Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Ba Mươi Hai
G
iờ thăm viếng không còn ý nghĩa gì nữa. Thời gian cha tôi thức phụ thuộc hoàn toàn vào nhịp lên xuống của cơn đau và moóc phin.
Bạn có thể ngồi với ông cả buổi sáng và ông ngủ một mạch qua chuyến thăm của bạn - nếu bạn có thể gọi sự tê lịm u mê bởi thuốc thang trong bệnh viện bằng cái tên quý hóa là giấc ngủ. Và khi thuốc tê hết tác dụng, nhưng trước khi khối u bắt đầu gặm nhấm ông, có thể ông sẽ thức dậy và nói chuyện với bạn với cặp mắt ướt nhoèn bởi bao nỗi đau và nỗi buồn không thể chịu đựng nổi. Và đấy sẽ là lúc tôi đợi ông.
Gần đến bình minh thì ông cựa quậy, lưỡi ông liếm đôi môi khô của mình, đánh thức tôi dậy khỏi giấc ngủ chập chờn. Cả phòng yên ắng, chỉ có độc tiếng ngáy của cụ già nằm giường bên. Tôi đỡ cha dậy, thấm ướt môi ông bằng một chút nước ít ỏi.
Khi ông bắt đầu thở hổn hển - giờ lúc nào ông cũng thở hổn hển - tôi giúp ông đeo mặt nạ ô xy vào và nắm tay ông trong khi ông tuyệt vọng cố hít vào ít không khí. Thật ít không khí, thật ít nước. Tim tôi tan vỡ khi nhìn thấy ông đang tồn tại nhờ những thứ gì.
Ông bỏ mặt nạ ra, mặt nhăn nhó đau đớn, và tôi lại nghĩ về chuyện không ai cảnh báo với ta về nỗi đau này. Nhưng tôi vẫn chưa xác định được điều gì tồi tệ hơn - chứng kiến ông phải đau đớn kinh khủng như vậy, hay chứng kiến ông tê liệt bởi moóc phin, không còn thực sự là mình nữa. Là nỗi đau, tôi quyết định. Chứng kiến ông trong cơn đau tồi tệ hơn.
Ông nhìn tôi, lắc đầu bất lực, và rồi ông quay đi chỗ khác.
Tôi siết chặt tay ông, biết rằng tinh thần của ông đang xuống dần. Ông là một người đàn ông gan dạ nhưng ông không thể chọi lại được với nỗi buồn đến vào lúc nửa đêm này, cái nỗi buồn làm cho bạn cảm thấy chẳng có gì có thể tốt đẹp lại được nữa.
Và không ai cảnh báo bạn về nỗi buồn. Bạn gần như đã sẵn sàng cho nỗi đau. Bạn có thể lờ mờ hình dung sự đau đớn khi đang chết dần bởi ung thư. Nhưng đi kèm theo mọi đau đớn thể xác là một cảm giác mất mát mà không một liều moóc phin nào có thể xoa dịu.
“Điều tồi tệ nhất,” cha tôi thì thào trong bóng tối, “là biết rằng mình sẽ bỏ lỡ những gì. Ý cha không phải là những điều chưa xảy ra - ngày cưới của Pat, được chứng kiến con cuối cùng cũng yên bề gia thất - mà là những điều lúc trước ta xem nhẹ. Ngắm Pat đi xe đạp, kể cho nó nghe một câu chuyện, hôn chúc nó ngủ ngon. Nhìn nó chạy quanh vườn với thanh kiếm ánh sáng chết tiệt của nó. Tất cả những điều nhỏ nhoi mà lại thật ý nghĩa ấy.”
“Có thể chẳng bao lâu nữa cha sẽ được về nhà,” tôi nói, vẫn bấu víu hy vọng bởi đấy là việc chúng ta vẫn làm, bởi không có sự lựa chọn nào khác, vẫn bấu víu vào sự sống ngay cả khi sự sống đầy dằn vặt. “Có thể chẳng mấy chốc cha sẽ được làm tất cả những thứ kia trước cả khi cha kịp nhận ra ấy chứ.”
Nhưng ông không còn đùa với bản thân được nữa. Hay với tôi.
“Cha sẽ nhớ khu vườn của cha. Mẹ con. Đồ ăn mẹ con nấu. Chương trình ti vi của con.”
Tôi phổng mũi và xấu hổ vì cha đặt công việc của tôi ngang hàng với vợ, đứa cháu và khu vườn của ông. Và tôi cũng có đôi chút hổ thẹn - hổ thẹn là tôi đã không làm được nhiều hơn trong thời gian chúng tôi đã có, rằng tôi đã không làm được nhiều hơn để gây ấn tượng với ông và giành được sự công nhận của ông. Vài chương trình truyền hình và một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Chỉ có mỗi thế.
Nhưng sẽ luôn có Pat. Và tôi biết ông yêu cháu trai của mình hơn bất kỳ điều gì trên đời này. Có cảm giác như thể Pat là món quà thực sự duy nhất tôi tặng cho ông.
Cha tôi muốn ngồi dậy. Tôi ấn cái hộp kim loại nhỏ điều khiển giường ông và nó kêu vo vo trong sự yên lặng của phòng bệnh cho đến khi phần tựa lưng đã dựng thẳng. Rồi ông ngả người về phía trước và tựa lên tôi trong khi tôi đặt một cái gối ra đằng sau lưng ông, khuôn mặt không cạo của ông lởm chởm chọc vào má tôi.
Mùi Old Spice và Old Holborn quen thuộc giờ đã biến mất và được thay thế bởi mùi bệnh viện, mùi bệnh tật và hóa chất. Không có thuốc lá hay kem dưỡng da sau khi cạo râu trong này. Tất cả những thứ đó đều đã ở phía sau ông.
Cảm giác vẫn thật lạ lẫm khi phải đưa tay ra đỡ lấy người ông. Sức mạnh của cha tôi là một phần rất lớn trong tuổi thơ và thời niên thiếu của tôi đến mức, giờ khi sức mạnh của ông đã biến mất, tôi có cảm giác như thế giới đang chấm dứt, như thể một quy luật bất biến nào đó của tự nhiên đã bị đảo lộn một cách đột ngột.
Và đây là lần đầu tiên tôi nhận ra sức mạnh của ông không phải lý do tôi yêu ông.
Tôi đã luôn tin tưởng rằng sự cứng rắn của ông - sự cứng rắn của người thuộc thế hệ trước, được công nhận và hiện thân trong tấm huân chương của ông - là lý do khiến ông thành người hùng của tôi.
Giờ, khi tôi giúp ông uống nước hay ngồi dậy trên giường bệnh, tôi nhận thấy tôi yêu ông vì cùng một lý do mà mẹ tôi yêu ông và con trai tôi yêu ông.
Bởi sự dịu dàng của ông, bởi lòng trắc ẩn của ông và bởi lòng dũng cảm không liên quan đến sức mạnh thể chất của ông.
“Đừng nói với mẹ con nhé, nhưng thực lòng cha không nghĩ mình sẽ được về nhà.”
“Đừng nói thế mà cha.”
“Cha không nghĩ mình về được. Cha có thể cảm thấy điều đó. Và cha muốn được gặp Pat.”
“Tất nhiên rồi ạ.”
Ông không nói lần cuối. Ông không cần nói. Và bên cạnh đó, có những thứ quá đau đớn để có thể nói ra lời. Nhưng chúng tôi biết là chúng tôi đang nói đến cái chết.
“Nếu con thấy không sao,” ông nói. “Nếu con không nghĩ rằng việc ấy sẽ làm nó quá đau buồn. Con phải quyết định. Con là cha thằng bé.”
“Lần sau con sẽ đưa nó đến cùng. Nhưng giờ cố ngủ đi một chút cha à.”
“Cha không mệt.”
“Vậy thì hãy để mắt cha nghỉ ngơi đi ạ.”
Pat ra khỏi trường cùng với một cậu bé tóc sẫm màu đang lắc cái hộp đồ ăn trưa Godzilla xây xước của mình.
“Cậu có muốn xem Chiến tranh giữa các vì sao ở nhà tớ không?” Pat hỏi thằng bé.
“Màn hình rộng hay xem trên ti vi?” thằng bé nói.
“Màn hình rộng.”
“Được.”
“Có được không cha?”
Tôi đang tìm trong đám trẻ ồn ào cười nói một khuôn mặt quen thuộc mà tôi biết sẽ vẫn trang nghiêm và điềm tĩnh giữa cảnh náo loạn the thé của thời điểm ba giờ ba mươi phút. Một cô bé mắt nâu với hộp Pocahontas đựng bánh mì kẹp. Nhưng cô bé không có ở đấy.
“Peggy đâu rồi?” tôi hỏi.
“Hôm nay Peggy không đến trường ạ,” Pat nói. “Charlie về cùng có được không ạ?”
Không có Peggy ư? Tôi nhìn xuống Charlie. Charlie ngước lên nhìn tôi.
“Cha thì không sao,” tôi nói. “Nhưng chúng ta phải hỏi mẹ Charlie đã.”
Pat và Charlie bắt đầu hò hét cười đùa và xô đẩy nhau. Cạnh sắc của hộp đồ ăn trưa Godzilla đập vào đầu gối tôi.
Chưa gì mà tôi đã thấy nhớ Peggy rồi.
Tôi mở cửa và Sally đang đứng đó, mệt mỏi nhìn tôi xuyên qua rèm tóc mái nhờn nhờn.
“Không ngờ chú lại được gặp cháu lần nữa,” tôi nói.
“Cháu đến để xin lỗi.”
Tôi cho con bé vào.
Pat và Charlie đang cãi nhau về Chiến tranh giữa các vì sao trên xô pha. Charlie muốn tua nhanh qua đoạn yêu đương và những giây phút suy ngẫm để tiến thẳng đến đoạn đánh nhau. Pat - một người theo chủ nghĩa thuần túy thực thụ - muốn xem phim từ đầu đến cuối. Sally nhô đầu ra cửa để chào Pat và rồi chúng tôi vào bếp.
“Cháu đã suy nghĩ,” cô bé nói. “Và cháu nhận ra là mình đã ngu ngốc thế nào khi cho bạn của Steve vào.”
“Nếu lúc đó cháu nghĩ ra thế thì tốt quá.”
“Cháu biết vậy,” cô bé nói, cặp mắt rụt rè liếc tôi qua rèm tóc. “Xin lỗi chú. Chỉ là cháu... cháu không biết nói thế nào... cháu hạnh phúc quá khi được gặp lại anh ấy.”
“Ừ, cái đấy thì chú hiểu,” tôi nói. “Tim chú còn ngừng một nhịp mỗi khi nhìn thấy Steve nữa là.”
“Chú không thích anh ấy,” cô bé nói. “Chú đang nói giễu.”
“Thế chuyện thế nào rồi? Ý chú là cháu và Steve ấy?”
“Hết thật rồi,” cô bé nói, và khi đôi mắt nó giàn giụa nước mắt, tự dưng tôi thấy thương cô bé nhút nhát đến đau lòng này. “Anh ấy lại đá cháu lần nữa. Một khi anh ấy đã có cái mình muốn.”
“Chia buồn nhé,” tôi nói. “Đúng là Steve không phải con người mà chú ưa thích. Nhưng chú biết là cháu thích cậu ta. Cháu bây giờ bao nhiêu tuổi rồi? Mười lăm à?”
“Mười sáu.”
“Rồi cháu sẽ gặp người khác. Chú sẽ không nói rằng tuổi cháu chưa biết tình yêu là gì, vì chú không cho rằng điều đó là đúng. Nhưng cháu sẽ gặp người khác. Chú đảm bảo với cháu đấy.”
“Không sao đâu ạ,” cô bé nói, khịt khịt nước mũi. Tôi chìa cho nó một cái khăn và nó xì vào đó thật to. “Chẳng quan trọng. Cháu chỉ muốn xin lỗi vì tối hôm đó. Và muốn nói với chú rằng nếu chú có cho cháu một cơ hội nữa để trông trẻ giúp chú thì cháu sẽ không tái phạm đâu.”
Tôi nhìn kỹ cô bé, biết rằng sẽ tốt hơn khá nhiều nếu có thêm người giúp đỡ trông Pat. Mạng lưới trợ giúp cũ tự dưng biến mất. Cha tôi trong bệnh viện. Cyd đã đi mất. Tôi còn bắt đầu thấy nhớ Bianca. Giờ chỉ có tôi và mẹ, và chúng tôi thỉnh thoảng lại thấy rất mệt mỏi.
“Được rồi,” tôi nói. “Chú cũng cần người trông trẻ.”
“Tốt quá,” Sally mỉm cười. “Vì cháu cũng cần số tiền ấy.”
“Vẫn sống với Glenn à?”
“Vâng. Nhưng cháu, đại loại là, mang thai.”
“Chúa ạ, Sally. Là con của Steve à?”
“Chẳng còn ai khác cả.”
“Thế Steve nói gì về chuyện chuẩn bị làm cha?”
“Hắn không hào hứng cho lắm. Cháu nghĩ chính xác từ hắn nói là - cút xéo và đi chết đi. Hắn muốn cháu bỏ nó.”
“Còn cháu muốn giữ nó?”
Cô bé nghĩ một giây lát. Chỉ một giây lát.
“Cháu nghĩ thế này sẽ tốt,” cô bé nói. “Cháu luôn muốn có một điều gì đấy của riêng mình. Một điều gì đấy cháu có thể yêu thương và sẽ yêu thương lại cháu. Và đứa bé này, đứa bé này sẽ yêu thương cháu.”
“Cha cháu biết chuyện này chứ?”
Cô bé gật đầu. “Đây là một cái lợi khi có một người cha không bao giờ hết híp pi,” cô bé nói. “Ông ấy không quá bực bội với mấy chuyện như thế này. Ông ấy đã rất bình thản hồi cháu to bụng năm mười ba tuổi. Mang thai ở tuổi vị thành niên không làm ông lo. Dù cháu nghĩ ông hơi sốc khi cháu không muốn phá thai.”
“Nhưng cháu định nuôi đứa trẻ này bằng cách nào hả Sally?”
“Bằng cách trông trẻ cho chú.”
“Thế sẽ không đủ đâu.”
“Thì chúng cháu sẽ xoay xở,” cô bé nói, và lần đầu tiên tôi không thấy ghen tị với sự chắc chắn của tuổi trẻ, tôi lấy làm thương hại chúng. “Cháu và đứa bé của cháu.”
Sally và đứa bé của nó.
Chúng sẽ xoay xở được, đúng thế, nhưng với nhà nước đóng vai người cha thay thế vì Steve không hẳn là người có đủ trình độ cho công việc này. Tôi tự hỏi tại sao mình mất công trả thuế làm gì. Tôi có thể cứ đút tiền vào xe đẩy của Sally và bỏ qua khâu trung gian.
Chúa ạ. Giờ thì tôi bắt đầu nói nghe giống hệt như ông già tôi vậy.
“Một đứa bé không giống như một con gấu bông Sally à,” tôi nói. “Nó không ra đời để âu yếm và làm cháu vui. Một khi cháu có một đứa con, cháu không còn tự do nữa. Chú không biết giải thích thế nào nữa. Nhưng giống như kiểu bọn nhóc sẽ sở hữu trái tim chúng ta vậy.”
“Nhưng đấy là cái cháu muốn,” cô bé nói. “Cháu muốn có điều gì đấy sở hữu trái tim cháu.” Cô bé lắc đầu, nhẹ nhàng trách móc tôi. “Chú nói như thể đấy là một điều xấu ấy.”
Glenn đến đón cô bé đi, và họ vừa chuẩn bị đi thì Marty tới để bàn về những việc cần thu xếp trong ngày cưới. Tôi đang định giới thiệu họ với nhau, nhưng Glenn và Marty chào hỏi nhau như những người bạn cũ. Giờ thì tôi đã nhớ ra. Họ gặp nhau trong ngày cưới của chính tôi.
Vậy là tôi đi pha thêm cà phê trong khi họ tưởng nhớ về bảng xếp hạng Top of the Pops vào cái thời vàng son của nó trong thập niên bảy mươi, khi Marty còn là một khán giả cuồng nhiệt mỗi tối thứ Năm và Glenn có thời gian ngắn tham gia vào chương trình. Sally nhìn hai người họ với nụ cười khinh khỉnh coi thường của tuổi trẻ cực đoan. Chỉ đến khi Glenn và Sally đã đi khỏi thì Marty mới kể với tôi là cậu ta đang khó ngủ.
“Ai mà chẳng thấy thế,” tôi nói. “Lo nghĩ một chút trước khi cậu cưới vợ là điều bình thường mà.”
“Tôi không lo chuyện đám cưới,” cậu ta nói. “Tôi lo về chương trình. Cậu đã nghe gì chưa?”
“Chuyện gì mới được chứ?”
“Có nghe tin đồn chương trình sẽ không được tái sản xuất vào năm tới không?”
“Chương trình của cậu á? Cậu đùa à. Họ sẽ chẳng bao giờ bỏ The Marty Mann Show đâu. Phải không?”
“Tất nhiên là không rồi. Người ta đồn đại là loại chương trình truyền hình về con người đang ngỏm dần.” Marty lắc đầu buồn bã. “Đấy là vấn đề của thế giới hôm nay Harry à. Con người đang chán ngán con người.”
“Đàn ông chết sớm hơn phụ nữ,” luật sư mới của tôi nói. “Chúng ta dễ bị ung thư hơn phụ nữ. Chúng ta tự tử với tần số lớn hơn phụ nữ. Chúng ta dễ bị thất nghiệp hơn phụ nữ.” Khuôn mặt trơn láng, phúng phính của anh ta nhăn lên thành một nụ cười, như thể mọi chuyện chỉ là một trò đùa lớn. Răng của anh ta nhỏ và nhọn. “Nhưng vì một lý do nào đấy mà tôi chưa từng lĩnh hội được, ông Silver ạ, phụ nữ luôn được coi là nạn nhân.”
Người giới thiệu Nigel Batty với tôi là hai cậu làm cho chương trình, đạo diễn ánh sáng và quản lý âm thanh, cả hai đều đã trải qua những vụ ly dị rối rắm trong năm vừa qua.
Nghe đồn là chính mình cũng có một hai vụ ly dị rắm rối đằng sau lưng, Batty có tiếng là người cuồng nhiệt đấu tranh cho quyền lợi của đàn ông. Đối với anh ta tất cả những thứ về thất nghiệp dài hạn, ung thư tuyến tiền liệt và những người đàn ông vào ga ra rồi để động cơ chạy không ấy không chỉ là một lời chào hàng - nó là con đường đúng đắn duy nhất, một tôn giáo mới đang chờ đợi được sinh ra.
Bất chấp chiều cao có hạn, phần eo quần rộng rãi được che đi bởi bộ veston may đo tôn dáng, và cặp mắt kính đít chai, Batty trông như một võ sĩ nhà nghề. Tôi đã thấy khá hơn, biết rằng anh ta ở phe tôi.
“Tôi xin được cảnh báo với anh ngay bây giờ là luật pháp không nghiêng về phía người cha trong những trường hợp như thế này,” anh ta nói. “Luật pháp nên thiên về phía đứa trẻ. Và trên lý thuyết thì đúng thế thật. Trên lý thuyết, đứa trẻ phải là điều quan trọng nhất. Nhưng trên thực tế thì không.” Anh ta nhìn tôi với đôi mắt ác độc, giận dữ. “Luật pháp thiên về người mẹ, anh Silver ạ. Đối với rất nhiều thế hệ các thẩm phán phải đạo, hạnh phúc của đứa trẻ đã bị đặt dưới hạnh phúc của người mẹ. Tôi cảnh báo anh điều này trước khi chúng ta bắt đầu.”
“Hãy làm bất kỳ điều gì có thể,” tôi nói. “Hãy làm bất kỳ điều gì có thể để tôi giành được quyền chăm sóc con trai tôi.”
“Nó không còn được gọi là chăm sóc nữa, anh Silver ạ. Cho dù truyền thông vẫn đều đặn nói về tranh chấp quyền chăm sóc, kể từ Đạo luật Trẻ em ra đời năm 1989, phụ huynh không còn giành giật nhau quyền chăm sóc con cái nữa. Họ được trao quyền cư trú. Anh muốn được tòa quyết định nơi cư trú có lợi cho mình.”
“Thế sao?”
Batty gật đầu.
“Quyết định cư trú được đưa vào thay thế quyền chăm sóc nhằm loại bỏ tính tranh chấp của việc quyết định đứa trẻ sống ở đâu. Quyết định cư trú không tước đoạt trách nhiệm phụ huynh của người kia. Luật pháp được chỉnh sửa để làm rõ là một đứa trẻ không phải một vật sở hữu có thể giành được hay đánh mất. Theo các điều khoản của quyết định cư trú, đứa con sẽ đến sống với anh. Nhưng nó không thuộc về anh.”
“Tôi không hiểu,” tôi nói. “Thế điểm khác nhau giữa cố được tòa quyết định cho cư trú và đấu tranh đòi quyền chăm sóc là gì?”
“Chẳng có cái quái gì cả,” Batty cười. “Nó vẫn mang tính tranh chấp như trước. Không may thay, thay đổi luật lệ dễ hơn thay đổi bản chất con người rất nhiều.”
Anh ta xem xét đống giấy tờ trên bàn, gật đầu ra vẻ vừa lòng.
“Vụ ly dị có vẻ đơn giản. Và tôi thấy có vẻ như anh đang trông nom con mình khá ổn, anh Silver ạ. Cậu bé vui vẻ ở trường chứ?”
“Rất vui vẻ.”
“Nó được gặp mẹ nó?”
“Cô ấy có thể gặp nó bất kỳ khi nào cô ấy muốn. Cô ấy biết điều đó.”
“Vậy mà cô ấy vẫn muốn có lại thằng bé,” Nigel Batty nói. “Cô ta vẫn muốn quyền cư trú.”
“Đúng vậy. Cô ấy muốn thằng bé sống với mình.”
“Cô ấy có người sống chung không?”
“Cái gì?”
“Vợ cũ của anh có bạn trai không anh Silver? Một người bạn trai sống cùng cô ấy?”
“Có,” tôi nói, thấy biết ơn anh ta bởi đã hạ thấp quan hệ của Gina với Richard xuống cái gì đó tầm thường như người sống chung, biết ơn là cái nhẫn kim cương to tướng trên ngón giữa của bàn tay trái cô chẳng có ý nghĩa gì với Nigel Batty. “Cô ấy đang sống với một gã nào đấy cô ấy gặp ở Tokyo.”
“Nói lại cho rõ nào,” anh ta nói. “Cô ấy bỏ đi và để anh lại với đứa con trai?”
“Phải, kiểu vậy. Thực ra cô ấy đem Pat - con trai chúng tôi - đi cùng khi cô ấy đến ở nhà cha mình. Nhưng tôi đến đón nó và đưa nó về nhà khi cô ấy đi Nhật Bản.”
“Thế là, cô ấy từ bỏ gia đình và, trên mọi phương diện, đã để đứa trẻ lại cho anh chăm sóc,” Nigel Batty nói. “Và giờ cô ấy quay lại thành phố và quyết định rằng mình muốn đóng vai người mẹ một thời gian.”
“Cô ấy nói rằng đã nhận ra mình yêu thằng bé đến mức nào.”
“Chúng ta sẽ xem xét chuyện đó,” luật sư của tôi nói.