Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 31
N
ghĩ lại thời gian ở chiến trường, thật là kỳ lạ. Tôi cảm giác như có một lực lượng siêu nhiên nào đó bảo vệ che chở cho tôi. Khi tôi bắn súng lên trời bị phát hiện, tôi không còn ở tổ chiến đấu nữa. Trên điều động tôi làm những công việc khác như cáng thương, anh nuôi, liên lạc. Không phải làm những việc ấy là bớt nguy hiểm đâu. Tôi nhớ có bận phải gánh cơm qua một cánh rừng để tiếp tế cho hai tiểu đội đang chốt quân ngoài bìa rừng, tôi đã rơi vào một ổ phục kích của đối phương. Quân địch muốn vào rừng để xua đuổi chúng tôi nhưng không vượt qua nổi tuyến bìa rừng của chúng tôi. Chúng liền phái một tổ biệt kích đột nhập. Gặp tôi, chúng liền nổ súng. Giặc bắn như vãi đạn quanh tôi, đáng lẽ tôi phải nằm xuống rồi bắn trả lại, nhưng tôi có mang theo súng bao giờ. Tôi chỉ biết chạy và chạy thục mạng. Ấy thế mà lạ chưa! Tôi chẳng hề gì.
Lại một lần khác, tôi nhận nhiệm vụ đưa báo cáo của đại đội lên trung đoàn. Tôi đang đi trong một khu rừng thưa thì bị một chiếc máy bay trực thăng Mỹ phát hiện. Tôi chúi vào những bụi cây ẩn nấp. Súng bắn từ trên cao xuống các lùm cây. Đạn rơi xuống gần chỗ tôi trú ẩn. Lợi dụng lúc máy bay lướt qua chưa vòng lại, tôi nhổm dậy chạy thục mạng. Vừa chạy vừa nghĩ: “Lần này khó thoát thân. Nếu nhận ra mình đi một mình và không có súng, bọn chúng có thể hạ máy bay và vây bắt sống mình”. Nghĩ vậy nên khi thấy trước mặt là một hẻm núi. Tôi nghĩ đằng nào cũng chết, nên nhảy bừa xuống hẻm. Tôi nhắm mắt lại nhảy, mặc kệ muốn ra sao thì ra. Những cành lá rậm rịt đã cản lại, làm tốc độ rơi của tôi giảm hẳn. Nhờ thế tay tôi chợt nắm được một cành cây. Tôi nhìn xuống, cứ tưởng phía dưới chân tôi là một vực sâu thăm thẳm. Hóa ra không phải. Gần ngay chân tôi là một mỏm núi nhô ra. Tôi ước lượng, tính toán rồi buông tay. May mắn thay, tôi đã rơi xuống một nệm lá khô dầy. Mỏm núi đó cũng là một cửa hang nhỏ. Tôi chui vào hang. Chiếc máy bay trực thăng còn lượn mấy vòng, bắn vài băng đạn vu vơ rồi mới bay đi mất dạng.
Tôi nhận được thư của sư thầy Khoan Độ từ chùa Sọ. Đã mấy năm trời mới nhận được lá thư, cho nên tay tôi cầm lá thư mà lòng run lên với bao nỗi niềm. Lá thư nhàu nát ấy đến được tay tôi cũng thật lạ kỳ. Sư thầy không gửi nó đi theo con đường bưu điện chính thức, mà gửi đi một cách hú họa. Nghĩa là thầy đã gửi trao tay cho một người lính đi B. Người lính ấy vào Nam, gặp bất cứ người lính nào cũng hỏi:
- Đơn vị cậu có một ông sư nào nhập ngũ không? Tớ có một lá thư từ một ngôi chùa gửi cho cậu lính sư ấy.
Cuối cùng anh ta bị thương, được đưa đến trạm quân y của Huệ. Anh ta lại đưa lá thư ra và đặt câu hỏi y như mọi lần. Huệ cầm lá thư mà phong bì đã rách, mà nét chữ bên ngoài đã mòn, đã mờ rất khó đọc. Tuy nhiên Huệ còn nhận ra dòng chữ: Người gửi: Sư thầy chùa Sọ. Chữ sư thầy thì đã mòn hẳn đọc không được. Nhưng chữ chùa Sọ thì còn rõ rành rành. Thành thử cô y sĩ chỉ căn cứ vào hai chữ ấy có thể đoán ra toàn bộ. Đó là lá thư của sư thầy Khoan Độ gửi cho người sư đệ là chú tiểu An. Lá thư không dài. Chữ viết nguệch ngoạc. Đó là một kỳ công của sư thầy Khoan Độ vì thầy có được học hành mấy đâu. Sư thầy thấy chuyện này quan trọng nên muốn tự tay mình viết cho sư đệ.
Nội dung để báo cho tôi biết chị Nguyệt tôi đã lấy anh Hạ, một người có vẻ bề ngoài hung dữ nhưng thực chất lại là người tốt bụng, chất phác. Được tin ấy, tôi vui mừng vô hạn, nhất là ở cuối thư, lại được biết thêm chị Nguyệt đã sinh được một cháu gái mà sư cụ đặt tên cho là Tâm Như.
Số phận chị Nguyệt là điều tôi rất lo lắng. Nhưng nay, chị tôi đã yên bề gia thất. Cha mẹ tôi ở thế giới bên kia, biết được tin này chắc cũng hoan hỉ như tôi...
* * *
Chính vào thời gian tôi nhận được lá thư; một sự kiện đã xảy ra mà suốt đời tôi không thể quên được. Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ phải nhổ được cái chốt trên cao điểm 303. Đó là một ngọn đồi cao khoảng hai trăm mét. Nó nằm tựa lưng gần một khu rừng. Trước mặt nó là một thung lũng khá rộng có con đường nhựa chạy qua. Nó sừng sững nằm đấy khống chế toàn bộ khu vực, ngăn không cho quân ta từ phía bắc thâm nhập vùng phía nam thung lũng, nơi dân cư tập trung.
Vì là một điểm quân sự quan trọng, nên quân ta cố gắng chiếm và quân địch cố gắng giữ. Cuộc giành giật liên tục xảy ra suốt ngày đêm. Bom đạn đổ xuống quả đồi nhỏ bé. Đại đội của tôi vừa đẩy lùi xong một đợt tấn công của địch. Tranh thủ lúc tiếng súng thưa thớt, tổ tải thương chúng tôi leo lên đỉnh đồi 303.
Trung đội trưởng Trắm bị thương ở bụng. Mảnh đạn pháo cắt rách da bụng. Ruột anh phòi ra trắng hếu. Anh cố lấy cái áo ấn vào. Trắm trông thấy tôi, vẫy tay:
- An. Lại đây.
Tôi vội lấy băng, băng chặt lại cho anh. Trong lúc tôi làm, anh phều phào nói:
- Mày thấy chưa. Chúng nó có thương mình đâu. Chắc phen này tao chết mất An ạ.
- Anh đừng bi quan. Ruột không việc gì. Đưa về trạm quân y, cái Huệ nó chỉ khâu một loáng là anh khỏi ngay.
- Tao hỏi câu này mày đừng giận. Tao hỏi: Mày có là người không?
- Em là người chứ. Sao anh hỏi thế.
- Đã là người thì phải biết căm thù. Sao mày cứ bắn lên trời. Trả thù cho tao nhé. Tao biết. Tao bị thương nặng lắm. Đây súng của tao đây. Bắn hộ tao. Bắn bỏ mẹ chúng nó đi cho tao nhé.
Tôi cầm lấy khẩu AK của Trắm, khoác lên vai. Chúng tôi khiêng Trắm vào đến rừng, máu ra nhiều quá Trắm đã mê man bất tỉnh. Chúng tôi bàn giao Trắm cho những người khác đưa anh đến trạm quân y. Còn chúng tôi lại tiếp tục lên đỉnh đồi.
Lúc này, trên cao điểm còn khoảng mười người dưới sự chỉ huy của Tiến. Tiến đã được đề bạt làm tiểu đội trưởng. Cái đận anh về phép lúc sắp đi B, vợ anh đã có mang. Đẻ được thằng con trai đã gần ba năm. Câu nói nổi tiếng trong đại đội của Tiến là:
- Bây giờ tớ đã có đứa chống gậy. Đánh nhau lúc này là vô tư đi, thằng Mỹ nào mà gặp tớ lúc này là chỉ có toi thôi.
Mà cũng lạ thật. Kể từ lúc biết tin vợ đẻ con trai, Tiến đánh giặc hăng hẳn lên. Khét tiếng toàn trung đoàn. Đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Chiến hào trên đồi 303 nằm song song với con đường trong thung lũng. Đối phương tấn công chúng tôi từ ba phía. Hướng chính là từ con đường đánh lên. Phía này sườn núi thoai thoải. Hai đầu phải, trái là hướng phụ, vì sườn núi ở hai phía đều dốc đứng. Tiến chia tiểu đội thành bốn nhóm. Hai nhóm ở hai đầu và hai nhóm ở hướng chính. Tiến đeo lủng lẳng quanh thắt lưng mười quả lựu đạn mỏ vịt của Mỹ, tay cầm khẩu AK. Anh bảo tôi:
- Thằng An hôm nay hãy thôi làm sư đi. Mày phải giúp tao. Bảo rằng thằng địch tấn công ta theo ba phía là không đúng, thực chất, nó tấn công theo bốn phía. Phía thứ tư không phải sau lưng, vì nó mò ra sau lưng là chết với quân ta luôn vì hướng đó là rừng. Hướng thứ bốn là ở trên trời bắn xuống. An! Mày phải giúp tao chặn phía trên trời. Hiểu chưa. Chỉ một lát nữa thôi chúng nó sẽ cho trực thăng bay sát trên đầu chúng ta rồi xả đại liên và bắn rốc két - Nói đến đây Tiến cười mỉm. Giọng nó nghiêm trang nhưng không giấu được vẻ giễu cợt châm biếm tôi - An ạ. Lần này tao không bắt mày giết hại sinh linh. Mày chỉ phải nhắm vào chiếc máy bay mà xả súng. Máy bay không phải là người. Mày hiểu tao nói rồi chứ. Tao lạy mày đấy. Tao van mày đấy. Chắc mày không muốn tao chết chứ. Ở trên máy bay trực thăng bắn xuống dễ trúng lắm. Đây khẩu trung liên này, tao giao cho mày. Nếu mày cứ nhắm vào nó mà bắn liên tục, thì dù thằng giặc lái có giỏi đến đâu cũng phải sờn lòng để tay lái chệch đi hoặc bắn súng chệch đi. An ơi. Tao không muốn bị chết vì mấy thằng phi công Mỹ hợm hĩnh đó. Nếu tao sống tức là trận địa còn đứng vững. Mày hiểu rồi chứ. Bằng lòng giúp tao rồi chứ. Mày đừng sợ. Cứ nhắm thẳng máy bay mà bắn. Có thể mày vừa bắn vừa kêu lên. Cái máy bay không phải thằng người. Thế nào. Mày hiểu ý tao chưa. Mày nên biết nhiệm vụ của mày rất quan trọng. Tao sống hay chết là nhờ ở mày.
Khi những chiếc trực thăng xuất hiện ở giữa thung lũng, thì tôi hoàn toàn hiểu sự nghiêm trọng trong những lời nói của Tiến. Lúc ấy tôi không phải hiểu biết bằng lý trí mà bằng bản năng. Bản năng sống. Muốn sống. Từ xa chiếc máy bay đã phóng một quả tên lửa. Không trúng. Đất đá văng tung toé. Tiếng nổ làm tôi bừng hiểu không phải chỉ riêng đe dọa sự sống của Tiến, mà đe dọa đến sự sống của tất cả trong đó có cả tôi.
Không phải là tôi suy nghĩ trật tự và gãy gọn như thế. Có thể là tôi mới chỉ thoáng nghĩ thì chiếc trực thăng đã ầm ầm xô tới. Tôi nhắm vào cái thân xác khổng lồ quái vật của nó, rồi bóp cò. Chiếc máy bay cũng vãi đạn xuống quả đồi. Nhưng đúng như lời Tiến nói, những viên đạn của tôi đã buộc chiếc máy bay phải bay chệch đi. Những đầu đạn trút cả xuống sườn đồi trước mặt, làm cho bụi đất tung lên mù mịt. Chiếc máy bay thứ nhất vừa mất tăm thì chiếc máy bay thứ hai xuất hiện. Lần này tôi bắn nó từ cự ly xa hơn. Tôi trông thấy cả người lính Mỹ mặt đỏ gay trong buồng lái. Lần này, không chỉ riêng tôi bắn mà các tổ khác cũng bắn. Phối hợp với hai chiếc máy bay, bộ binh địch từ hướng chính cũng ào ạt xông lên. Tiến vung tay ném lưu đạn. Tổ bên cạnh bắn một phát tên lửa chống tăng. Khắp nơi ồn ã tiếng nổ. Cùng lúc ấy, chiếc máy bay chẳng biết bị dính đạn của tổ nào đang cháy bùng bùng trên trời. Có lẽ đạn bắn vào thùng xăng. Con quạ lửa bay xuống thung lũng rồi phát một tiếng nổ rất to, dựng lên một cột khói đen kịt khổng lồ giữa thung lũng. Quang cảnh ấy có lẽ làm nản lòng đại đội lính địch đang tiến công. Ở trên đồi nhìn xuống hướng chính, thấy quân địch đã bắt đầu tổ chức rút lui.
Cuộc giành giật cao điểm 303 đã diễn ra suốt một ngày, một đêm. Và chúng tôi vừa mới đẩy lùi được một đợt tiến công của địch. Anh em chúng tôi đứng trong chiến hào ôm lấy nhau mừng chiến thắng. Lúc ấy quả đồi 303 im lặng một cách kỳ lạ. Không một tiếng súng của địch cũng như của ta. Có lẽ cả những con chim cũng phải ngạc nhiên về sự im lặng ấy. Súng đạn đã đuổi hết chim muông trốn vào rừng sâu. Hình như chỉ có giống quạ là dạn dày với tiếng nổ nhất. Có một đôi quạ vẫn lởn vởn ở vùng này. Mặc cho con người bắn giết nhau, chúng vẫn lủi thủi ở những ruộng ngô, nương sắn quanh vùng. Cứ làm như cuộc chiến này không can hệ đến chúng. Thậm chí cuộc chiến có khi còn làm lợi cho chúng. Bởi vì súng đuổi hết chim muông, thì chúng sẽ không có đối thủ cạnh tranh. Sâu bọ thức ăn sẽ nhiều hơn. Miễn là chúng phải tránh xa cái ngọn đồi rồ dại, nơi con người chém giết nhau, tranh giành nhau từng tấc đất. Hai con quạ lợi dụng sự im lặng, mon men tới gần quả đồi. Bom đạn cày xới quả đồi đã làm lộ ra một số thức ăn mà với những cái móng nhọn của hai bàn chân nhỏ xíu, chúng không thể bao giờ tìm được. Đó là sự thăm dò hòa bình đầu tiên. Đó là cái mầm sống đầu tiên trở lại.
Tôi, chú tiểu An, anh lính An nhìn hai cái mầm sống đen ngòm tha thủi ấy đi trên miệng hố bom lở loét ở lưng đồi. Tôi nhìn chúng bằng đôi con mắt nâng niu. Trận chiến cuồng nhiệt đi qua. Sự cuồng nhiệt ấy cuốn tôi vào, lôi tôi đi, nó làm cho nhiệt độ tâm hồn tôi cũng tăng lên vùn vụt. Nay, sự im lặng của trận địa bỗng làm cho cái nhiệt độ tâm hồn đột ngột lắng xuống, giảm đi, để lại trong tôi một khoảng trống, hay nói cách chính xác, đó là một nỗi ưu tư, một cái buồn man mác.
Tôi nhìn chăm chăm vào đôi chim xấu xí ấy, trong lòng bao nhiêu nỗi niềm. Ô kìa! Hai con chim làm sao thế kia. Bỗng nhiên thấy chúng khựng lại thôi tìm kiếm. Hai cái đầu nghếch lên, nghe ngóng. Loài chim rất nhạy bén với âm thanh lạ. Không hiểu chúng đã nghe thấy gì? Kìa! Chúng đang nhấp nhổm, ngơ ngáo. Rồi, đột nhiên chúng vỗ cánh bay vút lên trời. Chúng xoải cánh bay thật xa, nhằm hướng một cây cổ thụ chơ vơ ở giữa thung lũng. Vừa bay vừa kêu quạ quạ ồn ĩ, như thể muốn đánh động, muốn nói lên một điều gì đó bằng thứ ngôn ngữ riêng của chúng.
Nhìn thấy hành động khác lạ của đôi chim, tôi cũng phải định thần, lắng nghe. Thì ra có tiếng máy bay phản lực rất xa. Tiếng máy bay mỗi lúc một rõ. Ôi! Linh tính của loài vật thật phi thường. Trên bầu trời xanh không trông thấy máy bay. Chỉ nghe thấy tiếng ì ì nặng nề. Rồi chợt trông thấy những quả bom nối đuôi nhau rơi xuống. Chúng tôi hiểu rồi. Bom B.52. Những quả bom rơi từng chùm lơ lửng trên đầu. Ôi chao! Không thể ngờ được. Hóa ra chúng thả bom xuống quả đồi của chúng tôi. Tiến hô anh em nằm sát xuống đáy giao thông hào. Quả đồi 303 rùng mình lắc lư như đưa võng. Sau bom là pháo. Mưa pháo. Tiếng nổ khắp mọi nơi. Mù mịt khói bụi. Nhiều đoạn giao thông hào sụt xuống. Tôi nghĩ: Những điều dự đoán của Trung đoàn trưởng Trần đã thành sự thật. Quân Mỹ không trụ được ở cao điểm, thì chúng cũng không cho ta chốt quân ở đấy. Trận oanh tạc này là hủy diệt. Sau trận này đồi 303 sẽ bị xóa sổ. Sẽ xóa sổ cả những khu vực lân cận. Bom nổ liên tục. Đất lắc lư không ngừng. Mưa đất đá trút xuống. Có cả những tảng đất khổng lồ che trên đầu. Thân hình tôi nẩy lên, rơi xuống. Trời đất tối sầm. Chắc ngày tận thế cũng chỉ đến thế này là cùng. Đất đá chắc sẽ chôn sống chúng tôi nếu như không có sự may mắn. Sự may mắn là một quả bom lớn đã rơi vào khu rừng phía sau núi. Nó bứng luôn cả một cây cổ thụ tung lên trời. Cây rơi xuống đỉnh đồi chèn ngang giao thông hào ngay phía trên đầu tôi. Lại thêm cành lá của nó nữa, nên đất không chôn sống chúng tôi. Tự nhiên, tôi thấy trời đất tối sầm lại. Sau đó tôi ngất đi không biết gì nữa.
* * *
Lúc tôi tỉnh lại, thì thấy mình đang nằm trong khu rừng sau núi. Rõ ràng, khi tôi chưa ngất đi, tôi còn nhớ mình nằm ở đáy chiến hào, tôi còn cầm tay cậu Tiến lay gọi, bởi vì Tiến bị một mảnh bom. Cậu ta xỉu đi, nói không ra tiếng nữa. Rõ ràng là cậu ta định nói một điều gì đó, nhưng ý nghĩ không bật thành âm thanh, tôi chỉ thấy đôi môi mấp máy. Còn lúc này, cậu ta ở đâu nhỉ. Bên cạnh tôi chẳng thấy ai. Mà không phải đáy chiến hào. Mắt tôi đang thấy mấy lùm cây. Cả một khoảng trời xanh. Tôi cố chắp nối những điều cảm nhận và dần dần chợt hiểu ra. Tức là, tôi đã bị vùi dưới đáy hào. Một ngẫu nhiên nào đó đã xui khiến một quả bom khác rơi trên đỉnh đồi bên cạnh hào. Nghĩa là một quả bom vùi lấp, còn một quả khác lại moi tôi lên và vứt xác tôi ra khu rừng.
Tôi cố hết sức chống tay đứng dậy, hơi lảo đảo rồi đứng thẳng được. Tôi tự kiểm tra, không thấy đau đớn ở chỗ nào. Tức là tôi trúng số độc đắc. Vô cùng may mắn. Nằm giữa tâm điểm vùng B.52, thế mà lại sống sót, hoàn toàn lành lặn, không một vết xước trên người.
Tôi ngó nhìn chung quanh. Hoang tàn kinh người. Những hố bom như những cái ao. Những cây cổ thụ bật gốc. Những thân cây cụt đầu. Những búi lau được bứng từ dưới đất bay lên cao, ngồi chồm hỗm trên những chạc cầy. Còn quả đồi, nơi tranh chấp, thì biến dạng, lở loét. Nó đã bị xóa sổ hoàn toàn. Trước mặt tôi, một cây súng AK treo trên một cành cây, còn nguyên vẹn một cách đáng kinh ngạc. Gió thổi cành cây lắc lư, cây súng cũng lắc lư. Nó như một biểu tượng, nhắc nhở đến hoàn cảnh hiện tại của tôi. Cây súng ngang tầm với. Hình như có sự bí ẩn nào mách bảo rằng cây súng ấy dành cho tôi và hãy cầm lấy nó. Tôi giơ tay cầm lấy cây súng, kiểm tra và thấy nó hoàn toàn có thể sử dụng được. Một băng đạn còn nguyên nằm trong ổ. Tôi lại chợt nghĩ: Không biết có ai cũng may mắn giống như tôi không. Chẳng biết đồng đội có còn ai sống sót? Tôi lấy tay làm loa bắt đầu gọi:
- Tiến ơi! Lâm ơi! Tường ơi!
Nhưng chẳng thấy có tiếng trả lời. Tôi chua xót nghĩ: Chắc họ đã tan hòa vào đống đất đá quanh tôi rồi. Nhưng tôi vẫn cứ gọi: “Tiến ơi! Lâm ơi!” bởi vì tôi tin rằng nếu họ đã chết thì vong hồn họ vẫn còn quanh quẩn nơi đây. Ít nhất, vong hồn họ nghe thấy tiếng tôi gọi thì cũng đỡ tủi, bởi vì họ biết vẫn còn người bạn là tôi, vẫn luôn còn nhớ tới họ. Tôi vừa gọi vừa khấn thầm trong dạ: “Tiến ơi! Lâm ơi! Nếu chúng mày có linh thiêng thì hãy theo tao về nơi đơn vị đóng quân. Thằng Tiến cho tao cái khăn vải dù. Thằng Lâm cho tao quyển sổ tay. Vật của chúng mày tao vẫn còn giữ. Tao sẽ đem di vật của chúng mày lên đỉnh núi cao, đặt chúng lên mỏm đá thiêng để cúng vái cho linh hồn chúng mày siêu thoát. Tao sẽ chôn di vật của chúng mày xuống đất. Mỗi đứa một nấm mồ. Hồn hỡi hồn ơi! Hồn có linh thiêng thì hãy theo ta. Hồn đã ra ma xin đừng tủi hận. Theo ra mặt trận phù hộ bạn bè. Ba hồn bẩy vía có nghe. Thì xin linh hiển nhắn nhe một lời”.
Tôi là người lính nông dân. Tôi cũng là người lính ra đi từ một ngôi chùa quê. Cho nên tôi mê tín thế đấy, ngây thơ như thế đấy. Tôi rất tin rằng con người có một linh hồn. Và dù linh hồn ấy đã sang một kiếp khác, nó rất là tình cảm, nghĩa là vẫn biết vui buồn, vẫn còn bị xúc động, cần đến sự trìu mến của những người đang sống. Cho nên tôi đã ngẫu hứng thầm khấn vái vong linh của những người đồng đội. Và tôi đinh ninh rằng nhất định những vong linh ấy hiểu tôi, nghe được lời khấn vái, và sẽ đáp ứng lại tôi. Tôi tin vào sự lạ.
Tồi lầm bầm khấn thầm trong bụng: “Tiến ơi! Lâm ơi! Tao tin là chúng mày vẫn ở quanh đây. Hồn có linh thiêng thì phù hộ cho tao thoát ra khỏi chốn này. Chúng mày có linh thiêng thì hiện ra đi. Tiến ơi! Lâm ơi! Tao nhớ chúng mày”. Tôi vừa khấn dứt thì bỗng nhiên một trận cuồng phong đùng đùng nổi dậy làm những ngọn cây còn sót quanh đấy nghiêng ngả như múa. Rồi đột nhiên, một đôi chích chòe không hiểu từ đâu bỗng xuất hiện ở một bụi lau trắng phơ phất. Hai sinh vật bé nhỏ đột hiện trên một bãi hủy diệt tưởng chừng như không có gì có thể sống nổi ấy, bỗng làm cho lòng tôi chợt ấm áp. Tôi thầm nhủ: “Đúng là thằng Lâm, thằng Tiến đã nghe thấy lời tôi cầu khẩn”. Đôi chim đuổi nhau, bay chập chờn thành những đường cầu vồng. Vừa bay vừa tha thiết gọi nhau. Chích... chòe. Các bạn có tin hay không. Tùy ý. Riêng tôi, tôi tin rằng các đồng đội của tôi đã về và gửi tín hiệu đến cho tôi. Tôi đuổi theo con chích chòe và kêu to: Tiến ơi! Lâm ơi! Một tràng tiểu liên bỗng vang lên. Cũng lúc ấy, chân tôi vướng vào một dây leo. Tôi ngã xoài ra đất. Lập tức phản xạ nhanh như chớp, tôi cầm khẩu AK trong tay, bắn về hướng phát ra tiếng nổ. Hóa ra phản xạ còn nhanh hơn ý chí. Lúc trước ở trên đồi, tôi bắn vào chiếc máy bay trực thăng tức là bắn vào một vật. Còn bây giờ tôi bắn về phía tiếng nổ, tức là bắn về phía người. Tôi chợt hiểu: mình cũng thèm sống như mọi người và có khả năng ác như mọi người. Bản năng mạnh hơn ý chí. Bản năng thật khôn ngoan. Nó mách bảo tôi tháo chiếc mũ tai bèo ra, rồi đội vào đầu một khúc cây để ngụy trang làm nên một con người giả trang nằm ở chỗ tôi ngã xuống. Còn bản thân tôi, tôi lủi sau một thân cây đổ, khẽ khàng di chuyển về phía sau kẻ địch.
Đối phương của tôi chắc là một thám báo, đã luồn vào khu rừng sau đồi 303 trước trận ném bom hủy diệt. Hắn đã vô tình rơi vào mê hồn trận B.52, và cũng như tôi may mắn sống sót.
Tôi đi hết thân cây đổ khá dài, kẻ địch vẫn không hay biết gì hết. Hắn vẫn bắn xối xả vào chỗ khúc cây đội mũ tai bèo.
Biết rằng trước sau đối phương cũng sẽ nhận ra mình bị đánh lừa, cho nên tôi cần phải hành động thật nhanh. Kẻ địch bất ngờ đã hiện ra rõ mồn một trước mắt tôi. Hắn đang đứng sau một mô đất cao để bắn. Tôi liền kê súng lên rễ của cái cây bật gốc. Cái bóng hình mặc quần áo rằn ri bỗng lọt vào khe ngắm. Đầu ruồi đã đậu vào chính giữa ngực hắn. Tôi chỉ khẽ kéo cò là hồn phách tên địch lập tức bay lên trời.
Chính lúc ấy chích chòe bỗng ở đâu bay tới. Nó đậu ở cái cây trên đầu thằng địch. Thằng địch này là một thằng Sài Gòn, hắn đeo kính trắng. Thấy con chim hắn ngẩng đầu lên nhìn. Cái thằng vớ vẩn thật. Trên trận địa mà ngẩng đầu nghe tiếng chim. Nh ưng vừa nghĩ thế, thì lòng tôi cũng chùng xuống. Như tôi đã nói, tôi tin con chim ấy là vong linh thằng Tiến nhập vào. Cái thằng bạn trong tổ tam tam của tôi này lắm khi thâm thúy ra phết. Có lúc nó bảo tôi:
- Mày không sát sinh ư? Đó là trò vớ vẩn. Kẻ thù kề dao vào cổ mà mày không chống cự lại? Chắc mày là một ông thánh. Cái chỗ ấy, tao cho là không đúng. Hay nói cho đúng hơn, tao chỉ theo được lời Phật dạy có một nửa thôi.
- Nghĩa là thế nào?
Tiến gật gà nói:
- Nghĩa là có thể giết người. Nhưng nếu không cần thiết, thì không được giết. Thế thôi. Thật giản đơn.
Lời nói của Tiến lúc sống cứ văng vẳng bên tai. Đầu ruồi khẩu súng của tôi đã hạ xuống thấp hơn nhiều. Đúng là không cần giết hắn làm gì. Tôi đã bóp cò bắn vào chân thằng lính đeo kính. Tôi là một xạ thủ giỏi có khả năng bắn đâu trúng đấy.
Khi thằng địch buông súng ra, ôm lấy đùi. Thì tôi hét lên xung phong. Và băng qua những mô đất nhấp nhô, tôi đã bắt sống đối phương.
* * *
Chúng tôi theo con đường mòn đi vào trong rừng, cách xa dần khu bị bom B.52. Khu rừng nguyên thủy đầy bụi rậm và dây leo. Tầng trên cành là những tán cây rậm rịt. Ở lối đi, ánh nắng chiều không thể lọt qua, nên đã cảm thấy cái lạnh man mác của mùa thu mặc dù chiều chưa muộn. Biết còn sớm, bởi vì ánh nắng xiên khoai còn tỏa vàng xuống quả núi ở phía tay phải. Ngọn núi lom khom như hình một ông già ngồi trầm tư. Không biết từ một khoảnh đất phì nhiêu nào đó đã mọc lên những ngọn dây leo. Biết là đất gốc nó phì nhiêu, vì dây leo rất dầy phủ kín hết quả núi, tạo thành một tấm áo khoác lên quả núi trầm tư. Có lẽ dây leo là bìm bìm cũng nên, hoa nó màu tím. Người tù binh của tôi thật hồn nhiên. Có lẽ cả đời anh ta chưa vào rừng rậm bao giờ. Trông thấy cái thác nước anh ta cũng reo lên trầm trồ. Trông thấy quả núi hình ông già khoác áo choàng xanh điểm hoa tím, anh ta thốt lên:
- Trông cái đám dây leo thõng xuống kìa, thật giống bộ râu đung đưa trước gió. Mà đám dây leo ấy lại dày đặc hoa tím. Một bộ râu màu tím! Hay thật!
Anh ta nói câu ấy nửa như nói bâng quơ một mình, nửa như muốn nói chuyện, chia sẻ cùng tôi. Anh ta dám nói thì tôi cũng dám nói chứ sao. Tôi nhận xét:
- Cậu hồn nhiên thật nhỉ?
Anh ta trả lời tôi:
- Không phải là tôi không biết thân phận người tù của tôi. Nhưng anh Việt cộng ơi! Anh nhìn mà xem! Hoàng hôn ở rừng như thế kia cơ mà. Nắng chiều rọi vào quả núi như là dát vàng. Nắng vàng và màu xanh của rừng làm thành vàng cốm...
Rồi như chợt nhận ra câu nói của mình không hợp cảnh chút nào, anh ta chợt đột ngột lặng im. Những người hay nói thường có những phút như vậy. Đang cao hứng nói năng bỗng thấy như mình lố bịch, như mình có lỗi, ít nhất là thấy mình đã tranh mất phần của người nghe và thế là im bặt.
Còn tôi, thực ra tôi không thấy khó chịu với người tù binh. Cho đến lúc, thấy anh ta vụng về lúng túng, như có lỗi, thì những phản cảm với anh ta từ lúc đầu bỗng bay biến mất. Sự tự ngượng ngùng của anh ta chợt gây cho tôi chút thiện cảm. Tôi nhẹ nhàng tự giới thiệu và hỏi anh ta:
- Tên tôi là An.
- Tên tôi là Đức.
- Anh làm nghề gì?
- Tôi học triết học. Trường Đại học Vạn Hạnh.
Chúng tôi chỉ mới nói sơ sài mấy câu thế thôi. Sau đó im lặng. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Người tù binh tên là Đức ấy không biết đang nghĩ gì? Có thể anh ta nghĩ tới những câu anh ta đã nói với tôi. Không biết mình nói thế có điều gì sơ suất không, có điều gì có thể chống lại, hoặc làm phương hại đến anh ta không. Những người gặp hoàn cảnh như anh ta có thể nghĩ như thế lắm chứ. Trán anh ta nhíu lại thế kia. Hay là anh ta đang nghĩ cách đối phó. Có thể là một âm mưu trốn chạy chẳng hạn. Còn tôi? Tôi đang nghĩ thế này: Tức thị anh ta là người thành thị. Chẳng biết đến nhà quê là gì. Tôi thích người tù binh của tôi là người nông thôn hơn. Giá như anh ta là người nhà quê. Như thế tôi sẽ đối xử dễ hơn. Có thể ăn nói bỗ bã chẳng hạn... Có thể cục cằn hơn chẳng hạn. Đằng này, anh ta đến từ một thế giới khác. Ăn nói khác. Suy nghĩ khác. Anh ta không ở trong thế giới của tôi. Tôi không ghét những người thành thị. Nhưng thực quả tôi không hiểu gì họ. Tôi biết rằng những người nông dân, đến một lúc nào đó, phải trải qua hoặc phải biến thành những người thành thị. Ý nghĩ ấy làm tôi vừa buồn lại vừa vui. Nó vừa hấp dẫn, lại vừa làm tôi chán ghét. Nói thực lòng: Những người thành thị, tôi vừa ghét lại vừa yêu.
Chúng tôi cắm cúi đi, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình như thế một lúc lâu. Hoàng hôn vùng rừng núi xuống nhanh lắm. Nắng dát vàng lên quả núi hình ông già mặc áo choàng bên tay phải, đã tắt ngấm từ lúc nào chẳng hay. Cái áo dây leo màu xanh cốm đã chuyển thành màu xanh đặc. Màu xanh toàn khu vực đã sẫm lại. Màu xanh nhạt ướp nắng còn chia sẻ cho ta chút ấm áp, còn màu xanh thẫm lại tỏa ra khí lạnh.
Trời tối nhanh lắm nên chúng tôi dừng chân bên một nương sắn ở quãng rừng thưa. Tôi bảo:
- Đêm nay đốt lửa ngủ ở đây thôi. Quãng đường tới toàn rừng rậm.
Tôi chọn một khoảng trống thích hợp tìm củi khô nhóm bếp, rồi gọi Đức lại, lấy dây dù trói chân trói tay hắn. Tôi nói:
- Cậu chịu khó ngồi yên đây một lát nhé. Tôi xuống suối lấy nước. Phải đun nước vừa để uống, vừa để rửa vết thương cho cậu.
Đức chìa chân tay cho tôi trói. Rồi cười mà bảo rằng:
- Anh cẩn thận thế. Đùi tôi bị thương thế này. Chạy thế nào được. Vả lại tôi cũng không muốn chạy. Tôi chán đánh nhau lắm rồi. Tôi chỉ là thông dịch viên. Tôi có làm tù binh thì chỉ ít lâu các anh lại thả ra thôi.
- Sao cậu lại biết rành rẽ thế?
- Tôi có anh bạn cùng làm nghề thông dịch. Anh ta cũng bị bắt như anh bắt tôi. Sau đó ít lâu lại được thả về.
Tôi chỉ cười và nói để cảnh cáo anh ta:
- Cậu đừng tưởng bở. Có thể như cậu nói. Nhưng cũng có thể khác đi và tội cậu sẽ rất nặng nếu có hành động trốn chạy.
- Tôi biết chứ. Dại gì mà trốn chạy. Tôi biết các anh rất ghét bọn ác ôn và bọn làm việc với CIA. Vậy nếu tôi chạy, các anh sẽ hỏi: Tại sao lại chạy? Là ác ôn ư? Là CIA ư? Tội gì tôi lại để các anh nghi ngờ trong khi tôi chỉ là một người phiên dịch.
Đức ăn nói khôn ngoan quá. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng không được phép mất cảnh giác. Tôi vội vàng xuống suối, rồi lại vội vàng trèo lên thật nhanh. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Lúc tôi cởi trói cho Đức anh ta chỉ tay nói:
- Tôi vừa trông thấy một con chồn chạy vào cái bụi rậm trước mặt kia. Chắc chỗ ấy có cái hang chồn. Anh còn lựu đạn không. Nếu thấy miệng hang chỉ cần thả vào đấy một quả là chắc chắn ta sẽ có thịt ăn.
Tôi gắt lên.
- Tôi không có lựu đạn. Mà dù có cũng không ném vào đấy. Thịt, thịt, lúc nào cũng thịt. Một ngày không thịt thì có sao đâu.
- Ô hay! Tôi có làm gì sai đâu mà anh cán bộ phải cáu kỉnh.
Tôi bình tĩnh giải thích:
- Tối nay không đói đâu mà sợ. Tôi sẽ nhổ một bụi củ sắn của đồng bào. Đun nước xong chúng ta nướng lên ăn.
- Nhưng tôi tiếc anh cán bộ ạ. Đúng là một con chồn béo. Bắt nó dễ thôi mà.
Tôi hết sức bình tĩnh nói một cách ôn tồn.
- Vả lại, tôi là người không thích ăn thịt.
- Anh bộ đội không thích ăn thịt ư? Lạ nhỉ! Theo tôi được biết: Chỉ có những ông thầy chùa hoặc những người mắc bệnh phải ăn chay mới kiêng thịt.
- Tôi không có bệnh gì cả.
- Vậy anh bộ đội là...
- Đúng! Trước khi đi lính, tôi đã ở chùa.
- Thế ư? Lạ thật! Đúng là chuyện lạ.
Lúc đi đường hỏi chuyện, tôi đã cố ý ngừng câu chuyện giữa chừng. Tôi không muốn anh ta biết chuyện đời tôi. Bởi vì tôi là người chiến thắng. Và anh ta, kẻ bị thua. Người thắng có quyền biết người thua. Còn người thua sao lại có thể xoi mói đến chuyện riêng tư cửa người thắng. Đó là cái tâm lý của những kẻ thắng thua. Đối với người tu hành tâm lý thắng thua ấy không nên có hoặc không được có, bởi vì ta phải vượt qua thị phi, thiện ác. Nhưng thú thật, tâm lý của tôi lúc bấy giờ là như thế. Thế mà, không hiểu sao ngẫu nhiên, tôi lại nói cho anh ta biết tôi đã đi tu.
Người tù binh của tôi nghe vậy mắt sáng lên:
- Thật là duyên kỳ ngộ mới gặp nhau thế này. Tôi cũng là một cư sĩ. Thưa... đạo hữu là tỳ kheo hay người tu tại gia.
- Tôi là nhà sư ở chùa.
- Hạnh ngộ! Hạnh ngộ! - Người tù binh mừng tíu tít.
Còn tôi, tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì giữa chốn khói lửa này cái gì đã run rủi cho hai người cùng một tôn giáo lại gặp nhau ở hai phía chiến hào, trong một tình thế trớ trêu. Người đạo hữu tù binh gặp sự may mắn bất ngờ, vội nắm lấy cơ hội, kể lể:
- Tôi học triết học, nhưng chuyên về triết phương Đông, cụ thể là triết học Phật giáo. Thầy hướng dẫn của tôi là một thượng tọa ở chùa Vĩnh Nghiêm. Ngài đã tu nghiệp tiến sĩ bên Nhật. Ngài là luận sư về kinh Pháp Hoa.
Tôi cũng dần dần cởi mở hơn:
- Sư tổ của tôi lúc trẻ cũng tu tập từ chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, về sau, người mới về trụ trì chùa Sọ.
- Như vậy, cả hai chúng ta đều là đệ tử của Vĩnh Nghiêm. Một nam, một bắc nhưng gốc là một.
Người đạo hữu của tôi nắm chặt lấy hai bàn tay tôi và lắc mạnh, cứ như thể anh ta sợ để tuột mất tôi khỏi bàn tay của anh.
Tối hôm ấy, bên đống củi rừng chúng tôi cùng nhau ăn sắn, hai người chúng tôi trở thành bè bạn lúc nào chẳng hay. Tôi kể cho Đức nghe những ngày tôi tu ở chùa Sọ. Còn Đức thì bộc lộ cho tôi về những mơ ước của anh sau này. Rồi chiến tranh sẽ hết. Lúc đó, Đức sẽ sang Nhật tu nghiệp thi tiến sĩ Phật học. Anh rất tin tưởng vào tương lai Phật giáo với xã hội loài người hiện đại. Đức nói rất hay:
- Trong tất cả các tôn giáo cổ của loài người, có lẽ phù hợp với con người hiện đại nhất là thiền học. Đó là con đường tâm linh mà người hiện đại dễ tiếp nhận bởi vì nó không mê tín. Nó dựa vào sức mạnh tâm hồn của mỗi cá nhân con người. Ai cũng có thể thành Phật. Con người tự cứu độ cho mình, tự giải thoát cho mình, chứ không phải nhờ vào một thế lực thần linh bên ngoài. Ấy là chưa kể đến những thực hành thiền định, đó là kỹ năng làm chậm lại lối sống gấp hối hả tai hại, làm tiêu tan đi nỗi âu lo khắc khoải của thời đại mới. Đức nói:
- Mới gặp anh, tôi đã cảm nhận thấy có điều gì khác lạ. Thông thường đầu tóc người lính Bắc kỳ bao giờ cũng nghiêm túc. Các anh sợ những mái tóc dài để đến ngang vai. Đồng thời cũng sợ những chiếc đầu trọc lốc. Có một anh Việt cộng nói với tôi: “Đầu tóc biểu lộ tâm hồn con người. Tóc tai quái gở là những kẻ có tâm hồn quái gở”. Thế mà khi chiếc mũ của anh lật xuống sau lưng, tôi thấy đầu anh trọc lốc, nhẵn bóng. Có lẽ anh dùng dao cạo để cạo tóc. Cái đầu không tóc, ngoài đời, trông rất ghê. Người càng gầy trông càng đáng sợ. Như cái sọ đầu lâu vậy. Như thế anh là ai. Chỉ có hai loại người cạo trọc: anh là kẻ quái gở, hay là một nhà sư. Tôi ngờ anh là một thầy chùa từ lúc ấy. Và chuyện gợi ý ném quả lựu đạn vào cái hang chồn chỉ là một phép thử của tôi mà thôi.
Lại nói về chuyện cái đầu cái tóc. Khi xưa, lúc mới đi bộ đội, đầu tôi trọc, anh em không chấp nhận, chế giễu. Tôi phải để tóc dài để giống mọi người, hòa nhập với mọi người.
Sau này, khi ở chiến trường vài năm, tôi bị một trận ốm nặng, tóc rụng hết. Khi khỏi, tóc mọc lơ thơ, trông rất buồn cười. Anh em bảo cạo trọc đi cho vệ sinh. Thế là tôi cạo trọc lốc. Điều lạ là lần này trọc đầu, anh em không chế giễu gì hết, coi như bình thường. Vậy thì hai lần khác nhau ở chỗ nào. Có lẽ lần thứ nhất, ngoài cái đầu trọc, còn vẻ mặt và phong thái của tôi đều mang nặng chất thầy chùa không giấu đi được. Cho nên cái đầu trọc làm người ta dễ nhận ra sự khác biệt hơn. Con chim lạc đàn, lại có ngoại hình bị đánh dấu, rõ ràng sẽ dễ bị bầy đàn cũ nhận dạng ra ngay và xua đuổi. Còn lần thứ hai trọc đầu này, tôi đã ở chiến trường mấy năm, thì ngoài cái đầu ra, tôi còn có những tác phong, ngôn ngữ và cách sinh hoạt đặc lính, nên dù cái đầu tôi trọc, cũng không sao cả. Dù có thế nào, thì tôi cũng vẫn giống mọi người. Và thế là tôi được chấp nhận vào bầy đàn.
Nhưng với tôi, có một vấn đề đặt ra. Vậy liệu cái chất thầy chùa trong tôi có phôi pha đi không? Phải chăng đời sống trần gian đã thế tục hóa tôi đi tự lúc nào mà tôi không hay. Nhưng vậy thì tại sao người tù binh vẫn nhận ngay ra chất thầy chùa ở tôi, khi mới chỉ gặp tôi một thoáng.
Những câu chuyện như vậy càng lúc càng kéo gần chúng tôi lại với nhau. Thậm chí, có lúc tôi đã tưởng mình có thể hoàn toàn bỗ bã với con người này.
Nói đi nói lại, cuối cùng lại nói về trận chiến mà hai đứa chúng tôi cùng đang tham dự. Đức bảo:
- Chúng ta đang nói tới một vấn đề gay cấn và tế nhị đây. Lẽ dĩ nhiên, tôi ở phía bên kia, tôi mong cho bên tôi thắng. Hay ít nhất cũng là hòa thì hơn. Hòa nghĩa là cân bằng cho mọi yếu tố. Ở phía bên tôi, có yếu tố hiện đại, và sau chiến tranh, để xây dựng dân tộc, yếu tố hiện đại ngày nay vô cùng cần thiết. Mà để có được yếu tố này, cái giá phải trả là rất lớn.
Tôi nói:
- Đấy là cậu nói theo ước vọng. Tôi lại muốn nói theo hiện thực. Nghĩa là nói đến cái gì nhất thiết sẽ xảy ra. Tôi sẽ không phân tích theo quan điểm chính trị. Cậu có muốn tôi nói ra một cách bỗ bã, một cách trắng phớ ra không? Tôi sẽ phân tích theo cách nhìn xã hội. Đây không phải ý muốn riêng của ai mà là một tất yếu lịch sử. Phía bên cậu nhất định sẽ thua. Thua không tài nào gỡ được.
Tôi để ý thấy mặt Đức bỗng trắng nhợt. Tuy nhiên người tù binh của tôi vẫn giữ được bình tĩnh.
- Tôi nghe đây. Anh thử phân tích có lý lẽ xem nào.
- Thực chất vấn đề Việt Nam là vấn đề nông dân. Nông dân theo bên nào, bên ấy sẽ thắng. Ở Việt Nam chỉ có hai lực lượng hiểu nông dân: Đó là những người Cộng sản và những thầy tu Thiên chúa giáo. Người Mỹ biết điều ấy nên những người lãnh đạo bên cậu đều là những người Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, phải nói rằng những người Cộng sản hiểu và nắm chắc nông dân hơn. Cũng có thể nói rằng, toàn bộ đội quân đánh Mỹ hiện nay đều là những người nông dân. Còn bên phía các anh đó là đội quân của những cậu ấm đi làm chiến tranh. Nếu không phải cậu ấm thì cũng là người mang tư tưởng cậu ấm đi chiến đấu. Cậu ấm thì chống sao nổi những người nông dân. Bởi vì người nông dân (nhất là nông dân Việt Nam) là những người chiến đấu giỏi, và có thể chịu đựng những gian khổ ghê gớm nhất trần gian. Mà cuộc chiến tranh Việt Nam lại mang nhiều tính chất du kích nhất. Tham dự cuộc chiến này tức là phải chịu đựng những điều khốc liệt nhất, man rợ nhất. Có khi ta phải quay trở lại những điều kiện chiến đấu thời trung cổ, thậm chí thời tiền sử.
Tôi càng nói càng hùng hồn, tôi càng nói, sắc mặt Đức càng tái nhợt đi. Phải nói trong sự hùng hồn ấy chứa đựng cả cái táo tợn tàn nhẫn của sự thật thô nháp. Nó làm Đức nhoi nhói trong tim mỗi khi tôi nhắc đến chữ cậu ấm. Cậu ấm ư! Chữ ấy nhắc đến cái lỗi thời èo uột. Chủ nghĩa Cộng sản làm thức dậy trong người nông dân lòng yêu nước. Còn người nông dân đã tiêm truyền trở lại cho dân tộc một sức mạnh mới, một sức mạnh đã bị ngủ quên. Các cậu ấm ra trận với câu hát trên môi như:
Sương chiều buông kín núi đồi
Mây mù giăng khắp nơi nơi
Rừng hoang nấm mồ viễn xứ
Tiếng đàn tôi khóc đời tôi...
Rồi:
Cuộc đời là những sầu bi
Cuộc đời là những chia l y.
Nước mắt dài theo thế kỷ
Ngập ngừng tôi bước chân đi...
Phải nói người nhạc sĩ là một nhà du ca tuyệt vời nói lên tâm trạng của cả một thế hệ cậu ấm bất đắc dĩ cầm súng ra trận. Tiếng hát là một lời ca thê thảm. Tiêu biểu cho một thế hệ thì được. Cho cả dân tộc chắc không ổn. Trong khi những thanh niên ấy than vãn thì những người nông dân có những nhạc sĩ của họ. Những người nhạc sĩ nông dân ấy có sức sống hơn. Họ yêu cuộc sống hơn. Lời ca của họ mạnh mẽ và trong lành. Chỉ nghe riêng những giai điệu ca hát, cũng có thể thấy rõ nhất định các cậu sẽ thua.
Đức nắm lấy hai vai tôi và hỏi:
- Anh là nhà sư hay là người Cộng sản?
- Tôi không hề là người Cộng sản. Nhưng những lời nói của tôi là một sự thật không thể chối cãi.
- Anh đã nói dối. Anh là người Cộng sản.
- Tôi chỉ là một nhà sư.
Đôi mắt Đức long lanh. Chỉ trông thấy toàn màu trắng.
- Anh thờ ai?
- Tôi thờ đức Thế Tôn. Và cũng thờ dân tộc.
- Nói dối! Nói dối!
Tôi vẫn như lên đồng, lao vào cuộc chiến ngôn ngữ:
- Nói dối ư? Cứ điểm qua các bài hát mà xem. Tiếng hát của các anh là những lời than vãn, toàn những lời buồn thảm và cái chết. Còn giọng hát của người nông dân thì sang sảng, vạm vỡ. Đây là cuộc vận lộn cơ bắp. Nhất định các cậu ấm sẽ thua.
Đức bỗng như điên như dại. Anh đã biến thành con người khác hẳn. Anh thét to. Cũng lúc ấy, đôi tay anh từ vai tôi chuyển lên cổ họng. Tôi hoàn toàn bị bất ngờ nhưng cũng còn đủ tỉnh táo để nắm lấy hạ bộ của anh ta. Thật là bỉ ổi khi phải dùng tới hạ sách, tuy nhiên chẳng còn cách nào khác để đối lại miếng hiểm của anh ta. Từ hai đạo hữu, trong nháy mắt, chúng tôi trở thành kình địch. Tôi sặc sụa. May thay, anh ta đã lỏng tay rồi buông hẳn ra. Tôi cũng buông tay mình.
Tôi ngạc nhiên vì sự thay đổi nhanh chóng của Đức. Chỉ một phút trước đây, con người ấy căm thù tới mức muốn giết tôi. Tôi đọc được điều ấy trong đôi mắt trắng dã điên dại của anh ta. Thế mà lúc này đôi mắt ấy đã hoàn toàn khác hẳn. Màu đen của con ngươi đã trở về để trung hòa cái màu trắng dã khủng khiếp. Trong lúc tôi còn xoa cổ và ho thì Đức nói rằng:
- Tôi sai mất rồi. Chúng ta hóa rồ dại mất rồi. Ngôn ngữ đã làm chúng ta thành những kẻ cực đoan. Hay là tại những mảnh đất mà mỗi người chúng ta đang sống. Chúng ta đã tuyệt đối hóa cả địa lý. Đứng ở mảnh đất bên này, rồi đứng ở mảnh đất bên kia. Chỉ riêng chuyện ấy, chúng ta đã thù hận nhau rồi.
Tôi nhìn cặp mắt hiền hòa của Đức lúc này, lại nhớ tới cặp mắt dữ tợn của Đức lúc nãy. Tôi đặt câu hỏi:
- Anh đang căm thù tôi như vậy, cớ sao bỗng dưng lại buông tay ra?
- Chúng ta cùng là người một nước, lại cùng một tôn giáo. Tôi thấy nó vô lý quá.
- Thế sao bỗng dưng anh lại nổi điên như thế?
- Tại vì anh nhận xét về cậu ấm và về người nhạc sĩ. Anh ta là thần tượng của tôi. Thiên tài ấy không ai được phép động chạm tới. Động chạm tới anh là động tới cái gì sâu thẳm trong tôi.
Tôi gật gù khen ngợi:
- Tôi thành thật khâm phục anh. Đang cuồng nộ tức giận thế mà thoắt một cái, đã lấy lại ngay được sự bình tĩnh.
- Con người là một sinh vật tâm lý, rất dễ bị kích động. Kiềm chế sự sân hận là điều rất khó. Đức Phật đã dạy: Đánh thắng một vạn quân cũng không khó khăn bằng tự chiến thắng được chính bản thân mình. Sư phụ tôi dạy rằng: Cứ mỗi khi cảm thấy mất bình tĩnh thì ta hãy niệm hồng danh đức Phật. Cứ niệm liên tục để tự nhắc nhở mình là cơ thể ổn định trở lại. Khi ấy, khi anh nhắc đến cậu ấm và người nhạc sĩ ấy, đầu óc tôi đã nóng bỏng lên, tôi đã có ý định giết chết anh. Đạo hữu nên nhớ tôi là người học yoga từ thuở nhỏ. Bàn tay tôi đã luyện được tới mức chộp tay vào cổ kẻ địch là có thể làm thủng ngay động mạch cổ của đối phương. Nếu chúng ta không phải là người đồng đạo thì...
Người tù binh của tôi chỉ nói được đến thế đã bị cơn buồn ngủ lôi kéo, anh ta nằm lăn ngay ra đất, cạnh đống lửa. Chỉ mấy phút sau Đức đã chìm vào giấc ngủ.
Còn tôi, tôi cầm khẩu AK đi đi lại lại. Từ lúc xảy ra xung đột, tôi không tin người tù binh của tôi nữa. Nghi nghi, hoặc hoặc. Anh ta thật hay là giả. Anh ta nhiều lý lẽ quá. Một kẻ đa ngôn. Mà người phật tử thì thông thường ít lý lẽ hơn. Vừa phủ định anh ta xong, trong đầu óc tôi bỗng hiện ra những ý nghĩ ngược lại: Không có nhẽ. Một kẻ giả trá không thể nào hiểu đạo Phật như anh ta được. Vả lại, anh ta có cơ hội trước để giết chết ta vì Đức đã nắm lấy cổ ta trước. Giả sử anh ta không biết yoga, thì chỉ riêng việc nắm được cổ tôi trước là anh ta đã có điều kiện chiến thắng rồi. Vậy, tại sao Đức không lợi dụng cơ hội ấy. Tôi đã ngồi trên một đống lá rừng và nghĩ miên man... Tất cả những điều ấy đã kéo tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Lúc tôi tỉnh dậy, thì trời đã sáng tỏ. Đống lửa đã tắt. Và điều quan trọng nhất đập vào mắt tôi, là người tù binh nằm bên kia đống lửa đã biến mất.
Tôi lao đi tìm song chẳng thấy tăm hơi.
Cứ như một giấc mơ vậy. Giấc mơ lạ lùng mà chưa bao giờ tôi kể với ai.
*****
Hai năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi được giải ngũ. Lúc ấy, tôi đã chuyển sang một đơn vị khác. Đồng chí chính ủy mới lại gọi tôi lên. Tôi chỉ là một anh lính tầm thường. Chuyện lính phục viên là việc rất bình thường. Hà cớ gì thủ trưởng lại phải quan tâm đến thế. Chắc trường hợp tôi, trước lúc ra đi, là một nhà sư, trường hợp đặc biệt nên cần chăm sóc chu đáo. Tôi cứ tiếc, giá như tôi còn ở đơn vị cũ, chính ủy Trần là sư thúc của tôi, thì nguyện vọng của tôi chắc được giải quyết dễ dàng hơn nhiều, đằng này...
Tôi vừa suy nghĩ vừa liếc nhìn ông thủ trưởng mới của tôi. Nghe nói ông này thẳng băng, tính nóng. Chính ủy mới mặt tròn bóng mỡ, đôi mắt to, râu cằm tua tủa. Ông cất tiếng nói oang oang, âm thanh rền như chuông:
- Đồng chí là An phải không? Tớ đã nghe nói nhiều về cậu. Làm việc có trách nhiệm. Được đồng đội mến. Chỉ phải cái hơi gàn một tí. Tuy nhiên không sao, không sao. Cơ bản là hoàn thành nhiệm vụ. Không uổng phí sự giáo dục của quân đội trong những năm qua. Nào, ý kiến của cậu muốn đề đạt là thế nào? Cậu cứ nói trực tiếp. Tớ xin nghe.
Tôi nhìn bộ râu cằm tua tủa mà ông thủ trưởng của tôi luôn đưa tay lên sờ. Lúc mới vào nhìn bộ râu ấy tôi cứ nghĩ: Hòa bình rồi, đâu có thiếu thời gian mà ông này không chịu cạo râu. Để râu lởm chởm như vậy, trông ông già đi thêm chục tuổi. Lúc này, nhìn ông sờ râu với vẻ thích chí, tôi nghĩ hóa ra sờ râu cũng có thể gây ra khoái cảm. Và ông này mắc bệnh “thích sờ râu”.
Còn ý nguyện đề đạt của tôi thì có gì đâu. Tôi chỉ có nguyện vọng nếu được ra quân, thì chỉ xin được quay lại về chùa, tiếp tục đi tu. Chỉ có thế thôi, chứ đâu phải chuyện to tát. Thế mà phải đích thân chính ủy ra tay đả thông tư tưởng. Tôi tiếp tục lan man suy nghĩ... Hay là tại tóc mình hơi lâu chưa cạo; cái đầu ông sư của tôi tóc cũng mọc lởm chởm tua tủa như bộ râu của ông... Và thế là ông muốn “sờ gáy” tôi. Ý nghĩ ngộ nghĩnh hài hước ấy làm tôi lúng búng, chậm trả lời. Nhưng tôi chưa kịp nói, thì thủ trưởng của tôi đã tức thời giải thích hộ tôi luôn:
- Cậu là thằng gàn. Cả cái ý kiến muốn quay về chùa tiếp tục đi tu cũng là gàn dở. Cuối thế kỷ hai mươi rồi. Ở phương Tây là nơi sùng đạo Thiên chúa, bây giờ thanh niên cũng ít đi nhà thờ và không muốn làm thầy tu. Cậu hiểu chưa. Khoa học tiến như vũ bão. Điều đó làm con người khó tin được vào đấng siêu nhiên. Cậu còn rất trẻ. Mà hòa bình rồi, tức là bao nhiêu cơ hội đang mở ra cho thanh niên. Phật Thích Ca ước ao xây dựng Niết bàn. Thì chúng ta bây giờ cũng đang cố gắng xây dựng Niết bàn. Tuy nhiên không phải trong tưong lai, mà là ngày hôm nay và ngay trên mảnh đất này. Vậy thì hà có gì cậu phải quay lại chùa? Quân đội có thể cho cậu chuyển ngành vào một nông trường. Hoặc nếu cậu thích công nghiệp, thì sẽ cho cậu chuyển ngành vào một nhà máy.
Thủ trưởng của tôi nói rất cao hứng. Ông xoa cằm lia lịa, và giọng nói của ông càng hùng biện. Ông ngừng một lát, để cho những ý nghĩ vụt ra kịp cùng lời nói, sau đó mới tiếp tục:
- Vả lại, trông đồng chí đẹp trai đấy chứ. Mắt sáng, môi son, mũi dọc dừa. Khá là khôi ngô, tuấn tú. Cậu An à, tôi cam đoan với cậu, nếu cậu để cho tóc dài ra, các cô gái sẽ vây quanh cậu. Người con trai như thế kia mà lại đi tu ư? Vào chùa ư? Xin chớ có thế! Nó phí hoài đi em ạ - Ông chính ủy ngừng một lát rồi hỏi tôi - Mình nói thế, cậu thấy ra sao? Trả lời đi. Thế nào, cậu đã thông chưa?
Tôi rất bình tĩnh. Tôi biết rằng câu trả lời của tôi sẽ làm thủ trưởng chẳng hài lòng, nhưng tôi đành phải nói:
- Thưa thủ trưởng. Trước hôm lên đường, em đã thắp hương xin chư Phật hộ trì cho em, và hứa khi đánh giặc xong, nhất quyết em sẽ quay trở về chùa làng để ngày đêm nương bóng từ bi.
Ông chính ủy lần này ngước cằm lên gãi râu rồi mới nói:
- Quả nhiên không sai với lời nói của chính ủy Trần. À tớ phải tự giới thiệu: Tôi là bạn thân của ông Trần, sư thúc của cậu. Nhân tiện, cũng phải báo cho cậu biết một tin... buồn. Sư thúc của cậu đã qua đời rồi.
- Sao ạ? Chú Trần của em đã mất tự lúc nào? - Tôi rụng rời hỏi.
- Đã năm tháng.
- Thưa thủ trưởng - Chú em mất vì bệnh gì?
- Trung tá Trần, người bạn dũng cảm của tôi đã trải qua hai cuộc kháng chiến, trải qua trăm trận chiến đấu lớn, nhỏ. Bị thương ba lần vẫn không hề hấn gì. Thế mà hòa bình được một năm, ông lại bị thổ ra máu. Người ta phát hiện ông có một khối u to bằng quả trứng gà trong lồng ngực, Bệnh viện nói khối u đã di căn khắp nơi. Chỉ ba tháng nữa thì chết. Con gái ông đón ông vào Tây Nguyên tìm cách chữa bệnh cho ông bằng lá rừng. Cũng kéo dài được một năm thì ông chết.
Ông chính ủy già lại dừng lại lần nữa để sờ râu rồi mới nói:
- Khi tôi đến thăm, ông bạn tôi đã yếu lắm rồi, song ông vẫn cố gắng nói, cứ tha thiết nhờ tôi thuyết phục cậu trở về đời sống trần tục một cách hoàn toàn. Mà lạ thật! Ông ta lại có thể đoán biết rất đúng phản ứng của cậu ra sao khi tôi nói chuyện với cậu.
Khi thủ trưởng nói, tôi cúi đầu lặng lẽ, với bao suy nghĩ. Và đến lúc bấy giờ tôi mới hỏi:
- Như vậy là thủ trưởng đã gặp cô Huệ, con gái của chính ủy Trần.
Một lần nữa, ông già lại ngẩng lên gãi râu, lần này hình như ông tủm tỉm cười:
- Có. Tôi đã gặp cô Huệ y sĩ. Này, tôi có nghe chuyện này nhưng không biết có đúng không. Nghe nói rằng, cậu đã ba lần gửi thư cho cô Huệ, nhưng thư bị thất lạc.
Tôi khe khẽ gật đầu. Đúng là, tôi đã gửi cho Huệ ba lá thư. Chúng tôi đã hẹn với nhau rồi. Nội dung thư chỉ hỏi thăm bình thường. Nhưng ngoài phong bì phải đề:
‘‘Thư gửi Nguyễn Thị Huệ ở Trạm Quân y Cây Chò hai trăm tuổ i.’’
Ba lần gửi song chẳng hề có hồi âm. Tôi nóng ruột vô cùng mà không có cách nào biết được tin tức, bởi vì đơn vị mới của tôi ngày càng đi xa khỏi nơi ở của Huệ. Đến lúc ấy, thủ trưởng mới đưa cho tôi một lá thư và bảo:
- Những lá thư không hề bị thất lạc, bởi vì Cây Chò hai trăm tuổi ấy vẫn đứng vững. Nhưng đã có một sự việc xảy ra. Cũng vì sự việc ấy, cô Huệ ngại ngần không muốn viết thư cho cậu. Cô ấy đã bị thương, cụt mất một chân. Bây giờ thì cậu nghĩ thế nào. Có nên quay về chùa nữa không. Trước khi chết, trung tá Trần cứ băn khoăn mãi về chuyện của con gái. Đại úy Căn con trai ông đã hy sinh ở Xuân Lộc khi tiến vào Sài Gòn. Bây giờ cô Huệ chơ vơ một mình ở đời. Mẹ chết, bố chết, anh trai cũng chết. Ông Trần bảo lúc này chỉ còn cậu là người gần gũi với Huệ nhất.
Lẽ dĩ nhiên, trước khi có quyết định ra quân như thế nào, tôi được nghỉ phép đi thăm Huệ. Điều ngạc nhiên là địa chỉ mới của Huệ lại ở ngay Hà Nội. Cô ở tại một xóm ngoài bãi ven sông Hồng.
Tôi đến xóm Bãi vào một buổi sớm. Cái xóm nghèo nhà tranh vách đất. Nghèo nhưng gọn ghẽ khang trang. Ngõ hình con rết. Một ngõ to nằm giữa xóm. Từ ngõ to tỏa đi những ngách nhỏ. Ngăn giữa các nhà và với mặt ngõ là các hàng rào cúc tần hoặc dâm bụt. Những cành dâm bụt nở hoa đỏ chói, rung rinh như những chiếc cần câu. Hoa đỏ rập rờn trước mặt. Tôi hỏi thăm. Người ta bảo:
- Nhà ông bà Thơm, có cô con nuôi thương binh ở số 5 tổ 6. Cứ tìm cái nhà nào nhiều hoa dâm bụt nhất. Lại có cây nhãn ở sân là đúng.
Chẳng khó khăn gì, tôi tìm được ngay. Huệ đang chống nạng phơi quần áo ở sân, vừa nhìn thấy tôi ở cổng đã sững người ra, đánh rơi cả chiếc áo xuống đất.
Ông bà Thơm đã ngoài bảy mươi, làm nghề trồng rau. Huệ dắt tôi ra sau nhà, chỉ cái bãi trồng rau rộng bao la nói với tôi.
- Cả xóm Bãi sống bằng những ruộng rau đó. Trừ mùa nước lũ, còn quanh năm ở đây xanh mướt những rau cải, củ cải, su hào, cải bắp.
Rồi cô giới thiệu kỹ hơn:
- Ông bà Thơm là bố mẹ của em. Anh có nhớ cái bận em nhảy xuống sông Hồng không. Thuở ấy nước to. May mắn em bám được vào khúc gỗ. Và khúc gỗ đã trôi phăng phăng trên sông dẫn em đến xóm này. Hôm ấy ông bà Thơm bơi thuyền vớt củi rều, nhặt được em trên sông, liền đem về nhà nuôi. Nửa năm trước, khi thầy em mắc ung thư chết, em biên thư về cho ông bà. Nhận được thư em, ông bà viết thư bảo: “Con về ngay ở với bố mẹ. Trước đây bố mẹ nhận con là con của bố mẹ, thì bây giờ và sau này, mãi mãi con vẫn là con của bố mẹ”.
Huệ nói vậy, nhưng đôi mắt vẫn rơm rớm. Tôi nhìn hai mái đầu đã bạc phơ của ông bà Thơm, rồi lại nhìn cái chân cụt quá đầu gối của Huệ. Cái ống quần lụa đen ở bên chân cụt đã được vén lên cài kim băng cho khỏi phơ phất, nay kim băng tuột ra. Cái ống quần được thả lỏng, gặp gió sông bỗng bay phần phật. Gió vô tình trở thành ác độc, như thể là kẻ cố tình gây chú ý vào chỗ khiếm khuyết của con người. Tôi hiểu nỗi niềm của Huệ. Còn Huệ thì đỏ mặt lên, giơ tay giữ chặt cái ống quần lại.
Tôi chẳng biết nói gì với Huệ. Tôi chỉ cầm lấy tay cô và bảo rằng:
- Em cứ tin ở anh.
Hôm sau, tôi từ biệt Huệ, nhân tiện đường quay về làng Sọ. Chùa làng vẫn như xưa. Chẳng có gì khác. Cái khác là sự thay đổi của những con người. Sau khi chị Nguyệt tôi đi lấy chồng. Cái am ni làm bằng tre nứa bên bờ ao, không có hơi người ở bị mối mọt, rệu rã. Một trận gió đã làm nó sụp xuống. Tôi đi ra chiếc giếng thơm bên cạnh cây nhãn cổ thụ. Cái giếng là Rêu đấy. Rêu từ giã cõi đời chẳng để lại một bức hình. Thời gian đã xóa hết dấu vết của cô. Nhưng cái giếng thì vẫn còn đấy. Không hiểu sao tôi lại cúi đầu xuống nhìn mặt nước. Mấy khóm dương xi từ vách giếng trồi ra. Những chiếc lá hình tam giác răng cưa cũng soi gương trong nước. Ô kìa, trên gương nước, ngoài cái bóng của tôi còn phảng phất một chiếc bóng thứ hai trăng trắng, nhàn nhạt. Một cơn gió hiu hiu, tôi thấy lạnh ớn sống lưng, và chợt cảm thấy một mùi thơm man mác. Lại cảm giác như có ai đấy đang nhìn vào gáy mình. Rêu chăng? Hay là hồn Rêu cũng đang soi gương xuống giếng. Tôi quay đầu ngẩng nhìn trời. Có thấy gì đâu. Chỉ thấy một đám mây trắng trên nền trời xanh đang loãng ra. Tôi buồn buồn thầm nghĩ: Quá khứ chỉ còn sót lại từng ấy thôi ư?
Sau khi chị Nguyệt tôi đi lấy chồng, thiền sư Vô úy sư phụ tôi cũng viên tịch. Ngày nay, sư huynh của tôi, sư Khoan Độ, thay thầy tôi làm trụ trì. Sư huynh dẫn tôi ra vườn tháp. Tình trạng kinh tế của nhà chùa trong thời gian hợp tác xã rất là eo hẹp. Các tín đồ trong vùng, các bà vãi trong làng phải góp từng viên gạch, nhà chùa phải tích cóp từng đồng xu của khách thập phương cúng dường mãi mới đủ lực xây cho thầy tôi một ngôi tháp ba tầng. Tôi ra tháp quỳ trước thầy bái lạy. Rồi ngậm ngùi:
- Thầy chúng ta cả cuộc đời gian truân. Cứ tưởng ở chùa là cuộc đời tĩnh lặng, sẽ chẳng gặp sóng gió. Thế mà, nào tù tội, nào đói khát, nào bị tra tấn... bao nhiêu chuyện đã xảy tới. Chắc ngày xưa, sư tổ đã nhìn thấy những điều đó nên đã đặt pháp danh cho thầy là Vô úy.
Tôi vái xong, cứ trầm ngâm suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi hỏi sư Khoan Độ về những ngày cuối cùng của sư phụ:
- Thầy chúng ta mắc bệnh gì?
- Thầy chẳng có bệnh gì cả. Hơn chín mươi tuổi rồi. Chắc vì già quá thôi.
- Người có đau đớn gì không?
- Không, trước khi ra đi, thầy rất tỉnh táo. Dặn dò tỉ mỉ cho từng người, từng việc.
- Thầy có nhắc tới đệ không?
- Có chứ. Nhiều lần là khác. Thầy chỉ tiếc hãy còn chiến tranh, không được gặp sư đệ lần cuối.
- Thầy có dặn gì sư đệ không?
- Có chứ. Thầy có viết lên mảnh giấy hai chữ nho mà huynh không đọc được.
Tôi run run nhận tờ giấy, trên đó thầy tôi viết hai chữ rất đẹp: Tùy duyên.
Phải chăng đó là hai chữ trong bài phú Cư Trần lạc đạo của đức Trần Nhân Tông:
"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên...
Thầy tôi đã biết trước tất cả rồi sao. Tùy duyên! Tôi có thể bỏ mặc Huệ, người con gái tàn tật tội nghiệp ấy, một mình bơ vơ giữa cõi đời này hay sao? Hiện nay Huệ chỉ có một mình tôi là người thân. Trong khi đó cô ấy cần đến tôi. Tôi nhìn thấy sự tin cậy và cần thiết ấy trong đôi mắt Huệ, hôm ở xóm Bãi. Chắc sư thúc cũng muốn nói điều ấy với tôi nên mới nhờ ông thủ trưởng của tôi gọi tôi lên nói chuyện. Cả sư phụ tôi cũng vậy. Ông viết hai chữ tùy duyên là đã cho phép tôi, và trao cho tôi quyền tự quyết định. Tôi nghĩ lan man suốt đêm. Tôi nghĩ tới ngài Tuệ Trung thượng sĩ, người đã dẫn dắt đức vua Trần Nhân Tông vào con đường thiền. Thầy của vị tổ thứ nhất thiền phái Trúc Lâm lừng danh lại là một cư sĩ. Thầy tôi, sư cụ Vô úy là một Bồ tát. Thầy tôi thường dạy - Phật giáo là một lối sống. Ta có thể tu ở mọi nơi và ở mọi lúc. Tôi đã mục kích thầy tôi tu trong lúc biến, tức là tu cả trong các nhà tù. Bậc Bồ tát có thể hành đạo ở mọi công việc trên khắp thế gian.
Nghĩ vậy, sáng hôm sau tôi rời chùa, quay trở lại xóm Bãi ven sông Hồng để đón Huệ.
Chúng tôi gặp lại ông thủ trưởng, bạn của sư thúc Vô Trần. Thấy cả Huệ đi cùng với tôi, ông rất vui. Ông bảo:
- Huệ ạ, bác rất vui vì đã không thất hứa với bố cháu. Còn An, bác biết cháu phải đấu tranh tu tuởng nhiều. Tuy nhiên, như thế này là hợp nhẽ. Còn bây giờ, các cháu định thế nào? Cứ mạnh dạn đề đạt.
- Chúng cháu định lên rừng, làm ruộng - An trả lời - Chỉ ngặt một nỗi, cả hai đứa chẳng có một mảnh đất cắm dùi.
- Cái gì chứ việc ấy, bác giúp được. Bác có người bạn làm phó chủ tịch tỉnh. Xin giao cho các cháu một, hai quả đồi trọc không phải là khó. Chỉ có điều ở đấy rừng núi bạt ngàn, cách xa thành thị. vết thương của cháu Huệ ra sao? Liệu có cần phải ở gần bệnh viện không?
- Thưa bác, vết thương của cháu đã ổn định. Nếu được bác giúp cho như vậy thì tốt quá. Cả hai chúng cháu đều thích ở miền rừng núi.
Thật là cầu được ước thấy. Chúng tôi được giao mấy quả đồi trọc ở vùng núi Tam Đảo, gần một con suối gọi là suối Đá Đen. Đất đai rộng rãi. Chúng tôi khai thác được dăm sào ruộng nước. Dưới chân đồi làm ruộng ngô, nương sắn. Gia đình anh Hạ, chị Nguyệt cũng lên làm ăn với chúng tôi. Có đủ lao động, chúng tôi trồng một đồi chè, một đồi trám, một đồi dẻ. Trên đỉnh một quả đồi, chúng tôi làm am thờ Phật. Nhà làm ở lưng đồi, ba gian hai chái. Cuộc sống có thể nói là ổn định, yên tĩnh. Khi ấy tôi mới bảo Huệ:
- Em vốn là y sĩ, còn anh nhờ theo sư phụ và sư huynh Khoan Độ nên cũng biết về thuốc nam. Gần chỗ ta ở là những khu rừng lắm cây thuốc quý. Có lẽ ta nên chữa bệnh giúp mọi người.
Huệ tán thành ngay. Tôi lại đem ý đó ra bàn cùng trạm y tế xã cũng được họ nhiệt liệt ủng hộ. Chúng tôi dựng một chiếc lán cạnh nhà làm nơi chữa bệnh không lấy tiền. Trạm y tế gửi những bệnh nhân nghèo đến chỗ chúng tôi.
Đầu tiên chúng tôi chữa những bệnh thông thường bằng những cây cỏ dân gian, về sau, một số người mắc bệnh nan y cũng tìm đến, họ đã bị bệnh viện trả về chờ chết. Huệ là người ham hiểu biết. Ngoài những hiểu biết về tây y, cô còn sưu tầm được những bài thuốc dân gian bí truyền, những bài thuốc mà trong lúc ở chiến trường, rồi lúc đi đây đi đó cô đã học được. Cô ấy đã chữa được vài ca ung thư, xơ gan cổ chướng. Cô ấy bảo bệnh nhân loại này rằng:
- Những bệnh này thực ra nhiều lúc y học bó tay vì có nhiều nguyên nhân, nhiều thời kỳ tiến triển và cơ địa từng người bệnh rất khác nhau. Tuy vậy, còn nước còn tát. Nếu loại bệnh rồi người bệnh phù hợp với loại thuốc cỏ cây nào đó thì cũng có người khỏi. Dù thế nào, tôi cũng xin hết sức cố gắng giúp đỡ.
Huệ hiểu khả năng của mình chỉ mới tới đó, nhưng người khỏi nói cho người khác. Và qua những lời đồn, người ta cứ kéo đến. Đến nỗi, anh Hạ phải dựng thêm một cái lán để bệnh nhân ở xa đến có chỗ ngủ tạm và nấu nướng, sinh hoạt.
Từ khi được làm việc và giúp đỡ người bệnh, Huệ vui hẳn lên và khỏe hẳn ra. Sáng sáng, cô chống nạng đến thăm bệnh nhân với nụ cười trên gương mặt rạng rỡ. Nhìn thấy Huệ như thế, riêng tôi cũng thấy mãn nguyện. Bởi vì có như vậy, việc tôi rời chùa mới có ý nghĩa.
Sự nổi tiếng chữa bệnh của Huệ đã khiến cho tôi có một cuộc gặp gỡ đặc biệt.
Một hôm, có một người ăn mặc sang trọng tìm đến ngôi nhà hẻo lánh của chúng tôi. Ông ta hỏi:
- Thưa, đây có phải gia đình ông An bà Huệ.
- Vâng. Ông đến chữa bệnh hay có việc gì khác.
- Thực ra tôi muốn tìm gặp ông An, một người quen cũ.
Tôi ngẩn người nhìn ông khách lạ, nhất là khi ông ta tự giới thiệu từ bên Mỹ trở về nước. Ông ta đã về nước mấy lần, lần nào cũng tìm tôi nhưng không được. Tôi ngắm ông khách từ đầu đến chân, và hoàn toàn mù mịt không thể nhớ ra đã gặp người khách sang trọng này ở đâu. Ông ta xưng tên:
- Tên tôi là Đức, Đức đây mà.
- Đức nào nhỉ? - Thú thực tôi vẫn ngớ ra. Ký ức vẫn chưa chịu về với tôi.
Lúc bấy giờ Đức mới giải thích rõ.
- Anh đã quên trận bom B.52 ngày xưa lúc ấy chỉ có anh và tôi sống sót. Và tôi là người tù binh của anh.
- À... à... - Tôi nhớ ra rồi.
Đức kể:
- Cuộc gặp gỡ của hai chúng ta ngày ấy là một hạnh ngộ hy hữu. Ít lâu sau, tôi sang Mỹ đi học tiếp. Ngày nay, tôi dạy khoa Đông phương học ở một trường đại học Hoa Kỳ.
- Ông vẫn theo đạo Phật?
- Ngày ấy tôi là đạo hữu của ông. Ngày nay, cũng vậy. Chính vì theo đạo Phật, nên tôi mới cố tìm gặp ông. Tôi đến cả giáo hội Phật giáo miền Bắc hỏi tin tức về một ông sư tên là An đã nhập ngũ đi B, nhưng cũng không ai biết. May mắn lần này, tôi đọc một tờ báo nói về bà Huệ, chữa bệnh cho người nghèo, chồng tên là An có một thời đã đi tu. Chưa biết đích xác, nhưng tôi cứ đánh liều đến đây. May mắn thay, vừa gặp mặt ông là tôi đã nhận ra ngay - Nói một hồi dài, cuối cùng ông Đức mới thổ lộ mục đích - Sở dĩ phải gặp ông, bởi vì ông là đạo hữu. Tôi có lỗi với ông. Tôi đến xin với ông một lời tha lỗi.
- Ông có lỗi gì nhỉ? Trong cuộc chiến, tôi bắt ông, rồi ông tìm cách trốn thoát. Tưởng rằng đó là chuyện thường tình.
- Nào chỉ có thế. Ông có nhớ, đêm ấy ông luận bàn với tôi lẽ được thua. Trong khi nói, ông có nhắc tới một nhạc sĩ tài năng, anh ta vốn là thần tượng của tôi. Thế là tôi nổi xung lên, bóp cổ ông. Sau đó, tôi tự chế ngự được bản thân, tôi đã kìm nén được cơn giận. Nhưng không phải thế đâu. Cơn giận trong tôi càng nén lại càng bùng lên dữ dội. Thú thật, càng lúc tôi càng căm ghét, hận thù ông. Cuối cùng tôi tự nhủ: “Mình sẽ giết hắn rồi trốn đi”. Ông thì vô tình không biết, còn tôi thì giả vờ ngủ, nghĩ mưu tính kế. Rồi dịp may đã tới. Vừa mệt nhọc, vừa được ấm áp bên đống lửa, ông đã ngủ thiếp đi. Tôi nhân cơ hội, len lén đứng dậy. Tôi rút một thanh củi to lửa cháy đùng đùng. Tôi định dùng thanh củi cháy ấy để dúi vào mặt ông. Tôi nghĩ, nếu ông không chết thì cũng phải mù mắt. Dù ông có thức dậy, thì tôi cũng dễ dàng tẩu thoát. Tôi đã đưa thanh lửa ấy vào gần mặt ông nhưng tôi lại chần chừ nghĩ ngợi. Chính lúc ấy, tôi nghe thấy một tiếng động đánh xoạt một cái phía sau lưng. Tôi quay phắt đầu lại, nhìn thấy sau bụi rậm có hai con mắt đỏ lừ. Chẳng biết hươu nai hay hổ báo. Chỉ biết rằng hai con mắt đỏ ấy đã làm cho đầu óc tôi bừng tỉnh. Ông vẫn còn ngủ, còn tôi lầm lũi bỏ đi.
Tôi nghe chuyện liền hỏi Đức:
- Đã là ác thú, tại sao nó không tấn công tôi khi ông bỏ đi.
- Tôi cũng chẳng biết nữa... Có lúc tôi cũng nghĩ như ông. Nhiều đêm tôi vẫn mơ trông thấy đôi mắt đỏ ấy. Rồi tôi lại nghĩ có thể đôi mắt đỏ ấy là lương tâm của tôi, có khi là hóa thân của Phật hiện ra để ngăn tôi không làm điều ác.
- Và thực tế ông đã không làm điều ác. Tôi may mắn đã không bị mù, hay không bị chết, tôi cũng phải cám ơn ông mới phải. Ông không có lỗi.
- Vẫn có lỗi chứ. Dù sao thì tôi đã có ý tưởng giết ông, ý tưởng ấy đã dấy lên trong tâm tôi. Một tà niệm trong khi ông không có ý định giết tôi. Tôi càng tu tập, càng suy nghĩ càng thấy tôi còn cách xa con đường chánh đạo.
Cả ngày hôm ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau thật là tâm đắc. Đức hỏi tôi về ngôi chùa xuất xứ của tôi. Tôi nói:
- Sư phụ Vô úy của tôi đã qua đời - Tôi kể sơ qua về hành trạng của người. Đức nói - Ngài là bậc Bồ tát. Anh có phúc lớn mới được sống cạnh ngài.
Tôi ngậm ngùi.
- Sư phụ tôi sống rất bình thường, bình thản giữa cuộc đời. Lúc sống cạnh người tôi chưa hiểu ra. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu sống như vậy thật khó, và hiểu sống như vậy mới gần được đạo. Tôi biết ơn được sống dưới sự che chở của người.
Tôi lại hỏi Đức:
- Ông có duyên, được học nhiều, được đi nhiều trên thế giới, chắc được gặp nhiều các bậc thiện trí thức. Tôi xin được nghe những ý kiến của ông. Bởi vì tôi là một người nhà quê, chỉ sống ở một ngôi chùa quê.
- Thực ra, riêng ông đó là diễm phúc. Tôi may mắn được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người, cứ băn khoăn suy nghĩ, rồi mạo muội có những ý nghĩ. Tôi thấy thế gian có nhiều lối sống. Tôi theo đạo Phật nên lẽ dĩ nhiên theo lối sống Phật giáo và tôn trọng các lối sống khác. Đại để thì chia làm hai: một lối sống âm tính và một lối sống dương tính. Lối âm tính suy ngẫm khoan hòa, âm thầm, nhưng cũng tàng chứa một năng lượng không phải nhỏ. Lối dương tính thì hoạt bát, năng động tức thì, đáp ứng ngay cho con người vô cùng hấp dẫn. Chẳng cái nào kém, cái nào hơn. Chúng bổ sung cho nhau thì đúng hơn. Tổ tiên chúng ta ngày xưa đã hiểu được cái lý ấy. Ví dụ như thời Lý - Trần. Thời ấy Phật giáo là âm, Nho giáo là dương. Nhà Lý sinh ra từ đạo Phật. Nhưng nếu cực đoan Phật giáo thì đất nước sẽ yếu ớt không chống được kẻ thù hùng mạnh. Do thế, Lý Thánh Tông và bà Ỷ Lan mới lập Văn Miếu mở khoa thi Nho giáo, ngõ hầu đem cái cương cường, cái trật tự mạnh mẽ của Nho giáo làm cân bằng cái uyển chuyển mềm mại đạo lý của Phật giáo. Đó là lần điều chỉnh thứ nhất. Đến thời Trần, sau khi ba lần thắng quân Nguyên - Mông, chiến tranh liên miên, mà khi đánh nhau thì con người phải bạo tàn. Chắc thời ấy, sự đói khát, sự hung bạo đã làm đạo lý suy vi. Dương tính quá dâng cao cho nên đức vua Trần Nhân Tông mới đi tu, chấn hưng phật giáo. Đó là lần điều chỉnh thứ hai. Tôi nghĩ thời hiện đại là thời
dương khí bốc lên ngùn ngụt, ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của hiền nhân.
Chẳng mấy chốc sẽ đến rằm tháng Tám. Huệ bảo tôi:
- Năm nay cháu Tâm Như lên sáu. Chúng ta lại có ba cháu bệnh nhân nhỏ tuổi. Em nghĩ, chúng mình nên tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thật vui.
Tôi tán thành ngay ý kiến của Huệ. Chị Nguyệt và Huệ chuẩn bị hoa quả, bánh trái. Huệ lại có dịp trổ tài làm thứ bánh rán độc đáo của làng Sọ, to vừa bằng cái mâm, lại ròn tan. Thứ bánh cúng Phật làm bằng bột, nước lá duối, mật mía và dầu lạc mà bà Nấm đã dạy cô. Còn tôi, tôi chuẩn bị làm những chiếc đèn xếp. Tôi nhuộm giấy xanh đỏ, vẽ hoa lên giấy, rồi khéo léo xếp, biến những tờ giấy thành những chiếc đèn sặc sỡ xinh xinh.
Đêm Trung thu. Trăng vàng tròn vành vạnh treo trên bầu trời không mây.
Trẻ con và cả người lớn chúng tôi đều tụ tập tất cả trên đỉnh đồi, ở cái sân rộng trước am thờ Phật. Chung quanh sân là những cây vải tán lá rậm rịt. Chỉ có ở đấy trăng không xuyên tới mới có bóng tối. Chúng tôi treo những chiếc đèn xếp dưới những tán lá. Không có nến, theo sáng kiến của Huệ, tôi thả vào mỗi chiếc đèn nhỏ xinh ấy dăm con đom đóm. Huệ còn thả đom đóm vào những chiếc vỏ trứng rỗng để có thêm những chiếc đèn tròn xoe.
Đám trẻ con múa hát. Sau tuần nhang, bọn trẻ phá cỗ trông trăng. Thụ lộc Phật xong, chúng buộc những chiếc đèn xếp vào đầu những que tre rồi rồng rắn rước đèn.
Những chiếc đèn đom đóm nhòa đi trong ánh trăng. Khi lũ trẻ đi dưới những lùm cây. Và một đám mây chiều lòng con trẻ đã xuất hiện trên cao. Trăng chui vào đám mây. Dưới bóng cây, những chiếc đèn đom đóm lúc này bỗng tỏa sáng lập lòe.
Huệ bảo chị Nguyệt:
- Nhìn lũ trẻ, chị có nhớ tới hồi chị em mình ở quả đồi Đom đóm hồi chống Pháp?
- Nhớ chứ. Chị nhớ cô Nấm mẹ em, rồi chú Vô Trần, cả sư cụ Vô Úy nữa.
- Nhớ cả cái Rêu, anh Căn, anh Trắm nữa.
- Đã bao nhiêu năm rồi chị nhỉ?
- Lâu lắm rồi. Nhưng mà cũng chóng quá. Cứ tưởng như những chuyện chỉ mới hôm qua.
Còn tôi, nghe họ nói tôi lại nghĩ về kiếp nhân sinh. Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.
Khởi thảo: Hà Nội 2007.
Hoàn thành: Đại Lải 2010.