Số lần đọc/download: 11814 / 469
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:12 +0700
Chương 31: Người Anh Em (3)
C
uộc họp vừa tan, An đã trở lại hầm và tức khắc lăn xuống giường ngủ. Giờ cơm trưa anh cũng không dậy. Đại đội phó đến tận nơi, dựng anh lên:
- Anh ốm hay sao mà bỏ bữa như vậy?
- Không ốm, nhưng buồn ngủ. Điệu này chắc sắp sốt rét trở lại.
- Dậy ăn cơm. Nhà bếp nói sáng nay anh đã bỏ bữa rồi.
- Tôi đắng lưỡi.
- Tôi mang sẵn thuốc phòng sốt rét cho anh đây. Nhưng phải ăn no mới được uống.
« Thôi mình đành cố ăn vậy. Ốm lúc này cũng quả là bất tiện cho mọi người. »
Anh nghĩ và tung chăn ngồi lên:
- Nào thì đi ăn. Cậu ăn chưa?
- Tôi chờ anh. Hôm nay cấp dưỡng kiếm được ít rau ngót rừng. Lại có canh mà ngụp lặn.
- Anh em trong đại đội xong bữa rồi chứ?
An hỏi, đoạn cài khuy áo và bước ra khỏi hầm. Đại đội phó đi sau anh, đáp thủng thẳng:
- Lính ăn xong quay về lán chơi tu-lơ-khơ hoặc ngủ. Chúng nó hết trò xem. Ngoài suối tổ trực nhật đã thu gom các hiện vật đem về sư đoàn.
- Ra thế...
An bật cười vì lối giải thích của đại đội phó, anh hỏi tiếp:
- Ban lãnh đạo đã giải thích sự việc này hay chưa?...
- Đâu đã đủ thời gian tuyên bố? Nhưng lính tráng nghe lỏm cũng biết hết rồi. Tin tức truyền đi từ hành lang sư đoàn xuống các tiểu đoàn, rồi từ các tiểu đoàn toả xuống các đại đội nhanh hơn tên bắn.
- Ở rừng mà....Còn chuyện gì kích thích hơn đâu?
- Vâng. Chờ mấy năm mới được một buổi xem văn công. Chẳng dè xem xong lại có người thiệt mạng.
- Cậu có tin ở số phận hay không?
- Tôi tin trăm phần trăm. Chẳng dám nói ra nhưng mọi người đều nghĩ như vậy. Ở chiến trường có ai tránh được đạn đâu? Chính đạn tự chọn đích mà bay đến.? Nếu không phải số mệnh định đoạt thì tại sao đạn găm vào người này mà tránh người khác trong cùng một tình thế, cùng một thời gian?
- Số mệnh có mà cũng không. Nếu quả thực được quyền chọn lựa thì người ta không bao giờ tự đem thân ra chiến trường, nơi đầu tên mũi đạn.
- A. Vấn đề này hiểu theo mấy ông thầy chiêm tinh là vận mệnh quốc gia, là số mạng chung của một tập thể. Vận mệnh quốc gia tuỳ thuộc vào người đứng đầu chứ không thuộc bọn lính quèn hay lũ dân đen như chúng ta đây. Thời xưa, nó tuỳ thuộc vào vua. Thời nay, nó tuỳ thuộc vào ông chủ tịch.
- Nói như cậu hẳn chủ tịch của chúng ta phải có một lá số tử vi khốn nạn lắm nên dân mới phải đem thân vào chốn rừng sâu núi thẳm như vầy?
- Ồ. Tôi không định nói như vậy. Ồ, đồng chí đừng trêu cợt tôi.
Đại đội phó lắp bắp, mặt tái mét. Anh ta nháo nhác đảo mắt nhìn bốn xung quanh. An bảo:
- Đừng sợ. Chính tôi nói những điều ấy chứ không phải cậu. Mà tôi cũng không đủ trí khôn để tự cất lên những lời lẽ như vậy. Tôi nghe được từ ông thầy chiêm tinh người Việt nhưng sống lâu năm trên đất Lào. Tôi chỉ lặp lại những gì ông cụ đã dạy tôi thôi.
- Vâng.
Đại đội phó cất tiếng thở phào đoạn hạ giọng:
- Anh biết không, tôi cũng nghe một người nói hệt như vậy. Nhưng ông ấy không phải là nhà chiêm tinh mà là một sử gia.
- A. Một sử gia cũng cần có bộ óc chứa nhiều hòn sỏi như một nhà chiêm tinh. Nhưng chúng ta sắp đến nhà ăn rồi. Chuyện này riêng cậu với tôi biết thôi.
- Vâng.
Đại đội phó đáp, gần như thì thầm.
Họ ăn xong, đồng hồ đã chỉ một giờ rưỡi. Năm gian nhà gỗ rộng rênh chỉ còn lại hai người. Bên ngoài, nắng tràn lên khắp ngả. Gió hiền hoà chạy dọc các bờ cây làm lung linh trăm ngàn tia phản chiếu của các đám sương còn đọng trên những phễu lá dày. Ven bìa rừng, hoa dại nở chói lọi. Đại đội phó nhìn những cánh hoa mỏng như bươm bướm chen nhau khoe sắc đỏ sắc tím và buột miệng thở dài:
- Tôi nhớ nhà quá...
An lặng im, chờ đợi.
Quả nhiên, đại đội phó không nén được lòng, nói tiếp:
- Đám hoa này khiến tôi nhớ những vườn cải chạy dọc sông. Mùa xuân, hoa cải nở vàng ươm, bướm ong bay về nườm nượp. Thời con trẻ, tôi chạy theo mẹ ra bãi nhổ cải. Đến tuổi cập kê, chúng bạn rủ đi tầm hội hết cả tháng giêng, đi đâu cũng thấy hoa cải vàng chạy dưới chân đê.
- Đúng rồi, tôi nhớ một câu ca dao của người Kinh:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè.
- Vâng. Ấy là câu ca dao thời xửa thời xưa. Ngày tôi ở nhà, hợp tác vận động bà con đi làm từ mồng năm tết. Nhưng làm thì làm, rồi người ta vẫn tìm được cớ để mở hội mùa xuân. Bởi đó là tập tục.
- Trên tôi cũng vậy, người ta gói bánh, rang bỏng mật rồi ngồi đánh bài suốt cả tháng giêng. Nếu không có hội cũng chẳng làm gì vì trời mưa phùn liên miên không ngớt. Lúc đó lúa đang chờ mà các nương sắn cũng làm cỏ xong rồi.
- Trên miền núi ngày hội có kéo dài như ở dưới xuôi không?
- Không dài nhưng cũng đủ đường đất rong chơi. Hội Đàn xuân kết thúc, chúng tôi rủ nhau đi xem hội Tung còn của người Thái, rồi hội chơi khèn của người Mèo. Thường chỉ đám trai bản, mạnh chân khoẻ tay và có ngựa tốt là dám đi chơi xa. Đàn bà con gái quanh năm ở lại nhà.
Hai người lặng im hồi lâu, rồi đại đội phó hỏi:
- Bao giờ chiến tranh kết thúc?
An hỏi lại:
- Bao giờ?
Chẳng ai có thể đem lại lời giải cho bài toán ấy. Một thời khắc lặng lẽ trôi qua. Đột nhiên, đại đội phó bật lên hỏi:
- Anh có nhớ thằng Toàn híp không?
- Sao không? Nó là cây hề của trung đội Một. Giờ liệu xương nó mục chưa nhỉ? Hơn hai năm rưỡi rồi còn gì? Mà đất ở đó quanh năm ẩm ướt, sương tụ, mưa núi rả rích, rêu phủ trơn như bôi mỡ từ chân lèn xuống lòng khe. Chẳng xương cốt nào trụ được với thứ thổ ngơi ấy.
An không nghe đại đội phó trả lời. Quay sang, thấy cậu ta mím chặt đôi môi nhưng nước mắt chảy nhoè nhoẹt. Đôi vai xuôi rung từng đợt như đang cơn sốt rét. Anh đưa mắt nhìn quanh nhưng may mắn chẳng còn ai có thể thấy họ lúc này. Tổ anh nuôi thu dọn xong về hầm ngủ. Có lẽ chỉ còn bầy chim thóc mách trong khóm rừng kề cận nhà ăn. Giơ một bàn tay lên, vuốt dọc sống lưng người đồng đội, anh nói:
- Khóc được như thế là tốt lắm. Khóc đi cho nhẹ lòng.
Một tiếng nói thứ hai cất lên trong con tim anh cùng lúc:
― Cậu còn có may mắn là được khóc với tôi. Còn tôi, tôi luôn phải khóc một mình. Tôi sẽ còn phải khóc một mình cho đến ngày cuối cùng của kiếp sống.„
Hai người ngồi ở đó cho đến khi đại đội phó trấn tĩnh lại, lau mặt, rút trong túi cặp kính rẻ tiền mà anh ta đã khổ công mang theo mấy năm chiến tranh để nguỵ trang cặp mắt còn đỏ hoe và sưng mọng. Bên kia trảng cỏ, thấp thoáng đám lính trần truồng. An ngạc nhiên hỏi:
- Họ làm gì bên kia thế?
Đại đội phó xì mũi và đáp:
- Lính bắt nước khe chảy xuống để tắm.
- Sao chúng nó không ra suối? Tắm nước khe dễ cảm lắm còn nước suối giờ này đã ấm lên rồi.
- Anh quên rằng sư trưởng vừa chết đuối? Sáng nay lính đổ ra đông nghịt để ngó nghiêng.
- Nhưng nước chảy không ngừng và cuốn trôi tất thảy. Vả chăng sông cũng như suối chảy qua biết bao miền, làm sao đếm được bao nhiêu kẻ đã chết đuối từ thượng nguồn xuống đến hạ lưu?
- Vâng...Nhưng sư trưởng lại chết đúng đoạn suối này nên giờ đây lính sợ. Có lẽ anh là dân miền núi nên không biết nỗi sợ của người Kinh...Dân châu thổ sông Hồng cũng như những vùng sông khác đều bị ám ảnh bởi cuộc săn đuổi ráo riết và độc ác của Ma Nam. Theo huyền thoại, Ma Nam chính là oan hồn những người bị chết đuối. Họ tìm cách dìm chết những kẻ khác. Bởi khi dìm chết những kẻ khác, họ sẽ có cơ hội được giải thoát khỏi địa ngục, được đầu thai trở lại kiếp người.
- À, ra thế.
An đáp.
Và một tiếng nói thứ hai lại cất lên trong anh:
« Nếu vậy kẻ đầu tiên bị dìm chết sẽ là ta.
Không chỉ một con ma Nam mà những hai con ma Nam sẽ tìm một kẻ thù chung cần đổi mạng.
Nhưng đã từ lâu ta không còn biết sợ hãi. Sự sợ hãi đã từ lâu rời bỏ ta; cả óc não lẫn tâm hồn.
Anh đứng lên, nói:
- Tôi muốn tắm quá. Cậu có thích ra suối với tôi không?
Đại đội phó nhìn anh một cách hãi hùng:
- Tôi?...Tôi vừa tắm chiều qua.
An cười bảo:
- Đừng sợ, tôi chỉ cần cậu ngồi bên bờ suối xem tôi tắm. Nếu không dẹp bỏ sự kiêng kị này, làm sao giải quyết được chuyện sinh hoạt bình thường của lính? Trên một ngàn quân đứng tranh nhau mấy dòng nước khe bé tẹo teo như nước bò đái để tắm ắt xảy ra đánh đấm nhau. Trong khi con suối mênh mông bỏ trống. Tôi không tin chuyện ma Nam.
- Vâng.
- Đi theo tôi.
- Vâng.
Đại đội phó đáp như cái máy và rồi bước theo anh cũng như một cái máy. Họ ra bờ suối. Vài tốp lính quẩn quanh trong rừng tò mò đi theo. Ở đó, An cất cao giọng hỏi:
- Cậu nào xuống đây bơi thi với Ma Nam?
- Báo cáo thủ trưởng, gan chúng em còn bé.
- Chờ đấy.
An nói rồi cởi quần áo lội xuống suối, bơi ra tận giữa dòng nhào lên ngụp xuống như một vận động viên nhà nghề trổ tài trước khán giả. Vừa ngụp lặn, anh vừa đưa mắt nhìn lên con thác Voi gầm trắng xoá:
― Chẳng còn kẻ nào đau khổ hơn ta. Chẳng nỗi tuyệt vọng nào sâu nặng hơn nỗi tuyệt vọng găm trong tim ta. Như thế, chẳng sức mạnh nào có thể quật đổ ta trước khi ta trả được mối thù này.
Đám lính trên bờ vỗ tay. Họ thấy An mỉm cười nên càng vỗ tay hăng hái hơn vì tưởng rằng anh đang cười với họ. Nhưng thực sự, anh đang cười với chính số mệnh cay nghiệt của mình.
o O o
Mùa thu năm Quý Tỵ, lúc đó An đang đóng quân ở Tuyên Quang. Một người bà con trong đoàn dân công tải lương gặp anh vồ vập báo tin:
― Nàng Nhỏ được tiến vua, anh đã biết chưa? Tổ chức cách mạng tìm cho chủ tịch một người phụ nữ Kinh nhưng chủ tịch lại yêu Nàng Nhỏ của chúng ta nên giờ đây em vợ anh đã thành hoàng hậu. Nàng được đổi tên là Chí thị Xuân. Mười hai gia đình bản Xíu giờ đây cũng đổi sang họ Chí sau khi biết tin ấy.
An đã nhập ngũ được hai năm. Hai năm ròng không mảy may tin tức gia đình. Cuộc gặp gỡ người bà con kia khiến anh vui sướng ròng rã hàng tháng. Niềm vui ấy như một thứ than cháy chậm, âm ỉ giữ ngọn lửa hoài hoài không tắt.
Ngay ngày hôm đó, An gặp tiểu đoàn trưởng:
- Báo cáo ban lãnh đạo, từ giờ tôi không còn là Nông văn Thành nữa mà là Chí văn Thành.
- Tại sao?
Tiểu đoàn trưởng ngạc nhiên hỏi.
- Vì chú tôi là chủ tịch xã quyết định như thế. Bản tôi chỉ có mười hai nóc nhà nên người cầm đầu đã quyết là dân bản cứ thế mà tuân theo. Người bà con vừa gặp báo cho tôi tin đó.
- Phải chăng người bà con của đồng chí đang ở trong đoàn dân công đóng trước doanh trại chúng ta?
- Vâng. Chính xác như vậy.
- Tuy nhiên, thay tên đổi họ cũng phải có lý do chứ? Không dưng, ai làm như vậy?
- Báo cáo thủ trưởng, chắc chắn là phải có lý do. Nhưng lý do ấy chỉ chú tôi và mấy ông già thông thái trong bản biết với nhau. Chúng tôi, phận con cháu không được quyền vặn hỏi.
Anh tủm tỉm cười đáp lại.
Thấy thế, tiểu đoàn trưởng liền cười theo và đáp:
- Được thôi. Chúng tôi tôn trọng quyết định của các lãnh đạo địa phương.