Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 33: Đào Duy Từ Với Việc Đắp Lũy Nhật Lệ
N
ăm 1630, theo đề nghị của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho đắp lũy Trường Dục (ở Quảng Bình). Nhưng, trước quyết tâm gây chiến khó bề lay chuyển của họ Trịnh, Đào Duy Từ thấy cần phải đắp thêm chiến lũy nữa. Giữa năm1631, Đào Duy Từ xin chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đắp lũy Nhật Lệ. Lũy này, về sau dân thường gọi là dãy Trường Thành Quảng Bình. Nhìn Trường Thành Quảng Bình với những dấu tích còn lại, không ai nghĩ rằng, để có nó, Đào Duy Từ đã phải tìm đủ mọi cách để thuyết phục chúa Nguyễn Phúc Nguyên như thế nào. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép việc này như sau:
"Lúc đầu, Chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình để xem xét hình thế núi sông. Bọn Đào Duy Từ đến Quảng Bình, nắm rõ địa thế cao thấp, rộng hẹp. Khi về, Đào Duy Từ thưa rằng:
- Thần xem, từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, ngoài có nước khe, bùn lầy ngập ngụa, có thể nhân đó tạo thành hào rãnh, trong thì cho đắp lũy mới, hình thế có thể nói là hiểm yếu gấp mười lần lũy Trường Dục.
Chúa ngại khó (nên không quyết). Đào Duy Từ nhân đó cáo ốm rồi làm nhiều bài ngâm vịnh, kí thác ý mình vào đó, lời lẽ rất thiết tha. Chúa biết được, liền cho làm.
(Đào) Duy Từ cùng với (Nguyễn) Hữu Dật trông coi việc đắp lũy. Duy Từ họp dân, tính toán công việc để cho khởi đắp. Lũy cao một trượng năm thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, có năm bậc lên xuống, voi và ngựa có thể đi được. Lũy đắp men theo khe, dài hơn 3000 trượng, cứ mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn (súng có thể bắn qua núi, tức súng bắn tầm xa - ND), cách ba trượng hoặc năm trượng (tùy chỗ) thì lập một pháo đài, ở trong có đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Trải mấy tháng mới đắp xong, lũy ấy thành nơi ngăn chia hai miền Nam, Bắc. (Đào Duy Từ) lại còn cho đặt xích sắt chắn ngang cửa biển Nhật Lệ và cửa Minh Linh."
Lời bàn: Chúa Nguyễn Phúc Nguyên hậu đãi Đào Duy Tử chi vì biết rõ Đào Duy Từ sẽ dốc lòng phò tá mình. Chí lớn của Nguyễn Phúc Nguyên là làm sao để chống chọi với họ Trịnh. Nói Đào Duy Từ dốc lòng phò tá, tức là dốc lòng phò tá chí lớn này của Chúa. Nhưng, bản thân Chúa cũng có lúc nhụt chí và ngại khó đó thôi. Nghiệp lớn đôi khi bị sụp đổ bởi sự nhụt chí nhất thời ấy. Thế ra, trong chỗ không ngờ, hậu đãi mà chẳng khác gì không tin dùng, đấng đại trượng phu đâu mong như vậy.
Ở đời, hình như chẳng có gì khó bằng việc khuyên bảo người trên. Thông minh mà thẳng thắn một cách thái quá, đôi khi chỉ mang họa, cho nên, Đào Duy Từ cáo ốm để tìm cách khuyên Chúa. Ấy là khôn khéo tìm sự thắng khi ngỡ như đã thất bại rồi đó thôi. Vấn đề không phải là sang bên kia bờ mà là ở chỗ tìm cách nào hay nhất để vượt sông. Cách làm của Đào Duy Từ là mẫu mực chăng? Chừng như cách ấy chỉ đúng với lúc ấy và với con người cụ thể là Nguyễn Phúc Nguyên mà thôi.
Đem nước mắm cà cuống cho kẻ tịt mũi, đem đàn gảy vào lỗ tai trâu, phỏng có ích gì? Hóa ra, hiểu chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì chỉ có Đào Duy Từ, và hiểu Đào Duy Từ cũng chỉ có chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đương thời, thành lũy vững chãi nhất của Đàng Trong chính là ở chỗ này.