A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Bản Tiếng Anh : Arch Of Triumph 'arc De Triomphe' (1945)
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3045 / 116
Cập nhật: 2017-04-13 11:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32
uộc viễn hành từ Ai Cập” - Seidenbaum, ông tiến sĩ ngữ văn và triết học nói với Ravic và Morozov -... nhưng không có ông Môisê.
Ông ta đứng ở cửa khách sạn International, mảnh khảnh và vàng vọt. Bên ngoài, hai gia đình Stem và Wagner, và anh độc thân Stolz đang chồng chất của cải lên một chiếc xe rơ-moóc mà họ thuê chung với nhau.
Có nhiều thứ bàn ghế tủ giường để ngổn ngang trên vỉa hè trong buổi chiều tháng Tám sáng rực. Một chiếc sofa thiếp vàng bọc vải Aubusson, mấy chiếc ghế đồng bộ với chiếc sofa, và một tấm thảm Aubusson mới tinh. Đó là tài sản của gia đình Stem. Còn có cả một cái bàn gỗ trắc rất lớn. Selma Stem, một thiếu phụ có đôi mắt nhung trên một gương mặt tàn héo, đang đứng trông coi việc chuyên chở như một con gà mái trông nom lũ gà con.
- Coi chừng! Phía trên! Khéo vẹt mặt! Coi chừng! Kìa cẩn thận một chút chứ!
Mặt trên của cái bàn được đánh xi bóng loáng. Đó là một trong những thứ đồ được gia đình coi là thiêng liêng, các bà nội trợ sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ nó, Selma Stem loay hoay quanh cái bàn mà hai anh phu khuân vác đang đưa lên xe với một thái độ hoàn toàn thờ ơ.
Ánh nắng lấp loáng trên mặt bàn. Selma Stern cầm một miếng giẻ lau vội mấy góc bàn. Mặt bà in bóng trên mặt bàn như trên một tấm gương tối xẩm, tưởng chừng như qua các thời đại, một bậc tổ mẫu sống từ ngàn năm trước đang theo dõi hành vi của hậu thế.
Mấy anh phu lại xuất hiện, tay khiêng một cái tủ buýp-phê bằng gỗ trắc. Một người trong bọn quẹo quá đột ngột, thành thử một góc tủ và vào khung cửa khách sạn.
Selma Stem không kêu lấy một tiếng. Bà ngạt thở, bàn tay cầm giẻ giơ cao lên như một dấu chấm than phản kháng, miệng há hốc ra, im lìm trong một tư thế khiến cho người ta có thể tưởng bà chuẩn bị nuốt cục giẻ.
Josef Stem, chồng bà, người lùn và to ngang, đeo mục kỉnh, môi dưới trễ xuống, đến cạnh bà Selma.
- Selma ạ...
Selma cũng chẳng trông thấy ông ta nữa.
- Này, Selma, - Ông nhắc lại với cái giọng ngoại quốc khủng khiếp của ông - giấy nhập cảnh có đây rồi...
- Cái tủ buýp-phê của mẹ...
- Kìa Selma. Chỉ hơi xước một chút. Cái chính là có được giấy nhập cảnh...
- Thế là chết rồi. Cái vết xước kia sẽ còn mãi...
- Thưa bà, - Người phu không hiểu hai vợ chồng nói gì nhưng cũng đoán ra được ý nghĩa những lời họ nói - đã thế thì bà tự khuân lấy. Cửa hẹp như thế không phải lỗi của chúng tôi.
- Cái quân Đức khốn kiếp! - Người phu thứ hai nói.
Josef Stem giật nẩy mình.
- Chúng tôi không phải là quân Đức. Chúng tôi là dân tị nạn.
- Quân tị nạn khôn khiếp!
- Mình thấy chưa Selma? - Stem quay sang phía vợ nói - Bây giờ ta biết làm thế nào đây? Mình bao giờ cũng sinh chuyện vì mấy thứ đồ gỗ trắc của mình. Nhà ta rời Coblentz chậm mất bốn tháng cũng chỉ vì mình không chịu rời mấy thứ đó, rồi lại phải trả đến mười tám ngàn marks thuế phụ thu. Bây giờ thì cứ dềnh dàng giữa phố thế này, mà tàu thì có đợi mình đâu?
Ông ta ném một cái nhìn bi thảm về phía Morozov.
- Biết làm thế nào bây giờ? - Ông ta ca thán - Quân Đức khốn kiếp! Quân tị nạn khốn kiếp! Bây giờ mà tôi nói chúng tôi là người Do Thái thì họ lại nói “quân Do Thái khốn kiếp”, thế là hỏng bét hết.
- Cho hắn tiền là xong. - Morozov nói.
- Tiền ư! Hắn sẽ ném vào mặt tôi ấy chứ.
- Ông đừng sợ - Ravic nói - Những người động một chút đã lăng mạ người ta không bao giờ từ chối tiền.
- Tính tôi không thế được. Đã bị chửi rồi lại còn phải trả tiền nữa!
- Những câu chửi chỉ trở thành một sự nhục mạ khi nào nó có tính chất cá nhân - Morozov giảng giải - Còn đây là một câu chửi tập thể. Ông hãy quay ngược câu chửi ấy vào hắn bằng cách cho hắn ít tiền uống rượu.
Một nụ cười bừng lên trên gương mặt ông Stem.
- Đúng đấy - Ông ta nói với Morozov - Ông nói có lý!
Ông rút trong túi ra mấy tờ giấy bạc đưa cho hai người phu. Họ khinh khỉnh cầm lấy. Không kém phần khinh khỉnh, Stem đút ví vào túi quần. Hai người phu nhìn nhau, rồi không nói một lời, họ bắt đầu bốc mấy chiếc ghế lên xe rơ-moóc. Cái tủ buýp-phê được đưa lên sau cùng. Trong khi bỏ lên xe, họ tìm cách làm xước thêm một góc nữa. Selma Stem rúm ró cả người lại, nhưng không nói gì. Còn ông chồng thì thậm chí cũng chẳng để ý thấy nữa. Ông đang mải xem lại các thứ giấy tờ.
- Không có gì não nuột hơn là nhìn những thứ bàn ghế để lổng chổng ngoài đường. - Morozov nói.
Anh đưa tay trỏ mớ bàn ghế nhà Wagner. Mấy chiếc ghế, một cái giường có vẻ buồn bã và xấu hổ vì thấy mình nằm giữa vỉa hè. Hai chiếc va-li đầy áo quần. Trên va-li dán dầy những nhãn hiệu khách sạn - Viareggio, Grand Hotel Gandone, Berlin, Hôtel Adlon. Một tấm gương cao hình bầu dục khung thiếp vàng, in bóng cảnh dãy phố. Mấy thứ dụng cụ làm bếp. Người ta có thể băn khoăn không biết họ đưa các thứ này sang Mỹ để làm gì.
Bà Léonie Wagner nói:
- Có mấy người bà con ở Chicago cung cấp phương tiện cho nhà tôi đi. Họ gửi tiền và xin giấy nhập cảnh cho chúng tôi. Giấy nhập cảnh ngắn hạn thôi. Đến khi giấy hết hạn chúng tôi sẽ sang Mexicô, rồi từ đấy xin phép trở về Hợp Chủng Quốc.
Bà ta xấu hổ. Bà ta có cảm giác như mình đào ngũ khi nhìn vào ánh mắt của những người ở lại. Chính vì vậy mà bà rất vội đi. Bà giúp mấy người phu chở đồ lên xe cho thật nhanh. Bà chỉ thở ra khi chiếc rơ-moóc đã khuất sau góc đường. Rồi sau đó, nỗi lo âu lại tiếp tục làm bà thấp thỏm. Tàu có đi không? Người ta có cho bà xuống tàu không? Người ta có đuổi bà lên không? Từ mấy năm nay, đời bà chỉ là một chuỗi lo âu liên tiếp không ngừng.
Anh độc thân Stolz chỉ có sách. Một cái rương đựng áo quần, và một tủ sách. Những sách xuất bản lần đầu, sách cũ, sách mới.
Nhiều người khách trọ ở International đã tập họp lại trước cửa. Phần đông đều im lặng đứng nhìn những thứ bàn ghế đang được chất lên xe.
- Auf Wiedersehen [1] - Léonie Wagner nói, vẻ bứt rứt.
Việc bốc xếp đã xong.
- Tạm biệt nhé, hay là vĩnh biệt.
Bà ta mỉm cười gượng gạo.
- Thời buổi này không biết nên chào thế nào cho hợp.
Bà bắt tay một vài người.
- Đây là nhờ mấy người bà con ở bên ấy - Bà giảng giải lần thứ một trăm - Dĩ nhiên là nếu chỉ một mình chúng tôi thì không có cách gì...
- Bà đừng bận tâm. Có người may hơn, có người rủi hơn, thế thôi.
- Phần đông chúng tôi không được may mắn -Wiesenhoff nói - Nhưng không sao. Tôi xin chúc bà lên đường mạnh khỏe.
Josef Stem từ biệt Ravic, Morozov và mấy người quen cũ nữa. Ông ta cứ cười chữa thẹn như người trót làm điều gì không tốt.
- Ai biết được chúng tôi sẽ ra sao. Rồi đây có thể chúng tôi sẽ hối hận là đã ra đi.
Selma Stem đã ngồi lên xe. Stolz không từ biệt ai cả. Anh ta không đi Mỹ. Anh chỉ có một giấy nhập cảnh Bồ Đào Nha. Như vậy mà cũng bày đặt giã từ thì chẳng bõ chút nào. Anh ta chỉ vẫy vẫy bàn tay khi chiếc xe chuyển bánh.
Những người ở lại đứng yên, co ro như một đàn gà gặp mưa giông.
- Thôi - Morozov nói với Ravic - Ta vào Hầm Mộ đi! Làm một ly Calvados.
Họ vừa ngồi xuống thì những người khách trọ khác đã kéo vào. Họ xô vào đây như một đám lá vàng bị gió thu dồn lại. Hai ông chủ lễ Do Thái giáo, da mặt xanh xao, chòm râu thưa thớt; Wiesenhoff, Ruth Goldberg, Finkenstein anh đánh cờ như máy, Seidenbaum ông tiến sĩ định mệnh luận; nửa tá trẻ con; Rosenfeld, chủ nhân bộ tranh ấn tượng rốt cục vẫn không đi được, mấy cô cậu thanh niên mới lớn lên, và nhiều người có tuổi.
Chưa đến giờ ăn tối, nhưng hình như không ai muốn trở về căn phòng cô quạnh của mình. Họ đứng tụm năm tụm ba, lặng lẽ, cam phận. Họ đều đã trải qua quá nhiều nỗi trầm luân vất vả, đến nỗi họ cũng chẳng bận tâm nữa.
- Lớp quý tộc đã ra đi - Seidenbaum nói - Những người bị số phận lên án tử hình hay tù chung thân bây giờ ở lại với nhau. Dân tộc được tuyển chọn! Những đứa con yêu quý của Jehovah [2]! Được dành riêng cho những cuộc pogrom [3]. Cuộc sống muốn năm!
- Vẫn còn nước Tây Ban Nha. - Finkenstein đáp.
Trước mặt Finkenstein là một cái bàn cờ: anh ta đang đưa một thế cờ ra giải.
- Tây Ban Nha, dĩ nhiên rồi. Bọn phát-xít sẽ ra ôm chầm lấy những người Do Thái khi nào họ đến nơi.
Cô hầu gái người Alsace có bộ ngực nở nang đưa calvados ra. Seidenbaum đeo đôi kính cặp mũi lên.
- Trong chúng ta có nhiều người không có đến cả cái phương tiện này, - Ông ta nói - phương tiện say. Để thoát khỏi một đêm trằn trọc khổ sở. Đến cái đó cũng không có nữa. Những con cháu của Ahasvérus! Bản thân ông già phiêu bạt ấy giá sống đến ngày nay cũng sẽ nếm mùi tuyệt vọng... ông cụ mà không có giấy tờ thì chẳng đi được đâu xa!
- Ông uống với chúng tôi đi - Morozov nói - Rượu Calvados này ngon tuyệt. Nhờ ơn Chúa, bà chủ chưa biết. Bà ấy mà biết thì đã tăng giá lên rồi.
Seidenbaum xua tay.
- Tôi không biết uống đâu.
Ravic nhìn một người đàn ông râu lởm chỏm không cạo, cứ mấy phút lại rút trong túi ra một cái gương ngắm nghía mặt mình, rồi lại chăm chú xem đi xem lại một tờ hộ chiếu mở ra trước mặt.
- Ai đấy? - Anh hỏi Seidenbaum. - Tôi chưa bao giờ trông thấy ông ta ở đây.
Seidenbaum mím môi.
- Đó là ông Aaron Goldberg mới.
- Sao? Bà vợ đã đi bước nữa rồi sao?
- Không. Bà ta bán hộ chiếu của mồ ma ông chồng cho anh này. Hai ngàn quan. Ông già Goldberg có bộ râu hoa râm; cho nên anh này phải để râu, cho giống với cái ảnh. Anh ta phải đợi cho đến khi nào có được bộ râu như thế mới dám dùng tờ hộ chiếu.
Ravic lại quan sát người đàn ông đang vuốt vuốt mấy sợi râu có chiều sốt ruột, so sánh mặt mình với cái mặt trong hộ chiếu.
- Có gì anh ta cứ nói là râu bị cháy rồi có được không? - Ravic nói.
- Ý hay đấy. Tôi sẽ mách cho anh ta.
Seidenbaum bỏ cái kính cặp mũi, cầm sợi dây lụa buộc kính lắc lắc cho nó đung đưa trước mặt.
- Đây là một vụ khá quái đản - Ông ta nói - Cách đây ba tuần, đây chỉ là một chuyện mua bán. Nhưng bây giờ thì anh chàng Wiesenhoff bắt đầu ghen tuông, và Ruth Goldberg đang lúng túng hết sức. Đó là hiệu quả ma quái của một tờ hộ chiếu. Bây giờ trên giấy tờ thì anh này là chồng của cô ta.
Ông ta đứng dậy và đến gặp ông Aaron Goldberg mới.
- Tôi thấy “hiệu quả ma quái của một tờ hộ chiếu” là một cách nói khá hay. - Morozov quay về phía Ravic nói - Tối nay cậu làm gì?
- Tối nay Kate Hegstroem lên tàu Normandie. Tôi sẽ đưa cô ấy đến Cherbourg. Cô ấy nhờ tôi đưa xe của cô ấy về ga-ra, cô ấy đã bán chiếc xe này cho ông chủ.
- Cô ấy có đủ sức chịu đựng cuộc hành trình này không?
- Có chứ. Đi đường hay làm gì thì cũng thế thôi. Vả lại trên tàu có một người thầy thuốc rất giỏi. Khi đến New York rồi...
Anh nhún vai và uống cạn chén.
Không khí trong Hầm Mộ nóng bức và ngột ngạt. Căn phòng không có cửa sổ. Một đôi vợ chồng già ngồi dưới cây cọ phủ bụi chìm trong một nỗi buồn vây quanh nó như một bức tường. Họ ngồi yên không nhúc nhích, tay trong tay, dường như kể từ nay không còn hơi sức nào mà đứng dậy nữa.
Ravic chợt có cảm giác là bao nhiêu sự khốn khổ của nhân loại đều chứa chất lại trong căn phòng tối lờ mờ này. Mấy cái bóng đèn điện treo trên tường hắt xuống các đồ vật một ánh sáng buồn tẻ, làm cho căn phòng thêm vẻ tuyệt vọng. Sự im lặng, những tiếng thì thầm, tiếng sột soạt của những tờ báo mà người ta đọc đến lần thứ một trăm, sự đợi chờ câm lặng, sự chắc chắn tàn nhẫn của bước lâm chung đang đến gần, những hành động can đảm nhỏ nhặt bộc phát lên như một cơn co giật, những sự tủi nhục phải chịu hàng trăm lần trong cuộc đời, và cảnh cô lập cuối cùng trong cái xó này, khiếp sợ vì nó không còn có thể đi xa hơn được nữa... Anh bỗng cảm nhận được tất cả những thứ đó; anh nghe thấy mùi của nó, nghe thấy nỗi sợ hãi ghê gớm đang dìm ngập tất cả; anh cảm nhận được những cái đó như anh đã từng cảm nhận, nó trong trại tập trung khi người ta tống giam những con người đã bị lôi ra một cách đột ngột khỏi nhà hay khỏi giường, khi người ta bắt họ đứng trong những cái lán để đợi chờ một số phận mà họ không được biết.
Hai người đang ngồi ở bàn bên. Một người đàn bà tóc rẽ đường ngôi ở giữa và một người đàn ông. Một đứa bé lên tám đứng trước mặt họ. Nó vừa đi nghe ngóng quanh các bàn trở về.
- Tại sao nhà ta lại là Do Thái hở mẹ?
Người đàn bà không đáp.
Ravic nhìn Morozov.
- Tôi phải đi đây - Anh nói - Tôi phải ghé qua bệnh viện.
- Tôi cũng phải đi.
Hai người cùng lên cầu thang.
- Thật quá quẩn - Morozov nói - Đến như tôi, một kẻ đã từng theo phe chống Do Thái, mà cũng phải thấy như vậy.
Ở bệnh viện rất vui, nếu so với Hầm Mộ. Ở đây cũng có đau đớn, bệnh tật, khốn khổ; nhưng ít nhất ở đây những cái đó còn có lý. Ở đây người ta hiểu tại sao người ta đau khổ, và người ta biết cần phải làm gì.
Veber đang ngồi trong phòng khám đọc báo. Ravic cúi xuống nhìn qua vai ông ta.
- Tình hình đến là thú vị nhỉ? - Anh nói.
Veber ném tờ báo xuống sàn.
- Cái lũ thối nát! Lẽ ra phải đem treo cổ một nửa số chính khách của xứ này!
- Chín phần mươi chứ - Ravic chữa lại - Anh có tin gì thêm về người thiếu phụ ta đã mổ ở bệnh viện Durant chưa?
- Cô ấy khỏe.
Veber lấy điếu xì gà, bứt rứt cắn đầu điếu.
- Đối với anh thì dễ, Ravic ạ, nhưng tôi lại là người Pháp.
- Còn tôi thì chẳng là người gì cả. Nhưng tôi rất muốn rằng nước Đức cũng thối nát như nước Pháp.
Veber ngẩng đầu lên.
- Tôi toàn nói bậy. Tôi xin lỗi anh, Ravic ạ.
Ông ta quên châm điếu xì-gà.
- Không thể có chiến tranh được đâu. Ravic ạ. Không thể được. Người ta sủa om lên. Người ta hăm dọa. Nhưng đến phút cuối cùng thế nào rồi cũng phải xảy ra một cái gì đó!
Ông ta im lặng một lát. Cái thái độ quả quyết mọi ngày nay không còn nữa.
- Nhưng dù sao chúng tôi vẫn còn có chiến tuyến Maginot. - Ông ta nói gần như thể van lơn.
- Đúng đấy. - Ravic nói cho qua chuyện. Anh đã nghe câu này hàng nghìn lần. Những cuộc bàn luận với người Pháp vẫn thường kết thúc bằng cái kết luận này.
Veber lau trán.
- Durant đã chuyển hết tài sản sang Mỹ. Viên thư ký của ông ta nói với tôi như vậy.
- Điển hình.
Veber đặt lên Ravic một cái nhìn mệt mỏi.
- Và ông ta không phải là người duy nhất. Ông em rể của tôi đã đổi hết các tài khoản bằng tiền Pháp lấy tiền Mỹ. Gaston Nécée đã chuyển hết tài sản thành dollar cất vào tủ sắt. Và người ta đồn là Dupont đã chôn mấy túi vàng trong vườn. - Ông đứng dậy - Những chuyện ấy tôi cũng chẳng buồn nói nữa. Không thể có được. Không lẽ nào nước Pháp lại bị phản bội, bị bán rẻ đi như thế! Đến lúc lâm nguy, mọi người sẽ đoàn kết lại. Tất cả mọi người!
- Mọi người - Ravic nói, không mỉm cười - Ngay cả những nhà tư bản công nghiệp hiện nay đang có hợp đồng với Đức.
Veber cố tự chủ.
- Ravic ạ... Ta nói sang chuyện khác thì hơn.
- Tùy anh. Tôi sắp đưa Kate Hegstroem đi Cherbourg. Đến nửa đêm tôi sẽ về.
Veber thở mạnh.
- Anh đã lo... anh đã có những biện pháp gì để thu xếp cho bản thân anh chưa?
- Chẳng có biện pháp gì đâu. Chúng tôi sẽ được đưa vào một trại tập trung của Pháp, vẫn còn hơn là trại tập trung của Đức.
- Không thể có được. Nước Pháp sẽ không bắt giam những người tị nạn.
- Rồi xem. Làm như thế là lẽ tự nhiên, không ai có thể phản đối được đâu.
- Ravic...
- Thôi được rồi. Ta sẽ xem. Cũng mong là anh nghĩ đúng. Anh có biết là người ta đang tháo gỡ viện Le Louvre không? Những bức tranh đẹp nhất sẽ được đưa về vùng trung tâm nước Pháp.
- Ai nói với anh như vậy?
- Chiều nay tôi có đến đấy. Những tấm kính màu ghép hình trên các cửa sổ nhà thờ Chartres cũng được tháo ra rồi. Hôm qua tôi có đến. Một cuộc du hành tình cảm: tôi muốn nhìn lại các thứ đó một lần nữa. Nhưng người ta lấy hết đi rồi. Ở đấy quá gần sân bay. Họ đã tháo kính màu ghép tranh, thay kính thường vào rồi. Đúng như năm ngoái, dạo họp hội nghị Munich.
- Anh thấy chưa! - Veber vội vàng vớ lấy cơ hội -Hồi ấy có gì xảy ra đâu. Cứ cuống quít cả lên, nhưng rồi Chamberlain đã đến với cái ô của hòa bình.
- Phải, cái ô của hòa bình vẫn ở Luân Đôn, và nữ thần chiến thắng vẫn ở viện Le Louvre... Không có đầu. Nữ thần sẽ ở lại chỗ cũ. Nàng quá nặng, không di chuyển được. Tôi phải đi đây. Kate Hegstroem đang chờ tôi.
Chiếc Normandie đang đậu ở bến cảng, hàng ngàn ngọn đèn lấp lánh trong đêm như hàng ngàn vì sao. Từ ngoài khơi thổi vào một làn gió mát và mặn. Kate Hegstroem xốc lại chiếc áo khoác lông, kéo vạt lại cho thật chặt. Cô đã gầy đi rất nhiều. Mặt cô dường như chỉ còn là da bọc xương, đôi mắt to mở rộng ra như hai cái ao xẫm tối.
- Tôi thấy muốn ở lại quá - Cô nói - Tự dưng tôi thấy khó ra đi quá.
Ravic nhìn cô. Chiếc tàu khổng lồ đang đợi. Cầu tàu sáng trưng. Hành khách đang lên tàu, có nhiều người vội vã như thể sợ lên muộn... Cái khách sạn nổi đồ sộ ấy đang đợi, và tên nó không còn là Normandie mà là Thoát ly, Xa lánh, Cứu vãn; trong hàng ngàn thành phố, khách sạn, phòng trọ, nhà hầm ở Châu Âu, nó là giấc mơ vô vọng của hàng vạn con người, và đứng bên nó, một con người mà cái chết đã gặm đến ruột gan lại nói: “Tôi thấy muốn ở lại quá”.
Thật điên rồ. Đối với những người tị nạn ở International, đối với những người tị nạn trọ trong hàng ngàn “International” trên khắp châu Âu. Đối với những con người mệt lả, bị tra tấn, đang chạy trốn, bị giăng bẫy, chiếc tàu này là Đất Hứa; họ sẽ hôn chiếc cầu đưa lên tàu mà khóc nức nở, và họ sẽ tin rằng trên đời này còn có những phép mầu nếu họ được cầm tấm vé đang run rẩy trước gió trong bàn tay mỏi mệt của người thiếu phụ đứng trên bến, tấm vé của một con người đã bước lên con đường dẫn tới mộ địa và đã nói một cách thờ ơ “Tôi thấy muốn ở lại”.
Một nhóm, người Mỹ ra bến tàu. Tự tin, ồn ào, vui vẻ. Họ có thừa thì giờ. Lãnh sự quán đã khuyên họ nên lên đường về nước. Họ đã tìm lý do trì hoãn. Họ thấy tiếc quá. Họ muốn ở lại xem thêm một thời gian nữa. Họ thì việc gì mà phải sợ! Đã có ông đại sứ! Nước họ trung lập! Phải ra đi thật đáng tiếc!
Mùi nước hoa. Những đồ trang sức. Ánh kim cương. Cách đây mấy giờ, họ còn ngồi ở Maxim’s. Họ có dollar, mua gì cũng rẻ. Họ uống một ly Corton 29 hay Pol Roger 28... Lên tàu, họ sẽ ngồi ở bar chơi giắc-kê và uống whisky...
Và trước cửa lãnh sự quán là những chuỗi dài những con người tuyệt vọng, là mùi của nỗi khiếp hãi chết người đang lơ lửng trên đầu họ như một đám sương mù... mấy người viên chức lút đầu lút cổ vì công việc và một viên phó thư ký lãnh sự quán - bây giờ chẳng khác nào một tòa án tối cao - đang lắc đầu quầy quậy “không được, không có, không có giấy nhập cảnh, không thể được”. Bản tuyên án không lời, xử tử sự vô tội câm lặng. Ravic nhìn con tàu, và thấy đây không phải là một con tàu nữa, mà là nơi trú ẩn cuối cùng trước nạn hồng thủy. Những người đã một lần thoát nạn nay sẽ bị chôn vùi.
- Đến giờ rồi Kate ạ. - Ravic nói.
- Chóng thế sao? Thôi chào Ravic.
- Chào Kate.
- Chúng ta không cần dối nhau, phải không?
- Đúng.
- Rồi anh cũng sang ngay chứ?
- Dĩ nhiên, Kate ạ, chỉ ít nữa thôi.
- Anh ở lại nhé. Cảm ơn anh vì tất cả những gì anh đã làm cho tôi. Tôi đi đây. Lên đến trên kia, tôi sẽ vẫy tay ra hiệu. Xin anh đứng cho đến khi tàu rồi bến nhé.
- Tôi sẽ đứng lại đợi, Kate ạ.
Kate bước chầm chậm lên cầu tàu. Cô bước đi, người hơi đung đưa một chút. Mảnh khảnh hơn tất cả những người phụ nữ khác đang lên tàu, cái bóng dáng sắc nét, nhẹ lâng lâng của cô có cái phong thái trang nhã ảm đạm của cái chết chắc chắn. Gương mặt cô giống như gương mặt những con mèo bằng đồng của Ai Cập cổ đại; chỉ trông thấy đường viền và đôi mắt.
Những hành khách cuối cùng. Một người Do Thái mồ hôi nhễ nhại, tay cắp áo lông, gần như loạn óc, có hai người khiêng đồ đi kèm theo, chạy lui chạy tới lăng xăng, luôn mồm quát lác. Những người Mỹ cuối cùng. Rồi cái cầu tàu từ từ được rút lên. Một cảm giác kỳ lạ. Đây là đoạn kết. Một dải nước hẹp ngăn cách con tàu với bến cảng: cả một đường biên giới. Chỉ hai thước nước thôi, nhưng đó đã là biên giới giữa châu Âu và châu Mỹ. Giữa sự cứu vãn và sự hủy diệt.
Ravic đưa mắt tìm Kate Hegstroem. Anh trông thấy cô cúi mình trên lan can tàu vẫy tay từ biệt anh. Anh giơ tay lên vẫy lại.
Con tàu có vẻ như không chuyển động. Tưởng chừng chính cái bến xây lùi lại thì đúng hơn. Một sự chuyển động hầu như không thể nhận ra được. Rồi đột nhiên con tàu sáng trưng đã ra khỏi bến. Nó nổi lềnh bềnh trên mặt nước tối sẫm, in lên nền trời đen, từ nay không còn gì với tới được nữa. Anh không còn trông thấy Kate Hegstroem; không thể phân biệt được người nào trên tàu nữa, và những người ở lại im lặng nhìn nhau, lúng túng ngượng ngùng, hay cố làm ra vẻ tươi vui, rồi chỉ một lát sau đã giải tán.
Trong đêm tối, Ravic lái chiếc xe của Kate về Paris. Ngoài cửa xe là những dãy rào và những vườn cây ăn quả của vùng Normandie. Trên trời, một vầng trăng sưng to, xung quanh có quầng. Anh đã quên con tàu viễn dương. Anh chỉ còn trông thấy phong cảnh đang trôi vun vút về phía sau. Phong cảnh, mùi rơm rạ, mùi táo chín, cõi tĩnh mịch sâu xa của những điều không sao tránh khỏi.
Chiếc xe lăn đi, hầu như không có tiếng động. Tưởng chừng như các quy luật của trọng lực không còn có tác dụng đối với nó. Trôi qua vun vút những nếp nhà, những thánh đường, những làng mạc, những vệt sáng - đó là ánh đèn của những quán rượu và quán cà-phê bên đường; một con sông lấp loáng, một cái cối xay, và một lần nữa lại là những đường cong mềm mại của đồng bằng dưới vòm trời màu xà cừ, với vầng trăng tựa hồ một hòn ngọc trai cực lớn.
Ravic cảm thấy đây như là một sự kết thúc và một sự hoàn thành. Anh có ý nghĩ này đã nhiều lần; bây giờ ý nghĩ ấy đã trọn vẹn, mạnh mẽ và không còn có gì lay chuyển nổi, nó choán hết cả con người anh, không thể nào cưỡng lại được.
Mọi thứ đều như trôi nổi bồng bểnh và không có trọng lượng. Tương lai và quá khứ tiếp liền nhau, và cả hai đều không còn gợn những niềm ham muốn hay những nỗi khổ đau. Mọi sự đều đã có một tầm quan trọng ngang nhau. Những chân trời đã có thăng bằng trở lại, và trong giây lát anh cảm thấy cán cân của đời mình đã trở về điểm chết. Số phận không bao giờ mạnh hơn sự can trường thanh thản của người nhìn nhận nó. Khi người ta không còn chịu được nữa, người ta vẫn còn có thể khước từ số phận bằng cách tự sát. Nên biết lấy điều đó, và cũng nên biết rằng người ta không bao giờ bại vong chừng nào hãy còn ít nhiều sức sống.
Ravic ý thức được mối nguy cơ. Anh thấy rất rõ mình đang đi tới đâu, và biết chắc rằng đến ngày mai, tất cả sự phản kháng của anh sẽ bùng dậy - nhưng đêm nay, trong khi anh rời bỏ một cõi Ararat đã mất để đi về phía cái mùi máu tanh tao của sự hủy diệt tất yếu, tất cả các ngôn từ đều mất hết ý nghĩa. Nguy hiểm chẳng còn có nghĩa gì; số phận vừa là tế vật, vừa là vị thần được hiến dâng cái tế vật ấy. Và ngày mai, ngày mai là cả một thế giới chưa hề biết.
Mọi sự đều ở trong quy củ. Cái gì đã qua, và cái gì sắp đến. Nếu đây là sự kết thúc, thì như vậy cũng là tốt. Anh đã yêu một người đàn bà, và anh đã mất người đàn bà đó. Anh đã thù một người đàn ông, và anh đã giết chết hắn. Từ hai kinh nghiệm đó, anh đã bước ra hoàn toàn thanh thoát. Kinh nghiệm thứ nhất đã làm cho tim anh sống lại; kinh nghiệm thứ hai đã xóa sạch dĩ vãng của anh. Mọi sự đều đã hoàn thành. Anh không còn dục vọng, không còn hận thù, không còn nước mắt. Anh như bắt đầu sống lại từ đầu. Anh bắt đầu sống không ảo tưởng, sẵn sàng đón nhận mọi sự, với sự viện trợ của một vốn kinh nghiệm đã lâu làm cho anh vững mạnh hơn mà không làm cho anh bị xé nát. Những đống tro tàn đã tan biến đi theo chiều gió. Những phản xạ bị tê liệt nay đã bắt đầu sống lại. Tâm lý khuyển nho đã biến thành sức mạnh. Tất cả đều tốt lành.
Đi quá Caen, anh trông thấy những đoàn ngựa. Những đoàn ngựa dài dằng dặc đi trong đêm, mà ánh trăng mờ biến thành những bóng ma. Rồi những đoàn người xếp hàng tư, mang những cái bị, những cái hộp bằng bìa, những gói đồ. Cuộc động viên đã bắt đầu.
Họ đi rất lặng lẽ. Không có ai hò hát. Thảng hoặc chỉ có vài người to nhỏ với nhau. Họ lặng lẽ bước trong đêm. Một cuộc diễu hành của những bóng đen đi men theo vệ đường bên phải để dành lối cho xe cộ.
Ravic tiếp tục lái xe đi. Ngựa - Anh thầm nghĩ. Những đoàn ngựa cũng như năm 1914. Không có xe tăng, chỉ có ngựa.
Anh dừng xe ở một trạm xăng, cho bơm đầy thùng chứa. Lác đác trong làng hãy còn mấy khung cửa sổ có ánh đèn, nhưng xung quanh im phăng phắc. Một đoàn người ngựa kéo đi trên con đường cái xuyên qua làng. Dân làng đứng nhìn không một tiếng hoan hô.
- Mai tôi đi thôi. - Ông chủ trạm xăng nói.
Ông ta có một khuôn mặt màu nâu, nét gãy gọn, một khuôn mặt nông dân.
- Cha tôi chết trận trong cuộc chiến tranh trước. Ông tôi chết trận năm 1870. Ngay mai tôi sẽ đi khỏi đây. Trước sau cũng vẫn chỉ có thế. Đánh đi đánh lại đã gần hai trăm năm nay rồi, mà vẫn cứ phải đánh nhau nữa.
Ông ta đưa mắt nhìn lần lượt cái cột bơm xăng han rỉ, ngôi nhà nhỏ bên cạnh, rồi lại nhìn bà vợ đang im lặng đứng bên ông.
- Thưa ông hết hai mươi tám quan ba mươi xu ạ.
Lại phong cảnh đồng bằng. Trăng. Lisieux. Evreux. Những đoàn người, ngựa. Im lặng, Ravic dừng xe trước một quán ăn nhỏ. Ngoài hiên có đặt hai cái bàn. Bà chủ cho biết là chẳng còn gì ăn cả. Ở Pháp một đĩa trứng tráng và một lát pho-mát không thành được một bữa ăn. Tuy vậy cuối cùng bà ta cũng thuận lòng dọn cho khách ăn, lại còn bưng thêm xà-lách, cà-phê và một bình rượu vang loại thường.
Ravic ngồi xuống một mình trước ngôi nhà màu hồng và bắt đầu ăn. Sương mù đang trườn đi trên đồng bằng. Mấy con ễnh trong kêu ộp oạp. Xung quanh hoàn toàn yên tĩnh. Từ tầng trên có tiếng loa phóng thanh. Một giọng nói. Một giọng nói điềm dạm, tin tưởng, vô hy vọng và hoàn toàn vô ích. Mọi người đều lắng nghe, nhưng không còn ai tin những điều nó nói nữa. Ravic trả tiền.
- Có lệnh tắt hết đèn ở Paris - Bà chủ nói - Đài phát thanh vừa loan báo như vậy.
- Thật à?
- Vâng, để đề phòng máy bay. Ở đài phát thanh họ nói là tất cả những việc đang làm đều là để phòng xa. Vì sẽ không có chiến tranh. Hai bên đang chuẩn bị điều đình. Ông thấy thế nào?
- Tôi không tin là sẽ có chiến tranh.
Ravic không biết nói gì khác nữa.
- Lạy trời được như thế. Nhưng nước non gì? Quân Đức sắp chiếm Ba Lan. Sau đó chúng sẽ đòi hai tỉnh Alsace và Lorraine. Rồi đòi các thuộc địa. Rồi thêm một cái gì khác nữa. Và chúng sẽ tiếp tục mãi như thế cho đến khi nào ta chịu chết thì thôi. Nếu không thì chúng sẽ đánh. Vậy tin thà cứ cho nó bắt đầu ngay đi còn hơn.
Bà chủ quán chậm rãi đi vào nhà, trong khi một đoàn người ngựa nữa kéo qua trên đường cái.
Cái quầng đỏ của đô thành Paris ở chân trời. Paris sẽ chìm trong bóng tối. Người ta sắp tắt Paris. Đó là lẽ tự nhiên, nhưng nó cũng gây thành một ấn tượng lạ kỳ. Paris mà lại không có ánh đèn. Cũng như thể người ta sắp tắt hết ánh sáng của thế giới này.
Các vùng ngoại ô, sông Seine. Tiếng ồn ào của những phố nhỏ. Ravic lái xe vào đại lộ đưa thẳng đến Khải Hoàn Môn đang hiện lên mờ mờ nhưng hãy còn được chiếu sáng trong quảng trường Ngôi Sao. Phía sau là đại lộ Champs Élysées sáng rực ánh đèn.
Ravic đi dọc đại lộ. Anh tiếp tục cho xe đi vào trung tâm thành phố, thì bỗng nhìn ra: bóng tối đã bắt đầu buông xuống. Như những khoảng da trần trên một bộ lông thú rậm rạp, đây đó đã có những khu vực đèn tắt tối om. Những kiểu phối màu phong phú của các biển hiệu bằng nê-ông đã bị lấp dần sau những bóng đen dữ tợn kéo dài giữa các mảng sáng. Có những phố đã chết, như thể có những con mãng xà đen ngoằn ngoèo trườn tới bóp nghẹt mọi sự sống. Không còn ánh đèn trên đại lộ George V. Ánh sáng chỉ còn thoi thóp trên đại lộ Montaigne. Những tòa nhà xưa nay vẫn dọi lên trời những dòng thác sáng bây giờ chỉ còn trơ ra những mặt nhà tối tăm và trơ trụi. Một bên đường Victor-Emmanuel III chìm hẳn trong bóng tối, trong khi bên kia đường vẫn còn sáng trưng; có thể tưởng chừng đây là một cơ thể đang hấp hối, bán thân bất toại, đã bị xóa tên trong danh sách người sống, nhưng hãy còn thở thoi thóp. Bệnh hủi đen lan đi khắp nơi, và khi Ravic đến quảng trường Concorde thì thấy bóng tối đã ngự trị hoàn toàn.
Trụ sở các bộ nhợt nhạt như những tử thi, bao nhiêu chuỗi đèn treo đều đã tháo hết. Những Thủy thần nhảy múa, những nàng Tiên sống của những đêm trăng phủ bọt biển, bây giờ chỉ là những cái bóng xám xịt ngồi im trên lưng mấy con cá heo bất động. Các vòi phun nước âm thầm khóc trên mặt bể tối tăm, thương tiếc ánh hào quang đã mất. Trụ dài vươn cao lên trời như ngón tay hăm dọa của vĩnh hằng. Khắp nơi, như những con vi khuẩn, những bóng đèn xanh nhỏ li ti của các mâm pháo cao xạ nhấp nháy và lan rộng ra như một thứ bệnh lao vũ trụ trên đô thành đang tắt nghỉ.
Ravic để chiếc xe hơi lại ở ga-ra, rồi thuê taxi về khách sạn International. Ngoài cửa, anh con trai của bà chủ đang ngất ngưởng trên một cái thang, đứng lắp một bóng đèn xanh. Trước kia ngọn đèn trên của khách sạn chỉ đủ sáng cho cái biển hiệu. Bây giờ cái bóng đèn xanh yếu ớt không đủ soi cho nó nữa: một phần nửa cái biển chìm trong bóng tối, và người ta chỉ còn đọc được phần sau của tên khách sạn:... national.
- May quá, ông đây rồi! - Bà chủ nói - Có người vừa lên cơn. Ở tầng bảy ấy. Tốt hơn cả là cho bà ta ra khỏi đây. Tôi không thể giữ những người điên trong khách sạn được.
- Chưa chắc bà ấy đã điên. Cũng có thể chỉ là một cơn khủng hoảng thần kinh...
- Thì cũng thế thôi! Người điên thì phải ở nhà thương điên. Tôi đã nói với họ như vậy. Dĩ nhiên họ có thèm nghe tôi đâu. Nhưng thật phiền hà cho tôi! Nếu bà ta không dịu cơn đi thì phải mời bà ta ra thôi. Không thể tiếp tục mãi như thế được. Dù sao cũng phải để khách trọ người ta ngủ chứ!
- Hôm trước ở khách sạn Ritz có người phát điên - Ravic nói - Một vị hoàng thân. Hôm sau, bao nhiêu khách Mỹ đều đòi thuê lại phòng của ngài hoàng thân điên.
- Cái đó khác. Đó là vì quá điên rồ mà phát điên. Phát điên vì sống điên rồ là sang trọng. Còn vì quá khốn quẫn mà phát điên thì lại khác.
Ravic nhìn bà chủ.
- Bà am hiểu cuộc đời đấy, bà chủ ạ.
- Không am hiểu sao được! Tôi coi thế chứ tốt bụng lắm ông ạ. Tôi đã chứa chấp dân tị nạn trong nhà. Không từ một ai. Dĩ nhiên tôi có lấy lời. Chút ít thôi. Nhưng một bà điên cứ la hét thế kia thì quá lắm. Nếu không dứt cơn được thì phải cho bà ta đi thôi.
Đó là người đàn bà có đứa con trai nhỏ đã hỏi tại sao nó lại là Do Thái. Bà ta ngồi co ro ở góc giường, hai tay bưng mắt. Trong phòng đèn thắp sáng trưng. Bao nhiêu đèn đều bật lên hết, lại thắp thêm hai cây đèn nến có chân nữa.
- Dán! - Người đàn bà lẩm bẩm - Toàn dán là dán! Đen nhánh, béo căng, bóng nhẫy! Kìa, trong mấy góc nhà kia, hàng ngàn, hàng triệu con! Thắp đèn lên! Thêm đèn nữa! Nó bò tới, nó leo lên kia kìa...!
Bà ta nép vào góc giường rú lên từng đợt, hai tay che mặt, hai chân co lại, hai mắt đờ đẫn mở trừng trừng.
- Nhưng mà có gì đâu hở mẹ, trong góc phòng có gì đâu?
- Thắp đèn lên, thắp đèn lên! Nó chạy khắp nơi! Dán, dán!...
- Nhưng bao nhiêu là đèn mẹ kìa. Mẹ nhìn mà xem, lại có cả nến nữa.
Thằng bé lấy cây đèn pin soi vào các góc phòng.
- Mẹ cứ nhìn mà xem; mẹ không thấy là chẳng có con dán nào sao?
- Dán, dán! Chỗ nào cũng đen kịt những dán! Nó chui ra từ khắp nơi! Nó leo lên tường! Nó rơi từ trên trần xuống!
Bà ta thở hổn hển, hai tay quờ quạng trên đầu.
- Bà ấy như thế này đã lâu chưa? - Ravic hỏi ông chồng.
- Từ khi có lệnh tắt đèn ban đêm. Lúc ấy tôi đi vắng. Người ta mách tôi đi xin giấy nhập cảnh của tòa lãnh sự Haiti; tôi đem cháu đi. Rốt cục chẳng được gì, rồi đến khi về nhà thì thấy bà ấy đang ngồi trên giường mà la hét.
Ravic đã chuẩn bị sẵn ông tiêm dưới da.
- Bà ấy đã ngủ được chút nào chưa? - Anh hỏi.
Ông chồng nhìn anh, vẻ bất lực.
- Tôi cũng không biết nữa. Bà ấy trước nay vẫn hoàn toàn bình thản. Chúng tôi không đủ tiền để cho bà ấy vào nhà an dưỡng. Với lại chúng tôi không có... tôi muốn nói là giấy tờ của chúng tôi không hoàn toàn hợp lệ. Chỉ mong sao nhà tôi bình tâm lại một chút. Kìa mình, mọi người đông đủ cả đây này, có gì mà sợ, tôi đang đứng với mình đây, cả thằng Siegfried cũng ở đây, cả bác sĩ nữa, làm gì có dán...
- Dán! - Bà ta ngắt lời ngay - Đâu đâu cũng có. Hôi quá đi mất! Dán hôi quá!
Ravic tiêm cho bà một mũi an thần.
- Đã có lần nào lên cơn như thế này chưa? - Anh hỏi.
- Chưa, chưa bao giờ. Tôi thật không hiểu. Tôi chẳng biết vì sao.
Ravic giơ tay lên, ngắt lời ông chồng.
- Ông chớ làm cho bà ấy nhớ lại. Vài phút nữa bà ấy sẽ mệt và sẽ ngủ thiếp đi. Có thể là bà ấy vừa nằm chiêm bao. Sáng mai khi thức dậy, có thể bà ấy sẽ không còn nhớ gì hết. Ông chớ nói gì về chuyện đêm nay. Ông cứ làm như thể không có gì xảy ra cả.
- Dán... - Bà vợ lắp bắp, giọng dấp dính - Đen kịt... bóng loáng...
- Cần để nhiều đèn đến thế ứ?
- Bà ấy cứ bắt chúng tôi thắp thêm...
- Tắt mấy ngọn đèn ở giữa đi. Mấy ngọn kia thì cứ để cho đến khi bà ấy ngủ hẳn. Khoảng mười một giờ sáng mai tôi sẽ ghé lại.
- Xin cám ơn bác sĩ - Ông chồng nói - Bác sĩ có thấy cần...
- Không. Những cơn khủng hoảng như thế này bây giờ vẫn thường xảy ra luôn, cần cẩn thận một thời gian. Ông cố sao đừng để cho bà ấy biết những chuyện lo âu của ông...
Nói thì dễ lắm - Anh nghĩ bụng trong khi trở về phòng. Anh bật đèn lên. Mấy cuốn sách để cạnh giường, Sénèque, Schopenhauer, Platon, Rilke, Lão tử, Lý Bạch, Pascal, Heraclite, Thánh Kinh, và vài cuốn khác, những bản in trên giấy mịn, dành cho người luôn luôn di chuyển mà chỉ mang theo được một ít hành lý. Anh chọn lấy những thứ anh định mang theo. Anh soát qua một lượt tất cả các đồ đạc. Xưa nay anh vẫn sinh hoạt sao cho thật giản dị, có thể sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, không cần thời hạn. Tấm chăn cũ, cái áo choàng... vẫn an ủi vỗ về anh như những người bạn cố tri. Chút thuốc độc đựng trong cái mặt dây chuyền đeo cổ rỗng mà anh đã từng giữ trong người từ khi vào trại tập trung ở Đức.
Cái ý thức là mình có được chút thuốc đó và có thể dùng đến nó lúc nào cần đã làm cho những ngày đọa đày của anh dễ chịu hơn. Dù sao đó cũng là một bảo đảm. Người ta không bao giờ biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Anh có thể bị Gestapo bắt lại lần nữa.
Có nửa chai calvados trên bàn. Anh rót đầy một ly và uống cạn. Nước Pháp - Anh nghĩ thầm. Năm năm sống bấp bênh. Ba tháng tù vì nhập cảnh bất hợp pháp; bốn lần trục xuất, và lần nào cũng quay trở về. Năm năm sống. Anh không có quyền ca thán.
Chú thích:
[1] Tạm biệt (tiếng Đức).
[2] Tên gọi Thượng đế của người Do Thái.
[3] Cuộc tàn sát người Do Thái.
Khải Hoàn Môn Khải Hoàn Môn - Erich Maria Remarque Khải Hoàn Môn