We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hong Sa hỗn độn vẫn đang hối hả trong công cuộc xây dựng. Các lớp dân phu vẫn liên tiếp bị dồn tới. Và đồn bốt, lô cốt, hàng rào, đường xá, cầu cống, nhà cửa vẫn tiếp tục mọc thêm, lan rộng trên những vùng đồng ruộng lâu nay đã bị hoang hóa. Giờ thì nó gần như đã hoàn chỉnh một căn cứ quân sự có khả năng ngăn chặn đường tiến của quân ta sang miền tây. Hơn nữa, nó đang nuôi mộng trở thành một Ăng ten của GCMA, tổ chức hỗn hợp biệt kích nhảy dù, ở cả vùng Tây Bắc rộng lớn này. Và cùng với việc dồn dân từ các xã đang chiếm đóng về, nó đang cố gắng để thành lập một tiểu khu hành chính trực thuộc quân khu Tây Bắc của địch.
Vào những ngày này, có cảm tưởng, Lẳng mỗi lúc một gầy sắt quắt queo thêm. Nhưng cái dáng anh thanh niên Tày cằn cỗi, khi quẫn thì liều lĩnh, bất cấn đã biến mất. Thay vào đó là vẻ nhanh nhẹn và hoạt bát. Hai con mắt trũng sâu lỗ đáo[150], nhưng lại sáng rực, tinh anh và tươi trẻ lạ thường. Thì vẫn là công việc gánh đất đắp đường và Lẳng vẫn thực thi đều đặn nhiệm vụ của một chiến sĩ quân báo là len lỏi vào đám phu cùng lính gác, lúc hỏi chuyện người này, người khác, khi nghểnh tai, đảo mắt nhìn quanh, nghe ngóng để nắm tình hình thôi. Nhưng chiều nay, tổng hợp những điều tai nghe mắt thấy và suy đoán thêm, Lẳng biết rằng, sáng hôm nay, ở đây đã có thêm một sự kiện quan trọng khác thường. Một chiếc máy bay Dakota từ Hà Nội lên đã mang theo một gã sĩ quan ở văn phòng Bộ chỉ huy Quân đội Pháp ở Bắc bộ. Tên này lên để tổ chức công bố và trao quyết định thăng hàm thiếu tá cho De Bernard và lên lon trung úy cho quan một Brusex. Từ sự việc này có thể thấy, thằng địch đang quyết tâm xây dựng củng cố căn cứ quân sự này.
Hết buổi làm, Lẳng đội cái nón rách, gánh đôi sọt không về nhà. Phố Phong Sa buổi chiều mù mù khói. Những đám phu không nhà không cửa ăn ở la liệt ở những cái lán cỏ vệ đường. Mấy tháng trước, cũng một chiều như chiều nay, Kim và Lẳng từ Hoàng Liên đã lọt được vào đây. Ngày ấy, Phong Sa vắng teo. Hai người đóng giả là người Sơn La mãn hạn phu trở về quê, không có tiền ăn đường, phải vào đây kiếm việc. Vào xin nước uống, họ biết tình cảnh khó khăn của ông chủ nhà, ông cụ Hoàng Văn Nô, một người chuyên đuổi ngựa thồ thuê và dẫn đường cho các tốp lái buôn trốn thuế bằng cách đi vào các con đường rừng. Ông cụ đã bảy mươi, già yếu, lại mắc bệnh quáng gà, con trai ốm chết, chị Duyên, con dâu, ở goá, có con mọn, mà nhà phải chịu những hai suất phu. Kim và Lẳng đã tự nguyện nhận lời cáng đáng việc đi phu giúp gia đình ông cụ. Trưởng phố, một người Kinh, được ăn lót, lại thấy gọi được phu, không phải nay thúc mai giục nữa, nên cũng gật đầu bằng lòng.
Ngày ấy, Phong Sa mới chỉ như một cái đồn lẻ. Giờ thì Phong Sa chộn rộn, ồn ào suốt ngày suốt đêm. Đồn bốt, cơ sở ăn ở của sĩ quan binh lính đã xây dựng xong. Bốn dãy phố của cư dân đã hình thành với đầy đủ các hàng quán, từ hiệu may, quán ăn, đến tiệm hút, cửa hàng tạp hoá và một khu chợ.
Lẳng dừng lại ở khu chợ. Vì nghe thấy tiếng hô và tiếng giày săng đá rầm rập từ đầu phố vọng lại. Ích ắc! Ích ắc! Tiếng kim khí chạm nhau, đều đặn theo nhịp bước. Một trung đội lính dõng mới lập, đi tập về, đang diễu qua phố. Tên chỉ huy lặp bặp bước như chạy bên cạnh đoàn lính. Vả lạ chưa, cùng đi với tên chỉ huy, còn có một người nữa, người này tầm thước, đội mũ phớt, đeo kính cận, điệu bộ vừa đi vừa đưa mắt quan sát xung quanh, kiểu như lần đầu mới tới đây.
Lẳng nhìn ra. Anh vội gằm mặt xuống. Người đội mũ phớt vừa đi qua. Chà! Tri châu Dẻn! Đúng là tri châu Vi Văn Dẻn rồi! Tri châu Vi Văn Dẻn! Em trai lí trưởng Vi Văn Tăm ở Cam Đồng. Lí Tăm thì đã đày đọa anh trong kiếp cần khỏi. Còn Dẻn thì bắt giam anh ở trên châu. Chính nó đã hỏi cung anh, đã sai lính đánh đập tra khảo anh. Vẫn biết đi làm cách mạng là nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giai cấp, chứ không phải là việc báo oán trả thù cá nhân mà lòng anh vẫn cứ sôi lên khi nhìn thấy nó. Nén mình, lấy lại bình tĩnh, đợi cho Dẻn đi qua, anh mới cắm cúi đi thật nhanh về nhà.
Dưới gầm sàn, ông cụ Nô đang thái chuối. Nhờ có thuốc của Lẳng xin cho, nên dạo này bệnh quáng gà của ông cụ đã đỡ đỡ.
- Cụ để con thái cho. - Lẳng bước lại, vẻ mặt vẫn đăm chiêu.
Ông cụ Nô ngẩng lên:
- Anh về sửa soạn ăn cơm đi. Đi làm, việc thổ mộc đã vất vả cả ngày rồi.
- Ông cứ để con đỡ.
Lẳng ngồi đè lên cái thần chuối nõn nà, bóng mướt. “Thằng Dẻn ra chỉ huy lính? Bắt chó kéo cày à? Thế là thế nào nhỉ?” Lẳng nghĩ. Con dao cong lướt xoèn xoẹt. Những khoang chuối mỏng tang, xôm xốp, lả tả rơi, lăn chồng chất trên cái mẹt, nom như những đồng tiền cổ. Lẳng được sự tin cậy yêu mến, quý trọng của gia đình ông cụ Nô vì tính tình hào hiệp, chịu thương chịu khó, lại lễ độ, đứng đắn. Ngược lại, Lẳng và Kim cũng quý mến gia đình ông cụ, nhưng cũng đang còn đắn đo việc tuyên truyền cách mạng cho ông cụ và cô con dâu.
- Anh Kim đi thế mà lâu, anh Lẳng nhỉ? - Ông cụ Nô ngồi chẻ lạt ở chân thang, bỗng dưng nói.
- Chắc là bà cụ anh ấy ốm nặng ạ.
- Khổ thế! Người nghèo bệnh trọng! Thời buổi này cứ như đêm tối mãi thế à...
- Tối mãi rồi cũng phải sáng chứ, cụ.
Lẳng ngẩng lên, hai con mắt lăn tăn ánh dò xét. Lát sau, mẹt chuối đã đầy, anh bê lên nhà.
Đứa trẻ ngủ trong cái võng vải nhuốm chàm căng giữa hai cây cột cái, chị Duyên mặc áo lam dài, dáng vóc óng ả gái một con, có cặp mắt dài vút trên gương mặt trái xoan rất ưa nhìn, đang nấu cơm. Lẳng đổ mẹt chuối vào cái nồi gang cỡ đại canh bếp. Lửa rướn lên phơi phới bọc một lớp vàng nhẹ quanh cái nồi hình quả dưa. Mắt người thiếu phụ ngước lên.
Lẳng tìm con dao, rút thanh tre trên gác bếp xuống. Thoáng cái, anh dúi thanh tre vào lớp teo nóng mới cời ra ở ven bếp. Rút ra, thanh tre đã tai tái, anh tì lên đầu gối, dùng dao tiếp tục gọt rồi uốn gập, khoanh sợi lạt, níu thanh tre thành hình cái cặp có hai gọng.
“Chân tay anh ấy cứ quay như con nước. Anh ấy không ngồi yên bao giờ. Sao lại có người tốt như thế?” Người phụ nữ nghĩ.
- Cháu đã đỡ mắt chưa, cô Duyên?
- Ông trưởng phố cho ít thuốc, em đã rỏ cho cháu, sáng nay dử vẫn đùn dính chặt hai mí.
- Để tôi hỏi xin mấy người phu ít Hoàng Liên cho. Hoàng Liên ở tận trên đỉnh núi Phan Xi Păng ấy, nhỏ mắt cho trẻ chỉ vài lần là khỏi thôi.
Ông cụ Nô lên nhà, Lẳng đứng dậy đón bó lạt từ tay ông cụ, đặt lên gác bếp.
- Tôi hồi trẻ cũng có bận lên đến gần đỉnh núi Phan Xi Păng rồi đấy, anh Lẳng ạ. - Ông cụ Nô nói. - Lái buôn họ thuê dẫn đường mà. Đường đi là đường thú thôi. Trời trên ấy xanh tím kia. Mà rét. Rét lắm. Nước đông lại. Đêm nằm ngủ, thỉnh thoảng thức dậy lại phải cấu véo nhau, không là chết rét lúc nào không biết. Lạc ở trên đó thì chỉ có chết.
Tặc tặc lưỡi, ông cụ tiếp:
- Một lần tôi dẫn đường cho ba người lái buôn gỗ pơ mu mà bị lạc đấy. Quanh lên đám rừng đẹp như tiên cảnh, xuống rừng rêu, rồi lại quanh về rừng chè, rừng thông, rừng tô hạp[151], rừng bồ đề, cứ như cái đèn cù, quẩn mãi không tìm được đường ra. Người cứ mê mê như bị đánh đồng thiếp[152]. Mà gió nó thổi thì khiếp quá. Cứ ào ào ào ào không lúc nào chịu ngớt. Tay mà không níu được vào cây cối thì có khi gió nó thổi bay cả người đi ấy chứ.
Lẳng đứng dậy, vừa nghe ông cụ vừa trải chiếu, dọn cơm thì cầu thang có tiếng dép lẹp kẹp rồi một giọng khề khà ở cửa vọng vào:
- Ông lão Nô có nhà không đơơới. A! Nhà giờ mới chén hả?
Trưởng phố người Kinh vóc thấp, to bè, răng đen, đóng áo bồng dài, đội khăn xếp bước vào. Mặc dầu đang bỏm bẻm nhai trầu, ông ta vẫn đón nhận miếng trầu ông cụ Nô mời rồi đút túi. Giá như có Kim ở nhà thì thế nào Kim cũng đon đả xởi lởi bóc bao thuốc Philip[153], hai tay nâng nâng mời ông ta một cách hết sức nhũn nhặn và cung kính. Kim rất khéo xử thế. Còn Lẳng, Lẳng chỉ lầm lầm căm tức. Lẳng lảng ra sàn.
Chị Duyên bưng khay nước tới, đặt lên mặt chiếu. Trưởng phố vén vạt áo bông, quấn quanh bụng, ngồi xếp bằng tròn. Dạo này, không chiều nào lão không tới đây, lão đang muốn hỏi chị Duyên làm vợ lẽ.
- Cô Duyên, cô cứ để mặc anh. Ổi, khách sáo gì mà nước với non. - Trưởng phố đỡ chén nước, cười hề hề, nhìn ông cụ Nồ ngồi đối diện. - Nhà thiếu người đàn ông xốc vác kể cũng bấn bíu đấy, cụ Nô nhẩy?
Ông cụ Nô lảng tránh:
- Dạ, được cái cháu nó cũng là con nhà làm ăn...
- Thì vưỡn! Trông cô ấy, cái dáng thắt đáy lưng ong như con gái Kinh, là tôi biết rồi. À mà cụ Nô này, cái việc hôm nọ ấy mà, tôi đã có lời xin với quan châu Dẻn rồi đấy.
- Việc nào ạ?
- À, việc tôi xin cho cô ấy vào lấy nước rác ở bếp ăn của các quan ấy mà. Lấy về mà nuôi lợn thì lợn cứ là...
- Dạ... Cháu nó không dám...
- Có gì mà không dám. Tôi nhận là người nhà của tôi mà. - Trưởng phố cười giả lả. - Như người nhà tôi thôi mà. Không có gì mà sự cả. Ông Dẻn này hiền, chứ không như ông Ngao, ông Lý Đại Nhân người Hà Nhì, ông Thào A Đủa người Mông hay các ông khác đâu. Ông ấy vừa được quan tư[154] De Bernard đưa từ Hà Nội lên để trông coi việc hành chính dân sự ở thị trấn này đấy.
Đã đến lúc phải đi rồi, mặc dù cơm chưa ăn, Lẳng đã định tụt từ sàn xuống đất, đi tới chỗ các lán phu dò la thêm tin tức, nhưng nghe ông trưởng phố nói tới đấy thì dừng lại. Như vậy là anh đã biết thêm, ngoài Ngao, Đủa còn có thêm tên Lý Đại Nhân thuộc hạng đầu sỏ của lũ biệt kích ở đây. Và thế là rõ rồi. Tri châu Dẻn đã về đây, Phong Sa thêm một con cáo già!
o O o
Tận khuya hôm đó, Lẳng mới từ lán các phu trở về nhà. Tin tức mới khai thác thêm là: Tổng Ngao đem quân đi làng Nhuần đã vồ hụt đại đội Trần Hòa lại còn bị mắc bẫy, chạy bán sống bán chết mới về được đây, nhưng mấy ngày vừa rồi đã biến đi đâu? Đi đâu? Cả Thào A Đủa nữa, tên đầu sỏ biệt kích Mông hung hãn này cũng mất mặt đã hơn tuần nay rồi.
Chị Duyên vẫn còn ngồi cán bông. Trục cán kêu cót két. Ngọn đèn dầu lạc đặt nổ lách tách. Cạnh đèn, Kim đang cắm cúi ăn cơm. Thấy Lẳng, Kim ngẩng lên, hào hứng:
- Lão trưởng phố vừa đi thì tớ về. Đang bàn với cô Duyên về cái việc...
Duyên ngượng nghịu đưa tay che một bên má có cái hoáy lúm đồng tiền. Kim đặt bát, vén mớ tóc xoăn xoã trên trán, giơ ngón tay, mổ vào không khí:
- Cô cứ yên trí. Yên trí! Cứ ậm ừ không ra nhận, không ra từ chối lão ấy. Mải mải paypay khác thâng. Khắc đi khắc đến. Còn việc lấy nước gạo thì anh Lẳng sẽ đi cùng cô.
Mặt người phụ nữ ló ra khỏi vầng sáng của ngọn đèn đĩa. Con mắt Lẳng vừa lướt qua. “Hai anh không phải là người mãn hạn phu..." Chị Duyên nghĩ, tự nhiên thấy yên lòng lạ.
Kim bưng mâm bát rếch[155] ra sàn. Lẳng theo ra:
- Tình hình thế nào, anh Kim?
- Cậu có cảm tình với cô ấy đấy.
- Anh nói cái gì đấy?
- Lẳng này. Gái một con trông mòn con mắt đấy. A Duyên đây mí đây?
- Vớ vẩn!
- Trả lời đi. Cô Duyên có đẹp không?
- Đây lai! Đẹp, rất đẹp. Nhưng mà đẹp thì bận gì đến tôi.
- Húi! Thế thì có thể đặc pjẽn pén li, nhộng biến thành bướm được rồi đấy!
Mặt đỏ lấn mẩn, Lẳng vùng vằng:
- Ổi, ngỏ đây kin mí đây phuôi. Tôi biết ăn không biết nói đâu.
Kim cười hì hì:
- Bố tướng chỉ giỏi vơ vào mình thôi vớ. Nói thế là có ý đề nghị bố tướng bắt đầu giác ngộ và giao nhiệm vụ cách mạng cho cô ấy đi được rồi đấy.
Lẳng cười bẽn lẽn. Anh gãi gãi cổ:
- Thôi được rồi. Còn anh về có gặp ông Tố không? Có tin tức gì về Cam Đồng không?
- À! Tình hình nói chung là tốt. Đại đội Trần Hòa đã phân tán xuống các cơ sở. Huyện ủy sẽ chuyển một bộ phận chỉ đạo về Dào San. Còn về Cam Đồng thì ông Mòn được cử đi học lớp quân chính ở Thái Nguyên rồi sẽ về tỉnh đội. Nghe nói ông Cắm sẽ lên làm chủ tịch huyện Bảo Trang. Gì nữa nhỉ? À quên. Còn một tin quan trọng.
- Tin gì?
- Bặt tin về thằng Tiển.
- Chết! Thế ông nhóc ấy đi đâu?
- Không ai biết gì về nó cả. Ông Hoà đã cho lính lộn về làng Nhuần tìm, nhưng chưa thấy.
- Hay là nó lạc đường. Anh Kim ạ, ông cụ Nô vừa nói, đường rừng ở đây như ông cụ đi mà còn bị lạc kia. Núi ở đây lại cao, rét lắm, chết rét như bỡn.
- Thằng Tiển chẳng phải đứa khờ đầu. - Kim ngập ngừng. - Hừ, giá ông Tố hôm ấy đồng ý cho nó về tồ quân báo của chúng mình...
Lẳng hơi nhổm lên:
- Hay là đề nghị... cho tôi đi tìm nó. Đường rừng tôi quen.
Kim níu tay Lẳng:
- Ở nhà, anh Tố đã cử bố cu Nhã đi tìm nó rồi. Cậu biết bố cu Nhã rồi chứ. Trông khù khì thế mà tinh tướng phết đấy.
Lẳng chớp chớp mắt. Bố cu Nhã thì ai còn lạ. Đúng là hạng quái kiệt. Đứt dây trên trời rơi xuống đấy. Khắp vùng đất miền tấy này, đường đi lối lại là trong bàn tay lão. Tối đâu là nhà ngã đâu là giường. Mà khỏe. Lão mà bắt tay ai thì cứ liệu. Bàn tay lão là bàn tay sắt, có thể chém vỡ đôi viên gạch nung già kia. Nhưng mà bố cu ngủ thì ngáy như sấm rền, inh tai nhức óc cả đám, phát khiếp lên được!
- Tôi biết bố Nhã rồi. Bố cu Nhã có võ đấy. - Lẳng nói.
Kim gật đầu:
- Thôi, bây giờ ta bàn việc của cậu là hằng ngày cùng cô Duyên đi lấy nước rác để dò la tin tức và kiếm cho được cái bản đồ bố phòng của chúng đi.
- Anh Kim này. - Gật gật đầu, kéo Kim lại gần, Lẳng khe khẽ. - Theo tìm hiểu của tôi thì đúng là trong bọn đầu sỏ còn có thêm một thằng họ Lý tự xưng là Lý Đại Nhân, người Hà Nhì, mới tốt nghiệp trường biệt kích ở Vũng Tàu hay Cáp Xanh Giắc[156] gì đó về nữa cơ!
- Tin tức quan trọng này cần báo ngay về nhà đấy. - Kim cắn môi, gật gù. - Hừ! Vấn đề cốt tủy hiện nay là làm sao tóm được kế hoạch gây phỉ của địch? Phải nắm được ý đồ của chúng. Không hiểu thằng nào sẽ là tổng chỉ huy kế hoạch này đây?
- Tôi vẫn nghĩ là... thằng Ngao.
- Có thể là thằng Đủa không? Thằng này hung tợn có tiếng đấy!
Kim vừa dứt lời, mặt Lẳng bỗng thoáng chút bần thần. Anh run run:
- Anh Kim à. Có chuyện này nữa...
- Chuyện gì?
- Thằng tri châu Vi Văn Dẻn ấy mà, nó cũng đã về đây rồi.
- Cái gì? Cậu vừa nói cái gì? Tri châu Dẻn đã về đây?
- Tôi đã trông thấy nó. Tôi sợ nó nhận ra tôi.
- Vi Văn Dẻn đã về đây! Thế thì tuyệt quá rồi! Há há...
Không thằng để ý đến nỗi lo ngại của Lẳng, Kim bật lên tiếng reo, thật hí hửng và vui mừng. Anh chàng chiến sĩ có máu phiêu lưu lãng tử đất Hà Thành này vừa nghĩ ra cái trò gì mới đây nên mới hí hửng và vui mừng thế?
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao