Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 33
C
hiều hôm sau Giác Tuệ lại thăm Giác Dân và cho chàng biết về cái chết của Lệ Mai. Giác Dân khóc. Hai người nói chuyện gần một giờ và Giác Tuệ ra về. Giác Dân tiễn chàng ra cửa. Giác Tuệ vừa bước qua ngưỡng cửa thì Giác Dân gọi chàng lại.
Giác Tuệ quay lại và hỏi, "Cái gì vậy?"
Giác Dân chỉ cười mà không nói gì.
Giác Tuệ tội nghiệp hỏi, "Anh cô đơn, phải không? Em cũng vậy. Ở nhà không ai hiểu em. Hoàng má má và Ðại tẩu và các em gái lúc nào cũng quanh quẩn hỏi em về anh. Nhưng cách suy nghĩ của họ khác hẳn anh và em. Em cảm thấy cô lập. Nhưng em biết em phải kiên nhẫn, và anh cũng vậy. Anh thế nào cũng thắng."
Nước mắt lấp lánh trong mắt Giác Dân, "Anh hơi sợ."
Giác Tuệ cố gắng một nụ cười an ủi, "Sợ cái gì? Anh không thể thua được."
"Anh sợ sự cô đơn. Anh cô đơn lắm!"
Giác Tuệ cố gắng giữ một bề ngoài vui vẻ, "Nhưng anh không nhớ - anh có hai người chiến đấu bên anh."
"Bởi vì em quá thân với anh nên anh lúc nào cũng muốn gặp em. Nhưng nàng không thể tới thăm anh được, và bây giờ em lại ra về."
Giác Tuệ rất khôn khéo. Chàng quay đầu đi để người anh không trông thấy mắt chàng bắt đầu ướt, và vỗ vai Giác Dân. "Hãy kiên nhẫn. Không lâu nữa đâu. Anh chắc chắn sẽ thắng."
Tác Nhân lúc ấy vừa bước ra và đứng bên cạnh hai anh em. Chàng hỏi, "Tại sao hai anh không nói chuyện trong nhà?" Chàng mỉm cười và nói thêm, "Hai anh phải thận trọng hơn nữa."
Giác Tuệ chào Tác Nhân và nói, "Tôi đang đi về đây." Khi chàng bước đi, chàng nghe thấy Tác Nhân nói với Giác Dân, "Chúng ta nên vào trong nhà."
Giác Tuệ đã an ủi Giác Dân, "Anh chắc chắn sẽ thắng." Nhưng bây giờ chàng chua chát tự hỏi - Có thể nào chiến thắng không? Phải bao lâu mới đạt tới chiến thắng ấy? Nhưng vào lúc chàng tới nhà Ngọc Cầm, chàng đã quyết định - Không quan tâm đến chuyện ấy nữa. Chúng ta sẽ chiến đấu tới cùng, dù có ra sao cũng được!
Sau khi chào hỏi bà cô, chàng bước vào phòng Ngọc Cầm. Chàng nói thẳng vào vấn đề, "Tôi vừa lại thăm Giác Dân. Anh ấy bảo tôi nói với cô rằng anh ấy bình thường."
Ngọc Cầm đang viết một lá thư. Nàng vội buông bút và nói, "Cám ơn anh ấy, và cám ơn anh nữa. Tôi đang viết thư cho anh ấy."
Giác Tuệ mỉm cười, "Không cần phải nói tôi sẽ là người giao thư cho cô." Chàng liếc nhìn lá thư và nhận thấy mấy chữ "Lệ Mai" hiện ra tại một vài chỗ. Chàng hỏi, "Cô đang viết về Lệ Mai phải không? Tôi đã cho anh ấy biết rồi. Hãy cho tôi biết, phản ứng của cô trước cái chết của Lệ Mai thế nào?"
"Như tôi đã viết trong lá thư này, tôi sẽ không bao giờ trở thành một Lệ Mai thứ hai. Mẹ tôi cũng không chịu như thế. Mẹ tôi nói sau khi trông thấy đám ma của Lệ Mai ngày hôm qua, mẹ tôi rất run sợ. Bây giờ mẹ tôi sẵn sàng giúp đỡ tôi." Ngọc Cầm nói một cách cương quyết. Nàng không còn lo lắng tuyệt vọng như mấy ngày hôm trước.
"Ðấy là một tin tốt đẹp. Cô nên cho anh ấy biết ngay đi." Giác Tuệ giục nàng viết xong lá thư. Hai người nói chuyện vài phút, rồi Giác Tuệ quay trở lại nhà Tác Nhân.
Dĩ nhiên cả Giác Dân và Tác Nhân đều vui mừng trước cái tin ấy. Ba người nói chuyện rất lạc quan trong suốt một giờ liền. Ðến lúc ấy Giác Tuệ phải về nhà.
Trong dinh cơ, chàng thấy một đám vài người tụ tập bên ngoài cửa sổ phòng của ông nội, đang ngóng cổ ra nghe ngóng. Việc như thế này rất thường xảy ra trong dinh cơ nhà họ Cao, và Giác Tuệ không để tâm. Bước vào phòng đại sảnh, chàng sắp sửa đi vào phòng ông nội thì chàng nghe thấy tiếng khóc của một người dàn bà bên trong. Chàng nhận ra tiếng khóc của ai. Ðó là tiếng khóc của bà Thẩm, vợ của chú Khắc Ðịnh. Theo sau tiếng khóc là tiếng chửi mắng và tiếng ho của ông nội.
Giác Tuệ tự nhủ, Ta biết sớm muộn cũng sẽ có sự khôi hài như thế này. Chàng dừng lại bên ngoài cửa.
Giọng ông già rung lên gì giận dữ, "Hãy đem nó đến đây ngay! Các ngươi sẽ thấy ta trừng trị nó như thế nào. Ta đã có quá đủ những hành dộng bậy bạ của nó rồi!" Ông già lại ho rũ rượi, xen kẽ với tiếng khóc của bà Thẩm.
Tiếng một người đàn ông thì thầm, "Vâng ạ" vài lần. Rồi màn cửa kéo ra và bộ mặt đỏ bừng của chú Khắc Minh hiện ra. Vào lúc ấy thì Giác Tuệ đã rời khỏi toà đại sảnh rồi.
Trong số những người đứng xem bên ngoài cửa sổ là cô em gái Thục Hoa của chàng. Khi Thục Hoa trông thấy Giác Tuệ, nàng bước lại gần và hỏi, "Tam ca, anh có biết chuyện của chú Khắc Ðịnh không?"
Giác Tuệ gật đầu, "Anh đã biết một thời gian rồi." Chàng chỉ tay về phòng của ông nội, rồi khẽ hỏi, "Làm sao họ biết được?"
Thục Hoa nghiêm trọng trả lời, " Ngũ Thúc có một vợ bé bên ngoài. Chú thuê một căn nhà cho cô ta. Không ai trong nhà biết chuyện này. Chú lấy hết cả nữ trang vàng bạc của thím Thẩm; chú nói chú cho một người khác mượn để chép kiểu mẫu vàng. Khi thím Thẩm cứ đòi chú ấy trả lại thì chú ấy nói chú làm mất rồi. Mấy tháng nay chú đi ra ngoài mỗi ngày; ban đêm chú về nhà rất trễ. Thím Thẩm thì quá mải mê chơi mà chược nên không để ý gì cả. Sáng hôm qua thím tìm thấy một tấm hình đàn bà trong ví của chú. Khi thím hỏi chú về tấm hình, chú không chịu nói người ấy là ai. Tình cờ chiều hôm qua thím Thẩm đi mua sắm và trông thấy một người đàn bà bước xuống kiệu của chú Khắc Ðịnh ngay tại thương xá, và có Cao Chung là đầy tớ của chú Khắc Ðịnh đi sau người đàn bà ấy.
"Hôm nay thím Thẩm tìm cách giữ Cao Chung ở nhà, và thím bắt hắn phải nói rõ sự thực và được biết chú Khắc Ðịnh đã đem cầm một số nữ trang của thím, và cho người đàn bà ấy một số nữ trang. Bây giờ thím Thẩm than phiền chuyện này với ông nội. Vợ bé của chú Khắc Ðịnh là một con điếm. À còn nữa, người ta nói chú Khắc Ðịnh đã bắt đầu hút thuốc phiện; chú bị nghiện rồi, và vợ bé của chú cũng hút."
Thục Hoa kể liên hồi không muốn dừng lại, cho Giác Tuệ biết hết cái vụ tai tiếng này. Giác Tuệ không ngạc nhiên và cũng không quan tâm. Chàng biết cái gia đình này là một cái vỏ trống rỗng và sớm muộn cũng xụp xuống. Không ai có thể giữ vững được nữa - dù ông nội chàng hoặc bất cứ người nào khác. Ông nội chàng thì đã suy sụp mau lẹ rồi. Ðối với Giác Tuệ thì ông nội chàng dường như đứng trước ngưỡng cửa của sự rực rỡ. Sức mạnh luân lý của ông vượt quá cái gia đình lung lay của ông.
Ngày hôm nay chàng hứng khởi hơn bao giờ hết. Sự phấn đấu giữa cha mẹ và con cái cho quyền tự do, tình yêu và kiến thức sắp sửa kết thúc một cách tốt đẹp. Cái thời đại bi kịch của Lệ Mai sẽ sớm chấm dứt, nhường chỗ cho thời đạI mới, một thời đại của những người con gái như Ngọc Cầm, hoặc những người tân tiến hơn nữa như Hạ Kim Ngọc. Ðó sẽ là thời đại của Giác Dân và của chàng. Giới trẻ của thời đại này sẽ không bao giờ bị thất bại bởi những gia đình cổ hủ, thối nát, và ngay cả phạm tội ác. Giác Tuệ tin chắc chiến thắng sẽ được bảo đảm.
Chàng mạnh mẽ vùng vẫy như thể hất đi gánh nặng của những năm chua chát và đau đớn. Chàng hãnh diện và hùng hổ nhìn quanh, và chàng nghĩ: Hỡi gia đình cổ, hãy chờ xem. Ngày tàn của ngươi sẽ tới ngay!
Dĩ nhiên Thục Hoa không biết được những gì đang xảy ra trong tâm trí Giác Tuệ. Chàng không trả lời em gái, và nàng có thể trông thấy chàng chán nản không chú ý. Nàng vội vàng trở lại chỗ đứng nghe lén bên ngoài cửa sổ.
Giác Tuệ bước trở về phòng chàng. Ngay sau đó chàng quan sát qua cửa sổ thấy Khắc Minh trở về cùng với Khắc Ðịnh theo sau. Kế đó từ phòng ông nội, vang lên những tiếng mắng chửi nhắm vào Khắc Ðịnh. Cuối cùng tiếng mắng chửi chấm dứt, và đám người bên ngoài cửa sổ có vẻ rất hào hứng, như thể được chứng kiến một chuyện gì bất ngờ.
Giác Tuệ lẩm bẩm, "Ta vẫn nói tình yêu gia đình chỉ là một trò hề."
Giọng nói của những người bên ngoài cửa sổ bỗng to lên, và bỏ chạy toán loạn để báo tin.
"Ông nội đánh chú Khắc Ðịnh!" Giác Xuân, người em họ của Giác Tuệ, bỏ chạy băng qua hoa viên, bỗng dừng lại báo cái tin này cho Giác Anh, một người em họ khác của Giác Tuệ.
Giác Anh ngạc nhiên, "Thực hả? Tại sao anh bỏ chạy?"
"Ta phải bảo cho Lục ca tới xem. Một người lớn như chú Khắc Ðịnh bị đòn!" Giác Xuân vừa cười vừa chạy lao đi.
Cuối cùng Giác Tuệ cũng chú ý, và bước về phía phòng ông nội. Có ba người đứng xem qua tấm màn cửa, chặn lối vào. Không muốn chen vào giữa họ, Giác Tuệ bước tới một cửa sổ. Nhiều người cũng đang đứng tại đó và lắng nghe. Một vài người mang theo ghế và quỳ lên, và ghé nhìn vào qua khe hở của những khuôn cửa sổ bằng giấy.
Nhưng không có âm thanh của sự đánh đập, chỉ có giọng giận dữ của ông già.
"Một người ở tuổi của ngươi, có con gái đang lớn lên - ngươi vẫn chưa học cách cư xử! Thật là một thí dụ tốt đẹp mà ngươi cho con ngươi. Thục Trân, con hãy xấu hổ vì nó. Nó không đáng làm cha của con!"
Giác Tuệ không thể tự nín cười.
Ông già bật ho, và sau một lúc lại bắt đầu bài giảng.
"Ngươi thực là cực kỳ vô sỉ. Sự học hành của người có ích dụng gì không? Lừa dối vợ mượn nữ trang rồi đem đi cầm! Ta cho ngươi ba ngày phải đem tất cả về đây!" Cao Ðại lão gia cứ tiếp tục chửi mắng Khắc Ðịnh, và cuối cùng lão nói, "Ngươi là đồ súc sinh. Ta che chở ngươi chỉ vì ngươi là một đứa con thông minh. Ta không ngờ ngươi báo đền ta bằng một sự sỉ nhục như thế này. Người đền đáp lòng ta như thế nào? Bằng cách lừa dối ta! Quân cẩu trệ! Hãy vả mặt ngươi đi! Hãy tự vả vào mặt đi!"
Kế đó là âm thanh của bàn tay tát vào má. Giác Tuệ vội vã bước lại cửa phòng ông nội. Chàng khẽ nói với Thục Hoa đang nghiêng người ghé nhòm qua tấm màn cửa, "Cho anh nhìn coi." Chàng lấn qua em gái và đứng ngay tại lối vào phòng.
Khắc Ðịnh đang quỳ thẳng người, tự vả vào má mình, cả má phải và má trái. Bộ mặt gầy hõm của ông ta đỏ bừng lên. Tuy vợ và con gái đứng trước mặt ông, nhưng ông không tỏ vẻ xấu hổ. Ông vẫn tiếp tục vả mặt mình.
Nhưng hành động tự sỉ nhục này không thoả mãn Cao Ðại lão gia. Lão bắt Khắc Ðịnh phải kể hết câu chuyện bẩn thỉu này - tại sao ông ta chơi bời với các người xấu và rơi xuống hố như thế, sự liên hệ với người con gái điếm ấy, căn phòng ông thuê cho người gái điếm, ông cầm nữ trang của vợ thế nào.
Tự nguyền rủa mình, Khắc Ðịnh kể ra hết, kể cả những chuyện Cao Ðại lão gia không bao giờ ngờ. Ông ta đã mang nhiều món nợ, một số nợ là vì thua bạc, vay mượn tiền dưới tên của ông già. Hơn nữa, ông ta được người em Khắc An trợ giúp trong những việc xấu xa này. Ðúng ra Khắc An cũng bị trách nhiệm một phần làm ông ta đi vào con đường nợ nần.
Cao Ðại lão gia rất đỗi kinh ngạc. Ngay Giác Tuệ cũng không ngờ vấn đề đi quá xa như vậy.
Giác Tuệ không thể không chú ý tới sự tương phản giữa người chú thứ năm Khắc Ðịnh này với người anh Giác Dân của chàng. Giác Dân, mười chín tuổi, bị kẻ thù bao vây, chỉ cầm cự được là nhờ ở niềm tin và lòng hào hứng, đang can đảm chiến đấu chống lại gia đình đang thù nghịch chàng. Khắc Ðịnh đã trên ba mươi tuổi, cha của một cô gái mười ba tuổi, quỳ trên nền nhà, tự vả vào mặt mình, tự nguyền rủa và nói xấu mình, làm liên lụy đến người khác, không có một sự phản kháng nào dù là lời nói hay hành động. Ông ta làm theo lệnh của cha mà không do dự, mặc dù ông ta không đồng ý với những gì Cao Ðại lão gia nói. Trước sự hăm dọa của ông già bướng bỉnh, phản ứng giữa hai thế hệ già trẻ hoàn toàn khác nhau đến thế nào! Giác Tuệ hãnh diện với thế hệ trẻ của chàng. Nhìn Khắc Ðịnh, chàng khinh bỉ nghĩ: Loại người như ông chỉ có thể tìm thấy trong thế hệ của ông, chứ không bao giờ tìm thấy được trong thế hệ của chúng tôi. Rối chàng bước đi.
Cao Ðại lão gia ho rũ rượi, và ra lệnh cho Thục Trân đi tìm Khắc An. Một lát sau cô gái trở lại và cho biết Khắc An không có nhà. Lão già chửi thề và đập bàn và quát hỏi Thục Trân, "Tứ Thẩm của ngươi đâu? Bảo nó đến đây ngay."
Bà Vương vợ của Khắc An đang đứng nghe lén bên ngoài cửa sổ. Khi trông thấy Thụv Trân đi tìm bà, tuy bà sợ hãi nhưng cũng đành phải bước vào.
Cao Ðại lão gia to tiếng hỏi chồng bà Khắc An đi đâu. Bà Vương nói bà không biết. Lão gìa liền hỏi khi nào Khắc An trở về. Bà trả lời bà cũng hkông biết.
Cao Ðại lão gia đập bàn và quát lên, "Tại sao ngươi không biết? Thực là ngu đần!"
Vừa tức giận vừa xấu hổ, bà Vương cúi đầu xuống. Bà nghĩ bà trông thấy Trần Di Thái vừa nhăn mặt chọc quê bà. Bà muốn nói vài lời trả đũa người hầu thiếp già này, nhưng vì trước mặt Cao Ðại lão gia, bà không dám. Bà cũng không dám khóc nữa.
Lão già lại bật ho rũ rượi. Trần Di Thái vội vàng đấm lưng cho lão và khuyên lão, "Ðừng tự làm khổ vì bọn chúng nó. Chúng không đáng gì đâu!"
Dần dần Cao Ðại lão gia bình tĩnh trở lại. Cơn giận dữ của lão thay thế bằng một sự buồn chán cùng cực mà lão chưa bao giờ buồn chán đến thế. Lão mệt nhoài, nhắm mắt lại và nằm ngả người xuống ghế trường kỷ.
Lão khẽ vung tay ra hiệu, "Chúng bay đi hết đi. Ta không thể nhìn mặt chúng bay được nữa."
Mọi người đang mong ước được giải tán nên vội vàng đi ra ngay. Khắc Ðịnh đứng dậy và dón dén bước ra. Trong phòng chỉ còn một mình Cao Ðại lão gia với Trần Di Thái. Lão cũng không muốn nhìn Trần Di Thái nữa. Lão chỉ muốn một sự bình yên và yên tĩnh. Lão bảo Trần Di Thái đi ra ngoài, rồi nằm xuống ghế trường kỷ và thở dốc.
Rồi lão lại mở mắt. Lão dường như trông thấy nhiều hình thể và khuôn mặt lướt qua trước mặt lão. Không một người nào nhìn lão mà có thiện cảm. Ðó là các con trai của lão, say mê tửu sắc, khinh bỉ lão, nguyền rủa lão sau lưng lão. Ðó là những đứa cháu trai của lão, hãnh diện đi trên con đường của chúng và từ bỏ lão, một lão già yếu đuối, không còn sức mạnh để ngăn chặn những đứa con trai này.
Lão chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng như thế. Có phải những hy vọng của lão chẳng là gì cả, chỉ là những giấc mộng xuông? Lão đã xây dựng cái gia đình này, cho tới lúc lớn mạnh và giầu sang. Bằng cách tàn nhẫn và độc tài, lão đã kiểm soát tất cả, thoả mãn tin rằng cái gia đình này sẽ tiếp tục thịnh vượng hơn. Thế mà kết quả của những cố gắng của lão chỉ đem lại sự cô đơn. Tuy lão đã thử thách sức khỏe suy tàn đến cùng cực để nắm vững sự việc, nhưng hiển nhiên là lão không thể nắm vững được nữa.
Ðiều đó chắc chắn rồi - gia đình này sẽ suy xụp. Lão đã có những điềm báo gia đình này sẽ chấm dứt như thế nào. Ðiều ấy có lẽ sẽ xảy rất sớm. Lão không có cách gì ngăn chặn lại được nữa. Nhìn lại cái gia đình giầu có mà lão đã tốn nhiều năm để xây dựng, Cao Ðại lão gia chỉ cảm thấy vô dụng và trống rỗng.
Lão mệt mỏi tựa người trên ghế trường kỷ, bị bỏ rơi, chua chát và cô đơn. Lần đầu tiên lão biết rõ vị trí của lão trong gia đình. Không những lão mất đi niềm kiêu hãnh - ngay cả những người lão trông cậy để giữ vững đời sống gia đình hàng ngày cũng tỏ ra vô dụng. Ðây là lần đầu tiên lão cảm thấy thất vọng, bất mãn và chìm vào tuyệt vọng. Và cũng là lần đầu lão biết rằng lão đã làm nhiều sai lầm; nhưng lão cũng không biết rõ những sai lầm ấy là gì. Ngay cả nếu lão biết rõ thì cũng đã quá trễ rồi.
Lão dường như nghe thấy Khắc Ðịnh cãi nhau với vợ, và Trần Di Thái chửi rủa ai đó. Khắp nơi trong gia đình là cãi cọ, bất hoà và những âm thanh khó chịu. Lão bịt tai lại, nhưng lão không thể ngăn cản được những âm thanh ấy. Lão phải tìm một chỗ nào im lặng. Lảo đảo đứng dậy, lão lê chân vào giường. Căn phòng bỗng quay lộn. Lão lảo đảo; mắt lão tối đen. Lão không biết gì nữa cho đến khi bị đánh thức bởi tiếng kêu thét kinh hoàng của Trần Di Thái.