Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33
ai anh em về tới nhà lúc bảy giờ tối. Lãng hăng hái kể vụ tự vận của ông sĩ quan cảnh sát ở công viên Lê Lợi cho cả nhà nghe, còn Ngữ thì trầm lặng nghĩ tới cố gắng vào phút chót của người hấp hối để chết nghiêm chỉnh sau một cuộc đời Ngữ đoán là rất nghiêm chỉnh. Bà Văn hỏi Ngữ:
- Con ở lại đây đêm nay, có đông đủ anh em nói chuyện cho vui.
Ngữ giật mình nhớ lời vợ dặn, đáp:
- Con phải về. Trên nhà tối nay cũng có làm tiệc mừng.
Ngữ cố nói dối để mẹ khỏi thấy mình quá phụ thuộc vào gia đình vợ. Bà Văn nói:
- Thôi được. Chiều mai má cúng tạ. Má khấn nếu hai đứa bay được bình yên sẽ cúng một cái đầu heo. Chiều mai con đèo con Trang với cháu Bình xuống luôn. Má cũng đã bảo con Quế mời thằng Tân rồi. Như vậy là đủ mặt tất cả dâu rể con cháu. Nếu ba mày còn…
Bà Văn nghẹn lời, bắt đầu thút thít khóc. Ngữ nghĩ tới Tường, vì bà Văn vừa nói đến cảnh toàn gia đình đoàn tụ. Có nên cho mẹ biết tin Tường đã về Sài gòn không? Ngữ đưa mắt tìm Nam. Lúc đó, Nam đang ngồi ở một góc nhà, nghe Lãng kể chuyện một cách thờ ơ. Hai anh em nhìn thấy nhau và cũng biết là đang chờ lúc thuận tiện để nói chuyện riêng với nhau. Ngữ nói lớn cho cả nhà nghe.
- Thôi thưa má con về. Mai con dẫn Trang và cháu xuống. Thúy, sao không mừng cậu.
Con Thúy mải nghe cậu Lãng kể, chỉ quay đầu lại nói:
- Thưa cậu, về.
rồi xáp lại gần Lãng nghe cậu kể tới đoạn viên sĩ quan cảnh sát rút súng ra kê vào đầu tự tử. Ngữ nghe Lãng thêm mắm thêm muối:
- …Ông ta đứng nghiêm chiêm ngưỡng hai pho tượng, rồi quay mặt về hướng Quốc hội, miệng lẩm bẩm cái gì cậu không nghe được. Lúc đó tụi bộ đội qua lại trước công viên đông lắm. Ông ta nhìn tụi nó cười khinh miệt, rồi thò tay vào túi quần rút ra một khẩu Colt 12. Ông cúi nhìn khẩu súng Colt, mặt thản nhiên. Rồi ông ta đưa súng lên nhìn vào họng súng. Miệng vẫn giữ cái cười khinh miệt…
Ngữ không nín cười được, nhưng không muốn phá câu chuyện đang hồi hào hứng, nên nháy mắt gọi Nam:
- Nam ra trước anh nhờ một chút.
Nam hiểu, đi theo anh ra sân trước. Ngữ mở khóa xe Honda, nói với em gái:
- Mình vừa đi vừa nói chuyện.
Nam không nói gì, phụ anh đẩy chiếc xe gắn máy ra khỏi cổng, rồi đi chậm bên anh. Ngữ hỏi:
- Tường nó về, em tính sao?
Nam suy nghĩ một lúc, mới đáp, giọng buồn buồn:
- Em cũng chẳng biết tính sao nữa. Để gặp anh ấy rồi hãy hay. Tất cả đều tùy ở anh ấy.
- Sao vậy? Tùy ở em chứ!
- Dạ, cũng tùy ở em. Nhưng em tính thế nào là tùy anh ấy. Em sợ.
- Sợ cái gì? Dù sao…
- Em sợ gặp một người lạ.
Ngữ cố đoán xem Nam muốn nói gì. Nam giải thích thêm:
- Hồi Mậu Thân anh ấy về, thú thực với anh là em thất vọng. Em chưa nói tới cái chết của ba. Chỉ mới nói tới lần anh ấy ghé thăm nhà mình. Nói sao cho đúng nhỉ? Cảm giác em lúc đó lạ lắm. Như có cái gì hụt hẫng. Hai năm trời xa nhau, em nhớ anh ấy qua một hình ảnh khác hẳn. Nhớ lúc anh ấy lên micro nói chuyện với đám học sinh sinh viên chuẩn bị xuống đường. Nhớ lúc anh ấy bị đả thương nằm một chỗ nhưng mắt lúc nào cũng rực lửa. Nhớ những chuyện riêng tư… giữa hai đứa. Hai năm sau anh ấy về em thấy anh ấy nhỏ hơn. Em bị hụt như vừa mất một chỗ tưởng là có thể dựa vào được, vừa mất một bóng mát… Đại khái như thế, em không diễn tả hết được. Anh hiểu!
- Ừ, anh hiểu.
- Cho nên bây giờ em lại càng sợ gặp anh ấy. Em sợ lại bị hụt hẫng thêm lần nữa.
Ngữ cố an ủi em:
- Nhưng bây giờ hoàn cảnh hoàn toàn khác. Họ đã về đây rồi, đàng nào mình cũng phải sống dưới chế độ của họ. Tường nó có thể giúp cho em có đời sống ổn định. Chẳng lẽ em cứ sống như lâu nay hoài. Em còn trẻ.
Nam nói:
- Ba mươi bốn tuổi rồi anh. Quá nửa đời người, đời em coi như xong. Em chỉ còn sống cho con.
- Ba mươi bốn tuổi mà em nói như bà cụ sáu mươi. Em nghĩ tới con. Ừ, cứ tạm cho như thế đi. Thúy nó cũng cần một người cha.
Nam im lặng không trả lời, chỉ cắm cúi bước chậm bên Ngữ. Một lúc sau, Nam thở dài, nói:
- Thôi, chuyện của em rồi cũng như trăm nghìn chuyện khác mà thôi. Rồi đây đời ai cũng đảo lộn hết, đâu phải chỉ có em. Anh cũng vậy. Anh tính sẽ làm gì?
Đến lượt Ngữ lúng túng:
- Anh chưa dám nghĩ tới. Có thể là tìm một chỗ nào đó về làm ruộng, làm vườn, đào ao nuôi cá. Mai anh sẽ bàn với má. Gia đình mình nên lập nghiệp ở miền Nam, mẹ con anh em nên ở gần nhau để nương tựa nhau. Mình còn có quê hương nào đâu mà về. Anh với Trang chỉ mới có một con, cũng dễ tính!
Nam đột ngột hỏi:
- Sao anh không hỏi em chuyện con Diễm?
Ngữ cố giấu xúc động, lấy giọng bình thường chậm rãi hỏi Nam:
- Em gặp Diễm hôm nào?
- Chiều 29. Tại con đường này. Nó chưa biết gia đình mình thuê nhà ở đây.
- Diễm qua đây làm gì?
- Nó đã ra Phú quốc, di tản theo đài Mẹ Việt Nam. Ra tới đảo, tội nghiệp, nó lộn trở về Sài gòn rước ba mạ đi luôn, nhưng bị kẹt lại. Chiều 29 nó tính qua trại Cửu long tìm tàu, nhưng bị Quân cảnh chận hết lại, không cho ai qua cầu. Em gặp nó nằm khóc trên chiếc xe Simca. Con nó còn ở Phú quốc, không biết sau đó ai đem thằng nhỏ đi. Anh Ngữ này!
- Cái gì?
- Từ hồi con Diễm lấy chồng, anh gặp Diễm nhiều không?
- Em hỏi làm gì vậy?
- Thì cứ trả lời em đi.
- Ít lắm. Gặp hôm đám cưới của anh, sau này lâu lâu gặp Diễm tới hiệu trà.
- Anh có nói chuyện với nó nhiều không?
- Ít thôi. Tại vì…
- Chị Trang ghen, em biết. Thằng Thuận là con của anh đấy!
Ngữ ngơ ngác hỏi:
- Thuận nào?
- Thằng con của Diễm tên Thuận.
Ngữ dừng lại nhìn Nam đăm đăm. Ánh đèn đường soi vào mặt Nam. Ngữ thấy em gái nghiêm chỉnh, mắt nhìn thẳng vào anh. Nam nói thật sao? Sự thật như thế sao? Ngữ nuốt nước bọt để dằn xúc động, hỏi nhỏ:
- Diễm nói với em như vậy à?
- Dạ.
- Lúc nào?
- Lúc nó đến thăm em để hỏi tin anh, như em đã kể anh nghe hôm trước.
- Sao hôm trước em không cho anh biết?
- Biết để làm gì?
- Hiện giờ Diễm ở đâu?
- Tối 29 nó về nhà. Bác Bỗng thuê nhà ở Khánh hội. Anh biết địa chỉ không?
- Không.
- Chị Trang biết. À, hình như con Quế cũng biết. Con Quế thật là quá quắt. Ai đời con nhà người ta đang sống dở chết dở vì đi không được, vì lo con bỏ lại ngoài đảo không biết đi với ai, con Quế cứ đề nghị hùn hạp buôn bán tỉnh queo. Em phải la, nó mới chịu để cho con Diễm yên. Thật tội nghiệp cho nó.
Ngữ muốn được một mình suy nghĩ về chuyện Nam kể, một mình dò xét đo lường lòng mình, nên bảo em:
- Thôi, để chiều mai mình nói chuyện tiếp. Anh phải về không ông bà cụ đợi cơm. Em trở lại đi! À này!
- Gì hở anh?
- …Nếu… nếu ngày mai Tường về trên nhà, anh có nên đưa Tường xuống đây ngay không? Nhất là chiều mai đại gia đình mình sum họp đông đủ…
Nam hốt hoảng nói:
- Khoan đã anh! Anh cứ tin cho em hay, em sẽ lên gặp ảnh trước.
° ° °
Ngữ e ngại dắt xe vào hiệu trà vì chàng về trễ cả tiếng đồng hồ. Chàng định sẽ đem chuyện viên sĩ quan cảnh sát tự tử ra kể để biện hộ cho cái tội về trễ, mong ước chuyện thương tâm và bi thảm ấy làm vừa lòng mọi người: một vở bi kịch hào tráng cho ông Thanh Tuyến, một chuyện tò mò cho bà Thanh Tuyến, và một chuyện thương tâm cho vợ.
Mọi dự đoán của Ngữ đều không đúng. Không khí trong nhà quả có nặng nề buồn bã, nhưng không phải lóng ngóng chờ Ngữ về ăn cơm. Không có mâm cơm đậy lồng bàn nguội lạnh. Không có cảnh Quỳnh Trang đứng ở cửa chờ chồng. Trong nhà đủ mặt mọi người, mỗi người ở một chỗ không ai nói gì với ai.
Thằng Bình hồn nhiên mừng rỡ khi được cha trao quà bà nội gửi cho cháu: hai thỏi chocolat đậu phụng bọc giấy bạc và một hộp nho khô, tất cả đều là hàng PX Mỹ.
Quỳnh Trang quên hỏi chồng đã ăn cơm chưa, quên cả cật vấn vì sao về trễ. Nàng bảo Ngữ vào phòng, nói nhỏ:
- Anh Tường có về hồi chiều.
- Thật à? Nó… anh ấy đâu?
- Ảnh về cơ quan, mai mới dọn đồ về đây luôn.
- Anh ấy ra sao? Có biết anh cũng ở đây không?
- Biết. Ảnh cũng muốn gặp anh. Anh ấy ốm và già dễ sợ. Me khóc.
- Có nghe… nó… có nghe anh ấy nói thằng Ngô cũng về đây không?
- Em có hỏi. Bộ ba ngự lâm pháo thủ mà, em quên sao được! Anh Tường nói anh Ngô công tác ở Hà nội.
- “Công tác ở Hà nội”, em nói đúng giọng Cách mạng.
- Thì anh Tường nói vậy, em lập lại.
- Thầy có mừng không?
- Mừng. Nhưng…
- Sao anh thấy không khí lặng lẽ vậy? Có chuyện gì?
Quỳnh Trang hạ giọng vừa đủ cho Ngữ nghe:
- Mới về thầy với anh Tường đã cãi nhau, y như hồi xưa.
- Có chuyện đó à? Vì sao?
- Ảnh thấy nhà còn bừa bãi những máy móc, hỏi máy gì thế. Khi biết thầy mở trung tâm sản xuất băng nhạc, mặt ảnh sa sầm lại. Ảnh cầm một cuộn băng thầy còn để trong hộp giấy chưa dẹp, lật qua lật lại nhìn hình ca sĩ Nhật Trường mặc đồ lính. Băng có bài “Người hùng trên đỉnh Charlie” đó. Ảnh hỏi thầy làm chi những cuốn băng phản động thế này, ảnh tưởng nhà mình chỉ sống bằng nghề buôn bán trà cà phê ai ngờ thầy còn làm thêm băng nhạc nữa. Thế là thầy nổi giận. Thầy nhắc lại chuyện hồi trước thầy bạt tai ảnh vì ảnh nói hỗn. Me phải khóc can cả hai bên.
Ngữ lắc đầu:
- Mới về đã gay go nhỉ! Nhưng sau ra sao?
- Thầy bỏ đi nằm trong phòng, không ra nữa. Em với mẹ xúm lại hỏi ảnh đủ thứ chuyện. Ảnh đã biết mẹ con Nam đang ở Sài gòn.
- Ảnh có hỏi gì về Nam không?
- Có. Em kể sơ những gì ảnh hỏi. Nhưng ảnh biết gần đủ. Ảnh nói để mai về đây sẽ đi với em xuống thăm Nam.
- Mai má cũng tạ đấy. Má bảo em với con xuống để gia đình đủ mặt. Anh cũng có hỏi Nam nếu Tường về thì mai xuống được không. Nó có vẻ ngại.
- Sao lại ngại. Vợ chồng…
- Theo em thì anh ấy đối với con Nam thế nào?
Quỳnh Trang thú nhận:
- Em cũng không hiểu. Có lẽ ai cũng ngợp vì bất ngờ, chưa tỉnh trí để biết mình phải làm gì. Em cũng rối đầu đây. Mới nghe ảnh nói qua, đã thấy mệt.
- Tường nói gì với em?
- Em hỏi như hoàn cảnh gia đình mình thì Cách mạng vào đời sống sẽ phải thay đổi ra sao? Đường đã thông, trà cà phê từ Buôn mê thuột buôn về phải đóng bao nhiêu thuế, bán lẻ ở đây phải xin thẻ môn bài mới tại cơ quan nào, tiền thuế bao nhiêu? Bạc miền Nam còn xài cho tới bao giờ? Ảnh bảo nhà mình tuy có ảnh theo Cách mạng nhưng không thuộc gia đình tốt vì me với em buôn bán linh tinh…
Ngữ cãi:
- Buôn bán quy mô thế này mà bảo là linh tinh lẻ tẻ à?
Quỳnh Trang cười:
- Ấy, em cũng cãi lại như anh. Hóa ra họ dùng chữ “linh tinh” theo nghĩa khác. “Linh tinh” nghĩa là làm ăn nhếch nhác không theo đúng chính sách Nhà nước. Ảnh nói gia đình mình thuộc “diện có vấn đề”…
- “Diện có vấn đề” là cái quái quỷ gì?
- Em cũng đã bắt ảnh giải thích. Lạ quá, nghe tiếng Việt mà cứ phải nhờ thông ngôn. “Diện có vấn đề” là thành phần những người có nhiều điều khả nghi, cần phải thường xuyên theo dõi, giáo dục…
Ngữ tức giận nói:
- Mình có làm cái gì mà bị xếp như thế!
Giọng Quỳnh Trang đổi ra buồn rầu:
- Tới phiên cả em lẫn me đều giận. Ảnh hỏi tại sao thầy me cho con Như lấy chồng Mỹ. Me nói con gái lớn lên nó thương yêu ai, gặp người đàng hoàng thì nó lấy làm chồng, chứ việc gì phải phân biệt Mỹ hay không Mỹ, da trắng hay da vàng. Me cực lực bênh vực con Như. Em ngồi nghe me nói cười thầm trong bụng, vì nhớ hồi đó me nhất định chống lại việc con Như lấy ông Dale. Anh Tường lúc đó mới phun ra, bảo tụi nằm vùng ở Huế báo cáo vợ chồng con Như là CIA gộc. Ảnh khốn khổ một thời gian vì cái tin độc địa đó.
- Rồi me nói sao?
- Me giận quá, chỉ biết khóc. Em cãi lại, em bảo em biết rõ Dale chỉ là một thanh niên thiện chí, em đem thư con Như cho ảnh xem bảo hai vợ chồng nó hiện nay cũng sống lương thiện bằng mồ hôi của mình, không làm vương làm tướng gì bên Mỹ cả. Ảnh không xem thư, nhưng dặn là đừng cho ai biết con Như có viết thư về.
Ngữ chán nản nói:
- Nó quên là nhà này thuộc “diện có vấn đề” vì có một thằng rể lính ngụy nữa. Hay nó có nói mà em sợ anh buồn, không kể lại.
- Không. Anh ấy không nhắc tên anh.
- Nhưng có nói chung chung.
- Có, khi em hỏi rồi anh có phải bị gì không…
- Nó… anh ấy đáp thế nào?
- Ảnh nói Cách mạng chủ trương hòa giải, khoan hồng. Nay mai sẽ có những thông báo chi tiết hơn về chính sách đối với ngụy quân ngụy quyền.
Ngữ cầm tay vợ, cố nói đùa một câu để quên nỗi lo mới nhen nhúm trong lòng:
- Em bị lụy vì tên ngụy quân này rồi!
Quỳnh Trang dịu dàng nói:
- Miễn có anh bên cạnh, cái gì xảy ra em đều không sợ. Sống thấp thỏm như bao năm nay, em khổ hơn nhiều. Hết chiến tranh rồi, anh quên sao?
Biết Ngữ chưa ăn cơm tối, Quỳnh Trang vội xuống bếp làm một dĩa cơm trứng rán cho chồng. Ngữ hỏi:
- Chiều nay nhà không nấu nướng gì cả à?
Quỳnh Trang đáp:
- Anh Tường về, ai còn tâm trí đâu mà nấu nướng. Ăn xong, anh phụ thầy dọn dẹp để lấy phòng cho anh ấy. Thầy qua ở chung với me. Anh nhớ đừng thắc mắc hỏi thầy cái gì cả. Những chuyện em kể, cũng vờ như không hay biết. Thầy me không muốn anh biết.
Giọng Quỳnh Trang có vẻ lo âu:
- Em không biết ngày mai anh ấy về, anh với anh ấy đối đãi nhau ra sao. Anh thương em thì cái gì cũng nên nhịn anh ấy. Đừng kình cãi nhau như thầy với anh ấy, em ở giữa khó xử lắm.
Ngữ cười, thương vợ quá lo cho mình. Chàng đến sau lưng Quỳnh Trang choàng tay ôm vai vợ, Quỳnh Trang đã chiên xong trứng, quay lại ngửng mặt lên chờ Ngữ hôn. Đúng lúc đó, Ngữ nhớ tới Diễm. Ngữ hôn lên môi Quỳnh Trang tham lam để cố quên những ý nghĩ vừa đến trong đầu. Quỳnh Trang cảm động, khẽ đẩy chồng ra, xoay lưng bưng dĩa cơm chiên đặt vào giữa hai người, cười bảo Ngữ:
- Anh phải lo cho cái bao tử trước đã.
Ngữ muốn nói một câu âu yếm vợ, nhưng ý nghĩ về Diễm cứ lảng vảng không tan. Chàng ngượng với chính mình, nên chỉ hỏi:
- Em không ăn à? Chia đôi dĩa cơm với anh.
- Không. Em ăn rồi.
Ngữ cầm dĩa cơm tới ngồi ở bàn ăn. Quỳnh Trang đi theo ngồi xuống cái ghế bên cạnh Ngữ. Nét mặt nàng hồng lên vì lửa bếp lò, đôi mắt lóng lánh rạo rực sau cái hôn say sưa của Ngữ. Ngữ thấy vợ hạnh phúc hồn nhiên, càng thấy mình có lỗi. Chàng nghĩ nhanh rồi cố xua đuổi ý nghĩ chợt tới. Quỳnh Trang sẽ nghĩ sao nếu biết mình có con với Diễm. Diễm kẹt lại Sài gòn, điều đó chắc chắn Quỳnh Trang đã biết mặc dù mấy ngày nay cả ông bà Thanh Tuyến lẫn nàng không hề hở môi nhắc tới Diễm. Ngữ thật sự hoảng hốt khi nghĩ: “mình phải tìm cách thăm Diễm”. Quỳnh Trang hỏi:
- Anh bị nghẹn hả? Chắc em chiên cơm hơi khô. Uống nước không, em đi lấy cho ly nước đá.
Ngữ gật, giả vờ nghẹn cơm cho vợ khỏi nghi. Có tiếng dép lê nhẹ trên nền nhà. Bà Thanh Tuyến từ trong phòng đi ra chỗ bàn ăn. Ngữ nói:
- Mời me dùng cơm.
Bà Thanh Tuyến ngồi xuống cái ghế Quỳnh Trang vừa bỏ, thân mật hỏi:
- Lãng nó về chắc bác bên nhà mừng lắm?
- Dạ. Má con thật có phúc. Chiều mai bên nhà cúng tạ. Má con mời thầy me…
- Thôi, chiều mai con mang xuống giúp me một ít quà mừng, thầy me bận không xuống được đâu. Mai còn phải dọn dẹp chỗ ăn chỗ ở cho thằng Tường. Nó đã về, Trang cho con biết rồi phải không?
- Dạ.
- Hai anh em không gặp nhau bao nhiêu năm rồi?
Ngữ nhẩm tính, rồi đáp:
- Dạ từ 1966. Gần chín năm. Hồi Tết Mậu Thân, con ở Mang cá, nên chỉ có Nam với bên nhà con gặp thôi.
Bà Thanh Tuyến thấy Ngữ nhắc tới Nam, vội hỏi:
- Nó đã biết tin chưa?
- Dạ đã biết Tường… anh Tường về Sài gòn, nhưng chưa biết là đã về thăm nhà. Để chiều mai, nếu cần sáng mai con xuống cho em nó hay. Bà Thanh Tuyến rụt rè do dự thật lâu, mới hỏi:
- Con thấy Nam nó “thế nào” với thằng Tường? Nó… nó có còn thương thằng Tường không?
Ngữ bối rối không biết phải trả lời thế nào cho phải, cho đúng.
Bà Thanh Tuyến nói:
- Hồi trước, me biết nó giận thằng Tường. Me biết chứ. Nó không đi lại với nhà này, không thư từ thăm hỏi. Nhiều lúc me cũng giận, nhưng… nhưng thằng Tường cũng có nhiều điều không phải với con Nam, nó giận là phải. Bây giờ thằng Tường nó về…
Ngữ tò mò cắt lời mẹ vợ:
- Nhưng me thấy Tường thế nào? Mẹ có hỏi anh Tường không?
- Có. Nó biết hết tình cảnh mẹ con con Nam. Nó đi về Sài gòn nhiều lần lắm. Ờ, hồi chiều nó nói ở trong khu nó làm ở cái ban gì mà chuyên theo dõi sách vở báo chí ở Sài gòn. Nó bảo nó đã đọc hai cuốn sách của Ngữ.
Ngữ vừa lo ngại vừa thích thú tò mò, hỏi:
- Ảnh… ảnh nói con viết thế nào?
- Con Trang có hỏi. Nhưng nó không nói. Nó bảo để gặp con sẽ nói kỹ hơn. À, me chưa biết ý con Nam.
Ngữ suy nghĩ rồi mới đáp:
- Nam nó bảo khi anh Tường về thì cho nó biết để nó dẫn con lên thăm.
Bà Thanh Tuyến mừng rỡ nói:
- Như vậy là nó còn thương thằng Tường. Có thế chứ! Đằng nào cũng đã có con cái với nhau. À, con Thúy đã biết ba nó về chưa?
- Hình như Nam giấu không cho cháu Thúy biết. Nếu cháu nó biết, nó đã hỏi con.
Nét mặt bà Thanh Tuyến lại bần thần lo âu. Bà thắc mắc:
- Tại sao lại giấu nhỉ? Trước kia giấu là phải, nhưng bây giờ… Mà thôi. Me mong mọi sự rồi đâu lại vào đó. Cứ gánh lo thì không biết bao nhiêu chuyện đáng lo. Đổi đời rồi, cái gì cũng lạ lẫm.
Quỳnh Trang từ trong phòng đi ra, ngồi ghé bên mẹ, hỏi:
- Me có cần tụi con dọn phòng liền bây giờ không?
- Khỏi cần. Thầy mày đã ngủ rồi. Sáng mai hãy hay. Me đang nói gì nhỉ? À, sáng nay dự lễ thấy nhiều cái lạ quá.
Quỳnh Trang cười, hỏi:
- Sao mới ba bốn giờ khuya đã dựng đầu người ta dậy để đi dự mít- ting nhỉ? Con thấy đó là cái lạ đầu tiên.
- Thì các ông ấy nói làm lễ sớm để cho dân còn về lo lao động sản xuất. Ra tới phường thì họ tách thầy me ra, me đi với các lão bà, thầy là “lão ông yêu nước”. Me không ngạc nhiên vì hồi kháng chiến me đã thấy họ chia nhiều đoàn thể theo tuổi tác, nghề nghiệp, như phụ nữ cứu quốc, thiếu nhi cứu quốc, thanh niên cứu quốc… Nhưng xuống tới chỗ làm lễ thì mới thấy cái gì cũng quá khác hồi kháng chiến. Tới giờ rồi me không thấy mấy quan khách đâu hết, nhìn ra trước cũng không thấy ghế ghiếc gì. Rồi mấy ông lớn tới, xếp hàng ra đứng trước khán đài chứ không ngồi. Mấy đứa nhỏ quàng khăn đỏ lên tặng hoa cho quan khách, thế là lễ bắt đầu. Lần lượt hết ông này tới ông khác lên đọc diễn văn, cắm cúi đọc chứ không nói. Cái này lạ nhất, me ngớ ra không hiểu: đang đọc, mấy ổng dừng lại, kẹp tờ diễn văn vào nách rồi vỗ tay. Dưới này thấy ổng vỗ tay cũng vỗ tay theo. Me lấy làm lạ, hỏi bà bạn ngồi bên cạnh: “Quái, cái ông này thật vô duyên. Mình văn hay chữ tốt hay ăn nói hùng biện thì để cho người nào họ thích họ phục họ vỗ tay tán thưởng. Đằng này tự mình vỗ tay khen mình là thế nào?”
Dân Nam mình ai cũng ngớ ra, lao xao hỏi nhau chuyện lạ lùng đó. Về sau mấy ông cán bộ giải thích: “Đồng chí ấy phát biểu không phải với tư cách cá nhân, mà là thay mặt nhân dân phát biểu. Khi nói, đồng chí ấy nói lên tiếng nói của nhân dân. Còn khi vỗ tay, đồng chí ấy vỗ tay với tư cách cá nhân”. Thật đảo nghịch lộn tùng phèo, không biết đâu mà lần!
Ngữ buột miệng nói:
- Có khi họ ăn tiệc cũng là thay miệng nhân dân để ăn đấy chứ!
Quỳnh Trang cười thích thú, nhưng ngăn ngừa chồng:
- Anh nên bắt đầu cẩn thận lời ăn tiếng nói đi thì vừa.
Bà Thanh Tuyến cũng cười, tiếp lời con gái:
- Phải đó. Chỉ toàn “ngụy” với nhau thì không sao, nhưng có mặt họ, mình phải giữ mồm giữ miệng. Khi chiều, thầy với thằng Tường cãi nhau, chỉ vì vậy!
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương