Số lần đọc/download: 11215 / 79
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Chương 33
K
hi Giang tấn Hỉ về rồi,một lát sau có Đại sư Vạn Linh đến bảo Lưu Yến Ngọc :
- Tiểu thơ hãy làm ơn qua phòng tôi cắt hộ cái áo.
Lưu Yến Ngọc nói :
- Nếu đại sư muốn may áo, xin hãy đem vào đây chúng tôi cắt may cho tiện hơn
Vạn Linh nói:
- Vì tôi cần may ba cái áo rộng một lượt nên phải mời tiểu thơ qua đó mới cắt được.
Lưu Yến Ngọc vâng lời, vội khóa cửa lại rồi cùng Giang Tam Tẩu qua phòng Vạn Linh. Khi hai người qua cắt xong thì ở nán lại may luôn cùng các sư cho xong.
Nguyên trong chùa này có một người ở đậu tên Tăng Thất, tuổi độ sáu mươi. Lão ta có một người con trai tên Tăng Lễ, tánh ham mê cờ bạc, nên không chăm chú đến việc làm ăn. Cha con trú ngụ tại chùa này đã năm năm nay, lão Tăng Thất cũng cố an phận tu thân khổ hạnh, nhưng từ ngày có Lưu Yến Ngọc đến, Tăng Thất dòm lén theo kẹt cửa thấy trong rương Lưu Yến Ngọc có trên năm lượng bạc, lão ta động lòng tham bèn đi rèn một cái chìa khóa cửa. Sau khi theo dõi một thời gian, lão ta còn biết Giang Tam Tẩu dấu chìa khóa rương dưới đầu giường, nên khi hai người đi cắt giùm áo cho Đại sư Vạn Linh, thì Tăng Thất lén đến mở trộm cửa phòng rồi lấy chiếc chìa khóa dưới chiếu, mở rương tóm thâu hết cả đồ trang sức, đoạn bước ra khóa cửa phòng lại như cũ .
Tăng Thất lấy của đem về cho Tăng Lễ và bảo hãy đem vốn này làm ăn chớ đừng cờ bạc nữa. Sau đó Tăng Thất trở lại chùa, lên giường giả đò ngủ.
Lưu Yến Ngọc cùng Giang Tam Tầu ở lại phòng Đại sư Vạn Linh may áo, mãi đến mặt trời mọc lên cao hơn con sào mới xong. Hai người bước về phòng, Giang Tam Tẩu bước đến bưng chiếc rương để trên bàn đặng trống chỗ nằm ngủ, chẳng dè khi bưng lên bà cảm thấy chiếc rương nhẹ bổng, bà thất kinh la lên:
- Thôi rồi! Bao nhiêu đồ đạc trong rương này bị mất hết!
Lưu Yến Ngọc nghe nói không tin, nàng thản nhiên nói:
- Cửa phòng vẫn còn khóa y nguyên, làm sao đồ trong rương lại mất được?
Lưu Yến Ngọc vừa nói, vừa lấy chìa khóa mở ra, chiếc rương trống không. Giang Tam Tẩu hoảng hốt la lên :
- Trời ơi! Kẻ bất lương nào đã lén vào dây lấy cắp đồ đạc của chúng tôi! Cả thảy có hơn sáu bảy trăm lượng bạc! Ôi ! như vầy là nó giết chết chúng tôi rồi !
Lúc ấy các sư ở ngoài nghe tiếng kêu la lật đật chạy vào hỏi. Lưu Yến Ngọc chỉ chiếc rương trống cho các sư xem và nói:
- Hồi sáng đến giờ, chúng tôi bận sang bên phòng đại sư may áo, chẳng biết quân bất lương nào nó đến mở khóa lấy hết của cải tôi có trên bảy trăm lượng rồi trở ra khóa lại y như cũ.
Giang Tam Tẩu cũng than trời kêu đất, rên siết:
- Việc này chắc chắn là kẻ trộm trong nhà chứ không phải ai lọt vào đây cả; vì chìa khóa tôi dấu dưới chiếu mà biết được lấy ra mở rương.
Các sư ngạc nhiên đồng nói:
- Lâu nay chốn này có ai vào đây được đâu, còn chúng tôi đây là kẻ tu hành, làm gì có chuyện gian giảo như vậy.
Lúc nãy giờ Đại sư Vạn Linh đứng im lặng ra vẻ suy nghĩ. Đại sư nói:
- Thế thường kẻ trộm vào phòng thì nó rinh hết cả rương đi, đời nào đóng khóa kỹ lưỡng như vậy sao. Hay là lúc tiểu thơ ra đi một cách hấp tấp nên quên đồ tư trang ở nhà chăng?
Giang Tam Tẩu nói:
- Hôm trước tiểu thơ tôi có mở rương cho các sư xem, trong rương ấy rất nhiều đồ trang sức giá đáng sáu bảy trăm lượng . Lúc ấy tất cả các sư đều trông thấy cả, sao bây giờ đại sư lại bảo như vậy? Thôi, việc này quả là người trong chùa ăn trộm chứ chẳng có ai vào đây hết.
Đại sư Vạn Linh nói:
- Hôm nay tất cả chúng tôi đều ở trong nhà cả, chính tiểu thơ và mụ biết rõ, làm sao chúng tôi hiễu rõ được chuyện này, chẳng qua là tôi phỏng đoán như vậy thôi.
Lúc ấy, Lưu Yến Ngọc tiếc của đau lòng xót dạ ngồi khóc tỉ tê, còn Giang Tam Tẩu kêu la một hồi mỏi miệng không thèm nói nữa, chỉ lầm bầm chửi rủa đứa gian tham.
Trọn ngày hôm ấy, hai người đều bỏ cơm, cháo. Lưu Yến Ngọc nói với Giang Tam Tẩu:
- Bây giờ của đã mất rồi, dầu có nói gì cũng không thể hoàn lại được. Việc rủi ra này chẳng qua là do số ta khổ cực cam chịu vậy cho xong.
Giang tam Tẩu nói:
- Thật tức quá! Mới ra khỏi cửa có một chút mà nó đã vào lấy hết của tiền thì bảo nín sao được. Tôi phải trù rủa cho thấu trời mới được.
Nói rồi bà ta ngồi trong góc phòng trù rủa cho đến canh hai mới chịu tắt đèn an giấc.
Sáng ngày thức dậy. Giang Tam Tẩu vẫn rủa chửi không thôi. Lúc ấy, Đại sư Vạn Linh biết Lưu Yến Ngọc đã hết sạch tiền của rồi, lại thấy Giang Tam Tẩu
chửi rủa náo động trong chùa thì lấy làm khó chịu. Lão chạy xuống gằn giọng bảo :
- Nếu tôi không nói ra thì các người bảo tôi là kẻ ngu si không biết gì. Tôi bảo cho biết đời nào kẻ trộm mà có lương tâm. Hễ hắn vào nhà thì đồ gì cũng quơ hết không sót lại bao giờ. Hơn nữa hôm qua đây các khóa đều còn nguyên vẹn cả mà bảo là bị mất trộm là nghĩa gì? Ta Thấy rõ ràng các người đã đem giấu hết đồ đạc rồi vu oan giá họa cho chùa phải không? Thôi, cả thảy chúng tôi đây đều là người khổ hạnh, mỗi ngày chỉ dùng hai bữa tương rau, nếu các người không bằng lòng ở đây thì cứ đi tìm chỗ nào khác tử tế hơn mà ở, chứ cần chi phải làm náo động lên như vậy?
Giang tam Tẩu Nghe nói tức mình quá, bà toan cãi lại thì Lưu Yến Ngọc vội nắm tay bà kéo vào phòng, kề tai nói nhỏ:
- Những người xuất gia nếu là kẻ chân tu hiền từ bằng ngược lại thì hiểm độc lắm, thôi mụ hãy nhịn đi chớ nên cãi cọ làm gì. Nếu họ sanh lòng thù oán hận mách với phu nhơn thí chúng ta biết tìm nơi nào dung thân cho được.
Giang Tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ đã nói vậy, tôi phải bấm gan ráng chịu, chứ thật ra tôi tức lắm, thế nào tôi cũng đi mua vàng bạc hương đèn đem đến trước bàn Phật Tổ cầu mong Phật Tổ xui khiến cho đứa gian xưng tội ra mới nghe.
Cách vài tháng sau, bỗng dưng Tăng Thất phát điên lên. Lão cứ giơ tay tự đánh vả vào mặt mình và luôn mồm la lên:
- Mày quả là một đứa bất lương, mày nhẫn tâm rình lấy trộm hết đồ trang sức của tiểu thơ đem cho con mày bán đi để làm vốn. Rồi đây mày sẽ trông thấy trời phạt hai cha con mày đến mức nào. Mày phải chịu hình phạt khổ cực nhất trần gian, mày sẽ đi khắp mọi nơi hành khất, lượm từng hạt cơm rơi mới có mà ăn.
Lúc ấy tất cả các sư trong chùa mới biết rõ là Lưu Yến Ngọc thật tình có mất đồ trang sức, bắt Tăng Thất đem đến cho Tăng Lễ, bảo hắn phải tìm thầy chạy thuốc chữa bệnh cho cha. Sau đó quả nhiên Tăng Lễ cờ bạc thua sạch không còn một xu, hai cha con phải dắt nhau đi xin.
Khi Đại sư Vạn Linh trông thấy Lưu Yến Ngọc bị mất hết của tiền thì muốn đuổi ra khỏi chùa, nhưng không có một lý do nào, lão hành hạ hai người bằng cách bắt làm mọi việc trong chùa khổ sở vô cùng.
Lưu Yến NGọc và Giang Tam Tẩu cố gắng làm lụng nhưng cũng không vừa lòng lão ác tăng kia, thường ngày còn bị tiếng nặng tiếng nhẹ khó chịu. Nhưng Lưu Yến Ngọc cố gắng chiều lụy đủ điều, dù có khổ mấy nàng vẫn không nản chí, miễn nàng giữ trọn chữ trinh để chờ Hoàng Phủ Công Tử là nàng thỏa mãn.
Trong hoàn cảnh khổ cực ấy, nhờ có Giang tấn Hỉ lâu lâu có mang đến chút ít tiền bạc tiêu xài tằn tiện qua ngày. Lưu Yến Ngọc cố dành dụm ít tiền cho Đại sư Vạn Linh để cho người bớt hành hạ, nhưng mỗi lần cống hiến tiền bạc thì lão nới tay, bằng vắng tiền đi thì lão khắc nghiệt. LưuYến Ngọc đã bán hết áo quần đến nay không còn một vật chi đáng giá.
Nhắc lại Lưu Hoàng Hậu từ khi kết duyên cùng vua Thành Tôn đến nay đã bảy năm trường mới thọ thai được tám tháng. Vua Thành Tôn vui mừng khôn xiết, chẳng may số phần Lưu Hoàng hậu đã mãn nên sanh bịnh băng huyết phải tiểu sản nằm liệt giường, các quan thái y ngày đêm săn sóc thuốc thang liền liền, nhưng bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng . Hôm ấy, Lưu Hoàng hậu cảm thấy bệnh mình thùy nguy, bèn sai thị nữ đi mời vua Thành Tôn đến và nói:
- Tôi bạc phước nên chẳng may lâm bệnh nhơ bẩn này, xin bệ hạ chớ nên đến gần làm chi, nhưng tôi có một điều muốn tỏ cùng bệ hạ trước khi nhắm mắt lìa trần, song chẳng biết bệ hạ có vui lòng nghe không?
Vua Thành Tôn rơi lụy nói:
- Có điều chi Hoàng hậu cứ nói thẳng ra.
Lưu Hoàng hậu nói:
- Năm nay thiếp đã hai mươi ba tuổi, được hân hạnh ân ái cùng bệ hạ bảy năm trường, làm mẫu nghi trong thiên hạ, dẫu nay thần thiếp có thác đi cũng thỏa tấm lòng, nhưng ngặt vì bệ hạ chưa có hoàng tử để sau này nối nghiệp đế vương, hơn nữa Hoàng Thái hậu năm nay đã sắp đến kỳ đại thọ. Vậy sau khi thần thiếp nhắm mắt rồi, bệ hạ nên lập tức chọn lấy một gái hiền để lập lên Hoàng hậu. Còn thân phụ của thiếp vốn con nhà võ tướng nên không rành về lễ nghi, người lại quá già nua thường hay lẫn lộn, nếu người có rủi phạm tội chi xin bệ hạ hãy vì linh hồn thiếp mà xá tội cho người và cho về quê sống đời dân dã. Được như vậy, linh hồn của thần thiếp dưới suối vàng mang ơn bệ hạ vô cùng, nghuyện theo phò bệ hạ để sớm sanh con rồng chắp nối ngôi trời giữ an bá tánh.
Vua Thành Tôn nghe bấy nhiêu lời, đôi dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Vua sụt sùi nói:
- Nay Hoàng hậu chỉ vì việc sinh sản phải thọ bịnh như vậy, ấy chẳng qua do phần phước của trẫm không có nên Hoàng hậu mới bị lụy. Vậy nếu sau này có bề gì thì trẫm nguyện bảo bọc người thân của Hoàng hậu chứ không bao giờ dám quên những lời căn dặn của Hoàng hậu.
Vua Thành Tôn nói dứt lời, lui ra trở về chánh cung điện. Qua đến canh ba hôm ấy, Hoàng hậu trút hơi thở cuối cùng. Vua Thành Tôn cùng Hoàng Thái hậu thương xót vô cùng, bèn truyền cho quan Lễ bộ lấy theo lễ Hoàng hậu mà mai táng trọng thể.
Năm ấy Hoàng Thái hậu đã năm mươi sáu tuổi, vì quá thương xót cái chết của Hoàng hậu nân lâm bệnh nặng. Vua Thành Tôn triệu thái y vào bốc thuốc tận lực. Các Thái y thấy Hoàng thái hậu tuổi già nên hiệp nhau bốc thang “ông nguyên có bổn” cho uống.
Nguyên thang “ông nguyên” này cốt lấy vị nhơn sâm làm gốc, thành thử làm hại Thái hậu uống quá nhiều nhơn sâm sanh chứng no hơi, không ăn uống gì được, mặt mày nóng bừng, mệt thở chẳng ra hơi, nằm liệt giường không dậy nổi, khi tỉnh, khi mê. Thái hậu thấy bịnh thùy nguy mới triệu vua Thành Tôn đến dặn:
- Trước kia, nhà Tống chỉ vì ham tửu sắc, nghe lời gian nịnh nên giang san nhà Tống mới vào tay ta. Vậy khi ta chết rồi, con hãy cố gắng ngày đêm chăm chỉ việc triều chánh, hãy tuân theo ý kiến hay của các bậc lão thần để trị nước chăn dân. Hãy tu thân tích đức, biết thương dân nghèo, giữ an bờ cõi; nếu làm bậc đế vương mà độc tài gian ác thì ngày sau lâm đại nạn, có cầu khẩn đến đâu cũng vô ích. Mấy lời ta trối dạy, con hãy khắc cốt ghi tâm thì ta có chết đi cũng vui lòng hả dạ.
Vua Thành Tôn nghe mấy lời Thái hậu liền khóc róng rồi kiếm lời an ủi.
Thái hậu nói tiếp:
- Hiện giờ trong bụng ta chướng lên tức tối lắm, ta biết khó bề thoát khỏi tử thần, con chớ nên đặt hy vọng làm gì vô ích .
Nói rồi Thái hậu nhắm mắt nằm mê, khiến vua Thành Tôn đau xót vô cùng. Vua lui ra ngồi chong đèn bấm trán suy nghĩ tìm phương cứu chữa cho thích đáng.
Sáng hôm ấy, vua lâm triều, sau khi văn võ bá quan triều bái tung hô xong, vua Thành Tôn phán:
- Thái hậu thọ bịnh đã bảy hôm nay, các quan thái y hết sức chữa chuyên nhưng bịnh tình mỗi ngày một trầm trọng. Nay lòng trẫm vô cùng rối loạn không biết toan liệu lẽ nào. Vậy chư khanh có biết thầy nào hay hãy tiến cữ giùm cho trẫm, may ra chữa được bịnh tình Thái hậu thì ơn ấy trẫm nguyện không quên.
Các quan văn võ nghe lời vua phán, ai nấy đều nghĩ:
“ Các thái y trong triều đều là những bậc danh y mà không chữa được bịnh Thái hậu, thì biết tìm ai?”
Nghĩ vậy nên các quan đều lấy mắt nhìn nhau đứng làm thinh lẳng lặng Vua Thành Tôn nóng lòng hỏi tiếp luôn mấy lượt, xảy có quan tã Thừa tướng là Lương Giám bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này rất nóng lòng về bịnh tình của Thái hậu, muốn tiến cử một người may ra có thể chữa được bịnh.
Một tia hy vọng thoáng lên, vua Thành Tôn cả mừng hỏi phăng:
- Chẳng hay người khanh muốn tiến cử chữa bịnh ấy là ai, hãy nói nhanh ra cho trẫm biết kẻo trẫm nóng lòng lắm.
Lương Giám tâu:
- Hạ thần xin tiến cử Trạng nguyên Lệ Quân Ngọc, vì từ khi Trạng nguyên vào làm rể hạ thần đến nay đã từng chữa bịnh cho nhiều người, bất cứ bịnh nặng đến đâu, Trạng nguyên cũng đều chữa khỏi. Hạ thần xét thấy Trạng nguyên làu thông y học nên mới dám cả gan tiến cử, mong bệ hạ chấp thuận.
Vua Thành Tôn ngạc nhiên nói:
- Thì ra quan Trạng nguyên Lệ Quân Ngọc cũng biết làm thuốc nữa sao? Thật tình trẫm chẳng có ý nghi ngại chi, Nhưng trẫm thiết nghĩ Trạng nguyên Lệ Quân Ngọc tuổi còn trẻ mà đã có theo đòi kinh sử lào thông đến thế thì thử hỏi còn thì giờ đâu nghiên cứu đến khoa y học?
Lương Giám tâu:
- Trong lúc Thái hậu đang lâm bịnh thùy nguy, hạ thần đâu dám tâu dối trá, xin bệ hạ hãy dùng Lệ Quân Ngọc chuyên trị thử xem sao.
Vua Thành Tôn còn đang lưỡng lự, bỗng có quan hữu Thừa tướng Kỳ Thạch Đức bước ra quì tâu:
- Muôn tậu bệ hạ, Lương Thừa tướng là bậc lão thành thì đời nào lại tâu lên điều chẳng thiệt. Hơn nữa xét ra Lệ Quân Ngọc là người cần mẫn lại chín chắn, hạ thần tưởng không đến nổi sơ thất đâu, xin bệ hạ hảy y lời cho vào chẩn mạch đầu thang thử xem.
Vua Thành Tôn y tấu liền bảo Lương Giám về triệu Trạng nguyên Lệ Quân Ngọc vào triều. Lương Giám phụng mạng lui ra, lên kiệu đi thẳng về phủ, thuật lại câu chuyện cho Lệ Minh Đường nghe và bảo Lệ Minh Đường phải mau mau vào cung chẩn mạch cho Thái hậu.
Lệ Minh Đường nghe qua, còn đang suy nghĩ chưa biết nên quyết định ra sao thì Tố Hoa đã bước ra nói:
- Thưa thân phụ, việc này thân phụ tiến cử như vậy không nên đâu, vì năm nay Thái hậu tuổi đã gần giáp lục tuần, tinh thần suy kém, thậm chí những Thái y trong triều toàn là danh y tuyển chọn cả mà còn không chữa được thay, huống chi phu quân còn tài năng có là bao mà dám cả gan vào chửa trị, quả là làm một việc múa rìu qua mắt thợ. Hơn nữa bịnh của Thái hậu đang thụy nguy, nếu chữa mạnh được thì chẳng nói chi, bằng có bề chi thì tánh mạng phu quân con e khó mà bảo toàn, chi bằng đừng đi là hơn.
Cảnh Phu nhơn cũng không bằng lòng nên ứng tiếng phụ hoạ:
- Sao phu quân lại đa sự thế? Việc đã vô phương, cả triều đình không ai dám đứng ra gánh vác, sao phu quân lại đưa hiền tế ta vào chốn hiểm nguy như vậy?
Lương Giám nói:
- Nếu là chỗ bằng hữu lâm bịnh thì ta không lo làm gì cho nhọc trí, song đây là nghĩa chúa tôi, không lẽ vua đang lo buồn đau xót mà ta lại bàng quan tọa thị sao đành! Hơn nữa theo ta biết thì hiền tế ta làm điều chi cũng cẩn thận chín chắn thì việc chữa bịnh cho Thái hậu không đến nỗi thất bại đâu.
Lệ Minh Đường nói:
- Xin nhạc mẫu hãy an tâm, để con vào đó chẩn mạch thử xem, nếu liệu bề chữa được thì con chữa, bằng không thì thôi chớ có can chi đâu mà ngại.
Lệ minh đường nói dứt lời, liền bảo nữ tì lấy áo mão ra mặc vào, rồi lên kiệu theo Lương Giám đi thẳng vào triều.
Đến cửa Ngọ môn, Lệ Minh Đường dừng lại, Lương Giám vào trước quì tâu:
- Tâu bệ hạ, hạ thần đã vời Lệ Quân Ngọc đến, hiện còn đang đứng chờ lịnh ngoài Ngọ môn.
Vua Thành Tôn liền truyền chỉ cho Lệ Quân Ngọc vào và phán:
- Khanh hãy vỉ trẫm mà hết lòng chữa trị bịnh tình cho Thái hậu, nếu khanh chữa khỏi bịnh này, trẫm sẽ trọng thưởng.
Lệ Minh Đường tâu:
- Hạ thần nguyện gia hết tâm lực trong việc chữa bịnh cho Thái hậu, xin bệ hạ hãy cho phép hạ thần vào cung chuẩn mạch rồi sẽ liệu phương
Vua Thành Tôn y lời, truyền bãi chầu rồi dắt Lệ Quân Ngọc vào cung.
Lúc ấy trong cung có tám vị Thái y danh tiếng đang hiệp nhau bàn về việc thuốc men, xảy thấy vua đến liền kéo nhau ra nghinh tiếp. Vua bảo tám vị Thái y theo mình đến chỗ Thái hậu nằm rồi truyền vén màn lên cho Lệ Minh Đưòng chẩn mạch.
Lệ Linh Đường nắm tay Thái hậu chẩn mạch hồi lâu rồi tâu:
- Xin bệ hạ hãy cho phép hạ thần được xem dung nhan của Thái hậu để đoán bịnh mới chắc chắn được.
Vua bèn truyền vén hết màn lên và đem đèn đến cho sáng tỏ để Lệ Minh Đường xem hình xét sắc cho tường tận.
Lệ Minh Đường trông thấy Thái hậu nằm thiêm thiếp, song sắc mặt còn sậm, đôi môi còn tươi tắn, liền đặt tay lên trán sờ xem rồi tâu:
- Bịnh này tuy là trầm trọng, nhưng nếu bệ hạ cho phép hạ thần được hốt trong ba thang thì có thể bịnh giảm được sáu bảy phần mười vậy.
Vua Thành Tôn nghe Lệ Minh Đường nói tự tất, trong lòng bán tín bán nghi. Vua phán:
- Nếu khanh hết lòng chuyên chữa cho Thái hậu khỏi được thì trẫm sẽ trọng thưởng và mang ơn muôn đời.
Lệ Minh Đường nghĩ thầm :
« Thái hậu thân thể hãy còn tráng kiện, chỉ vì quá đau buồn vì cái chết của Hoàng hậu nên sanh bệnh mà các quan Thái y không biết, cứ cho uống sâm thang cho nên đã không công hiệu còn mang hại nữa ».
Nghĩ vậy, Lệ Minh Đường đầu thang « phát tán dược phương » dâng lên cho vua xem.
Vua Thành Tôn xem qua thất kinh nói :
- Thái hậu đã già khí lực suy yếu làm sao chịu nổi thang thuốc phát tán này ? Trẫm cứ tưởng người già nua thì cần phải dùng đến thang « Ôn nguyên cố bổn »mới được, sao khanh lại đầu thang như vậy, trẫm lo ngại quá !
Lệ Minh Đường tâu :
- Tậu bệ hạ, nguyên Thái hậu không phải lâm đại bịnh, nhưng uống phải nhiều sâm quá nên nhiệt khí nó lừng lên, thành thử trong người nóng nảy, bứt rứt, mệt thở no hơi. Vậy bây giờ cần phải phát tán nhiệt khí đi, rồi sau sẽ dùng triêu thực phương thang bồi bổ trở lại khiên cho cơ thể được ôn hòa. Lúc bấy giờ mới có thể dùng thể dùng thang ôn bổ để cho bình phục như xưa. Xin bệ hạ chớ lo ngại, hạ thần quyết không đến nỗi sơ thất đâu.
Vua Thành Tôn nói :
- Lời khanh luận tuy phải, nhưng dầu sao trẫm chẳng an lònh. Vậy để trẫm đem cái toa này cho các quan Thái y xét lại xem họ có ý kiến gì cho biết.
Lệ Minh Đường tâu :
- Chẳng phải hạ thần dám chê các quan Thái y, nhưng vì các quan hiểu lầm, nên cả thảy đều cho bịnh Thái hậu thuộc về loại hư nhược, hạ thần chắc chắn họ đã lầm như vậy thì không bao giờ dám bằng lòng cho Thái hậu dùng toa thuốc này. Vậy xin bệ hạ hãy tự quyết đoán lấy hay hơn và có như vậy mới khỏi hỏng việc.
Vua Thành Tôn nói :
- Căn cứ vào ý kiến của một người thì sợ lầm đi chăng, vậy cần phải phối hợp nhiều người mới có thể quyết đoán được.
Vua Thành Tôn nói dứt lời liền truyền nội giám đem toa thuốc của Lệ Minh Đường ra ngoài đặng hội ý cùng các quan Thái y.
Khi các quan Thái y xem qua toa thuốc ấy, ai nấy đều le lưỡi lắc đầu, nói nhỏ với Lệ Minh Đường.
- Chỉ vì quan Trạng còn nhỏ tuổi nên mới hốt toa thuốc này
Nói rồi quay qua bảo nội giám :
- Xin nội giám hãy vào tâu với thiên tử rằng chúng tôi chỉ biết Thái hậu tuổi già chỉ cần nên dùng thang « Ông nguyên cố bổn »mà thôi, còn cái thang phát tán của quan Trạng này chúng tôi không dám bàn đấn. Nếu bệ hạ có dùng đến toa thuốc này thì chúng tôi không chịu trách nhiệm.
Lệ Minh Đường nghe các quan Thái y nói, trong bụng cười thầm :
« Thế thì những Thái y này không hiểu mạch lý gì hết, dùng những bọn thầy thuốc này thật vô cùng nguy hiểm »
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường nói bằng giọng tự tất :
- Theo thiển ý của tôi thì toa thuốc này không đến nỗi sai lầm đâu, nếu Thái hậu uống vào có bề chi, tôi đây xin đứng ra chịu trách nhiệm tất cả.
Các quan nghe nói đều nghĩ thầm :
« Người ta là một vị Trạng nguyên trong tòa Hàn Lâm, lại là rể quí của quan Thừa tướng nữa, ta bài bác không có lợi, thôi ta cứ lơ đi là hay hơn »
Các quan nghĩ vậy nên không ai kích bác cả, chỉ có mấy ông Thái y già bước ra nói với Lệ Minh Đường :
- Quan Trạng đã quyết chịu hoàn toàn trách nhiệm thì chúng tôi đây không can dự đến nữa, nhưng chúng tôi khuyên quan Trạng hãy suy nghĩ lại vì Thái hậu nay đã già rồi, tưởng ngoài thang « Ôn nguyên cố bổn » ra, không nên dùng thang nào khác nữa, có hại đấy.
Lệ Minh Đường vẫn tự tất :
- Tôi chắc thang thuốc phát tán của tôi đây mà uống vào, làm gì cũng công hiệu.
Nói rồi liền theo nội giám vào cung hầu lịnh của vua Thành Tôn.
Đến nơi, nội giám đem những lời nghị luận của các Thái y tâu lên cho vua rõ, vua Thàn Tôn nghe qua trong lòng càng lưỡng lự hơn nữa, không biết nên quyết định thế nào cho phải. Lệ Minh Đường thấy thế vội quì tâu :
- Bịnh tình của Thái hậu trầm trọng như vậy là do dùng thang « Ôn nguyên cố bổn » quá nhiều, nay hạn thần dốc hết lòng trung, chẳng muốn Thái hậu phải bị mai một vì dùng lầm thuốc. Hạ thần kê cứu phương thang này đã suy nghĩ kỹ càng quyết không thể lầm lẫn được, xin bệ hạ dùng đi, nếu có bề gì thì hạ thần sẽ chịu hình phạt theo quân pháp.
Vua Thành Tôn thấy Lệ Minh Đường quả quyết như vậy, lại thấy bọn Thái y kia chữa không mạnh mà bịnh mỗi ngày một thùy nguy nên cắn răng quyết định.
Vua phán :
- Trẫm cũng thừa hiểu khanh lâu nay làm việc gì cũng cẩn thận, vậy bây giờ trẫm tin theo lời khanh nạp dụng toa thuốc này.
Nói rồi vua thành Tôn bảo nội giám đưa Lệ Minh Đường vào phòng thuốc để chọn thuốc tốt hốt cho đúng cân lượng.
Trong lúc ấy có nội giám vào báo :
- Các quan Thái y không ai công nhận toa thuốc ấy cả nên hiện giờ họ đều xin cáo thối hết.
Vua Thành Tôn liền chuẩn y lời xin, cho phép các Thái y đều lui ra. Một lát sau, Lệ Minh Đường hốt thuốc xong đem ra dâng lên, vuaThành Tôn phán
- Đêm nay khanh phải ở ngũ trong cung đây để phòng khi Thái hậu có bề gì kịp thời ứng phó.
Phán rồi bảo nội giám đưa Lệ Minh Đường vào nội các an nghỉ, rồi hối nội giám sắc thuốc cho chóng để Thái hậu dùng.
Lời Bình :
- Ở đây, vị Đại sư Vạn Linh là một trường hợp điển hình . Cho hay những kẻ chân tu không phải sớm kinh tối kệ mới gọi là tu. Vì vậy thánh nhân có nói : « Tâm hành từ thiện hà tu nỗ lực khán kinh ». Câu nói này thật là chí lý. Một khi ta biết làm lành tránh dữ, đừng đi ngược lại lòng từ bi hỉ xả của đức Phật, tức là ta đã đạt được một kết quả nào trong đạo pháp rồi, cho nên có câu
« Phật tại tâm »là thế !
Kẻ còn đang mê muội ngoài đời, họ không thấy gì cao hơn tiền tài danh vọng, họ không thấy gì rộng hơn bản thân là lẽ đương nhiên, ta không nên phiền trách, mà chỉ thương hại cho họ thôi. Duy chỉ có kẻ âm mưu giẫm chân lên đạo đức của nhà Phật để tác oai tác quái thì thật là đáng tội. Những hạng này liệt vào hạng bất trị, dù cho có giáo hóa bao nhiêu cũng vô ích