People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Doan Bui
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thuận
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2020-10-15 22:03:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33: Người Bạn Pháp
ominique D là một người bạn thời trẻ của cha tôi, một người bạn Pháp. Tôi từng nghe nói nhiều về ông, dù chỉ gặp có một lần trong đời. Cha mẹ tôi có rất ít bạn ở Le Mans. Họ bị mất gốc thêm một lần nữa khi rời khỏi Paris và ngoại ô, cộng đồng hải ngoại, những buổi liên hoan và các cuộc tụ họp của người Việt. Cuộc sống xã hội của họ không giống mấy với các phụ huynh của bọn cùng lớp tôi. Ở nhà chúng tôi, không có các đại dạ hội giữa bạn bè, các buổi nướng thịt trong rừng, hay các bữa khai vị thân tình và bất tận, truyền thống kỳ lạ của người Pháp mà sau này tôi đã khám phá. Chúng tôi sống theo kiểu tự cung tự cấp, co quắp lại với nhau. Nhưng chúng tôi không thấy thế làm phiền. Chúng tôi chẳng cần ai cả.
Từ thời thơ ấu đơn độc đó, tôi còn giữ một thái độ “vụng về” trong cách cư xử với xã hội. Giống như tất cả các thiếu niên khác, tôi mơ được tham gia vào hội nhóm, nhưng tôi không bao giờ được chấp nhận làm thành viên. Cuối cùng tôi chỉ có mỗi niềm say mê là sách vở và đàn dương cầm, những hoạt động đơn độc. Tôi sợ hãi những chốn giao du, căng-tin với những chiếc bàn rộng, những buổi dạ hội hay khiêu vũ, nơi tôi đứng ì một chỗ và quay trước quay sau, câm lặng và đần độn, không biết làm gì với tay chân của mình. Không có nhu cầu nói chuyện, nấp sau một cây đàn. Tóm lại, tôi không hiểu chút gì về vở kịch xã hội.
Trong nhà cha mẹ tôi ở Le Mans, bàn ăn của chúng tôi chỉ tiếp người ngoài một lần duy nhất trong năm: Nhân dịp bữa tối với các đồng nghiệp mà mẹ tôi bày ra những bát đĩa đẹp nhất của gia đình. Lúc ấy, tất cả giống như ở nhà hát: Cha tôi đổi giọng, không gọi mẹ là em[69] mà “chérie”, cha trả lời mẹ bằng tiếng Pháp. Vô tuyến bị tắt, và sự im lặng tang tóc trong nhà khiến chúng tôi phát hoảng. Em trai tôi, các em gái tôi và tôi lẩn vào phòng ngủ rồi treo búp bê Barbie và Ken của chúng tôi ở tay vịn cầu thang. Những người bị treo cổ được coi là có thể đuổi những kẻ lạ mặt – những khách mời người Pháp của cha mẹ tôi.
Dominique D là một huyền thoại với chúng tôi. Một người bạn Pháp! Tại sao cậu con trai của một gia đình quý tộc ấy lại bảo hộ một thanh niên đến từ Sài Gòn? Tại sao cậu ta lại tìm cho chàng trai trẻ gốc Việt đó một căn hộ, dẫn đi nghỉ, gần như nhận làm em nuôi? Cho tới tận hôm nay, tình bạn giữa họ vẫn còn khiến tôi ngạc nhiên.
Qua điện thoại Dominique không tỏ ra bất ngờ khi nghe tôi kể. Như thể ông đã đợi cú điện thoại này từ lâu rồi. Hai ngày sau, tôi đến ga O. Ông ra ga đón tôi. Chúng tôi cùng đi ăn phở trong một quán ăn nhỏ ở trung tâm thành phố.
42
DOMINIQUE
Cháu muốn bác kể về cha cháu. Nhưng làm thế nào để kể về tình bạn? Làm thế nào để kể về bạn của mình? Bác có thể kể cho cháu về những quán cà phê ám khói của khu Latin, những giảng đường đại học, cũng ám khói, về tuổi trẻ quay cuồng trong hơi thuốc lá. Cha cháu thích Gitanes nâu, còn bác thì Gitanes vàng, Dunhill. Và, vừa ngậm một điếu vừa thọc tay vào túi áo, cha cháu và bác đi dạo trên kè sông, mặt đường trơn bóng nước mưa trở thành gương soi dưới chân. Và cả hai lang thang trước những quầy sách cũ, cuối ngày ghé vào rạp xem bất kỳ phim nào. Cha cháu và bác cùng học ở thư viện, cha cháu ép bác phải thuộc tất cả, mà cha cháu thì nói tiếng Pháp rất kém, lúc đầu bác không sao hiểu cha cháu nói gì.
Trên hết, bác có thể kể cho cháu về cái nhìn kinh ngạc của cha cháu đằng sau đôi mắt kính to, vẻ hăng hái trẻ thơ khi cha cháu khám phá cuộc sống, tự do và nước Pháp. Và tất cả những lần đầu tiên của cha cháu. Lần đầu tiên ăn món choucroute, lần đầu tiên ăn ốc sên, lần đầu tiên đi hộp đêm, lần đầu tiên đi với bạn gái. Nụ cười của cha cháu khi nhìn thấy tuyết rơi ở Paris, sự sung sướng khi ngắm những đỉnh nham nhở của rặng Alpes, những rừng thông, những ngọn núi trắng chọc thủng cả mây. Cha cháu đi trượt tuyết với gia đình bác, bác luôn dẫn cha cháu đi nghỉ cùng gia đình, bác sẽ buồn rũ nếu để cha cháu ở lại Paris một mình. Cha cháu như là em ruột của bác vậy. Và bác còn nhớ ở Megève, hay là Courchevel nhỉ? Cha cháu đã đi giày trượt tuyết. Bác đã giúp cha cháu, cha cháu nhăn nhó lúc đầu, rồi phấn khởi, tự tin, và say sưa, cha cháu để thân mình lướt đi, nhanh hơn nữa, luôn luôn nhanh hơn nữa, và cha cháu hét to, cả cha cháu và bác cùng hét như hai kẻ điên, lao thẳng xuống dốc, go, go, go! Bác cũng dẫn cha cháu mùa hè về miền Nam, cảng Grimaud, Saint-Trop, Brigitte Bardot khiến cả khu Madrague phát cuồng. Có người nói rằng nàng tắm tiên ở đấy, những chiếc váy ngắn càng ngày càng ngắn, các thiếu nữ khoe nước da rám nắng, còn cha cháu và bác và cả băng bạn bè nhấm nháp bia trên cảng. Cha cháu ngồi hàng giờ trên ghế, viết và vẽ. Thật là một tài năng! Thằng bạn quý của bác. Bác còn giữ những bức ký họa của cha cháu, bị chinh phục hoàn toàn bởi màu thiên thanh, cha cháu nói với bác: Dominique, miền Nam nước Pháp thật là xanh. Ở Việt Nam, trời không sống động như thế, trời mù hơn vì mưa và ẩm, nhưng ở đây, biển, trời, xanh, rất xanh, chẳng giống xứ tao. Trong tiếng Việt có mỗi một từ xanh để chỉ cả màu xanh lơ lẫn xanh lá cây, lạ nhỉ?
Cháu nói với bác về tha hương và hoài cổ, còn bác, bác chỉ có những kỷ niệm lung linh trong đầu, đương nhiên đó là tuổi trẻ của bác, của cha cháu. Cháu nói với bác về cô đơn, trong khi cha cháu và bác không thể rời nhau, cha cháu ngay lập tức nhập vào nhóm của bác. Cha cháu không tìm bạn giữa các đồng hương, như thể đã qua trang mới. Bác còn nhớ căng-tin của bác và cha cháu, một quán ăn nhỏ gần tòa nhà Maubert – Mutualité, cha cháu sau đó không muốn quay lại, một trụ sở sinh viên gốc Bắc tả khuynh, cha cháu nhăn nhó nói: Tao, tao không hiểu gì hết. Dù sao thì ông nội của cháu cũng là một chính ủy Việt Minh. Sao? Mẹ cháu không hay biết? Không thể như thế! Cha cháu có giấu bác đâu! Bác thì bác rất ấn tượng! Có một người cha Việt Minh, một người tham gia chiến khu, thật lãng mạn. Thế nên bác không sao hiểu được những ngần ngại của cha cháu đối với Hồ Chí Minh. Bác trêu cha cháu, đồ phát xít, dù sao mày cũng không thể bảo vệ lũ đế quốc Mỹ bẩn thỉu ấy, make love, not war, thế nhé Dũng, chế độ Nam Việt Nam không thể bảo vệ được đâu! Ðó là bọn bù nhìn tay sai của Mỹ, mày biết rõ quá rồi! Thời đại lúc đấy nó thế cháu ạ. Tất cả thanh niên xuống đường biểu tình cầm băng-rôn chống chiến tranh Việt Nam. Tất cả đều yêu Joan Baez và Jane Fonda, tất cả đều ngắm hai nàng trên vô tuyến, đang ở Hà Nội, yêu kiều và anh dũng dưới bom đạn, tố cáo Nixon. Thế nên bác không hiểu quan điểm của cha cháu, nhưng cũng chẳng quan trọng, cha cháu là bạn của bác mà.
Sau đó là thời kỳ có bạn gái. Cố nhiên là cháu sẽ nghe bác kể về M, nhưng bác cũng không biết nói gì với cháu. Quan hệ giữa cô ta và cha cháu phức tạp. Cha cháu bao nhiêu lần thử cắt đứt mà không thành. Ông nội cháu mất năm 1970. Ông ấy đã rất buồn về chuyện đó. Rồi, những đứa trẻ ra đời. A và Thomas. Cha cháu nhờ bác làm bố đỡ đầu cho chúng. Tất nhiên là bác đồng ý. Cha cháu không thể sống với M và bỏ trốn. Thật không có lựa chọn nào khác. Những đứa trẻ lớn lên, bác cố hết sức để bảo vệ chúng, mang chúng đi nghỉ. Cháu biết đấy, cha cháu không bao giờ cắt liên lạc với chúng? Cha cháu yêu chúng và thường xuyên nói với bác về chúng, rất khổ tâm về hoàn cảnh ấy. Cha cháu luôn muốn cho các cháu biết sự thật, nhưng cuộc sống đã quyết định khác đi. Cháu phải tới gặp những đứa con riêng của cha cháu. Chúng giống cháu lắm, cháu biết không?
43
PATCHWORK
Cha tôi là ai? Như trong ống kính vạn hoa, những hình ảnh mà tôi đã thu thập được ghép lại cạnh nhau và bức tranh trở nên rối tinh. Càng điều tra, tôi càng không hiểu cha tôi. Ðiều mà tôi từng gán cho cha – tóm tắt trong vài từ (tha hương, hoài cổ, cha của năm đứa con, tai biến) – chập chà chập chờn. Như thể hình ảnh phản chiếu của cha trong gương đã bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, là tổng thể của những trái ngược và những có thể. Người anh trai luôn vắng mặt trong gia đình, cậu con đích tôn yêu dấu, chàng sinh viên, thằng bạn mang lại vận may cho nhóm thanh niên khu Latin, người cha của hai gia đình và hai cuộc đời. Có bao giờ ta biết hết một con người? Dù sao thì con người cũng là phép cộng của những gương mặt, một tấm patchwork to và sặc sỡ mà người thợ dệt kiên trì thêm một mảnh nhung mượt vào chỗ này, một miếng vải xù xì vào chỗ kia. Tôi nhìn thấy mặt nước màu đen, nhưng khi cúi xuống thì đó là miệng của một cái giếng không đáy.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng