Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 31: Tiến Sĩ Là Một Vấn Đề
C
ái gì quá nhiều thì đều dễ bị mất giá, kể cả bằng tiến sĩ. Đặc biệt, đây là thứ bằng cấp liên quan tới khá nhiều chuyện lình xình. Những chuyện lình xình này có tự ngày xửa, ngày xưa. Trong thời kỳ phần lớn các tiến sĩ được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đó là hiện tượng bằng “tiến sĩ hữu nghị”. Ngày nay, khi phần lớn các tiến sĩ được đào tạo ở trong nước, đó là hiện tượng bằng “tiến sĩ chạy”. Mặc dầu, không phải tiến sĩ nào cũng “hữu nghị” và tiến sĩ nào cũng “chạy”, phân biệt họ với nhau đúng là cả một vấn đề.
Mọi chuyện còn trở nên phức tạp hơn vì sự không tương thích của các bằng. Hiện nay, chúng ta đang có đến hàng chục ngàn tiến sĩ gồm cả hai loại: tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Tiến sĩ khoa học còn có người gọi là tiến sĩ ka hát (KH là viết tắt của từ “khoa học”). Còn loại tiến sĩ kia tất nhiên là tiến sĩ không ka hát. Hai chữ cái KH phải được thêm vào để phân biệt đẳng cấp của hai loại tiến sĩ: tiến sĩ KH là tiến sĩ “xịn” (học qua 3 năm phó tiến sĩ và 5 năm tiến sĩ), còn tiến sĩ không KH là phó tiến sĩ trước đây và các tiến sĩ đời mới (được đào tạo với thời gian tương đương như phó tiến sĩ).
“Con gà tức nhau tiếng gáy”, sự câu nệ nói trên là cần thiết để bảo đảm công bằng cho các tiến sĩ KH. Rất tiếc, khi dịch ra tiếng Anh đẳng cấp cao hơn của họ sẽ không phản ánh được.
Ở nhiều nước trên thế giới, tiến sĩ khoa học chỉ có nghĩa là tiến sĩ về khoa học tự nhiên (để phân biệt với tiến sĩ triết học là tiến sĩ về khoa học xã hội). Hai loại tiến sĩ này đều có đẳng cấp như nhau. Muốn cho người nước ngoài cảm nhận được sự khác biệt, chúng ta sẽ phải giải thích dài dòng rằng các tiến sĩ KH ở Việt Nam là loại tiến sĩ được đào tạo công phu hơn những 5 năm và khoa học ở đây thì không chỉ có nghĩa là khoa học tự nhiên, mà cả là khoa học xã hội. Giải thích về sự khác biệt này thì có thể, nhưng giải thích về tính hợp lý của mô hình đào tạo như vậy sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Thêm hai chữ KH cho các tiến sĩ “xịn” giải quyết được vấn đề phân biệt đẳng cấp lại làm phát sinh một vấn đề khác. Đó là làm cho các tiến sĩ không KH tâm tư. Đã có một tiến sĩ rất nổi tiếng chất vấn: Thế thì đội ngũ tiến sĩ chúng tôi là không khoa học à? Ông đã tỏ ra hoàn toàn có lý.
Trong lúc các tiến sĩ đang tìm cách phân biệt danh vị của mình, thì nhiều phát kiến hữu ích nhất của đất nước này lại thuộc về những người nông dân. Trường hợp của ông nông dân Trần Đình Hùng ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ cụ thể. Ông Hùng đã chế tạo thành công một loại máy hút bùn hết sức tiện lợi với giá thành chỉ vào khoảng 700 ngàn đồng/chiếc. Và từ năm 2002 đến nay, ông đã bán được
1000 chiếc. Vậy thì, bằng cấp là một chuyện, năng lực thực tế lại là một chuyện khác.