A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Herman Wouk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1585 / 26
Cập nhật: 2015-09-18 09:02:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32: Những Ngày Phép Của Willie
illie đang trên đường đến New York bằng máy bay. Đại tá Breakstone đã khuyến cáo vị tân hạm trưởng chiếc Caine cho Willie đi phép. Vị sĩ quan quân pháp nói với đại úy White trên điện thoại:
- Thôi cứ cho hắn nghỉ phép mười ngày, nếu không thì chẳng biết hắn có thoát được hậu quả không tốt trong vụ xử này không để mà có cơ hội đi phép nữa!
Willie đã tự mình viện lý do duy nhất xin đi phép là để có dịp gặp May và nói chuyện chia tay với nàng.
Khi nghĩ đến cuộc hành trình trải qua nhiều sóng gió của mình và May trong những ngày tháng qua, anh thấy mình thật đã quá quắt với nàng, điều này đã thể hiện ngay cả trên những lá thư gửi nàng. Tuy thế, nhưng lòng anh vẫn còn mơ tưởng đến May. Nếu chữ "yêu" còn có ý nghĩa và được mô tả trong tiểu thuyết hay thơ văn một cách trung thực thì phải chăng anh đã thật sự yêu May? Nhưng với trực giác chắc chắn không lay chuyển nổi trong thâm tâm thì anh không thể nào có ý tưởng từ bỏ gia thế mình để cưới nàng làm vợ. Trên lý thuyết, đó là sự mâu thuẫn mà anh đang vướng mắc. Nhưng anh cũng nhận thức được rằng May mới chính là nạn nhân của hoàn cảnh này, và anh quyết định rời xa nàng trước khi phiên tòa xử sắp tới có thể sẽ đưa đẩy cuộc đời anh đến một khúc rẽ mới. Không thể dứt tình với May chỉ bằng một lái thư hay bằng sự im lặng, mà anh cân phải trực diện với nàng và hứng chịu mọi nỗi dằn vặt như một hình phạt mà May bắt anh phải chịu đựng. Willie đang lâm vào một tình thế thật nan giải, và không còn muốn nghĩ đến nữa....
Anh cố tìm quên lãng bằng cách gợi chuyện với người môi giới văn nghệ sĩ hói đầu, béo mập ngồi bên cạnh. Người đồng hành của anh chắc thuộc loại dùng thuốc ngủ mỗi khi đi máy bay.
Một lúc sau, ông ta bắt đầu dò hỏi xem anh đã từng giết được tên lính Nhật nào chưa và có được tưởng thưởng huy chương hay bị thương tích gì không. Mãi rồi cũng chán, ông ta rút giấy tờ ra khỏi cặp xách, đúng khi máy bay bắt đầu lắc và rung động mạnh trên không trung trong lúc bay qua vùng núi Rockies. Được một lúc ông lại lấy ra một lọ đựng những viên thuốc màu vàng, nốc ực ba viên, rồi lăn quay ra ngủ. Willie ước chi cũng đã đem theo thuốc an thần. Cuối cùng, anh kéo màn cửa sổ lại, ngửa ghế ra sau và nhắm mắt, tâm tư mệt mỏi, mơ hồ nghĩ đến chuyện chiếc tàu Caine...
Anh hồi tưởng lại một vài giấc mơ của thời thơ ấu mà Willie không bao giờ quên được, chẳng hạn anh đã thấy Thượng đế như một ông khổng lồ chồm bật dậy phóng lên những ngọn cây cao trong khu sân cỏ của nhà anh và nhìn mình chòng chọc. Rồi đến cảnh trong phòng chờ đợi của phòng quân pháp trong bộ chỉ huy hải đội 12, trong tâm trí anh, cũng sống động không kém sự kỳ ảo và phiền muộn. Nơi đây, phía trước đôi mắt nhắm nghiền của anh là các bức tường màu xanh lục chật hẹp bao quanh, một kệ sách chất đầy những quyển sách luật thông thường dầy cộm bìa nâu và đỏ, ngọn đèn huỳnh quang độc nhất trên cao tỏa ánh sáng xanh lam hiu hắt, bên cạnh anh chiếc gạt tàn thuốc đầy ắp dậy mùi hôi cũ mốc, "Ủy ban điều tra", một vị đại tá dáng người ốm nhỏ, giọng nói khô khan,gương mặt khinh khỉnh trông khó chịu như gương mặt của một nhân viên bưu điện khi từ chối một gói hàng không được gói cột kỹ lưỡng.
Thật khác hẳn những hình ảnh mà Willie đã từng mường tượng ra, thật bất công, vụ xử lại kết thúc quá nhanh, quá tiêu điều và xem chẳng có gì xôm tụ cả. Anh cảm thấy mình như là một diễn viên trong một vở bi kịch. Nằm trên giường trong căn phòng của mình, và tự thì thầm "Cuộc nổi loạn trên tàu Caine, cuộc nổi loạn trên tàu Caine", anh mãn nguyện với ý nghĩ của mình và tưởng tượng đến những bài viết dài đăng trên tuần báo Time với tựa đề này, thật là thuận lợi cho hai người hùng Maryk và Keith biết bao...Anh còn cố mường tượng đến khuôn mặt của Maryk sẽ được đăng trên trang bìa và đã đoán trước là mình sẽ phải đương đầu với một lô các vị đô đốc ngồi bên kia chiếc bàn phủ khăn xanh, rồi phải tự biện minh cho hành động của mình với dáng điệu trang nghiêm, bằng những dữ kiện không thể chối cãi.
Ký ức về một giấc mơ khiến anh cảm thấy ê ẩm cả người. Anh lại thấy chính mình là nhân vật chính yếu của cuộc nổi loạn được tổng thống Roosevelt triệu đến Washington để bàn chuyện riêng trong văn phòng tổng thống, anh thuyết phục tổng thống rằng nội vụ chiếc tàu Caine là ngoại lệ, chứ không phải do tư cách thấp kém của hải quân. Anh còn sửa soạn những câu trả lời về đề nghị rộng lượng của tổng thống Roosevelt cho phép anh chọn lựa bất cứ nơi phục vụ nào anh thích, câu trả lời đơn thuần là "Thưa tổng thống, tôi mong được trở về phục vụ tàu của tôi".
Ám ảnh hỗn loạn đủ sắc thái này đã chiếm ngự tâm trí của anh trong suốt thời gian chiến dịch Lingayen và chuyến trở về Trân Châu Cảng. cuộc tấn công tự sát của đội cảm tử Thần Phong Nhật Bản đã xảy ra quá nhanh, chỉ gây nên thiệt hại nhẹ (anh chưa kịp nhìn thấy phi cơ Nhật trước khi nó đụng vào tàu), điều này đã làm sáng chói thêm hình ảnh của Maryk, của anh, và của tất cả các sĩ quan trên tàu Caine, trở thành những người hùng cừ khôi.
Sự kỳ diệu bắt đầu phai nhạt dần ở Trân Châu Cảng khi có sự xuất hiện của hạm trưởng White, một viên đại úy điển trai, sáng giá của hải quân, hiển nhiên đó là người được phái đến để giải quyết các vấn đề rắc rối. Chỉ trong một ngày Maryk bỗng nhiên biến thành một hạm phó thật ngoan ngoãn. Trong phòng ăn những sự liều lĩnh và khích động như lắng hẳn xuống. Tất cả sĩ quan đi lại trên tàu một cách khiêm tốn như trước, và thận trọng từng lời ăn tiếng nói. Hạm trưởng White rất khô khan, điềm tĩnh và có thực tài. Ông làm như việc thay thế hạm trưởng Queeg không hề xảy ra. Ông vận chuyển con tàu thành thạo như Maryk ngay từ lúc đầu, tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của toàn thể nhân viên trên tàu. Cái nhìn của Willie đối với cuộc nổi loạn là một chiến thắng hào hùng của các sĩ quan trừ bị cấp tốc so với sự ngu ngốc thấp kém tài năng của các sĩ quan tốt nghiệp từ Học viện hải quân, giờ đây không còn đứng vững, sĩ quan của học viện hải quân như hạm trưởng White đã lấy lại được uy thế chỉ huy và làm chủ tình hình.
Tuy nhiên Willie còn chưa chuẩn bị cho những biến chuyển đang diễn ra ở San Francisco. Anh đã không nghĩ ra rằng chuyện lớn như vụ nổi loạn trên tàu Caine chỉ được giới hữu trách xem như là một vụ lắt nhắt, và không phải là một vấn đề pháp lý cần được giải quyết ngay, đối với văn phòng Pháp lý của bộ chỉ huy hải đội 12, vấn đề chỉ quan trọng hơn một vụ ăn cắp một chiếc xe chở đầy mỡ heo. Ngày lại qua ngày, trong khi tàu còn nằm ụ mà không thấy có ai có phản ứng gì vè việc hạm trưởng White nhận quyền chỉ huy. Và khi cuộc điều tra bắt đầu xúc tiến, cũng chẳng thấy vị đô đốc nào hay chiếc bàn trải khăn xanh, hoặc sự triệu tập của tổng thống. chỉ có một viên chức dáng người nhỏ bé lấy khẩu cung trong căn phòng chật hẹp.
Willie tự hỏi, không biết sự thay đổi tầm vóc của vụ xử này đã biến những chứng cớ không bài bác vào đâu được của anh thành những ký sự ghi chép không được tốt đẹp, và có thể làm mất giá trị khả tín về lời khai của anh, chứ không hề gây thiệt hại gì cho Queeg? Hay là sĩ quan điều tra có thái độ thù nghịch gì với mình chăng? Những câu chuyện mà anh tin tưởng được đưa vào để buộc tội Queeg có thể sẽ được quật lại để buộc tội mình bất tuân lệnh thượng cấp và thiếu khả năng. Ngay cả vụ cấm xài nước, một trong những tội lớn của Queeg, còn vang vọng bên tai anh như một biện pháp cần đề phòngười và vụ nhân viên dấu nước trong phòng máy là một hành động dấy loạn do các sĩ quan thiếu tư cách xúi giục. Điều mà anh bày tỏ để thuyết phục giới chức điều tra là sự nguy khốn khủng hoảng mà mọi người đã phải chịu đựng. Vị đại tá đã nhìn anh một cách khả nghi khi ông ta nói về cái nóng bức và khói từ ống khói của tàu và sau cùng ông nói rằng:
- Tôi hiểu là anh đã rất khổ tâm về những thử thách cam go đến độ không thể chịu đựng được, nhưng này anh Keith, tại sao anh không báo cáo cho hạm trưởng Queeg biết về vụ dấu nước?
Anh nghĩ đến câu mình sẽ phải trả lời là: "Tại vì ông ta là một tên hèn nhát và điên khùng" nhưng thay vì thế, anh lại thốt lên:
- Ô, à, vì chẳng có ai muốn làm chuyện đó, nên tôi thấy mình cũng chẳng cần làm.
Anh nhớ lại là mình đã vượt qua được cuộc phỏng vấn với một cảm giác mơ hồ khủng khiếp là anh đã tự treo cổ mình, một cảm giác thật rõ rệt. Sau năm ngày với tâm trạng bứt rứt trôi qua, anh được triệu tới văn phòng của đại tá Breakstone. Bản phúc trình điều tra được trao tận tay anh. Trước khi bắt đầu đọc, anh cảm thấy những trang giấy kẻ hàng mực xanh trông thật ghê gớm lạnh lùng nằm trong tay mình. Khi đọc đến những dòng chữ nói về chính mình, anh có cảm giác là mình đang phải phấn đấu trong một cơn ác mộng, và như thể đang đọc một bản tường trình của bác sĩ cho biết là anh sắp chết...
Đề nghị (3)
Hải quân trung úy Willie Keith được đưa ra tòa án quân sự để xét xử về cáo buộc tội nổi loạn trên tàu.
Willie chấp nhận sẵn một viễn ảnh tệ hại về phiên tòa xử trong đầu, nhưng lòng anh vẫn còn run sợ, cặp mắt giương to để tự trấn an. Anh biết mình vẫn chỉ là một Willie Keith vô tư, vui tính mà ai cũng yêu mến, anh là người có thể mang niềm vui đến cho mọi người khi ngồi đàn dương cầm bản "If you knew what the Gnu knew" do anh sáng tác. Thật là xui xẻo để phải dính dấp vào mũi nhọn của quân pháp. Willie cảm thấy phẩm giá của mình được ví như chiếc lốp xe bị xì hơi, đưa anh trở về với gốc gác của một kẻ tầm thường xuất xứ từ trường đại học Princeton hay Hội quán Tahiti. Đã bao năm rồi, giờ đây trong tâm khảm anh mới lóe lên ý tưởng cầu cứu đến mẹ mình. "Mẹ là người sẽ giúp ta tra khỏi sự phiền toái này".
Uể oải trong chiếc ghế ngả ra sau, chiếc nịt an toàn buộc trên bụng siết mạnh mỗi khi máy bay lắc, đầu óc anh cứ quay cuồng trong cơn mê tưởng, thấy mẹ mình mướn được những vị luật sư hàng đầu để biện hộ cho anh, và mấy chàng sĩ quan quân pháp trong phiên tòa cứ dài mặt ra và bối rối trước đội ngũ luật sư tài ba bênh vực cho anh. Anh đưa ra những luận cứ vững vàng làm hạm trưởng Queeg phải quặn người bởi những ngọn roi đối chất tới tấp của luật sư phe bị cáo tài ba chẳng thua gì vị luật sư kiêm chính trị gia nổi tiếng Thomas Ed Dewey. Cơn mê buồn thảm này càng lúc càng kỳ quặc và không còn mạch lạc. Không biết sao mà cả May Wynn cũng lọt vào trong giấc mơ. Trông nàng già nua và thô kệch, da dẻ thì lốm đốm trông gớm ghiếc. anh chìm lại vào giấc ngủ đầy mộng mị.
Willie chợt thức giấc và tỉnh táo ghé nhìn qua khung cửa kính tròn khi phi cơ bay trên những cao ốc có mái nhọn hoắt của vùng Manhattan trong ánh bình minh tím hồng. New York vẫn là nơi đẹp nhất trên thế gian này. Còn hơn thế nữa, New York vẫn là vườn địa đàng, là một hòn đảo của mùa xuân huy hoàng, diễm tuyệt, là nơi anh đã yêu May Wynn. Máy bay hơi chúi nghiêng xuống và lướt nhẹ trên phi đạo. Mặt trời vàng rực ở hướng đông nhô lên khỏi đám mây tỏa ngập ánh sáng khắp nơi. trong khi phi cơ đáp xuống sân bay, Willie lại thấy Manhattan lần nữa, tòa nhà Empire State, cao ốc Chrysler, khu Radio City, tất cả bất chợt như rực lên ánh hồng bên trên làn sương tím còn bao phủ cả thành phố. Trong tâm trí Willie lại chợt hình dung đến hình ảnh những cụm khói màu cam tạt ra từ những dàn đại pháo trên những ngọn đồi xanh thẫm tại Saipan, và hình ảnh phòng lái của chiếc tàu Caine chòng chành giữa cơn gào thét thịnh nộ của bão tố. Ở khoảnh khắc này, Willie đã nhận thức được thế nào là chiến tranh.
- Trễ mất nửa tiếng đồng hồ - người môi giới văn nghệ sĩ ngồi bên cạnh vừa lẩm bẩm vừa kéo khóa cài lại cặp xách tay.
Khi bước đến bực thang để ra khỏi may bay, một luồng gió lạnh phà vào mặt, buốt đến tận phổi khi anh hít thở làm anh sững người. Dường như anh đã quên mất thế nào là cái lạnh của mùa đông, từ trong máy bay nhìn ra New York cứ như thể còn ở vào mùa xuân. Willie thu mình bên trong chiếc áo khoác dầy cộm, và khẽ kéo chiếc khăn quàng lụa che kín cổ. Bước chân xuống bậc thang, vừa thở ra khói, anh thấy mẹ mình đang vui mừng vẫy tay từ khung cửa sổ nơi phòng đợi của phi trường. Anh vụt chạy đến, xuyên qua một khoảnh sân bay đầy gió lộng. Vừa thấy anh, bà ôm chầm lấy con con trai mình và hôn anh với niềm thương yêu dạt dào trong phòng chờ đợi có lò sưởi ấm áp...
- Willie! Willie! Con của mẹ! Thật sung sướng biết bao khi mẹ được gặp lại con!
Việc đầu tiên khi gặp lại mẹ là anh thấy mái tóc bà đã điểm sương! Anh không rõ chuyện gì đã xảy ra cho bà trong những ngày anh vắng mặt hay là anh đã không để ý đến điều này trước khi đi biển. Mái tóc hung đỏ ngày nào của bà nay đã ngả thành màu nâu bạc.
- Trông mẹ thật tuyệt!
- Cảm ơn con! Để mẹ nhìn con kỹ thêm một tí nào...
Vừa giữ cánh tay anh, bà vừa nghiêng người ra sau xem xét anh thật kỹ, khuôn mặt rạng rỡ vui tươi. Lòng bà cảm thấy vừa băn khoăn lẫn vui mừng khi gặp lại anh. Cuộc sống hải hồ đầy gian truân đã làm thay đổi ngoại diện con trai mình. Khuôn mặt sạm nắng với đôi gò má phẳng lì, mũi nhô ra, với chiếc cằm bạnh, trông như người xa lạ. Nhưng dĩ nhiên đó là Willie, Willie của bà với khóe miệng trẻ thơ cong cong vẫn như thuở nào.
- Willie, con đã thật sự nên người.
- Không hẳn thế mẹ ạ! - Anh trả lời với nụ cười mệt mỏi trên môi.
- Trông con gọn gàng lắm! Con sẽ ở lại bao lâu?
- Con sẽ trở lại tàu vào sáng chủ nhật.
Bà ôm anh lần nữa.
- Chỉ có năm hôm, nhưng cũng không sao. Mẹ quá vui sướng, tưởng còn hơn cả năm năm.
Willie trò chuyện với mẹ rất ít trên suốt quãng đường về nhà. Anh thấy mình đang cố tình nói ít đi về những nguy hiểm của chiến tranh và phóng đại thêm về sự buồn chán, như tất cả các người Mỹ tốt bụng thường kín miệng trong các phim xi nê. Mẹ anh càng hỏi kỹ, anh càng trả lời mập mờ. Anh nhận thấy bà có ý muốn anh kể đến những lúc anh kề cận bên lưỡi hái của tử thần, vào sinh ra tử nhiều lần, nhưng anh đã bướng bỉnh nói là anh chưa hề gặp chút nguy nan nào. Thật ra, anh cũng có hơi thất vọng, vì chưa từng được có cảm giác rợn tóc gáy khi thoát cơn hiểm nguy, giết chóc hay bị thương tích vì chiến tranh...Giờ đây đang có mặt trong cuộc sống yên bình nơi thành phố, anh cảm thấy khó chịu khi bị ai tra vấn về vấn đề này. Bản năng tự nhiên thúc đẩy anh có ý định muốn khoe là mình đã thật sự gặp nguy hiểm, nhưng sự hổ thẹn vô hình đã kịp ngăn lại ý tưởng này. Trầm lặng là một hình thức khôn khéo và đáng nể để tự đề cao về mình, và anh đã biết dùng đúng lúc.
Khi vừa thấy lại bóng dáng căn nhà thân yêu của mình, lẽ ra anh phải bày tỏ nỗi vui mừng rộn rã của kẻ nhớ nhà, nhưng khi chiếc xe quẹo vào sân nhà, bánh xe lăn lạo xạo trên đường lót đá sỏi chạy đến trước cửa chính, anh chỉ đưa mắt lơ đãng nhìn sững cái sân cỏ úa vàng và những cành cây trơ lá. Trong nhà vẫn không có gì thay đổi, nhưng dường như có vẻ trống vắng và lặng yên, mùi thịt ba chỉ muối chiên thơm phức đã không át được mùi long não trong nhà. Trước kia nhà đâu có mùi khác lạ như vậy. Anh nhận ra ngay lập tức không còn dấu vết gì của mùi khói thuốc xì gà. Mùi này xưa kia đã từng ám cả vào màn cửa, thảm và nệm ghế.
- Thưa mẹ, con đi tắm trước rồi ăn sau nhé.
- được rồi, Willie. Mẹ cũng đang có vài việc phải làm bây giờ.
Nhặt tờ báo để ở hành lang và dán mắt vào mấy dòng tít lớn "MacArthur tiến quân tới Manila", trong khi bước thoăn thoắt lên cầu thang, anh bước vào phòng mình, quẳng tờ báo qua một bên. Bây giờ mọi việc đâu đã vào đấy, bản chất cố hữu của anh bắt đầu trở lại bình thường. Anh không còn thấy lạ chỗ, hay cảm giác lẫn lộn khi trở về nhà sau một thời gian xa vắng, và cũng không lộ vẻ vui mừng thái quá khi nhìn thấy lại chồng sách và chiếc máy quay đĩa hát của mình. Willie cởi quân phục, móc chung với những quần áo khác. Chỉ có tiếng nước chảy xối xả từ vòi sen là làm anh ngạc nhiên. Anh đã quen với vòi sen phun nước yếu xìu trong phòng tắm của tàu Caine rồi. Luồng nước phun mạnh thật tuyệt vời, lại có thể điều chỉnh dễ dàng được nguồn nước nóng và lạnh, đây là điều ngon lành nhất so với bất cứ điều nào khác trong nhà anh. Trên tàu Caine nước nóng được tạo ra bằng hơi nước thoát ra từ một ống dẫn nước lạnh đã bị nghẹt một phần. Chỉ cần điều chỉnh sơ hở một chút, là có thể làm da thịt bị phỏng như chơi trong khoảnh khắc. Chính anh đã nhiều lần phải hét lên vì nước nóng đang tuôn ra quá mạnh trong đám hơi nước mịt mù.
Trong cơn cao hứng bất chợt, anh lôi ra bộ đồ bằng len kẻng nhất của mình, bộ đồ mềm mại thật đẹp, màu nâu nhạt mà anh đã tốn mất hai trăm mua ở tiệm Abercrombie and Fitch, chọn luôn chiếc cà vạt bằng lụa màu xanh nhạt, bít tất Argyle và chiếc sơ mi trắng có nút cài ở hai đầu cổ áo. Quần thì quá rộng còn áo veste thì hình như hơi quá cỡ, miếng vải đệm trên vai cũng hơi dầy. Chiếc cà vạt trông lạ hoắc khi anh thắt lại, sặc sỡ và ẻo lả so với chiếc cà vạt đen mà anh vẫn thường dùng trong hai năm qua.
Ngắm nghía hình ảnh mình trong chiếc gương dài gắn trên tủ đựng quần áo, bất chợt anh lấy làm ngạc nhiên khi nhìn kỹ gương mặt mình, vì vừa nhận ra ngay lập tức phần nào các nét thay đổi mà mẹ anh đã nhìn ra. Anh để ý thấy nơi chân tóc trên trán mình có vẻ thưa thớt hơn. Nhìn vào chính mình, chính Willie đây, nhưng sao trông quá mệt mỏi và không tươi vui tí nào, ngay cả trong bộ trang phục diêm dúa này.
Bước xuống lầu, anh cảm thấy mình vụng về lẫn ngượng ngập, và hơi khó chịu về hai miếng vải đệm dày cộm trên vai.
Willie thấy đói và ăn hết cả một dĩa trứng với mấy miếng thịt xông khói chiên dòn, lại thêm mấy ổ bánh mì nhỏ nữa, trong khi mẹ anh vui sướng tâng bốc là anh trông thật bảnh trai.
- Con chưa hề uống cà phê nhiều như thế này bao giờ - vừa nói bà vừa rót đầy tách cà phê lần thứ tư cho anh, và nhìn anh với niềm lo âu lẫn vì nể.
- Bây giờ con ăn uống dữ tợn lắm mẹ.
- Mấy người thủy thủ đáng nể thật nhỉ.
- Thôi, chúng ta vào phòng sách mẹ nhé - Vừa nói anh vừa uống cạn tách cà phê
Hình ảnh người cha đã khuất như vẫn còn hiện hữu trong căn phòng màu nâu chứa đầy sách này, nhưng Willie đã chống lại những cảm nghĩ sợ hãi và u buồn. Anh đã cố tình chọn chiếc ghế bành bọc da đỏ để buông mình ngồi xuống, vì đó là chỗ ngồi từng được tôn kính của cha mình, và không chú tâm đến cái nhìn mỏi mệt nhưng ấp ủ đầy tình thương yêu lo lắng của mẹ. Anh kể lại cho bà nghe về chuyện bất tuân thượng lệnh trên tàu Caine. Bà im lặng sau khi biểu lộ vài dấu hiệu sửng sốt, rồi để yên cho anh kể tiếp câu chuyện. Ánh sáng trong phòng chợt sụp tối, khi một đám mây xám kéo qua trên vùng trời buổi sáng, chỉ để ló vài khoảng ánh sáng mặt trời rọi xuống khu vườn trồng hoa trơ trọi đất bên ngoài. Sau khi chấm dứt câu chuyện, anh nhìn bà dò xét. Bà nhìn thẳng Willie rồi phà một hơi thuốc lá.
- Sao, mẹ nghĩ thế nào?
Bà Keith ngập ngừng rồi nói:
- Con đã nói chuyện này với May chưa?
- May vẫn còn chưa biết con đang ở đây - anh bứt rứt trả lời.
- Vậy con có tính gặp cô ta không?
- Vâng, con dự định sẽ gặp May.
Mẹ anh lại thở dài:
- Thôi được, mẹ chỉ biết nói với con là cái lão Dấu Vàng này quả là một con vật khả ố. Con và viên hạm phó hoàn toàn vô tội. Con đã làm một việc rất đúng.
- Nhưng mấy vị bác sĩ lại nói khác.
- Con cứ đợi mà xem. Tòa án sẽ tha bổng hạm phó. Họ sẽ không xét xử cả con nữa.
Sự lạc quan mù quáng của mẹ đã không trấn an được anh, trái lại càng làm cho anh khó chịu nhiều hơn.
- Thưa mẹ, con không dám chê trách mẹ, nhưng mẹ không hiểu nhiều về hải quân đâu, chắc chắn là như vậy.
- Có thể là không. Còn về chuyện May, con đã có quyết định gì chưa?
Anh không muốn trả lời, nhưng cảm thấy bực bội và căng thẳng, câu chuyện về cuộc nổi loạn trên tàu Caine đã khiến anh mất bình tĩnh:
- Vâng, điều con sắp nói ra đây có thể sẽ làm mẹ hài lòng. Con thấy chuyện của con và May sẽ không đi đến đâu. Nên con đã có ý muốn chia tay với cô ấy.
Mẹ anh gật gù nhè nhẹ, và nhìn xuống ra vẻ muốn dấu một nụ cười.
- Như vậy, tại sao con còn muốn gặp cô ấy? Đừng gặp có phải tốt hơn không?
- Con không thể làm ngơ với May như đối với một cô gái qua đường, mẹ ạ!
- Con lại ăn nói theo kiểu ngôn từ hải quân đấy à?
- Mẹ chẳng biết gì về ngôn từ của hải quân đâu.
- Mẹ e rằng con lại tự đặt mình vào một hoàn cảnh vô nghĩa và khó xử mà thôi.
- Nhưng May cũng được quyền biết cảnh huống của cuộc chia tay này chứ.
- Vậy thì khi nào con định sẽ gặp May?
- Ngay tối nay, nếu có thể. Có lẽ con phải gọi điện thoại cho cô ấy bây giờ...
Bà Keith pha trò với một vẻ buồn bã:
- Con thấy không? Mẹ có ngu ngốc lắm đâu. Tối mai mẹ mời tụ họp mọi người trong gia đình lại, vì đoán trước thế nào đêm nay con cũng bận!
- Chỉ một đêm nay thôi, mẹ sẽ còn những bốn đêm nữa kia mà.
- Con à, nếu con nghĩ là mẹ vui sướng trong tình cảnh này thì con lầm rồi. Cũng chỉ vì mẹ luôn luôn muốn được chia xẻ những nỗi buồn khổ của con mà thôi.
- Thôi được rồi mẹ ạ!
- Willie, một ngày nào đó mẹ sẽ kể cho con nghe về một người đàn ông mà mẹ đã không kết hôn, hãy còn sống, và là một người rất bảnh trai, quyến rũ nhưng thật vô dụng.
Mặt bà Keith hơi thẹn đỏ một chút và bà quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ.
Willie đứng dậy.
- Con đi gọi điện thoại đây.
Mẹ anh tiến đến, vòng tay ôm con và ngả đầu bà trên vai anh. Willie đứng yên. Ngoài trời vài nụ tuyết lác đác rơi, xuyên qua những cành cây khẳng khiu đen đúa.
- Thôi con đừng nghĩ tới vụ án nữa. Mẹ sẽ nói chuyện với bác Lloyd. Bác ấy biết sẽ phải làm gì. Cứ tin nơi mẹ. Chẳng ai trừng phạt con vì con đã làm những việc như thế.
Willie qua phòng ngủ của mẹ, xách chiếc điện thoại trên bàn ở đầu giường, đem về phòng mình cắm vào ổ điện thoại. anh gọi số của tiệm kẹo ở Bronx. Trong khi chờ đợi, Willie khoèo chân đóng sập cửa phòng lại.
- May Wynn không có ở đây - một giọng đàn bà ngoại quốc trả lời cộc lốc - Quay thử số 6-3475.
Anh gọi số điện thoại vừa được cho.
- Chào ông, đây là khách sạn Woodley - điện thoại viên trả lời.
Willie biết khách sạn này rất rõ, một khách sạn kiểu nhà hát hạng thường nằm trên đường 47.
- Xin cho tôi được nói chuyện với May Wynn.
- Cô Wynn à? Xin chờ một chút - sau nhiều tiếng reng, và sau cùng thì...
- A lô? - Không phải giọng nói của May, mà là giọng của một người đàn ông.
- Tôi đang muốn tìm phòng của May - Willie trả lời một cách khó chịu.
- đây là phòng của May. Ai đó?
- Tôi là Willie Keith.
- Willie! Trời ơi, Martin Rubin đây. Willie, khỏe không? Anh đang ở đâu vậy?
- Tôi đang ở nhà!
- Ở nhà? Nơi nào? San Francisco hả?
- Không, ở Long Island. May đâu rồi?
- Cô ta ở đây chứ đâu...Thật hết sẩy. Này Willie, thế May có biết anh về không? Sao không thấy May nói gì cả? Chờ chút nhé, để tôi đi gọi May cho anh.
Chờ một lúc lâu mới nghe được tiếng trả lời điện thoại.
- A lô, Willie?
- May? Anh xin lỗi đã đánh thức em dậy...
- Cưng đừng có vẽ vời nữa. Em, em thật không ngờ! Anh về lúc nào vậy?
Willie vốn đã không thích tiếng "cưng" cũ rích của giới nghệ sĩ, nhất là May đang dùng để gọi anh trong lúc này, khiến anh phát chán. Giọng nàng vẫn lanh lảnh, lè nhè như những khi vừa thức dậy.
- Anh mới đáp máy bay về đến nhà cách đây khoảng một tiếng.
- Trời ơi! Sao cưng không cho em biết?
- Anh muốn làm em ngạc nhiên.
- đúng rồi, em ngạc nhiên và sửng sốt quá! - Khoảnh khắc im lặng kéo dài sau đó làm Willie khó chịu. May lại nói - Willie, khi nào em sẽ gặp anh?
- Bất cứ lúc nào em muốn.
- Anh yêu, lẽ ra anh không nên chọn đúng cái ngày xui xẻo như hôm nay để gặp em. Ngay vào lúc em đang bị cảm cúm. Hay là chúng ta đi ăn trưa vậy...À, mà không được, em còn có việc khác nữa..Marty, khi nào thì chúng ta thâu thử xong dĩa hát chết tiệt đó vậy? Khi nào em có thể thoát nợ? Cho tới bao giờ? Ô, Willie, em thật lu bu quá! Em đang phải thu âm cho một chương trình truyền thanh và cần phải xong trong ngày hôm nay. Em đã phải uống thuốc để cố giữ cho sức khỏe khá hơn... Marty, anh có thể hoãn chương trình lại được không? Ô, Willie, phải chi anh cho em biết trước...
- Thôi, em dẹp hết mọi chuyện đi, bực mình làm gì - Willie vừa nói vừa liếc nhìn mình trong chiếc gương nơi tủ quần áo - Ngày mai anh có thể gặp em.
- Không, không! cưng à! Em sẽ xong xuôi mọi việc vào khoảng 3 giờ chiều nay...Mấy giờ hả Marty? 3 giờ rưỡi, Willie nhé. Đến gặp em trong cao ốc Brill được không?
- Cao ốc Brill là cái gì và ở đâu vậy?
- Ô Willie. Cao ốc Brill đó mà. Rõ thật lẩm cẩm, em quên mất là anh đâu phải dân ghiền nghe hát. Anh biết mà, nó nằm đối diện với tòa cao ốc màu xám Rivoli, anh nghe cho rõ nhé, đó là phòng thu dĩa hát Sono-phono, anh nhớ chưa? Sono-phono.
- được rồi. Anh sẽ có mặt lúc 3 giờ rưỡi. Em không còn đi học nữa sao?
Giọng nàng có vẻ như muốn biện hộ:
- Chuyện đó à, em ngại lắm vì em thường hay vắng mặt trong lớp học. em sẽ kể cho anh nghe sau.
- Hẹp gặp lại em.
- Vâng, chào anh.
Willie quăng mạnh ống nghe xuống đến nỗi chiếc điện thoại văng khỏi mặt bàn rơi xuống sàn. Anh cởi bộ đồ vía ra, vứt nhàu một đống trên ghế, và thay vào bằng bộ quân phục. Anh có hai chiếc mũ cát két, một cái trông khá mới, còn một cái anh hay đội khi đi biển, đường viền vàng nhũ trên nón đã bạc màu cũ kỹ. Anh chọn chiếc nón cũ và thay vào một lớp phủ mới, làm thêm vẻ phong trần.
Vẻ huy hoàng của thành phố Manhattan mà Willie nhìn từ trong phi cơ thật chẳng giống chút nào so với khu Broadway và đường số 5 lúc anh vừa ra khỏi xe điện ngầm. Cũng vẫn góc phố đông đúc cũ kỹ dơ bẩn ngày xưa, chỗ này là tiệm bán xì gà, chỗ kia là hàng quán bán nước cam, xa hơn nữa là một túp lều chiếu phim quay bằng tay, đâu đâu cũng đầy người với những khuôn mặt mệt mỏi xấu xí, vội vàng co ro trong cơn gió rét lạnh căm đang thổi bay phần phần mấy tờ báo trên quầy và xoáy tít những đám tuyết khô lăn long lóc dọc theo máng xối. cảnh này đối với Willie đã quá quen thuộc.
Phòng tiếp khách của phòng thâu Sono-pono rộng khoảng hai mét vuông, vách bằng thạch cao, cửa ra sau cũng thế, một chiếc bàn sắt màu xanh lá cây, với một nàng tiếp viên xấu tệ, có nước da cũng trắng bệch như thạch cao, đang nhòm nhèm nhai kẹo cao su.
- Này, ông cần tôi giúp gì không?
- Tôi có hẹn gặp May Wynn ở đây.
- Cô ấy vẫn còn bận. Ông chưa vào được, họ còn đang thu âm.
Willie ngồi xuống chiếc ghế độc nhất màu vàng, cởi khăn choàng cổ và áo khoác. Cô tiếp viên liếc nhìn hàng huy chương trên ngực áo của anh, đếm xem mấy ngôi sao và mắt không ngừng nhìn anh với vẻ khâm phục. Sau tấm vách thạch cao, anh nghe một giọng đàn ông:
- được rồi, bây giờ thì chúng ta thâu âm thật đấy...
Tiếng nhạc hòa tấu vang lên, rồi nghe thấy giọng của May "đừng ném...Bó hoa cho em..."
Lập tức hơi nóng và cảnh tồi tàn trên phòng ăn ở tàu Caine cùng sự tuyệt vọng, đáng ghét của hạm trưởng Queeg vụt hiện ra trong tâm trí anh, xen lẫn thật không đúng lúc với cái sôi nổi ngọt ngào của mối tình đầu tiên với May. Tiếng hát vang vọng của May gieo vào lòng anh một nỗi buồn man mác. Khi bài hát đã chấm dứt Marty Rubin mở cửa và nói:
- Kìa Willie! Hân hạnh gặp lại anh! Vào đây!
Trông Marty phì nộn hơn bao giờ. Bộ vét màu xanh lá cây của anh ta trông thật chẳng hợp chút nào với nước da vàng ệch và cặp kính nhuộm màu dầy cộm, làm biến dạng đôi mắt anh ta thành hai điểm nhỏ xíu. Marty bắt tay anh:
- Trông anh oai thật!
May đứng gần máy vi âm, nói chuyện với hai người đàn ông mặc áo dài tay, còn các nhạc công thì thu dọn nhạc cụ của họ. Phòng thâu âm chẳng có gì ngoài những dây nhợ lung tung và máy thu âm. Willie dừng bước, đứng bất động bên trong cánh cửa.
- May, Willie đến đây này - Ông bầu Marty kêu lên. Nàng quay lại, chạy về phía Willie, vòng tay choàng cổ anh và hôn nhẹ trên má.
- Chúng mình sẽ rời khỏi đây trong vài giây, anh nhé - nàng thì thầm.
Willie đứng chờ May, quay lưng về phía cửa ra vào, và cảm thấy nóng nực trong lớp áo choàng trong khi May vẫn còn đứng nói chuyện thêm chừng mười phút nữa với ông bầu và hai gã đàn ông mặc áo dài tay.
- Em muốn uống gì một chút - May nói trong lúc họ ngồi bàn riêng với nhau trong một căn phòng vắng trên lầu Lindy - và sau đó em muốn ăn điểm tâm.
- Giờ giấc của em sắp xếp kỳ quá. Cái gì vậy? - Anh hỏi khi thấy May thảy một viên thuốc trắng vào miệng.
- Aspirin, anh sờ trán em xem.
Trán nàng hâm hấp nóng. Willie nhìn nàng lo ngại. Khuôn mặt tiều tụy, hốc hác, mái tóc cài ngược lên đầu một cách cẩu thả, và cặp mắt quầng thâm. Nàng càu nhàu và hơi có vẻ bất cần:
- Em biết mình bết bát lắm. Anh đã lựa đúng thời điểm này để rồi bất thình lình xuất hiện cưng à!
- May, lẽ ra em nên nằm nghỉ ngơi.
- Em không thể nằm yên trên giường được. Nào, anh kể chuyện về chiến tranh cho em nghe đi.
Thay vì kể chuyện, Willie đã vặn hỏi về cuộc sống hiện tại của nàng. May hát tại một hội quán trên đường số 22 mấy tuần đầu lúc mới vào nghề. Cha nàng nhuốm bệnh suốt nửa năm trời, để mặc mình mẹ nàng quán xuyến cửa hàng trái cây ế ẩm. May đã phải đùm bọc cả gia đình. Nàng đã thuê một căn phòng ở một khách sạn dưới phố gần nơi làm việc vì sợ có thể bị nhiễm lạnh sưng phổi nếu hàng đêm cứ phải chờ đáp xe điện ngầm từ một nơi xa xôi về nhà.
- Em đã quá kiệt sức, Willie à! Sau cùng em nhận thấy việc đi học và đi hát ở phòng trà về đêm không thể phối hợp cùng lúc với nhau được. cứ lê lết mãi như thế không dễ gì ngủ nghê được. Đã có lần em ngất xỉu trên xe điện ngầm, và trong lớp học..Thật quá sức
- Như vậy em bỏ học sao?
- Không, em chỉ bỏ bớt lớp học thôi. Em chẳng cần hay mong muốn mình được có tên trong hội danh dự Phi Beta đâu. Em chỉ mong mỏi được học hỏi thêm chút ít. Thôi, mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp đi. em nói được tiếng Pháp đấy. avez-vous le crayon de ma tante?
Nàng phì cười, mắt như dại đi, điệu bộ không còn linh hoạt. May uống hết tách cà phê.
- Em nhận thức ra được hai điều liên quan đến nghề nghiệp ca hát của em. Thứ nhất, em không có đủ năng khiếu...bây giờ em mới biết thế, và thứ hai là phần nhiều các ca sĩ khác còn kém hơn cả em.. Nhưng em cũng còn kiếm sống được... cho đến khi em già nua xấu xí. Cứ với đà này thì cũng sẽ đến gần ngày đó thôi...đó là ngày thứ ba tới đây thôi. Em sẽ kể cho anh nghe sau. Chúng ta hãy lên phòng em đi, để em có thể nằm nghỉ trong khi nói chuyện với anh. Tối nay em còn phải đi hát nữa! À, em đã nói với anh là trông anh đẹp trai hơn trước nhiều chưa? Trông anh có vẻ ngang tàng hơn, không còn vóc dáng hiền lành của một chàng thư sinh thuở trước nữa..
- Làm như em thích chàng thư sinh lắm vậy...
- Thật ra nói em thích một chàng thư sinh mang những nét phong trần, oai phong thì có vẻ gần đúng hơn. em cảm thấy hơi khó chịu một chút, anh ạ. Một ly Martini trước bữa ăn đầu tiên trong ngày là điều không nên. Em phải nhớ điều này mới được. Thôi chúng mình đi đi.
Trong taxi, bất chợt May hôn lên môi anh. Anh thoáng ngửi thấy mùi rượu gin. May nói:
- Em có làm anh chán ngấy em không?
- Em hỏi gì lạ vậy?
- Bệnh tật, nghèo hèn, anh nhìn chiếc áo này đây cũng như tất cả những chiếc khác đã được khoác lên tấm thân này...Làm việc chung đụng với đám nhạc công xoàng xĩnh, trong một phòng thâu tầm thường, chúng ta là những kẻ yêu nhau trong định mệnh ngang trái, Willie thấy chưa, em đã nói với anh là em vẫn muốn trau dồi việc học hỏi cho được tiến bộ hơn - May ngân nga - những đôi tình nhân bất hạnh. Hỡi đêm tối dịu êm, hãy đem Willie đến cho tôi. Và khi chàng chết, hãy mang chàng đi và biến chàng thành những vì sao nho nhỏ, trang điểm cho bầu trời thêm lộng lẫy để cả thế gian đều yêu thích bóng đêm. Có khi nào anh nghĩ em sống chung với Marty Rubin không?
Mặt Willie đỏ bừng
- Chỉ uống một ly Martini mà May ra nông nỗi này sao?
- Và em còn bị sốt đến 101,8 độ. Mình sẽ đo lại nhiệt độ khi về đến nhà. Thật ra, em không cho vậy là may mắn đâu. Anh đã gọi điện cho em sau khi trở về từ nửa vòng trái đất để rồi nghe giọng đàn ông trả lời, một cú điện thoại oái oăm. Dù Shakespeare có trả lời cũng cúp đi hả?
Chiếc taxi quẹo gắt ở góc đường khiến nàng ngã chúi vào anh. Mùi hương tóc của nàng vẫn như ngày xưa, ngọt ngào, quyến rũ. Anh ôm chặt nàng trong tay. Người nàng mảnh mai hơn trước. May thỏ thẻ:
- Anh yêu, nhớ nhắn với mấy sĩ quan trẻ trên tàu Caine đừng bao giờ về thăm bạn gái một cách bất chợt. Phải cho các cô biết trước, để họ có thì giờ tống khứ những gã đàn ông ra khỏi phòng trọ, và nghỉ ngơi lấy sức trước một tuần, rồi còn đi mỹ viện sửa soạn trang điểm cho xinh đẹp nữa. Em thật cảm phục về mấy huy chương của anh. Anh không bị thương tích gì cả chứ? Phải đúng vậy không?
- Sức mấy...
- Anh biết không, em có một tên nô lệ. Đúng nghĩa là nô lệ. Đó là Marty Rubin. Hắn chưa hề nghe tới chữ Tuyên ngôn giải phóng. Đấy! Anh thấy cái lợi của học vấn trên đại học chưa? Hứa với em là anh sẽ không kể với Marty rằng Lincoln đã giải phóng nô lệ rồi nhé! Bác Tom Rubin ấy mà. Em nghĩ nếu không có anh ta thì có lẽ em đã chết mất hay đã phải gởi ba má em vào viện tế bần rồi. Ô! Chóng quá, đi đến nhà rồi ư?
Nơi ở của nàng là một căn phòng nhỏ tồi tàn nằm cạnh lối đi tối tăm. Chiếc khăn phủ giường, tấm thảm, và mấy cái ghế cũ sờn rách lòi cả màu chỉ xám xịt, trên trần nhà sơn tróc ra từng mảng. may đóng cửa và hôn anh đắm đuối.
- Trông anh to lớn như con gấu trong tấm áo khoác này. Giá thuê căn phòng này, chỉ có 3 đô la, không tệ lắm, anh nhỉ. Cũng nhờ Marty, em mới thuê được giá này đây. Chỉ tội không có phòng tắm riêng, phòng tắm chung ở tận cuối hành lang kia kìa. Nhưng trước tiên, em phải đo nhiệt độ đã. Biết đâu em không cần phải nằm nghỉ! À, anh xem những thành tích của em này!
Nàng nhìn Willie một cách ngộ nghĩnh, hàn thử biểu kẹp giữa hai bờ môi trong khi Willie lật xem từng trang sưu tập của nàng. Đầy những mẩu báo được cắt dán vào. Mỗi trang đều có ghi những điểm đặc biệt riêng của nó, với một vòng cung hình các ngôi sao vàng kim được dán lên, cùng những dòng chữ khen hơi quá lố, gồm cả một bức hình của Marty cắt từ nhật báo New York Daily News với hàng tít lớn: May Wynn, nỗi lo lắng mới nhất của nữ ca sĩ Dinah Shore.
- Em chẳng muốn nói ra em đã phải làm gì để được đăng bài báo đó - May nói qua kẽ răng trong lúc còn ngậm hàn thử biểu. nàng nói thêm - tuy nhiên không phải như anh nghĩ qua cách biểu lộ trên nét mặt của anh đâu.
Willie vội thay đổi ngay thái độ bằng cách cố gắng thư dãn các bắp thịt trên mặt.
- Nào, xem thử.
May giơ hàn thử biểu lên về phía cửa sổ.
- Cũng không đến nỗi nào, chỉ có 101.2 độ thôi. Thôi, tụi mình đi cưỡi ngựa ở Central Park đi anh.
- Em lên giường nằm đi. Anh gọi bác sĩ đến ngay.
- Anh ơi, làm gì phải cuống lên như thế! Em đã đi gặp bác sĩ rồi. Lẽ ra em phải nghỉ ngơi và uống aspirin. Vấn đề là chương trình của anh ra sao? Khi nào anh phải về nhà gặp lại mẹ anh?
- Tối nay là của chúng ta - Willie cảm thấy như bị coi thường.
- Ô, thật tuyệt vời! - Nàng tiến đến và choàng hai tay quanh cổ anh.
- Vậy em nằm nghỉ một chút được không? mình lại tán gẫu như trước..và tối nay em sẽ thật xinh đẹp lộng lẫy.
- Dĩ nhiên rồi.
- Xem này, anh nhìn ra ngoài cửa sổ một chút đi, cảnh trí trông thật tuyệt vời.
Willie làm theo lời nàng. Trên bờ cửa sổ đối diện với ống dẫn không khí, cách xa khoảng một mét là hai chai sữa, một quả cà chua, một hộp bơ, phủ quanh bởi những gợn tuyết nhỏ. Bức tường gạch thì đen đủi nhớp nhúa. Sau lưng anh có tiếng sột soạt vội vã của phái nữ.
- được rồi, anh lại ngồi cạnh em đi - Áo và tất của May vắt thòng trên thành ghế, nàng ngồi trên giường mặc áo choàng tắm màu xám, thu mình trong tấm khăn trải giường. Miệng mỉm cười một cách mệt mỏi - Heđy Lamarr đã sẵn sàng để diễn một cảnh thật gợi cảm.
- Em yêu - anh ngồi xuống cạnh nàng, nắm lấy đôi bàn tay giá lạnh của nàng - Anh xin lỗi. Anh đã đến với em không đúng lúc, rất tiếc, anh đã không cho em biết trước...
- Willie, điều anh xin lỗi cũng chưa bằng một nửa điều mà em phải hối tiếc. chuyện đã qua rồi, có hối tiếc cũng chẳng giúp gì được hơn - Nàng xiết lấy tay anh - Anh ạ, em biết anh đã hình dung ra hình ảnh em đang thơ thới ở nhà, ngồi viết thư cho anh, hoặc đang đọc đi đọc lại những bức thư của anh hàng nghìn lần, còn nếu không cũng đang ở trong tâm trạng bồi hồi, náo nức...Nhưng chuyện đó đã chẳng xảy ra. Nếu có người cha bị sưng màng phổi, chân mang vớ thủng lỗ chỗ, thì em còn phải lo kiếm tiền, và đương đầu với những gã đàn ông qua lại tán tỉnh, nhưng em cũng chẳng thèm giận, vì điều này chứng tỏ em vẫn còn sáng giá lắm chứ, em thật sự là đứa con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn mà anh.
Nàng ngước nhìn anh với đôi mắt mệt mỏi, e dè.
- Em đã được điểm B trong kỳ thi bán niên - và được điểm A về môn văn chương.
- Coi kìa, sao em không ngủ đi? Em đã từng bị ngất xỉu tại phòng thâu thử...
- Thật chẳng ra đâu với đâu...Cũng vì mong anh đến, mắt em đã không nhìn thấy rõ được nữa....
- Tối nay em có phải làm việc không?
- Có anh ạ. Theo như hợp đồng, thì em không phải làm ngày thứ hai. Nếu bố em, mẹ em và em còn cần có miếng ăn, thì em còn cần phải làm..Nếu không thì có khối các cô gái khác sẵn sàng nhảy vào thay thế chỗ của em....
- Sao không cho anh biết là em gặp khó khăn? Anh có tiền mà?
Nét âu lo hiện ra trên gương mặt của May. Nàng nắm chặt tay anh:
- Willie, em chưa đến nỗi phải phiền đến anh. Có lẽ em hơi quá tả oán, để cố che dấu sự bệ rạc của mình. Tiền bạc cũng như mọi việc khác em vẫn còn có thể lo được...em chỉ bị cơn cảm cúm này hành hạ thôi. Anh có bao giờ bị cảm không?
Nàng bật khóc, đặt tay anh lên đôi mắt mình. Những giọt lệ ẩm tuôn rơi trên ngón tay anh. Willie kéo May lại gân mình và hôn lên tóc nàng.
- Chắc em phải ngủ một chút. Em mệt lắm rồi.
Giọng nàng khàn hẳn, hai mắt còn úp dấu trong bàn tay của anh.
- Chẳng lẽ em cứ khóc mãi thế này sao, hả anh?
May ngước mặt nhìn anh và mỉm cười.
- Anh muốn đọc sách gì không? Troilus Cressida, Tội Ác của Sylvestre Bonnard bằng tiếng Pháp, hay History đương nhiên England của Trevelyan? Tất cả những sách này được chất đống trên bàn đấy.
- đừng lo cho anh. Em cứ ngủ đi.
- Hay anh ra ngoài đi xem phim? Hơn là ngồi quanh quẩn trong cái ổ chuột này để nghe em ngáy.
- Anh sẽ ở đây với em - Anh hôn nhẹ nàng.
- Không được đâu. Anh sẽ bị lây bệnh mất!
- Thôi, em ngủ đi.
Trở về chốn cũ, gặp lại người tình sầu khổ, say khướt, lè nhè với sức lực suy tàn trong căn phòng tối tăm như trong một cái bẫy gián...
May ngã người xuống giường và nhắm mắt lại, thì thầm:
- Em sẽ lại sức rất nhanh. Nhớ đánh thức em dậy lúc bảy giờ rưỡi. Anh có quyền nằm vùi trên giường, nhưng nhớ gọi em đấy nhé. Em sẽ làm anh phải ngạc nhiên...cứ vờ như chúng ta gặp nhau lần đầu tiên lúc bẩy giờ rưỡi...
Chỉ trong giây lát nàng chìm vào giấc ngủ, mái tóc hung đỏ xổ tung vương vãi trên nền gối trắng. Willie nhìn thật lâu trên khuôn mặt tái mét và nhòe nhoẹt vết son môi của nàng. Anh với bừa quyển Troilus and Cressida, và bắt đầu đọc. Nhưng khi vừa đọc đến đoạn nói đến tình yêu, khoảng gần cuối trang, tâm trí anh trở nên lơ đãng. Giờ đây anh đã chắc chắn về ý định chia tay với May. Gặp lại nàng lần này đã nói lên được điều ấy. Anh đoán chắc mình quyết định đúng. Anh đã thật lòng tự cho là mình thuộc giới trí thức trung lưu thường tình. Cao vọng của anh không đi xa hơn là trở thành một vị giáo sư khả kính tại một trường đại học nổi tiếng. Anh muốn có một cuộc sống được cung phụng bằng mọi thứ mà tiền bạc có thể mua được, là do từ đồng tiền của mẹ anh, hay vợ anh, chứ không do đồng tiền kiếm được từ việc dạy học của anh. Trong tương lai xa vời, anh cũng muốn có một người vợ đúng theo ý anh là dịu dàng, dễ thương, xinh xắn, có học vấn, với tất cả những nét khả ái thuộc một gia đình quyền quý giàu sang. May Wynn là một cô gái thông minh, hấp dẫn, có thể như vậy, nhưng dĩ nhiên không phải vào lúc này. Nàng thuộc giới bình dân, ăn nói vô ý tứ, dùng nước hoa thì quá nhiều như giới nghệ sĩ, nàng lại quá dễ dãi với anh ngay từ lần đầu gặp gỡ, và đã ăn nằm với anh. Đối với anh, May như đã có tì vết, hơi tầm thường, nói chung mọi vấn đề đã trái ngược hẳn với dự định trong tương lai của anh. Nàng lại theo đạo Công giáo. Dù May không thiết tha trong đức tin, điều này cũng chẳng lay chuyển được lòng anh. Willie cũng hiểu quan niệm chung là người theo đạo Công giáo không bao giờ từ bỏ đạo hoặc có thể trở lại đạo bất cứ lúc nào. Anh không muốn những việc như thế làm xáo trộn cuộc sống của mình cũng như của con cái mình đối với sự bất ổn có thể xảy ra sau này.
Còn nếu như chuyện đạo giáo có giải quyết được đi nữa, liệu anh có muốn trở lại với một cô gái thành công và diễm kiều như May hay không? Một ngôi sao sáng chói của những vở nhạc kịch nổi tiếng, chuyện khó mà nói trước được. Anh hiện đang ở cạnh nàng, trong một căn phòng tối tăm của một khách sạn dơ dáy, và nàng thì đang đau ốm, tàn tạ và túng thiếu. Mấy quyển sách học giúp nàng có thêm được chút cảm tình, nhưng vẫn không khiến người khác tăng thêm được sự say mê nàng. may đã có cố gắng một chút để tạo cho mình một vị thế gần đúng như mẫu người lý tưởng mà anh mong đợi, nhưng giờ đây thì đã thất bại chua cay. Thôi, tất cả coi như không còn gì nữa.
Nàng nằm ngủ, miệng thì há hốc, hơi thở dồn dập, không đều, và ồn ào. Chiếc áo choàng màu xám xô lệch, phơi bày cả phần trước ngực. cảnh tượng này khiến Willie cảm thấy khó chịu, anh kéo chăn phủ đến tận cằm cho nàng, rồi ngồi sụp vào trong lòng ghế, ngủ thiếp đi...
- Anh có thấy gì đâu nào? - Willie nói trong lúc xe taxi tấp vào trước cửa hội quán Grotto - Hội quán Tahiti đâu? Cái hội quán Yellow Door cũng đâu rồi? nơi này có phải trước kia là....
- đúng rồi, nơi này trước kia là hội quán Yellow Door. - May trả lời - còn hội quán Tahiti đã dẹp rồi và bây giờ là tiệm ăn Tàu đấy. Có gì tồn tại lâu dài trên con phố này đâu.
- Còn ông Dennis thì như thế nào?
- Ông ấy đã mất rồi! - May trả lời và bước ra khỏi xe đúng vào một cơn gió mang đầy bụi bặm thổi tốc lên.
Suốt bữa ăn tối, nàng có vẻ trầm tư và chẳng buồn nói gì nhiều. Sau đó lẳng lặng vẫy tay về phía Willie, rồi từ từ đi biến vào sau bức màn của phòng thay áo. Anh sửng sốt khi thấy chỉ nửa tiếng sau nàng đã xuất hiện để hát với một vẻ tươi mát và rạng rỡ. Khách đến nghe nàng hát chen chúc ngồi ở tầng dưới, ngợp đầy khói thuốc giữa những tấm vách bằng đá giả làm bằng giấy bồi cách khoảng đều với những hồ cá tối mò, họ im lặng lắng nghe và vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt sau mỗi màn trình diễn. May đáp ứng những tràng pháo tay bằng ánh mắt lấp lánh và nụ cười xinh tươi rồi lại tiếp tục hát. Nàng trình diễn liên tiếp năm tiết mục một cách hăng say, kéo lê theo chiếc váy xanh rêu, tung tăng uốn éo quanh cái sân khấu nhỏ nhắn, như một vận động viên thể dục thẩm mỹ rành nghề.
- Sao May có được phong độ như vậy?
Anh hỏi Rubin khi anh ta đến chờ giữa lúc đang trình diễn và bị lấn về phía chiếc ghế anh đang ngồi sát tường đàng sau cái bàn nhỏ xíu.
- Anh phải hiểu, trình diễn thì phải liên tục. Cô ấy là dân nhà nghề mà. Thính giả không trả tiền bia ít đi chỉ vì May bị cảm đâu.
May đi đến bàn họ với chiếc khăn choàng màu vàng quấn quanh cổ và chiếc áo nhung đen khoác trên vai. Rubin đứng lên, hôn lên má nàng.
- Này cưng, chắc có lẽ cô phải bị bệnh thường xuyên hơn. Đêm nay cô trình diễn thật xuất sắc.
- Em khỏe rồi...Anh có thấy là em khỏe hơn không, Willie?
- Em thật tuyệt vời, May ạ.
- Thôi đừng phỉnh em nữa, em biết anh đang nói dối em thôi! Marty, anh lại định lẩn đi đâu thế?
- Tôi có vài người khách khác. Willie nhớ đưa May về nghỉ, sau buổi trình diễn 2 giờ sáng nhé!
Willie ngồi trên chiếc ghế nhỏ cứng ngắc suốt năm tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng nói chuyện với nàng hoặc nghe nàng hát. Thính giả kẻ đến người đi, nhưng hâu hết những khách đi đều như chuyển lại khuôn mặt của họ cho người mới đến hay sao mà trông họ giống tương tự như nhau cả.
Không khí càng ngột ngạt, và đám đông càng ồn ào hơn, vài con cá lặn xuống tận đáy hồ hay nằm yên bất động, miệng há hốc, mắt tròn xoe trong lớp vẩy nhầy nhụa. tất cả cái sinh động đã rời khỏi khung cảnh hộp đêm chung quanh Willie. Phải kiếm kế sinh nhai giữa cái hoạt cảnh nhốn nháo này, thì thà suốt đời phải đi biển trên chiếc Caine còn hơn.
Anh phớt lờ không kể cho May nghe chuyện nổi loạn trên tàu, mặc dù anh đã rất thích thú khi kể những chuyện về hạm trưởng Queeg làm nàng phải bật cười và kinh ngạc. Dáng dấp trong sáng, linh động, cùng với nét trang điểm khiến nàng trông có vẻ tươi thắm, khỏe khoắn trong căn hầm ảm đạm này. Nhưng sắc thái của nàng chiều nay còn khiến anh hoảng sợ, và chưa cảm thấy được tự nhiên với nàng. Buổi tối trôi qua một cách gượng ép, nghiêm túc, và cả hai chỉ trò chuyện bâng quơ. May đành chấp nhận thái độ thay đổi của anh.
Khi về lại căn phòng tồi tàn ở khách sạn thì đã 2 giờ 45 phút sáng. Willie cố dằn cơn ngáp, mắt anh cay xè. Không nói với nhau một lời, cả hai cùng cởi bỏ áo khoác, nằm lăn trên giường và hôn nhau say đắm, cuồng dại suốt mấy phút. Môi anh cảm thấy trán và tay của nàng hâm hấp nóng, nhưng anh vẫn tiếp tục hôn nàng. Cuối cùng, với động lực tự nhiên thúc đẩy, niềm đam mê dịu dần và ngưng hẳn lại. Nàng nhìn anh đắm đuối, mắt long lanh ngời sáng dưới ánh đèn ngủ mờ ảo.
- Willie, chúng mình không còn là của nhau nữa phải không?
Không còn câu hỏi nào tệ hơn thế nữa. Willie không buồn trả lời, câu trả lời đã được thể hiện trên khuôn mặt khốn khổ của anh rồi.
- Thế tại sao chúng ta lại làm như vậy? - May hỏi.
- Em nói đúng. Anh thật đáng trách. Mình không nên như thế nữa!
- Không, em vẫn còn muốn được hôn anh mà - và nàng lại hôn anh thắm thiết thêm nhiều lần. Nhưng những lời vừa thốt ra đã làm mất đi cái hương vị ngọt ngào đằm thắm của nụ hôn. Cả hai ngồi dậy. Willie đến bên chiếc ghế bành.
- Phải chi em đừng bị cảm - May nói một cách sầu thảm.
- May! Sự việc chiều nay không có gì khác biệt cả...đó chỉ là bản chất con người của anh mà thôi.
- Anh yêu, anh không biết sao. Dĩ nhiên là phải khác chứ! Ai mà thương yêu được một cô gái eo xèo như một con mèo bịnh hoạn thế này. Dù sao chuyện cũng đã qua rồi. Biết bao sự khó khăn chúng ta đã phải vượt qua. Những lá thư của anh gửi cho em thì thật là tệ bạc...
- May à, anh phải nói thế nào đây? Em vẫn luôn là người con gái tuyệt vời duy nhất mà anh quen biết...
- Thật là lạ, nhưng đó là sự thật. Đối với anh, em quả là người mà anh đã nghĩ như vậy. Phải chăng tại anh còn quá trẻ, lại rất quý trọng mẹ anh hay tại vì một lý do nào khác?
Nàng nhỏm dậy, mở dây kéo áo, đầu óc trống rỗng, bước đến tủ áo lấy áo choàng mặc vào, và cũng chẳng buồn che dấu thân thể mình.
Thoáng nhìn thân hình tươi trẻ của nàng trong lần áo lót mong manh ôm sát người, khiến anh xót xa. Ước vọng muốn được ôm nàng trong vòng tay như cần thiết một hơi thở, nhưng anh biết điều đó lúc này tuyệt đối không thể xảy ra được.
Thọc sâu hai tay vào túi áo choàng, nàng nhìn thẳng mặt Willie, ánh mắt thoáng đượm nét sầu thảm, nỗi run sợ sự bấp bênh và niềm đau đang mấp mé dâng lên khóe mắt bờ môi. May hỏi:
- điều đó chắc chắn rồi phải không anh?
- Phải đấy, May ạ!
- Anh không còn yêu em nữa sao?
- May, tâm tư anh đang rối loạn, chẳng đâu ra đâu. Có nói cũng bằng thừa...
- Có thể như thế, nhưng em muốn gom góp tất cả vấn đề một cách mạch lạc, rõ ràng trước khi vứt mọi chuyện vào trong quên lãng. Nếu không còn yêu em, điều đó cũng được đi. Nhưng sao anh lại hôn em một cách nồng nàn như thể anh vẫn còn yêu em lắm? Anh giải thích điều này cho em biết đi.
Willie đã không thể nói là anh yêu đôi môi nàng nhưng điều này vẫn không đủ để kéo nàng vào cuộc sống lứa đôi hạnh phúc suốt đời với anh được...dù rằng có thể chỉ cần biểu lộ bằng đôi lời đơn giản nhất.
- May à, anh không biết thế nào là tình yêu thực sự. Đó chỉ là một từ ngữ đơn giản. em luôn là hình ảnh mà anh say mê nhất. Sự thật là vậy, nhưng đời sống không chỉ giản dị như vậy. Anh sợ là chúng mình sẽ không có hạnh phúc bên nhau. Không phải vì em có khuyết điểm. cứ coi anh như là một thằng đỏm dáng, ham mê danh lợi. Mọi việc sai trái, cứ cho là tại anh cả....
- Có phải tại em nghèo hèn, ngu dốt, theo đạo Công giáo hay vì lý do nào khác? Anh cứ nói thẳng cho em biết...
Chỉ còn một cách duy nhất để có thể thoát khỏi sự xốn xang này. Willie nhìn xuống sàn nhà, giữ im lặng, mặc cho thời khắc lặng trôi...Mỗi giây phút im lìm như một nhát dao của sự hổ thẹn và ngượng ngùng đâm vào tim anh và lòng tự trọng như những vết thương tuôn trào ra ngoài.
Cuối cùng May cố dằn lòng lên tiếng, giọng nàng tuy hơi rung, nhưng không biểu lộ một chút giận hờn cay đắng nào....
- Thôi, như thế cũng tốt. Anh không còn phải bận tâm về em nữa.
Nàng mở ngăn kéo trong cái bàn ọp ẹp dơ dáy, và lôi ra một cái chai và một hộp thuốc.
- Em đến cuối hành lang lấy thuốc uống. Chắc không lâu đâu. Anh chờ em chứ?
- May...
- Anh đừng lộ vẻ thảm não như thế. Trời có sập đâu. Và cả hai chúng ta vẫn sống nhăn mà.
Willie không nhận thức được mình làm gì nữa, cầm quyển sách Troilus and Cressida lên đọc vài trang. Anh cảm thấy có lỗi khi May bước vào, và đặt quyển sách sang một bên. Mắt nàng đỏ hoe, phấn son trang điểm đã lau sạch, khiến khuôn mặt nàng trông tái nhợt. May cười nhẹ.
- Anh cứ tiếp tục đọc sách đi. Cho em xin một điếu thuốc. Cả ngày nay, em không dám hút vì sợ cổ họng bị sưng mất.
Lấy gạt tàn thuốc, May đến bên giường, ngã lưng tựa vào lớp đệm rồi thở dài.
- Ô, vị thuốc thơm thật. Thân nhiệt em đã hạ bớt rồi, chỉ còn hơn 100 độ thôi...Không có gì khổ hơn là cứ phải hít thở cái không khí ở phòng trà về đêm...Anh sẽ làm gì sau khi chấm dứt chiến tranh? Tiếp tục chơi dương cầm lại ư?
- Anh không nghĩ vậy đâu. Chắc là không rồi.
- Không nên, em nghĩ anh nên đi dạy học.
- Thế em nghĩ cứ ai không chơi đàn được, thì làm thầy giáo à?
- Thế giới không thể tồn tại nếu không có thầy giáo. Nghề này thích hợp với anh hơn. Em có thể mường tượng thấy anh ở một trường đại học trong tỉnh, sống một cuộc đời phẳng lặng, yên lành, và mê say Charles Dickens năm này qua năm khác...
- Nghe có vẻ lý tưởng quá phải không?
- Anh à, mọi người đều muốn làm những gì mà họ nghĩ là tốt nhất. Như anh đã giúp em có niềm đam mê đọc sách chẳng hạn.
- Anh cũng đã nghĩ đến điều đó, May ạ. Có nghĩa là anh có thể đi học thêm một năm nữa....
- Mẹ anh chắc chắn sẽ thúc đẩy cho anh hoàn tất đến nơi đến chốn phải không? Đặc biệt là lúc này.
May ngáp lớn.
- Xin lỗi anh.
Willie đứng lên.
- Anh không đổ lỗi là tại em đã chán anh...nhưng chắc em cũng chán anh thật...
- Anh ngồi xuống đi. Em có chán anh đâu, em cũng chẳng giận hờn gì anh cả.
Nàng lại ngáp, lấy tay che miệng lại và cười vang.
- Thật là buồn cười. Đáng lẽ em phải than khóc, và vò đầu bứt tóc, nhưng em chẳng còn hơi sức nữa. Willie à, thật ra trong thời gian qua, em đã quá quen thuộc với những ý tưởng này rồi. Em đã có chút ít hy vọng trong thời gian chúng ta ở San Francisco, ở Yosemite...Em nói thật đấy, những niềm hy vọng này đã không còn sau khi anh nói chuyện với mẹ anh và tiễn em lên máy bay. Dù sao, điều đó cũng không khiến em đau khổ nhiều vì anh đã bày tỏ thật lòng mình.
- Anh biết những ngày ở Yosemite có ý nghĩa biết bao đối với em..và cả với anh nữa...
- Giờ đây em không muốn gợi ra để làm anh khổ tâm. Cả hai chúng ta đều mong mọi việc được tốt lành. Lúc ấy, em đã cố gài anh, em đoán là vậy, không biết có đúng không. Chắc em sẽ phải ghi học vài lớp tâm lý để hiểu rõ về em hơn mới được.
- Mẹ anh không hề ghét bỏ em, mẹ anh không như vậy đâu...
- Willie à - May nói với giọng mệt mỏi - Em biết chắc, rất chắc mẹ anh đã nghĩ sao về em. Hãy gạt bỏ kiểu lý luận ấy của anh đi.
Cả hai nói chuyện với nhau thêm chút ít. Nàng đến gần cửa cùng anh và hôn anh đắm đuối. may thì thầm:
- Anh vẫn như xưa, rất bảnh trai.
- Ngày mai, anh sẽ gọi điện cho em, nhớ giữ gìn sức khỏe.
Anh bấm chuông chờ thang máy. May đứng ngoài ngưỡng cửa, nhìn anh. Một người da đen ăn mặc chỉnh tề mở cửa thang máy cho anh. May đột nhiên hỏi:
- Em có còn gặp lại anh nữa không?
- Dĩ nhiên, anh sẽ nói chuyện với em ngày mai. Chúc em ngủ ngon.
- Willie, tạm biệt anh.
Hôm sau và những hôm sau nữa, anh đã không gọi lại cho nàng. Buổi sáng Willie cùng mẹ đi xem phim, rồi đi ăn tối, xem trình diễn văn nghệ, và sau cùng là thăm viếng họ hàng. Khi bà Keith dục anh đi chơi một mình, anh quạu cọ từ chối. Một buổi chiều anh đến Columbia và đi bách bộ một mình qua Furnald Hall. Những cái chào tay không ngừng của các tân sĩ quan mặt còn búng ra sữa khiến anh khoái chí, nhưng rồi cũng chán. Nơi phòng đợi không có gì thay đổi. Này là chiếc ghế phô tơi bọc da mà anh đã ngôi kể chuyện cho cha nghe về bốn mươi tám điểm xấu của anh, kia là điện thoại mà anh đã đứng để nói chuyện với May hàng trăm lần...bên ngoài ki-ốt vẫn là đám sinh viên nóng lòng chờ đợi đến lượt mình, bên trong đang là một thanh niên tóc ngắn kiểu nhà binh cầm điện thoại đấu hót líu lo.
Thời gian như ngưng đọng. Willie bước ra khỏi tòa nhà, buổi chiều lộng gió và bầu trời xám xịt, chắc cũng còn phải vài tiếng nữa mẹ anh mới đến nhà hàng để ăn tối với anh và bác Lloyd, nên anh tìm đến một quán rượu vắng vẻ, tồi tàn và tăm tối trên đường Broadway, nốc liền tù tì bốn ly scotch và soda, nhưng cũng chỉ làm anh hơi choáng váng thôi.
Bác Lloyd đến ăn tối chung với gia đình anh ở nhà hàng Twenty One. Khi còn là dân sự, ông làm nhà băng, bây giờ là đại tá làm việc trong ngành thông tin và ông thường thích tán về kinh nghiệm xưa của ngành pháo binh trong thế chiến thứ nhất. Ông cho việc nổi loạn trên tàu Caine rất nghiêm trọng. Ông kể cho Willie nghe nhiều chuyện đại để chứng tỏ trong ngành pháo binh ông đã từng phục vụ dưới các vị chỉ huy trưởng còn tệ hại hơn hạm trưởng Queeg nhiều, nhưng ông vẫn kiên trì chịu đựng, phục vụ nghiêm chỉnh theo quân kỷ. rõ ràng là ông không tán thành chuyện của Willie và nghĩ là anh sẽ phải gặp nhiều phiền phức lớn. Bà Keith thúc giục ông hứa sẽ giúp con, nhưng ông Lloyd chỉ nói là ông sẽ nói chuyện với mấy người bạn hải quân xem phải làm sao.
- Có thể họ sẽ không đưa cháu ra tòa án quân sự đâu, Willie - Ông nói tiếp - Nếu cái anh bạn Maryk gì đó được tha bổng, bác đoán là chuyện sẽ được kết thúc tại đây. Bác hy vọng cháu học được bài học lần này. Chiến tranh đâu phải dễ đối phó đâu. Trừ khi cháu có thể học hỏi để đối phó cái khó khăn bằng sự mềm dẻo, nếu không thì chẳng xứng đáng chút nào khi quốc gia hữu sự.
Sau câu chuyện, ông lên đường đi Washington, nơi mà ông đã giữ một căn phòng lớn tại khách sạn Shoreham.
Tối thứ bảy, Willie ở trong phòng mặc quần áo sửa soạn đi xem ca kịch. Mắt nhìn xuống đồng hồ đeo tay, mới nhớ là chỉ còn 12 tiếng nữa anh phải lên đường trở về đơn vị và đương đầu với tòa án quân sự. Anh vươn cánh tay cứng ngắc như cái cần của máy quay đĩa tự động, để nhắc điện thoại gọi cho khách sạn Woodley.
- May hả? Em khỏe chứ? Willie đây...
- Ồ anh đấy à, em tưởng là anh đã quên em rồi chứ.
- Em có bớt bệnh chút nào không?
- Hết rồi. Em đã hoàn toàn bình phục.
- Sáng mai anh phải lên đường rồi. Anh muốn nói chuyện với em.
- Willie, tối nay em phải làm việc.
- Anh đến hộp đêm gặp em được chứ?
- Vâng được.
- Anh sẽ đến vào khoảng nửa đêm.
- Vâng.
Từ trước đến nay chưa bao giờ vở nhạc kịch Don Giovanni của Mozart có thể làm Willie chán được. Nhạc kịch luôn luôn tuyệt diệu về âm thanh, làm tiếng như ngưng đọng và thế giới như tan biến trong vẻ đẹp tinh khiết. Nhưng đêm nay anh lại thấy Leporello như một tên hề thô thiển, giọng hát thấp khàn trong cổ như của một người già, giọng hát của Zerlina thì chát chúa, không phải nhà nghề, và suốt buổi trình diễn anh thấy thật chán nản. Anh cố giương mắt nhìn đồng hồ, giữa lúc đang trình diễn đến đoạn ưng ý nhất của mình. Rồi vở nhạc kịch cũng đến lúc chấm dứt.
- Thưa mẹ - anh nói với mẹ trong lúc đi từ phòng tiếp tân ra đến con đường bùn lầy - con muốn dạo phố một mình trong chốc lát, có làm mẹ phiền lòng không? Con sẽ gặp lại mẹ ở nhà.
Gương mặt bà biểu lộ niềm thông cảm lẫn băn khoăn:
- Willie, có phải đêm nay là đêm cuối con ở nhà với mẹ không đấy?
- Con sẽ không về trễ đâu mẹ.
Anh muốn đẩy bà vào trong taxi nếu bà còn lằng nhằng. Có lẽ vì cảm thấy như vậy, nên bà vẫy tay ra dấu gọi taxi cho mình.
- Chúc con vui vẻ nhé!
May đang hát lúc anh đến hộp đêm Grotto đông nghẹt người. Anh đứng bên quầy rượu, nhìn quanh mấy gương mặt đàn ông đang ngưỡng mộ chăm chú nhìn nàng mà trong lòng cảm thấy thật cay đắng. Không còn chỗ để ngồi khi phần trình diễn chấm dứt. Nàng nắm lấy tay anh kéo về phía phòng thay áo. Ánh đèn chói chang trong căn phòng nóng nực, giống như trong một cái tủ đựng quần áo khiến anh phải nheo mắt lại. Willie đứng dựa vào bàn trang điểm. May ngồi trên ghế ngước mắt nhìn anh, rực rỡ với một vẻ lôi cuốn ngọt ngào bí ẩn bên trong, thật khác hẳn với bề ngoài của nàng trong chiếc áo đỏ để hở đôi bờ vai trắng trẻo và nửa phần trên của bộ ngực căng tròn dưới lần áo ôm sát người.
- Lần trước gặp em, anh đã quên không kể cho em nghe một chuyện - Willie nói - Anh muốn biết em nghĩ thế nào.
Anh mô tả với nàng về cuộc nổi loạn trên chiếc Caine và cuộc điều tra với đầy đủ chi tiết như thể đang thú tội, tinh thần anh sảng khoái trong khi kể chuyện. May chăm chú lắng nghe.
- Anh muốn em phải nói như thế nào, Willie? - nàng hỏi sau khi anh kể xong.
- Anh không biết nữa, May. Em nghĩ như thế nào? Anh phải làm gì? Chuyện gì sẽ xảy ra?
Nàng thở dài thườn thượt:
- đó là lý do anh đến tìm em đêm nay đấy ư? Và để kể cho em chuyện này à?
- Anh muốn em biết về chuyện này.
- Willie, em không biết nhiều về hải quân. Nhưng theo em, anh chẳng phải làm gì cả. Hải quân là một binh chủng rất thông minh, sáng suốt. họ sẽ không buộc tội các anh, vì các anh chỉ muốn cứu tàu mà thôi. Cùng lắm là anh chỉ có lỗi vì đã xử sự trái phép một việc hợp lý. Đó không phải là tội ác gì cả.
- May, nhưng đó là nổi loạn...
- Thì đã sao nào! Anh nghĩ anh là ai đây? Fletcher Christian chăng? Anh có trói ông hạm trưởng Queeg lại và bỏ vào thuyền thả trôi ông ta không? Hay anh có rút dao hay rút súng đe dọa ông ta hay không? Em nghĩ ông ta loạn trí rồi. Dù bác sĩ có nói gì chăng nữa. Ông ta đúng là một tên điên. Willie à, sao anh lại có thể là kẻ phản loạn nổi? Ngay cả chuyện phản đối lại mẹ anh anh còn không làm nổi, thì nói chi đến chuyện chống đối lại vị hạm trưởng của một chiến hạm hải quân....
Cả hai cùng phì cười. Mặc dù luận cứ của May cũng giống như luận cứ của mẹ anh, nhưng đã đem lại cho anh niềm hy vọng và phấn khởi, còn những ý kiến của mẹ anh thì chỉ hàm chứa sự xúc động và ngây ngô.
- Thôi được rồi May. Không biết tại sao anh lại đem cái khổ tâm của mình ra làm bận trí em. Cảm ơn em.
- Khi nào anh lên đường?
- Sáng mai, lúc 7 giờ.
May đứng dậy, cài then khóa cửa lại và lẩm bẩm "Mấy nhạc công ở đây ồn ào nhất thế giới". Nàng tiến đến bên Willie, choàng tay quanh người anh, họ trao nhau nụ hôn dài đam mê, cuống nhiệt.
- Thôi thế là hết - May nói và lùi ra, rời khỏi vòng tay anh - Anh hãy nhớ suốt đời nụ hôn cuối cùng này nhé! Đã đến lúc anh phải đi rồi. thấy anh còn quanh quẩn ở nơi này em khổ tâm lắm!
Nàng mở cửa. Willie bước ra ngoài, lách mình len lỏi giữa những vũ công đang chen chúc để thoát ra ngoài đường. Anh cũng không hiểu tại sao mình đã trở lại nơi này, anh tự trách mình bỗng nhiên lại nổi hứng và vụng về che dấu là cần có ý kiến của nàng. Anh không có cách nào hiểu được cái hứng bất tử rất thông thường của người chồng khi muốn bàn chuyện với vợ...
Sáng hôm sau máy bay cất cánh đúng giờ trong nắng mai. Từ phía phòng đợi ở phi trường, mẹ anh lấy can đảm vẫy tay từ giã con, cho đến khi máy bay lao vào không trung. Từ trên phi cơ, Willie nhìn chăm chú xuống những tòa cao ốc của Manhattan, cố tìm hình ảnh khách sạn Woodley, nhưng tất cả đã khuất xa dần, xen lẫn giữa những mái nhà ngổn ngang trong thành phố.
Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine - Herman Wouk Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine