Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Chương XXI
B
a hôm sau, vào khoảng tám giờ sáng thì tàu bác Hải mới về. Và điều kỳ lạ là, chính bác chứ không phải ai, đã tìm thấy xác chú Thuận nổi ở ngay chân đảo, bên vách đá cao dựng đứng quay ra biển Đông. Trong tiếng đập của sóng lưỡi búa, tiếng rằn của sóng lừng, liên hồi va vào vách đá, xác chú nổi lên rồi chìm xuống nhưng vẫn nguyên vẹn. Gương mặt vẫn sáng, chân tay không hề sứt sát. Người còn sống sót kể rằng: Trong lốc cuốn và đêm đen, chú Thuận vẫn dành những mảnh gỗ của con tàu vỡ cho từng người, nhưng sóng đã tung họ lên, đã hất họ ra xa...
- Sống ở đảo, chết lại quay về với đảo, sau khi trôi lang thang hàng trăm cây số... Con người chẳng phải là sự kỳ diệu ở cõi đời này sao?
Ông Trương đã nói thế khi đứng bên cạnh linh cữu chú Thuận, quàn tại gian trung tâm của trụ sở ủy ban. Tang lễ chú đã được tổ chức theo nghi thức trọng thể của người dân chài. Người chiến sĩ biên phòng, người công dân số một của đảo, được chôn cất trên đồi thông, vạt đồi đẹp nhất, sẽ là nghĩa trang của xã. Những cây thông hạt, xanh tươi, lá không có đốt, vỏ cây có nhiều vết nẻ nhưng không nứt, gỗ mềm và nhẹ, thường dùng để khoét sáo diều. Một ngày nào đó, những cánh diều của tuổi thơ Việt Nam sẽ bay lên từ đây...
Chiều ấy, ông Trương thả hết lũ rắn vào rừng. Ông chỉ giữ lại con hổ mang đầu đàn mà ông đã nuôi dạy từ hơn chục năm nay, qua mấy kỳ lột xác. Hình như ông đã dạy nó phát ra những tín hiệu theo lệnh của ông, để dụ lũ rắn ra khỏi hang. Đôi khi đi đường, ông quấn nó quanh cổ như một cái khăn kỳ quái. Ông dọn lại gian nhà để đón gia đình cô cháu gái ra ở cùng. Bác Hải nói sẽ lo đủ chỗ ở và việc làm cho bất cứ ai ra đảo.
Bác đã về đất liền. Một tuần sau, toàn đảo biết tin: Bí thư đảo ủy được chỉ định kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân lâm thời của xã. Nguồn kinh phí đã được cấp, để xây dựng cơ sở hạ tầng. Số phần trăm trích từ tiền bán hải sản để nộp cho nhà nước được giữ lại, làm quỹ phúc lợi. Những gia đình ra đảo sẽ được cấp thêm một khoản tiền, đủ để bước đầu ổn định đời sống... Ai cũng vui khi biết mình được quan tâm và là một bộ phận nhỏ không thể tách rời của cộng đồng rộng lớn và vững bền. Trong buổi khai trương cửa hàng bách hóa đầu tiên của đảo, mỗi người được tặng một cái khăn mặt và một bánh xà phòng. Nhụ cứ thơ thẩn ở đó cho đến trưa...
Nhụ nhớ lúc bố mình chuẩn bị xuống tàu, Nhụ xách ra một túi lưới, đựng đủ các loại quả lượm được trên rừng, có quả đã khô xác, vỏ nhăn nheo.
- Ơ... làm gì những thứ này, hả con? - Bố Nhụ ngạc nhiên hỏi.
- Con gửi về cho cái Hòa, bạn của thằng Đé.
- Lần này bố sẽ đưa thằng Đé, đưa cả mẹ và ông con ra đây...
- Vâng. Vì thế con mới chỉ gửi cho cái Hòa...
- Những quả này không ăn được. Bố sẽ ghé qua chợ mua cam, xoài...
- Không, bố ạ, phải là quả ở đảo Mõm Cá Sấu cơ. Để chơi thôi mà...
- À... Sau này sẽ có quả ngon ăn được chứ không phải chỉ để chơi.
- Bố cố xách về cho con nhé.
- Ừ, nhưng bố sẽ mua thêm...
- Vâng. Con cảm ơn bố.
Nhụ quét sạch cửa, dọn gọn nhà để đón cả gia đình. Vài ngày nữa, anh Thu cũng sẽ qua đây. Nhụ sẽ xuống tàu cá để làm quen với biển cả.
Sau khi chú Thuận mất, Ngạnh buồn lắm. Nó xuống tàu và ở lì đó, tầm này tàu đang buông lưới ở vùng biển xa. Đức không đi đâu, sợ lại bị rắn cắn. Nó đeo mục kỉnh, đọc những trang tranh truyện, nét vẽ rối mù, chữ nhỏ như con kiến. Nhụ khi thì ở nhà mình, khi thì ở bên ông Trương. Dù cố kìm nén, nó vẫn vô cùng hồi hộp, chờ nghe tiếng còi tàu cất lên, báo anh Thu đến hoặc mẹ nó ra...
Một chiều, Nhụ ra bãi biển để đào sá sùng. Nó chợt dừng lại trước một ông già xa lạ đang lững thững đi đến. Vóc người nhỏ bé, râu một chòm thưa, đỏ quạch như tôm luộc. Một thoáng sống lại của những hồi ức và nó cảm giác như đã gặp ông già ở đâu đó rồi.
- Cháu làm cái gì đấy?
- Đào sá sùng ạ.
- Sá sùng là gì?
- Sá sùng là gọi chệch đi. Gọi đúng là sa trùng, một loại giun ở trong cát nước mặn. Chỉ ở đây mới có, ăn ngọt và đậm lắm. Có nó, nấu canh, không phải dùng mì chính, ông ạ...
- Thế à, bây giờ ông mới nghe nói...
Nhụ đưa cho ông một con. Ông cầm xem và thấy có cát ở lòng bàn tay, ông có vẻ ngại ngần.
- Cát sạch đấy, ông ạ. Ông chỉ phủi một cái là tay sạch ngay, không cần phải rửa.
Ngón tay ông dài và thon, cử động rất thoáng nhẹ, cát rơi qua các kẽ tay. Những ngón tay này, Nhụ cũng nhớ là đã từng trông thấy ở đâu đó rồi.
- Ông ơi, cháu trông ông quen lắm.
- Quen làm sao được. Ông vừa ra đây mà...
- Hiện ông nghỉ ở đâu?
- Ở trên đồn biên phòng...
- Thế... Đúng ông là người nhà chú Thuận rồi. Ông sinh ra chú ấy ạ?
- Ờ...
Ông già đưa trả con sá sùng cho Nhụ và nó thoáng thấy ngón tay ông run lên. Ông chùi tay vào túi quần...
- Ông ơi, trước đây, có khi nào ông qua lại bến Rừng không? Sông Bạch Đằng ấy...
- Có!
- Thế thì ông ơi, ông đúng là người bán kẹo kéo cho chúng cháu rồi, phải không? Cháu vẫn nhớ bàn tay ông, chòm râu ông...
- Ôi chao! Sao lại thế nhỉ?
- Đúng rồi. Cháu là người bến Rừng đấy. Quê cháu vẫn còn hai cây lim cổ, có từ thời cụ Trần Hưng Đạo. Đây là làng mới lập...
Ông già kinh ngạc nhìn trân trân vào đôi mắt Nhụ. Chòm râu đỏ và thưa bỗng rung rung.
- Cháu... lạ nhỉ? Cháu có... có còn nhớ ông già bán... bán rắn không?
- Ông ấy ở ngay đây. Ở ngay đây!
Nhụ bỗng kêu lên:
- Ông Trương ơi, ới ông Trương...
Và thế là, niềm vui vì bỗng nhiên được gặp ông già bán kẹo kéo từ năm còn học lớp hai, đã lấn át hết thảy, Nhụ sướng quá, nhảy cẫng lên. Rồi nắm lấy tay ông già, Nhụ kéo ông vào sân nhà ông Trương.
- Ông Trương ơi! Có khách quý, có khách quý! Đố ông biết là ai? Đố ông...
Nhụ cứ láu táu nói như một đứa dở người, gương mặt rạng rỡ và hiếu thắng. Ông Trương ngẩn mặt nhìn, còn chưa hiểu đầu trôi đuôi mè ra sao, thì bất ngờ, bất ngờ với ông Trương và với cả chính Nhụ, nó bỗng cất lên:
Hờ... ơ... ơ... ơ...
Hôm nay ông kéo cho đời
Ngày mai ai sẽ là người... kéo ông... ờ ờ hờ...
Như được chính câu hò xuất hiện không đúng lúc ấy đánh thức, cả hai ông già bỗng vồ lấy nhau.
- Chao ôi, ông! Cứ tưởng ông chết rồi. Gặp ông ở đây, ồ lạ quá mất thôi.
- Sao sau đó, ông đi đâu mà bặt tăm hơi?
- Tôi bỏ nghề. Ra ông vẫn nhớ đến tôi, quý hóa quá!
- Bạn già quên nhau sao được.
Bấy giờ, Nhụ mới nhớ tới điều mà nó cho là quan trọng nhất:
- Ông ơi, ông tên gì ạ?
- Ông tên là Quang.
Nhụ reo lên:
- Cháu chào ông Quang!
Rồi nó rối rít:
- Ông Trương ơi, ông Quang đây là bố chú Thuận đấy. Ông bảo thế có lạ không?
Ông Trương trợn mắt nhìn, rồi huơ hai tay lên và rất nhanh, túm lấy đôi vai nhỏ bé và gầy gò của ông già bán kẹo kéo mà lắc:
- Vậy thì ở đây với tôi, ở đây với tôi!
Ông Trương quay ra bảo Nhụ:
- Bên ấy có những gì nhắm rượu được?
- Một con cá song nướng.
- Gì nữa?
- Hai chục củ khoai sọ.
- Gì nữa?
- Bốn con cá chim khô
- Gì nữa?
- Để cháu nhớ...
- Thôi được. Mang tất cả sang đây. Mang tất cả sang đây! Đi mau lên! Đi!
Nhụ tất tả chạy đi.
Ông Quang ngậm ngùi:
- Có lẽ câu ca ấy đúng đấy. Tôi chỉ có một thằng con trai. Rồi sẽ không có ai kéo tôi...
- Ôi dào! Ông chấp cái câu ca nhảm nhí của thằng bé làm gì. Ông là bố của chú Thuận, tức ông đã là dân của hòn đảo này rồi. Ông ở đây với tôi... Dân cả hòn đảo này sẽ khiêng ông... Nhưng ông với tôi còn sống lâu lắm đấy... Lo gì...
- Tôi định mai về. Nhưng các anh biên phòng giữ lại, bảo đợi lãnh đạo xã ở đất liền ra, muốn gặp tôi...
- Lãnh đạo xã là ai, là bố cái thằng ranh vừa nãy đấy.
Ông Trương kéo ông Quang vào nhà. Và khi vừa ngồi xuống chiếc giường tre, ông Quang bỗng giật nảy mình, vì một tiếng "phì" buột ra rất mạnh. Ông Quang quay lại. Một con rắn hổ mang bành cỡ bự, nằm cuộn tròn trên chiếc ghế gỗ tạp ở nửa gian bên, được che ngang lưng bằng hàng cót dựng. Con rắn cất cao đầu nhìn ông, cổ vẫn còn đeo vòng khăn tang màu đen.