The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 34
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31
ọi sự việc bỗng nhiên bị đảo lộn với một tốc độ nhanh đến không tưởng tượng nổi. Mấy tuần lễ trôi đi vùn vụt như tuyết tan trên đường phố. Một thời gian dài tôi không hay tin gì về Melikov. Nhưng rồi vào một buổi sáng ông bỗng xuất hiện trước sự ngạc nhiên của tôi.
– Ông được thả rồi sao? - Tôi reo lên. - Mọi sự như thế là kết thúc rồi chứ?
Melikov lắc đầu.
– Tạm tha thôi. Vụ này còn đang chờ điều tra thêm.
– Có những tang chứng nghiêm trọng nào để khép tội ông không?
– Tốt nhất là chúng ta không nên bàn tới chuyện này. Và còn tốt hơn nữa nếu anh không hỏi tôi thêm nữa. Ở New York này không nên chờ đợi bất cứ điều gì đáng hứa hẹn hơn và cũng chẳng nên hỏi liệu chúng có thành hiện thực hay không.
– Thôi được, Melikov. Nom ông gầy quá. Tại sao chúng giam ông lâu thế?
– Mong sao đây là câu hỏi cuối cùng của anh đấy nhé! Ross, hãy tin tôi, như vậy tốt hơn. Và xin anh hãy tránh xa tôi ra.
– Không đời nào. - Tôi nói.
– Nên thế. Còn bây giờ ta hãy uống với nhau cốc vodka. Từ lần uống cốc cuối cùng đến nay đã trôi qua bao nhiêu thời gian rồi.
– Nom khí sắc của ông kém lắm. Ông vừa gầy vừa ủ dột quá. Hi vọng rằng chả bao lâu nữa mọi chuyện sẽ xoay chuyển tốt đẹp cho ông.
– Khi còn ngồi trong tù, tôi đã tự kỉ niệm bảy mươi năm tôi có mặt trên cõi đời này. Mà huyết áp của tôi cao lắm đấy.
– Nhưng có thuốc cơ mà.
– Ross, không có thuốc nào giải quyết được các rắc rối đâu. Tôi không muốn chết ở trong tù.
Tôi im lặng không nói gì. Mưa gõ lộp độp trên mặt kính cửa sổ.
– Ông không thể… - tôi nói đủ để Melikov nghe, - ông không thể làm cái điều mà tôi đã làm trong giây phút bị đe dọa được sao? Nước Mỹ rộng mênh mông mà không phải ở chỗ nào cũng nhất thiết đòi hỏi phải đăng kí hộ khẩu. Ngoài điều đó ra, mỗi bang đều có sự độc lập riêng và những luật pháp riêng. Tôi không dám nói đây là gợi ý cho ông đâu, nhưng ông hãy thử nghĩ tới chúng xem sao.
– Tôi không muốn lâm vào tình trạng bị truy nã, săn lùng. Không, tôi phải thử vận may xem sao. Tôi hi vọng ở sự giúp đỡ của những người bảo lãnh tôi ra. Nhưng thôi, lúc này ta hãy quên chuyện đó đi đã. - Melikov mỉm cười nom rất cay đắng. - Chúng ta hãy uống cho vỡ mẹ tim ra chừng nào còn đang được hưởng tự do.
Tháng ba, Vriesländer cho phép cô con gái làm lễ đính hôn với một anh chàng người Mỹ. Và ngay tháng tư cặp uyên ương đã tổ chức lễ cưới. Vriesländer quyết định nhân dịp này sẽ tổ chức cho cô con gái hai lễ cưới luôn một lúc: Một lễ cưới để chứng tỏ gia chủ đã là dân Mỹ, một lễ cưới nữa chứng tỏ rằng gốc gác họ cũng vốn từng là dân lưu vong.
Vriesländer tin chắc rằng với mỗi ngày qua đi, gia đình ông đang Mỹ hóa dần và việc cô con gái ông lấy một anh chàng là dân Mỹ gốc càng chứng tỏ điều này. Nhưng mặt khác, Vriesländer lại cũng muốn thể hiện cho chúng tôi - những kẻ chưa có quốc tịch - thấy rằng ông đã xóa bỏ gốc tích, cội nguồn nhưng ông và mọi người trong gia đình ông không bao giờ quên cái cội nguồn đó. Tôi không muốn đến dự cái đám cưới kia làm gì nhưng vì Natasha vẫn hi vọng tôi mang về một soong thịt hầm Szeged đầy, nên nàng giục tôi đi.
Trong bữa tiệc, tâm trí tôi như bị Kahn hút hết. Nom anh ta buồn bã, mệt mỏi quá sức. Còn lâu mới tàn bữa tiệc nhưng Kahn đã muốn ra về.
– Tôi không thể nào chịu đựng nổi lâu hơn nữa bầu không khí nơi đây. - Kahn thì thầm vào tai tôi. - Hàng trăm con chim đui mù bây giờ đâm ra sợ hãi những thanh chắn bắc ngang bắc dọc trong những chiếc lồng của chúng bởi lẽ bỗng nhiên chúng phát hiện ra là những thanh kia không phải được làm bằng thép mà làm bằng thứ gỗ mục được sơn phết lại. Và bây giờ những chú chim tội nghiệp kia không biết nên làm gì đây: hót ca hay than thở. Vài con cất tiếng hót, - Kahn nói thêm, mặt nhăn nhúm. - Nhưng chả bao lâu nữa chúng cũng sẽ hiểu rằng ở nơi đây có kêu ríu rít cũng chả để làm gì, chúng đã bị tước đoạt mất chỗ dựa cuối cùng: cả nỗi buồn chán lẫn niềm căm hận, dù mang màu sắc lãng mạn đi nữa. Té ra là không nên căm giận cái xứ sở đang bị tàn phá làm gì. Đấy, cái chung cuộc là như vậy đấy. Thôi, chúc anh ngủ ngon, Ross.
Nom Kahn bợt bạt, mét xanh.
– Có lẽ một lát nữa tôi sẽ tới chỗ anh.
– Không cần đâu. Về đến nhà tôi sẽ đi ngủ liền. Chỉ cần vài viên thuốc ngủ là yên ổn thôi. Đừng lo gì cho tôi cả, - nhìn mặt tôi, Kahn vội nói như an ủi, - tôi không làm gì để tự hành hạ mình đâu. Tôi mong anh vui vẻ dự hết đám cưới này. Thôi tạm biệt, Ross.
– Tạm biệt, anh Kahn. Trưa mai tôi sẽ rẽ qua chỗ anh.
– Rất mong được gặp anh.
Ngày hôm sau tôi đến thăm Kahn thì anh ta không còn sống nữa. Anh ta đã tự vẫn bằng một viên đạn súng ngắn bắn vào đầu. Anh ta không nằm trên giường mà nằm trên sàn nhà ngay gần chiếc ghế. Hôm đó là một ngày hết sức sáng sủa, ánh nắng tựa như làm chói mắt. Cái màn cửa không kéo lại nên ánh sáng ùa vào khắp gian phòng. Còn Kahn thì nằm trên sàn. Mới thoạt nhìn, những gì đập vào mắt tôi hoàn toàn không tự nhiên đến độ tôi không thể tin được điều gì đã xảy ra. Sau đó tôi nhận ra tiếng radio, thì ra cái đài vẫn nói sau khi anh ta chết và rồi tôi mới nhận ra trên phần xương hộp sọ của anh ta có một lỗ thủng đã tụ máu. Kahn nằm nghiêng về một bên.
Tôi không biết nên xử sự như thế nào. Tôi thường nghe nói là vào những trường hợp như vậy trước tiên cần phải báo ngay cho cảnh sát và tuyệt nhiên không được động đậy và sờ mó vào bất cứ vật gì trước khi cảnh sát tới. Tôi cứ đứng lặng như vậy, như một bức tượng gỗ chứ không còn là cơ thể sống nữa. Mãi một lúc sau tôi mới sực tỉnh và cảm thấy ăn năn, hối hận tựa như chính tôi có lỗi trong cái chết của Kahn. Anh ta quá cô đơn, anh ta muốn tìm sự nương tựa ở tôi, còn tôi lại thờ ơ, vô tình.
Tôi gọi điện cho Ravic - đó là ông bác sĩ duy nhất mà tôi quen biết. Một lúc sau, Ravic lái xe tới.
– Cần phải gọi cảnh sát, - anh nói với tôi, - anh thấy sao?
– Có nhất thiết phải gọi cảnh sát không? - Tôi hỏi lại Ravic.
– Cũng không nhất thiết. Tôi có thể nói là tôi đã nhìn thấy Kahn đầu tiên. Khi cảnh sát tới sẽ nảy sinh cả một loạt câu hỏi phiền toái. Hay là anh nên tránh mặt bọn họ?
– Bây giờ thì không thể được nữa rồi. - Tôi nói.
– Giấy tờ của anh hợp lệ cả chứ?
– Điều đó cũng chả quan trọng gì đâu.
– Không, ở một phương diện nào đó vẫn rất quan trọng, - Ravic phản đối. - Quả là đối với anh Kahn thì lúc này chả còn có ý nghĩa gì nữa.
– Tôi sẽ ở đây. - Tôi thốt lên. - Đối với tôi thì bây giờ nếu cảnh sát có nghi là chính tôi giết anh Kahn cũng chả sao cả.
Ravic quay về phía tôi.
– Đúng là anh nghĩ như vậy sao?
Tôi nhìn anh ta trân trân.
– Tại sao anh lại không nghĩ là tôi nghĩ như thế?
– Không khó đoán lắm đâu. Đừng vội xuôi tay, anh Ross. Nếu trong mọi sự tình cờ anh nhìn thấy sự hiện diện của số phận, anh cũng không nên vội vã tiếp nhận lấy nó.
Ravic nhìn chăm chăm gương mặt cứng đờ của người chết.
– Tôi luôn có cảm tưởng là anh Kahn không biết rõ anh ta sẽ làm gì sau khi chiến tranh kết thúc.
– Còn anh thì biết được à? - Tôi hỏi Ravic.
– Đối với một bác sĩ, câu trả lời đơn giản hơn những người khác. Một lần nữa các bác sĩ như tôi lại chữa trị, phục hồi sức khỏe cho mọi người để họ sẽ lại chết trong cuộc chiến tranh tiếp theo.
Ravic cầm ống nói gọi điện cho cảnh sát. Số điện thoại và số nhà của Kahn tôi nghe thấy Ravic buộc phải nhắc lại đến mấy lần.
– Họ sẽ đến khi nào họ có thể đến, - Ravic nói với tôi, - họ rất bận. Vì thế họ ưu tiên cho những vụ giết người đã. Mà vụ việc của anh Kahn đây theo họ cho biết cũng không phải vụ duy nhất trong ngày hôm nay ở New York này đâu.
Chúng tôi đành phải ngồi chờ cảnh sát tới. Một lần nữa lại có cảm tưởng thời gian tựa như cả một gánh nặng đè trên vai chúng tôi. Trên chiếc radio trong phòng Kahn, tôi nhìn thấy chiếc đồng hồ điện. Thật là lạ lùng khi ta chợt nghĩ cái radio của Kahn, chiếc đồng hồ của Kahn. Quyền sở hữu chỉ gắn với những gì còn tồn tại, còn sống. Những đồ vật kia không còn thuộc về Kahn nữa, anh đã đánh mất mối dây liên hệ với chúng. Bây giờ chúng thuộc về một nhân vật vô danh vĩ đại nào đó.
– Anh sẽ ở lại nước Mỹ này sao?
Bác sĩ Ravic gật đầu.
– Tôi đã buộc phải trải qua hai cuộc thi: ở Paris và ở đây. Nếu tôi trở về bên ấy có lẽ tôi lại phải thi lại một lần nữa.
– Không thể nào.
– Anh cho là không sao? - Ravic chỉ tay vào Kahn đang nằm trên sàn với gương mặt lúc này không quá hai mươi tuổi. - Anh ta không hề nuôi một chút ảo tưởng nào cả. Trên thế giới này bây giờ người ta vẫn căm ghét người Đức chúng ta hệt như trước đây. Anh vẫn tin vào câu chuyện cổ tích về những người Đức nghèo khổ bị áp bức à? Xin anh hãy liếc mắt nhìn vào các trang báo. Đồng bào của chúng ta ở bên kia đại dương vẫn lì lợm bảo vệ từng ngôi nhà tuy rằng họ thua trận đến cả chục lần rồi. Họ vẫn bảo vệ bọn Quốc xã với tất cả sự nồng nhiệt, hơn cả người mẹ bảo vệ con cái của mình, thêm vào đó họ còn sẵn sàng chết vì chúng nữa chứ. - Ravic bực bõ và buồn bã lắc đầu. - Kahn biết anh ta phải hành động ra sao. Anh ta không chết vì thất vọng đâu, đúng ra, anh ta tinh tường, minh mẫn hơn chúng ta thôi. - Ravic cố sức kiềm chế bản thân. - Tôi thật buồn biết bao, - anh nói. - Buồn vì Kahn. Anh ta đã cứu tôi vào năm bốn mươi. Lúc đó tôi đang ở trại tập trung. Trại tập trung của Pháp dành cho những người không rõ tông tích. Anh thử hình dung xem mọi người ở đó khiếp sợ ra sao khi quân Đức tiến tới. Bọn quản lí trại tập trung không cho phép chúng tôi chạy trốn khỏi trại. Tôi biết rõ bọn Đức đang săn lùng tôi. Nếu chúng tìm được, chúng treo cổ tôi tức thì. Kahn đã tìm được chỗ tôi ở. Với bộ quân phục SS, có hai nhân viên tháp tùng, anh ta đã tới trại, quát thét viên trưởng trại người Pháp, yêu cầu hắn phải phóng thích tôi.
– Có hiệu quả không?
– Có, nhưng không ngay lập tức. Tôi trốn. Tôi nghĩ đó là bọn Gestapo thật. Tôi không thể nào nhận ra Kahn dưới lớp hóa trang đó. - Ravic ngước lên nhìn tôi. - Anh có biết tại sao tôi kể anh nghe chuyện này không?
– Tôi biết.
– Tôi có nhiều lý do để tự trách mình hơn anh, - Ravic nói rất chậm rãi. - Nhưng tôi không tự dìm mình trong sự ảo não, chán chường. Chúng ta không nên làm như thế, nếu muốn tiếp tục sống.
Tôi không buộc phải chấp nhận một quyết định nào cả. Mọi điều cứ tự nhiên đến, tựa như đọc xong trang sách này sẽ tới trang sách kia. Bây giờ thì tôi hoàn toàn vững tin là tôi dứt khoát phải rời bỏ xứ sở này để ra đi. Tôi không thể nào hành động khác được. Tôi sẽ trở về nơi ấy, không phải để báo thù. Điều đó đã qua rồi. Tất cả đơn giản hơn nhiều. Tôi sẽ trở về nơi ấy để tìm ra mảnh đất dưới chân mình. Chừng nào tôi còn chưa thực hiện được sự trở về kia, không ở một nơi nào tôi tìm thấy sự bằng an. Nếu không làm như thế, tôi chỉ còn độc một ý nghĩ phải quyên sinh, phải tự tiêu diệt đi sự hèn hạ, nhút nhát của chính tôi, và một nỗi ăn năn, hối hận khốn khổ, khốn nạn sẽ mãi mãi đeo đẳng theo tôi cho tới giây phút chót của cuộc đời. Tôi không thể không ra đi được. Tôi có ý niệm rõ rệt về những cơ quan luật pháp và những phiên tòa ở cái đất nước mà tôi định trở lại, nhưng tôi cũng không hi vọng mọi điều có thể thay đổi so với trước kia dù quyền lực rơi vào tay những con người khác.
Khi nước Đức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tôi đã tìm tới ông già Vriesländer. Ông ta gặp tôi với gương mặt sáng ngời.
– Ít nhất mọi thứ đã kết thúc. Bây giờ chúng ta có thể bắt tay vào việc tái thiết rồi.
– Tái thiết?
– Đương nhiên là như vậy. Chúng tôi - những người Mỹ - có thể đầu tư vốn vào xứ sở đó hàng tỉ.
– Thật kì quái. Thật quái đản khi gây ra sự hủy diệt để rồi sau đó lại tái thiết. Hoặc giả tôi nghĩ không đúng?
– Anh nghĩ đúng, chỉ có điều là thiếu thực tế thôi. Chúng ta đã hủy diệt một hệ thống, và bây giờ chúng ta tái thiết một xứ sở. Ở bên này đã chuẩn bị đến tối đa mọi khả năng để chi viện. Ví như các bạn người Đức có thể vay tiền để bỏ vào ngành công nghiệp xây dựng chẳng hạn.
Thật lí thú khi được nói chuyện với một con người đang ăn nên làm ra.
– Theo ông, hệ thống đó đã thực sự bị hủy diệt, phải không? - Tôi hỏi.
– Lẽ đương nhiên là như vậy đó! Sau một sự thất bại hoàn toàn như thế này.
– Tình thế chiến tranh tại nước Đức vào năm 1918 cũng thảm khốc như vậy. Nhưng ngài Hindenburg, kẻ chịu trách nhiệm về tình thế chiến tranh ấy, sau đó lại trở thành tổng thống của nước Đức đấy thôi.
– Nhưng Hitler bây giờ đã là một cái xác rồi. - Vriesländer reo lên với vẻ thích thú của một chàng trai vô tư. - Lực lượng Đồng minh sẽ treo cổ những tên a tòng khác hoặc tống chúng vào sau song sắt. Bây giờ có thể tiến bước với thời đại được rồi. - Ông già nháy mắt với tôi ma mãnh. - Chính vì thế nên anh tìm đến gặp tôi chứ gì?
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường