Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
34. Chết Như Thế Này Thì Thảm Quá
C
ông ty chúng tôi in sổ cái kế toán. Tôi làm việc ở đây đã ba mươi chín năm. Từ 1957. Chả có chỗ nào khác để mà đi. [cười]
Gần đây làm ăn không được tốt lắm. Ai cũng xài máy tính nên nhu cầu về sổ cái kế toán không nhiều nữa.
Bây giờ họ chỉ bấm nút một cái là tất cả thòi ra, in xong xuôi. Cứ việc xé rồi cho vào phong bì mà gửi qua bưu điện. Hết. Cho nên nhu cầu mẫu hóa đơn và giấy tờ giao hàng cũng chẳng còn. Từ giờ về sau chắc sẽ càng tệ hơn. Bây giờ công ty chúng tôi còn tám người thôi. Trước đây có những hai mươi lăm cơ.
Tôi thường ngủ dậy lúc 5 giờ và việc đầu tiên tôi làm là tưới cây thế. Trước khi tôi uống nước thì cây thế phải được uống cái đã. Ba ngày tưới một lần là đủ nhưng mùa hè thì ngày ngày. Tôi có tám chục chậu cho nên cũng không ít việc. Mất ít nhất nửa giờ. Sau đó tôi ăn sáng, mặc quần áo và rời nhà vào quãng 7 giờ. Tôi đi bộ đến ga Matsubara Danchi và bắt chuyến 7 giờ 17. Nhưng hôm ấy do hoàn cảnh tôi bắt một chuyến tàu khác.
Ngoài cây thế, sự thật là tôi còn mê câu cá nước ngọt. Sau khi đi câu tôi thường nghỉ một ngày. Ông cần có nhiều đồ nghề, ủng, cần câu, đủ kiểu lệ bộ khác. Mà tôi không thể không tự tay lau chùi vệ sinh cho từng món trong mấy thứ đồ nghề đó của tôi. Kiểu tôi là như thế mà. Nên tôi mới phải nghỉ ngày hôm sau chứ.
Thường thì tối thứ Bảy tôi và mấy ông bạn lái xe từ Kawaguchi tới tận Niigata. Chúng tôi không ngủ và trời vừa rạng sáng là chúng tôi bắt đầu câu, có khi câu từ rạng đông cho tới 1 giờ chiều. Chúng tôi bắt đầu ở hạ lưu, dần ngược lên, rồi lại xuôi dòng và quay về thị trấn. Khi đường cao tốc Kanetsu tắc thì không xe nào chạy nổi, nên phải đến chín mười giờ đêm tôi mới về được nhà. Tôi nghỉ việc thứ Hai tiếp sau. Vào ngày cuối tuần đó [18/19 tháng Ba], chúng tôi đến sông Daimon ở Nagano, ngay dưới hồ Shirakaba. Tôi về nhà lúc 8 giờ tối Chủ nhật.
Nhưng thứ Hai tiếp đó tôi lại có việc, đúng như tôi vẫn mong đợi, nên không nghỉ được. Tôi tạm dẹp chuyện lau chùi đống đồ nghề câu to tướng, gom vội chúng lại thành thử rời nhà muộn mất mười phút so với thường lệ. Tôi không ngủ quá giấc. Tôi không ngủ quá giấc bao giờ.
Tôi đổi tàu ở Takenozuka sang chuyến tàu đầu tiên buổi sáng của tuyến Hibiya. Tôi có thể đổi ở Kita-senju nhưng nó đông phát sợ. Bảy tám năm trước tôi từng bị vỡ kính ở đấy. Tôi bị đè bẹp khi tất cả bọn họ cứ thế mà nhồi lèn tiếp vào. Sau đó tôi thôi đi tuyến Kita-senju. Tôi có nhiều cơ hội kiếm được ghế ngồi trên chuyến tàu đầu tiên của tuyến Takenozuka hơn. Rồi tôi đọc sách về cây thế hay tạp chí.
Nhưng hôm ấy bị muộn nên tôi đã đi chuyến muộn hơn. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai bên tay phải, nhìn về phía mũi đoàn tàu, gần cửa giữa của toa thứ ba kể từ đầu tàu. Các nhân viên điều tra đã hỏi đi hỏi lại tôi điều này cho nên tôi nhớ thật rõ. Chừng nào còn sống thì tôi sẽ không quên. [cười]
Thực ra công việc tôi làm lúc ấy có liên quan đến bệnh AIDS. Chúng tôi in nhãn cho một công ty dược phẩm. Nhãn hai màu để dán vào sản phẩm và ngày 25 tháng Ba phải giao hàng. Chúng tôi phải bắt đầu in ngày 22, nên tôi phải đến làm và chuẩn bị khuôn in.
Trên đường – ngay trước Akihabara, phải thế không nhỉ? – tàu dừng lại. Có thông báo: “Đã xảy ra sự cố ở ga Tsukiji, chúng ta sẽ chờ ở đây một lát.” Nhưng chúng tôi không ở đấy quá lâu nên tôi không thấy lo ngại. Chuyện như thế này lúc nào mà chả có. Rồi chúng tôi lại dừng nữa ở giữa Akihabara và Kodemmacho và lại có thông báo. Cái gì đó về vụ nổ khí ga ở ga Tsukiji. Nó được nhắc lại hai lần. Các toa bắt đầu xôn xao.
Năm sáu phút sau, hình như thế, tàu chúng tôi từ từ nhích vào ga Kodemmacho. Rồi bỗng nhiên tôi nghe thấy một phụ nữ rú lên. Quang quác chói tai như tiếng vẹt – ít ra tôi nghĩ đó là một phụ nữ. Tiếng rú ở bên ngoài toa. “Giờ lại đến chuyện gì đây?” tôi nghĩ, nhưng sân ga quá đông, nên tôi không nhìn thấy gì từ trong toa cả.
Lại một thông báo nữa: “Chúng ta sẽ đỗ lại ở đây một lúc.” Đến lúc này, có lẽ một phần ba hành khách đã xuống. Nhưng tôi vẫn ngồi. Dựa vào kinh nghiệm trước đây, tốt hơn vẫn là ở lại: có khi tàu lại chạy. Cố đổi tàu mà bị kẹt thì ngu xuẩn lắm.
Vậy đấy, tôi chờ được ba, bốn phút thì lại có thông báo: “Đoàn tàu này ngừng phục vụ.” “Làm ăn thế đấy,” tôi nghĩ và đứng lên. Từ Kodemmacho đến Kayabacho còn hai ga nữa, đi bộ chắc mất ba bốn mươi phút. Nếu rảo chân, tôi có thể đến được sở khoảng 9 giờ hơn một chút. Tôi lấy một cái túi giấy để ở giá bên trên chỗ ngồi xuống và bước ra sân ga. Cách tôi một chút về phía đầu toa, gần một cái cột có một người nằm ngửa mặt lên, chân tay giãy giãy tựa như đang trút hơi thở cuối cùng.
Tôi đặt cái túi vào cạnh tường và giữ chân ông ta cho khỏi đá nhưng tôi không thể ghìm chặt được, ông ta co giật dữ quá. Mắt ông nhắm chặt. Tôi ở đó chừng sáu, bảy phút, chỉ giữ lấy ông, nhưng cuối cùng thì ông đã chết. tôi biết vậy. Ông là người chết thứ mười một. Tên ông là Tanaka, ông sống ở Urawa, 53 tuổi – cùng tuổi với tôi.
Tôi không phải loại người thấy hoạn nạn mà bỏ đi. Thấy có chuyện là tôi vào giúp một tay liền. Người ta hay bảo tôi, “Ông không nên đi tầm lấy rắc rối.” [cười] Nhưng tôi không nhìn khác đi được. Gần đó, một phụ nữ cũng đã khuỵu xuống và có chừng mười người đang ở quanh cô ta. Ông không thể thận trọng quá mức chỉ vì phải chạm đến một phụ nữ, mà với tư cách con người với con người, ông có thể giúp mà không ai thắc mắc gì. Dù sao thì họ cũng đã đứng ở quanh cô. Tôi đang phục xuống cho nên có thể nhìn thấy cô qua chân họ. Cô tên là Iwata, 32 tuổi. Hai ngày sau cô qua đời.
Tôi bắt đầu hét với mọi người đi dọc sân ga. “Có một người ốm ở đây, ai đi gọi hộ nhân viên nhà ga với!” Tôi nhìn xung quanh nhưng ở trên sân ga chẳng thấy bóng dáng nhân viên nhà ga nào cả.
Khá mau sau đó một người xuất hiện, nhưng lại đi thẳng đến chỗ người phụ nữ chứ không đến chỗ tôi. Cho nên tôi gọi to, “Đây, đằng này!” Nhưng ông ta nói, “Chỉ có mình tôi, mà tôi thì không thể làm cùng lúc ở hai nơi được.” Sau này tôi nghe nói nhân viên nhà ga ấy cuối cùng cũng lâm bệnh nghiêm trọng và suýt nữa thì mất mạng.
Tôi vẫn đang lúi húi cúi xuống, xoa chân người đàn ông thì chợt ngửi thấy cái mùi thum thủm giống như hành thối ấy. Trên tàu họ nói đến cái gì nổ hơi ga nên tôi biết nó chắc là ga và tôi cần ra khỏi đây mau. Vậy nên tôi đứng lên, vớ lấy cái túi giấy của mình (tôi lạ là vẫn cứ nhớ đến nó!) và chạy. Mỗi tích tắc đều quan trọng cho nên tôi còn không cả trình thẻ đi tàu: tôi cứ thế nhảy qua hàng rào soát vé, lao lên cầu thang, hét suốt dọc đường. “Hơi ga! Hơi ga! Chạy đi!”
Mọi người khác đang lê lết quá chậm chạp lên cầu thang, hoàn toàn không để ý tới. Nhiều người hơn nữa lại đang đi xuống cầu thang để lên tàu. Không đâu có nhân viên nhà ga để ngăn họ xuống. Khi tôi bắt đầu la hét, những người ở đầu trên cùng càu nhàu, “Vội cái gì?” “Kìa, đừng đẩy!” Có thể là họ sợ tôi sẽ làm náo loạn lên. Nhưng tôi cứ tiếp tục đẩy họ để chạy qua. Tôi chạy thẳng vào một phố hẹp nối hai phố lớn, lách qua những chiếc xe hơi đậu ở đấy. Tôi nghĩ trong đầu là đi đường chính sẽ nguy hiểm. Tôi thậm chí còn tính đến việc lên một chiếc xe đang đậu ở đó nhưng nó bị khóa. Dĩ nhiên là xe đã khóa. Nhưng tôi còn không nghĩ cả đến điều đó, tôi đã ở trong trạng thái đó đấy.
Vậy là tôi lại chạy, lần này đến một cao ốc. Tôi muốn tránh một vụ nổ ga. Tôi thấy lác đác vài phòng có đèn sáng, nhưng trời vẫn còn sớm, cho nên cửa khóa. Tôi đi qua phố, bất chợt tôi thấy mắt mình là lạ, tựa như đang xem pháo hoa hay gì đó. “Quái,” tôi nghĩ, rồi mười phút sau mắt tôi hoàn toàn tối sầm lại. Hôm ấy trời quang, thế mà giờ một tấm rèm từ đâu đang buông xuống và tôi không nhìn thấy được gì hết.
Tôi không thể nhìn, không thể chạy nhưng tôi biết mình phải qua đường. Tôi chạy gần như theo bản năng. Đó là một phố nhỏ, nó không thể ở xa, nhưng tôi vấp phải cái gì đó nên bị ngã. “Ôi! Mình đang sắp chết như thế này đây,” tôi nghĩ, “mình không muốn chết.”
Rồi tôi nghe thấy một người đàn ông nói, “Sao thế? Sao thế?” Tôi mang máng nhớ ông hỏi tôi làm ở công ty nào. Tôi nghĩ mình đã chìa cái bao đựng thẻ đi xe điện ngầm ra vì trong đó có thẻ ra vào công ty tôi, hình như thế. Rồi tất cả tối mù lại và tôi không nhớ gì nữa.
Năm sáu giờ sau tôi tỉnh lại trên giường bệnh viện.
Tôi đã suýt lìa đời như thế đó. Chỉ có ba việc đã cứu tôi: (1) tôi đã ngửi thấy mùi gì đó; (2) tôi đã chạy ra ngoài; (3) một người lạ mặt đã thấy tôi và đưa tôi vào bệnh viện từ lâu trước khi xe cứu thương đến. Nếu không nhờ ba việc đó thì cầm chắc là tôi chết rồi.
Giờ nghĩ lại, tôi tin chắc rằng ông Tanaka, người đã chết ấy, đã bảo tôi khi ngửi thấy mùi ga: “Chạy đi, tôi thì quá muộn rồi.”
Trong khi các hành khách khác đang đi ra khỏi ga rồi ngã lăn đùng hàng loạt thì tôi đã được điều trị ở bệnh viện. Với sarin, được thở dưỡng khí sớm hơn chỉ một giây thôi cũng đã khác biệt ghê gớm rồi. Tôi là người thứ ba nhiễm sarin nhập viện. Về sau tôi nghe nói khi tôi giúp người đàn ông trên sân ga, gói sarin chỉ cách tôi có mười mét.
Đến chiều mắt tôi cảm thấy dịu đi. Nhưng tôi vẫn chưa nhìn được. Tựa như trước mắt tôi chỉ toàn bong bóng xà phòng. Mọi cái chập chờn thành hai thành ba, quay cuồng. Gia đình tôi đến thăm, và tôi biết là có người nhưng họ không nói thì tôi không thể nhận ra ai cả.
Mệt kinh người. Tôi nôn, nhưng nôn khan, chỉ một tí dịch. Và cơ bắp tôi co giật. Cô y tá và con dâu tôi phải xoa bóp chân tôi mãi cho đến tối. Tôi chắc mình cũng cùng tình trạng như người đàn ông tôi giúp ở nhà ga, nhưng ông còn không nói được nữa, nên hẳn là ông đã đau không thể tưởng tượng nổi.
Thấy tôi như thế, gia đình hình như đã cam đành chấp nhận sự thật là tôi khó lòng qua khỏi. Nhưng đến ngày thứ ba thì tôi vượt qua được cơn nguy khốn nhất. Tuy ban đầu tình trạng tôi xấu nhưng các triệu chứng ở tôi lại sớm mất đi và tôi thoát khỏi nhanh lạ lùng. Có điều ngày thứ tư tôi sốt 39 độ C và không hạ trong hai ngày. Thận thì tệ hại. “Không đủ sức lọc thải,” họ bảo. Tôi ngạc nhiên khi nghe nói thế: Hàng năm công ty tôi vẫn cho kiểm tra sức khỏe và sức khỏe của tôi luôn tốt trăm phần trăm.
Tôi nằm viện mười ba ngày, truyền dịch suốt. Thay đổi các chất dịch cũ của cơ thể. Vấn đề lớn nhất là tiểu tiện – cứ năm phút tôi lại muốn ra nhà vệ sinh. Không có gì để mà tiểu, chỉ là vài giọt, nhưng tôi thấy khó mà ngủ nổi khi lúc nào cũng mót như thế.
Từ ngày thứ tư đến năm, tôi bắt đầu có ảo giác. Đều chỉ là một giấc mơ như nhau. Hễ tôi vừa thiếp đi là nó lại choảng tôi. Tôi ngủ trong một gian phòng màu trắng rồi một cái màn trắng đến chùm lên đầu tôi. Nó lùng nhà lùng nhùng vướng víu nên tôi cố túm lấy nó để xé toang ra nhưng không với tới. Không phải vì nó quá cao. Chỉ là tôi không với tay tới được. Đêm nào tôi cũng mê đi mê lại như thế.
Và trong khi mê tôi lại bị bóng đè, giống như một ai đó đang ra sức đè lên toàn thân tôi. Họ nói ác mộng là hậu quả của sarin. Đây không hẳn là “mê”. Cái sợ đã chốt lại trong não và các phản ứng này cứ thế mà diễn ra. Nhưng khi ông đang mê thì nó đáng sợ thật đấy: ông giật thót người, tỉnh dậy ba bốn lần một đêm và sức ông kiệt quệ đi vì thế.
Một hậu quả khác là thị lực tôi giảm đi nhiều. Ít có cơ may trở lại bình thường nên tôi không làm tốt được các việc mang tính chi tiết nữa. Tôi phải thẩm định các ma két in, và sẽ khó cho tôi nếu tôi không nhìn chính xác được các dòng chữ.
Tôi nghỉ làm một tuần. Bệnh viện nói tôi phải nghỉ ba tuần nhưng tôi nghỉ lâu như thế thì công ty sập mất. [cười] Tôi chịu trách nhiệm tất cả các ma két bản in, không ai khác làm thay được cả. Chúng tôi có thể bỏ bễ hai ba ngày nhưng không thể nhiều hơn. Cho nên đến ngày thứ tư thì dù vẫn đang nằm viện tôi đã bảo công ty mang việc vào viện cho mình và tôi chỉ dẫn người ta qua điện thoại. Tôi có thể bị ốm nhưng tôi đâu có bị mất năng lực! Nhưng ông biết đấy, tôi nghĩ chính điều đó lại làm cho tôi bình phục.
Sau đó tôi trở lại đi tàu điện ngầm, lên chính đoàn tàu ấy và ngồi vào chính cái ghế ấy. Tôi còn đi đến xem chỗ mình từng quỵ ngã. Lúc trước tôi ngỡ mình đã chạy xa lắm, nhưng thật ra tôi chỉ đi được khoảng năm chục mét là kịch.
Sau vụ đánh hơi độc, một dạo tôi cảm thấy muốn vứt hết mọi thứ đi. Nói chung tôi vẫn giỏi giữ gìn các thứ (tôi vẫn còn giữ cái hộp bút chì bằng nhựa từ hồi tiểu học). Nhưng giai đoạn ấy tôi lại muốn ném hết tất cả đi. Sau một năm, sự thôi thúc này biến mất, nhưng trước đó thì nó cứ như kiểu “Chả còn cái gì đáng giá nữa!” Tôi thậm chí còn thấy muốn cho đi hết các cây thế quý báu của mình.
Lúc chợt không trông thấy gì nữa, tôi đã nghĩ, “Chết như thế này thì thảm quá.” Tôi thậm chí còn gào to ở bệnh viện: “Tôi không muốn chết!” Sau này có người kể lại cho tôi thế. Họ nghe thấy tôi gào suốt từ chỗ tiếp tân đến dọc hết hành lang. Khiến thiên hạ nổi da gà. Hồi lên sáu thật ra tôi đã suýt bị chết đuối khi tắm sông và tôi nhớ mình đã nghĩ: “A, được cứu sống dạo ấy để rồi nay bị mù và chết đi như thế này đây…” Tôi không nghĩ đến gia đình. Chỉ là tôi không muốn chết. Không muốn chết ở đây, không chết như thế này.
Tôi không thù oán bọn Aum gây ác, bây giờ thì không. Lúc ấy thì tôi điên lên, phẫn nộ nhưng cơn giận đã biến mất tương đối nhanh. “Giết chúng đi, cho chúng án tử hình” – tôi đã trải qua tất cả chuyện đó. Nếu cứ mang mối thù oán ấy bên mình thì ông sẽ không thể vượt qua những hậu quả về sau, nhưng tôi nói được như thế có lẽ cũng bởi tôi không phải chịu những hậu quả thật sự đớn đau.