"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Tác giả: Iamin Muxtaphin
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: SI MI
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2971 / 22
Cập nhật: 2014-12-04 05:06:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương XVI - Chuyến Tàu Đặc Biệt
iamin làm ở xưởng dụng cụ đã được ba tuần. Bao giờ cậu cũng có cái cảm giác bất tiện, như thể người nào cũng dí ngón tay vào lưng cậu và nghĩ: “Khéo kiếm cho mình một chỗ ấm quá đấy chứ!”. Vâng, ở đây quá ấm, dễ chịu và yên tĩnh thật. Những chiếc dụng cụ mới toả mùi như mùi rong biển. Lúc còn sống, cụ Cudia vẫn bảo là trong nhà không hiểu sao sắt có mùi rong biển. Ở xưởng cơ khí chưa ai thấy biển bao giờ và mọi người tin ở lời bác thuỷ thủ già. Thật ra không phải không có người cho ông cụ là kì quặc.
Nhiều lần, khi thấy các bạn bới từng tấn sắt vụn, tìm chặt các thanh ốp ngoài trời lạnh, Giamin đỏ mặt bảo Xtêpan là cậu sẽ không làm việc ở phân xưởng dụng cụ nữa.
Khi ấy ở phân xưởng rèn và nguội, có những chiếc cửa sổ chiếu sáng đặc biệt thuận lợi. Những người đục lỗ ngoài trời thường ghen tị với những người làm việc ở nơi ấm.
- Không sao, cháu ạ - Xtêpan nói – Cháu tưởng bác không nghĩ gì khi thấy các cháu còn bé mà phải khuân những thanh sắt nặng thế à? Trước kia bác có bao giờ để cô Grunhia khuân cái gì nặng đâu. Thế mà, bây giờ bác chỉ ngồi trên xe này và nhìn thôi – bác nói rồi vỗ mạnh bàn tay to của mình xuống bánh xe – Cháu ở đây cho khoẻ hẳn đã. Người ta mổ bụng cháu chứ có phải xước tí tay tí chân gì… Còn việc cháu thấy khó coi, thế là tốt. Thằng Côlia nhà bác đi làm về mệt là như thế mà vẫn lại gần mẹ: “Để đấy, con xách nước, lấy củi cho…”
Không biết Giamin còn phải làm ở phân xưởng dụng cụ bao lâu nữa, nếu một sáng tháng Giêng trời xanh, đốc công không cho triệu tập tất cả mọi người tới phân xưởng nguội. Người hơi cúi xuống, hai tay chắp sau lưng, đốc công đi lại trước công nhân. Sau ông là người đại diện tuyến đường sắt, mặt nhợt nhạt, mặc chiếc áo ấm có đeo phù hiệu.
Không ngẩng đầu, Xamôrucốp nói lúng túng:
- Ở tuyến đường sắt đang thiếu người. Ai được miễn lao động nặng, có thể ở lại xưởng.
Cả xưởng hầu như phải đóng cửa mấy ngày, nhưng kế hoạch sản xuất vẫn giữ nguyên. Ngược lại càng ngày càng cần nhiều đinh và thanh ốp hơn…
Công nhân nhìn nhau thở dài, nhưng vẫn giữ im lặng. Đốc công nhắc lại:
- Ai được miễn lao động nặng có thể ở lại xưởng… - rồi quay sang nhìn ông đại diện tuyến đường sắt đang vò nhàu chiếc mũ lông chó trong tay - Việc rất gấp, các đồng chí ạ.
- Bây giờ ở đâu mà chẳng gấp? – Xêmiôn Tôcarép cất giọng ồ ồ nói. Anh là thợ làm đinh ốc, tròng trắng mắt hơi vàng. Nghe nói đau gan. Một lần anh ta mắc bệnh vàng da và cứ thế phải chịu khổ sở từ đó tới nay, và cũng vì thế mà không phải bị động viên vào bộ đội. Như đọc được ý nghĩ của đốc công, anh ta nói:
- Thế kế hoạch cũ phải giữ nguyên chứ? Quí này đã bốn lần phải lên tuyến đường sắt làm việc rồi. Mà chúng ta có được ai giúp đỡ để hoàn thành kế hoạch của mình đâu?
Ông đại diện đội chiếc mũ lên đầu nói to, giọng hồi hộp:
- Đã là lệnh thì không được bàn ra bàn vào! Đây không phải là mít tinh! - Rồi sau như chợt tỉnh, hạ giọng nói tiếp: - Kế hoạch không giảm, không ai giúp các đồng chí… Cái thời bây giờ thế đấy. Chúng tôi sẵn sàng giúp các đồng chí, nhưng có phải ai cũng vào đứng máy ngay được đâu. Đúng thế chứ? Các đồng chí nhất định sẽ không cho…
- Hẳn là thế, - giọng ồ ồ của Tôcarép lại vang lên – Tôi thì đến chiếc búa tôi cũng chẳng muốn giao cho ai…
- Chúng mình biết cậu tham lam lắm, Xêmiôn ạ. Mùa đông cũng chẳng xin được cậu cho nắm tuyết! - một người nào đó nói chen vào.
- Thôi, các đồng chí tranh cãi nhau thế đủ rồi, - đốc công giận dữ ngắt lời - Nếu tất cả đều khoẻ thì xin mời mặc quần áo vào. Xe kiểm ray kéo toa sàn đang chờ chở các đồng chí đi.
- Piốt Pêtrôvích – Giamin nói với Xamôrucốp – Bác cho cháu đi cùng với đội.
Đốc công vân vê bộ ria lốm đốm trắng của mình, lẩm bẩm một điều gì đó không ai hiểu, rồi hỏi:
- Thế Xtêpan thì sao? Bác ấy còn cần cậu ở đây. Hơn nữa bây giờ cậu không được làm việc nặng…
- Không, cháu khoẻ lắm, thật mà. Cho cháu đi đi, Piốt Pêtrôvích ạ! Thiếu cháu bác Xtêpan vẫn làm hết việc…
- Nếu thế thì đi, - Xamôrucốp nói vẻ cau có – Các bạn cậu sẽ vui hơn. Rồi như tự nói với mình, ông nói thêm - Gặp hoàn cảnh ấy rồi mình cũng làm thế…
- Thế là ông tướng vẫn cứ xin đi cho được, - Xtêpan nhìn qua cửa sổ nói. Thời gian gần đây bác hay suy nghĩ thành tiếng như vậy – Mà cậu ấy làm thế là đúng. Đã quyết, xin bằng được!
Trong xưởng trở nên vắng vẻ. Lăn trên chiếc xe của mình (mà vẫn gọi là đi) Xtêpan lúc thì nhặt chiếc cờ lê do một người nào đó bỏ quên, lúc thì nhặt chiếc búa rồi cẩn thận xếp chúng vào chỗ. Bác dập tắt ngọn lửa còn cháy không trong lò, lấy xẻng đập đập vào mẻ than nóng đỏ, dùng chổi khéo léo phủi sạch bụi trên thành cỗ máy, xong xuôi mới có hai phụ nữ đang hàn các thanh ốp. Chiếc máy biến áp kêu rè rè, căng thẳng. Que hàn điện mòn dần, nổ lách tách như những cây nến loại tồi. Không muốn làm người khác phải ngừng việc vì mình, Xtêpan lặng lẽ cho xe đi xa: “Chẳng khác gì sau một trận đánh! – bác nghĩ – Cũng yên tĩnh như thế…. Con người kể cũng lạ. Khi trong xưởng ầm ĩ tiếng máy thì muốn yên tĩnh, bây giờ được yên tĩnh, cũng chẳng lấy thế làm sung sướng…”
Công nhân xưởng cơ khí được đưa đến một ga xép. Chiếc toa sàn giật mạnh đánh sầm một cái khi vượt qua đường nối. Mọi người ngồi khít bên nhau, giống như những con quạ lớn xù lông, nói về tình hình chiến sự, về mặt trận thứ hai.
Chiếc xe kiểm ray chạy bằng lò khí kéo toa sàn không lấy gì làm nhanh lắm, nhả khói mù mịt đến nỗi công nhân phải văng tục và nguyền rủa cả công nhân viên hoả xa lẫn thời tiết, cả đường sắt lẫn những người đã nghĩ ra “lò hun khói” kia.
Cái lạnh luồn qua áo, chui vào người, ngón tay cứng đờ. Mọi người có lẽ bị rét cóng nếu không thay nhau lại ngồi sưởi trong xe kiểm ray.
Chiếc xe kiểm ray dừng lại cạnh một tốp công nhân hoả xa gồm chủ yếu là phụ nữ và thiếu niên. Họ đổ sỏi, lấy những chiếc cuốc chim, thẳng, tù, đập chèn đá dưới tà vẹt. Cách đó không xa, tám công nhân đang sửa chữa những chỗ nối ray bị hở. Họ vừa làm vừa hò: “một, hai, nào!” để phối nhịp. Vì lạnh, nên đường ray có lại làm thành những khe hở lớn. Xa hơn chút nữa, một số người đang nắn thẳng đường ray, thỉnh thoảng lại đặt que gạt ướm thử. Đặt xà beng và đòn kê dưới đường ray, theo tiếng hô chỉ huy, công nhân nhất loạt kéo về phía mình, người ngả ra sau. Gặp một lực kéo mạnh, thanh ray miễn cưỡng chịu trở lại vị trí cần thiết. Cách họ khoảng mười mét là một người mặc áo khoác ngắn, cổ áo dính đầy những giọt băng nhỏ, hai tay để sát miệng như muốn dùng hơi sưởi ấm chúng, cất giọng khàn khàn kêu to:
- Kéo về phía mình! Tí nữa… Thế, - rồi anh ta ngồi xuống chăm chú quan sát chỗ cong của đường ray, rồi lại kêu to - Đẩy ra!
Nhảy từ toa sàn xuống, những người mới đến mệt nhọc lê đôi chân cứng đờ, đôi môi buốt không muốn động đậy. Một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, có thân hình lực sĩ, đôi gò má nhô cao, mặc chiếc áo ấm đi lại gần họ. Đôi mắt nhỏ, sâu của bác ta nhìn như dán vào từng người.
- Ai phụ trách ở đây? – bác ta lí nhí hỏi. Giọng hoàn toàn không cân xứng với thân hình đồ sộ của bác làm mọi người bất giác cười.
- Tôi, Macar ạ, - Piốt Pêtrôvích đáp
- Bác cũng đích thân đến à? Tốt lắm!
- Tôi chẳng sung sướng gì mà nhận cái “tốt lắm” của anh – Xamôrucốp lẩm bẩm nói - Kế hoạch của mình thì gác lại để giúp anh. Rồi sau, anh lại còn viết báo cáo lên trên nào là không cung cấp đủ đinh, thanh ốp, sửa chữa đường chậm… Tôi chẳng lạ gì anh.
- Có thể thế, Piốt Pêtrôvích ạ, tôi vẫn còn cái nhược điểm ấy – Macar cười xoà
- Thôi được, nhưng nên nhớ là cánh này cũng chẳng phải tay vừa đâu. Tốt hơn là nên bảo chúng tôi bây giờ phải làm gì - rồi Xamôrucốp quay sang phía công nhân mình – Đây là đốc công hoả xa Muxatốp. Anh ta là ông vua ở đây, là tỉnh trưởng, là ban chấp hành công đoàn… Ai có ý kiến gì cứ gặp anh ta.
- Vua với quan gì? – ông đốc công hoả xa khiêm tốn đáp. Nhưng nhìn đôi mắt bác ta cũng biết là lời nói của Xamôrucốp đã làm bác hài lòng.
Ông đại diện tuyến đường sắt đi lại, tay che miệng, ho rũ rượi.
- Chào đồng chí Muxatốp. Dụng cụ và chỗ làm việc đã sẵn sàng rồi chứ? - rồi không đợi trả lời, vẫn ho, ông nói tiếp – Chúng tôi phải điều động người xưởng cơ khí lại đây giúp anh. Làm thế nào để mọi người không phải đứng không một phút nào.
Ông đốc công hoả xa gật đầu liên tục
- Sẽ không có ai phải đứng không đâu. Tôi sẽ trực tiếp theo dõi. Đáng lẽ tôi không nhờ ai giúp đỡ, nhưng đoạn này hỏng nặng quá. Hơi lạnh một tí là đường ray lại cong, hết chỗ này đến chỗ nọ. Trước mùa lạnh chúng tôi đã nắn thẳng tất cả, lựa chọn thanh tà vẹt, thay gần hết các bộ phận chống xô, làm mới lại ba-lát… Nhưng gặp cái đợt rét này, đường ray lại giở chứng… Tôi phải để hai người luôn kiểm tra cái đoạn đường xuống tấm tà vẹt làm như nó là nguyên nhân của mọi khó khăn trên.
- Chúng tôi biết tất cả những điều ấy, Macar ạ. Nào, anh giao việc đi – Piốt Pêtrôvích ngắt lời bác ta. Khi mọi người đi nhận dụng cụ, bác trách Muxatốp: - Macar ạ, khi nào tôi cũng thấy anh phàn nàn là làm sao? Với anh, tôi thấy cái gì cũng tốt. Đáng lẽ anh pảhi dạy tôi mới phải.
- Thế anh cho là tôi nói dối à, Piốt Pêtrôvích? Tôi tự phịa ra chuyện đường xấu hay sao?
- Không, tất cả những điều ấy là đúng sự thật. Nhưng anh nói trông thảm hại quá, đến nỗi tôi cũng muốn oà lên mà khóc với anh.
- Cuộc sống đã dạy tôi, Piốt Pêtrôvích ạ, là càng khóc nhiều thì người ta càng ít chửi mà lại càng giúp thêm - Muxatốp cười không thành tiếng.
- Còn tôi, Macar ạ, không làm sao học được điều ấy… Khi người khác khó khăn, tôi không thể chảy nước mắt: làm ra vẻ mình khổ hơn người khác.
- Thì mỗi người một tính. Anh là người thông minh, sĩ diện nhiều. Anh là người sĩ diện đối với tôi thì không là cái gì cả. Tôi là thằng chất phác, cởi mở - Muxatốp quay đôi mắt ti hí nhìn sang bên – Mà tôi, Piốt Pêtrôvích, cố gắng đấy cũng có phải cho mình đâu… Quân của tôi chỉ có đàn bà, con gái thôi mà tàu vẫn cứ phải chạy. Biết làm thế nào?
- Thôi được, mặc thây anh. Ta đi.
Giamin được cử sang toán thay đường ray. Cùng làm việc cới cậu là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, người không cao, có đôi tay như đàn ông. Chị ta mặc chiếc áo ấm ngắn màu đen cột chặt bằng chiếc thắt lưng da (có lẽ là của chồng để lại, - Giamin nghĩ) và một chiếc quần bông dày, trông chị ta như một con gấu. Chị làm việc khéo léo, chậm rãi và im lặng. Chiếc cuốc lưỡi hình móng bò thoắt đi thoắt lại trong tay chị gọn gàng như chiếc que cời bếp, móc vào đầu đinh ray. Chị đu người lên cán, chiếc đinh miễn cưỡng, chậm chạp nổi lên. Vì đã được chữa đi chữa lại nhiều lần, đầu đinh không chịu bám vào lưỡi cuốc. Lúc đầu Giamin rất lúng túng: khi thì đầu đinh tuột, khi thì cán cuốc cứ nhảy lên. Nhưng cậu quen dần, như răng của chiếc cào cũ, chiếc đinh ray bắt đầu chịu chui ra khỏi ổ của mình.
- Giỏi lắm, - chị kia lên tiếng, giọng khàn khàn - Thế mà tôi cứ nghĩ là người ta đã cho tôi một cậu công tử. Giỏi lắm. Có điều đừng quăng đinh như thế. Có biết quai búa không? Chúng ta phải thay ray đấy.
- Biết. Em từng làm thợ quai búa…
- Thế thì hay lắm. Chẳng mấy chốc cậu sẽ học được nghề bọn mình.
Giamin chờ chị ta hỏi tên cậu là gì, nhưng chị ta vẫn cứ gọi “cậu” mãi.
Công việc nặng nhọc chẳng mấy chốc đã làm nóng những người công nhân bị tê cứng vì lạnh. Hơi bốc lên từ người họ. Ông đốc công hoả xa đi lại
- Marơpha, người giúp việc của cô xem chừng làm được đấy. Nhanh nhẹn lắm.
- Vâng, Macar ạ, cậu ấy khá lắm. Bây giờ chúng tôi nghỉ một chốc rồi sẽ thay ray.
Marơpha và Giamin nhổ chiếc đinh cuối cùng xong, đi lại ngồi cạnh đống lửa. Hầu như mọi người đã đến ngồi ở đấy. Nhiều người hút những điếu thuốc quấn to, một lần rít lại cháy bùng lên. Có tiếng càu nhàu:
- Thuốc với men gì mà nổ như mìn ấy! Không phải giấy quấn nữa mà là thuốc nổ! Thế này thì mù mắt có ngày.
Mùi giấy cháy, mùi thuốc khét át cả mùi thơm của củi thông, mùi dưa hấu của tuyết đang tan cạnh đống lửa rực cháy. Củi nổ lách tách, bắn các đốm đỏ lên bầu trời lạnh, rơi thành những bụi tro màu xám xuống tuyết, xuống vai mọi người. Nhựa cây gặp lửa ngả màu đỏ, chảy thành từng dòng đặc quánh, sủi bọt lên than.
Như đã được quyết định từ lâu, người ta ngồi nói về việc chiến tranh sắp kết thúc và việc các đồng minh sẽ làm gì với nước Đức bại trận.
Muxatốp đi lại, cởi găng, hơ tay lên ngọn lửa, nhìn mọi người rồi cất giọng khàn nói:
- Đi làm đi, các đồng chí. Tàu tốc hành sắp chạy rồi. Phải nhanh lên mới kịp.
Những thanh ray bị thay được xếp thành hàng ra một bên, nhường chỗ cho những thanh mới màu xanh đen, vừa được chở từ nhà máy đến. Vừa đếm từng chiếc một, Muxatốp vừa giao đinh, thanh ốp, ray mới, thỉnh thoảng lại nhắc:
- Nhanh tay lên, sắp có tàu chạy rồi, một đoàn tàu tốc hành…
Mọi người lại bắt tay vào việc. Tiếng búa nện xuống sắt chan chát vang lên bầu trời lạnh lẽo. Tiếng vang dài, khô, như chạy dọc theo ngọn các cây thông già.
Marơpha thận trọng để thanh ốp dưới đường ray, cho chiếc đinh vào lỗ hổng hình vuông, lấy tay giữ rồi khẽ đập chiếc búa nặng lên đầu đinh như vừa đập vừa miết. Theo thói quen, chị nhổ nước bọt vào lòng bàn tay đang mang găng vải nhựa, chính xác quai búa xuống đầu đinh như đâm kim và một chiếc áo cũ. Giamin cũng quai búa theo không kém.
- Cậu khá lắm, - đứng tựa vào chiếc cán búa dài, Marơpha khen – Không chịu thua chút nào.
- Việc này em làm quen rồi, -Giamin bẽn lẽn đáp.
Giamin lắng nghe tiếng nhạc đứt quãng của từng nhát búa đập xuống. Vâng, đúng là nhạc thật! Nếu cậu là nhạc sĩ… Nghe Marơpha đóng đinh, cậu thấy tiếng thứ nhất vang hơi khô, tiếng thứ hai nghe chắc hơn, sung sướng xuyên qua bầu trời, còn tiếng thứ ba thì phá lên cười vui vẻ, đuổi theo hai tiếng trước, hoà lẫn với chúng rồi đột nhiên biến mất giữa nốt cao nhất.
Con chim gõ kiến bắt đầu làm việc. Như muốn thi với người, chiếc mỏ của nó liên tiếp gõ vào thân cây rồi dừng lại, ngoảnh cổ lắng nghe tiếng búa của người. Nó bay sang cây khác, lấy mỏ gõ thử xem cây ‘đàn” mới kêu thế nào, rồi vừa lắng nghe, vừa nhìn xuống đoàn người. Đối thủ của nó nhiều, làm nó lo lắng, vội vã, gõ loạn xạ, bực mình bỏ sang cây khác, cuối cùng, có lẽ vì mệt, đã bay mất.
Ở một nơi nào đấy xa xa, khuất sau dãy núi, có tiếng còi tàu vang lại, càng làm mọi người thêm vội vã. Tiếng búa đập nhanh hơn, đá dăm đổ nhiều hơn… Muxatốp chạy hết chỗ này đến chỗ nọ giục:
- Nào, nhanh lên tí nữa. Tàu tốc hành đang đến, - rồi liền đó, vớ vội chiếc xẻng hay chiếc búa bên cạnh, làm giúp mọi người và lại giục: - Nhanh lên, không nghe à? Tàu tốc hành đang đến đấy!
Đã nghe tiếng xình xịch của đầu máy hơi nước từ phía sau rừng taiga vọng lại.
Có một người trong đám công nhân xưởng cơ khí không chịu nổi, càu nhàu:
- Làm đến không kịp thở lại còn giục với chẳng giục.
Khi mọi người túm tụm làm cản trở việc đặt chiếc thanh ốp vào đoạn nối cuối cùng thì từ chỗ đường ngoặt, nơi rừng taiga bị chia đôi, chiếc đầu máy đã xuất hiện. Những con lăn bánh xe dẫn màu đỏ như những chiếc bánh xe đồ chơi trẻ con chạy phía trước. Hối hả theo sau là những vòng bánh sắt lớn, vừa chạy vừa như kêu lên: “Đuổi kịp bây giờ, đuổi kịp bây giờ”.
Lần đầu tiên, Giamin được thấy một đầu máy lộng lẫy như vậy. Các bộ phận bằng đồng của nó ánh lên, vàng choé. Thậm chí cậu không tin là tàu hoả có thể sạch và đẹp đến thế.
Đoàn tàu miễn cưỡng giảm tốc độ, thở phì phì như muốn nói: “Sao lại dừng thế này?” rồi đỏng đảnh đánh huýt còi như một anh thổi kèn đồng trong dàn nhạc, thổi một nốt thật thấp, hổn hển thở rồi dừng lại hẳn cách công nhân khoảng ba mươi mét.
- Chà, đẹp quá!
- Hết chỗ nói
- Sao các anh như trẻ con cả thế này? - đốc công là người đầu tiên chợt tỉnh – Tàu tốc hành phải dừng lại mà các anh thì há mồm ra thế! Lần đầu tiên thấy đầu máy à?
- Đúng là lần đầu tiên mới được thấy một đầu máy thế này. Đẹp như đồ chơi ấy! Tiếc là vì bọn mình mà nó phải dừng lại.
Tiếng búa đập lại vang lên, tiếng xẻng xúc đá ào ào. Bây giờ chỉ còn khoảng mười người làm việc. Những người còn lại dùng xẻng và cào sắt vén gọn và nện chặt lớp đá hai bên sườn đường sắt như những người làm vườn thực sự.
Giamin và các bạn lại gần đoàn tàu. Từ những toa đỏ có các tay vịn bằng đồng, hai vị tướng đầu đội mũ lông cừu xám bước ra. Thong thả đi dọc đờng tàu, họ vừa nói chuyện với nhau, vừa hất đầu chỉ về những người công nhân đang làm việc. Vị tướng người cao khoác chiếc áo trên vai, ngực đầy cuống huân chương lấp lánh đến loá mắt.
- Trông kìa, người Nhật! – Gôga kêu to
Các cậu quên ngay hai vị tướng kia, quay sang nhìn toa cạnh, nơi có người mặc áo lông xù xì, từ toa nhảy xuống như những quả bóng. Họ khe khẽ nói chuyện với nhau, giọng đứt quãng, nghe như từ cuống họng.
Ở cửa ra vào của toa khách chở các vị tướng, một người mặc áo ấm kẻ sọc, dọc hai ống quần có hai sọc đỏ bước ra, hỏi:
- Có chuyện gì thế các cậu? Sao tàu phải dừng lại?
- Dạ, thay đường ray…
- À… Thế các cậu làm gì ở đây?
- Sao lại làm gì? – Côlia ngạc nhiên hỏi lại – Chúng cháu làm việc, sửa chữa đường ray. Tàu các bác là tàu tốc hành mà - Cậu nói vẻ vững tin, như muốn khoe bây giờ tàu có chạy được hay không là nhờ cậu. Mắt cậu đảo liên tục, lúc nhìn những sọc đỏ trên quần, đôi ủng bóng lộn hay bộ tóc bạc cắt ngắn của vị tướng, lúc nhìn chiếc thảm nhỏ màu sặc sỡ giải ở lối ra vào, vị tướng mỉm cười hỏi:
- Nghĩa là các cậu đang chữa đường cho chúng tôi?
- Tất nhiên…
- Các cậu làm việc lâu chưa?
- Từ đầu chiến tranh… - Côlia đáp như một người lớn, hai cậu kia thì huých tay nhau, không giấu vẻ tò mò đứng nhìn ông ta.
- Nào, giai cấp công nhân, xin mời vào toa…
Các cậu nhìn nhau rồi lại nhìn vị tướng, vẻ không tin, tưởng ông bày trò trêu các cậu.
- Kìa, sao đứng thế? - vị tướng lại mời - Thời gian ít. Lên đây một chốc cho ấm.
Các cậu còn chần chừ một lúc, chủ yếu là để giữ lịch sự rồi lấy găng tay phủi sạch tuyết ở ủng, bước lên toa. Trong toa ấm và dễ chịu.
- Mời vào, giai cấp công nhân, mời vào, - vị tướng nói rồi đi lên trước.
Các cậu rón rén bước như đi trên mặt kính. Dãy thảm đỏ, mềm và những tấm gương sáng loáng làm các cậu lúng túng. Bây giờ các cậu hối hận là đã vào. Thảm màu gỗ và kim loại óng ánh, cộng với sự yên tĩnh và sạch sẽ đến lạ lùng làm các cậu thấy sợ.
- Thời gian ít lắm, các cậu ạ - vào buồng mình, vị tướng nói, cho tay vào chiếc cặp màu vàng – vì vậy, cái gì cũng phải làm nhanh chóng, theo tinh thần thời chiến mới được. Đúng thế không, giai cấp công nhân? – khuôn mặt tròn, rạng rỡ của ông nở một nụ cười hiền hậu.
“Giai cấp công nhân” đứng im. Toát mồ hôi vì căng thẳng và gò bó, các cậu cựa quậy những chiếc cổ gầy gò của mình, tay bóp chặt mũ, nhìn chăm chú quanh căn phòng. Gôga lập tức để ý đến bao thuốc “Cadơbếch” nằm trên chiếc bàn nhỏ (cậu ta thỉnh thoảng vẫn lén lút hút thuốc), Côlia thì thấy ngay chiếc dao nhíp nhiều công dụng, còn Giamin đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ nhìn những người công nhân hoả xa đang làm việc, cậu muốn họ cũng được lên toa ấm dễ chịu này. Vẫn còn đang lúng túng, cậu bí mật ra hiệu giục các bạn đi xuống. Hai cậu kia thích ở đây, làm như không nghe gì. Vị tướng lẩm bẩm bài hát Cachiusa, đang cố tìm một cái gì đấy trong cặp.
- Các cậu có ba mà đây chỉ có hai… Chờ tí nhé, - vị tướng đi ra, lần này huýt sáo bài “Ba anh lính xe tăng”
- Thế này mới đáng gọi là toa chứ! – Côlia nói, tay cầm chiếc dao đưa lên ngắm nghía cẩn thận – Xem này, có cả dùi và kéo nữa.
- Ở đây người ta hút “Cadơbếch” nhé! – Gôga ngắt lời Côlia
- Được đi trong toa này thì khoái nhỉ? Giamin dí nắm đấm xuống chiếc đi văng.
- Ấm, mềm… - Côlia mơ màng nói rồi đặt chiếc dao lại chỗ cũ.
Vị tướng đã quay lại
- Này các cậu, - ông lúng túng nói rồi chìa cho mỗi cậu một thanh kẹo sôcôla – Tôi có cái này cho các cậu đây…
Như đã hẹn trước với nhau, các cậu giấu tay sau lưng, đứng im lắc đầu như những người dũng cảm.
- Cầm lấy, cầm lấy…
- Không, chúng cháu chỉ vào xem toa thôi, - Giamin nói thay cả bọn, người cậu toát mồ hôi hột.
- Cầm lấy, - vị tướng lại nói, rồi nhét thanh kẹo vào tay Côlia – Các cậu là khách của tôi mà…
- Không – Côlia lẩm bẩm đáp, mắt không rời thanh kẹo.
Hiểu được tâm lí các cậu, vị tướng nhét cả ba thanh kẹo vào túi Giamin cười nói:
- Bây giờ thì các cậu tự giải quyết lấy… Mà thôi, ra cửa đi… Có lẽ bắt đầu đi rồi. Rất vui mừng được làm quen với các cậu, với giai cấp công nhân. Cám ơn các cậu đã chữa đường! – rồi ông vỗ vai từng cậu một.
Các cậu nhảy xuống đường khi tàu bắt đầu chạy, thấy như ấm hơn trước. Tuyết ngả màu hồng dưới ánh mặt trời. Xa xa, rừng taiga hùng vĩ trải dài nhấp nhô như những đợt sóng màu xanh. Chiếc toa chở đại diện Nhật đi Mátxcơva đàm phán từ từ đi ngang trước mắt các cậu. Hai người Nhật đứng ở cửa ra vào, đang sôi nổi nói chuyện với nhau, chỉ về phía những người công nhân hoả xa đang mệt mỏi đứng bên vệ đường. Những mắt kính dày và những chiếc răng trắng, chắc, ánh lên dưới mặt trời, làm người ta có cảm giác như người Nhật bao giờ cũng cười.
Chiếc đầu máy tuyệt đẹp tăng nhanh dần tốc độ lao vào khe hở cắt đôi rừng taiga, kéo theo một dải khói màu xám. Các cậu say mê nhìn theo đoàn tàu quân sự khác thường này. Đưa cho Côlia và Gôga mỗi cậu một thanh sôcôla, Giamin nói:
- Mình sẽ không ăn… Mang về cho mẹ…
- Mình cũng thế, - Côlia ngắm nghía tờ giấy bọc xinh đẹp nói - ở nhà chắc mừng lắm…
- Mình cũng mang về cho mẹ… Bà mình mà biết thì thế nào cũng tước mất… - Gôga thở dài cho thanh kẹo vào túi.
Các cậu cảm thấy miếng kẹo rất ngon, mùi thơm thoảng bay vào mũi. Cả ba liếm môi rồi chạy lại chiếc xe kiểm ray, ở đấy công nhân đang đứng tụm nhau sôi nổi bàn tán về đoàn tàu tốc hành.
- Rõ ràng là chúng ta đang thắng lớn! – Gôga tự hào nói, rồi vỗ vào vai các bạn như vị tướng vừa làm lúc nãy.
Thời Thơ Ấu Gian Khổ Thời Thơ Ấu Gian Khổ - Iamin Muxtaphin Thời Thơ Ấu Gian Khổ