Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Món Nợ Khó Trả
ự hờ hững lạnh nhạt của người, gây cho ta những nỗi buồn bã muộn phiền có thể sẽ phai nhạt dần cùng ngày tháng. Nhưng sự chu đáo ân cần của người, nhất là sự chu đáo ân cần đó lại rất... im lặng, không cho thấy dấu hiệu đòi hỏi mình phải trả lễ lại, thì điều đó làm cho chúng ta áy náy không yên. Áy náy, ray rứt ta ngay cả trong giấc ngủ và đến lúc mình cảm thấy xấu hổ. Tôi thường trông mong vào những điều tử tế nhưng đồng thời tôi cũng... sợ hãi nó luôn. Vì sự tử tế đối với tôi là những món nợ khó trả. Và phải trả cho đúng lúc.
Các cụ ngày xưa thường dạy bảo rằng... “Này của cho không bằng cách cho”... Khổ thế cơ đấy, nhưng ngẫm lại thì quả tình thật là đúng như chưa bao giờ đúng thế. Trong tôi, có những món nợ ân tình, giữ làm “của” để mỗi lúc nghĩ đến lại thấy thêm chút ngậm ngùi. Ngày hôm qua không phải là hôm nay, lại càng không phải là ngày mai. Thời gian trôi nhanh, nghiệt ngã, tàn nhẫn và rất vô tình với những đổi thay không làm sao khác hơn được. Nhưng mà ai dám trách trời trách đất. Nó như thế từ ngàn năm trước, từ lúc loài người chưa được tạo dựng.
Đời đưa ta đến đâu? Làm sao ta biết. Trời cho ta đến đâu? Làm sao ta biết. Hạnh phúc hay lẻ loi. Ngày vui hay nỗi sầu cứ thản nhiên cuốn ta đi, mặc dù lòng luôn nhủ với lòng rằng... chân đi xa, trái tim ở lại... Bởi tôi có trong tôi những ngày tháng đẹp đẽ, tử tế. Khuôn mặt kỷ niệm ngày cũ là tất cả những gì tôi còn giữ được trong cuộc sống mỗi ngày tôi mỗi cảm thấy ghê sợ. Ghê sợ mà vẫn phải có mặt. Tôi thương yêu mọi người vì mọi người thương yêu tôi nhiều lắm, nhưng tôi sợ sự sống... À, mình còn sống sao... Ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu. Ngạc nhiên. Không mừng rỡ. Những buổi sáng thấy mình mở mắt và còn thở.
Tôi không dứt bỏ được tấm áo kỷ niệm. Tôi không dứt bỏ được cái gông xiềng kỷ niệm. Không ai làm được giùm tôi điều đó. Chỉ có tôi nhưng khổ thay đó chính là đời sống của tôi. Nó làm nên đời sống của tôi. Kỷ niệm đẹp quá nhưng kỷ niệm cũng có nhiều mặt. Nó cho tôi hạnh phúc và xót xa. Hạnh phúc bởi tôi đã nắm được niềm vui trong tay ở một lúc nào đó, tôi đã sống với niềm vui đó, cũng có thể nói chính những niềm vui đó cho tôi được sống. Tại sao lại xót xa? Bởi đã là kỷ niệm cũng có nghĩa là đã qua, đã mất cho dù những người đã cùng tôi chia sẻ những khoảnh khắc êm ấm xưa vẫn còn đó nhưng hỡi ơi... ngày hôm qua không phải là ngày hôm nay nữa rồi.
Tôi gắng giữ gìn những điều đẹp đẽ, tử tế ngày xưa, xem đó như là những báu vật, lâu lâu lôi ra lau chùi nhìn ngắm. Nhưng đồng thời tôi cũng tìm được cho mình những niềm vui nhỏ bé. Mình tìm đến thì đúng hơn, chẳng phải để cho mình lấp đầy cái khoảng trống vắng trong tâm hồn nhưng để thấy rằng dù gì đi nữa, vẫn có người hiểu và thương quý mình. Người mà mình có thể nói ra hết được những điều có lúc mình nghĩ là nên giấu kín. Với khán thính giả, tôi chỉ có thể nhắn gửi nỗi niềm của mình qua những bài hát, trong khi thực sự, tôi muốn có một tình bạn sâu đậm hơn, như hai người bạn bình thường.
Tình bạn và cũng là tình chị em chung thủy nhất tôi có được từ 15 năm nay ở một người đàn bà là chị Lâu. Chị thương tôi, quý tôi ở vào cái lúc tôi nghèo nhất. Năm đó là năm 1979. Chị thương tôi bởi những trái ngược giữa hai cuộc sống. Chị Lâu là người đàn bà của gia đình. Chị sống căn cơ ngăn nắp. Việc gì ra việc ấy. Giờ nào ra giờ nấy. Và người nào ra người đó. Chị không lẫn lộn bao giờ. Gia đình của chị Lâu là một gia đình có trên, có dưới, có giáo dục và có học. Bởi là dân học trường Pháp nên chị không đến nỗi không chấp nhận một người có nếp sống kỳ quái như tôi.
Tôi rất gần chị Lâu. Bất cứ một vấn đề gì dù có rắc rối khó khăn đến cỡ nào tôi cũng có thể nói thẳng, nói hết cho chị nghe. Từ chuyện chồng, chuyện làm ăn, chuyện con cái đến chuyện chạy tiền để trả tiền nhà, tiền bill. Chị Lâu bao giờ cũng là người đầu tiên và duy nhất để tôi tâm sự. Ngược lại, chị cũng chẳng giấu tôi điều gì. Nhà tôi hay nhà chị. Chúng tôi đều biết rõ. Tôi biết chị thích món ăn gì thì nhất định không thể thiếu chị lúc tôi làm món ăn đó dù chị phải chạy mấy chục quãng đồng để đến nhà tôi. Ðến không phải vì món ăn chị thích vì chị ăn không bao nhiêu nhưng còn để nhìn thấy nhau bình yên, nói dăm ba câu chuyện rồi chia tay. Cũng có khi cả tháng chúng tôi không thấy nhau, không gọi điện cho nhau. Tuy nhiên muốn gặp, là gặp ngay. Trong lúc xa vẫn thấy gần, thì một tuần hay một tháng chẳng có nghĩa gì. Chẳng thay đổi gì ở chúng tôi. Những trái táo Tầu chị hái để dành cho tôi. Mấy trái măng cụt, trái na, bịch nhãn tôi giấu giếm qua mặt quan thuế, để dành cho chị và anh Lâu gọi là có chút quà mang mùi vị quê nhà. Lần đi Úc vừa rồi, tôi lén mang về cho chị Lâu hai trái vú sữa. Hú vía. Quan thuế Mỹ mà nó bắt được thì đúng là... đổ nợ. Lên nhà tôi, bao giờ chị cũng xách cho tôi khi thì túi nho, khi thì túi đậu. Tôi cản thì chị cười... “Ô, cái bà này, tôi đâu có cho bà, tôi cho Misa và Cu ăn mà...” Tôi đành thua và không cản nữa.
Tôi sống mơ mộng, không thực tế. Bừa bãi, không ngăn nắp. Ăn uống ngủ ngáy chẳng bao giờ đúng bữa, đúng giờ. Thuốc ngủ độc hại mà uống như ăn kẹo. Thuốc lá phun như ống khói tàu. Ðói không dám ăn. Sợ mập mất cái eo mặc áo dài không đẹp. Tôi nhịn ăn triền miên. Nấu và nhìn mọi người ăn. Thật ra thì tôi cũng ham ăn lắm chứ, nhất là những món do chính mình nấu, bởi có thích mới nấu. Nhưng tôi không ăn là không ăn. Tôi đâu có phải là thánh mà nhịn đói giỏi đến như thế. Tôi xài thuốc “diet” nên chả bao giờ cảm thấy đói. Chị Lâu gặp là cằn nhằn... “Bà đâu có mập gì đâu, cứ “diet” mãi cho mà chết à...” Tôi chỉ cười. Nếu mình được chết mà hình ảnh của mình trong lòng người yêu mình còn... tương đối được được thì đó mới đúng là mình không phụ lòng yêu của người. Tôi chỉ nghĩ mà không dám nói ra điều đó. Bởi vì với chị Lâu, đó không phải là một điều hợp lý.
Chính tôi, tôi cũng tự biết mình có những điều không hợp lý lắm. Không hợp lý với người khác nhưng lại rất hợp với cái ý của mình. Tôi không thể sống khác với cái đời tôi muốn sống. Tôi đã dâng hiến tất cả tuổi xuân của mình cho nghiệp dĩ thì những ngày tháng ngắn ngủi còn lại, tại làm sao tôi lại phải thay đổi. Dù trong sự dâng hiến có phần hủy diệt chính mình. Ðời tôi. Sự sống tôi đâu còn là của tôi nữa. Nó ở trên sân khấu, ở dưới ánh đèn, trong câu hát, tiếng đàn, trong tình bạn, tình vợ chồng, tình mẹ yêu con. Tôi yêu nghiệp dĩ của mình như Chúa yêu Ðức Mẹ.
Tôi là người có đức tin mạnh mẽ dù không được xem là ngoan đạo lắm (không thường xuyên đi xem lễ). Chị Lâu đột nhiên xin rửa tội, trở lại đạo và chẳng cần phải nói, ai cũng
biết một người có nếp sống ngăn nắp, chừng mực như chị thì dù không ngoan đạo hơn ai, cũng hơn tôi. Chúng tôi lại gặp nhau thêm ở điểm cả hai đều có chung một đức tin. Luôn luôn tin rằng tất cả mọi chuyện, mọi điều đều là ý Chúa. Tin trong lúc vui, lúc buồn, lúc khó khăn, lúc thảnh thơi. Tin trong giấc ngủ, tin cả lúc ăn. Tin qua tình vợ chồng. Tin qua lòng thương yêu con cái. Chúa định sao, chúng mình vâng chịu. Nhờ có đức tin, chúng tôi sống bình lặng và sẽ mãi mãi như thế.
Tôi đặc biệt quý mến vợ chồng anh chị Lâu bởi anh chị coi tôi như một người em. Tôi làm phải thì nói phải. Tôi làm trái thì nói trái, không hề vì tôi là một ca sĩ, là Khánh Ly. Tôi rất đông anh chị em nhưng lại không ở gần ai, không được ai ưa, vì trái tính, trái nết, chẳng giống ai trong nhà, thế nên ngoảnh đi ngoảnh lại từ mấy chục năm nay, tôi chỉ có một mình. Trơ trọi một mình. Có lẽ vì thế mà tôi rất cần đến gần với mọi người để không cảm thấy mình cô lẻ. Chồng con là một lẽ. Có nhiều điều mình không nói được với bất cứ ai trong gia đình. Chỉ có bạn mà thôi. Huống gì chị Lâu coi tôi hơn cả một người bạn.
Năm 1985, tôi dành dụm được gần trăm ngàn, tôi đưa chị giữ hết. Nếu cứ để yên như thế, tôi đã không phải có lúc mượn Elvis Phương tiền để trả tiền nhà. Nhưng tôi lấy ra làm băng nhạc và tiền rơi vào tay người phát hành băng... đi đời nhà ma công lao nước mắt. Ðó là lần “mất tiền” thứ ba kể từ năm 1978. Chị Lâu không hề cằn nhằn, chỉ tiếc cho tôi và hơn ai hết, chị biết rõ vì sao tôi mất tiền, vì sao cho đến bây giờ tôi xách va-li đi như con khùng mà vẫn có lúc phải mượn tiền bạn bè, mượn chị để trả tiền nhà, để lấy băng. Dĩ nhiên chị Lâu cũng không phải là người giàu có dư tiền, dư bạc mà cho chúng tôi mượn. Tiền này tôi gọi là “tiền nóng”, mượn tạm dăm ba bữa, một hai tuần thôi. Chuyện này nói ra ai mà tin. Nhưng tin cũng tốt không tin cũng chẳng sao.
Cái điều chị không bằng lòng nhất ở tôi là thuốc ngủ, sau cái khoản “đai-ét”. Nhưng chị phải thua vì tôi là loại... thiết đầu đà. Ðầu bằng sắt, bằng đá cho nên không có thể lay chuyển được. Cũng có thể đôi lúc chị thấy tôi có lý. Ca sĩ. Muốn trở thành ca sĩ ngày xưa là điều khó nhưng bây giờ thì quá dễ. Song có được lâu dài hay không, lại là chuyện khác. Tôi không được quyền... mập. Không được quyền thiếu ngủ trước khi hát... Tôi không được quyền nói rằng... hôm nay tôi đau bụng, hôm nay tôi thiếu ngủ, hôm nay tôi lỡ... ăn nhiều quá...vân vân và vân vân. Người ca sĩ khi lên sân khấu để hát ví như mũi tên đã lắp vào cung, đã giương lên rồi. Mũi tên phải bung đi. Như hai người lính trên trận địa. Phải bắn mà thôi. Như hai người yêu nhau. Phải có nhau mới được. Như hai người ghét nhau. Phải bỏ nhau cho được. Tất cả ở vào cái thế... phải... như thế. Không thể khác được.
Ðiều thứ hai, chị Lâu ưa... phàn nàn cho tôi... “Ðáng lẽ ra “bà” phải sướng mới là đúng...” “Thôi chị à, em được như thế này, được đến ngày nay, cũng là sướng quá rồi, hạnh phúc lắm rồi, chứ sướng hơn nữa, chị không sợ em... hóa rồ à...” Hiền lành, chơn chất như bà Lâu thì làm sao nói lại “cái mỏ” tôi. Chị lại chỉ biết lắc đầu cười. 15 năm hai gia đình quen biết nhau chưa bao giờ có một điều gì không vui xảy ra. Cần phải gặp nhau thì gặp. Cũng có khi cả tháng không phôn phiếc gì cả, chúng tôi đã quen tính nết của nhau nên xếp nó vào loại... tự nhiên.
Chẳng riêng gì tôi quý chị mà tất cả bạn tôi cũng đều quý chị. Linh mục Nam Hải cứ mỗi mùa cà, đều gửi cho tôi và luôn luôn Cha kèm theo một câu... “Nhờ Mai Ðoan chia lại cho anh chị Lâu...” Ngược lại, chị Lâu và các bạn tôi cũng không bao giờ quên gửi thiệp Giáng sinh và Tết Nguyên Ðán đến Cha. Ðoan còn thân ái tặng chị danh hiệu... “Bà Tùng Long” vì bất cứ ai có việc gì nan giải, khó khăn, đều gọi đến nhờ chị... gỡ giùm. Từ lúc chúng tôi được biết Bà Tùng Long là thân mẫu của ông Nguyễn Ðức Lập, tụi tui không dám nữa vì sợ ông rầy rà sao dám mang tên của thân mẫu ông cho người khác, nhưng dù thế chị Lâu vẫn tiếp tục công việc... gỡ giùm người khác mặc dù trong thâm tâm, tôi hiểu ai cũng có những vấn đề cần phải... gỡ, kể cả chị Lâu, thế mà tôi chẳng nghe chị thở than bao giờ.
Chị Lâu không giầu, không làm “bi-di-nét”, không nổi tiếng như ca sĩ, không lộng lẫy như hoa hậu để tôi phải khen ngợi ké chút hơi, kiếm chút cháo. Nhưng bởi chị Lâu là người đầu tiên tôi nghĩ đến, dĩ nhiên là sau chồng tôi và các con tôi, khi năm cũ vừa qua, năm mới vừa tới. Nghĩ đến chị ở một nơi rất xa khi chạnh nhớ đến quãng đời chìm nổi của mình từ 20 năm qua. Tự nhiên tôi cảm thấy lòng mình ấm lại. Tàu vẫn lao vào trong đêm tối đang vây phủ vạn vật, tôi cười một mình và nước mắt ứa ra.
Trên đường đến Ba Lan.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười