khó dễ.
– Tổ chức huấn luyện kỹ thuật đánh cá giúp được hàng vạn gia đình chài lưới trở nên sung túc.
– Viện trợ những giống cá mới lạ, để nuôi và sinh sản mau chóng (Tỉ dụ cá Tilapia mang ở Thái Lan sang).
Về phương diện giao thông, vận tải, Hoa Kỳ gửi sang Việt Nam nhiều thứ xe kéo, xe trục, nhựa đường và nhiều dụng cụ nguyên liệu để kiến thiết đường xá, cầu cống. Thường xuyên mỗi năm Việt Nam nhập cảng tới 30.000 tấn nhựa đường.
– Nhiều cầu cống đã và đang được sửa chữa như ở Huế trên đường Sài Gòn-Ô Cấp (Nam Việt)
Ngót một nghìn cây số đường đi ở vùng ngoại ô thành phố được hoàn thành tiêu thụ mất 90.000 tấn nhựa đường, 19 tấn đá nghiền, phải sử dụng hàng trăm thứ xe kéo, xe lăn đường với nhiều dụng cụ như máy bơm, thuốc nổ, máy phát điện…
– Nhiều hải cảng và sân bay được mở rộng. Thêm nhiều dụng cụ và máy móc để đặt điện thoại nối liền giây nói nhiều tỉnh. Thêm nhiều tầu nhỏ đi lại trên các giòng sông giúp sự giao thông được điều hòa và hàng hóa khỏi bị bế tắc.
Trên địa hạt Công, Kỹ Nghệ:
– Mở mang việc khai thác than đá ở Bắc Việt.
– Mở mang kỹ nghệ sản xuất xi măng ở Bắc Việt.
– Thêm phương tiện và dụng cụ cho nghề dệt, nghề chế tạo các đồ dùng bằng cao su, nghề sơn, nghề diêm…
Trên địa hạt Giáo Dục:
– Mở những lớp Bình Dân Học Vụ cho những người chưa biết đọc biết viết khắp Trung, Nam, Bắc.
– Mở những trường dậy nghề nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn, Biên Hòa, Gia Định, Thủ Dầu Một. Học sinh có thể học những nghề: Kiến Trúc, Hội Họa, Điêu Khắc…
– Trường chuyên nghiệp dậy về Hàng Hải, Kỹ Nghệ ở Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội.
Trên địa hạt Hành Chính và Thông Tin:
– Thiết lập các Phòng Thông Tin, trưng bầy tranh ảnh sách báo.
– Sở Thông Tin về khắp vùng quê, chiếu phim, ca nhạc.
– Giúp đỡ mày móc dụng cụ về ấn loát, quay phim, giúp máy phóng thanh, xe hơi.
Trong tổng số tiền viện trợ Kinh Tế Mỹ (70.330.000 Mỹ kim), ngân khoản dàng riêng để mua hàng hóa nhập cảng là: 45.782.000 Mỹ kim. Từ 1951 đến tháng 6.1953 đã có 58% của ngân khoản đó được tiêu dùng (26.380.000 Mỹ kim). Số còn lại được ghi trên khế ước và hàng hóa sẽ dần dần được chuyển tới ba Quốc Gia Liên Kết.
Về niên khóa 1954, mục tiêu của chương trình nhập cảng (16.000.000 Mỹ kim) là cung cấp thêm số Mỹ kim cho Đông Dương để mua hàng hóa cần thiết. Do đó nạn khan ngoại tệ sẽ đỡ dần. Có ngoại tệ, các thương gia Việt Nam có thể gửi mua hàng hóa ở Hoa Kỳ hoặc ở các nước khác nếu giá hàng rẻ hơn ở Hoa Kỳ.
Đặt dưới quyền quản trị của một tổ chức tư với tên là Ủy Ban Nhập Cảng Lâm Thời, chương trình nhập cảng mới sẽ là một cố gắng chung của cả Pháp-Việt-Mên-Lào, nhằm mục tiêu tăng cường tài chính để mua các hàng hóa, vật liệu cần thiết cho các Quốc Gia Liên Kết.
Những hàng hóa, vật liệu đó là dầu hỏa, đầu chạy máy, bông, xe hơi, máy móc kỹ nghệ, dụng cụ nông nghiệp, phi cơ, những bộ phận máy tháo rơi, tầu thủy dụng cụ làm mỏ và những toa tầu hạng nặng để cơ khí hóa việc khai thác hầm mỏ…
Nói tóm lại, nhờ viện trợ của Hoa Kỳ, chính phủ Quốc Gia Việt Nam tương đối đã gây lại được mức điều hòa trong đời sống quá lệch lạc của dân chúng nạn nhân chiến tranh. Và cũng nhờ đó chính phủ đã có thể dễ dàng tiếp tục phát triển mở mang nền kinh tế quốc gia ngõ hầu đủ sức chịu đựng trong cuộc chiến đấu chống cộng sản.
2.- Viện Trợ Quân Sự:
Riêng một mình nước Pháp không thể nào chịu đựng nổi mãi cuộc chiến tranh trường kỳ ở Đông Phương. Số quân lính, vũ khí và chi phí chiến trường của Pháp ở Đông Dương chỉ có hạn. Tuy Hoa Kỳ đã dành cho ba Quốc Gia Liên Kết một ngân khoản là 30.500.000 Mỹ kim riêng viện trợ về quân sự năm 1953 nhưng sự thực số tiền đó chả là bao trong khi chiến tranh dữ dội ở Đông Dương cần thiết mỗi ngày tới 3.000.000 Mỹ kim.
Chiến sự giảm bớt ở Triều Tiên (tháng 6.1953) thì áp lực quân sự của Việt Minh lại có vẻ tăng lên và cộng sản thế giới chú mục vào khu Thái Lan-Miến Điện. Trận đánh Ai Lao của quân đội Việt Minh đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải để ý hơn nữa đến vấn đề viện trợ quân sự cho Đông Dương.
Từ tháng 6 năm 1953, rất nhiều chính khách và Tướng lĩnh Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam.
Thống Đốc Adlai Stevenson, ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ Mỹ đã công nhận chiến tranh Đông Dương là ‘’một trận lôi cuốn máu và tiền’’.
Ngày 20 tháng 6, một phái đoàn quân sự Mỹ do Trung Tướng Fohn Daniel điều khiển đã từ Phi Luật Tân tới Sài Gòn.
Phái đoàn gồn có Thiếu Tướng Russel với 4 sĩ quan Tham Mưu Lục Quân Tướng Carty với 3 sĩ quan Tham Mưu Không Quân, Đại Tá Dillon với 2 sĩ quan Tham Mưu Thủy Quân Lục Chiến và ông Philip W. Bonsal, Trưởng Phòng Đông Nam Á trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Thành phần quan trọng trong phái đoàn đã chứng tỏ Hoa Kỳ rất chú ý đến tình hình quân sự ở Đông Dương.
Mục đích của phái đoàn quân sự Mỹ là thảo luận với Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Navarre Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Hinh về cuộc viện trợ dụng cụ và chiến phí cho Quân Lực Pháp-Việt, đồng thời quan sát chiến trường Đông Dương.
Trước kia Hoa Kỳ chỉ viện trợ theo một phương pháp nhỏ giọt và quá ít ỏi, như vậy đã không giúp ích được mấy cho chiến trường.
Trong khoảng thời gian từ 1951 đến mùa Thu năm 1953, Hoa Kỳ đã viện trợ cho quân đội Pháp và quân đội các Quốc Gia Liên Kết:
– 170.000.000 viên đạn.
– 16.000 xe vận tải và rờ-móoc
– 850 xe thiết giáp.
– 350 phi cơ (phóng pháo và khu trục)
– 250 phi cơ (dành cho Hải Quân)
– 10.500 máy truyền thanh.
– 9.000 vũ khí tự động, cùng nhiều vật liệu về y tế, dụng cụ công binh và đồ trang bị.
Nhưng từ khi Đại Tướng Navarre sang giữ chức Tổng Tư Lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương và quyết định thay đổi chính sách quân sự trên phạm vi chiến lược và chiến thuật, kế hoạch mới đã đòi hỏi thêm nhiều sự chú ý của Hoa Kỳ về phương pháp và số lượng của cuộc viện trợ.
Hoa Kỳ cũng hiểu tình thế mới và tháng 7.1953 Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles đã nhấn mạnh trong buổi họp với một nhóm Nghị Sĩ ở Hoa Thịnh Đốn về vấn đề Đông Dương:
‘’Tình hình hiện tại ở Đông Dương, chúng ta (Mỹ) phải coi nó như là một hiểm họa quan trọng nhất đương đè chĩu lên thế giới tự do.
Tại miền đó, trách nhiệm chính là ở Pháp, hiện giờ quân đội Pháp đang chiến đấu và chịu đựng một phần lớn gánh nặng tài chính của các nỗ lực quân sự’’.
Những nhu cầu tối cần thiết về quân sự ở Đông Dương cũng đã được Ngoại Trưởng Pháp Bidault nêu rõ trong tháng 7 ở Nữu Ước khi họp Hội Nghị ba Ngoại Trưởng tam cường Tây phương:
‘’Pháp không thể cứ theo đuổi tình trạng này mãi mãi không biết đến bao giờ. Gánh nặng của Pháp phải được giảm bớt và Pháp cần phải được Hoa Kỳ giúp đỡ’’.
Nói đến tổn phí về chiến tranh ở Đông Dương, Ngoại Trưởng Pháp đã cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ rõ ràng ngoài những dụng cụ không thể ước lượng được, nước Pháp đã chi phí gần 500 tỷ Phật Lăng cho ngân sách chiến tranh ở Đông Dương và đó là con số tối đa mà nền tài chính Pháp không tài nào làm hơn được nữa.
Ngày 27 tháng 7.1953, một sự kiện tối quan trọng được loan báo: Ngừng bắn ở chiến trường Cao Ly.
Việc ngừng bắn ở Cao Ly đã khiến Hoa Kỳ lo ngại tới việc ‘’chí nguyện quân Trung Cộng’’ có thể xuất hiện ở Việt Nam. Riêng chiến đấu với Việt Minh, Liên Quân Việt-Pháp cũng đã còn phải dằng dai ngót chục năm trời mà chưa thu được thắng lợi nếu nay thêm Trung Cộng, Quân Đội Mỹ không thể không trực tiếp tham gia một trận chiến tranh Cao Ly thứ hai ở Đông Dương, nếu Mỹ không muốn để cả vùng Đông Nam Á lọt vào tay cộng sản.
Trong kỳ họp Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ về vấn đề viện trợ cho ngoại quốc, Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield ở Cao Ly, Trung Cộng sẽ rảnh tay để tiếp tục tăng cường viện trợ cho Việt Minh, can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ông Mansfield nói:
‘’Cuộc viện trợ mà chúng ta bằng lòng chịu ở phần đất đó trên thế giới là để cho cuộc phòng thủ riêng của chúng ta cũng như cho cuộc phòng thủ của thế giới tự do. Nếu tôi tin được vào những tin tức mới đây ở Đông Dương thì giữa các nhà cầm quyền Mỹ-Pháp và chính phủ Việt Nam có một sự đồng quan điểm về những khả năng lớn lao của một cuộc đắc thắng quân sự trong vòng hai năm nữa với điều kiện là chúng ta không làm chậm trễ những vụ gửi dụng cụ chiến tranh sang Đông Dương’’
Sau Bản Tuyên Ngôn 3.7.1953 của chính phủ Pháp, Hoa Kỳ đã hài lòng về thái độ của Pháp đối với ba Quốc Gia Liên Kết mặc dầu sự hài lòng ấy cũng còn phải đợi những hành động tương lai của Pháp khi thấy nước này còn áp dụng một chính sách theo những ý thức lạc hậu đối với ba Quốc Gia Liên Kết. Nhưng từ sau Bản Tuyên Ngôn 3 tháng 7 và nhất là sau khi ký kết ngừng bắn ở Cao Ly, Hoa Kỳ đã tỏ ra tích cực giúp Pháp hơn vì đã nhận rõ số phận bản thân Hoa Kỳ cũng như của thế giới tự do giờ đây bị lệ thuộc vào trận chiến tranh trên lãnh thổ Việt-Mên-Lào.
Ngày 30 tháng 7, Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ đã thảo luận về con số Mỹ kim thêm vào chương trình viện trợ quân sự cho những quân đội chống cộng sản ở Đông Dương.
Vấn đề viện trợ quân sự Mỹ cho quân lực chống cộng ở Đông Dương và vị trí quan trọng của vùng này đã được Tổng Thống Eisenhower nhấn mạnh trong Bản Phúc Trình về chương trình An Ninh Hỗ Tương của Mỹ Quốc gửi Quốc Hội Hoa Kỳ trung tuần tháng 8.1953. Dưới mắt Tổng Thống Mỹ, Việt Nam và Cao Mên, Ai Lao là một cửa ngõ mở sang những vùng rất giầu nguyên liệu miền Nam Á Châu và cuộc phòng thủ Việt-Mên-Lào là mối thắc mắc lớn cho thế giới tự do:
‘’…Vì rằng Pháp không đủ sức đối phó với những điều cam kết cả ở Âu Châu lẫn Á Châu nếu không có một sự giúp đỡ ở ngoài, Hoa Kỳ phải cung cấp cho các lực lượng chống cộng ở Đông Dương những đồ trang bị và vũ khí mà những lực lượng đó cần dùng. Cuộc viện trợ quân sự cho các lực lượng võ trang Liên Hiệp Pháp và các Quốc Gia Liên Kết đã được tiếp tục trên một căn bản nhiều quyền ưu tiên trong Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt 1953. Nhịp gửi hàng tháng đã được tăng lên gấp bội so với năm ngoái. Những vụ gửi dụng cụ này và những ảnh hưởng của nó trong các cuộc hành binh đã góp một phần lớn trong việc cải thiện tình hình quân sự nguy ngập ở Đông Dương và đã ngăn cản được cộng sản xâm chiếm tất cả vùng Đông Nam Á.
Tuy nhiên cuộc chiến thắng chưa có thể có ngay được.
Nước Pháp đã phải chịu những sự thiệt hại nặng nề về sĩ quan và binh lính, chính phủ Pháp đã tiêu phí mỗi năm hơn 1.000.000.000 Mỹ kim để theo đuổi chiến dịch khó khăn và gay go đó, nhưng không thể nào đảm đương được tổng số phí khoản về trận chiến tranh mà không có hại cho sự góp phần quân sự với các lực lượng ở Âu Châu. Hiện nay người ta đã chú trọng tới sự thành lập những đạo quân quốc gia của các nước Việt-Mên-Lào. Trong cuộc chiến đấu để ngăn cản các lực lượng cộng sản tràn ngập Đông Dương cuộc viện trợ cho các lực lượng Liên Hiệp Pháp bằng người, bằng đồ trang bị và trong địa hạt huấn luyện tỏ ra rất cần thiết để lập những đạo quân quốc gia ấy.
Tuy nhiên khi cần đến, các lực lượng Đông Dương phải đủ sức để gánh vác một phần lớn hơn trong việc bảo vệ dân chúng chống các cuộc tấn công của cộng sản. Khi nào các lực lượng địa phương trở nên mạnh mẽ, Pháp có thể chuyển dần từ Đông Dương về Âu Châu những sĩ quan và binh lính thiện chiến cần thiết để thành lập những lực lượng của tổ chức Bắc Đại Tây Dương.
Nay mặc dầu có cuộc viện trợ cụ thể của Pháp và của Hoa Kỳ, các Quốc Gia Việt, Miên, Lào cũng bị bắt buộc phải lấy số tối đa trong số dự trữ của mình cho mọi nỗ lực quân sự.
Riêng nước Việt Nam đã dành 70% ngân sách cho các lực lượng võ trang của nước đó…’’
Hoa Kỳ coi trận chiến tranh ở Đông Dương là một đe dọa lớn lao cho hòa bình và để tâm nghiên cứu viện trợ thêm về quân sự. Đồng thời với những cuộc thỏa luận gấp rút ở Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ quanh vấn đề viện trợ quân sự cho các chính phủ ở Đông Dương, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Cộng mục đích ngăn ngừa một cuộc can thiếp trực tiếp có thể có của cộng sản trên chiến trường Đông Dương.
Trên phương diện quân sự, Việt Nam đã nắm trong một chính sách mới mẻ của Hoa Kỳ. Chính sách mới ấy nẩy ra một tháng sau ngày 22 tháng 8.1953, ngày mà người kế vị Stalin, Malenkov lạnh lùng tuyên bố với thế giới rằng Liên Bang Sô Viết cũng có bom khinh khí. Ngày 22 tháng 9, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ quyết nghị:
1.- Chiến lược quân sự: Hợp Chúng Quốc phải tích cực tấn công trong phòng ngự hơn là thụ động phòng thủ.
2.- Chiến lược tâm lý: ‘’Chiến dịch trắng’’.
Nguyên tắc của ‘’Chiến dịch trắng’’ là thẳng thắn thúc đẩy dư luận dân chúng Hoa Kỳ và vạch rõ cho họ biết những sự thật có thể xẩy đến trong thời đại nguyên tử, huấn luyện cho họ quen những phương pháp phòng thủ bằng cách thi hành liên tiếp những buổi báo động thử.
Về quân sự, Hoa Kỳ cố gắng gấp rút sản xuất hai loại phi cơ tối tân ghê gớm để đề phòng:
– Loại phóng pháo cơ phản lực B-52 dùng để chở bom nguyên tử, có thể bay rất nhanh đến bất luận một căn cứ nào trên thế giới, thi hành xong nhiệm vụ, rồi lại trở về căn cứ.
– Loại khu trục cơ phản lực F-100 với tốc độ và hỏa lực vượt bực.
Kỳ họp thứ hai của ba Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan tại Hoa Thịnh Đốn (9.9.53) đã ghi chú hiểm họa cộng sản ở Đông Dương. Các Quốc Gia Úc và Tân Tây Lan đã rất để ý đến tình hình Đông Dương và tìm cách cung cấp thêm dụng cụ.
Ngày 10 tháng 9, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã chấp thuận một ngân khoản 385.000.000 Mỹ kim để góp phần đặc biệt của Hoa Kỳ vào kế hoạch tăng nỗ lực quân sự Pháp-Việt ở Đông Dương.
Theo lời ông Tổng Trưởng phụ trách việc liên lạc với ba Quốc Gia Liên Kết, số viện trợ Mỹ này sẽ không có mục đích để kéo dài chiến tranh mà để chấm dứt nó. Sự tăng thêm 385 triệu Mỹ kim vào chiến phí Đông Dương sẽ làm tăng tiến Quân Lực Việt-Mên-Lào và giúp Pháp được rảnh tay chú ý tới các việc quan trọng khác.
Quyết nghị ghi chú hiểm họa cộng sản ở Đông Dương của Hội Nghị ba Ngoại Trưởng Hoa Kỳ-Úc-Tân Tay Lan cùng quyết nghị của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ về 385 triệu Mỹ kim viện trợ đã phù hợp với lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles ở Saint Louis trước Đại Hội của Hiệp Hội Lao Động A.F.L.:
‘’…Ở Đông Dương, một trận chiến tranh khác đương tiếp tục và mối hiểm họa khi nhận thấy sức kháng cự có thể bị tan rã trước các lực lượng xâm lăng của cộng sản hiện vẫn có. Nếu sức kháng cự tan rã, do ở đó có lẽ nó sẽ là một đe dọa cho quyền lợi trọng yếu của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương.
Rất nhiều người ở Đông Dương cũng đã từng tin tưởng từ lâu rằng họ đã phải lựa chọn giữa chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa cộng sản. Một sự lựa chọn như vậy không bao giờ làm cho người ta hết sức hăng hái hoặc có nhiều thiện chí để hy sinh và liều chết, đích tối cao của sự hy sinh.
Hiện giờ, Pháp đã cho biết rõ rệt ý định của mình qua Bản Tuyên Ngôn ngày 3 tháng 7, thỏa thuận dành cho các Quốc Gia Liên Kết ở Đông Dương một nền độc lập hoàn toàn, theo như các nước đó đã muốn.
Pháp và các Quốc Gia Liên Kết hiện đương xét đến Bản Tuyên Ngôn đó và chắc chắn là họ sẽ hoạt động với tất cả thiện chí.
Như vậy, tính cách của trận chiến tranh sẽ biến chuyển.
Theo đúng với lương tâm, Hoa Kỳ có thể góp sức rõ rệt bằng tiền và bằng dụng cụ để đi tới một kết luận khả quan cho cuộc xung đột nầy, nó bắt đầu thuộc đúng kiểu chiến tranh độc lập trong khi tính cách xâm lăng của chiến tranh cộng sản cũng bắt đầu bị phô bày ra’’.
Ngày 30 tháng 9, chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức chuẩn y ngân khoản 385 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự cho chính phủ Pháp để sử dụng trong các cuộc hành binh chống Việt Minh ở Đông Dương. Bộ Ngoại Giao Pháp đã công bố một bản thông cáo vể việc viện trợ đó:
‘’Các lực lượng võ trang của Pháp và của các Quốc Gia Liên Kết đã tham dự từ 8 năm nay một cuộc chiến đấu gay go để ngăn chặn cộng sản tràn vào Đông Nam Á. Những nỗ lực anh dũng của các lực lượng đó để bảo vệ nền độc lập của các Quốc Gia Việt-Mên-Lào đang được thế giới tự do khâm phục và giúp đỡ.
Chính phủ Hoa Kỳ nhận thấy nỗ lực của Khối Liên Hiệp Pháp đã viện trợ chính phủ Pháp và các Quốc Gia Liên Kết dưới những hình thức khác nhau để góp phần vào việc chấm dứt một cách nhanh chóng nhất và đắc thắng cuộc chiến đấu dài dăng dẳng này.
Với Bản Tuyên Ngôn ngày 3.7.53, chính phủ Pháp đã quyết định hoàn thành nền độc lập của ba Quốc Gia Liên Kết Đông Dương bằng những cuộc thương thuyết với các chính phủ đó.
Một thỏa ước vừa được ký kết giữa hai chính phủ Pháp và Hoa Kỳ theo đó chính phủ Hoa Kỳ đã đặt dưới quyền sử dụng của Pháp trước ngày 31.12.54 một ngân khoản phụ nhiều nhất là 385 triệu đô la để đài thọ những kế hoạch mà chính phủ Pháp đã quan niệm hầu bành trướng những cuộc hành quân chống Việt Minh.
Số tiền này phải được coi như là thêm vào những số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ đã dành để viện trợ về quân sự và kinh tế cho Pháp và các Quốc Gia Liên Kết.
Chính phủ Pháp đã quyết định mang hết nỗ lực của mình để làm tan rã và tiêu diệt những lực lượng chính quy của địch ở Đông Dương. Với mục đích đó, chính phủ Pháp có ý định hoàn thành những kế hoạch tăng cường các lực lượng võ trang của các Quốc Gia Liên Kết, hợp tác với Việt-Miên-Lào và tạm thời thích ứng phần quan trọng của các quân số riêng của mình vào những điều kiện cần thiết để bảo đảm thắng lợi cho những kế hoạch quân sự hiện tại.
Sự viện trợ thêm này của Hoa Kỳ nhằm việc cho phép đạt tới những mục tiêu đó một cách nhanh chóng và có hiệu quả hơn hết.
Việc tăng cường sự nỗ lực của Pháp ở Đông Dương sẽ không phương hại tới căn bản những kế hoạch hay chương trình của chính phủ Pháp về lực lượng Bắc Đại Tây Dương của Pháp và cũng không phương hại gì một cách vĩnh viễn’’
Việt Nam, vị trí trọng yêu trong mặt trận kháng chiến chống cộng, đã kích thích nhiều lãnh tụ Hoa Kỳ phải qua thăm.
Ngày 11 tháng 9.1953, Thượng Nghị Sĩ Knowland Chủ Tịch đa số Cộng Hòa tại Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ từ Hương Cảng tới Việt Nam. Sau vài ngày xem xét, nhận định. Thượng Nghị Sĩ đã tuyên bố trước khi rời Việt Nam đi Thái Lan rằng:
‘’…Căn cứ vào những điều tôi được thấy, tôi hy vọng rằng những lực lượng của ba tân quốc gia độc lập này có thể được tăng cường nhanh chóng chừng nào hay chừng ấy, được trang bị và huấn luyện cả về phương diện viện trợ hợp lệ cho lực lượng quân sự của chính họ cũng như cho những lực lượng cộng tác với họ trong công cuộc phòng thủ chung.
Tôi còn hy vọng rằng những kỹ nghệ phục hưng như những công xưởng sửa xe hơi hoặc những loại máy móc khác sẽ được thực hiện ở Việt Nam, Ai Lao và Cao Mên, không những để giúp cho vấn đề chuyên chở mà còn để khi cuộc chiến đấu dành tự do đã thắng lợi và quốc gia đã được thống nhất thì dân chúng địa phương đã được huấn luyện trong công việc này sẽ có đủ khả năng để củng cố nền kinh tế quốc gia và đồng thời khiến cho nền kinh tế được dồi dào.
Tôi cần phải kết luận rằng tôi rất tin tưởng tự do, vào khả năng quân sự, vào sự phát triển tương lai về kinh tế và sự trưởng thành của dân tộc tự do Việt-Mên-Lào.
Tôi không những chỉ muốn thấy họ duy trì tự do của họ bên ngoài bức màn sắt để tự giải thoát nhưng bởi vì tôi tin rằng bất cứ những quốc gia nào để mất tự do vào tay cộng sản họ cũng làm nguy hại đến tự do của các dân tộc khác trên thế giới’’.
Tuy Thượng Nghị Sĩ Knowland vẫn tuyên bố rằng ông lấy tư cách riêng tới thăm Đông Dương và chuyến đi của ông qua vùng Đông Nam Á không có tính cách chính thức nhưng với địa vị lãnh tụ nhóm đa số Cộng Hòa tại Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ, lời nói và ý nghĩ của ông không phải là xuông và kém tính cách quyết định.
Ông Knowland đã phải nhận thấy rằng người lính Quốc Gia Việt Nam sẽ cũng thiện chiến và cũng không kém bất cứ người lính nào khác trên thế giới nếu họ được võ trang đầy đủ, được huấn luyện và chỉ huy một cách khéo léo.
Tiếp theo cuộc thăm viếng của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Knowland, đầu tháng 11.1953, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon cũng đặt chân tới Việt Nam.
Cuộc kinh lý của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ bao gồm những xứ: Hạ-uy-di, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan, Việt Nam, Cao Mên, Ai Lao, Đài Loan, Nam Cao Ly, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tích Lan, Ấn Độ, Bắc Phi, quần đảo Acores.
Theo Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, cuộc tuần du này sẽ tỏ cho quốc gia ở Á Châu rõ rằng nước Mỹ coi Á Châu cũng quan trọng như Âu Châu.
Khi ở Việt Nam, Phó Tổng Thống Nixon đã nhấn mạnh:
‘’Mọi sự xẩy ra ở Việt Nam đều có một ảnh hưởng lớn lao đến tương lai của cả Đông Nam Á. Nếu cộng sản thắng thế thì tự do sẽ tận số. Để chống sự đó, các bạn đã chiến đấu và chúng tôi đã tình nguyện và hãnh diện giúp các bạn.
Những người biết tương trợ nhau thì chắc chắn là sẽ thắng thế trong những nguồn đen tối nhất, chúng ta chắc chắn sẽ có đủ lực để thắng vì chính nghĩa của chúng ta hợp lẽ và công bằng. Chúng ta đứng về phía công lý của nghĩa độc lập, còn về phía bên kia, họ chỉ có sự nô lệ’’.
Cuộc viếng thăm của vị đại diện cường quốc dân chủ Hoa Kỳ đã là một sự kiện rất quan trọng, một bảo đảm chắc chắn về thái độ và sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Sự viếng thăm ấy là kết quả của những tiến triển xâu xa và rộng rãi của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo phòng thủ thế giới tự do chống độc tài cộng sản.
Trung tuần tháng 11.1953, một số nhân vật quan trọng nữa của Hoa Kỳ cũng ghé thăm Việt Nam.
– Tướng O’Daniel, Tổng Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, lưu lại Việt Nam một tuần lễ rồi rời Sài Gòn ngày 15 tháng 11.
– Ngày 17 tháng 11, Đô Đốc Felix B. Stump, Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, Phó Đô Đốc Phillips, Thượng Nghị Sĩ Alexander Smith, Đại Tá Hải Quân Frankel, Rivero, Trung Tá Hải Quân Gage, Lederer…
Những vị Tướng lĩnh Lục và Hải Quân Hoa Kỳ đi thăm các căn cứ quân sự, các phi trường, hải cảng ở Việt Nam tuy không ngoài khuôn khổ của những cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa các Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đồng Minh trong vùng Thái Bình Dương nhưng cũng đã chứng tỏ rằng sau Bản Tuyên Ngôn của Pháp ngày 3 tháng 7, sau ký kết đình chiến ở Cao Ly, Hoa Kỳ thật đã ra mặt thẳng thắn bênh vực bằng quân sự các quốc gia tự do miền Đông Nam Á. Số tiền viện trợ 385 triệu Mỹ kim mới chỉ là mào đầu cho một cuộc Liên Quân Mỹ-Pháp-Việt-Mên-Lào.
Lập trường của Hoa Kỳ trong cuộc viện trợ rất rõ rệt, như lời tuyên bố của Đặc Sứ Donald Heath ở Sài Gòn hồi đầu tháng 10.1953:
‘’…Tôi cho rằng điều sau đây cũng xác đáng khi nói về chính sách của chúng tôi đối với ba quốc gia tự do Việt-Mên-Lào và nỗ lực quân sự và tài chánh vô biên của ba nước cùng chung với Pháp để bảo tồn nền độc lập mới tranh thủ được và những viễn ảnh tương lai tự do phát triển của họ.
Võ khí và viện trợ kinh tế do Hoa Kỳ cung cấp phụ thêm vào phần gánh vác tài chính vô cùng quan trọng hơn của Pháp, đó là chưa nói tới những sự hy sinh của con dân nước Pháp, đó là chưa nói tới những hy sinh của con dân nước Pháp trên chiến trường.
Chúng tôi sẵn lòng cung cấp sự viện trợ đó để bảo vệ nền độc lập của ba quốc gia. Hoa Kỳ không đòi hỏi những đặc quyền để đền bù lại và cũng không ẩn ý gì khi cung cấp sự viện trợ đó. Mục tiêu của chúng tôi là ủng hộ các cố gắng chung của những lực lượng Liên Hiệp Pháp và những lực lượng Việt-Mên-Lào nếu bảo đảm cho họ các phương tiện cần thiết để chiến thắng kẻ thù chung là Việt Minh, không phải gì khác hơn là đạo quân xung phong của trục cộng sản Bắc Kinh-Mốt-cu.
Tôi tin chắc rằng kẻ thù cộng sản, chỉ tìm cách gây mầm chia rẽ và bất hòa giữa các quốc gia trong thế giới tự do, một lần nữa sẽ vấp phải một sự thống nhất cố gắng của ba Quốc Gia Liên Kết và nước Pháp.
Tôi hiểu rõ những nỗi lo ngại và khó khăn mà dân tộc Việt Nam mới thâu được chủ quyền phải đương đầu và phải chịu đựng một cách nhẫn nại. Dầu sao cũng có một niềm an ủi vô tận. Lịch sử dậy chúng ta rằng các dân tộc mạnh đứng trước một tai họa lớn lao càng được rèn luyện mạnh mẽ thêm bởi những nỗi đau của chính mình.
Trong ba năm trời lưu trú tại đây, tôi đã tìm hiểu được sẵn có của dân tộc Việt Nam và tôi tin chắc rằng, sau khi ra khỏi cuộc chiến tranh dai dẳng và đau thương này, nước Việt Nam chắc chắn sẽ là một quốc gia mạnh mẽ hơn và tự tin ở mình hơn…’’
Nhận rõ lập trường đứng đắn và mục tiêu không vụ lợi của Hoa Kỳ trong công cuộc viện trợ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, trong bức thư ngày 11.10.54 gửi Đặc Sứ Donald Heath, đã thay mặt chính phủ Việt Nam và nhân danh tất cả các chiến sĩ Quốc Gia Việt Nam, tỏ lòng hoan nghênh và cảm ơn nồng hậu chính phủ Hoa Kỳ.
Nếu dưới mắt những người Quốc Gia Việt Nam, viện trợ Mỹ là một hành động quý báu để giúp nước nhà dành lại tự do, dân chủ thì đối với Việt Minh, viện trợ của Hoa Kỳ lại là một hành động mà họ không tiếc lời nguyền rủa.
Trong một bản tài liệu giải thích cho các đảng viên cộng sản, Việt Minh đã kết án Mỹ Quốc như sau:
‘’…Ngay sau Đại Chiến Thứ Hai, nhất là từ lúc chúng (Hoa Kỳ) bị bật khỏi Trung Quốc và đã nắm trong tay nền kinh tế chiến tranh ở Nhật, đế quốc Mỹ càng chú ý đến Đông Nam Á nơi đông dân, giầu của (nguyên liệu và thóc lúa), nông nghiệp lạc hậu. Một mặt chúng dùng mọi cách để trực tiếp đầu cơ, bán hàng, khai thác nguyên liệu v.v…ở các nước Đông Nam Á, mặt khác, chúng thúc đẩy và ủng hộ bè lũ tài phiện Nhật, tay sai của chúng, mở rộng việc xâm lược kinh tế Đông Nam Á, dần dần đánh lui thế lực kinh tế của Anh, Pháp, Hà Lan ở các nước đó. Ngoài ra trong con mắt Đế Quốc Mỹ Đông Nam Á còn là một nguồn nhân lực vô tận, cần thiết cho việc gây chiến tranh xâm lược Châu Á và Thái Bình Dương.
Để thực hiện đã tâm gây chiến tranh đó. Đế quốc Mỹ mưu mô gì ở Đông Nam Á?
Chúng cấu kết và giúp đỡ đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh giải phóng đang hừng hực khắp Đông Nam Á. Chúng xây dựng nhiều căn sứ quân sự, đồng thời tìm cách dần dần chen lấn bọn Anh, Pháp, Hà Lan để giành quyền bá chủ ở Đông Nam Á về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và lôi kéo các nước Đông Nam Á vào cuộc chiến tranh thế giới mới.
Đế quốc Mỹ đã cùng bè lũ bù nhìn Quyrinô thẳng tay đán áp phong trào giải phóng Phi Luật Tân. Chúng ‘’viện trợ’’ vũ khí và tiền của cho thực dân Anh, Pháp để kéo dài chiến tranh xâm lược ở Việt-Mên-Lào, đẩy mạnh việc khủng bố phong trào Mã Lai. Chúng tìm đủ cách mua chuộc bọn phản động Ấn Độ, Nam Dương, Xiêm, Diến v.v…Hội Nghị Tân Gia Ba tháng 5. 1951, Hội Nghị Hoa Thịnh Đốn đầu năm nay (1952) những cuộc gặp gỡ gần đây giữa bọn Tướng Tá Mỹ, Anh, Pháp ở Đông Nam Á hoặc giữa Mỹ với bè lũ tay sai của chúng ở Hawaii chứng tỏ bọn chúng ngày càng đi sâu vào mưu mô cấu kết với nhau để chống lại nhân dân các nước Đông Nam Á.
Nêu cao chiêu bài ‘’chống cộng’’, mượn cớ ‘’phòng thủ chung’’ nhưng thực tế cốt để chuẩn bị xâm lược Trung Quốc, phá hoại hòa bình Châu Á và Thái Bình Dương. Đế quốc Mỹ đã bắt bù nhìn Phi Luật Tân nhường cho chúng 21 căn cứ quân sự, đã xây dựng nhiều căn cứ và đắp đường giao thông quân sự dọc biên giới: Xiêm-Trung Quốc, Xiên-Diến, Xiên-Miên, Xiêm-Lào, sửa sang sân bay Băng Cốc ở Xiêm thành sân bay lớn nhất Đông Nam Á, mở rộng sân bay Răng Gun ở Diến Điện, lập thêm sân bay ở Nam Dương, gấp rút huấn luyện và trang bị vũ khí tối tân cho 18 Tiểu Đoàn Xiêm, tiếp tế vũ khí đạn dược cho tàn quân Quốc Dân Đảng quấy rối biên giới Diến Điện-Trung Quốc và đặt nhiều cơ quan gián điệp ở Phi Luật Tân, Việt Nam, Diến Điện, Ấn Độ v.v…
Chúng trân tráo tự xưng là ‘’bạn tốt’’ (!) của nhân dân Đông Nam Á, nỏ mồm ‘’công kích’’ chế độ thực dân mà Anh, Pháp cố duy trì ở Việt-Mên-Lào và Mã Lai, gióng trống khua chiêng quảng cáo ầm ỹ cho lý tưởng ‘’tự do’’ của Mỹ và điểm 4 của chương trình Tờ-ru-man vênh mặt ‘’bênh vực’’ cho cái mà chúng gọi là ‘’chủ nghĩa dân tộc Châu Á’’. Chúng làm ra vẻ quan tâm đến đời sống của nhân dân Đông Nam Á, tuyên bố sẵn sàng ‘’viện trợ’’ nhân dân Đông Nam Á về nông cụ, thuốc men v.v…Nhưng nhân dân Đông Nam Á thừa hiểu đó chỉ là những trò bịp. Sự thật thì đế quốc Mỹ đang cố kìm hãm nhân dân Đông Nam Á trong tình trạng lạc hậu để tha hồ bán hàng, đầu tư, bóc lột, vơ vét nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chiến tranh ở Mỹ và Nhật. Đồng thời chúng mưu dùng nhân dân Đông Nam Á làm bia đỡ đạn cho chúng. Chúng tuyên truyền văn hóa nô dịch, tâng bốc đời sống đồi trụy và dâm ô để đầu độc tinh thần nam nữ thanh niên.
Bọn đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan cũng biết đế quốc Mỹ đang tìm cách và cũng đã bắt đầu hất cẳng mình để đoạt quyền bá chủ ở Đông Nam Á. Nhưng vì cổ đã mắc vào tròng Mỹ và hoảng sợ trước phong trào đấu tranh ngày càng lên mạnh của nhân dân Đông Nam Á nên chúng phải bám lấy đế quốc Mỹ để cố duy trì phần nào địa vị của chúng ở Đông Nam Á. Chúng phải bấm bụng nhận những điều kiện thắt cổ của Mỹ về việc ‘’viện trợ’’. Ở Việt Nam, Pháp phải để cho Mỹ khai thác những khoáng sản quý như Thiếc, Than, Đá phốt phát v.v…ở Nam Dương, công ty độc quyền Mỹ chiếm của Anh và Hà Lan hơn 100 giếng dầu và hàng chục nhà máy lọc dầu. Hơn một triệu mẫu cao su ở Nam Dương và Tân Chi Nê lọt vào tay Mỹ, Hà Lan phải bấm bụng bán rẻ lại cho chúng nhiều khu mỏ chì, thiếc và rất nhiều vườn canh-ki-na và cà phê. Mỹ đoạt quyền lợi của Anh ở Xiêm về các ngành mậu dịch, xuất cảng và nắm lấy độc quyền khai thác cao su và thiếc. Chúng khống chế thị trường cao su và thiếc ở Mã Lai và lấy dần vào quyền khai thác dầu hỏa và cao su của Anh ở Ấn Độ.
Những trở ngại lớn trên con đường xâm lược của Mỹ:
Trên con đường xâm lược Đông Nam Á cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, đế quốc Mỹ đang gặp nhiều trở ngại đó sẽ ngày càng lớn. Bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Anh-Pháp-Hà Lan v.v…về căn bản thì nhất trí với nhau để khủng bố và nô dịch nhân dân Đông Nam Á, nhưng những mâu thuẫn trong nội bộ chúng càng ngày càng gay go. Đế quốc Anh đang cố lôi kéo bọn phản động các nước Đông Nam Á vào khối ‘’thịnh vượng chung’’ của Anh, ra sức chống lại sự cạnh tranh của Mỹ-Nhật trên thị trường Đông Nam Á và gần đây, vận động Úc và Tân Tây Lan phản đối Mỹ về việc dự định cho Nhật chính thức tham dự khối xâm lược Thái Bình Dương. Thực dân Pháp thì tỏ ý bất mãn về chính sách ‘’viện trợ’’ nhỏ gọt của Mỹ, mặt khác lại muốn được quyền sử dụng ‘’viện trợ’’ Mỹ để nắm chắc bọn bù nhìn Việt-Mên-Lào, nhưng Mỹ vẫn duy trì chính sách đó, đồng thời lại chỉ ‘’viện trợ’’ cho Pháp một phần, còn một phần thì ‘’viện trợ’’ thẳng cho bọn bù nhìn…’’
Luận điệu hằn học của Việt Minh, sự thực chỉ nằm trong chương trình chung gây tâm lý ‘’chống Mỹ’’ của cộng sản quốc tế. Dù hành động của Mỹ tốt đẹp thế nào, dưới mắt nhìn thiên lệch của những người cộng sản cũng biến thành xấu xa, vụ lợi cả.
Nhưng thực tế đã chứng tỏ rằng viện trợ của Hoa Kỳ đã theo đúng chánh sách đúng đắn và tinh thần tương hỗ không vụ lợi, như lời nói của Đặc Sứ Denald Heath ngày 23.12.50 tại Sài Gòn trong ngày ký kết Hiệp Ước quân sự giữa Pháp và Việt-Mên-Lào:
‘’…Cuộc viện trợ của Hoa Kỳ không đòi hỏi một chút quyền hành nào về việc sử dụng các căn cứ quân sự hay việc kiểm soát tài nguyên hoặc kinh tế, không đòi hỏi một chút quyền lãnh đạo chỉ huy trên lãnh thổ hoặc trong chiến dịch và cũng không có cả một đòi hỏi đặc biệt nào…
Sự thật, dân tộc Hoa Kỳ, dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc ham chuộng tự do khác trên thế giới chỉ muốn hòa bình, hòa bình tự do và dân chủ.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa