Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Chương 21: Đối Với Allaire: " Ngừng Bắn Lúc 17 Giờ 30"
V
à viên trung úy Allaire nhỏ nhắn, chiến binh cuối cùng của tôi. Chúng ta hãy nghe anh ấy kể về những phản ứng cuối cùng của anh ta vào thời điểm Điện Biên Phủ thất thủ:
“Ngày 7 tháng năm. 16 giờ 30. Các ngọn đồi ở hướng đông thất thủ. Đêm qua, những gì còn lại của tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 ở vị trí Eliane 10 đã biến mất dưới con sóng thần của Việt Minh. Tôi trở thành người sĩ quan còn lành lặn duy nhất của cái tiểu đoàn sáng chói ấy mà Bigeard, theo ý tôi đã chia tay quá sớm để đi chỉ huy chung các phân đội phản kích ở bên cạnh Langlais. Xung quanh tôi - ngoài những người thoát nạn của trung đội tôi - còn có mấy người sống sót của các đại đội. Từ bẩy trăm người, giờ đây chúng tôi còn lại chưa đầy bốn chục! Những người khác ư? Họ bị chết, bị bắt làm tù binh hoặc bị thương ở chỗ của bác sĩ Grauwin.
Những tiếng động ầm ĩ của trận đánh nhường chỗ cho một cảnh im ắng, thỉnh thoảng mới bị khuấy động bởi vài tiếng súng rời rạc. Tất cả các ngọn đồi ở hướng đông đều đã nằm trong tay quân Việt. Vĩnh biệt Bréchignac, Botella... Tôi đang ở vị trí Eliane 12, quay lưng ra dòng sông. Quân Việt không có vẻ nắm được tình hình. Họ dò dẫm từng bước trên cánh đồng nằm giữa sở chỉ huy của Castries và dãy đồi Eliane. Tôi không còn ai là “sếp” nữa. Đây là trận đánh của những người còn lại. Tôi cũng không còn đạn dược nữa, chỉ còn vừa đủ, những thứ để làm nổ căn hầm và phá huỷ các phương tiện của mình.
Tôi dò tìm Bruno trên kênh sóng thông tin của binh đoàn “Gono”. Anh ấy không còn là chỉ huy trưỏng tiểu đoàn 6 nữa. Nhưng vẫn là thủ trưởng của tôi, người thủ trưởng duy nhất mà tôi gặp được trong mười năm phục vụ và trong ba nhiệm kỳ ở Đông Dương. Allaire tìm Bruno: - Anh nhận được sóng của tôi chứ? - Allaire, Bruno đây. Cậu lúc này ra sao? - Bruno, tôi quay lưng ra con sông, lội xuống nước và rút về chứ? - Không, đừng nhắc đến chuyện đó – Thế nào? - Đừng nhắc đến chuyện đó. Hỏng rồi - Nghe rõ, Bruno. Qua việc bảo anh ấy đường lội xuống sông, tôi đã nghĩ, tôi vượt qua con sông với những gì có trong tay để chọc thủng theo hướng đi sang Lào. Nhưng bộ chỉ huy hình như đã thay đổi ý kiến.
Lần này, điều không thể có đã xảy ra. Kể từ năm 1945, tôi đã nghĩ ra nhiều cách để ra khỏi quân đội. Vết thương, vết thương tốt lành cùng với những vinh dự và sự coi trọng, vết thương xấu với chiếc xe lăn hoặc chiếc gậy chống màu trắng, vết thương cuối cùng.
Tôi rất khó chấp nhận chuyện bất ngờ này. Tôi cảm thấy là không có điều gì có thể bào chữa cho một vụ đầu hàng. Cần phải có một mệnh lệnh bằng văn bản. Một sĩ quan Nhật Bản hẳn sẽ tự đâm lưỡi kiếm vào bụng. Một sĩ quan trong tiểu thuyết hẳn sẽ tự bắn một phát đạn vào đầu hoặc là bất chấp các mệnh lệnh, hẳn sẽ mở một trận phá vây cuối cùng. Tôi chỉ là một sĩ quan nhỏ bé của ngạch dự bị, không có nghĩa lý gì trong nỗi khổ cực này, phải, tôi cần phải có một mệnh lệnh bằng văn bản.
Hiển nhiên, cái thái độ này cũng không có gì là cao thượng. Đã năm mươi hai ngày người ta đánh nhau trong khu lòng chảo này. Nhưng mà chúng tôi có bao nhiêu người để chiến đấu? Và ai cùng chia sẻ với chúng tôi trận đánh? Ai hiểu được nó, đánh giá là nó đúng và cần thiết? Chúng tôi, những con người lạc lõng của Điện Biên Phủ. Bruno đã nói là hỏng hết rồi. Anh ấy vốn thành thạo. Không còn việc gì để làm nữa. Một chàng trai tình nguyện đi tìm kiếm cái mệnh lệnh cần có. Anh ta nhẩy xuống, bơi qua sông dưới làn đạn của một khẩu súng tự động nhằm vào anh ta nhả cả băng đạn.
17 giờ anh ta quay về cùng với mệnh lệnh - Một tờ giấy bình thường. Mấy dòng chữ của Bruno, viết bằng bút bi với kiểu chữ xoắn ốc: “Lệnh cho Allaire: Ngừng bắn lúc 17 giờ 30. Không bắn nữa. Không có cờ trắng. Tiểu đoàn 6 khốn khổ! Quân dù khốn khổ! Hẹn gặp lại. Bruno”. (Mệnh lệnh này, Allaire đã tìm cách giữ lại được trong suốt một thời kỳ bị bắt làm tù binh và trao lại cho tôi mười lăm năm sau ở Dakar).
“Vở kịch đã diễn xong. Tôi đọc bản mệnh lệnh của Bruno cho các chàng trai của tôi nghe. Họ kinh hoàng. Họ không thể nào tin được rằng một quãng ngày tràn đầy những chiến thắng, những trận đánh tuyệt đẹp, những đòn ra tay vẻ vang lại sắp kết thúc trong vòng ba mươi phút nữa, ba mươi phút nhỏ nhoi, giống như năm 19401. Thế là hết cái tổ hợp cao cấp những chàng trai của Bigeard. Đảo lộn, thật sự đảo lộn. Cái đơn vị mà người ta tưởng là để dành cho những cú hích lớn, đổ mồ hôi và đổ máu chẳng khác gì những miếng bọt biển. Cũng như mọi người, tiểu đoàn 6 quỳ gối. Và chính chúng tôi là những người có được cái đặc quyền đáng buồn là vác về lá cờ của cái tiểu đoàn ưu tú ấy
“Những người Việt Nam, nguyên là lính muốn đi với chúng tôi. Ra khỏi nơi đây. Còn hơn là để bị bắt làm tù binh. Họ là những người Việt Nam vùng đồng bằng chứ không phải là người Thái. Họ chẳng thông thạo địa hình vùng này cũng chẳng biết tiếng nói ở đây. Đi đâu ở nước Lào? Xuống vùng đồng bằng chăng? Xung quanh chúng tôi, có ai vì ai chăng? Những người Thái và người Mèo đã rời bỏ chúng tôi. Người ta không thể quở trách họ, quân Việt là những người mạnh nhất. Không, thoát khỏi cái tình thế rối rắm này là không thể được. Chúng tôi đã mệt nhoài, bụng rỗng. Từ mười lăm ngày nay, người ta hầu như không ăn, hầu như không ngủ. Một đòn chọc thủng vòng vây được coi là không có khả năng trong trạng thái mệt mỏi hết mức của những người còn sống sót quyết tâm chiến đấu, tôi thấy mình không đủ tầm cỡ để theo đuổi cuộc phiêu lưu.
Những người Việt Nam tốt bụng này tỏ vẻ kinh hoàng, chẳng bao lâu nữa họ sẽ bị các cơ quan an ninh của quân Việt xác định như những tên phản quốc và họ biết rằng kể từ thời điểm đó, mạng sống của họ chẳng có nghĩa lý gì. Ấy thế mà họ đang ở đây, đó là do lỗi của tôi, phải, do lỗi của tôi. Tháng giêng họ đã kết thúc bản hợp đồng của họ, muốn hạ khẩu súng để quay về cuộc sống bình thường của người dân quê. Tôi đã thuyết phục được họ tái đăng thêm sáu tháng để kết thúc nhiệm kỳ cùngvới tiểu đoàn. Vì tôi, để ở lại với tôi, họ đã tái đăng thêm sáu tháng. Tháng hai, chúng tôi đã cùng nhau ăn cái tết đón năm mới. Họ nói: “Ông trung úy, ông thấy đấy, đây là cái tết cuối cùng. Tháng bảy tới, chúng tôi là về nhà, và ông là gặp lại bà đầm và con cái”. Đây là lỗi hổ thẹn đầu tiên của tôi, nỗi hổ thẹn cuối cùng tôi gặp phải ở Algérie với những người Harkis2 và những người Ảrập khác bị chúng ta lôi cuốn.
17 giờ 25. Khu lòng chảo mỗi lúc một thêm tĩnh lặng. Một vài tiếng nổ, việc phá hủy các vũ khí nặng phá tan cảnh im ắng. Allaire gọi Bruno: - Bruno nghe đây, họ tới nhưng không bắn. Tạm biệt Bruno. Tôi cho nổ đài thông tin. Vĩnh biệt, hẹn sớm gặp nhau. Quân Việt đã tới bờ sông. Họ đi dọc theo các chiến hào, nơi chúng tôi đang ẩn nấp. - Đi về! Ai! Mao lên! Mao lên! Những binh sĩ, những đứa trẻ, mười bẩy hay mười tám tuổi? Chúng tôi bước ra khỏi các chiến hào và đi về hướng bắc. - Đi về! Đi về! Im lặng.
7 tháng năm. 18 giò. Chúng tôi đã rời khỏi trận địa chiến hào. Những đoàn người cùng hướng về cứ điểm Béatrice và tiến ra con đường thuộc địa số 41. Một cái nhìn lại sau lưng, cánh đồng đen đặc những người thoát chết! Chúng tôi có bao nhiêu người đây? Chắc chắn là nhiều nghìn người. Mới ngày hôm qua, người ta còn đi tìm những trung đội phản kích, đếm được trên đầu ngón tay. Tất cả khối người này... những chiến binh ư? Chắc chắn là một vài người, số còn lại... những quân số để tính khẩu phần ăn. Những cái tầu há mồm phải nuôi sống và không phải là ít đâu!
Dòng người chiến bại kéo dài trên con đường thuộc địa số 41, hướng lên phía bắc, được áp tải bởi những bộ đội vui sướng đến say sưa. Họ có quyền được vui sướng và thậm chí được tự hào, họ đã chiến đấu tốt. Họ là những người chiến thắng”
Chú thích
1. 1940: Ý nói đến năm mà nước Pháp đầu hàng quân phát xít Đức - N.D
2. Harki: người Algérie tham gia quân đội Pháp thời chiến tranh ở Algérie - N.D