Remember that great love and great achievements involve great risk.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tòa Dinh Thự
ì là chuyện thật cả nên đây không phải tôi viết truyện ngắn, và “Tòa dinh thự”, đặt tên như vậy nhưng là tôi kể về dượng Nguyễn chồng của dì Út tôi, mà dượng tôi thì cố nhiên là chẳng tư dinh với biệt thự gì. Quê dượng tôi Cà Mau, ông sống trong đó, biền biệt xa tắp, một căn nhà lá giữa miệt vườn, và ông chỉ có một thân một mình. Dì tôi mất lâu rồi.
Dì tôi thực tên là Diễm và dĩ nhiên dì người Bắc nói giọng Bắc, mà không biết rằng hồi nào, chắc là từ khi dì có dượng, ở nhà mọi người chuyển qua kêu dì Út, theo thứ bậc anh chị em. Dì dượng tôi thành hôn năm 61, tôi nhớ như thế và cả còn nhớ là lễ cưới làm ở nhà Trăm Hoa dốc Bà Triệu. Nhưng nhớ là nhớ vậy thôi. Người dì, và nói chung cái thuở xa vời trước chiến tranh ấy đã rất mờ trong ký ức tôi.
Tuổi trẻ của dì tôi chỉ để lại mấy bức ảnh trong cuốn an bom gia đình. Dì tôi áo dài, vành nón nghiêng nghiêng, một cô gái Hà Thành là lượt, điều điệu, dạo xe đạp trên khúc đường vắng bên Bờ Hồ. Và dì tôi ngày tốt nghiệp lẫn trong đám đông bạn học đứng dàn hàng chụp ảnh trước cổng trường Y. Ảnh cưới của dì thì chỉ còn duy nhất một bức. Cô dâu bận áo cánh, tóc tết đuôi sam, bồng bó lay-ơn, mủm mỉm cười bẽn lẽn. Chú rể áo đại cán, hàm đại úy, vóc dáng cứng cỏi, gầy và cao, tóc húi thật ngắn thật gọn, quân dung tươi tỉnh nhưng mà nghiêm trang, không cười. Dì dượng tôi song song bên nhau trước tấm phông có dán hình những bông hoa và những ngôi sao cùng câu khẩu hiệu của hôn lễ thời đó: Vui duyên mới không quên… Một bức ảnh cưới giản đơn, lành hiền, hơi tức cười, mà không hiểu sao, có lẽ do bụi thời gian, cứ khi nhìn thấy lại thấy se lòng.
Hồi đó, sau ngày cưới, dì tôi vẫn sống với ông bà ngoại tôi ở Hàng Khay, dượng vẫn đơn vị đóng tận chân Ba Vì. Mãi dì mới xin ngược được biên chế lên Sơn Tây lại vừa khi dượng phải chuyển binh vào Khu Bốn. Là mẹ kể thế chứ tôi thì chẳng biết chẳng nhớ. Lúc bấy còn nhỏ không mấy để tâm họ hàng, với lại mỗi nhà mỗi phố ít gặp được dì dượng. Nhất là dượng. Chỉ những dịp cúng tất niên hay giỗ chạp, toàn gia họp mặt mới thấy có dượng, mà cũng lần có lần không.
Bây giờ nhắc lại chuyện xưa, mẹ tôi và các cậu các bác đều những điều tốt đẹp nhất kể về dượng Nguyễn. Thế nhưng, bằng vào những gì bản thân biết về dượng, tôi đồ rằng hồi đó giữa ông với gia đình bên vợ tình cảm chắc chẳng phải là mật thiết lắm lắm. Rất quí hóa rất nể vì, song hẳn là mọi người cũng ngài ngại dượng, không chừng cả sờ sợ nữa, tôi nghĩ thế. Bởi vì cho đến trước khi có dượng về làm rể, gia đình họ mạc bên mẹ tôi dì tôi không ai nhà binh, tất thảy đều thâm căn cố hữu dân trí thức, thành phần và lập trường tiểu tư sản. Dượng Nguyễn trái lại. Luôn luôn ông tề chỉnh quân phục, bốn sao một vạch ve áo, và mỗi bước đi là lộp cộp giày đinh. Cương nghị, ít nói, mà đã nói thì từng lời một đều làm rắn thêm lên vẻ cương nghị tính lập trường.
Lần chót tôi gặp dượng ở Hà Nội là vào dịp liên hoan mừng anh Vị con trai bác cả được sang Liên Xô. Hồi bấy giờ xuất ngoại du học vừa là vinh dự lớn lao vừa sự may mắn cực kỳ. Cả nhà sướng vui họp mặt tiễn anh. Dượng Nguyễn trên đường công tác cũng tranh thủ ghé qua. Nhưng, hôm đó, đã xong xuôi mấy lời chúc mừng, ông dượng tôi trái với lệ thường ít nói lại đã tiếp tục nói nữa và dường như là ông đi lạc đề. Tự dưng ông chuyển qua chuyện thời cuộc. Giữa cuộc vui như vậy mà ông đưa ra tin dữ, dẫu là dự báo nhưng đầy quả quyết, rằng sắp tới đây Đế quốc Mỹ sẽ tổng lực đổ quân vào nước mình, chiến tranh ác liệt qui mô lớn sẽ bùng nổ trên toàn khắp hai miền đất nước. Ông lại còn nói thế này, Tổ Quốc lâm nguy mà bản thân vẫn ở tuyến sau tự thấy hổ thẹn vô cùng. Rõ là ông chẳng khéo gì cả. Đành rằng đi Liên Xô học cũng là đi chiến đấu vệ quốc, nhưng ông phát biểu vậy thì toàn gia, nhất là anh Vị tôi và bác cả tôi vẫn tránh sao khỏi mếch lòng.
Bữa đó dượng Nguyễn chỉ chung vui được một lát. Tạm biệt, bắt tay suốt lượt người lớn, trước khi trở ra chiếc xe quân sự đang đợi dưới đường, dượng có lời chào chung tất cả cánh trẻ trong họ tộc: “Hẹn gặp mấy cháu trên tuyến đầu chống Mỹ!”. Nghe sững cả người.
Dượng Nguyễn đi, xa biệt từ đấy. Năm đấy những người được chọn đi Bê vẫn đang ra đi trong bí mật. Khác với khi dì Út tôi đi, càng khác với lượt tôi đi. Dì tôi lên đường năm 68, theo ngạch dân chính. Em tôi, thằng Thới Bình mới sáu tuổi đầu, dì để nó lại cậy nhờ ông bà ngoại. Từ biệt gia đình, dì khóc, và không nói là ra đi theo tiếng gọi non sông mà bảo là vào Nam với chồng. Dì đi rồi, hai năm sau tới tôi. Ban đầu là tân binh một đơn vị đi Bê ngắn lẽ ra tôi vào Đường 9, nhưng tới Cự Nẫm lại được điều sang đoàn khác, vượt Trường Sơn đi Bê dài, vào miền Đông. Dường như là ông trời đã cố ý sắp đặt một sự kỳ ngộ.
Bữa đó đang xó rừng hậu cứ nằm bẹp chịu trận một cơn sốt, tôi được tiểu đoàn trưởng Bân đội mưa rẽ vào thăm tận võng. “Cậu là cháu ông Tư Minh mà sao không báo cáo hả!”, chưa gì, anh nạt luôn. Tôi đớ ra. Trung đoàn trưởng Tư Minh dù chưa thấy mặt nhưng lính nào mà chẳng biết danh, song thằng tôi cháu chắt gì ông? Mà anh Bân thì vội. Anh dúi tôi một cái bịch bọc lá chuối. “Thư bên trong! Thủ trưởng gửi, cậu viết trả lời rồi chuyển tớ, mai kia lên E bộ họp tớ trao tận tay ông ấy cho!”, anh nói có vậy, rồi đi. Trong bịch, kèm lạng thuốc lào là một tờ giấy sổ tay gấp tư. “Dượng Ba đây, chào mừng cháu…”. Lử khử sốt rét nên một lúc tôi mới hiểu dượng Ba đây tức là dượng Nguyễn đây, bởi tên của dượng theo cách Nam Bộ là Ba Nguyễn, và cán bộ trung cao cấp khi vào Bê dùng bí danh, Ba Nguyễn thành Tư Minh. Có nghĩa rằng, thằng mình đây là cháu yêu ông trung đoàn trưởng!
Lá thư cực ngắn. Dòng đầu, dượng chào mừng tôi đã có mặt trên tuyến đầu chống Mỹ. Tiếp theo, ông chúc tôi nỗ lực phấn đấu, noi gương đồng chí đồng đội chiến đấu kiên cường dũng cảm xứng đáng với truyền thống của trung đoàn. Rồi ông chào quyết thắng, không hề một chữ hứa hẹn sự dượng cháu gặp gỡ. Nhưng dù gì thì tôi vẫn rất mừng. Lập tức viết trả lời. Vắn tắt hỏi thăm sức khỏe dượng và kể sơ tin tức gia đình, rồi, như thể đôi dòng tái bút, tôi rón rén kêu khổ với dượng. Đại khái tôi than rằng bị dập thương, tai với mũi cứ máu chảy ri rỉ, và sốt cách nhật mãi chẳng dứt, chóng mặt mắt mờ, vân vân này nọ. Viết xong, dán kín, tôi nhờ liên lạc chuyển gấp lên anh Bân lá thư ấy. Và lẳng lặng tôi chờ. Nhưng, mùa mưa qua đi, mùa khô tới, rồi lại đằng đẵng mùa mưa. Ấy là thời sau Mậu Thân. Trung đoàn phải tản thưa ra từng phân đội nhỏ chiến đấu trên địa bàn trải rộng, giãn cách giữa các đơn vị rất xa. Anh Bân thì sau lần đó gặp ở hậu cứ không bao giờ tôi còn gặp lại, anh hy sinh đầu mùa khô năm 71. Lá thư tôi nhờ liên lạc chuyển lên anh liệu anh đã kịp trao cho dượng Nguyễn chưa, tôi không biết. Mà tôi cũng đã dứt điểm quên đi lá thư ấy.
Mãi cận ngày mở màn chiến dịch 72 tôi mới lại được thư của dượng. Không phải thư tay mà thư theo đường quân bưu gửi tới hòm thư đại đội. Bấy giờ đồng chí Tư Minh đã là Sư đoàn phó. Thư của ông vẫn vậy, kiệm chữ tối đa, kín bưng tình riêng. Cũng một mảnh giấy gấp tư kèm trong gói bưu kiện. Trong đó ngoài lạng thuốc lào còn có hai cuốn sách: Sống Như Anh và Đất Rừng Phương Nam. Tôi viết trả lời. Vì thư dượng khô khan, như trên huấn thị lính, nên thư tôi cũng thế, như lính báo cáo trên, song thực tình là tôi hồ hởi phấn khởi. Vì rằng dượng còn nhớ đến tôi, chí ít vẫn biết tôi đang là lính ở đại đội nào trong Sư đoàn.
Kết thúc chiến dịch, tôi lại nhận tiếp được bức thư nữa từ Sư bộ. Không hẳn là thư, chỉ là một lời dặn ghi trên vỏ cây thuốc lá Quân tiếp vụ: cháu xẻ đều chia anh em cùng hút mừng thắng lợi. Kể như là từ đó giữa tôi và dượng Nguyễn đã thực sự có mối liên hệ. Nhưng chỉ thế thôi, những bức thư ngắn ngủi đôi dòng. Trong suốt chừng bấy năm trời lửa đạn sống nay chết mai, cùng một Sư đoàn, mà hai dượng cháu chỉ thế.
Là tư lệnh phó, rồi sau nữa là tư lệnh, không một đơn vị nào trong Sư mà dượng tôi chưa trực tiếp xuống, kiểm tra đôn đốc và thăm hỏi lính tráng. Ngoại trừ đại đội tôi. Hoặc nói cho đúng thì cũng đã vài lần ông xuống thăm chúng tôi nhưng mà lần nào cũng nhằm khi thằng cháu ông đang nhiệm vụ đột xuất không có mặt ở đơn vị. Buồn, song tôi không oán. Tôi nhất trí với thái độ xa cách ấy của dượng. Là chỉ huy Sư đoàn mà dượng lại tình riêng để lộ ra, thiên vị, nâng đỡ, bao bọc tôi, đứa cháu của ông, thì ông còn chỉ huy ai, và hơn nữa, còn là người cán bộ cách mạng, còn là người cộng sản cái nỗi gì? Thời nay ngẫm lại tự thấy kỳ khôi, nhưng thời đó, ấy là đạo lý chiến trường đương nhiên trong nhận thức của mọi người, đâu riêng gì tôi.
* * *
Phải tới khi thái bình đã được hơn ba tháng, dượng Nguyễn mới để tôi được gặp. Thời gian đó tôi đang ở trại an dưỡng của Quân đoàn đợi ngày xuất ngũ ra Bắc.
Dượng cho xe đến rước. Một chiếc Zeep với tài xế là hẳn một ông thiếu úy. Tôi xin phép bác sĩ rồi rủ Tân và Nghị hai tay cùng buồng lên xe đi thăm thủ trưởng Tư Minh, dượng tao. Dượng tôi khi đấy đương chức Tư lệnh Ủy ban Quân quản một thành phố lớn, cách trại an dưỡng chừng ba chục cây số.
Gió lộng, nắng vàng, trời trong, quốc lộ rộng thênh. Tay thiếu úy cầm lái rất cẩn thận và nói năng rất lễ độ, hết lời ca ngợi ông dượng của tôi. Trong trận mạc thao lược thế nào thì thủ trưởng thế nấy đảm lược trong sự an dân. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt nghiêm minh, quân lệnh như sơn của thủ trưởng, thành phố mới qua một quí đã mọi mặt khuôn phép. Nhưng quyền uy lớn mà chí công vô tư, thủ trưởng mãi mới chịu để cấp dưới bố trí chỗ ở thích hợp với chức vụ và thuận lợi cho hợp lý hóa gia đình. Vợ thủ trưởng bao năm gian khổ rừng sâu hậu cứ mà tận hôm qua thủ trưởng mới cho xe đón về. Hôm nay vợ thủ trưởng làm cơm mừng đoàn tụ, anh ta bảo vậy. “Và mừng nhà mới”, anh ta nói thêm.
Xe qua cầu, vào thành phố, nhưng lướt khỏi vùng trung tâm đông đúc, chạy xa ra mạn ngoài tới một ngả đường râm mát, êm ru, vắng lặng. Dọc hai bên phố đều đều những ngôi nhà không lớn nhưng rất đẹp, cách quãng nhau qua những khu vườn rộng và rợp bóng cây. Xe dừng lại trước cổng của một trong những ngôi nhà ấy. Một tòa biệt thự đặc sệt kiểu dáng thời Tây thuộc. “Ái chà!” - Nghị, ngồi ghế sau nhọn môi huýt gió. “Cứ y như là đường Hoàng Diệu!”.
Lính gác đẩy rộng cánh cổng sắt. Chiếc xe lăn bánh rào rạo qua một mặt sân rộng trải dày lớp sỏi màu trắng ngà, vòng qua bồn hoa, đỗ lại trước những bậc tam cấp đá hoa cương dẫn lên thềm cao của tiền sảnh tòa nhà. Ba thằng tôi ra khỏi xe, dì tôi từ thềm cao bước xuống. Biết là dì mà tôi vẫn sững đi một thoáng. Dì tôi chưa già, thế nhưng đã là người già rồi, một bà má chiến khu, gầy tong teo, xanh mét, tóc hoa râm thưa rụng, khăn rằn, bộ đồ bà ba, dép lốp. Bàn tay dì khô khỏng, sần chai. Dì nắm tay tôi, đưa tôi và các bạn tôi lên nhà. Bàn trà ở ngoài hiên, dưới dàn ti gôn, trông ra xa xa qua vạt rừng dừa thấy mặt sông lấp lánh nắng.
Từ dạo đó Mậu Thân dì đi Bê, tới 75 này, đã tám năm rồi nhỉ, hay là đã hai chục năm, ba chục năm, cả đời người? Dì cháu rưng rưng hàn huyên. Tôi thương dì tôi quá đi. Dì tôi tình nguyện vào Nam với chồng, song chiến trường muôn ngả đâu có chiều ai tình riêng. Dượng tôi Mặt trận B2 mà dì tôi dọc Trường Sơn lại phải rẽ ngang vào Bình Thuận. Trời ơi, núi rừng Khu Sáu! Nông nỗi thế nào mà dì nom ốm thế già thế, tôi lại còn phải ngạc nhiên tự hỏi nữa ư? Nếu có đáng ngạc nhiên thì chỉ cái sự rằng tây Bình Thuận với Đông Nam bộ xa xôi mấy nỗi tại sao dượng Nguyễn binh quyền như thế lại không kéo được vợ về công tác ở gần mình?
Bởi vì rằng ông dượng của tôi cả trong thư từ gửi vợ cũng nhất mực kiên định đặt tổ ấm gia đình và hạnh phúc riêng tư vào trong miền tương lai, bao giờ kháng chiến thành công, bao giờ hòa bình thống nhất. Mà với dì Út tôi, một cán bộ dân y quanh năm suốt tháng chìm sâu tút hút trong gian lao cơ cực không lời tả xiết của vùng hậu cứ Khu 6 thì cái bao giờ dượng Nguyễn hẹn ước ấy nó mờ mịt mút mùa chẳng biết đến bao giờ.
“Thì chính là bây giờ đấy ạ”, Nghị xen ngang vào dòng tâm tình của dì cháu tôi. “Hôm qua góc rừng khe suối phát rẫy đi gùi, hôm nay đình huỳnh dinh thự địa ốc thế này, thật bõ!”, hắn nói và cười. “Vậy nên mới có câu rằng khổ tận cam lai”.
Đến bây giờ lâu quá rồi không còn nhớ rõ ràng chi tiết nhưng đại khái tòa dinh thự đó của dì dượng tôi ngày ấy nó thế nào tôi vẫn hình dung được. Sang trọng, tất nhiên, khỏi bàn, thế nhưng thật ra, so với nơi ăn chốn ở của các đại gia thời nay thì, nói theo ngôn từ hiện đại, nó chưa là cái đinh gì. Ngay quan chức hạng xoàng xoàng như ông bạn Nghị cùng trại an dưỡng với tôi ngày đấy mà bây giờ cơ ngơi cũng bằng mấy. Lấy Nghị ra so là vì vừa mới bữa trước đi dự tiệc tân gia ngôi nhà của hắn bên hồ Trúc Bạch tôi đã được hai vợ chồng mời dạo thăm chiêm ngưỡng suốt lượt các tầng lầu. Khi đấy, nghe vợ Nghị kỹ lưỡng giới thiệu từng căn phòng một, tôi, và hẳn là cả Nghị nữa, không khỏi nhớ tới cái buổi trưa đó hồi xưa năm nảo năm nao ở nhà dì Út. Trưa đó dì cũng đã đưa chúng tôi dạo thăm ngôi nhà, và cũng như thế, dì lần lượt mở từng cánh cửa để ba ông bộ đội mới ở rừng ra ngắm nghía nội thất. Nhớ tới, ngẫm lại hôm ấy mà thấy thương dì, thấy ngậm ngùi, thấy đắng, thấy chát…
Hôm ấy, quá ngọ, đã đói mềm, mới nghe điện thoại reo. Tay cần vụ lên báo cáo là thủ trưởng sắp về tới. Ba đứa tôi theo dì đi vội ra đón. Đoàn xe của dượng đang chầm chậm chạy đến trước cổng. Hai zeep lùn gắn đại liên hộ tống đằng trước đằng sau một chiếc u - oát. Vượt lên trước mọi người, tôi bước nhanh tới, hồi hộp xúc động. Dượng Nguyễn chắc cũng đã thấy tôi. Chiếc u-oát dừng bánh và cửa sau mở ra.
Đúng lúc ấy thì xảy sự.
Từ một chiếc xích lô đang đậu nép nơi lề đường xế trước cổng biệt thự đột ngột một người nào đó bước lao ra, đi nhào tới, thẳng xấn đến chỗ chiếc xe của dượng Nguyễn. Hết hồn. Nhưng, tôi định thần ngay. Đấy chỉ là một bà, bà già, áo dài thâm, nón Huế, và không hề hung khí gì trên tay mà chỉ là mỗi một bên tay bà dắt lôi theo một đứa bé. Chẳng có gì đáng sợ, thế nhưng khác tôi, cánh vệ binh trên hai chiếc zeep với anh lính gác cổng và ông cần vụ vẫn đã phản ứng rất mau lẹ, hành động rất mạnh mẽ, chặn đứng ba bà cháu kia lại, bảo vệ thủ trưởng. Chỉ không giương súng lên thôi còn thì họ làm như thể đang xung trận. Hai đứa bé khóc váng. Một đứa ngã bệt xuống. Bà già la lên kêu trời.
Dượng Nguyễn xô mạnh cửa xe, bước xuống. Vẻ mặt giận dữ biến sắc, nhìn chạm vào tôi mà không thấy tôi, ánh mắt như nảy lửa của ông đẩy tôi lùi ra. Bước tới một bước, ông lên tiếng, chỉ như là hỏi thôi chứ không nạt, nhưng mà tột cùng thịnh nộ: “Mấy đồng chí! Làm cái chuyện gì vậy?”. Đám cận vệ của ông vồi vội nem nép tan dạt ra.
Dượng Nguyễn đi đến đỡ đứa bé ngã ngồi dưới đất lên. Ông chào bà già, ông nói lời tạ lỗi thay cho đám thuộc cấp và ông hỏi han sự tình. Bà già nói giọng Quảng, lại nói rất nhanh, chao chát, nên không ai hiểu. Dượng Nguyễn phải an ủi trấn tĩnh một hồi bà mới kể lể được ngọn ngành hơn. Bà nói con trai bà tả hữu cho ông Thiệu nên phải theo ông Thiệu bỏ của nả mà chạy, nhưng ngôi nhà đây “của cả tui chớ phải đâu của riêng hắn mà mấy ông đoạt”, bà nói. Loạn lạc cấp kỳ, phải tấp về Sài Gòn di tản chiến thuật, ba tháng yên yên rồi thì về lại nhà, nào dè nhà mình mà lính lệ ngáng cửa biểu đây nhà quan. (Lính lệ, tôi nhớ đích xác như thế, bà già đó gọi đám thuộc cấp của dượng tôi như vậy). Bà nói cả tuần bữa mô cũng chực cửa xin gặp ngài đặng tấu trình sự thể, ngặt mấy thầy quyền (bà trỏ đám lính) nhất nhất rằng ngài mắc công chuyện không có trong dinh, rồi xua, rồi lại còn nói đi tìm thằng Mỹ thằng Thiệu mà đòi. Đất đai điền thổ thừa kế từ đời ông đời cha cộng với bao nhiêu mồ hôi nước mắt đời mình, bà nói, nên tui cháy gan đứt ruột. Bữa nay dắt hai đứa cháu tới đây quyết lòng rình phục đợi ngài riết cùng, đặng hỏi cho được một lời rằng: nước đâu đã mất mà sao nhà tui tan?
Bà già gan thấu trời và lý sự mới liều mạng làm sao, người ta có thể nghĩ vậy, song không phải vậy. Bởi dứt câu chất vấn đó, bà òa khóc. Và, thật là không thể nào tin nổi vào mắt mình, tôi thấy bà chắp tay lạy. Ai nấy sững sờ, dượng Nguyễn chắc cũng thế, song ông vẫn kịp đỡ lấy bà già vừa trước lúc bà sụp hẳn xuống quì. Lại phải một hồi dượng Nguyễn dân vận, bà già mới hồi tâm. Bà chầm chậm theo dượng đi qua cổng, qua sân, vào nhà. Dì Út dắt hai đứa bé vào theo. Tôi chẳng thấy đói nữa, Tân và Nghị cũng vậy. Ba đứa lại ngồi trà lá ngoài hiên dưới dàn ti gôn, chờ đợi.
Chừng nửa giờ sau, dượng tôi dì tôi từ trong nhà ra, cõng theo quân tư trang. Dượng tôi ba lô cóc, dì tôi bồng vải dù. Lẳng lặng, chúng tôi đi theo hai người xuống sân, vào chiếc u-oát đang đợi dưới thềm. Tay thiếu úy kính cẩn mở cửa xe rước chúng tôi lên.
“Tôi nhắc lại, nội hôm nay, ngày mai là cùng, các đồng chí phải bàn giao lại nhà cho gia chủ, - dượng Nguyễn bảo - phải bảo đảm đầy đủ, nguyên vẹn, tuyệt đối nghiêm túc, không có được sơ xuất gì thêm nữa để làm ảnh hưởng thêm nữa tới uy tín của chính quyền, rõ chưa”.
Ra lệnh, nhưng mà ông không dằn giọng, chỉ là một giọng nói không vui, một giọng buồn bực. Ngài cần vụ của ông lập tức ưỡn ngực, dập gót, dõng dạc: “Báo cáo, rõ!”.
Chiếc u-oát chạy dọc qua thành phố, đưa chúng tôi tới cư xá sĩ quan nằm bên trong tiểu khu quân sự cũ của tỉnh. Dượng Nguyễn khi về nhậm chức Quân quản đã ở trong cư xá đó. Ông vừa chuyển sang tiêu chuẩn biệt thự được có một tuần. Dì tôi thì chỉ mới hôm trước hôm sau. Bây giờ dượng lại đưa dì trở về chỗ ở ban đầu của ông. Một khoang ba phòng, thông nhau(thời nay gọi là căn hộ khép kín). “Tươm ra phết!”, Tân bình luận. “Ăn hết nhiều ở hết mấy”.
Mặc dù đã dự tính sẽ ở lại qua đêm dạo chơi phố xá mà rồi sau bữa cơm chiều do dì dượng chiêu đãi ở nhà ăn tập thể của cơ quan quân quản, ba thằng chúng tôi xin phép trở về trại. Tôi hứa là sẽ còn đến thăm dì dượng ít nhất một lần nữa trước khi ra Bắc.
Không như lúc đi, lúc về tôi chẳng buồn nhìn cảnh vật bên đường, chẳng thiết trò chuyện. Tân và Nghị thì cả hai thằng suốt dọc đường ngủ gật trên xe. Nhưng đến khuya, đã lên giường, tự dưng Nghị khới chuyện khiến ba thằng thiếu chút nữa thì to tiếng. “Này, theo hai thằng chúng mày thì bà già ấy liệu có nhận lại được ngôi nhà không?”, hắn hỏi thế.
“Nếu đúng là của bà ấy”.
“Tất nhiên là của bà ấy, điên hay sao mà nhận xằng với cách mạng, nhưng dù gì thì con bà ấy cũng đồng đảng cỡ bự của Thiệu Kỳ, cho nên tao chẳng tin là người ta sẽ trả nhà cho bà ấy”.
Tôi ngồi nhỏm dậy nói quát sang giường Nghị: “Mày nói vậy là ý gì, mày không rõ ràng tận mắt thấy dượng tao dì tao đã trả lại ngôi nhà đó rồi à?” “Nghị nó có bảo thủ trưởng Minh không trả đâu mà mày cáu,- Tân lên tiếng - nó chỉ cho rằng tuy ông ấy từ chối tiêu chuẩn, nhưng nhà đã bị tịch thu sung công rồi, khó lòng bà già ấy được nhận lại, mà phần chắc là sẽ một vị nào đó nhà ta thừa cơ chớp lấy… mà cả tao cũng nghĩ vậy đấy”.
“Chúng mày chỉ nghĩ bố láo! - Tôi nổi xung - Không nghe dượng tao ra lệnh à, bàn giao nhà cho bà cụ, quân lệnh như sơn, đứa nào dám nhu nhơ” “Hòa bình rồi, chuyển thời rồi, như sơn cái gì nữa, thuộc hạ nó dạ vâng trước mặt ông ấy thế thôi, anh ngố ạ! Theo tao thì dượng mày cứng cỏi như vậy chỉ khổ dì mày và không khéo mà mang tiếng hữu khuynh, chứ dân tình chả chắc được nhờ - Nghị bảo - Mà thôi, nói nữa thì mày lại cáu.
Tốt nhất hôm nào trở lại đó, mày ghé qua cái biệt thự ấy tự mình mục sở thị xem mệnh lệnh của dượng mày được chấp hành kiểu gì. Tao cược một ăn mười là tao đoán đúng, mày dám cược không?” “Cược gì!”, tôi hét. Nghị không đáp, chỉ cười.
* * *
Nhưng tôi đã lên đường ra Bắc mà không trở lại thăm dì dượng. Cư xử như thế thật chẳng ra sao, không khác nào là tôi giận dỗi trách móc gì đó dì dượng. Mà tôi cũng tự lấy làm lạ. Đành rằng nóng lòng xuất ngũ hồi hương, nhưng sao phải vồi vội như là đánh bài chuồn thế nhỉ? Hay là đúng vậy, mình đã lẳng lặng né ra khỏi lời cá cược với thằng Tân thằng Nghị?
Song cũng chỉ là lăn tăn một chút thế thôi, bởi còn đâu thì giờ với tâm trạng nữa mà nghĩ ngợi. Tàu ra tới Hà Nội, chưa kịp bước xuống sân ga là tôi, cũng như tất tật mọi người, đã ngay lập tức chìm lút đời mình vào trong thời hậu chiến bao cấp. Và rồi triền miên từ đó, trầy trật vật vã trong cuộc sinh nhai thân ai nấy lo tình cảm xếp xó của suốt cái thời buổi khốn khó ấy, tôi hầu như chẳng thư từ với dì dượng. Đất nước thống nhất nhưng bị miếng cơm manh áo ghì níu nên cả mười mấy năm trời đã chẳng thể làm nổi lấy một chuyến Nam tiến vào thăm trong đó. Gia đình dì dượng thế nào tôi chỉ biết sơ qua láng máng gọi là…
Dượng Nguyễn tôi sau thời Quân quản lại trở về với trận mạc. Dự hết chiến dịch này tới chiến dịch khác của cuộc binh đao kéo dài hơn một thập kỷ ở miền Tây Nam, dượng chỉ năm chừng mười họa mới một dịp về qua tổ ấm gia đình. Vẫn là cái căn hộ khép kín hồi nào ấy trong cư xá sĩ quan. Thới Bình, đứa con trai dì dượng gửi lại Hà Nội hồi đi Bê, sau giải phóng vào ở với mẹ. Nhưng chỉ được vài năm. Học xong phổ thông, Bình thi vào trường sĩ quan. Vậy là dì tôi lại quanh năm suốt tháng vò võ đợi chồng ngóng con. Sức khỏe thì ngày một xuống. Là bác sĩ, công tác ở bệnh viện tỉnh, nhưng dì tôi đau yếu từng ngày.
Việc thằng Bình đi học trường sĩ quan, họ hàng nhà tôi ai nấy đều hoan nghênh. Con theo nghiệp bố, mà ông bố thì làm lớn, được sự che chở và nâng đỡ của bố, ông con tất nhiên là sẽ tương lai rộng mở, sẽ tiến bộ vùn vụt. Nhưng mà tôi, nghiệm từ bản thân mình, tôi biết thừa là sẽ chẳng có chuyện đó đâu. Và thực tình tôi không hiểu nổi tại sao dì tôi không cố mà cản chí thằng Bình. Dì có mỗi một mình nó thôi mà, và chắc chắn là dì cũng như tôi, không hão huyền hy vọng gì cái chuyện dượng Nguyễn sẽ điều động con trai về trực tiếp dưới quyền. Tôi thấy thương và lo cho dì, tôi thấy sờ sợ.
Quả nhiên. Dượng Nguyễn tôi, đại tá, cầm quân tiễu trừ bọn Khơ me Đỏ ở tận đẩu đâu tít tắp đất trời phía Tây, còn Thới Bình em tôi, tốt nghiệp trường sĩ quan, quân hàm chuẩn úy, về thăm mẹ, ở được với mẹ một tuần, rồi xuống tàu ra chốt ngoài Biển Đông.
Năm 88, Bình hy sinh ở Gạc Ma. Dì tôi mất cùng trong năm ấy.
Hình như hồi đấy do bận một cái chuyện gì đó rất thiết thân cấp bách nên tôi đã không vào đưa tang dì. Giỗ đầu cũng không vào. Phải khá lâu sau ngày đoạn tang dì, tôi mới có dịp cất công vượt đường xa vào Nam viếng mộ. Nhưng chuyến đi không dẫn tôi trở lại cái thành phố tỉnh lỵ năm xưa tôi đã cùng Tân và Nghị tới thăm dì dượng, mà đưa tôi về xa tắp dưới Cà Mau. Từ thị xã, xuồng máy chở tôi qua bao nhiêu là kênh rạch nhằng nhịt, nửa ngày mới áp được tới bên hông nhà dượng Nguyễn.
Phần mộ dì tôi sau cải táng được đưa về quê chồng. Dì yên nghỉ trong khu vườn sau nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của dượng. Dượng tôi thì đã rời quân ngũ. Đưa vợ về quê rồi ông cũng về vườn luôn, ẩn dật tại quê nhà, một mình ngôi nhà nhỏ cất bên bờ rạch. Sau nhà một lối đi rải xỉ ngang qua vườn cây ăn trái dẫn tới mộ dì tôi.
Ông đại tá về hưu sống cuộc đời cực độ đơn sơ của một người lính già. Cửa nhà trống trải, hầu như không đồ đạc gì. Đồ điện chỉ cái quạt trần và mấy cái bóng đèn. Không tủ lạnh, không ti vi. Thời nay mà ông vẫn nghe tin bằng chiếc National bán dẫn chạy pin trung của thuở ngày xửa ngày xưa chiến trường. Giường có đó, nhưng ông mắc võng ngủ, và dùng bọc võng ngăn muỗi mòng chứ không nằm mùng. Ngủ giường ông đau lưng không chợp mắt được. Chăn đệm màn gối khiến ông mất ngủ. Bàn thờ ở gian giữa cũng rất đơn sơ, bằng tre. Trên bàn thờ có hình vẽ truyền thần thân phụ thân mẫu và người anh trai, người chị gái của ông hy sinh trong kháng Pháp kháng Mỹ. Chân dung của Thới Bình thì ảnh màu, quân phục sĩ quan hải quân. Và một bức hình đen trắng của dì Út tôi. Tuy nhiên, ảnh để bàn thờ mà lại không phải ảnh chân dung chụp riêng dì. Trong tấm hình ấy dì tôi cùng dượng tôi sóng đôi đứng chụp ảnh phía trước một ngôi nhà ba tầng. Và, tôi nhận ra ngay nó, cái tòa biệt thự ấy…
Chắc hẳn, ngày đó, khi dì vừa từ hậu cứ Bình Thuận ra thành phố gặp dượng, một bức ảnh đã được chụp để kỷ niệm phút giây vợ chồng đoàn tụ. Rồi thì kể từ đó dì tôi không có thêm một dịp nào vui nữa để mà chụp ảnh. Rốt cuộc, đấy là bức hình duy nhất của dì mà dượng Nguyễn có, để đưa lên bàn thờ.
Hai ngày dượng cháu bên nhau, phần nhiều là tôi nói, tôi kể. Dượng Nguyễn bình thản, lặng lẽ. Cố nhiên giờ đây dượng là một ông già, đã rất già, nhưng tôi thấy ông chẳng mấy khác so với viên đại úy bộ đội miền Nam tập kết hồi nào, càng không khác ông tư lệnh Quân quản ngày đầu giải phóng. Thành ra chuyện trò thật khó, tôi phải rất gắng tìm ý tìm lời để nói, để bầu không khí hai ngày dượng cháu bên nhau không bị hoàn toàn lặng như tờ. Quá khứ chiến trường thì đã lùi quá xa, vả lại moi ra nhắc hoài rồi cũng cạn. Chuyện thời nay thì dượng cháu lạc xa hẳn nhau, mỗi người mỗi phách…
Hôm rồi tôi tới dự tân gia nhà Nghị, sau tiệc, Nghị giữ tôi lại, hai thằng nhâm nhi với nhau thêm chầu nữa. Bàn rượu kê ngoài ban công tầng ba, trông xuống hồ Trúc Bạch. Chuyện này chuyện kia một hồi, rồi Nghị chuyển qua hỏi thăm về dì tôi và dượng tôi, thủ trưởng Tư Minh. Tôi kể. Sơ qua thôi. Em họ tôi hy sinh ngoài Trường Sa, dì tôi qua đời, dượng tôi về hưu sống một mình ở Cà Mau v.v…
Nghị bảo: “Ông không trở lại đấy, nhưng tôi thì đã nhiều lần trở lại, do công việc thôi chứ không phải vì nhớ vụ cá cược muốn thắng thua với ông đâu nhé, và tôi cũng đã vài dịp vào lại ngôi biệt thự ấy, nom nó khác nhiều, đã tân trang nhiều, màu mè, lố lăng, kệch cỡm, kinh khủng lắm, nhưng vẫn chính là nó.” “Cơ mà dù đã biến thái, xấu xí, dị mọ, nhưng cái biệt thự ấy bây giờ mà ông muốn mua, nếu dùng tiền ta thì ông phải đánh hẳn một GMC để chở mới đặng, nếu tiền địch thì phải một va ly xách trĩu tay”.
“Nhưng, vụ cá cược thì sao?”, tôi hỏi. “Ông đúng hay tôi đúng?”
Nghị không trả lời. Im lặng hồi lâu, hắn nói: “Ông than phiền thủ trưởng Tư Minh là người thủ cựu thái quá, nhưng chúng mình mà không thái quá à? Chúng mình thái quá kiểu ngược lại với dượng của ông. Lắm khi tự ngẫm về bản thân mình, tôi có cảm giác thằng tôi bây giờ với thằng tôi hồi trước 75 có thể đấu tố nhau, đấu tranh giai cấp với nhau, nã súng vào đầu nhau được. Ông mà không thế sao?”
Tôi không nói gì, tôi cười, nhưng tôi ớn lạnh với những lời của Nghị. Hắn khoát tay ra ý thâu tóm tổng quát cơ ngơi nhà cửa mới xây dựng xong của vợ chồng hắn, rồi nói:
“Nhìn lối sống của tôi, của ông, của nói chung thiên hạ bây giờ, khó tin nổi rằng đất nước này từng có một thời mà những người như thủ trưởng Tư Minh là cả ngàn vạn con người”…
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn