Nguyên tác: The Family
Số lần đọc/download: 724 / 147
Cập nhật: 2020-01-25 21:22:35 +0700
Lời Bạt
N
gạc nhiên lớn nhất cho tôi khi lần đầu gặp Mario Puzo đó là anh chẳng có chút chi giống với những nhân vật của anh. Mario mà tôi biết là một người chồng, một người cha, một người tình, một nhà tư vấn, và một người bạn trung thực. Anh tử tế và rộng lượng, trung thực như bất kì ai với đủ đức tính thật thà, vui tính và thông minh. Ở Mario Puzo toát lên vẻ trung thành, tính công bằng, từ tâm mà anh hay nói đến trong những quyển sách của mình, không hề có sự đê tiện, độc ác. Khía cạnh đó đến từ những cơn ác mộng, không phải từ những giấc mơ của anh. Anh dễ mắc cỡ, nói năng từ tốn, và là một người rộng lượng, rất ít khi phán xét người khác. Chúng tôi sống với nhau hai mươi năm, cùng vui đùa, cùng động não và làm việc chung với nhau.
Mario say mê nước Ý thời Phục hưng, và đặc biệt là gia đình Borgia. Anh ấy quả quyết họ là gia đình tội ác đầu tiên, với những cuộc phiêu lưu đầy phản trắc, lọc lừa hơn bất kì câu chuyện nào mà anh từng kể về Mafia. Anh ấy tin rằng các Giáo hoàng là những ông Trùm đầu tiên - và Giáo hoàng Alexander là ông Trùm vĩ đại nhất trong các ông Trùm.
Trong phần lớn những năm chúng tôi sống bên nhau, Mario luôn kể chuyện về nhà Borgia. Những cuộc phiêu lưu của họ vừa làm anh kinh ngạc lẫn thích thú, và anh còn viết lại một vài biến cố, tăng thêm tính đương đại cho chúng để lồng vào các cuốn sách về Mafia khác của anh.
Một trong những thú vui lớn nhất của Mario là du lịch, và chúng tôi vẫn thường cùng nhau hưởng thú vui đó. Sau khi tham quan Tòa thánh Vatican năm 1983 anh bị “hớp hồn” bởi cảnh quan, cảm nhận và ẩm thực của nước Ý, bị cuốn hút bởi lịch sử sôi động và lắm thăng trầm hưng phế của quốc gia này đến nỗi muốn viết một tiểu thuyết lịch sử về nó. Nhiều năm trước đây anh đã bắt đầu viết quyển sách về nhà Borgia, mặc dầu lúc đó anh xem đó chỉ là một câu chuyện gia đình nữa mà thôi. Mặc dầu trong thời gian đó, anh cũng viết nhiều quyển tiểu thuyết khác, song mỗi lần gặp khó khăn khi sáng tác, mỗi lần bí ý tưởng hay nản chí, anh lại đến với quyển sách về Borgia để tìm cảm hứng hay chỗ trú ẩn.
Một hôm, nằm dài trên chiếc trường kỉ, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà như thường lệ, anh bất chợt bảo tôi: “Anh ao ước có thể viết một quyển sách với tư liệu này và kiếm được một số tiền lớn”.
“Sao anh không viết đi?” Tôi hỏi.
“Anh từng là một người cầm bút phải vất vả vật lộn với cơm áo gạo tiền mãi cho đến năm anh bốn mươi tám tuổi, em à. Anh đã viết hai quyển sách mà các tay điểm sách gọi là tác phẩm kinh điển, thế mà anh chỉ kiếm được có năm ngàn đô-la. Chỉ sau khi viết quyền Bố Già (The Godfather), anh mới có thể nuôi nổi gia đình. Anh đã phải sống trong cảnh bần hàn quá lâu nên không muốn mạo hiểm chọn một cách viết khác khi đã vào cái tuổi xế chiều này.”
o O o
Sau khi anh phải chịu cơn đau tim vào năm 1992, tôi hỏi lại anh. “Anh có còn quan tâm nhiều đến quyển sách về nhà Borgia không?”
“Anh còn phải viết hai quyển sách về Mafia trước đã, rồi sau đó anh mới thảnh thơi để nghĩ đến chuyện khác,” anh nói. “Vả chăng anh vẫn còn thích thú khám phá những nhân vật đó. Anh không chắc có sẵn sàng cho họ hóa thân và chuyển mình trên trang giấy hay chưa….”
Trong thời gian tại thành phố biển Malibu, anh dần hồi phục từ cuộc phẫu thuật tim, còn những khi thấy hơi khó ở hay muốn thay đổi không khí, anh lại đọc những quyển sách về thời Phục hưng ở Ý và đánh dấu những trang, những phần về nhà Borgia cho tôi đọc và để chúng tôi sẽ bàn luận sau đó.
Mario là một con người rất hóm hỉnh với cách nhìn sự việc vô cùng độc đáo. Một hôm, khi chúng tôi đang cùng làm việc trong phòng, anh nói, “Lucrezia là một cô gái tốt”.
Và tôi cười lớn. “Còn những người khác trong gia đình ấy?” tôi hỏi. “Họ là những kẻ đều giả, độc ác?
“Cesare là một người yêu nước muốn làm một người hùng. Alexander là một người cha tận tụy, một người đàn ông thực sự của gia đình,” anh nói. “Cũng như nhiều người khác, họ cũng từng làm những điều xấu, nhưng chuyện đó không làm cho họ thành người xấu.”
Ngày hôm đó, chúng tôi nói chuyện và cười đùa về họ suốt mấy giờ liền, và khuya hôm đó anh hoàn tất cảnh Cesare và Giáo hoàng tranh cãi nhau về chuyện chàng có nên làm hồng y hay không.
Trong thời gian này, mỗi lần Bert Fields đến, Mario luôn ra ngoài ăn cùng anh ấy. Bert không chỉ là một sử gia xuất sắc và một luật sư tài danh, nhưng còn là một trong những người bạn thân thiết nhất của Mario. Mỗi lần gặp nhau, cho dẫu là ở Bờ Đông hay Bờ Tây, cuộc nói chuyện trong bữa ăn tối hầu như lúc nào cũng xoay quanh những nhân vật nhà Borgia. Bert cũng phấn khích và hứng thú về quyền lực và sự phản bội thời Phục hưng như Mario.
“Khi nào thì các bạn cùng bắt tay vào cuốn sách về Borgia?” Bert luôn hỏi chuyện đó.
“Tôi vẫn đang tiến hành đấy chứ,” Mario hỏi.
“Anh ấy đã viết rất nhiều chương của quyển sách ấy rồi,” tôi bảo Bert.
Và Bert có vẻ hài lòng lắm.
Thời gian trôi qua, Mario thường gọi điện thường xuyên cho Bert để trao đổi những câu chuyện, đặt những câu hỏi và chia sẻ những nhận định. Mỗi lần kết thúc cuộc đối thoại với Bert, Mario và tôi sẽ nói về những người trong nhà Borgia, và anh lại nôn nóng viết thêm những câu chuyện liên quan đến gia đình này.
o O o
Năm 1995, một ngày nọ, sau khi bàn luận sôi nổi về bản chất tình yêu, các mối quan hệ và sự phản bội, tôi đưa ra đề nghị. “Em sẽ giúp anh hoàn thành cuốn sách về nhà Borgia. Chưa chết thì anh chưa cần người viết chung đâu,” anh nói, mỉm cười với tôi.
“Được thôi, nhưng như vậy em sẽ làm gì với một quyển sách còn dang dở?” Tôi nói bằng giọng bình tĩnh.
Anh cười với tôi. “Thì em hoàn tất nó,” anh nói.
“Em không thể hoàn tất nó. Em không nhớ hết những gì anh đã chỉ cho em,” tôi nói, không thể nghĩ đến cảnh sống tiếp mà không có anh.
Anh vỗ vai tôi và nói, “Em có thể làm được mà. Em đã biết câu chuyện từ đầu đến cuối. Anh đã viết rất nhiều về nó và chúng ta đã nói về nó hàng bao năm rồi. Em có thể chỉ cần viết thêm những đoạn còn thiếu thôi.” Rồi anh vuốt má tôi, và nói, “thực sự anh đã nói cho em tất cả những gì anh biết.”
Hai tuần lễ trước khi mất, mặc dầu tim rất yếu, Mario vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Ngày nọ, khi chúng tôi cùng ngồi trong văn phòng, anh cúi người xuống và rút ra một xấp dày bản thảo, viết bằng bút đánh dấu màu đỏ trên giấy kẻ màu vàng, từ đáy hộc bàn viết. Tôi nghĩ đó là bản thảo của quyển Omerta nhưng hóa ra không phải. “Đọc đi,” anh nói, và trao xấp bản thảo đó cho tôi.
Tôi vừa đọc vừa khóc. Đó là chương cuối của quyển sách về Borgia.
“Em hãy hoàn tất nó,” anh nói. “Hứa với anh đi.”
Và tôi đã thực hiện di nguyện của anh.
• Carol Gino