He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33 -
ụ đồ Tiết vui thật. Ông già định chính mình sẽ tự tay bắt con chim, song mấy hôm vừa qua người cụ không được khỏe. Giao việc ấy cho con trai, ông cụ cứ canh cánh trong lòng sợ ông Huyền đã lâu ngày không đánh chim sẽ làm hỏng việc. Ông già hơi có chút mê tín, ông cho rằng việc dâng lên Mẫu kỳ này là quan trọng, ông không muốn việc làm từ lúc bắt đầu đã trục trặc.
Hôm sau, thằng Điều nói với ông Huyền:
- Lạ thật chú ạ.
- Gì mà lạ?
- Chuyện đánh chim ấy. Chú cháu mình đi bẫy chim thế mà cũng được người ta chú ý.
- Ai?
- Ông Lý Cỏn.
- Lão ấy bảo sao?
- Lão ấy nói: "Chú mày đánh chim cu cườm giỏi nhỉ. Tao tưởng lão ấy ở tỉnh Nam toàn đồng chiêm, không biết đánh chim gáy".
- Cháu trả lời ra sao? Hơi có chút e ngại trong lời hỏi của ông Huyền.
- Cháu bảo: "Ở xứ ta, đâu chả có chim gáy. Chim gáy có ở khắp nơi. Mà đâu đã có chim là người ta đều biết bắt chim cả.
- Cháu trả lời giỏi lắm. Thế còn ai hỏi nữa?
- Còn một người nữa. Là ai chú có biết không? Là vợ ông lý Cỏn, là bà Váy. Thế mới lạ chứ.
- Thế à! Bà Váy bảo sao?
Thằng Điều nhìn vào mắt ông chú. Nó nhìn đăm đăm rồi nói:
- Bà Váy bảo rằng ngày xưa ở làng Đình cũng có người đánh lưới chim gáy rất giỏi. Bây giờ lại có thêm ông Huyền.
- Thế hả! Thật không ngờ mình chỉ đi bắt chim trời thôi mà người ta cũng để ý.
Có chút tần ngần nào đó trong câu nói của ông Huyền. Điều nói khẽ:
- Ông nói nhà mình bảo rằng thú chơi chim gáy là thú chơi tao nhã của người nhàn rỗi. Chú lại đóng vai là người nghèo khổ lưu lạc nên ông Lý chú ý là phải.
Ông chú bảo cháu:
- Nếu có ai hỏi nữa thì cháu cứ nói rằng ngày xưa, đã có lúc chú tôi làm nghề đi bẫy chim kiếm sống.
o O o
Người Cổ Đình chả mấy khi để chân tay nhàn rỗi. Ngoài việc đồng áng, họ còn kiếm thêm nhờ vào rừng. Ở bên này sông chỉ còn ít vạt rừng và đồi trọc. Còn ở bên kia sông, qua núi Đùng là đến rừng bạt ngàn. Dân vào rửng hái củi, săn bắn, đốn gỗ, lấy mộc nhĩ, nấm hương… Có những việc chuyên nghiệp, nhưng có những việc nhà nào cũng có thể làm được. Việc đào măng là loại việc của mọi nhà. Đến mùa măng, nhà nào cũng tranh thủ vào rừng. Được ít thì để nhà ăn. Được nhiều thì đem bán, hoặc xắt mỏng phơi khô dành kiếm món tiền tiêu tết.
Sắp hết mùa măng rồi. Sáng nay ba bố con chú cháu nhà ông Huyền, mỗi người đeo một cái gùi trên lưng ra đi đào măng từ lúc gà gáy sớm. Phải đi sớm vì còn phải qua sông, và từ bên sông vào đến rừng tre nứa cũng phải đi mất hai tiếng nữa. Qua núi Đùng, Điều và Nhụ khỏe chân hơn nên vượt lên trước rồi biến vào rừng. Thằng Điều tính háo thắng. Nó muốn khoe với Nhụ. Nó bảo rằng sẽ dẫn Nhụ đến một cánh rừng mà măng rất nhiều vì ở đấy đất tốt. Hơi phải đi xa một chút nhưng đào dễ hơn. Ông Huyền bảo: "Các con cứ đi. Chú lấy măng ở khu rừng gần, ít măng nhưng cũng đủ lấy". Cái Nhụ cứ muốn bố cùng đi với hai đứa nó. Thằng Điều kéo phăng nó đi trước rồi bảo:
- Cậu dở hơi hay sao? Ông không theo chúng mình đâu.
- Sao?
- Còn sao nữa? Cậu biết không, ông già còn chờ đấy.
- Chờ ai?
Thằng Điều bảo cái Nhụ ngoái đầu quay lại nhìn. Thì ra ở phía xa xa, bà Váy chị và Váy em cũng đeo gùi vào rừng. Bà Váy chị và bà Váy em đã vượt lên đi ngang ông Huyền. Ông nhanh miệng.
- Chào bà Lý. Hôm nay bác cũng đi đào măng sao?
- Chào ông. Tôi đi hái nấm.
Tôi tưởng nấm phải hái vào mùa xuân chứ ạ? Bà Váy em cười khó hiểu:
- Ông Huyền ở xứ đồng chiêm đến mà cũng thạo về nấm sao?
- Tôi có biết gì về nấm đâu. Chẳng qua có thời phải lưu lạc lên rừng, nghe người ta bảo thế mà.
Bà Váy chị tức bà lý Cỏn, thấy cái giọng nói có vẻ lúng túng của Huyền, vội đỡ lời:
- Đúng là phải vào mùa xuân. Nhưng tôi đi hái nấm trái vụ ông ạ.
Bà Váy em thì cứ nhìn chòng chọc vào khuôn mặt quái gở đầy sẹo của Huyền rồi hỏi với vẻ ráo riết:
- Tôi nghe nói ông đánh chim gáy rất giỏi.
- Giỏi gì đâu. May mà bắt được đấy thôi. Công của thằng cháu tôi tất. Cái thằng Điều nhà tôi khéo léo lắm.
- Con chim gáy làng Già gáy rất hay, ông lý Cỏn cũng đã mấy lần giăng bẫy mà không bắt được. Có phải không chị lý Cỏn. Thế mà ông chỉ giăng bẫy một lần đã bắt được ngay. Xem chừng ông đã đi bẫy chim từ ngày xửa ngày xưa lúc hãy còn bé có phải không?
Ông Huyền một lần nữa lại lúng túng.
- Tôi mới đi bẫy vài lần. Tôi đã nói gặp may mà.
- Gặp may? Ông nói gặp may tôi chả tin.
Vừa nói, bà Váy em vừa cười mỉm. Bà Váy chị phải nhíu mày:
- Sao cô cứ nhiễu sự mãi thế.
Bà Váy em bỗng cười to, định nói gì độ song lại thôi.
Cũng lúc đó họ đến một ngã ba. Váy em bảo:
- Em đi lối này. Còn chị và bác Huyền đi lối kia.
- Sao lại thế - Huyền hỏi.
Bà Váy em trả lời:
- Vì lối đó chị tôi lên mỏ nấm. Ở đó cũng có rừng tre.
- Bà Váy em lại tiếp tục cười nói với chị:
- Chí Lý dẫn bác ấy đi khéo nhá. Kẻo rồi lại lạc lối.
Bà lý Cỏn hình như hơi đỏ mặt. Nhưng rồi hai người cùng tuân theo bà Váy em đi cùng một ngả. Huyền im lặng một lúc lâu mới hỏi:
- Tại sao gọi là mỏ? Nấm mọc trên cây cơ mà.
- Gọi là mỏ vì ở đấy nhiều nấm.
Hình như ông Huyền đã biết bà Váy chị trả lời mình thế nào. Biết nhưng ông cũng cứ hỏi vì ông đang sống lại những kỷ niệm xưa.
- Ở đây có nhiều mỏ nấm làm sao?
- Không, chỉ có một thôi. Chẳng là ông cụ đẻ ra tôi ngày xưa vẫn được người dân gọi là "thần rừng”, bởi vì ông cụ thuộc vùng rừng này như thuộc lòng bàn tay. Lại đi tìm các loại nấm thơm. Nấm hương bán rất được tiền. Cụ mày mò gây được giống nấm hương, cho mọc trên gỗ mục. Không phải trên gỗ nào nhìn thơm cũng mọc được đâu. Nấm hương chỉ mọc trên gỗ sồi, gỗ gie và đặc biệt có một loài cây mà nấm mọc trên đó rất thơm. Thầy tôi gọi tên cây đó là cây côm. Lại phải để gỗ ở một chỗ vừa ẩm vừa mát có tán cây, lại có chút ánh sáng nấm mới mọc. Chỗ ấy thầy tôi chỉ nói cho riêng tôi biết thôi. Thế mới gọi là mỏ nấm.
- Hay nhỉ! - Ông Huyền nói.
Bà Váy nhìn vào mắt ông hỏi:
- Ông chưa nghe chuyện lấy nấm bao giờ ư?
- Bây giờ tôi mới nghe lần đầu. Nhưng tôi nghe nói nấm chỉ lấy vào mùa xuân.
- Thầy tôi cũng có cách gây nấm trái mùa. Mọc không nhiều lắm, nhưng cũng lấy được chút ít.
Bỗng nhiên bà thở dài và nói.
- Không hiểu sao mấy đêm nay tôi khó ngủ và cứ thấy thèm ăn canh nấm.
- Sao bà không sai lũ trẻ con đi hái?
- Trong đám con tôi chỉ bảo cho thằng lớn biết mỏ nấm, mà thằng lớn lại lên tỉnh học.
Bà Váy nói đến đây bỗng lặng im, nhìn ông Huyền rồi mới nói tiếp:
- Lạ thật! Mỗi đứa con một tính. Từ đứa thứ hai trở đi, không đứa nào thích rừng. Chỉ riêng thắng lớn khác hẳn....Nó thích vào rừng. Có lẽ nó giống tính ông ngoại nó.
Bà nhìn Huyền và im lặng.
Hai người đã đến một con suối. Huyền vô ý cứ đi trước bà Váy Đến đây ông mới chợt nhớ đến vai trò của mình, ông vội lùi lại sau và hỏi.
- Bà dẫn đường đi. Sắp đến chưa?
Người đàn bà hỏi lại:
- Theo ông thì đã đến chưa?
- Làm sao tôi biết được.
Người đàn bà chợt nhìn thẳng vào mắt ông rồi nói:
- Tài thật! Cứ đi quanh đi quẩn mãi. Thế mà đã đến rồi đó. Mỏ nấm ở bên con suối này. Không hiểu sao chỉ ở gần con suối này nấm thơm mới mọc tất. Ngày xưa thầy tôi cứ chặt những khúc gỗ, băm trên thân gỗ ít nhát dao, rồi giấu chúng ở những nơi nửa tối nửa sáng, ở những chỗ kín đáo gần suối...Sát những cái tai nấm hương lên gỗ. Sau đó, chờ lúc mưa phùn...Thế là được nấm.
Ông Huyền đang rửa tay chân dưới suối, người đàn bà trèo lên một quả núi đá sát đấy, bắc tay gọi ông lên.
Ông hỏi:
- Chỗ ấy nhiều nấm hay sao?
Ông lấy dao phạt cây đại, tạo thành một lối đi dẫn đến chỗ người đàn bà. Ông thấy một tảng đá to cao quá đầu người che khuất một hang đá. Hình như bước chân ông ngần ngừ, nhưng người đàn bà đã dẫn ông vào cửa hang và lại hỏi:
- Ông thấy chỗ này thế nào?
Ông Huyền đưa mắt nhìn cái hang đá rộng chừng ba gian nhà. Nó như một mái che nhô ra. Cửa hang hơi rộng có hai ngách tỏa sang hai bên. Trên trần hang những nhũ đá trắng thả xuống. Hang có chỗ cao, chỗ thấp, chỗ khô, chỗ ẩm. Có cả một vũng nhỏ đầy nước ở một góc hang ông trả lời.
- Hang đẹp lắm
Người đàn bà lúc này, đứng trước mặt ông, nhìn thẳng vào mắt ông và hỏi bằng câu hỏi rất khó hiểu:
- Tôi muốn hỏi nó lạ hay quen?
Ông chưa biết trả lời ra sao thì người đàn bà đã nói:
- Ông lại định chối chứ gì. Thôi ông đừng giả vờ nữa. Nhìn thấy ông, lúc đầu tôi còn ngờ ngợ. Ông định lấy cái khuôn mặt đầy sẹo kia mà giấu nổi tôi sao.
- Kìa bà...bà nói gì vậy?
- Ông là ông Phác. Có đúng không?
- Tôi! Tôi là Huyền. Bà lầm rồi.
- Ai lầm? Tôi lầm hay ông giả vờ quên? Cái hôm cắt cỏ ở núi Đùng, tôi về ngẫm nghĩ và đã nhận ra nửa phần. Ở làng Đình ai là người đánh chim giỏi nhất? Chắc chắn đó là anh hai Phác. Rồi cái mỏ nấm bên bờ suối nữa. Thầy tôi bảo tôi không được nói với ai, trừ phi sau này lấy chồng, đẻ con. Thế mà ngày xưa, tôi đã nói với anh. Lúc đi trong rừng, anh đi trước, anh giả vờ quặt sang chỗ nọ chỗ kia, nhưng cuối cùng anh đã đi đến con suối. Tôi đi đằng sau mặc cho anh giả vờ giả vẫn. Tôi biết, cuối cùng thế nào anh cũng dần tôi đến nơi đó. Quả vậy, một người lạ mới đến làng Đình, hỏi có biết được đường ngang lối dọc trong rừng không? Anh còn chối được nữa không? Hay anh là kẻ bạc tình? Phải, anh đánh lừa tôi từ lúc tôi còn trẻ dại. Anh bảo tôi rằng anh sẽ về, sẽ lấy tôi...Thế mà anh mặc tôi...Anh không về nữa.
Trịnh Huyền càng lúc càng lúng túng. Anh chẳng còn biết nói thế nào cho phải. Còn người đàn bà thì bỗng dưng khóc tức tưởi. Tôi nghĩ mà cực cho thân tôi. Anh là kẻ bạc tình, đúng vậy. Còn cái hang đá này nữa. Ai là người đã dẫn tôi lên đây. Điều này chắc anh cũng quên nốt. Ai là người đã tin tưởng anh, trao cả đời con gái cho anh? Hôm ấy anh đánh được chim ngói. Rồi anh bắt tôi hái nấm, nấu canh cho anh ăn. Anh còn nhớ hay anh đã quên? Người đàn bà lúc này đến sát bên người Trịnh Huyền. Ông đứng đực ra, miệng ông không nói nổi nên lời. Người đàn bà lật mớ tóc bên tai ông, để lộ ra cái tai bị rách. Còn cái tai này nữa. Cái tai này thì chắc rằng anh không thể nào quên. Vì điều này chỉ có anh biết, chỉ có tôi biết. Thế nào? Có phải đúng anh là kẻ bạc tình không?
Huyền không nói một lời, vội ôm lấy người đàn bà đang khóc như mưa như gió bên vai anh. Huyền chỉ còn biết nài.
- Mình ơi! Cho tôi xin. Mình phải hiểu cho tôi. Tôi làm sao quên được chuyện ngày xưa. Nhưng cái số tôi nó phải như thế. Tôi chẳng biết phải làm thế nào để tạ tội với mình...Chắc mình biết, tôi không thể để lộ cho mọi người biết tôi là anh Phác ngày xưa... Còn như với mình tôi chỉ biết xin tạ tội.
- Tạ tội ư? Người đàn bà đa tình kia dễ dung tha thứ cho anh lắm chứ. Bao nhiêu năm làm bà ba của ông lý Cỏn nhưng có khi nào bà quên được những phút đằm thắm của thời con gái. Những phút ấy, chỉ có một người, một người duy nhất có thể đem lại cho bà hạnh phúc. Cái người duy nhất ấy chắc chắn là anh Phác ngày xưa và ông Trịnh Huyền hôm nay. Những phút ân ái đầu đời. Những phút “trải ổ" mà Phác đã nâng niu bà, đã đem lại cho bà những ngọt bùi, mà sau này ông lý Cỏn không thể bao giờ đem lại cho bà được. Càng gần lý Cỏn bà càng nhớ nhung ngày xưa. Lý Cỏn khác hẳn không thể nào so sánh nổi với người đàn ông của bà thời con gái.
Đến hôm nay, hai người sống lại những ngày xưa kỳ diệu ấy. Ở trong hang, ở một góc khô ráo, đã có sẵn một ổ lá rừng. Có thể một kẻ đi rừng nào đó đã làm ra để qua đêm. Trên ccái ổ lá rừng thật êm ấy, hai người bạn tình gần hai chục năm trời xa cách đã gặp lại nhau. Họ trao cho nhau cả mấy chục năm nhớ thương, mấy chục năm buồn tủi, chờ đợi mà họ tưởng như tuyện vọng, chẳng khi nào tìm lại được những bong dáng ngày xưa. Thế mà, lúc này, ngỡ như một giấc mơ kỳ diệu, họ đdang quân quýt lấy nhau. Người đàn bà mới ba mươi lăm tuổi, cái tuổi đẹp đẻ nhất của đời người, cái tuổi của thứ quảchín đến độ, nó ngọt ngào lạ thường. Thứ quả chin mọng, hoặc cũng có thể nói, thứ hoa thơm ngát mãn khai; chỉ có thứ quả ấy, hoa ấy mới có thể biết sẵn sang dâng hiến và đón nhận.
Hổn hển …. đắm đuối … họ bám chặt lấy nhau, cứ như thể sợ lại đánh mất một lần nữa cái thứ quý báu mà mấy chục năm trời qua, số phận đã cướp mất của họ. Song chỉ một lát sau, người đàn ông đã bất giác rùng mình. Hắn không thể làm chủ được mình. Người đàn chợt ngơ ngác:
- Mình làm sao vậy?
Người đàn bà như sợ hãi, có vương chút thất vọng.
- Hay là … hay là …
Gã đàn ông im không trả lời. Người đàn bà thoáng lo lắng, hình như nghĩ đến sự tàn phá của thời gian; Lúc ấy, người đàn ông mới nhủ khẻ vào tai người đàn bà:
- Chẳng sao đâu. Mình cứ yên tâm.
Có lẽ sự đợi chờ dài dặc phải có chút lo lắng như vậy để cho hạnh phúc được trọn vẹn hơn. Có lẻ nỗi nhớ thương đằng đẵng tháng năm đã đoái thương, phù trợ họ, đến bù cho họ, đã ban tặng cho họ những ân sủng them một lần nữa. cái ân sủng nhịp nhàng, ngọt ngào mà họ chưa từng gặp. Đó là tiếng ân ái của những ca^y thạch nhũ rủ từ trên cao xuống, thả những giọt ân tình lên một thứ trống cũng là thạch nhũ trắng toát, để cuối cùng phát ra những âm thanh thoang thoảng ngân nga, giống như như những tiếng thì thầm quyến rũ, những tiếng thì thầm hay những khúc đàn mơ hồ mà họ ước ao chúng đừng bao giờ đứt.
Chợt có một thoảng hương lan tỏa. Phải chăng mùi hương ấy tỏa ra từ người đàn bà đa tình. Hay đó là thứ hương thơm dịu của một cây gỗ nấm nào đó bên bờ suối mà ông thần rừng, người cha của rừng, đã thổi vào hang để chúc phúc cho cô con gái.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn