Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 32
Ông Kim về đến nhà mình thì thấy Đạo đang ngồi nói chuyện với bà Lê, ông chủ động hỏi trước:
- Chú Đạo đấy à? Lên lâu chưa?
- Em lên được một lúc rồi.
Bà Lê hỏi:
- Anh đi đâu mà chú Đô đi tìm khắp nơi không thấy?
- Đạp xe lòng vòng xem dân tình phố xá ra làm sao rồi ghé vào chỗ ông Quốc.
Bà Lê vừa cười vừa hỏi:
- Lại bàn chuyện Hợp tác xã chứ gì?
Ông Kim biết bà Lê trêu không trả lời mà quay sang hỏi Đạo:
- Bà con ở quê khỏe không chú?
- Hai bác đều khỏe. Vừa rồi bác Hạo trai mới được bầu bổ sung vào Mặt trận Tổ quốc xã. Bác ấy làm việc hăng hái lắm.
- Chú lên thăm tôi hay có việc gì nữa không?
Bà Lê chỉ vào cái bu gà:
- Chú ấy xách lên biếu hai con gà và bao nhiêu cá kia kìa.
Ông Kim hỏi:
- Gà với cá ở đâu mà đưa lên biếu tôi đấy?
Đạo đáp:
- Gà thì của nhà em nuôi. Còn cá là của Hợp tác gửi lên biếu hai bác.
Ông Kim đi đến xách bu gà đưa lên xem:
- Gà đúng là của chú nuôi hay mua ở chợ?
- Em nuôi bác ạ. Lúc nào bác về thăm quê, mời bác đến nhà em tham quan. Em có đến chục con mái đẻ.
Ông Kim vui vẻ:
- Nếu gà chú nuôi thật thì tôi nhận để khỏi phụ lòng cô chú. Tôi ăn một con, một con chủ nhật này tôi đưa về mổ thịt cho các cháu, bảo chúng nó là gà cô chú gửi. Riêng mấy con cá chép kia thì chú đem về, xem có cụ già nào đau yếu thì biếu cho người ta. Của người phúc ta. Cứ bảo là cá của tôi gửi biếu.
Đạo nói để ông Kim thông cảm:
- Việc ấy Hợp tác bao giờ cũng lo chu tất hết rồi, bác không phải lo.
Bà Lê tham gia:
- Bà con Hợp tác đã có lòng vậy, ông nhận đi cho bà con vui. Bây giờ mà bắt chú Đạo đưa về thì khi về đến nhà cá đã thối hoắc ra rồi. Vừa mất của vừa mang tiếng với bà con.
Ông Kim bước lại xách cái bị cói lên xem.
- Đây chắc là ba con cá lớn nhất trong ao có phải không?
- Không đâu bác ạ. Cá Hợp tác lớn rất đều.
- Bán cho xã viên mỗi hộ bao nhiêu cân?
- Ai mua bao nhiêu bán bấy nhiêu bác ạ, không hạn chế.
Ông Kim trở lại ngồi vào bàn:
- Tôi nhận cá của Hợp tác biếu. Chú về bảo với bà con cho vợ chồng tôi chuyển lời cám ơn và nói lại ý kiến của tôi là lần sau không được đem lên biếu thứ gì cho tôi. Biếu là tôi trả lại đấy – Quay sang nói với bà Lê - Chỗ cá này và mổ thêm một con gà, chiều nay mời anh Ẩn, anh Sắc xuống ăn cơm cho vui. Mời cả chị Thường, ông Quốc và ông Dần nữa. Được không?
- Nếu thế thì mổ luôn cả hai con gà. Hôm nào mua con khác thế lại cho các con.
- Việc nội trợ do bà lo liệu lấy. Còn chú Đạo, lên đây chắc là có việc phải không?
- Trước là em lên thăm hai bác, sau nữa cũng có chuyện muốn thưa với bác là thế này. Vừa rồi ông Cần, bí thư huyện ủy về kiểm tra việc sản xuất của Hợp tác xã. Sau khi nghe em báo cáo tình hình, ông Cần liền bảo: Khắp nơi người ta đang đổi mới cách làm ăn theo tinh thần của bản dự thảo quản lí Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy. Vậy mà trên quê hương của chính bí thư tỉnh ủy thì lại án binh bất động…
Ông Kim ngắt lời:
- Chú vẫn cho Hợp tác khoán theo lối cũ?
Đạo bối rối đáp:
- Vâng.
Ông Kim tức giận:
- Hỏng. Hỏng. Như thế này là chú làm xấu mặt tôi, làm xấu cả họ.
Bà Lê ôn tồn bảo ông Kim:
- Ông bình tĩnh để nghe chú ấy nói rõ lí do xem sao đã nào. Cứ hét lên như giẫm phải lửa thì còn ai dám nói nữa.
Ông Kim rít một hơi thuốc lào rồi bảo:
- Chú nói đi. Vì sao không thực hiện khoán như bản dự thảo hướng dẫn mà vẫn duy trì lối khoán cũ. Có phải chú nghĩ phương thức khoán mới là đi ngược lại với đường lối tập thể hóa của Đảng không?
Đạo đưa tay gãi gãi lên đầu:
- Không phải như vậy đâu ạ. Bác đừng nghĩ oan cho em.
Ông Kim hỏi dồn:
- Không phải thì vì lí do gì?
Đạo đáp:
- Khi được đọc bản dự thảo của tỉnh ủy gửi xuống, chúng em mừng vô hạn. Trong Ban quản trị cũng như chi bộ thay nhau đọc đến thuộc lòng, nghĩ rằng đây là thời cơ để đưa Hợp tác xã đi lên. Cũng đã bàn tính vụ chiêm sẽ bắt tay làm thử phương thức khoán mới. Nhưng sau đó bình tĩnh trở lại mọi người mới nghĩ ra rằng: Bản dự thảo chưa được thông qua thành văn bản chính thức. Thế là từ đó mỗi người một ý. Người thì bảo cứ làm, người thì bảo nhỡ sau khi thường vụ thông qua không đồng ý, nếu mình làm liều nhỡ có chuyện gì người ta lại bảo Hợp tác xã Đại Phúc dựa vào thế có người làng làm bí thư tỉnh ủy làm liều, ảnh hưởng đến uy tín của anh.
- Theo chú thì uy tín của tôi quan trọng hơn hay làm cho nông dân no ấm quan trọng hơn?
Bà Lê nói đỡ cho Đạo:
- Ông hỏi thế làm sao mà chú ấy trả lời được. Ông là bí thư tỉnh ủy lãnh đạo cả tỉnh. Uy tín của ông liên quan đến tất cả mọi người. Ông không còn uy tín thì ông lãnh đạo ai. Bản dự thảo không bắt buộc các Hợp tác xã thực hiện phương thức khoán nên các chú ấy cẩn thận là phải.
Đạo nhìn bà Lê tỏ ý cám ơn rồi nói tiếp:
- Sau khi ông Cần về, Ban quản trị chúng em họp và nhất trí sẽ thực hiện phương thức khoán của bản dự thảo. Sau đó em lên gặp chủ tịch và bí thư đảng ủy đề nghị cho Hợp tác xã thực hiện khâu khoán mới. Chủ tịch thì đồng ý nhưng bí thư đảng ủy thì còn ngần ngại bảo với em lên hỏi xem ý kiến của anh như thế nào.
Ông Kim cười:
- Cái tay Liễn định biến tôi thành chủ nhiệm Hợp tác xã chắc.
- Ai dám thế ạ. Chuyện em vừa nói với bác, không biết ý kiến bác thế nào?
Ông Kim thắc mắc:
- Vụ chiêm đã cấy hơn một tháng nay rồi, chú định khoán cái gì?
- Chúng em bàn chia diện tích ra khoán cho các hộ chăm sóc. Chậm còn hơn không bác ạ.
Ông Kim thấy lòng mình lâng lâng niềm vui khó tả. Bản dự thảo chỉ là một cú hích nhẹ mà đã khơi nguồn cho cuộc sống bị ứ đọng bao năm nay thành những dòng chảy khác nhau. Nếu mai đây Nghị quyết được thông qua nhất định sẽ làm biến đổi cơ bản bộ mặt của nền nông nghiệp trong tỉnh. Đời sống của người nông dân sẽ được no ấm, không còn cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai. Ông tin là thế. Và nhất định phải thế.
2
Chưa khi nào nhà ông Kim lại có một buổi chiều rộn rã như thế. Bà Kim và bà Thường lúi húi lo bữa cơm khách ở dưới bếp. Quanh chiếc bàn uống nước ông Kim ngồi tiếp chuyện ông Ẩn và ông Sắc. Ngoài ra còn có ông Dần, ông Quốc cùng tham gia. Ông Ẩn nói bâng quơ:
- Nếu anh Kim tiếp tục ở trong quân đội, có khi bây giờ lên tướng rồi đấy nhỉ.
Ông Kim cười:
- Tướng cướp thì có.
Ông Quốc bảo:
- Tướng quá đi chứ. Năm 1955 anh đã là phó chính ủy Quân khu, năm 1956, Cục phó Cục Động viên và Dân quân. Đến năm 1957 là Chính ủy Cục Công binh, quân hàm anh lúc ấy đã là đại tá rồi hay sao ấy nhỉ?
Ông Kim cải chính:
- Chỉ làm cái anh thượng tá quèn thôi.
Ông Ẩn bảo:
- Thượng tá từ năm 1955 làm gì mà đến nay không lên được tướng.
Ông Kim tâm sự:
- Quân hàm của quân đội lên chậm lắm anh ạ. Luật sĩ quan có quy định niên hạn quân hàm rất cụ thể nhưng anh còn lạ gì luật của ta nữa. Ai muốn chấp hành kiểu nào cũng được. Tính tôi lại hay cãi lại với cấp trên nên được xếp vào loại tác phong có vấn đề càng khó lên. Đôi lúc ngồi một mình nghĩ vớ nghĩ vẩn thấy cái số của tôi nó lao đao thế nào ấy.
Ông Sắc hỏi:
- Hình như anh có làm đại biểu Quốc hội hay sao nhỉ?
Ông Kim trả lời:
- Tôi trúng đại biểu Quốc hội khoá II cùng với mười một đồng chí khác của tỉnh Phước Vĩnh. Nhưng đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi là tôi được dẫn đầu đoàn đại biểu của tỉnh Phước Vĩnh đi dự Đại hội lần thứ III của Đảng. Một Đại hội mang tính lịch sử. Đó là xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh Thống nhất nước nhà.
Ông Ẩn nói:
- Lần ấy tôi cũng được đi dự. Đúng như anh nói. Đấy là một nhiệm kỳ trọng đại.
Bà Lê từ trong bếp bước ra:
- Các vị lãnh đạo đã nói hết chuyện chưa để chuyển qua mời cơm đây?
- Xong rồi, xong rồi – Ông Kim vui vẻ đáp rồi hỏi bà Lê – Có khi trải chiếu xuống nền nhà ngồi cho nó rộng bà nhỉ?
- Nhà chật cũng phải làm thế chứ biết làm sao được, mong khách thông cảm.
Ông Ẩn nói vui:
- Chúng tôi chỉ cần thức ăn ngon thôi chứ ngồi đâu không quan trọng.
Nhìn mâm cơm vừa được bê ra, ông Sắc khen:
- Không ngờ chị Hai Bắc Ninh làm cỗ vừa ngon vừa đẹp thế này.
Bà Thường chối:
- Công của cô Lê cả đấy. Tôi chỉ điếu đóm thôi.
- Chị khiêm tốn làm gì. Công của mình thì nhận đi để tiến bộ – Bà Lê cười bảo bà Thường.
Ông Ẩn nhìn quanh rồi hỏi:
- Anh Côn đâu mà thấy vắng?
Ông Kim đáp:
- Sáng nay cô Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình gọi điện lên báo sáng mai Hợp tác xã Gia Đạo tổ chức ngày hội thăm đồng nên đã đạp xe xuống đó rồi.
Ông Ẩn thắc mắc:
- Tôi chưa nghe nơi nào có tục lệ ngày hội thăm đồng cả. Ở Gia Đạo có tục lệ này lâu chưa?
Ông Kim nói để ông Ẩn rõ:
- Làm gì có tục lệ ngày hội thăm đồng. Chả là năm nay thấy vụ lúa chiêm tốt quá nên Ban quản trị Gia Đạo xin phép huyện mổ mấy con lợn tổ chức cho bà con xã viên ăn liên hoan. Trước khi ăn liên hoan, mọi người trống giong cờ mở kéo nhau ra đồng thăm lúa. Gọi là ngày hội thăm đồng.
- Biến việc này thành một phong tục kể cũng hay – Ông Ẩn nói – Mọi tục lệ được sinh ra từ cuộc sống rồi dần dần trở thành tín ngưỡng.
- Anh nói hoàn toàn chính xác. Con người ta sinh ra ở trên đời thường đặt niềm tin của mình vào một cái gì đó. Nếu niềm tin bị sụp đổ thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì. Nói ví dụ như người ta tin Hợp tác xã sẽ đưa lại cuộc sống ấm no cho mình. Nhưng khi…
Sợ ông Kim sẽ sa đà vào chuyện Hợp tác nên bà Lê ngắt lời:
- Tôi đề nghị bữa cơm này không được đưa chuyện Hợp tác xã ra bàn đâu đấy.
Ông Kim cười khà khà:
- Không bàn, không bàn. Chỉ nói chuyện vui thôi.
Đô rót bia vào đủ mấy cái cốc để quanh mâm. Ông Kim cầm lên một cốc:
- Nào, xin mời mọi người. Tôi cũng xin nói trước là tôi chỉ nhấp môi thôi chứ tôi không uống đâu đấy.
- Anh bị bệnh dạ dày nên chúng tôi không ép. Anh nhấp môi là chúng tôi vui rồi. Nào xin mời – Nói xong ông Sắc đưa cốc lên cao.
Đặt cốc bia xuống, ông Ẩn hỏi:
- Các anh đã có dịp uống bia hơi Hà Nội bao giờ chưa?
Ông Quốc cười đáp:
- Được nhìn thấy thôi chứ không được uống.
Ông Sắc thắc mắc:
- Sao nhìn thấy mà không được uống?
Ông Quốc kể:
- Kể ra thì mình đúng là người rừng về Thủ đô. Hôm ấy tôi và cậu Tấn về Hà Nội làm việc với Bộ Nông nghiệp xin thêm một ít vật tư cho tỉnh. Sau khi xong việc, tôi bảo cậu lái xe đánh xe ra hồ Hoàn Kiếm dạo chơi một lát rồi về. Khi đến vườn hoa Chí Linh, thấy mọi người xếp hàng rồng rắn, hỏi ra mới biết người ta xếp hàng mua bia hơi. Mùa hè đang khát, tôi bảo Tấn và cậu lái xe vào chịu khó xếp hàng mua mấy cốc uống cho đã khát. Tôi bảo cậu lái xe xếp hàng mua một anh hai cốc, tôi và Tấn đứng ngoài chờ để lấy. Một anh đang xếp hàng nghe tôi nói vậy liền hỏi: Bác từ trên trời rơi xuống đấy à? Tôi chẳng hiểu anh ta nói gì nên hỏi lại. Bấy giờ anh ta mới bảo: Mỗi người xếp hàng chỉ được mua một vại thôi. Xếp hàng phía sau sáu, bảy chục người toát cả mồ hôi hột để mua một cốc bia uống chẳng bõ, thế là chúng tôi đành nhịn khát bỏ đi.
Ông Sắc bảo:
- Đúng là cảnh uống bia hơi ở Hà Nội như thế thật.
Ông Quốc nói tiếp:
- Nào đâu đã hết. Ba anh em lang thang đến phố Lương Văn Can, thấy cửa hàng bán phở của Mậu dịch để một tấm bảng đen viết mấy chữ bằng phấn: Bán bia hơi kèm thuốc lá. Ba anh em kéo nhau vào. Cậu Vượng lái xe gọi ba vại bia. Cô mậu dịch viên bảo: Bia bán kèm theo thuốc lá chứ không bán bia không. Cậu Vượng bảo: Chúng tôi biết rồi. Cô mậu dịch viên nói tỉnh bơ: Thuốc lá Tam Đảo mốc, các anh có chịu lấy không? Cốc bia hơi ba hào, gói thuốc lá Tam Đảo mốc mua xong vứt đi vẫn được tính bốn hào như thuốc lá chưa mốc, thành thử giá một cốc bia hơi lên đến bảy hào. Ba anh em ngao ngán nhịn khát lên xe chuồn một mạch.
Ông Kim vừa gắp thịt gà bỏ lên bát ông Ẩn và ông Sắc vừa hỏi:
- Các anh nằm cạnh Ban bí thư không biết Ban bí thư có biết các nhà máy như thuốc lá Thăng Long, cao su Sao Vàng và nhà máy xà phòng lúc nào cũng làm rùm beng là sản xuất vượt mức kế hoạch, nhưng sản xuất ra đem cất vào kho từ năm này sang năm khác đến nỗi thuốc lá thì mốc, xà phòng đánh răng thì khô đóng thành vôi, còn lốp xe đạp khi đến tay người dùng thì dây tanh rỉ nát lòi cả ra ngoài lớp vải bọc tanh, trong khi đó người dân không có mà dùng không?
Ông Ẩn đáp lại câu hỏi của ông Kim:
- Ban bí thư không biết thì còn ai biết nữa. Nhưng khổ nỗi cái cơ chế của ta đôi chỗ hết sức kỳ quặc. Cứ định kế hoạch cho nhà máy này mỗi năm phải sản xuất được từng này sản phẩm, nhà máy kia từng này sản phẩm. Làm vượt chỉ tiêu của kế hoạch là coi như mở hội ăn mừng. Còn sản xuất ra để làm gì, bán cho ai và nhu cầu của người mua mỗi năm bao nhiêu thì không cần biết. Có thứ người ta không cần thì ép người ta mua, có thứ người ta cần lại không bán.
- Cái cơ chế đang vận hành Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay cũng như vậy…
Bà Lê cười xòa:
- Nói ngược nói xuôi rồi cũng quay về với Hợp tác xã. Tôi đã bảo không được nói đến Hợp tác xã trong bữa ăn hôm nay kia mà.
Bà Thường:
- Chú ấy đã nghiện như nghiện thuốc phiện rồi. Cai khó lắm.
Ông Kim cười rồi nói lảng sang chuyện khác:
- Mọi người uống bia đi chứ. Có mười lăm chai, tôi không uống còn lại tám người. Mỗi người hai chai, phải uống cho hết đấy.
Ông Sắc:
- Anh chẳng phải lo thừa đâu. Tôi cũng đã từng uống bia Đức, bia Tiệp nhưng chẳng thấy loại nào ngon hơn bia Hà Nội của mình.
Ông Quốc hỏi:
- Nghe nói nhà máy bia này có từ thời Pháp thuộc, không biết có đúng thế không?
Ông Sắc bảo:
- Hình như thế. Người ta bảo bia Hà Nội ngon là nhờ cái giếng nước ở trong khu vực nhà máy.
Ông Ẩn bỗng nói giọng buồn buồn:
- Bữa cơm hôm nay vừa vui vừa ngon. Không biết có lần thứ hai ngồi với các anh các chị như thế này nữa không.
Ông Dần không hiểu hỏi lại:
- Các anh không còn ở đây thì đi đâu?
Ông Ẩn đáp:
- Có thể chúng tôi về Hà Nội.
Ông Kim ngơ ngác tưởng mình nghe nhầm:
- Các anh lại về Hà Nội à?
- Có thể như vậy. Tôi và anh Sắc về Hà Nội, Ban nông nghiệp sẽ cử người khác lên thay.
Không khí đang vui của bữa cơm bỗng nhiên chùng lại. Ông Kim hỏi:
- Anh đoán thế hay đã biết ý định của cấp trên rồi?
Ông Ẩn nói lấp lửng:
- Mới đoán thôi nhưng chắc chắn tới chín mươi phần trăm. Hôm anh Trung Chính cho gọi tôi về làm việc, cuối buổi gặp gỡ anh ấy bảo tôi và ông Sắc có tư tưởng dao động với đường lối tập thể hóa khi thấy một số Hợp tác xã ở Phước Vĩnh bung ra làm ăn có kết quả. Chắc các anh chẳng còn lạ gì khi chúng ta đang lấy chính trị làm gốc, tư tưởng dẫn đầu mà lại dao động về tư tưởng thì được coi như một phốt rất nặng.
Ông Kim nói giọng buồn:
- Hai anh mà về Hà Nội thì coi như chúng tôi mất đi một chỗ dựa tinh thần.
Ông Ẩn nói với ông Kim:
- Người các anh cần dựa là dân. Chẳng phải chính họ đã cho các anh ý tưởng táo bạo trong việc đổi mới phương thức sản xuất ở Hợp tác xã nông nghiệp đó sao.
Ông Kim vẫn không thay đổi sắc giọng:
- Chuyện ấy thì rõ như ban ngày rồi. Nhưng mất những người bạn tâm giao, mà những người bạn tâm giao ấy là cấp trên của mình, hiểu mình thì cũng làm cho mình bị hẫng hụt.
Bà Thường không muốn để bữa cơm mất vui nên đưa cốc bia lên:
- Đang vui bỗng nhiên đưa chuyện người đi kẻ ở ra nói làm cho mất vui. Tôi mời mọi người cạn chầu bia này để rót cốc mới nào.
Nói xong bà Thường nhấc cốc bia hướng về phía mọi người.
3
Buổi sáng. Ông Kim và ông Côn đang ngồi trao đổi những điểm chưa ổn trong Nghị quyết thì ông Ẩn đi vào.
- Hai anh còn làm việc à? – Ông Ẩn hỏi.
- Họp hành gì đâu – Ông Kim đáp – Hai anh em ngồi nói chuyện phiếm với nhau thôi.
Ông Côn đứng lên kéo ghế mời ông Ẩn ngồi. Ông Ẩn giành lấy:
- Anh cứ để mặc tôi.
Ông Ẩn đỡ chiếc ghế trong tay ông Côn rồi ngồi xuống.
Ông Ẩn hết nhìn ông Kim lại quay sang nhìn ông Côn:
- Đôi lúc tôi hình dung hai ông giống như Lưu Bị và Khổng Minh trong truyện Tam Quốc.
Ông Côn cười:
- Tôi chỉ là tiểu đồng theo hầu điếu đóm cho anh Kim thôi chứ sánh thế nào được với Khổng Minh.
- Nhìn dáng vóc thư sinh và kiến thức của ông, không thể ví ông với chú tiểu đồng cắp tráp được.
Ông Kim nói nhẹ nhàng:
- Lưu Bị với Khổng Minh thì không dám ví, nhưng đúng tay Côn là một phần cơ thể và trí tuệ của tôi đấy anh ạ. Có hắn bên cạnh, tôi càng vững tin khi đi đến quyết định một vấn đề gì đó có tính sách lược đối với tỉnh Phước Vĩnh.
- Trong công tác mà gặp được một người cộng sự hiểu mình thì không gì vui bằng.
- Tôi thấy anh và anh Sắc cũng tâm đầu ý hợp đấy chứ?
- Đúng là chúng tôi rất hiểu nhau trong công việc. Rất tiếc là chúng tôi sắp phải xa nhau.
Ông Kim phần nào đó đoán ra chuyện gì đã đến với Ẩn:
- Anh bị triệu về Hà Nội à?
- Dự đoán của tôi hoàn toàn chính xác. Anh Trung Chính cho điều tôi về Hà Nội và cử người khác lên thay.
Ông Kim và ông Côn không hẹn mà hai người lặng đi. Một cái gì đó hẫng hụt trong lòng hai người. Lát sau ông Kim nói giọng buồn buồn:
- Như vậy chúng tôi mất đi một người cấp trên đáng kính và là người bạn rất hiểu hai anh em chúng tôi. Cũng may là còn anh Sắc ở lại.
- Anh Sắc là con người rất tốt, nhìn mọi vấn đề rất thực tế và sâu.
Ông Kim đồng ý với câu nói của ông Ẩn và nói thêm:
- Tiếp xúc với anh ấy nhiều lần tôi biết. Phong thái làm việc cũng như nói năng đều toát lên vẻ đằm thắm, sâu sắc và chen vào một chút hài hước của con người xứ Huế. Anh có biết ai lên thay anh không?
- Tôi không biết ai sẽ thay tôi. Nhưng chắc chắn đó là một con người cứng rắn trong việc bảo vệ các nguyên tắc. Rồi đây thế nào các anh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cách thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của cơ chế hiện nay.
- Lần trước tôi có nói với anh, tôi đã cưỡi lên lưng ngựa và thúc chân vào hông nó, ra hiệu cho nó phi rồi. Nó ngã, tôi ngã, nó chết tôi chết chứ không khi nào tôi buông dây cương. Tuy bản dự thảo mới đưa xuống cơ sở để lấy ý kiến thăm dò thôi chứ chưa thành Nghị quyết chính thức mà đã có trên năm mươi Hợp tác xã đang thực hiện phương thức khoán mới. Nếu tính hơn tám trăm Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh tôi thì đó là con số rất nhỏ, chưa được mười phần trăm. Nhưng sắp tới đây nếu chúng tôi ra được một Nghị quyết về quản lí lao động nông nghiệp trong các Hợp tác xã, nông dân toàn tỉnh tôi sẽ hưởng ứng rầm rộ, tôi đố ai ngăn nổi.
Ông Ẩn cười có ý châm chọc ông Kim:
- Ngựa của anh không phải là con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương nên chỉ cần một cái gậy bằng gỗ cũng có thể làm cho nó què chân.
Ông Kim nói dứt khoát:
- Khi chân lí thuộc về dân thì chẳng ai thắng được dân đâu anh ạ. Tôi lúc nào cũng tâm niệm một điều: Dám làm và dám chịu trách nhiệm. Làm gì cũng sợ sai thì cuối cùng chẳng làm được gì hết. Anh bảo tôi nói vậy có đúng không?
Ông Ẩn nói chậm rãi:
- Thực tình mà nói tôi rất quý các anh, đồng thời tôi cũng rất lo cho các anh. Việc các anh làm xuất phát từ cái tâm đối với dân, với Đảng. Nhưng… biết nói thế nào nhỉ? – Ông Ẩn dừng lại suy nghĩ giây lát rồi nói tiếp – Có thể nói như thế này. Cơ chế hiện nay giống như một tảng đá lớn đang nằm ì trên đường các anh đang đi. Các anh định nghiêng vai bẩy nó ra một bên đường cho đỡ vướng. Từ đây diễn ra hai khả năng. Thứ nhất là hòn đá sẽ lăn ra bên đường nhường chỗ cho các anh đi. Khả năng này rất khó xảy ra bởi các anh còn lẻ loi quá. Khả năng thứ hai là các anh sẽ bị hòn đá đè cho sứt đầu mẻ trán. Khả năng này có vẻ dễ xảy ra hơn. Tôi nói lo cho các anh chính là chỗ đó.
Ông Ẩn thấy ông Kim cầm cái điếu cày đứng lên định đi ra ngoài liền bảo:
- Anh cứ ngồi trong phòng mà hút, tôi quen với khói thuốc lá rồi.
Ông Côn biết ông Ẩn chưa biết thói quen của ông Kim nên nói:
- Không phải anh Kim sợ anh không chịu khói thuốc mà anh ấy có thói quen mỗi khi có chuyện gì đó cần suy nghĩ là ngồi một mình rít thuốc lào.
- Có phải câu nói của mình vừa rồi làm anh Kim thất vọng không?
- Không đâu. Anh Kim rất tin vào việc làm của mình. Có lẽ anh ấy suy nghĩ đôi chút rồi đâu sẽ vào đó cả thôi.
Ông Kim trở vào không nhắc lại chuyện cũ mà hỏi ông Ẩn:
- Anh khi nào thì về Hà Nội?
Ông Ẩn đáp:
- Tôi phải bàn giao tình hình cho người lên thay xong mới về được. Khó khăn nhất đối với tôi bây giờ là phải báo cáo những gì các anh đã và đang làm.
Ông Kim nói để ông Ẩn yên tâm:
- Anh đừng ngại. Chúng tôi hiểu anh mà.
- Không phải tôi sợ các anh hiểu lầm tôi mà chỉ sợ các anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như gặp phải người thay tôi là một người rất trọng nguyên tắc, trong khi có một số việc làm của các anh lại vượt qua các nguyên tắc.
Ông Kim đột ngột hỏi ông Ẩn:
- Theo anh thì ai sẽ là người lên thay anh?
- Tôi không biết, nhưng có nhiều khả năng là anh Đỗ sẽ thay tôi, vì anh ấy cũng là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và phó Ban nông nghiệp Trung ương.
Ông Kim ngồi im lặng, sau đó nói:
- Anh Đỗ một thời ở cùng với tôi nên tôi rất hiểu con người này. Một người hãnh tiến và hám danh.
Ông Ẩn tỏ vẻ tán thành:
- Anh nhận xét rất chính xác bản chất của ông Đỗ. Tôi cũng định nói với các anh nhưng sợ các anh nghĩ tôi nói xấu bạn bè đồng nghiệp sau lưng nên tôi không nói. Tôi nghĩ các anh sẽ gặp rất nhiều rắc rối với con người này.
Ông Kim buông ra một câu như dao chém vào thớt:
- Việc gì đến nó vẫn đến. Chẳng ai ngăn cản được chúng tôi.