Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Bản Tiếng Anh : Arch Of Triumph 'arc De Triomphe' (1945)
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3045 / 116
Cập nhật: 2017-04-13 11:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33
huông điện thoại réo lên. Chưa tỉnh giấc hẳn, Ravic nhấc ống nghe.
- Ravic. - Có tiếng nói.
- Vâng.
Đó là Jeanne.
- Anh đến cho.
Jeanne nói khẽ, giọng ngắc ngứ.
- Anh đến ngay, Ravic nhé...
- Không.
- Cần lắm...
- Không. Cô để cho tôi yên. Tôi có khách. Tôi không đến đâu.
- Anh phải giúp em.
- Tôi không thể giúp cô được.
- Có chuyện vừa xảy ra. - Giọng nói tắc nghẽn lại.
- Phải... ngay bây giờ.
- Jeanne - Ravic sốt ruột nói - Thời kỳ đóng kịch đã qua rồi. Cô đã diễn cái vở này một lần với tôi, và tôi đã mắc lừa cô. Lần này tôi không mắc lừa nữa. Cô kiếm nơi khác.
Anh đặt máy xuống, không thèm nghe câu trả lời, và cố ngủ lại. Nhưng không được. Chuông điện thoại lại vang lên. Anh vẫn không nhúc nhích. Tiếng chuông vẫn dóng dả không ngừng trong bóng tối và trong im lặng.
Ravic đợi. Tiếng chuông đã im bặt. Anh dậy lấy điếu thuốc lá. Vị điếu thuốc khó chịu quá. Anh tắt nó đi. Chai calvados uống dở vẫn để trên bàn. Anh cầm lên uống một ngụm rồi lại đặt chai xuống. Phải có chút cà-phê - Anh nghĩ bụng. Cà-phê thật nóng. Một ít bơ, mấy cái bánh sừng bò nóng. Anh biết một quán rượu không lúc nào đóng cửa.
Anh xem đồng hồ. Anh mới ngủ được có hai tiếng đồng hồ, nhưng cái mệt cũng đã biến đi từ bao giờ. Bây giờ chẳng hơi đâu lại chìm vào giấc ngủ, để sau đó mụ mằn đi khi thức giấc. Anh vào buồng tắm mở vòi gương sen.
Anh chợt nghe có tiếng động. Lại chuông điện thoại nữa sao? Anh khóa nước lại. Không, có ai đang gõ cửa. Anh mặc áo choàng vào. Tiếng gõ cửa mỗi lúc một mạnh lên. Chắc chắn không phải Jeanne. Anh không chốt cửa, nếu là Jeanne thì đã vào rồi. Anh đợi thêm chút nữa. Hay là cảnh sát?
Anh mở cửa. Một người đàn ông lạ mặt đang đứng đây. Hắn mặc smoking, và dáng dấp hắn anh mường tượng như đã từng trông thấy ở một nơi nào.
- Bác sĩ Ravic phải không ạ?
- Ông muốn gì? - Ravic không trả lời câu hỏi của hắn.
- Ông có phải là bác sĩ Ravic không?
- Ông đến đây làm gì?
- Nếu ông là bác sĩ Ravic, ông cần đến ngay nhà Jeanne Madou.
- Thật không?
- Cô ấy vừa bị một tai nạn...
- Tai nạn gì thê? - Ravic hỏi với một nụ cười ngờ vực.
- Khẩu súng... bị cướp cò.. súng nổ.
- Cô ấy có bị thương không? - Ravic hỏi, giọng mỉa mai.
Chắc cô ta lại diễn tuồng tự sát. - Anh nghĩ thầm: cốt dọa cho cái thằng ngốc này một mẻ hết hồn chứ gì.
- Cô ấy sắp chết rồi! - Người kia nói, giọng nghẹn ngào - Ông phải đến! Cô ấy chết mất! Tôi đã giết cô ấy!
- Hả?
- Vâng, tôi đã...
Ravic đã cởi áo choàng, và đang nhanh nhẹn mặc áo quần.
- Ở dưới nhà có taxi không?
- Có xe của tôi...
Ravic vớ lấy áo vét-tông, bộ đồ cấp cứu, nhặt lấy đôi giày và lao ra ngoài.
- Lên xe tôi sẽ mặc tiếp. Nhanh lên...
Chiếc xe lao vào đêm tối dày đặc. Thành phố tối om. Dường như không có đường sá gì nữa... Chỉ là một khoảng không gian mờ mịt lấm tấm những điểm xanh xanh của mấy ngọn đèn gắn trên súng cao xạ.
Trên xe, Ravic đã mặc nốt quần áo và đi giày vào. Mắt anh cố xói vào đêm tối. Không thể hỏi gì người đàn ông đang lái xe. Bao nhiêu sức chú ý của hắn dồn hết vào con đường phải đi và những chướng ngại phải tránh. Hắn không thể nói được, hắn chỉ có thể lái xe tránh những tai nạn có thể đến bất ngờ, và cố đừng lạc đường trong đêm tối. Mất đứt mười lăm phút rồi - Ravic nghĩ. Mười lăm phút là ít.
- Nhanh nữa lên. - Anh nói.
- Tôi không thể... Tôi không có quyền bật đèn pha.
- Cứ bật lên.
Người kia làm theo, ở các ngã tư, mấy viên cảnh sát cố chặn họ lại. Một chiếc Renault bị ánh đèn làm lóa mắt suýt đâm vào họ.
- Cứ đi tiếp. Nhanh nữa!
Trước mặt ngôi nhà, xe dừng phắt lại. Buồng thang máy con ở tầng dưới, cửa buồng đang hé mở. Ở một tầng trên nào đó, có ai đang bấm chuông dữ dội. Trong khi vội vàng, chắc người kia đã quên đóng cửa buồng thang máy. Cũng may - Ravic nghĩ. Tranh thủ được mấy phút.
Buồng thang máy lên rất chậm. Nó dừng lại ở lầu bốn. Một người nào đó từ bên ngoài mở cửa ra.
- Có cái lối gì lại giữ thang máy lâu như vậy?
Đó là người đã bấm chuông dữ dội. Ravic ẩy mạnh hắn ra và đóng cửa lại.
- Ông đi đi! Chúng tôi phải lên đã!
Cái buồng thang máy lại từ từ đi lên, rồi dừng lại Ravic mở cửa ngay.
Jeanne nằm trên giường. Cô mặc một chiếc áo dài kín cổ bằng hàng ngân tuyến vấy máu loang lổ. Trên sàn, mấy vết máu đánh dấu chỗ cô đã ngã xuống.
- Em cứ bình tĩnh! - Ravic nói - Em cứ yên tâm! Không sao đâu. Hầu như chẳng có gì đáng lo hết.
Anh cắt phần trên chiếc áo dài và kéo xuống từ từ. Ngực cô còn nguyên vẹn. Vết thương ở trên cổ. Thanh quản không bị tổn thương: nếu có gì thì cô đã không gọi điện được. Động mạch họng cũng không suy suyển.
- Có đau không?
- Có.
- Đau lắm à?
- Vâng...
- Sẽ chóng qua thôi...
Ống tiêm đã chuẩn bị sẵn. Anh bắt gặp cái nhìn của Jeanne.
- Không có gì đâu. Chỉ để giảm đau thôi. Em sẽ không đau nữa đâu.
Anh tiêm mũi thuốc giảm đau rồi rút kim ra.
- Xong.
Anh quay sang người kia.
- Ông gọi Passy 27-41. Xin một xe cấp cứu và hai người khiêng cáng. Ngay lập tức!
- Có việc gì không anh? - Jeanne hỏi.
- Passy 27-41 - Ravic nhắc lại - Gọi ngay đi, đừng để mất thì giờ! Gọi đi!
- Có việc gì thế anh?
- Không có gì nghiêm trọng. Nhưng ở đây không khám được. Phải đưa em đến bệnh viện.
Jeanne nhìn anh. Mặt cô nhem nhuốc vì những thứ thuốc hóa trang bị chảy. Một bên mặt thì dính son môi trông như mặt anh hề, bên kia thuốc đánh mắt chảy xuống mi dưới làm cho cô giống như một cô gái điếm loại rẻ tiền. Chỉ có mái tóc óng ả vẫn giữ nguyên vẻ đẹp.
- Em sợ mổ lắm. - Cô thì thầm.
- Để xem sao. Có lẽ sẽ không cần.
- Có phải... - Cô im bặt giữa chừng.
- Không đâu - Ravic nói - Không có gì nặng lắm. Nhưng ở đây anh không có đủ các dụng cụ anh cần.
- Dụng cụ ư?...
- Để khám cho chính xác. Em sẽ không thấy đau chút nào đâu.
Mũi tiêm đã có hiệu quả. Trong khi Ravic cúi mình trên vết thương, đôi mắt Jeanne đã không còn đờ đẫn như trước nữa.
Người kia trở vào.
- Xe cấp cứu đã lên đường đến đây.
- Ông xin ngay Auteuil 13-57. Đó là một bệnh viện. Tôi sẽ ra máy.
Người kia lại lui ra.
- Anh giúp em nhé. - Jeanne thều thào.
- Dĩ nhiên.
- Em không chịu đau được.
- Em đừng sợ.
- Em không thể... Em không biết chịu đau. - Lưỡi cô líu lại - Em không chịu đau được...
Ravic xem xét chỗ viên đạn vào. Không có một mạch máu chính nào bị phạm. Viên đạn chưa ra khỏi cổ. Anh không nói gì. Anh đặt một miếng bông gạc. Anh không nói cho Jeanne biết điều anh lo ngại.
- Ai vực em lên giường? - Anh hỏi - Em có...
- Anh ta...
- Em có... lúc ấy em có đi được không?
Một thoáng lo âu hiện lên trong đôi mắt lờ đờ đang sinh động trở lại.
- Có làm sao không? Có phải... Không... Em không nhích chân được... Bàn chân em... cổ chân... Ravic... Có làm sao không?
- Không, không có sao đâu. Vậy là đúng như anh nghĩ. Sẽ ổn hết.
Người kia trở vào.
- Bệnh viện...
Ravic vội vàng đứng dậy, ra máy.
- Ai đấy? Eugénie a? Cần một phòng - Vâng... Và chị gọi hộ Veber đến.
Anh đưa mắt về phía buồng ngủ. Rồi nói khẽ:
- Mọi thứ cho sẵn sàng. Phải bắt đầu ngay không để mất một giây nào. Tôi đã gọi xe cấp cứu. Một tai nạn... Vâng... vâng... Được... Đúng đấy... Vâng, mười phút nữa.
Anh đặt máy xuống, ngồi yên một lát. Cái bàn, trên có chai rượu bạc hà... Thật là tởm!... Mấy cái ly, mấy bao thuốc thơm... Kinh khủng!... Một khẩu súng lục trên thảm, mấy vết máu... Đủ lệ bộ để trang trí cho một cuốn phim tồi! Nhưng đó là sự thật... Bây giờ anh đã biết người đến tìm anh là ai. Bộ com-lê độn vai, mái tóc bôi sáp bóng nhẫy. Mùi nước rửa mặt mà anh đã ngửi thấy trên xe và đã làm cho anh buồn nôn, bàn tay đeo đầy nhẫn... Đúng là cái anh chàng kép hát mà những lời hăm dọa đã làm cho anh chết cười. Nhắm đúng thật. - Anh nghĩ.
Hoặc là chẳng nhắm gì hết. Người ta chỉ có thể bắn chính xác đến như vậy khi người ta không có ý định bắn trúng. Anh trở vào buồng. Người kia đang quỳ ở cạnh giường. Dĩ nhiên là phải chọn tư thế quỳ, vừa nói vừa rên rỉ, nhấn giọng từng âm tiết.
- Ông đứng dậy đi. - Ravic nói.
Người kia tuân lệnh ngay. Hắn lơ đãng phủi bụi trên ông quần. Ravic nhìn mặt hắn.
- Nước mắt! Ông cũng khóc nữa kia à?
- Tôi không định bắn! Tôi xin thề là tôi không định hại cô ấy! Đây là một tai nạn. Một tai nạn bất hạnh!
Ravic thấy dạ dày mình co lại. Tại nạn! Chút nữa, chắc anh ta sẽ cao giọng ngâm thơ nữa chắc?
- Tôi biết rồi. Bây giờ ông xuống dưới kia chờ xe cấp cứu đi.
Người đàn ông muốn nói thêm cái gì nữa.
- Ông đi đi. Và nhớ giữ lấy buồng thang máy. Chưa biết sẽ làm thế nào đưa được cáng lên đây.
- Anh giúp em nhé. - Jeanne nói, giọng như đang mê sảng.
- Ừ. - Anh trả lời, lòng không còn chút hy vọng.
- Anh ở đây rồi. Em bao giờ cũng yên lòng khi có anh ở bên cạnh.
Khuôn mặt nhem nhuốc mỉm cười. Thằng hề mỉm cười. Con điếm mỉm cười. Một cách khó khăn.
- Em ơi, anh không định...
Người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa.
- Ông đi ra đi - Ravic nói - Kìa ông ra ngay cho, mẹ kiếp!
Jeanne nằm yên một lát, rồi mở mắt ra.
- Anh ta ngu lắm. - Cô nói một cách rành rọt lạ lùng - Dĩ nhiên là anh ta không định bắn thật... tội nghiệp anh chàng... anh ta chỉ muốn gây ấn tượng.
Một sắc thái kỳ dị, gần như tinh nghịch, thoáng hiện trong đôi mắt cô.
- Em cũng không tin... Em đã trêu anh ta... Em đã dồn anh ta đến thế cùng...
- Em đừng nói.
- Em đã trêu...
Mắt cô nhắm lim dim.
- Anh thấy chưa, em là thế đấy, Ravic ạ... đời em nó thế đấy... anh ta không định... anh ta...
Mắt cô nhắm hẳn lại. Nụ cười biến mất. Ravic tiếp tục dỏng tai về phía cửa.
- Không thể nào đưa cáng vào buồng thang máy được. Chật quá. Phải đặt gần như dựng đứng mới vừa.
- Có cách gì đưa xuống cầu thang không?
Người y sinh của bệnh viện ra xem thử rồi trở vào.
- Có lẽ được. Nếu giơ lên thật cao. Nhưng phải buộc người bị thương vào cáng thì hơn.
Jeanne nửa ngủ nửa thức. Cô thỉnh thoảng lại cất tiếng rên. Mấy người y sinh đi ra.
- Ông có chìa khóa không? - Ravic hỏi người đàn ông kia.
- Tôi... không có... để làm gì ạ?
- Để khóa cửa lại.
- Hình như ở đâu trong phòng có một chiếc.
- Ông tìm cho ra đi, rồi khóa phòng lại.
Mấy người cứu thương đã xuống đến lầu dưới.
- Ông cầm khẩu súng theo. Ra khỏi nhà thì vứt đi.
- Tôi... tôi sẽ đi đầu thú với cảnh sát. Cô ấy bị thương có nặng không?
- Nặng.
Người kia toát mồ hôi. Mồ hôi từ các lỗ chân lông đổ ra nhiều đến nỗi có thể tưởng lớp da của hắn bao bọc một khối toàn mồ hôi, chứ không còn một chất gì khác nữa. Hắn quay trở về căn hộ.
Ravic đi theo mấy người cứu thương khiêng cáng. Đèn trong các hành lang cứ ba phút lại tự động tắt đi. Ở mỗi tầng đều có nút để bấm cho đèn sáng trở lại. Ở mỗi tầng, phần đầu của cầu thang đi khá dễ dàng, nhưng đến chỗ quẹo thì rất vất vả. Phải nâng cắng cao quá đầu, đưa nó qua lan can. Bóng mấy người khiêng cáng nhảy múa trên tường. Ravic tự hỏi không biết mình đã trông thấy cái cảnh này ở đâu. Những kỷ niệm cha anh hiện rõ nét dần dần, và cuối cùng anh đã nhớ ra. Đó là hôm đưa xác ông Raszinsky xuống, hồi anh mới gặp Jeanne.
Trong khi những người khiêng cáng bảo nhau những động tác phải làm để phối hợp cho ăn ý trong khi xuống cầu thang, và trong khi cái cáng va vào tường ở những chỗ cầu thang đổi chiều, những cánh cửa phòng lần lượt hé mở. Những gương mặt hiếu kỳ ló ra, những bộ pyjama, những mái tóc bù xù, những bộ mặt sưng húp, những chiếc áo dài ngủ màu tím, màu xanh lá cây, in những bông hoa nhiệt đới khổng lồ.
Đèn lại tắt một lần nữa. Mấy người khiêng cáng càu nhàu dừng lại trong bóng tối.
- Đèn!
Ravic mò mẫm tìm công tắc. Anh chạm phải vú một người đàn bà, thở phải một hơi người hôi hám, và cảm thấy một vật gì chạm nhẹ vào chân. Đèn lại sáng. Một người đàn bà có mái tóc vàng nhìn anh. Mặt bà ta nhầy nhụa những kem, trông như làm bằng nhiều lớp mỡ trát chồng lên nhau. Tay bà ta giữ vạt một chiếc áo choàng may bằng nhiễu Tàu có in vô số tổ ong. Anh loáng thoáng nhìn thấy một con chó bouledogue to tướng ngồi trên một cái giường phủ vải ren.
- Chết rồi à? - Bà ta hỏi, hai mắt sáng ngời.
- Không.
Ravic đi tiếp. Một tiếng kêu the thé, rồi tiếp theo là một tiếng phì. Một con mèo bỏ chạy.
Người đàn bà cúi xuống, hai đầu gối phốp pháp dang rộng ra.
- Trời ơi, Fifi, hắn dẫm phải em rồi sao?
Ravic xuống cầu thang. Anh nhìn thấy cái cáng đung đưa. Anh thấy đầu Jeanne lắc lư theo. Anh không trông rõ được mắt cô.
Ở tầng cuối cùng, đèn lại tắt. Ravic chạy trở lên để bật đèn. Vừa lúc ấy, buồng cầu thang xuống ngang tầm, bên trong sáng trưng, đột ngột như từ trên trời rơi xuống. Anh diễn viên đứng trong cái chuồng sắt ấy. Anh ta đã gặp nó ở tầng trên, và đã dùng nó để đuổi cho kịp cái cáng. Đó cũng là chuyện bình thường, thế nhưng vẫn gây một ấn tượng ma quái và hài hước kinh khủng.
Ravic ngẩng đầu lên. Anh không còn run nữa. Hai bàn tay anh không còn toát mồ hôi trong đôi găng cao su. Anh đã phải thay găng đến hai lần. Veber đang đứng trước mặt anh.
- Ravic ạ, nếu anh muốn, anh cứ gọi Martel. Trong mười lăm phút anh ấy sẽ đến ngay... Anh có thể phụ giúp anh ta.
- Thôi, muộn quá rồi. Vả lại tôi sẽ không chịu nổi đâu. Chỉ đứng nhìn thôi thì còn gay hơn nữa.
Ravic thở thật sâu. Bây giờ anh đã bình tĩnh. Anh bắt tay vào việc. Làn da. Trắng muốt. Một làn da như bất cứ làn da nào - Anh tự nhủ - Da của Jeanne. Một làn da như tất cả những làn da khác. Máu của Jeanne.
Một bầu máu như tất cả những thứ máu khác. Một tăm-pông. Cái cơ thịt bị xé rách. Một tăm-pông. Coi chừng! Đây, những sợi tơ bạc. Đường vào của vết thương. Những mảnh xương vỡ. Tiếp tục. Đường vào của vết thương dẫn tới... dẫn tới... Ravic bỗng thấy óc mình trống hoác ra. Anh từ từ thẳng người dậy.
- Đây, Veber anh xem này... đốt xương sống thứ bảy...
Veber cúi xuống nhìn.
- Rất xấu.
- Không phải là rất xấu. Mà là vô hy vọng. Không còn cách gì cứu được.
Ravic ngắm đôi tay mình. Nó đang cử động dưới lớp cao su mỏng. Một đôi tay mạnh mẽ, một đôi tay tài năng đã làm hàng ngàn phẫu thuật và đã khâu liền lại bao nhiêu thân thể bị xé rách. Một đôi tay đã nhiều lần thành công và đã có đôi lần thất bại. Đã bao nhiêu lần nó đã hoàn thành mỹ mãn những việc tưởng không thể làm được, khi hãy còn một phần trăm khả năng cứu chữa!... Nhưng bây giờ, khi tất cả lệ thuộc vào nó, nó lại bất lực.
Anh không còn cách gì nữa. Không ai còn có cách gì nữa. Không một phẫu thuật nào có thể làm được nữa. Anh nhìn vết thương đỏ loét. Dù có gọi Mertel đến, anh ta cũng chỉ xác nhận cách chẩn đoán của Ravic mà thôi.
- Không còn cách gì nữa thật sao? - Veber hỏi.
- Không. Chỉ làm cho cô ấy chết nhanh hơn mà thôi. Chỉ làm cho cô mất sức nhanh hơn. Anh thấy viên đạn nằm vào chỗ nào chưa. Thậm chí tôi cũng không thể lấy nó ra nữa.
- Mạch không đều. Nhanh dần lên... trăm ba mươi... - Eugénie nói.
Vết thương như xám dần đi. Như thể một hơi thở của bóng tối đã lướt qua. Ravic đã sắp sẵn một ống tiêm caféine.
- Coramine, nhanh lên! Ngừng gây mê!
Anh tiêm một ống thứ hai.
- Bây giờ mạch ra sao rồi?
- Không thay đổi.
Máu vẫn giữ cái sắc xin xỉn như chì.
- Chuẩn bị một ống tiêm adrénline. Chuẩn bị bình ôxy!
Máu cứ đen dần. Như thể có những đám mây giông in bóng lên.
- Máu! - Ravic tuyệt vọng nói - Giá tiếp máu được! Nhưng tôi lại không biết nhóm máu của cô ấy.
Khí oxy bắt đầu tuôn.
- Không thấy gì sao? Eugénie? Vẫn không thay đổi gì sao?
- Mạch xuống. Trăm hai. Rất yêu.
Sự sống dường như đang trở lại.
- Bây giờ thế nào? Đỡ không?
- Vẫn thế.
Anh đợi thêm.
- Thế bây giờ?
- Có đỡ. Đều hơn.
Những bóng tối đã tan đi. Miệng vết thương không còn màu thâm xám. Máu đã lại là máu. Khí ôxy đang tác động.
- Mi mắt cô ấy chớp chớp. - Eugénie nói.
- Không sao đâu. Chắc cô ấy sắp tỉnh.
Ravic đặt băng.
- Mạch thế nào?
- Đều hơn.
- Vừa kíp sát nút. - Veber nói.
Ravic thấy như có một cái gì ép lên mi mắt. Mồ hôi. Từng hột lớn. Anh đứng thẳng lên. Khí ôxy vẫn truyền vào phổi Jeanne.
- Phải truyền tiếp.
Anh đi sang bên kia bàn mổ và đứng yên một lát. Anh không nghĩ gì. Anh hết nhìn bình ôxy lại nhìn mặt Jeanne đang hô hấp. Jeanne sẽ còn sống thêm ít nữa.
- Choáng vì chấn thương - Anh nói với Veber - Đây là mẫu máu của cô ấy. Phải đem phân tích ngay. Ta sẽ lấy máu ở đâu?
- Ở bệnh viện Mỹ.
- Đúng rồi. Phải thử xem. Sẽ kéo dài thêm được một ít. Và chỉ thế thôi. - Anh nhìn bình ôxy - Có cần báo cho công an biết không?
- Có, - Veber nói - để có hai đại diện của nhà chức trách đến đây chất vấn anh. Anh muốn thế chứ gì?
- Không.
- Thôi được. Chiều nay ta sẽ nghĩ thêm.
- Đủ rồi Eugénie ạ. - Ravic nói.
Hai thái dương của Jeanne đã hồng hồng lên một chút. Mạch đập đều, yếu nhưng rõ.
- Các cô có thể đưa cô ấy về phòng. Tôi sẽ ở lại.
Jeanne cựa quậy một tay. Bàn tay phải. Bàn tay trái không nhúc nhích được.
- Ravic. - Cô nói.
- Ừ...
- Anh vừa mổ em à?
- Không, Jeanne ạ. Không cần. Anh chỉ rửa sạch vết thương thôi.
- Anh sẽ ở đây chứ?
- Ừ.
Cô nhắm mắt, và lại ngủ thiếp đi. Ravic đi ra phía cửa.
- Cho tôi chén cà-phê. - Anh nói với cô y tá trực.
- Cà-phê và bánh mì ngọt ạ?
- Không. Cà-phê thôi.
Anh quay trở vào và mở cửa sổ. Một buổi sáng tưng bừng. Chim sẻ bay từng đàn từ mái nhà này sang mái nhà khác. Ravic ngồi bên cạnh cửa sổ, châm một điếu thuốc lá.
Cô y tá bưng cà-phê vào, đặt bên cạnh Ravic. Anh tiếp tục hút thuốc lá và nhìn ra cửa sổ. Khi anh rời mắt ra khỏi cảnh ban mai rực nắng, nhìn vào trong, căn phòng có vẻ tối hẳn đi. Anh đứng dậy lại gần Jeanne. Cô vẫn ngủ. Mặt cô đã được rửa sạch. Bây giờ nó nhợt nhạt như làm bằng sáp. Chỉ có đôi môi hơi đậm hơn da mặt một chút.
Anh uống chén cà-phê, và cầm cái khay ra ngoài. Anh đặt nó trên cái bàn để ở hành lang. Ở đây có mùi xi đánh sàn nhà, pha lẫn mùi mủ. Cô y tá đi ngang qua, tay xách một cái xô đầy bông băng bẩn. Đâu đây có tiếng máy hút bụi chạy.
Jeanne bắt đầu vật vã. Cô đã sắp tỉnh dậy. Tỉnh dậy để đau đớn. Và cái đau sẽ mỗi lúc một tăng. Cô có thể sống thêm vài giờ, mà cũng có thể là vài ngày. Rồi cái đau sẽ dữ dội lên đến nỗi chẳng bao lâu những mũi tiêm sẽ không còn công hiệu nữa.
Ravic lấy một cái ống tiêm và mấy lọ thuốc. Khi anh trở lại bên giường, Jeanne mở mắt ra. Ravic nhìn cô.
- Em đau đầu. - Cô thì thầm.
Anh đợi một lát. Jeanne thử nghiêng đầu. Đôi mí như trĩu xuống. Cô khó nhọc đưa qua đưa lại đôi mắt.
- Như chì ấy - Cô nói. Bây giờ cô đã tỉnh hơn - Đau quá... em không chịu được đâu...
- Sẽ chóng qua thôi...
Anh tiêm thêm cho cô một mũi nữa.
- Ban nãy em không đến nỗi đau quá...
Cô nhúc nhích cái đầu.
- Ravic ạ - Cô thì thầm - Em không muốn đau... anh hãy hứa là đừng để em đau quá... bà ngoại em... em đã nhìn thấy... Em không muốn sẽ như thế... anh hứa đi...
- Anh hứa với em, Jeanne ạ. Em sẽ không đau nhiều đâu. Chỉ hơi một chút thôi.
Jeanne nghiến răng.
- Có chóng hết không anh?
- Sắp hết rồi đây. Vài phút nữa thôi...
- Em làm sao thế này, Ravic? Tay em...
- Không sao đâu. Bây giờ em không cử động cánh tay được. Nhưng khi nào khỏi hẳn thì sẽ cử động bình thường.
- Cả chân em nữa... chân phải ấy...
Cô thử nhấc chân lên mà không được.
- Cũng thế thôi, Jeanne ạ. Em đừng cố nhấc chân, ít nữa sẽ khỏi thôi.
Jeanne xê xích cái đầu trên gối.
- Đúng vào lúc em định bắt đầu... sống khác đi. - Cô thì thầm.
Ravic không đáp. Anh có thể nói gì bây giờ? Điều Jeanne nói có lẽ đúng. Bao giờ người ta cũng muốn sống khác đi.
Jeanne mấy lần nhúc nhích cái đầu một cách bứt rứt. Giọng cô đều đều, và có thể thấy cô phải khó nhọc lắm mới nói được.
- Anh đã đến, làm em sung sướng quá... Không có anh, em sẽ ra sao?
- Ừ, anh đã đến...
Cũng thế thôi - Anh nghĩ một cách tuyệt vọng. Anh có đến hay không thì tình hình cũng thế thôi. Bất cứ anh lang băm nào cũng đạt được cái kết quả như anh đã đạt đến. Khi ta cần thì đến tài năng nhiều hơn bao giờ hết, thì nó lại trở thành vô dụng. Chẳng hơn gì một anh lang băm. Chẳng làm được cái gì hơn cả.
Đến trưa, Jeanne đã biết. Anh không nói gì với cô cả, nhưng cô đã chợt hiểu ra.
- Em không muốn làm người tàn tật Ravic ạ... Tại sao hai chân em không cử động được? Cả chân trái bây giờ cũng không nhúc nhích được nữa...
- Không sao đâu. Em sẽ đi được. Em sẽ đi được như trước, khi nào em đứng dậy được.
- Bao giờ thì em đứng dậy được? Tại sao anh phải nói dối? Anh không cần phải nói dối đâu...
- Anh không nói dối đâu Jeanne ạ.
- Có... Anh bị buộc phải nói dối. Ravic ạ, anh không được... để mặc em... như thế... khi em bắt đầu... quá đau đớn... Anh phải hứa đi...
- Anh hứa với em như vậy.
- Đến khi nào quá... anh phải cho em... một cái gì... Bà ngoại em đã sống... năm ngày... kêu gào... Em không muốn thế đâu, Ravic nhé!
- Em đừng sợ. Em sẽ gần như không đau đớn gì.
- Khi nào bắt đầu quá... anh phải cho... cái gì thật mạnh... đủ để... Đủ cho đến hết... Cho đến mãi mãi. Anh phải làm đúng như thế... dù lúc ấy em không chịu... dù em không còn hay biết gì nữa. Anh phải làm đúng như lời em xin anh bây giờ... Anh hứa đi, Ravic!
- Anh hứa với em như vậy... Nhưng sẽ không cần thế đâu.
Nỗi sợ hãi không còn thấy trong đôi mắt cô nữa. Cô bình tĩnh hẳn.
- Anh có quyền làm như thế, Ravic ạ. - Cô thì thầm.
- Vì trước kia... nếu không có anh... em đã chết từ lâu rồi.
- Em chỉ nói bậy, em bé ạ.
- Không. Từ ngày hôm ấy... lần đầu gặp anh... Anh đã cho em sống thêm được... cả một năm qua... Đó là món quà của anh cho em. Quãng đời ấy là của anh cho em.
Chầm chậm, Jeanne quay đầu về phía anh.
- Ravic, vì sao em không ở lại với anh?
- Lỗi tại anh, Jeanne ạ.
- Không. Đó là... Em cũng không biết nữa.
Nắng buổi trưa sáng rực ngoài cửa sổ. Màn cửa đã kéo kín, nhưng ánh sáng vẫn lọt vào từ hai bên. Jeanne đang ở trạng thái mê man. Chưa chi người cô đã có vẻ như nhỏ lại. Mấy giờ vừa qua đã ngốn cô đi như những con thú dữ đói mồi. Thân thể cô như đã ngót đi dưới tấm chăn. Sức đề kháng của cô giảm dần. Cô đang trôi dạt bồng bềnh giữa tỉnh và mê. Cái đau tăng dần lên. Chốc chốc cô lại cất tiếng rên. Ravic tiêm thêm cho cô một mũi nữa.
- Đầu em - Cô thì thào - Em đau quá...
Một lát sau cô lại nói.
- Ánh sáng... nhiều ánh sáng quá... chói lắm...
Ravic ra cửa sổ hạ rèm xuống. Căn phòng hầu như chìm hắn trong bóng tối. Anh trở lại với Jeanne, ngồi xuống cạnh giường. Môi Jeanne mấp máy.
- Lâu quá, Ravic ạ, mà thuốc không thấy đỡ nữa.
- Chỉ vài phút nữa...
Jeanne nằm im, hai bàn tay đặt trên tấm chăn như đã chết.
- Em... em có bao nhiêu điều... cần nói với anh.
- Để sau hẵng hay, Jeanne ạ.
- Không. Phải nói bây giờ. Không còn thì giờ nữa đâu... Mà em thì còn có bao nhiêu điều phải nói cho anh hiểu...
- Anh tin là anh đã hiểu hết rồi, Jeanne ạ.
- Anh hiểu ư?
- Anh tin là thế...
Những cơn co giật. Ravic có thể trông thấy những cơn co giật chạy qua cơ thể Jeanne. Hai chân cô bây giờ đã liệt. Hai tay cũng vậy. Ngực cô còn nâng lên hạ xuống.
- Anh biết đấy... em xưa nay... bao giờ cũng... với anh... mà thôi.
- Anh biết, Jeanne ạ.
- Những người khác... chỉ là cơn sốt...
- Đúng thế, anh biết, em nhỏ ạ.
Jeanne lặng thinh một lát. Cô thở rất khó nhọc.
- Thật lạ lùng, - Cô nói - là người ta có thể... chết, khi... đang yêu...
Ravic cúi xuống sát người Jeanne. Anh nhìn mặt cô trong bóng tối.
- Em không đáng được anh yêu...
- Em là tất cả cuộc sống của anh.
- Em muốn... em không còn... ôm anh... trong tay em... được nữa...
Anh thấy Jeanne cô giơ tay ra mà không được.
- Em đang ở trong tay anh, em ạ... Anh đang ở trong tay em đây mà.
Một lát Jeanne ngừng thở. Mắt nàng khuất hẳn trong bóng tối. Nàng mở mắt. Đôi đồng tử giãn ra, rộng mênh mông. Ravic không rõ nàng có còn nhìn thấy anh nữa không.
- Ti amo [1]. - Jeanne nói.
Nàng đã trở về với thứ tiếng của thời thơ ấu. Thứ tiếng vẫn dùng thường ngày đòi hỏi phải cố gắng quá lớn. Ravic cầm lấy hai bàn tay không còn sức sống. Một cái gì trong anh bị xé nát ra.
- Em đã cho anh cuộc sống, Jeanne ạ.
Anh nhìn khuôn mặt với đôi mắt đã ngưng tròng.
- Trước kia anh là đá, và em đã đem đến cho anh sự sống...
- Mi ami [2]?
Câu hỏi của đứa trẻ hỏi mẹ trước khi chìm vào giấc ngủ. Sự kiệt quệ tột cùng, vượt qua tất cả những sự kiệt lực khác.
- Jeanne - Ravic nói - Nói yêu em chưa đúng đâu. Chưa đủ. Nói thế chỉ được một phần, một giọt nước trong dòng sông, một chiếc lá trên cả một lùm cây. Sự thật hơn thế nhiều.
- Soso stata... sempre con te [3].
Ravic giữ chặt đôi bàn tay không còn cảm giác.
- Em đã ở bên anh từng phút một. - Anh nói mà không nhận thấy mình đã chuyển sang tiếng Đức từ bao giờ - Em vẫn luôn luôn ở bên anh, bất chấp tình yêu, hận thù, khinh bạc... không có gì có thể thay đổi được điều đó... em luôn luôn ở bên anh... và bao giờ cũng có ở trong anh...
Kể cho đến lúc này, hai người vẫn nói với nhau qua một thứ tiếng vay mượn. Nhưng bây giờ, lần đầu tiên, mỗi người đã bất giác trở về với tiếng mẹ đẻ của mình. Hàng rào từ ngữ đã biến đi, và họ hiểu nhau như chưa bao giờ từng hiểu.
- Bacia mi [4].
Anh hôn lên đôi môi nóng bỏng và khô héo.
- Bao giờ em cũng ở bên anh, Jeanne... từng giây từng phút.
- Mi sono sentita perduta senza di te [5].
- Không có em anh cũng thấy mình thất lạc. Em là tất cả ánh sáng... tất cả những gì dịu ngọt... tất cả những gì đắng cay... Em đã thức tỉnh anh, - em đã đem em ra cho anh, và em đã trả anh lại cho anh...
Ravic nhìn Jeanne. Tay chân nàng đã chết, tất cả thân hình nàng đã chết. Chỉ còn đôi mắt còn sống, và đôi môi, và hơi thở nữa. Anh biết rằng những cơ hô hấp sẽ dần dần đi vào trạng thái bại liệt. Jeanne không nói được nữa rồi. Nàng đang ngạt thở. Răng nàng nghiến lại. Mặt nàng méo mó đi. Nàng cố thu hết chút sức còn lại để nói một điều gì, nhưng cổ nàng co thắt lại, và từ đôi môi run rẩy thoát ra một tiếng thở khò khè sâu thẳm và khủng khiếp, trong đó bỗng nhiên ló ra một giọng nói:
- Ravic... Giúp em đi.. Giúp... Ngay đi!
Ống tiêm đã sẵn sàng. Anh ấn mũi kim vào da.
Nhanh lên, trước khi cơn co giật thứ hai đến. Không thể để cho Jeanne chết ngạt từ từ, để cho nàng bị hành hạ đợt này qua đợt khác, không bao giờ chấm dứt. Không thể để nàng phải chịu những cơn đau vô lý ấy, vì bây giờ trước mắt nàng chỉ còn sự đau đớn mà thôi. Có lẽ mấy giờ liền...
Đôi mi chớp chớp mấy lần, rồi nhắm hẳn. Đôi môi giãn ra, mềm trở lại. Hơi thở tắt ngấm.
Ravic kéo hai tấm màn cửa sổ và kéo rèm lên, rồi trở lại bên giường. Mặt Jeanne đã im lìm và trở thành xa lạ.
Anh đóng cửa lại và đi ra phòng giấy. Eugénie đang ngồi bên bàn xem các bệnh án.
- Bệnh nhân phòng mười hai đã chết. - Ravic nói.
Eugénie gật nhưng không ngẩng đầu lên.
- Bác sĩ Veber có trong phòng riêng không?
- Hình như có.
Ravic ra hành lang. Có mấy cánh cửa mở. Anh đi vào phòng Veber.
- Cô ấy chết rồi Veber ạ. Bây giờ anh có thể gọi cảnh sát đến.
Veber im lặng một lát rồi mới trả lời.
- Bây giờ cảnh sát còn có quá nhiều việc khác phải làm.
- Anh muốn nói gì vậy?
Veber chỉ số báo đặc biệt mới ra sáng nay. Quân đội Đức đã tràn vào Ba Lan.
- Tôi có một số tin của Bộ phát. Hôm nay chính phủ Pháp sẽ tuyên chiến.
Ravic đặt tờ báo xuống.
- Thế là xong, Veber ạ.
- Đúng. Thế là hết. Tội nghiệp nước Pháp.
Ravic ngồi xuống. Trong người anh chỉ còn lại một khoảng không trống hoác.
- Không riêng gì nước Pháp đâu, Veber ạ.
- Đối với tôi, chỉ nước Pháp thôi cũng đủ rồi.
- Anh sẽ làm gì? - Một lúc sau, Ravic hỏi.
- Tôi cũng không biết nữa. Về trung đoàn, ở đây... - Ông khoác tay một cái - sẽ có người nào đó thay tôi.
- Anh sẽ ở lại đây. Thời chiến rất cần bệnh viện. Họ sẽ để anh ở lại đây.
Ravic đưa mắt nhìn quanh.
- Đây là ngày cuối cùng của tôi ở đây. - Anh nói - Hình như mọi sự đều ổn cả. Ca cắt bỏ dạ con đang trên quá trình bình phục; ca viêm túi mật cũng khả quan rồi. Ca ung thư không còn hy vọng gì, mổ lần nữa cũng vô ích thôi. Đấy, trước sau chỉ có thế.
- Sao vậy? - Veber hỏi, giọng chán chường - Sao lại là ngày cuối cùng của anh?
- Hễ tuyên chiến là họ sẽ bắt chúng tôi.
Thấy Veber toan trả lời, anh nói thêm:
- Ta khỏi bàn vấn đề này. Chắc chắn là họ sẽ làm.
Veber ngồi xuống.
- Tôi không biết nữa. Cũng có thể. Có lẽ họ cũng chẳng buồn chống cự nữa. Họ sẽ chịu nộp nước Pháp cho chúng. Bây giờ chẳng còn biết ra sao.
Ravic đứng dậy.
- Tối nay tôi sẽ lại, nếu còn được tự do.
- Được.
Ravic đi ra. Anh gặp gã diễn viên ở phòng ngoài. Anh đã quên hẳn hắn. Hắn chạy đến hỏi anh:
- Cô ấy ra sao rồi?
- Chết rồi.
Người kia giương mắt lên nhìn anh.
- Chết rồi ư?
Hắn áp bàn táy lên ngực trong một cử chỉ bi đát, và lảo đảo.
Đồ kép hát hạng bét - Ravic nghĩ. Chắc hắn đã đóng quá nhiều lần một vai tương tự, cho nên hắn lại rơi vào những cử chỉ của tuồng cũ. Nghĩ cho cùng, có lẽ hắn thành thật, nhưng những cử chỉ nghề nghiệp đã bất giác đến lắp vào nỗi buồn của hắn một cách lố lăng, thế thôi.
- Tôi có thể nhìn cô ấy một chút được không?
- Ích gì?
- Tôi phải thấy mặt cô ấy một lần chót!
Hắn áp hai bàn tay lên ngực. Một tay hắn cầm chiếc mũ dạ màu nâu nhạt viền lụa.
- Chẳng lẽ ông không hiểu sao? Tôi phải...
Mắt hắn rưng rung.
- Này ông, - Ravic sốt ruột nói - ông tránh ra chỗ khác thì hơn. Cô ấy đã chết, bây giờ có làm gì cũng chẳng thay đổi được gì nữa. Ông cứ tìm cách dàn xếp cách nào đó với lương tâm của ông đi. Và ông đi biệt đi cho khuất mắt. Ông có bị xử một năm tù hay được tha bổng một cách đầy kịch tính thì cũng chẳng có lợi gì cho ai hết! Vả lại, mấy năm sau ông còn có thể đem kể chuyện này cho những người đàn bà ông đang muốn chinh phục nghe: sẽ rất có lợi cho ông. Thôi đi đi, đồ ngu!
Anh đẩy hắn ra cửa. Hắn do dự một lát. Trước khi đi, hắn quay lại nói:
- Đồ dã thú không tim! Tiên sư mấy thằng Đức!
Các đường phố đều đen nghịt những người xúm xít trước các bản tin của các tòa soạn, đọc những tin tức mới nhất. Anh đi về phía vườn Luxembourg. Anh muốn ngồi một mình trong mấy tiếng đồng hồ trước khi bị bắt.
Khu vườn rất vắng vẻ. Nó tắm trong ánh sáng ấm áp của buổi chiều hè. Cây cối đã mang những dấu hiệu đầu tiên của tiết chớm thu - không phải của mùa thu đang tàn úa, mà của mùa thu đang sắp sửa thành hình. Ánh nắng vàng rực, và màu trời xanh giống như một lá cờ xanh cuối cùng của mùa hạ.
Ravic ngồi đấy hồi lâu. Anh thấy ánh sáng đổi màu những bóng rợp đổi chiều và ngã dài ra. Anh có ý thức là mình đang sống những giờ phút cuối cùng của cuộc đời tự do. Một khi đã tuyên chiến rồi, thì bà chủ khách sạn International không còn bao che được cho bất kỳ ai. Anh nghĩ đến Rolande. Rolande cũng thế thôi. Không ai có thể chứa chấp anh. Từ nay trở đi, nếu anh tìm cách trốn tránh, anh sẽ bị nghi là làm gián điệp cho Đức.
Anh ngồi mãi đến xẩm tối. Anh không thấy buồn. Những khuôn mặt lần lượt diễu qua trước mắt anh. Và đây, khuôn mặt cuối cùng, khuôn mặt sẽ không bao giờ phai nhòa nữa.
Đến bảy giờ anh ra khỏi khu vườn tối om. Anh đã bỏ lại sau lưng anh cái di tích cuối cùng của thời bình. Ra phố, anh trông thấy những phụ trương mới nhất của các báo hàng ngày. Tình trạng chiến tranh đã được ban bố.
Anh vào ăn ở một tiệm không có máy thu thanh. Rồi anh đi bộ trở về bệnh viện. Veber ra đón anh.
- Anh có muốn làm một phẫu thuật Césarienne không? Có một nữ bệnh nhân mới.
- Dĩ nhiên.
Anh đi thay áo quần. Trong hành lang, anh gặp Eugénie. Trông thấy Ravic, cô ta giật mình.
- Vậy ra chị không ngờ tôi còn quay lại nữa sao?
- Không. - Cô ta vừa trả lời vừa đi vội.
Đứa bé sơ sinh khóc to. Cô y tá giơ cao nó lên. Ravic ngắm cái mặt đỏ nhăn nhó và mấy ngón tay, ngón chân tí hon của nó. Chúng ta đến với thế giới này chẳng phải với một nụ cười đâu nhỉ - Ravic nói thầm với đứa bé. Đó là một đứa con trai.
Anh rửa tay. Veber cũng đứng rửa bên cạnh anh.
- Nếu chẳng may anh bị bắt, anh có vui lòng cho tôi biết ngay anh bị giam ở đâu không?
- Tại sao anh lại phải gây thêm phiên phức cho mình? Vào lúc này, quen biết những người như tôi không tiện đâu.
- Tại sao? Tại vì anh là người Đức ư? Nhưng anh phải tị nạn kia mà?
Ravic mỉm cười buồn bã.
- Anh không biết rằng những người tị nạn giống như những người bị kẹt giữa hai chiến tuyến sao? Đối với xứ sở của họ, họ là những kẻ phản bội, còn đối với phía bên kia, họ vẫn là những người dân của nước họ.
- Tôi chẳng cần biết. Tôi muốn làm sao cho anh được trả tư do càng sớm càng tốt. Khi cần anh cứ nói đến tên tôi.
- Tùy anh.
Ravic biết rằng mình sẽ không bao giờ nhắc đến tên Veber.
- Nghĩ mà phát ớn! Anh sẽ làm gì trong trại?
- Một người thầy thuốc bao giờ cũng có việc mà làm.
Ravic lau khô tay.
- Anh có thể làm ơn cho tôi bằng cách lo việc an táng cho Jeanne được không? Tôi không có thì giờ làm việc ấy.
- Anh cứ yên tâm, tôi sẽ lo hết. Tôi còn có thể làm được gì cho anh nữa không? Về tài sản của cô ấy, hay là...
- Ta cứ để công an họ giải quyết những việc đó - Ravic ngắt lời - Tôi không biết cô ấy có họ hàng gì không. Chẳng có gì quan trọng.
Anh mặc áo khoác vào.
- Từ biệt Veber nhé. Được làm việc với anh trong thời gian qua, tôi rất sung sướng.
- Từ biệt Ravic. Chúng tôi còn phải thanh toán cho anh về ca Césarienne anh vừa làm.
- Thôi cứ coi đó là tổn phí cho đám tang. Dĩ nhiên số tổn phí sẽ nhiều hơn thế. Lẽ ra tôi phải đưa thêm.
- Chớ! Chớ! Ravic ạ... Anh muốn cô ấy được chôn ở đâu?
- Tôi không biết. Nghĩa địa nào cũng được. Tôi sẽ để lại tên và địa chỉ cô ấy cho anh.
Anh ngồi xuống viết tên và địa chỉ của Jeanne trên một tờ giấy.
Veber để tờ giấy xuống dưới một cái chặn giấy bằng pha lê, bên trong có một con cừu bằng bạc.
- Cứ thế Ravic nhé. Có lẽ mấy hôm nữa tôi cũng đi. Vả lại không có anh chúng tôi cũng chẳng làm được bao nhiêu ca mổ nữa đâu.
Veber cùng đi ra với Ravic.
- Chào chị Eugénie. - Ravic nói.
- Chào Herr Ravic.
Eugénie nhìn Ravic.
- Ông có về khách sạn không?
- Có, chị hỏi có việc gì?
- Không. Tôi chỉ hỏi cho biết...
Trời đã tối. Một chiếc xe vận tải đỗ ở cửa khách sạn.
- Ravic. - Morozov từ một ngôi nhà bên cạnh đi ra rất nhanh.
- Boris đây à?
Ravic dừng lại.
- Cảnh sát đang ở trong khách sạn.
- Tôi cũng đoán thế.
- Tôi có cầm thẻ căn cước của Ivan Huge đây. Cậu biết rồi đấy: của cái anh người Nga mà tôi đã có lần nói chuyện với cậu đấy. Nó còn giá trị được mười tám tháng nữa. Cậu hãy theo tôi đến Schéhérazade. Ta sẽ đổi tấm ảnh đi. Cậu sẽ ở một khách sạn khác, với tư cách là một người Nga tị nạn.
Ravic lắc đầu.
- Quá nguy hiểm, Boris ạ. Thời chiến cầm giấy tờ giả rất nguy. Thà đừng có giấy tờ gì cả còn hơn.
- Thế cậu định thế nào?
- Trở về khách sạn.
- Cậu đã nghĩ kỹ chưa Ravic?
- Rồi. Nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần rồi.
- Trời ơi. Rồi họ sẽ xử lý với cậu ra sao?
- Tôi chỉ biết có một điều, là họ sẽ không đưa tôi sang Đức. Dù sao cũng loại trừ được một khả năng đáng sợ. Mà họ cũng chẳng trục xuất tôi sang Thụy Sĩ.
Ravic mỉm một nụ cười chán nản.
- Từ bảy năm nay, đây là lần đầu tiên cảnh sát sẽ muốn giữ chúng ta lại, Boris ạ. Phải có chiến tranh mới được như vậy đấy.
- Nghe đồn họ sẽ lập một trại tập trung ở Longchamp.
Morozov bứt rứt mân mê bộ râu.
- Cậu đã phải trốn khỏi một trại tập trung Đức để rồi rốt cục lại chui vào một trại tập trung Pháp.
- Có lẽ chỉ ít lâu họ sẽ thả chúng tôi ra.
Morozov im lặng.
- Boris ạ - Ravic nói - Anh đừng lo cho tôi. Thời chiến bao giờ người ta cũng cần thầy thuốc.
- Cậu sẽ khai tên gì khi bị bắt?
- Tên thật. Tôi chỉ dùng tên ấy có một lần ở đây, năm năm về trước.
Ravic im lặng một lát rồi nói tiếp:
- Boris ạ, Jeanne chết rồi. Bị một người đàn ông bắn chết. Cô ấy đang nằm ở bệnh viện của Veber. Phải chôn cất cô ấy. Veber có hứa là sẽ lo hộ, nhưng tôi e ông ta bị gọi trước khi làm được việc đó. Anh có thể quan tâm giúp tôi được không? Anh đừng hỏi gì cả. Anh chỉ cần nói được là xong.
- Được. - Morozov nói.
- Tốt rồi. Chào Boris. Trong mớ đồ đạc của tôi có cái gì dùng được anh cứ lấy. Anh lấy luôn cả căn phòng của tôi đi. Chắc anh còn nhớ là anh vẫn ao ước có một căn buồng tắm như của tôi. Thôi tôi về đây. Tạm biệt.
- Chó thật! - Morozov chỉ đáp.
- Xong. Tôi sẽ gặp anh ở Fouquet’s sau chiến tranh.
- Phía nào? Champs-Élysées hay George V?
- George V. Chúng mình ngốc thật. Ngốc như trẻ con ấy. Tạm biệt Boris.
- Chó thật! - Morozov nhắc lại - Đến nước chúng mình không dám chào nhau cho nó tử tế nữa. Nào lại đây, đồ ngốc!
Anh hôn vào hai má Boris. Bộ râu cứng cọ vào mặt anh, và mùi thuốc lá xông vào mũi anh. Cảm giác ấy làm anh khó chịu. Anh trở về khách sạn.
Những người tị nạn đứng trong Hầm Mộ. Giống như những người Cơ Đốc giáo đầu tiên - Ravic nghĩ. Những người Âu châu đầu tiên. Một viên cảnh sát mặc thường phục ngồi trước cái bàn đặt dưới gốc cây cọ nhân tạo ghi những câu trả lời của từng người. Mấy viên cảnh sát khác đứng gác cửa, mặc dầu không có ai thoáng nghĩ đến chuyện bỏ trốn.
- Có hộ chiếu không? - Người mặc thường phục hỏi Ravic.
- Không có.
- Giấy tờ khác có không?
- Không.
- Nhập cảnh bất hợp pháp à? Vì sao?
- Tôi trốn khỏi nước Đức. Cho nên không thể có giấy tờ được.
- Họ gì?
- Fresenberg.
- Tên gì?
- Ludwig.
- Do Thái?
- Không.
- Nghề nghiệp?
- Thầy thuốc.
Người kia lần lượt ghi.
- Thầy thuốc à? - Hắn vừa nói vừa nhìn một tờ giấy để trước mặt - Ông có biết một người thầy thuốc tên là Ravic không?
- Không.
- Người đó ở đây mà. Chúng tôi nhận được đơn tố giác.
Ravic nhìn viên cảnh sát. Eugénie - Anh nghĩ thầm. Cô ta đã hỏi xem anh có về khách sạn không, sau khi tỏ ra ngạc nhiên lúc thấy anh vẫn còn tự do.
- Tôi đã nói với ông là ở đây không có ai tên như vậy cả. - Bà chủ đứng bên cửa nhà bếp nói.
- Bà im đi - Người kia nói, giọng bực bội - Bà sẽ bị trừng trị vì đã không khai báo những người này.
- Tôi tự hào về việc đó. Nếu các ông cần trừng trị những người có lòng nhân đạo, các ông cứ việc!
Người kia nhìn bà chủ như định trả lời, nhưng rồi lại nhún vai im lặng. Bà chủ nhìn hắn một cách đầy ý thách thức. Bà ta có kẻ che chở cho, nên chẳng sợ gì.
- Ông gói ghém đồ đạc đi. - Người kia nói với Ravic.
- Ông nên lấy những thứ cần dùng và thức ăn đủ ăn một ngày. Đem theo một cái chăn, nếu có.
Một viên cảnh sát theo anh lên phòng. Hầu hết các cửa đều mở. Ravic lấy va-li và chăn.
- Có thế thôi à? - Viên cảnh sát hỏi.
- Có thế thôi.
- Các thứ còn lại ông bỏ đây à?
- Vâng, tôi bỏ lại.
- Cả cái này nữa à?
Viên cảnh sát chỉ pho tượng đức Bà nhỏ bằng gỗ mà Jeanne đã gửi đến khách sạn cho anh, sau lần gặp gỡ đầu tiên.
- Cả cái này nữa.
Họ quay trở xuống. Clarisse, cô hầu gái người Alsace, đưa cho Ravic một cái gói. Anh nhận thấy những người khác cũng có những cái gói như vậy.
- Một ít thức ăn, - Bà chủ nói - để các ông các bà khỏi đói. Tôi biết chắc là ở chỗ ấy họ chẳng nấu nướng gì đâu.
Bà nhìn chằm chằm viên cảnh sát mặc thường phục.
- Bà nói quá nhiều đấy. - Hắn nói, giọng rất xẵng - Có phải tôi tuyên chiến đâu?
- Thì cũng có phải mấy người này tuyên chiến đâu?
- Thôi xin bà im cho.
Hắn quay về phía mấy người cảnh sát kia.
- Xong cả chưa? Thế thì đưa họ đi.
Tốp người ra đi Ravic để ý đến cái ông có bà vợ trông thấy gián khắp nơi. Ông ta một tay dìu vợ, một tay xách va-li, và dưới nách lại cắp một cái va-li nhỏ nữa. Cả thằng bé cũng kéo lê một cái. Ông ta ném về phía Ravic một cái nhìn thảm thiết. Ravic mỉm cười với ông ta.
- Tôi có đem sẵn thuốc men và đủ các thứ dụng cụ. - Anh nói - Ông đừng lo.
Họ leo lên chiếc xe vận tải. Xe nổ máy và bắt đầu lăn bánh nặng nề. Bà chủ khách sạn đứng ở ngưỡng cửa vẫy tay từ biệt mấy người khách trọ cũ.
- Bây giờ đi đâu? - Một người nào đó hỏi một viên cảnh sát.
- Tôi không biết.
Ravic đứng cạnh Rosenfeld và cái ông Aaron Goldberg giả. Rosenfeld. Rosenfeld cặp một cuộn gì dài dài. Đó là bức Cézanne và bức Gauguin. Mặt ông ta bứt rứt khổ sở.
- Cái giấy nhập cảnh Tây Ban Nha - Ông ta nói - Nó hết hạn trước khi...
Ông ta bỏ dở câu nói. Một lát sau, ông nói tiếp:
- Chim Tử thần đi Mỹ từ hôm qua rồi.
Chiếc xe vận tải lắc lư trên các ổ gà. Họ đứng ngồi chen chúc vào nhau. Không ai muốn nói gì. Xe rẽ ngoặt. Ravic nhìn thấy ông tiến sĩ Seidenbaum định mệnh chủ nghĩa, ông ta đứng nép vào một góc.
- Chúng ta lại gặp nhau. - Ông chỉ nói.
Ravic tìm một điếu thuốc mà không thấy. Nhưng anh lại nhớ ra là đã bỏ một số khá đủ vào va-li. Anh đáp:
- Phải, con người có thể chịu đựng rất nhiều thứ.
Chiếc xe vận tải đi ngược phố Wagram và rẽ ngoặt ở quảng trường Ngôi Sao. Không có một ngọn đèn nào. Cả quảng trường chìm hẳn trong bóng tối. Đêm dày đặc đến nỗi cả Khải Hoàn Môn cũng không nhìn thấy đâu cả.
Chú thích:
[1] Em yêu anh? (tiếng Ý).
[2] Anh yêu em không? (tiếng Ý).
[3] Em bao giờ cũng chỉ ở bên anh (tiếng Ý).
[4] Hôn em đi (tiếng Ý).
[5] Không có anh, em thấy mình lạc lõng quá (tiếng Ý).
HẾT
Khải Hoàn Môn Khải Hoàn Môn - Erich Maria Remarque Khải Hoàn Môn