Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Dư Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 44
Cập nhật: 2023-03-26 23:06:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Tác Giả Phiên Bản Các Bản Dịch
ời nói đầu bản tiếng Trung văn
Cuốn sách này đã thể hiện niềm say mê của tác giả đối với chiều dài, một con đường, một dòng sông, một chiếc cầu vồng sau cơn mưa, một hồi ức dài dằng dặc, một bài dân ca có đầu không có cuối, một đời người.Tất cả giống như một bó dây thừng cuộn vào, được kể lại, kéo dần ra, kéo đến đầu tận cùng của con đường.
ở đây, có khi tác giả chỉ ngồi chơi. Bởi vì ngay từ lúc bắt đầu, anh đã phát hiện nhân vật hư cấu cũng có tiếng nói như mình, anh nhận thấy nên tôn trọng tiếng nói ấy, để nó tự đi tìm câu trả lời trong gió. Thế là tác giả cứ việc chễm chệ rung đùi, không còn phaỉ là kẻ xâm lược trong kể chuyện, mà là một người lắng nghe, một người lắng nghe bền bỉ, kỹ càng, hiểu đời và thông cảm. Anh cố gắng làm như thế, khi kể chuyện, anh muốn bỏ thân phận tác giả của mình, anh cảm thấy mình nên làm một người đọc. Sự thực cũng như vậy, khi quyển sách hoàn thành, anh phát hiện những điều mình biết không nhiều hơn người khác.
Nhân vật trong sách thường xuyên tự mở mồm nói chuyện, có lúc khiến tác giả giật mình, khi những lời hết sức xác đáng và rất hay buột ra khỏi mồm nhân vật hư cấu, tác giả đột nhiên trở nên tự ty, thầm nghĩ:“Mình đâu có nói được những lời như thế”. Nhưng khi anh trở thành một người đọc thật sự, khi anh đọc tác phẩm của người khác, anh lại thường hay thầm tự đắc:“ Mình cũng đã từng nói thế”.
Đây hình như là niềm thú vị của văn học, chúng ta cần sự ảnh hưởng của nó để uốn nắn tư tưởng và thái độ của chúng ta. Thật thú vị, khi nhiều tác phẩm vĩ đại ảnh hưởng một tác giả, anh ta sẽ phát hiện nhân vật mình hư cấu cũng đang ảnh hưởng mình bằng phương thức như thế.
Cuốn sách này thật ra là một bài dân ca rất dài, nhịp điệu của nó là tốc độ hồi ức, nhạc điệu nhảy nhót vừa phải, nốt nghỉ bị chân vần dấu kín. ở đây tác giả hư cấu chỉ là lịch sử của hai người, nhưng muốn khơi gợi lên kí ức của rất nhiều người.
Martialis nói“ Nhớ lại đời sống trước kia, không khác nào sống lại lần nữa”. Sáng tác và đọc sách thật ra đều là gõ cửa hồi ức, hay nói một cách khác đều là để sống lại một lần nữa.
Ngày 10 tháng 7 năm 1998
Dư Hoa
Lời nói đầu bản tiếng Hàn quốc
Đây là cuốn sách về bình đẳng, câu này nghe ra có vẻ kỳ quặc, nhưng đúng là tôi nhận thấy như thế. Tôi biết trong cuốn sách này viết đến rất nhiều hịên thực.Từ ngữ “hiện thực” này, khiến tôi cảm thấy mình có vẻ ngông nghênh, quá ư tự cao tự đại, cho nên tôi cảm thấy vẫn nên rút bớt giọng, nên nói trong này đã viết về bình đẳng. Trong một bài thơ đến từ mièn bắc châu Phi ở thế kỷ hai mươi đã viết:
Có thể không? Một thần dân mang cái tên Akebu - Aermansuer như tôi, sẽ chết giống như hoa hồng và Aristốt?
Theo tôi, đây cũng là một bài thơ về bình đẳng. Một thần dân bình thường, chúng ta có lý do tin rằng, anh là một người có phép tắc, một người có phép tắc hâm mộ vẻ đẹp của hoa hồng và phẩm chất bác học của Aris tốt, anh khát khao mong mỏi hoa hồng và Aristốt đã từng y hệt giờ phút này của anh. Hai nơ nói: “ Chết là đêm tối mát mẻ”. Hainơ cũng ca ngợi cái chết, bởi vì “ Đời sống là ban ngày đau khổ”. Ngoài ra, Hai nơ cũng biết cái chết là sự bình đẳng duy nhất.
Còn một sự theo đuổi bình đẳng khác. Có một người như thế này, anh ta không biết có một người nước ngoài có tên là Aristốt, cũng chẳng biết hoa hồng( anh ta chỉ biết là hoa), anh ta biết rất ít sự việc, cũng không có nhiều người quen, chỉ có đi trong thành phố nhỏ mình sống, anh ta mới không lạc lối. Đương nhiên, giống như người khác, anh ta cũng có một gia đình, có vợ và con trai; trước mặt mọi người anh ta cũng tỏ ra tự ti như người khác, nhưng trước mặt vợ con lại tràn đầy niềm tin, cho nên anh ta cũng thường hay nói kháy, quát nạt trong gia đình.Con người này đầu óc ù lì, suy nghĩ nông cạn, tuy ngủ anh ta cũng nằm mơ, nhưng anh ta không có mộng tưởng. Khi anh ta thức, anh ta cũng theo đuổi bình đẳng, nhưng khác với thần dân Akebu-Aermansuer, anh ta không biết theo đuổi bình đẳng thông qua cái chết, anh ta biết con người đã chết không còn gì hết. Anh ta là một con người thực tế như đời sống, cho nên sự bình đẳng mà anh ta theo đuổi giống như hàng xóm của anh, giống như những người anh quen biết. Khi cuộc sống của anh cực kỳ tồi tệ, bởi vì cuộc sống của người khác tồi tệ như thế, nên anh cũng hài lòng thoả mãn.Anh không để tâm đến chất lượng đời sống tốt hay xấu, nhưng anh không chấp nhận người ta khác anh.
Rất có thể tên con người này là Hứa Tam Quan, tiếc rằng sự bình đẳng mà Hứa Tam Quan theo đuổi suốt đời, rút cuộc lại phát hiện: Lông mày và lông dái mọc trên người mình đều không bình đẳng. Cho nên anh đã nói một cách đầy lòng hậm hực:“Lông dái mọc muộn hơn lông mày, nhưng lại dài hơn lông mày”.
Ngày 26 tháng 8 năm 1997.
Dư Hoa
Lời nói đầu bản tiếng Đức
Có một người cho đến nay tôi vẫn không quên, có một câu truyện cho mãi đến bay giờ tôi vẫn chưa viết. Tôi quen người ấy, nhưng tôi không sao nhớ được khuôn mặt của ông ta, nhưng tôi laị nhớ dáng ông ta ngậm điếu thuốc lá cuộn ở mép, cả cái áo bơ lu trắng nhọ nhem ông ta mặc trên người. Câu truyện có liên quan đến ông ta rõ ràng và đáng tin như tuổi thơ của chính mình. Đây là lịch sử mạng sống của một vị trưởng phòng cung cấp máu, ông ta đã từng kể cho tôi một cách thường xuyên, đồng thời cũng rất là lộn xộn không ra đầu ra đuôi, tôi chỉ nhớ lơ mơ tí chút.
Con người này đã qua đời, bố tôi bảo thế. Bố tôi, một bác sĩ ngoại khoa về hưu, nhắc nhở tôi trong điện thoại --- Liệu có còn nhớ cuộc bán máu tập thể huy hoàng ngày ấy do con người này lãnh đạo? Đương nhiên tôi nhớ.
Con người ấy có vẻ giông giống ông Lý trưởng phòng cung cấp máu trong cuốn sách này. Tôi đã quên họ thật của ông, như thế càng hay, bởi vì ông sẽ là một họ bất kỳ nào trong nhiều dòng họ của Trung Quốc. Đây hầu như là sự thật mà văn học vui vẻ chứng kiến, phẩm chất của một người thật ra đã âm thầm lặng lẽ có trong số đông người, thế là Vossder (nhân vật trong truyền thuyết thời trung cổ của châu Âu ND) của các bạn trong khi suy nghĩ, đã làm cho người Trung Quốc chúng tôi cảm thấy mình đang sắp sửa đưa ra sự lựa chọn.
Trong thế giới của mình, con người này luôn luôn tạo dựng một số thẩm quyền nào đó không nói ra cũng đã hiểu, tuy địa vị của ông ta trong bệnh viện thấp hơn một y tá thông thường nhất, nhưng ông tinh thông ý nghĩa của sự góp nhặt tích luỹ lâu ngày, trong con mắt của một số người vì nghèo khó, hoặc vì lý do quan trọng khác đến bán máu, có những lúc ông ta đã trở thành chúa cứu thế.
Trong thời đại đó, kho máu của mọi bệnh viện đều dự trữ đầy đủ, ngay từ lúc bắt đầu, ông ta đã lợi dụng đầy đủ điểm này, khiến những người bán máu từ xa đến đã bắt đầu phải lo ngay từ trên đường đi, lo sao bán được máu trong cơ thể mình. Ông ta đã bồi dưỡng một cách tự nhiên lòng tôn kính của những người bán máu đối với ông, hơn nữa còn làm cho ai ai cũng tỏ ra tôn kính ông từ trong lòng. Tiếp theo, ông ta lại bắt những người hết sức chất phác này hiểu ý nghĩa của quà biếu, tuyệt đaị bộ phận trong số những người bán máu đều là người mù chữ dốt nát, nhưng họ biết giao lưu là điều không thể thiếu giữa con người và con người, quà biếu rõ ràng là căn cứ quan trọng nhất khi giao lưu, nó là một thứ ngôn ngữ khác, một thứ ngôn ngữ lấy tự hy sinh và tự tổn thất làm tiền đề. Chính vì vậy, quà biếu đã trở thành từ ngữ yêu thích, ca ngợi và tôn kính sâu sắc. Cứ như thế, ông ta làm cho mọi người hiểu rằng, trước khi ra khỏi nhà phải mang thêm một hai cây rau xanh, một vài quả cà chua và mấy quả trứng gà, đến bằng hai bàn tay không, coi như mất ngôn ngữ, trở thành người câm điếc.
Ông ta chịu khó dóng dựng vương quốc của mình, dài tới hàng chục năm. Sau đó thời đại đã thay đổi, kho máu của mọi bệnh viện đều bắt đầu trở nên thiếu máu dự trữ, người mua máu bắt đầu lấy lòng kẻ bán máu, thẩm quyền của các vị chủ trì cung cấp máu đã rùng rùng chực đổ. Nhưng ông ta đâu có vì thế mà lo lắng, ông ta lúc bấy giờ đã đổ ráo sự xáo quyệt, thói tự tư lẫn kiến thức cao xa và lòng đồng tình vào cùng một lò nấu, ông ta có thể ung dung ứng phó bất kỳ khó khăn nào. Ông ta đã phát hiện giá máu ở các địa phương khác nhau, thế là mới có sự nhắc nhở của bố tôi nói trên kia---- - Trong một thời gian rất ngắn ngủi, ông ta đã tổ chức gần một ngàn người bán máu, lặn lội hơn năm trăm ki lô mét, từ Triết Giang đến Giang Tô, vượt qua mười huyện, bán máu của họ đến chỗ mà ông ta biết có giá cao nhất. Những kẻ theo ông ta đã được khoản thu nhập nhiều hơn, còn túi tiền của ông ta, thì phồng lên không kém gì quả bóng bơm căng hơi.
Đây là một hành trình hỗn tạp dài dằng dặc. Tôi không biết ông ta đã dùng thủ đoạn gì, tổ chức đám người ngày thường hết sức tự do tản mạn, đồng thời lại không quen biết nhau, thành một đôị ngũ ô hợp ầm ĩ nhốn nháo. Tôi tin ông ta đã quy định cho họ những kỷ luật nào đó, đồng thời vay mượn một cách tự thông thạo lối biên chế nào đó trong quân đội, trong đám người hỗn tạp này, ông ta chọn ra mấy chục người, cho họ có quyền lực hữu hạn, để họ trổ hết tài hoa của mình, sử dụng xen kẽ cả đe doạ, lôi kéo, rủ rê đường mật và bụôt mồm quát chửi, bọn này đã quản lý cho ông ta gần một ngàn con người, còn ông ta chỉ cần nắm được mấy chục người này là đủ.
Hành vi tập thể này rất giống quân đội di chuyển trong chiến tranh, hoặc giống nghi thức tôn giáo đang tiến hành, họ phủ đen ngòm cả một chặng đường dãi dài dài. Những câu truyện trong này chắc chắn khiến tôi say mê, những cuộc ẩu đả giữa bọn đàn ông, những chuyện tán gẫu giữa cánh đàn bà, còn có cả những cuộc tình vụng trộm giữa con trai con gái và bệnh tật đột nhiên sảy ra làm ngã lăn đùng một người nào đó, đương nhiên cũng có sự giúp đỡ lẫn nhau chân thành, có thể còn nẩy sinh cả tình yêu là đằng khác…. Tôi tin trong thế giới này, cũng không còn tìm đâu ra một đôị ngũ khác càng lắm màu nhiều vẻ như đội ngũ này.
Tôi luôn luôn hy vọng viết ra được câu truỵện này, một hôm ngồi vào bàn, tôi phát hiện mình bắt đầu viết một câu truyện bán máu, chín tháng sau, tôi biết một cách chính xác mình đã viết gì, tôi đã viết “ Chuyện Hứa Tam Quan bán máu”.
Rõ ràng, đây là một câu truyện khác, nhân vật trong câu truyện này, chỉ là một trong gần một ngàn con người đi theo lão trưởng phòng cung cấp máu, anh ta cũng có thể không tham gia cuộc lặn lôị bán máu đường dài. Tôi biết mình chỉ viết một trong rất nhiều câu truyện, còn rất nhiều câu truyện khác tôi vẫn luôn luôn chưa viết, mà cũng không biết sau này có viết không? Đây là lý do tôi trở thành một nhà văn, tôi không có quyền thống trị đối với những câu truyện đó, cho dù là câu truyện mình viết ra, một khi viết xong, nó không còn thuộc về mình, tôi chỉ là người được chúng chọn để hoàn thành công việc này. Do đó, tôi làm một tác giả, bạn làm một đọc giả, đều là ngẫu nhiên, Nếu bạn, một đọc giả trong thế giới tiếng Đức, sau khi đọc cuốn sách này, phát hiện một lựa chọn nào đó mà nhân vật trong sách đưa ra, cũng là sự phán đoán trong lòng bạn, thì chúng ta đã cùng thưởng thức vị ngon của văn học.
Ngày 27 tháng 6 năm1998
Dư Hoa
Lời nói đầu bản tiếng Italia
Những năm qua, tôi luôn luôn sáng tác bằng hán ngữ tiêu chuẩn --- ý của tôi là tôi lớn lên ở miền nam Trung Quốc, nhưng lại sáng tác bằng ngôn ngữ miền bắc.
Giống như tiếng Italia đến từ Firenze, hán ngữ tiêu chuẩn của chúng tôi, cũng đến từ tiếng một địa phương. Ngôn ngữ của Frienze là do một bài thơ dài vĩ đại mà vinh dự trở thành ngôn ngữ nhà nước, đối với người Trung Quốc chúng tôi, sự thực này hay như một truyền thuyết, hơn nữa còn làm cho chúng tôi ngạc nhiên và hâm mộ. Thiên tài của Dante Alighieri khiến khẩu ngữ có tính chất một địa phương trở thành sự biểu đạt văn bản hoàn mỹ, sự vận động hài hoà của những âm thanh đẹp và lòng đam mê phóng túng của nó, còn có cả sức mạnh của trầm tư bừng bừng hiện trên trang giấy. So với tiếng la tinh cổ xưa, ngôn ngữ của “Thần khúc” dường như càng sống động dồi dào, tôi tin vẫn đang còn có tình cảm thân thiết rất khó diễn tả.
Ngôn ngữ miền bắc chúng tôi lại có lợi cho sự phân phối quyền lực. Trong lịch sử Trung Quốc trước đời Thanh, quyền lực ngả về miền bắc, làm cho ngôn ngữ của khu vực này trở thành kẻ thống trị, ngôn ngữ của khu vực khác, đã sa vào vị trí tiếng địa phương quê mùa thô tục. Thế là tác phẩm viết bằng phương thức giống nhau, ở miền bắc quyền lực, đã trở thành sự ghi chép lịch sử, chính sử hoặc dã sử, còn ở miền nam đành chịu số phận lưu đày trong cách thức truyền thuyết dân gian.
Tôi trưởng thành trong ngôn ngữ địa phương. Một hôm, khi tôi ngồi xuống quyết định viết một câu truyện, tôi phát hiện ngôn ngữ chung sống với mình sớm sớm chiều chiều hơn hai mươi năm qua, đột nhiên trở thành một lô một lốc những chữ sai và chữ viết lẫn. Sự khác nhau giữa biểu đạt bằng khẩu ngữ và văn bản, khiến tư duy của tôi lúng túng không biết làm thế nào, giống như một cánh cửa đột nhiên đóng sầm trước mắt tôi, khiến tôi mất lối đi.
Tôi được trở thành một nhà văn ở Trung Quốc, trên một trình độ rất lớn, là nhờ vào tài hoa thoả hiệp của tôi về mặt ngôn ngữ. Tôi biết mình đã mất quê hương của ngôn ngữ, may mà tôi không đánh mất hình tượng của quê hương và kinh nghiệm trưởng thành, tính linh hoạt của bản thân hán ngữ đã giúp đỡ tôi, để tôi rót không khí và tiết tấu của miền nam vào trong ngôn ngữ của miền bắc, thế là ngôn ngữ khác quê bắt đầu làm cho hình tượng quê hương trở nên sống động. Đây chính là chỗ tuyệt diệu của ngôn ngữ, đồng thời cũng là con đường sinh tồn.
Mười lăm năm sáng tác, đã khiến tôi bỏ hầu hết những chữ sai và chữ viết lẫn đến từ quê hương, tôi đã học được làm thế nào để tìm ra những từ vựng chính xác và mạnh mẽ, làm thế nào để tổ chức câu kéo dài. Tóm lại, tôi đã học biết làm thế nào để suôn sẻ trôi chảy trong hán ngữ tiêu chuẩn, lèo lái chúng như đi trên đường bằng phẳng. Từ ý nghĩa này mà nói, tôi đã là “ Thương nữ bất tri vong quốc hận”.
Ngày 11 tháng 4 năm 1998
Dư Hoa
Lời nói đầu bản tiếng Anh
Khi tôi viết bài lời nói đầu này, báo chí Trung Quốc đang kể một câu truyện cảm động, một ông bố nhờ có mấy vạn đồng tiền bán máu, đã nuôi con ăn học hết phổ thông trung học và lại vào đại học. Trong thời gian này, mỗi bức thư con trai gửi về xin tiền bố, đều là đơn thông báo bán máu, để ông bố luôn luôn bán máu, gom đủ số tiền con trai xin. Nhưng con trai lại bỏ học giữa chừng không biết đi đâu, chỉ để lại cho bố một mã số điện thoại không bao giờ gọi được. Người bố sinh sống ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, lần nào gọi điện thoại cũng phải cuốc bộ một chặng đường hơn ba tiếng đồng hồ, mặc dù vậy, ông bố vẫn đi hết lần này đến lần khác để bấm gọi số điện thoại đã không tồn tại. Báo chí đưa tin này, khiến cả xã hội quan tâm theo dõi. Sau khi nghe tiếng bố nhắn tìm mình trên đài, cuối cùng, cậu con trai đã lên tiếng, nhưng cậu không muốn bộc lộ mình, cậu chỉ đồng ý đối thoại một lần trên mạng và với nhà báo. Rõ ràng cậu đang chịu sức ép nặng nề. Cảnh ngộ nghèo khó đã khiến cậu không còn mặt mũi đi gặp bố mình, cậu bảo hiện giờ đầu cậu đang trống rỗng.
Đây chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn câu truyện bán máu ở Trung Quốc.Tôi dùng google tìm trên mạng, có thể tìm được hơn một vạn tin bài về bán máu. ở rất nhiều nơi, bán máu đã trở thành phương thức sinh tồn của những người nghèo khổ, thế là đã xuất hiện hết thôn bán máu này đến thôn bán máu khác.Trong các thôn này, hầu như gia đình nào cũng bán máu. Bán máu lại dẫn đến việc lây lan đan xen bệnh si đa, một số thôn bán máu đã trở thành thôn bệnh si đa. Một nông dân người tỉnh Tứ Xuyên tên là Lý Hiếu Thanh bán máu đã ba mươi năm, sau khi lây bệnh si đa, ông đã qua đời tháng mười hai năm ngoái. Ông Lý Hiếu Thanh là một người mắc bệnh si đa đầu tiên, đã dũng cảm đối mặt với cơ quan thông tấn báo chí, khi còn sống ông đã may áo thọ cho mình, đây là quần áo người Trung Quốc mặc trên thân sau khi chết. Ông Lý Hiếu Thanh đã từng bốn lần mặc áo thọ nằm trên giường tre của mình, ba lần trước ông đều sống, lần thứ tư ông mới chết thật sự. Sau khi ông chết, các con trai nghèo túng của ông vẫn bỏ ra ba trăm năm mươi đồng, mời ban nhạc tang, thổi kèn đánh trống một ngày trước thi hài ông.
Tôi biết lịch sử và hiện thực của Trung Quốc đã nuôi dưỡng sáng tác của tôi, đã cho tôi thân thể, bàn tay và tim đập khi sáng tác. Còn văn học đã cho tôi con mắt khi sáng tác, để tôi có thể nhìn thấy sự vật sâu sắc hơn và lâu dài hơn trong hiện thực kinh khủng và những sự kiện lắt léo, khúc khuỷu. Giống như trong câu truyện bán máu nuôi con trai ăn học, con mắt của văn học đã nhìn thấy gì? Tôi tin là lần nào người bố cũng phải đi chặng đường hơn ba tiếng đồng hồ để bấm số điện thoại không tồn tại, chính chi tiết này đã làm cho văn học trổ hết tài năng, nổi trội hẳn lên trong sự kiện lịch sử và đời sống hiện thực. Cũng như thế, trong vận mệnh của ông Lý Hiếu Thanh, con mắt của văn học sẽ thấm đẫm nước mắt vì bốn lần ông đã mặc áo thọ. Tác phẩm văn học phải được tạo nên bằng những biểu đạt như thế, chứ không phải giải thích minh hoạ một cách giản đơn sơ sài đời sống và sự kiện Đấy chính là vì sao đời sống và sự kiện thường qua đi trong nháy mắt, còn văn học lại đứng được lâu bền, trải qua thời gian dài mà vẫn mới. Tôi hy vọng “ Chuyện Hứa Tam Quan bán máu” sẽ là một cuốn tiểu thuyết như vậy.
Hai mươi năm trước, khi tôi vừa mới bắt tay sáng tác, tôi đã đọc một quyển sách “ Tôi và nhà sách Ran dom”. Hiện giờ nội dung quyển sách và họ tên vị biên tập nổi tiếng ấy đã mờ nhạt trong ký ức tôi, chỉ còn lại một nguyện vọng thầm kín, đó là hy vọng bản tiếng Anh tiểu thuyết của mình được nhà sách Ran dom xuất bản. Đây là một nguyện vọng dài hai mươi năm. Cảm ơn nhà sách Random, cảm ơn biên tập viên tủ sách Điện Vạn Thần đã tiếp nhận tiểu thuyết này, khiến cho nguyện vọng dài dằng dặc của tôi có dịp được thực hiện.
Đương nhiên, tôi xin cảm ơn bạn AdrewJones đã phiên dịch tác phẩm này, đã lâu lắm rồi, người bạn cũ này đã dịch xuất bản một tập truyện của tôi “ Chuyện xưa và Hình phạt”, từ nay về sau, chúng ta vẫn tiếp tục hợp tác. Cũng xin cảm ơn Joanne, chị là người thay mặt tôi, công tác xuất sắc của chị đã thúc đẩy tất cả công việc này. Còn phải cảm ơn Hajin, tuy chúng ta vốn không quen biết nhau, nhưng anh đã sốt sắng vô tư giới thiệu sách của tôi với nhà sách Ran dom.
Ngày 17 tháng 4 năm 2002
Dư Hoa
Chuyện Hứa Tam Quan Bán Máu Chuyện Hứa Tam Quan Bán Máu - Dư Hoa Chuyện Hứa Tam Quan Bán Máu