When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31
au gần một tháng cật lực chỉnh trang, tất cả những hàng rào ngăn cách giữa các đội, tất cả những giàn mướp trước mỗi phòng, tất cả những dãy phuy xếp lộn xộn quanh các bờ giếng, tất cả những gian bếp nhỏ sau mỗi dãy nhà ngủ... đều bị dọn sạch. Hệ thống đường mương cũ đã bị lấp lại, thay vào đó là một hệ thống mới "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" nói theo kiểu bác Hồ. Những cột điện trồng lẻ loi đều bị hạ xuống. Những hàng cột điện mới được trồng lên dọc theo những con lộ mới đắp trong trại. Đây cũng là một dịp để cho bọn tù toáy những ống sành cách điện đem về phòng dấu làm ròng rọc kéo nước cho cả tổ.
Sân trại 1 giờ rộng hơn và bằng phẳng hơn. Kết quả ấy có được vì trong tháng qua rất nhiều đội phải lao động cật lực lấy đất chỗ cao đắp xuống chỗ trũng. Tất cả các luống rau, ao rau và hầm cầu trong sân trại đều bị san bằng. Mọi người lầm lũi lao động tuồng như làm với một hy vọng dọn bãi đáp cho những chiếc Chinook bất ngờ.
Đồng lúc ấy, các nhà ăn kiểu Trảng Lớn cũng được thiết lập. Những mảnh bao cát lại được đi thu lượm, tháo ra, giặt sạch và đính vào nhau tạo thành một tấm bạt lớn đủ phủ kín vuông sân, tức khoảng trống giữa hai dãy nhà ngủ. Bên dưới là những dãy bàn làm bằng những tấm gỗ giác xin từ trên trại mộc.
Những bẫy ruồi cũng được thực hiện. Nhưng những bẫy chuột tạo cho bọn tù nhiều thích thú hơn. Tất cả mọi loại chuột, từ những con chuột cống đen xì to tướng đến những con chuột chũi hôi hám, bỗng dưng đều được tù đổi thành một cái tên chung: Chuột đồng! Mà đã là chuột đồng thì có ai lại chê bao giờ! Chiến dịch lùng chuột và xơi chuột bắt đầu phát triển mạnh.
Một món ăn khác được khám phá thêm nữa, mà tác giả của món ăn này có lẽ là trung úy phi công A.37 Trần Trọng Minh tự Tý Quạu 1: Chim én nướng! Nhiều người theo gương Minh, cứ mỗi chiều đi lao động về, họ đem bẫy ra cắm đầy ngoài sân trại để bẫy chim én. Cái bẫy thật giản dị. Chỉ cần một chiếc đũa tre, một đầu đũa được xẻ làm ba nhánh, hai nhánh ngoài bằng nhau và cao hơn nhánh giữa. Một sợi thòng lọng làm bằng sợi bao cát. Cuống dây thòng lọng buộc chặt vào thân đũa, còn thòng lọng giăng trên hai nhánh dài. Nhánh ngắn nằm giữa dùng để móc mồi. Mồi chim én không cần sơn hào hải vị mà chỉ cần một chú ruồi lằng gắn ngay trên đầu nhánh giữa của cái bẫy. Sứ giả của mùa Xuân, những cánh én kia chiều chiều bay lượn trên sân trại tù tìm mồi. Phát hiện một con mồi, chú ta xà qua hớt gọn. Nhưng sợi dây thòng lọng đã chận đôi cánh của chú ta lại! Chú vùng vẫy là chuyện đương nhiên. Và càng vùng vẫy thì cái thòng lọng càng xiết chặt vào cổ chú. Bọn tù ngồi xa xa ngó chừng. Khi thấy bẫy của mình đã "thu hoạch" được một con én dại dột, họ lạnh lùng đứng lên tiếp thu sự thắng lợi với ý nghĩ chiều nay ta có thêm một tí chất thịt, dù rằng đó là tí thịt tanh tưởi của một con chim chỉ đẹp trong sách vở nhưng thực tế chỉ xơi ruồi lằng!
Khi những cánh én lạc loài của mùa Hè không còn thấy bay lượn, tuồng như chúng đã hoảng sợ cho sự rong chơi hoặc kiếm ăn lầm mùa của mình, đã rút về ngủ yên một nơi nào đó trên ngọn núi Bửu Long chờ một mùa Xuân nào thích hợp; thì bọn tù coi như đã hoàn tất xong mọi việc chỉnh trang trại tù mới.
Và khi trời Biên Hòa về chiều bắt đầu có những cơn mưa mù mịt, thì việc lao động sản xuất của tù bắt đầu đi vào quy hoạch.
Trại 1 phụ trách vùng đất phía Bắc của An Dưỡng, một vùng đất toàn đá ong cỏ gai và những ụ mối lâu đời. Không ai có thể ước lượng được nó rộng bao nhiêu mẫu, chỉ biết nó bao la quá, khai quang mãi, cuốc mãi, lên luống mãi mà vẫn không thấy hết!
Sáng sớm lòng không dạ trống, uống vào bụng một lon guigoz nước lạnh cho... nở cứt, nói theo ngôn ngữ của tù cải tạo, rồi xếp hàng đi lao động, đời không còn gì chán nản hơn.
Cào, leng, xẻng, cuốc trên vai; từng đoàn tù xếp hàng dài dài giữa con lộ chờ lệnh cho vượt qua cổng tiến về phía hiện trường lao động. Ở ngay nơi tập họp này, sự kiểm tra và điểm danh nhân số thật gắt gao. Không cán binh nào có quyền cho tù cải tạo xuất trại, kể cả quản giáo và vệ binh, một khi chưa được sự chấp thuận của tay an ninh ngồi trong phòng kiểm soát ngay bên cổng trại. Khi nhà trưởng đã báo cáo nhân số đi lao động cho quản giáo, đích thân quản giáo phải đến đăng ký nhân số đó với cán bộ an ninh nơi cổng trại. Nhân số sẽ được nhập sổ. Sau khi được chấp thuận cho rời trại, tù lần lượt bước qua cổng trại dưới nhiều con mắt quan sát và đếm số của bọn phụ trách an ninh.
Về phía bọn tù đi lao động cũng phải chấp hành thật nghiêm những nội quy dành cho người đi lao động ngoài trại. Chẳng hạn ngoài những dụng cụ đi lao động, tù chỉ được đem theo người một miếng nylon che mưa (nếu là mùa mưa) và một lon guigoz đựng nước uống mà thôi. Biện pháp này chẳng ngoài mục đích ngăn ngừa việc vượt ngục. Lận trong người tí muối, tí đường hay tí mì gói bị khám phá sẽ gặp rất nhiều vất vả; và điều vất vả đầu tiên là phải chui vào nằm trong một cái connex tối như Lâm bô, nóng như Hỏa ngục! Từ ngày chuyển trại về đây, đám Vĩnh đói dài vì đợt gửi quà về Trảng Lớn đã thất lạc hầu hết. Mặc dù tất cả đều được bọn khung hứa hẹn sẽ can thiệp để lần lượt được nhận lại đủ những món quà gia đình gửi vào cho, nhưng đã hai tháng qua chẳng mấy người nhận được. Ngược lại, bọn cán binh Cộng sản ở An Dưỡng đã thật sự biết làm ăn kiếm tiền. Sự kiếm tiền bỏ túi của chúng trọng tâm là bán khoai lang cho tù. Khoai mình trồng chúng bắt mình thu hoạch rồi tính cân bán cho mình ăn. Dù biết hành động đó thật đểu giả, nhưng tù không thể làm cái gì khác hơn là vẫn hăng hái ghi tên đăng ký mua khoai. Đa số ai cũng có 20 đồng tiền mới còn giữ được từ dạo gửi quà đợt trước, vì luật cho gia đình gửi kèm trong thùng qua 20 đồng để các tù cải tạo có tiền chi dụng như mua giấy, bao thư và tem viết thư. Số tiền ấy cuối cùng cũng chui hết vào túi bọn cai tù để có thêm những phần khoai do chính mồ hôi nước mắt mình trồng lên.
Hiện tại nhà B2 do Bính làm nhà trưởng đang phụ trách việc lên luống. Ngày hai buổi, đám Vĩnh lê thê lết thết trên một đoàn đường gần 5 cây số tiến đến hiện trường lao động. Biên Hòa đất đỏ, chuyện ấy chẳng lạ; nhưng ở cái xó xỉnh của tỉnh Biên Hòa này không có đất đỏ mà chỉ có đá đỏ. Mỗi ngày trầm mình dưới nắng, hết nắng lại mưa, đám Vĩnh phải vừa khai quang vừa lên luống. Cỏ gai tây cắt da cắt thịt những người có nhiệm vụ khai quang. Hai tổ đi trước khai quang tới đâu thì ba tổ kế tiếp ra công lên luống tới đó. Tổ 1 do Hóa làm tổ trưởng.Tổ 2 do Nhan Quang Minh, một guitarist cự phách, làm tổ trưởng. Tổ 3 do Âu Dương Lân làm tổ trưởng. Tổ 4 do Bính kiêm nhiệm chức tổ trưởng và tổ 5 do Bùi Vịnh làm tổ trưởng. Hóa thì không nói thêm. Riêng Nhan Quang Minh có thằng em ruột là Nhan Quang Phước ở cùng khối với Vĩnh trước đây trên Trảng Lớn. Phước có biệt hiệu là Phước trợn, vì hắn ghiền nặng thuốc lào; nhưng mười lần đủ chục, sau khi kéo xong một hơi thuốc, hắn luôn luôn ngã ngửa, mắt trợn trắng và miệng sùi bọt mép như ngựa chạy đường dài, người run lên như bị kinh phong giật. Bác sỹ Tuyên thời đó đã can ngăn Phước nhiều lần. Ông bỏ thuốc lào đi! Tiếp tục hút có ngày ông chết! Nhưng mặc lời can gián, Phước vẫn tiếp tục hút, tiếp tục lăn đùng, trợn mắt méo mồm và sùi bọt mép. Còn anh chàng Âu Dương Lân luôn luôn than thở về một ông chú ruột của anh ta thời còn sống chung trên L1. Các ông xem, anh nói. Tôi ăn cơm chung với ông ấy, ông ấy cứ lấy quyền chú ép tôi. Lắm bữa tôi ăn chưa hết nửa sét cơm thì mọi cái trong lon cóng đựng đồ ăn chung của hai người đã không còn một cái gì. Ông ấy lùa như máy!... Nhưng bây giờ chú cháu xa nhau, không lúc nào anh ta không nhắc nhở đến ông chú với tất cả nhớ thương! Riêng cái anh chàng Bùi Vịnh mới là kinh khủng. Hắn trung úy phi công, con trai của chủ hãng mền Sakimen (Sài Gòn kỹ nghệ mền len) nổi tiếng. Hắn gọi ông cựu đại sứ Bùi Diễn bằng bác. Còn nhớ thủa mới biên chế về đây, Vịnh lè phè không thua gì Kim. Hắn vụng về đến độ một đôi guốc tự làm lấy mà đi cũng không xong. Chuyện lớn chuyện nhỏ đều nhờ vả bạn bè, kể cả việc vuốt một đôi đũa tre lấy cái ăn cơm! Cả gia tộc nhà hắn đã đi Tây, trong đó có cả vợ con hắn. Chẳng ai biết rõ vì sao cu cậu kẹt lại. Những kỳ quà cáp gửi vào đều do mẹ vợ và em vợ lo. Riêng ông già vợ của Vịnh cũng là một đại tá đang bị cải tạo ngoài Bắc. Một kẻ lè phè như thế mà anh em nỡ đẩy ra làm tổ trưởng kể cũng tội. Vì "trách nhiệm", lắm lúc Vĩnh không nhịn được cười thấy Bùi Vịnh cuống cuồng, hoặc đôi khi năn nỉ anh em lao động giùm để đạt được chỉ tiêu tối thiểu mà bọn quản giáo đã đề ra.
Dù sao, Vĩnh phải thú nhận từ ngày đi tù đến nay, B2 là nơi có không khí thoải mái nhất. Khác với các nhà "lối xóm", nhà B2 phè tối đa. Trong những giờ lao động, dĩ nhiên ai cũng phải làm cho xong chỉ tiêu, nhưng vì không khí thoải mái, gần như chẳng ai dòm ngó ai, và việc mỉa mai chế độ, ăn tục nói phét được phát huy tối đa; những giờ lao động như thế qua đi một cách tương đối nhẹ nhàng. Quả thực lao động khổ sai giảm đi sự cực nhọc của nó rất nhiều khi một anh cuốc nhằm một tảng đá ong cứng như thép, hai tay tê dại và mắt nổ đom đóm; nhưng anh ta hết mệt ngay lúc được quăng cái cuốc cong vòng sang một bên, nói khơi khơi giữa trời giữa đất: Đéo mẹ cái đầu Bác nó sao cứng thế!? Hoặc giả: Tao vừa cuốc đúng cái mả họ Hồ!
Chỉ tiêu trong ngày thời gian này tương đối nặng. Mỗi người mỗi ngày phải lên một dãy luống có chiều dài từ 18 đến 20 thước, chiều ngang 2 thước và đắp luống cao từ 80 phân đến 1 thước. So với đất bên ngoài căn cứ Trảng Lớn thì cực nhọc hơn nhiều, bởi như đã nói, đất ở đây là đất đỏ, một loại đất dễ dàng hóa đá ong dưới tác dụng của nước mưa.
Vì chỉ tiêu như thế, với tác phong lao động của B2, nhà trưởng Bính phải báo cáo láo dài dài. Điều ấy dầu sao cũng không làm Bính vui vẻ. Cũng đã lắm lúc Bính nổi cáu với anh em, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Đặc biệt vào mỗi cuối tuần, khi cả trại tiến hành buổi thảo luận rút ưu khuyết điểm các mặt trong tuần, có quản giáo trụ trì để bàn thảo, chấm công và bình bầu những người xuất sắc, Bính điên đầu không ít. Biết bầu ai xuất sắc bây giờ? Và có ai ham cái xuất sắc ấy không? Chẳng lẽ tuần nào danh sách những cải tạo viên lao động xuất sắc báo cáo lên Trên cũng toàn là nhà trưởng nhà phó, tổ trưởng tổ phó!? Bính lâm tình trạng khó khăn đến độ phải họp kín các tổ trưởng và yêu cầu điều đình với tổ viên chịu giùm cho một kỳ... xuất sắc. Mặc kệ trong tuần anh làm sao thì làm, tới lượt anh được bình bầu xuất sắc, anh cứ việc ngồi yên để nghe anh em ca tụng trước mặt quan quản giáo là đủ, xin đừng khiêm nhường, đừng từ khước ngang xương mà kẹt chung cho hệ thống xuất sắc luân phiên của cả nhà!
Buổi chiều sau khi lao động về, nhà B2 cũng lè phè hơn ai hết. Những cái bếp con kê san sát nhau ngay bên hiên nhà. Từng toán xúm lại nấu nướng đủ thứ rau cỏ họ kiếm được trong ngày để ăn với nhau.
Chỉ có một nhân vật duy nhất "solo" về mọi mặt là anh chàng Nguyễn Văn Đáp. Hắn gốc L4T2. Đáp tuổi đã trung niên và theo lời khai báo trước tập thể của đương sự, anh em biết rằng Đáp bị bệnh đau lưng quanh năm do một tai nạn gây thương tích ở xương sống trước kia. Dầu sao ưu điểm nổi bật nhất của Đáp là, bằng mọi cách, từ khước lao động. Trên một căn bản nào đó phải công nhận Đáp can đảm. Sống trong trại tù Cộng sản, từ chối lao động là một hành động cực kỳ liều lĩnh, nó sẽ gây cho người đó đủ thứ khó khăn dây chuyền. Đầu tiên bị kiểm thảo, bị đấu tranh, bị tự kiểm dài dài cho đến khi phải công nhận châm ngôn "Lao Động Là Vinh Quang" của nhà nước đúng tuyệt đối. Người từ chối lao động còn có thể bị nhốt connex không ngày ra, ấy là chưa kể Đáp từng thủ thỉ với một vài người nằm cạnh rằng: Thứ nhất tôi đau thật, đau có đầy đủ giấy tờ y chứng mà gia đình đã gửi vào. Thứ hai quy chế tù binh không thể buộc các sỹ quan đối phương làm công tác khổ dịch.
Một người đã tích cực thực thi cái đức tính gan lỳ ỳ ẩu với anh em thì dĩ nhiên anh em phải.. thua! Chả nhẽ đem anh ta ra đấu? Điểm này không hề nằm trong truyền thống bao che lẫn nhau của B2. Cuối cùng giải pháp của tập thể đưa ra là chấp thuận cho Nguyễn Văn Đáp làm người thường xuyên trực phòng. Làm sao giữ cho phòng được "đẹp như công viên, sạch như bệnh viện" là đủ. Thế nhưng không phải không có người bực mình khi Đáp thẳng thắn từ chối nhiệm vụ thứ hai được tập thể giao phó, ấy là ngày hai buổi còn phải xuống bếp nhận phần cơm rau về cho cả nhà.
Đáp nói.
- Chuyện này dứt khoát tôi không thể làm được. Năm mươi phần cơm không phải là một việc nhẹ. Tôi không đủ sức khênh cái máng cơm ấy về cho cả nhà.
Nhà trưởng Bính nổi cáu.
- Nếu vậy chắc nhà này phải đóng một cái bàn thờ rồi mời anh lên ngồi. Mỗi buổi đi lao động về, anh em chúng tôi quỳ lạy sống anh một cái!
Phản ứng của Đáp khiến mọi người chưng hửng. Anh lập tức bù lâm bù loa.
- Các ông luôn luôn tỏ ra đoàn kết, luôn luôn nói đến tình chiến hữu, mà các ông lại nỡ trù ẻo một thằng bạn già như tôi! Các ông chỉ muốn tôi chết bỏ vợ bỏ con.
Nhà phó Huỳnh Công Cẩn cũng phát nổi sùng.
- Anh im cái họng anh lại. Anh chết không ai ăn thịt anh được. Bệnh hoạn vô địch ở nhà này phải nói là anh Vĩnh tổ 1. Nhưng anh ấy vẫn cứ vui vẻ đi lao động không làm phiền toái tới ai. Sắp xếp cho anh như thế là cha người ta rồi. Hơi động tí việc nặng là giẫy nẩy ai chịu cho thấu!
Cãi qua cãi lại rốt cuộc mọi người đều chịu thua cái liều lĩnh của Đáp. Và nhiệm vụ của anh ta sau cùng vẫn chỉ là quét nhà, lau nền nhà, sắp xếp lại những cái bếp con đặt trước nhà mỗi buổi sáng sau khi anh em đã rời trại đi lao động. Tất cả những nhiệm vụ khác như đi lấy cơm, làm những công tác đột xuất anh em gánh vác hết khi đi lao động về. Riêng việc khênh cơm về phòng, Đáp không phải làm ngoài việc xuống bếp cầm một cái quạt đuổi ruồi chờ anh em lao động về mà thôi!
Nguyễn Văn Đáp, vì những đức tính như thế, được anh em đặt cho cái tên mới: Ông Inoxidable!
B2 cũng có vài trục trặc nho nhỏ trong nội bộ như thế, nhưng B2 chắc chắn sẽ vui vẻ lâu dài nếu không có những vụ bị mất cắp xảy ra sau đó. Nạn mất cắp ngày mỗi trầm trọng. Những người bị mất cắp không thể nín lặng mãi mà không ta thán. Và sự ta thán ấy người đầu tiên điên đầu vẫn là nhà trưởng. Dù gì, Bính cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tập thể.
Có lẽ nhóm Vĩnh là những người bị mất cắp đầu tiên. Chẳng phải nhóm anh giàu có gì, nhưng vì cái cảnh góp lửa nấu khoai chung, nên lúc nào trông cũng có vẻ rổn rảng nhất. Mỗi khi mua được khoai lang, những phần khoai của Vĩnh, Hóa, Kim kể cả Tiến bên B3 đều góp vào đựng chung trong một bao cát móc nơi đầu giường Hóa.
Một buổi chiều lao động về, Kim đã nhóm xong bếp luộc khoai ăn bồi dưỡng thì Hóa phát hiện ra bao khoai không còn nơi đầu giường nữa. Nó đã không cánh mà bay, và có thể nó đã bay vào tối hôm trước. Cả đám chỉ nói nhỏ với Bính, không muốn làm ầm ra, thứ nhất xấu hổ chung, thứ hai kẻ gian sẽ hoảng sợ và khó theo dõi.
Một hai bữa sau đó, tổ trưởng Lân cằn nhằn cả buổi sáng vì mất sét cơm chiều hôm trước anh để dành trong một lon gô đầu giường làm bữa điểm tâm cho sáng hôm sau đi lao động. Mở mắt dậy, đánh răng súc miệng xong, Lân sửa soạn cho giây phút được sung sướng nhai từng thìa cơm để dành của mình với tí muối mè, nhưng anh ta bực dọc biết là bao nhiêu khi thấy lon cơm không còn trên đầu giường nữa. Kẻ lạ mặt đã đánh cắp từ lúc nào.
Việc mất cơm để dành, mất khoai... đáng lý rơi vào quên lãng nếu không có một vụ đánh cắp trầm trọng hơn đã xảy ra sau đợt gửi quà vào đầu tháng 9 năm 76. Cả nhà ai cũng có quà gia đình gửi vào kèm 20 đồng, kẻ có nhiều hơn nhờ gia đình giấu tiền trong lọ mắm ruốc hoặc trong lọ tương chao... Đợt quà ấy người có nhiều tiền nhất có lẽ là tay Đào của tổ 3. Trong gói quà 3 kgs Đào "thu hoạch" được 5 tờ 20 đồng mới toanh của gia đình nhét dấu một cách tài tình trong một cục xà phòng chữa ghẻ màu nâu xậm của Mỹ trước kia.
Buổi chiều hôm lãnh quà, Đào tẩn mẩn ngồi dò chơi những con số trên mặt đồng bạc. Hai ba tay khác cũng xúm lại so sánh những đồng bạc mới với nhau. Sáng hôm sau cái sắc đầu giường của Đào biến mất. Tệ hại hơn trong sắc đó ngoài cái ví đựng 100 đồng của Đào kèm ít giấy tờ quan trọng, còn một cặp kính cận dày cộm và đủ thứ hình ảnh gia đình mà nó nhận được từ những kỳ quà vừa qua! Khi phát hiện ra mình mất đồ, Đào thất kinh la ầm ỹ. Nó muốn khóc lúc ngồi yên ở một góc phòng vì không có cặp kính cho đôi mắt cận nặng. Lúc ấy giờ đi lao động đã đến, Bính cho Đào ở nhà và dặn Đào đừng làm ầm vụ này, để hắn tính khi đi lao động về.
Giờ cuốc đất sáng hôm ấy không ai vui vẻ. Bính đã theo dõi và đã tình nghi một người, đồng thời cũng có nhiều người khác đoán chắc kẻ đánh cắp là ai. Buổi trưa về tới trại, trả cuốc trả xẻng xong, Bính ra lệnh tất cả mọi người không được vào phòng. Hắn nhất định kêu các tổ trưởng vào cùng mở một cuộc lục soát hành trang của tất cả mọi người. Dĩ nhiên có người phản đối, nhưng hầu hết đều muốn Bính làm ngay để kẻ gian không có thì giờ tẩu tán đồ ăn cắp. Quản giáo có lên án tùy tiện không báo cáo trước thì cả tập thể B2 sẽ lãnh trách nhiệm. Bính được hậu thuẫn, hắn lôi ngay cái túi của mình xuống trước mắt mọi người và yêu cầu các tổ trưởng lục soát trước nhất. Kế đó Bính tiếp tục yêu cầu lục thêm sắc của vài người nữa. Vĩnh đứng bên ngoài quan sát thấy rõ mọi người chỉ lục cho có lệ. Và cái sắc đáng lục nhất, theo sự dự đoán của mọi người, đã tới. Đó là cái sắc đồ sộ vào bậc nhất của nhà B2 mà người sỡ hữu là Phạm An Toàn, một tay đã bị nhiều anh em nghi ngờ có máu bất lương từ L4T3 khối 3.
Cái sắc dĩ nhiên được lục tung ra. Thôi thì đủ mọi thứ linh tinh. Thốt nhiên một người đứng bên ngoài kêu lên.
- Ê mấy ông! Mấy ông xem giùm xem cái đồng hồ mấy ông đang cầm đó có phải hiệu Boulevard, mặt đồng hồ có số La Mã không?
Bên trong nghe lời đề nghị, các tổ trưởng xúm lại cùng quan sát cái đồng hồ. Y chang như lời báo động của người đứng ngoài. Ngay sau khi được Bính xác nhận cái đồng hồ có hiệu Boulevard và có những con số La Mã, vài tay thuộc các nhà khác đứng bên ngoài đồng la lớn.
- Đúng là cái đồng hồ của thằng Phước ở khối 3 rồi! Chạy qua C2 báo cho thằng Phước biết đã tìm ra đồng hồ của nó. Thằng Toàn ăn cắp! Thằng Toàn ăn cắp!
Chỉ hai phút sau đó người được gọi là chủ cái đồng hồ bị mất cắp từ Trảng Lớn đã có mặt. Tuy nhiên, Bính yêu cầu mọi người yên lặng và chiếc đồng hồ chưa thể hoàn trả lúc này. Cuộc khám xét tiếp tục. Lê Văn Tần, anh chàng thiếu úy kịch sỹ hiện thuộc tổ 3 nhà B2, nhưng lại có công tác đặc biệt cho tiểu đoàn là làm trưởng toán một nhóm chuyên môn đi mắc dây điện, bỗng nhiên la lớn.
- Ối trời đất ơi, cái ví của tôi đây rồi.
Ba ngày trước đây Tần than thở mất một cái bóp phơi, không có tiền nhưng chỉ có cái hình cô bạn gái của anh ta. Cái bóp phơi giờ này còn nằm nguyên vẹn trong đáy sắc của Phạm An Toàn.
Một tiếng than thở đượm vẻ khôi hài khẽ vang lên trong đám người đứng bên ngoài.
- Tội nghiệp, kẻ gian mắc nạn!
Riêng Phạm An Toàn đã được triệu vào ngồi chứng kiến cuộc lục soát mớ đồ đạc của hắn. Thoạt đầu hắn còn cứng giọng, đòi hỏi phải có quản giáo trực tiếp kiểm tra, đòi hỏi phải có sỹ quan an ninh trại chứng kiến... Nhưng bây giờ hắn đã im lìm như một hòn đá, mắt hốt hoảng và sợ bạc mặt bạc mày.
Những món đồ kế tiếp bị lôi ra. Thỉnh thoảng lại có một tiếng kêu vang lên của một người nào đó nhận diện được món đồ mình đã mất. Một cái quần jean rách, một cái chemise, một bộ Domino, thậm chí có cả một vài cái bao cát mới toanh cũng bị nhận diện. Sau cùng thì đám kiểm soát tìm thấy một gói giấy gói thật kỹ. Mở gói giấy ra, một cái kính cận dầy cộm rơi ngay xuống đống quần áo trên nền nhà.
- Trúng mỏ rồi!
Một tiếng thét lớn từ ngoài vọng vào.
- Đánh bỏ mẹ nó đi!
- Con sâu làm rầu nồi canh!
- Mất mặt chỉ vì thằng ăn cắp!
Nhiều tiếng la hét vang lên tiếp đó lúc Bính lôi ra trong gói giấy một xấp tiền còn mới toanh. Bính chưa biết tính sao với đống tiền cầm trên tay, thì ngoài dự đoán của mọi người, Toàn hầm hầm đứng dậy. Hắn cất cái giọng nửa đực nửa cái. - Tôi yêu cầu anh Bính không được lạm quyền. Anh không thể cả quyết tiền này là tiền của anh Đào được...
Những tiếng la cất lên.
- Ngoan cố! Thế những tang vật kia là cái gì?
Toàn quay phắt lại đám đông liều lĩnh nói.
- Những cái đó tao lượm được, còn tiền này là tiền của tao.
Đến lúc này Đào mới lên tiếng sau khi nó đã xin lại được cặp kính cài lên mắt.
- Xin các anh bình tĩnh. Tôi chưa xem những đồng bạc đó nhưng tôi nhớ số, không, nhớ series những đồng bạc của tôi. Hình như anh Bùi Vịnh cũng nhớ vì hôm qua anh có đọ những đồng bạc của anh với của tôi.
Bùi Vịnh là tổ trưởng, đang tham gia vụ xét đồ, anh không muốn mang tiếng thiên vị nên phủ nhận ngay.
- Hôm qua tôi có nhìn chơi mấy đồng bạc mới của anh Đào, nhưng quả thật tôi không nhớ số...
Đào tiếp.
- Vậy cũng không sao. Nó ngẫm nghĩ một chút. Bây giờ có tập thể ở đây làm chứng, nếu tôi đọc đúng series những đồng bạc của tôi, anh Toàn sẽ tính sao?
Toàn thấy mình đã gần đường cùng đành liều kiểu nhất chín nhì bù. Hắn hơi thấp giọng.
- Nếu vậy yêu cầu anh đọc số đi!
Bính cầm trên tay những đồng bạc mới và ra lệnh cho Đào đọc trước mọi người. Đào lớn giọng.
- Tôi không thể nhớ hết bảy tám con số, nhưng tôi có thể khẳng định tiền tôi có series L và khởi đầu bằng những con số 327. Nó lại ngẫm nghĩ một chút nữa. Đúng rồi, nó reo lên. 3279! Đó là 4 con số đầu của những hàng số gồm 9 con số. Có đúng không?
Các tổ trưởng xúm lại xem mấy đồng bạc cùng với Bính. Họ dò từng đồng bạc và khi thấy 5 tờ đều có cùng những con số đầu như vậy, Huỳnh Công Cẩn mới tuyên bố.
- Những lời xác nhận của anh Đào đều đúng!
Toàn vừa tính lên tiếng thì Đào đã lên tiếng trước.
- Tôi cũng xin thưa với anh em, tôi nhớ tôi có viết một chữ rất nhỏ trên một góc đồng bạc.
Nói tới đây Đào ngừng lại với vẻ ngần ngại. Bính hỏi ngay. - Anh viết gì?
Trước đám đông Đào có vẻ ngượng, nhưng nó nghĩ rằng lời khai sau cùng này mới là quan trọng, và nếu như trên đồng bạc có đúng hàng chữ đó, Phạm An Toàn chỉ có chạy lên trời! Đào đằng hắng tí chút, rồi khai.
- Tôi có viết một câu rất nhỏ nơi góc một đồng bạc, đó là hàng chữ "Tôi yêu em"!
Bính tìm ra hàng chữ đó không quá lâu. Nó đem đồng bạc có hàng chữ "Tôi yêu em" trình cho mọi người cùng xem.
Màn khám xét coi như chấm dứt. Thiên hạ lục đục kéo nhau về. Riêng B2 buổi trưa vội vã chia cơm vì giờ ăn đã quá muộn. Dĩ nhiên Phạm An Toàn giờ này có sơn hào hải vị cũng không thể nuốt vô.
Các ông trưởng phó bàn nhau một lúc, và giải pháp sau cùng là đi báo cáo! Cơm nước xong, theo lời khai của Toàn, Đào bước về phía một hầm cầu nằm bên kia con lộ với hai ba người bạn khác. Bằng một cái cây, nó đã khều lên cái túi của nó, trong đó có một bộ quần áo cũ và mớ hình ảnh thân yêu bị phân lẫn dòi bọ bám đầy.
Lúc mọi người sửa soạn đi lao động, Đào vẫn ngồi ôm mớ ảnh đã bị rửa nước ướt mèm và tấm tức khóc. Chẳng ai buồn chia xẻ nỗi hậm hực của nó. Mà chia xẻ được gì bây giờ. Khi số tiền của nó đã vượt quá nội quy bị khung tịch thu. Còn chuyện thằng khốn nạn Phạm An Toàn vứt những hình ảnh thân yêu của nó xuống hầm cầu, có đấm vỡ mặt thằng ấy cũng chưa hả giận, nói chi đến chuyện nó lại được khung cho về nhà đi lao động như thường sau khi làm sơ sài một bản tự kiểm. Điều ấy đã một phần xác nhận câu rỉ tai trước đây của cựu thiếu úy quân y Phạm An Toàn trong anh em: Tao có ông anh làm trung tá Cách mạng ở Mỹ Tho. Ông ấy đã vào thăm tao mấy lần, nhưng phải có anh tổng quản giáo ngồi bên cạnh!
--------------------------------
1 Trong một dịp ghé thăm tác giả vào tháng 3 năm 84, anh Lý Tống, một cựu sỹ quan KQVN nổi tiếng thế giới vì đã vượt qua 4 quốc gia bằng đường bộ để tìm tự do, đã cho tác giả biết Trần Trọng Minh là bạn của anh thời còn phục vụ trong KQVN và sau này Minh đã bị bọn cai tù đánh đến chết!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu