Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 70
Cập nhật: 2024-10-26 20:43:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ặt trời đã lên cao, Trường mới trở dậy. Ánh sáng từ khe cửa sổ thẳng vụt chiếu vào trong nhà, soi lên tấm màn trắng và chiếc gối bông. Trường bước xuống giường đi ra cửa.
Buổi sáng rực rỡ. Một cơn gió mát từ đâu đưa đến làm rung động chòm lá cây sấu trước nhà. Trời xanh và trong, khiến Trường sinh ra nhớ cây cỏ xanh tươi ở cánh đồng quê mà đã lâu lắm chàng không được nhìn. Mấy làn mây trắng mỏng mắc ngang trời nhắc Trường nhớ đến sợi tơ hồng theo chiều gió bay trên mặt cỏ những ngày khô ráo quãng tháng mười. Trong tâm hồn Trường bỗng thoáng qua tất cả hương vị mộc mạc của cảnh quê. Và chàng tự nhiên có ý muốn nhìn lại các khuôn mặt quen biết nơi chàng ở lúc bé thơ.
Bỗng nhiên, Trường lắng tai, mừng rỡ. Ở căn buồng trong, chàng nghe thấy, lẫn với tiếng nói của mẹ và em Lan một tiếng nói rất quen từ thuở nhỏ. Trường chú ý: cái tiếng nói vừa dịu dàng vừa đầm ấm ấy gợi cho chàng tất cả quãng đời niên thiếu, mà chàng vừa nhớ đến. Trường mỉm cười vì sự ngẫu nhiên đó, rồi nhắc trong miệng tên người khách đến chơi: bà Nhì.
Một hình ảnh rõ rệt trước mắt chàng: hình ảnh một người đàn bà mảnh dẻ, mái tóc bạc phơ trên khuôn mặt trái xoan, và hai mắt đầy một vẻ vừa buồn rầu vừa hiền từ vô hạn, luôn luôn nhìn ra xa sau đôi kính trắng gọng đồng. Bà Nhì vốn là bạn thân vẫn đi buôn bán với mẹ Trường. Lúc còn nhỏ, Trường và em Lan rất mến bà ta. Vì như một bà tiên nhân từ trong các truyện cổ tích mà hai anh em được người u già kể cho nghe, bà Nhì cứ lại thăm mẹ Trường vào giữa lúc Lan và anh đang bị mẹ đánh mắng, vì đã phạm lỗi. Những lời khuyên can khéo léo và vui vẻ của bà ta làm mẹ Trường nguôi giận, rồi tiếng nói dịu dàng của bà an ủi và vuốt ve hai anh em như một lời ru.
Trường vội vàng rửa mặt trong thau nước lạnh rồi đi vào buồng trong. Quả nhiên chàng thấy bà Nhì đương ngồi trên sập nói chuyện với mẹ. Lan đang chầu bên cạnh nghe. Vừa trông thấy chàng, bà Nhì đã nhanh nhẹn hỏi trước:
- Kìa cậu Trường. Cậu còn nhớ tôi không?
Bà ta vừa nói vừa mỉm cười. Trường nhận thấy cái cười hơi buồn rầu và rất có duyên, ngày trước. Chàng đáp lễ lại rồi đứng yên, không biết nói gì. Tuy nhiên Trường thấy vui vẻ trong lòng, cái vui được gặp người mình kính mến.
Tiếng nói dịu dàng và đầm ấm lại cất lên:
- Cậu ngồi xuống xơi nước. Nghe tin cậu đỗ tôi vui quá, nên phải vội lên mừng cậu cử mới đây. Ấy thế mới là học, chứ như em nó ở nhà thì rõ chán.
Bà muốn nói đến người con mình học kém. Rồi bà lại quay lại phía mẹ Trường:
- Bà Phán bây giờ thật rõ sướng, hai con đỗ đạt cả hai, còn gì nữa.
Trường biết bà Nhì đã thất vọng vì con. Bà ta nghèo nên sự con học hành không thi đỗ là một điều đáng lo ngại cho nhà bà lắm.
Thấy trên mặt bà thoáng lộ vẻ buồn, Trường lại nhận thấy rõ một điều: cái nghèo nặng nề đè nén lên bao nhiêu gia đình. Ở quê, chung quanh chàng, Trường chỉ nghe thấy những tiếng than phiền, uất ức của các người nghèo khổ.
Bà Nhì cũng là một trong những người ấy. Bà ta phải buôn bán, cân gạo để nuôi con ăn học, nhưng cũng như nhiều bà mẹ khác ở An Lâm, không được cái may mắn thấy con đỗ đạt.
Trường để ý nhìn bà. Vẫn như những ngày Trường còn trẻ, bà hình như không già đi chút nào. Mái tóc vẫn bạc phơ - tuy bà chỉ độ vào quãng năm mươi tuổi - và khuôn mặt vẫn trái xoan, vết răn trên trái có lẽ nhiều hơn trước; nhưng đôi mắt sau cặp kính trắng, vẫn giữ cái vẻ nhân từ, hiền hậu khiến Trường yêu mến bà, coi bà như một người thân mật trong nhà.
Gặp bạn cũ, mẹ Trường vui vẻ nhắc lại những lúc đi buôn ngày trước, những ngày vất vả và lo sợ, những buổi trở về nhà, mệt mỏi và buồn bã vì không kiếm đủ tiền nuôi con. Bây giờ đã qua khỏi những ngày đó, đã đến một địa vị chắc chắn, bà Phán thích nhắc lại thời gian nan ấy. Nhưng bà Nhì vẫn nghèo như trước, chuyện cũ làm cho bà thêm buồn: Trường sinh lòng ái ngại cho tình cảnh của bà.
Lúc sắp đứng dậy ra về, bà tự nhiên hỏi chàng:
- Mùa nghỉ này, cậu có về An Lâm chơi ư?
- Thưa bà có. Tôi cũng định về chơi ít lâu.
- Bà Phán có về không?
Mẹ Trường dừng tay thu xếp cơi trầu, đáp:
- Không, bà ạ. Tôi còn phải ở trên này trông nom nhà cửa. Ấy, không có việc gì mà cũng bận cả ngày.
Bà Nhì quay lại phía Trường, giọng nói dịu dàng:
- Thế này thì hay quá. Cậu về quê nghỉ lại ở nhà tôi thì tiện lắm. Tôi vẫn ở nhà cũ bên cổng huyện, cái nhà ấy cậu đã biết rồi chứ gì.
Bà Phán ngắt lời, cười nói:
- Làm gì chả biết. Lúc nhỏ hai anh em vẫn cứ vào phá vườn hồng của bà thôi.
Trường mỉm cười. Chàng nhìn bà khách vui vẻ nhận lời:
- Xin vâng. Có về quê, tôi xin ở lại nhà bà.
Bấy giờ bà Nhì mới lộ vẻ vui mừng, và nói câu bà nói từ lúc nẫy:
- Nhân thể tôi nhờ cậu chỉ bảo cho em nó học. Cậu giúp tôi việc ấy nhé?
Trong lời nói của bà có bao nhiêu ý cầu khẩn thiết tha. Trường nhận lời.
Bà Nhì về rồi, mẹ Trường với cái tráp sơn lại gần mình, nhìn hai con phân bua:
- Thế là mất mười đồng. Chẳng nhẽ bà ấy nói khẩn khoản mãi lại không cho vay, mà bà ấy vay thì biết đến bao giờ trả.
Rồi bà Phán mở tráp soát lại tiền, ngẫm nghĩ.
Trường yên lặng một lát, rồi nói với mẹ:
- Bà ta nghèo khổ, mẹ cũng chả nên tiếc. Không biết bây giờ bà ấy có buôn bán gì nữa không?
Lan trả lời anh:
- Đi buôn phải có vốn, chứ anh tưởng. Mà vốn thì bà ta làm gì có.
- Thế họ hàng đâu, sao không vay mượn?
Lan không biết. Bà mẹ rời quyển sổ, ngửng lên đáp:
- Bà Nhì làm gì có họ hàng. Hay có nhưng không ai nhìn nhận bà ta cả. Bà tạ ngụ cư ở An Lâm, chứ có phải quê bà ta ở đó đâu.
Thân thế bà Nhì đối với Trường vẫn bí mật. Chàng nhớ khi còn nhỏ, một hôm chàng vô tình hỏi mẹ, cũng sau một buổi bà ta đến chơi: “Thưa mẹ, ông Nhì đâu nhỉ, sao con không thấy ông ta đâu?”. Lúc bấy giờ có vài người đàn bà nữa đang ngồi nói chuyện với mẹ Trường. Thấy con hỏi, bà cụ không trả lời, trừng mắt nhìn rồi bảo:
- Trẻ con biết gì mà hỏi. Ra ngoài kia chơi đi.
Trường sợ hãi lẩn xuống nhà dưới. Từ đấy chàng không dám hỏi mẹ về ông Nhì nữa. Mà mỗi khi chàng đem câu ấy hỏi người lớn khác trong nhà ai cũng lắc đầu không biết, và nhìn Trường như chàng đã làm điều gì không phải.
Mãi về sau, nghe những mẩu chuyện người ta nói với nhau, chàng mới biết mập mờ rằng ông Nhì ngày xưa không biết làm gì, đã phải tội xử tử. Những lời bàn tán thì thầm và sợ hãi của người chung quanh về chuyện ấy, làm cho Trường thấy sự bí mật của cái chết đó, và coi như một việc ghê gớm không dám nói đến. Đến bây giờ chàng cũng không hiểu rõ gì hơn. Nhưng chàng không muốn hỏi mẹ nữa. Chàng đoán vì thế mà bà Nhì lúc nào cũng có vẻ buồn rầu; và nụ cười an phận của bà có vẻ gây nên bởi sự hiu quạnh mà bà phải chịu, bởi vì ngoài mẹ Trường ra, bà không còn bạn nào khác nữa. Những người ở An Lâm thì hình như không muốn giao thiệp thân thiết với bà ta lắm.
Cho nên, lúc nhỏ, hai anh em Trường đến chơi được bà rất quý mến, Trường nhớ một góc vườn đầy hồng đằng sau nhà, ven bờ sông Tiên, một nếp nhà gạch cổ năm gian yên lặng. Trường và em chơi đùa với hai con bà Nhì, một cậu bé mặt tròn phúng phình, vừa chậm chạp vừa ngờ nghệch và một cô bé nhí nhảnh, mà bây giờ chàng chỉ nhớ có hai con mắt to và đen.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập