Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 113
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33
Ôi liều mình ở lại nơi ranh giới của ánh sáng và bóng tối, làm mục tiêu xạ kích của máy bay cho đến sáng hôm sau.
Tôi thấy Thu trở thành một người khác. Bụi bám trên tóc làm cho tóc nàng màu xám tro, quần áo dày cộp, mộc thếch. Da mặt nàng khô như sấy. Qua một đêm vượt sông – con sông trên mặt đất và con sông trong tâm tư – nàng già đi mười tuổi!
Tôi hỏi:
- Em vẫn.. còn…
- Còn hai ngày nữa mới dứt anh ạ!
Tôi nhìn hai bắp chân nàng. Máu còn dính đầy (xin lỗi độc giả)
- Để em băng lại rồi sẽ đi anh ạ! Qua cho khỏi khu tử địa nà rồi hãy hay.- Thu gắng gượng nói.
Chập sau chúng tôi lại lên đường. Nhiều người bị rớt lại sau đoàn bây giờ cũng lếch thếch bò theo.
Một bộ phận pháo nặng đang đi trước chúng tôi. Họ xoay trần ra khiêng một cái nòng pháo giắt lá um tùm. Cái đòn dài oằn xuống và dây nghiến kĩu kịt như sắp đứt ra. Hai người một đầu. Những tấm lưng gầy nhom cong quắp xuống và ngọn đòn khuyết sâu xuống vai họ, tưởng chừng đến một giây phút nào đó nó có thể chẻ rời cái vai ra khỏi thân người.
Những bắp thịt nuộc lưng gồng lên như cố giữ cho chiếc xương sống uốn éo khỏi gãy cụp xuống trong khi những chiếc xương sườn cứ uốn cong như lúc nào cũng có thể bung ra.
Càng đi tôi thấy rừng càng ngày càng sâu càng dày, núi càng ngày càng hiểm trở, những cái nòng súng thì như càng ngày càng to ra, còn những con người càng ngày bé lại.
Mà thật, con người càng ngày càng bé lại, tọp lại, choắt lại, khô lại, không phải một cách nói tượng trưng mà là trông thấy.
Tôi trỏ cho Thu những bắp chân đang loăng quăng bước trước mặt chúng tôi. Tôi nói:
- Những cây cọc màn biết đi chớ còn gì nữa!
Thu nhếch môi cười miễn cưỡng:
- Coi chừng mất lập trường!
Đường ác quá. Không có quãng nào thẳng được năm chục thước. Không có chỗ nào bằng phẳng. Cái nòng pháo cứ phải chạm vào vách đá ở những khúc quanh gắt. Những người khiêng, chân vừa bước, tay vừa bám vào vách đá, đi những bước khúc mắc, tréo chân nghịch tay, ẹo xương sống, thành thử một bước trên đường này bằng một nghìn bước ở đường thường. Vì thế, bệnh như tôi và Thu mà vẫn đuổi kịp họ và vượt họ.
Dọc theo đường nhiều người ốm quá, họ ngồi trên những hòn đá. Thật tình tôi chẳng dám nhìn. Bởi vì càng nhìn họ tôi càng trông thấy tôi rõ hơn. Thế mới khổ!
Thu kêu mệt. Chúng tôi dừng laị bên cạnh một anh lính đang ngồi. Trời ơi, cái mặt anh ta sần sùi như một quả na sắp nứt ra.
Anh lính tố khổ với tôi ngay:
- Em đói quá. Bị bom cháy hết rồi! Em xin anh tí muối?
- Em ở pháo binh khiêng pháo ngã bị pháo đè gãy một cái ba sườn. Bây giờ yếu quá, em xin qua bộ binh nhưng cấp chỉ huy bảo em mất tinh thần nên không cho!
Tôi không còn cách nào từ chối. Lần trước tôi không cho anh binh sĩ khúc mì bây giờ tôi còn ân hận. Cho nên lần này tôi cho cậu ta một tí muối trắng – có thể đếm được bao nhiêu hạt.
Không biết anh lính đã bắt được con rắn mối và đã xơi hồi nào, chỉ còn lại cái đuôi. Anh ta ngữa bàn tay ra nhận mấy hạt muối của tôi, móc túi lấy ra cái đuôi con rắn mối và chấm ăn. Anh ta nhai rau ráu.
Anh ta nói:
- Không có muối tanh quá ăn vô cứ buồn nôn. Nhờ có muối của anh, em thấy khoẻ lại ngay. – Anh xoè bàn tay ra đưa lên miệng liếm nốt những hạt cuối cùng rồi anh ta nói tiếp: – gớm, đơn vị của em bị biệt kích một cú tơi bời. Mất nòng pháo 120. Em suýt chết. Đồ đạc mất hết! Đơn vị tan tác mà lại không lãnh được gạo. Em toàn bắt cua bắt nhái, nấu với rau giềnh chấm với tro thay muối. Ăn tro mãi, da cứ đen sịt ra, yếu như bún, ngã xuống không đứng dậy nổi. Nhiều đứa ăn da bò nướng với rau giềnh sống chấm tro bị kiết lỵ cứ chảy re re không mặc quần được. – Anh binh sĩ ăn xong cái đuôi con rắn mối chép chép miệng như còn thòm thèm – Muối tan trong máu em rồi đấy.! Này anh, em nghe nói ai bệnh được đưa về Bắc trở lại có không?
- Ai biết đâu việc đó.
Tôi và Thu không ai bảo ai nhưng đều muốn đứng dậy đi như lủi trốn cái hình hài này. Nhưng anh ta đã kể tiếp:
- Đơn vị em có một cậu tự vận anh ạ! Cậu ta tên Ngạc, quê ở Hà Đông. Cậu ta yếu không đi nổi, nhưng ông đại đội trưởng bắt phải đi, nhất thiết phải đi. Cậu ta năn nỉ anh em:”Các cậu khiêng tớ đi, tớ gọi các cậu bằng bố!” Nhưng đi còn không nỗi, ai còn sức mà khiêng?? Một buổi trưa ông đại đội trưởng kiểm tra đơn vị, tay cầm một củ mây. Gặp cái gì không như ý là ông ta quật lia lịa. Đến chỗ võng của Ngạc, ông ta hỏi:
- Cậu nào nằm đây?
- Dạ em! – Ngạc đáp.
- À, Ngạc hả? Cậu đã bắn vào ngón tay trỏ hôm ở trạm 3 phải không?
Ngạc không dám đáp lại. Ông ta hỏi tiếp:
- Tại sao lại nằm, không chuẩn bị hành quân?
- Dạ, em sốt quá!
- Tại sao sốt? muốn “quay” hả?
Thế là ông ta quật lia, rồi ông ta giật luôn dây võng, Ngạc rơi xuống đất, ông ta phớt tỉnh bỏ đi.
Anh em chuẩn bị hành quân. Ngạc soạn ba-lô lấy bộ đồ mới nhất ra mặc, bộ đồ Đông Xuân, Ngạc chưa xỏ chân vào lần nào. Anh em tưởng Ngạc phục thiện, và tự nguyện tiếp tục hành quân, nào ngờ trong lúc anh em đang loay hoay nấu nướng thì “đoàng”, Ngạc nằm thẳng trên võng, người mặc quân phục. Cây AK kề trên ngực và chỉ một viên, từ cằm trổ lên giữa sọ.
Tôi và Thu đứng dậy tạm biệt anh lính, như tạm biệt một sự đau thương đã hóa thành người. Trời ơi! Trời đất ơi! Sao lắm chuyện thế, mà chuyện nào cũng ghê rợn, oái oăm tàn tận, nghe như bịa chớ không có thật. Vậy mà vẫn là sự thật.
Chúng tôi đến một chỗ người đùn lại, chật ních như nêm.
Anh giao liên nói:
- Sắp đến đoạn đường gay go. Lấy đường thủy làm đường bộ. Các đồng chí chuẩn bị gói ghém đồ đạc. Phụ nữ thi phải cẩn thận, vắt nhiều dữ lắm. Đường đi 6 tiếng đồng hồ liền.
Thế là đi.
Tôi mới hiểu thế nào là đường thủy làm đường bộ. Nghĩa là tất cả người ngợm trai gái già trẻ Bắc Nam Trung, dân quân chánh, súng đạn đều trầm mình dưới nước mà lội, mà bơi, mà trườn, mà lặn. Con đường Trường Sơn vốn là con đường kỳ cục và chặng đường này chính là cái đỉnh của sự kỳ cục. Hai bên suối vách đá dựng đứng như tường xây, không có một chỗ nào có thể leo trèo đi trên đó được.
Cho nên người ta phải đi dưới lòng suối. Mấy hôm trước trời nắng, nước cạn, đi dưới lòng suối không việc gì. Nhưng chỉ sau cơn mưa vừa qua, suối to nhanh đến thế.
Hai ven suối người nằm như rạ. Không biết họ nằm từ bao giờ mà thấy có nhiều chiếc tăng đã rách và dây tăng thay bằng những sợi dây rừng. Có người nằm trong một hốc đá, có người mắc võng vào những cái rễ cây, có người mắc võng ngang qua một cái hố, nếu đứt võng thì gãy xương sống ngay. Ở một gốc cây có đến ba cái võng treo chụm vào nhau.
Không biết họ đến đây hồi nào và thuộc đơn vị nào. Có người nằm xếp ve như tàu lá, có người không còn cử động, chỉ chờ mối càng tới tha đi nữa thôi. Cố nhiên là họ không lãnh gạo được và khách đi ngang qua đây chỉ nhìn họ chắt lưỡi thương hại rồi cũng đi qua. Tôi thấy có người đã để lại cho một anh nằm trên phiến đá một hộp sữa đã khui rồi, như tế sống anh ta vì anh không còn làm gì được với hộp sữa đó ngoài việc lấy mắt nhìn nó cho đến lúc không còn nhìn được nữa thì thôi.
Họ không thể nào đi nổi chặng đường này vì họ không thể ngâm mình dưới nước. Mà từ nay sắp tới thì con suối luôn luôn phình lên tràn trề vì những cơn mưa không dứt.
Thu như con mắm sống dầm dưới nước, càng ngày càng tái ra.
Tôi bảo Thu:
- Cố gắng lên em! Mình càng đi chậm thì suối càng to, càng gặp nguy hiểm
Thu không nói không rằng cứ lê từng bước theo tôi.
Nước ngập lên thường xuyên đến ngực, có khi đến cổ, có khi đến mũi, phải ngữa mặt lên mà đi.
Đang lội, tôi bỗng thấy một vật gì lù lù từ trên trôi xuống thật nhanh. Nó lao thẳng vào tôi và Thu. Tôi nhận ra một cây súc to. Nó bị trốc gốc và nước cuốn phăng phăng theo dòng. Tôi quát:
- Tránh, Thu, tránh! Cây đổ!
Thu nhận ra ngay cái tai hoạ đang giáng xuống chúng tôi. Thu bươn người tới giơ thẳng hai tay ra cầu cứu với tôi. Tôi nắm chặt hai bàn tay và kéo nàng sát vào tôi rồi tôi lôi tuột nàng vào bờ, cả hai cùng đứng sát vào nhau trên một hòn đá và tựa lưng vào vách đá nhìn ra.
Cái cây súc như một con trâu điên thẳng trớn đâm đầu vào một gộp đá ở giữa dòng suối, bứng tung cái gộp đá này đi, gây nên một tiếng động khủng khiếp. Do cái chướng ngại đó, cái thân cây bỗng quay ngang, gốc cây đụng vào một bên, ngọn cây gác lên một bên bờ suối.
Thu đưa hai tay lên bịt mắt, còn tôi thì ôm chặt lấy nàng và ép sát nàng vào vách đá. Cả hai cùng chờ đợi một tai biến gì do cái thân cây quay ngang ấy gây ra.
Nhưng cái thân cây run run một chốc rồi nằm im như một chiếc cầu bắc ngang qua suối.
Tôi bảo Thu:
- Em xem kìa!
Thu vẫn bưng mặt và không ngớt kêu “eo ôi!” mãi.
Tôi hôn trên má nàng như hôn sự giá lạnh tê buốt. Có lẽ nàng cũng không cảm thấy cái hôn đó của tôi.
Bất thần tôi luồn tay ra sau lưng Thu và kéo riết nàng ghì chặt nàng vào thân tôi và môi tôi nhen lửa khắp trên mặt nàng lạnh lẽo như bãi tha ma.
Có lẽ không chịu nổi những cử chỉ bạo của tôi nàng xoay mình qua và cứ đứng nguyên như thể để cho tôi sưởi lấy nàng bằng ngọn lửa trong người tôi mà chính nàng đã nhóm lên cho tôi nhưng nàng không hề hay biết.
Mấy cậu lính lội ngang, nhìn chúng tôi:
- Cha cha! Của bạc nghìn mà đem ngâm dưới nước hé!
- Ối giào ồi! như thế kia thì có lên giời xuống đất em cũng xin đi!
Tôi và Thu lại tiếp tục cuộc đi khổ sai. Nước từ trên ngọn chảy xuống càng lúc càng mạnh, đập thẳng vào ngực tôi. Cứ sẩy chân một bước là bị nước cuốn đi ngay.
Một toán người khiêng một vật gì nặng quá! Có lẽ bốn anh chàng khiêng cái nòng pháo mà chúng tôi gặp chiều qua lúc vượt sông.
Họ đi thật vất vả, thật tội nghiệp. Nòng súng bị chìm khuất dưới nước chỉ còn thấy mấy sợi dây căng thẳng với chiếc đòn oằn. Họ nương nhau mà đi từng bước một. Có khi người này bước tới mà người này chưa tìm chỗ bám chân được thì người kia vẫn phải dừng lại chờ. Có khi cả mấy phút đồng hồ, bốn người vẫn đứng nguyên một chỗ.
Bỗng một người kêu lên:
- Chết, bỏ mẹ, kẹt chân ái..á…ái!
- Xỏ chân vô kẹt đá hả? Rút ra mau…!
Nhưng dòng nước đã đạp anh ta ngã xuống và tất cả những người kia cũng ngã theo. Ùm..ùm!…
Nhưng chỉ ba người đứng dậy được còn một anh thì bị nước cuốn trôi đi. Một người lao theo níu lại và lôi anh ta vào bờ.
Anh ta kêu trời như bọng:
- Gãy mẹ ống chân rồi!
- Chết cha, gãy chân à?
- Tớ không đứng dậy được nữa.
- Xeo chân vô kẹt đá mà, khổ quá!
Một người bảo:
- Chuyền tới báo cáo ban chỉ huy. Toán khiêng pháo bị nạn, cho người thay!
Lôi anh bạn gãy chân vào bờ xong, cả ba lao trở ra mò cái nòng pháo. Họ lặn dưới nước để kéo cái khối thép đó vô bờ. Cứ mỗi hơi lặn chỉ lôi nó vô được một quãng rồi lại ngóc lên thở phì phì như trâu bị cắt cổ, rồi lại lặn xuống. Cứ mỗi lần ngóc lên, họ vừa vuốt mặt vừa chửi đổng om trời.
- Ông..đếch lặn nữa. Hộc máu ra đằng đít rôi.
- Bác Hồ ơi là Bác Hồ ơi!
- Đếch có thằng nào tiếp.
Lôi xong cái nòng pháo vô đển mé bờ, họ không còn sức để kéo nó lên bờ nữa. Cả ba ngồi thở dốc. Còn anh bạn gãy chân ngồi ôm cái chân gãy mà rên:”ối giời cao đất dày ơi! ối cha mẹ ơi! Chắc con chết quá cha mẹ ơi!” vang dội cả lòng suối.
Một chốc thấy có một tốp người từ trên kia thả theo nước trôi xuống. Một người có vẻ chỉ huy. Anh ta quát:
- Cái gì la om vậy hả? Thằng nào lại bắn vào chân phải không?
- Báo cáo đồng chí khẩu đội trưởng: lòng suối trơn quá. Toàn đá đầu ông sư và rong rêu cho nên chân bị xeo vào kẹt đá.
Anh khẩu đội trưởng nhìn người lính bị gãy chân đang ngồi lê dưới đất. Anh ta hỏi:
- Gãy có nặng không? Cố gắng đi được không?
- Báo cáo khẩu đội trưởng, chắc em chết. Xin khẩu đội trưởng cho em một viên đạn cho mát thân.
Anh khẩu đội trưởng quay mặt ra lòng suối quát:
- Tất cả dừng lại, trở lại đây nghe lệnh tôi!
Những người có kỷ luật quay trở lại. Tất cả độ năm sáu người. Người nào người ấy xanh như mắm trở và gầy như cái que.
Anh khẩu đội trưởng quát:
- Chặt đòn khiêng đồng chí này, còn bao nhiêu thay phiên khiêng nòng pháo. Mau lên! không cãi! không được bàn tán. Lệnh!
Tôi thấy tất cả đứng im như đá.
- Nhanh lên! – Anh khẩu đội trưởng chống nạnh lên và quát.
Chập sau, người ta đã đốn được một cây đòn và soạn ba-lô của người bị thương lấy cái võng ra buộc vào đòn rồi bế anh ta đặt lên võng, hai người một đầu, người ta khiêng anh thương binh đi.
Còn lại cái nợ kia. Những người được phân công khiêng nòng pháo vẫn cứ đứng như trời trồng.
Anh khẩu đội trưởng quát:
- Lôi nòng pháo lên. Tiếp tục hành quân!
Mọi người vẫn đứng như chết. Anh khẩu đội trưởng phải chỉ định từng người một. Người nào cũng “vâng” mà mặt nhăn như bị.
Đến người thứ tư, anh khẩu đội trưởng hỏi:
- Đồng chí là Tửng, bí danh Quyết Thắng phải không?
- Vâng ạ!
- Thế thì đây là dịp may để biểu hiện cái tên của đồng chí.
- Dạ, em không khiêng ạ!
- Ơ… ơ… cái gì? – Anh khẩu đội trưởng giật nẩy người lên như bị ai thoi vào mạng mỡ.
- Dạ, em không khiêng được ạ!
- À thế hả? Tại sao?
- Em ốm ạ!
- Ốm cũng phải khiêng!
- Em không khiêng nổi ạ!
Anh khẩu đội
trưởng tròn xoe đôi mắt và anh gằn từng tiếng một:
- Tôi-lệnh-cho-đồng-chí!
- Tôi-lệnh-lại-cho-khẩu-đội-trưởng!
Pạch! Pạch!.. Tát đá túi bụi. Anh khẩu đội trưởng lại tát thêm một cái và nói rất dõng dạc:
- Tôi nhân danh bí thư chi đoàn khai trừ đồng chí Quyết Thắng ra khỏi chi đoàn.
Rồi anh ta hỏi:
- Đồng chí Quyết Thắng có nghe rõ không?
- Dạ, rõ ạ!
- Được rồi! – Anh khẩu đội trưởng móc súng ngắn giờ lên mổ mổ vào trán của Quyết Thắng. – Bây giờ tôi nhân danh khẩu đội
trưởng kiêm bí thư chi bộ ra lệnh cho đồng chí khiêng nóng pháo tiếp tục hành quân.
- Tôi ra lệnh lại cho đồng chí…
- Nghiêm! Câm mồm!
- Dạ, vâng ạ!
- Đồng chí bị khai trừ có chống chế gì không?
- Dạ, em nghĩ khẩu đội
trưởng làm như thế là khẩu đội trưởng thương em rất nhiều. Từ lâu em chỉ mong được có thế.
Anh khẩu đội trưởng nhảy cỡn lên như đạp phải lửa:
- Đồ láo! láo! – Anh ta nắm tóc Quyết Thắng giật mạnh làm cho Quyết Thắng lảo đảo rồi anh ta chĩa súng vào mang tai Quyết Thắng mà rít lên:
- Mày có chịu đi không, mày thằng chó!
- Em không đi nổi ạ!
- Tao bắn mày để làm gương.
- Vâng, em chỉ mong được có thế cho mát thân em.
Đoàng!
Tôi cố định thần để nhìn cho rõ, còn Thu kêu lên một tiếng thất thanh rồi gục mặt vào vai tôi. Nang vừa run vừa nói:
- Eo ôi! em hãi quá!
Làn khói bao trùm lấy cái đầu của nạn nhân và nòng súng ngắn, tan dần. Tôi thấy Quyết Thắng và anh khẩu đội trưởng vẫn còn đứng nguyên tại đấy.
Để chữa thẹn anh khẩu đội trưởng bảo:
- Tao tha cho mày lần thứ nhất – rồi anh ta hăng hái (!) bảo những người kia – Nào ta đi!
Anh ta kê vai vào đòn, nhưng lần này tới phiên những người kia noi gương Quyết Thắng.
- Chúng em không đi nổi ạ!
- Ơ kìa! Tôi đùa với các anh đấy phỏng?
- Dạ chúng em đói quá, không có muối, thịt cứ bợ ra, pháo nặng quá mà lại dầm mình trong nước…
- Ơ kia… giở cái giọng gì thế hả?
- Dạ chúng em không dám ạ.
- Tôi bắn chết các anh, tôi không ở tù.
- Vâng, thủ trưởng không ở tù.
- Đồ láo! Chát! chát! chát! Đ.m. chúng mày chống lệnh ông thì giết, ông thì giết!
- Giết cái đầu b…
Ba anh đội viên áp vào đánh viên chỉ huy của họ. Anh khẩu đội trưởng bị ngã xuống dòng suối nhưng tay còn giơ khẩu súng lục lên như đầu một con rắn độc. Chát! chát!
Ùm! ùm! Những người đứng trên bờ vác đá ném theo. Một anh quơ cây đòn khiêng pháo đập lia lịa. Nước tung trắng xoá chẳng còn trông thấy gì nữa.
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến