Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Tác giả: Vân Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31
Dù chưa thu được thành quả gì bằng cân bằng lạng rõ rệt, nhưng bộ mặt của Gia Đạo bắt đầu khởi sắc trông thấy. Cái truyền thống tình làng nghĩa xóm lâu nay bị nhạt nhòa bởi ganh tị công điểm, cãi cọ về chia bôi sản phẩm giờ đang ấm dần lên. Nhất là khi bản dự thảo về quản lí lao động được Ban quản trị đưa ra bàn bạc công khai với bà con xã viên thì không khí phấn khởi, mừng vui hiện rõ trên nét mặt từng người. Chưa nhìn thấy thóc lúa vào nhà nhưng ai cũng tin với cách khoán mới, cuộc sống rồi đây sẽ không còn cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai nữa.
Hôm nay Ban lãnh đạo Hợp tác xã họp bàn công tác tổ chức ngày hội xuống đồng. Chỉ thiếu Bích vì bận đi nhận lợn giống ở trại lợn Bồng Lạng, còn tất cả đều có mặt. Sau khi uống xong chén nước, Dậu nói tiếp ý mình đang nói dở:
- Đây là vụ lúa đầu tiên chúng ta tổ chức sản xuất theo phương thức khoán mới, do đó về hình thức chúng ta phải tổ chức thật rầm rộ, tạo nên khí thế phấn khởi cho bà con xã viên. Tôi đề nghị chúng ta tiến hành những việc sau đây. Cho Chi đoàn thanh niên kẻ vẽ lại khẩu hiệu. Việc này sẽ phân công cho cô Bích phụ trách. Ngoài khẩu hiệu chung như trước đây, chúng ta cũng phải có câu khẩu hiệu riêng cho mình. Tôi đề nghị khẩu hiệu thế này: Hợp tác xã Gia Đạo quyết tâm thực hiện một vụ chiêm thắng lợi vượt bậc. Các vị nghe thế có được không?
Tế góp ý:
- Tôi thấy thay hai chữ vượt bậc bằng toàn diện nghe nó hay hơn.
Ông Cẩm tán thành:
- Ngẫm ra ý kiến của chú Tế là hay đấy. Nói thắng lợi toàn diện là thắng lợi cả sản xuất lẫn lòng người.
Bà Bắc thêm ý của mình:
- Tôi xin thêm chữ phấn khởi, tin tưởng vào đấy.
Dậu cười bảo:
- Khẩu hiệu là phải ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa chứ cứ dài lòng thòng như diễn văn là mất hay.
Ông Cẩm lại góp ý:
- Hợp tác xã Gia Đạo phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm thực hiện một vụ chiêm thắng lợi toàn diện. Này, tôi thấy thêm mấy chữ phấn khởi, tin tưởng của bà Bắc vào, đọc nghe nó xuôi tai ra phết.
Tế khen:
- Đúng thật. Vừa rồi nghe bác Cẩm đọc tôi cũng thấy xuôi tai lắm.
Dậu thấy hợp lí nên nói luôn:
- Tôi đồng ý nội dung câu khẩu hiệu giống như bác Cẩm vừa đọc.
Dậu lại phân công:
- Bác Cẩm lo chuyện cờ và khẩu hiệu đưa ra cắm trên đường ruộng có được không?
- Phải thêm cô Bích phụ vào chứ một mình tôi, tôi chẳng biết mô tê gì đâu.
Dậu đồng ý:
- Được rồi. Em sẽ phân công cô Bích phụ với bác. Còn một việc này không biết có được không. Giá như xin được một đêm chiếu phim phục vụ bà con trước khi xuống đồng thì hay quá.
Tế sốt sắng:
- Sáng mai để tôi đi lên huyện lo vụ này. Tôi vừa gặp bí thư vừa gặp chủ tịch nói cho đến khi nào nhận lời tôi mới chịu về. Đồng thời mời bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện về dự luôn.
Dậu hân hoan:
- Vậy thì giao cho ông lo việc này nhé. Bây giờ ta bàn tiếp…
Dậu mới nói đến đó thì chiếc xe tải mang biển số quân sự chạy vào sân Hợp tác. Tiếng lợn con trên xe kêu inh ỏi. Không hẹn mà mọi người bỏ cuộc họp chạy ùa ra. Bích từ trong buồng lái nhảy xuống nói với người lái xe mặt còn trẻ măng:
- Anh Thắng vào uống nước.
- Cô cứ để mặc tôi – Thắng đáp lại và nhảy xuống khỏi buồng lái.
Dậu chào Thắng rồi hỏi ngay Bích:
- Trại giống Bồng Lạng bán cho chúng ta được bao nhiêu con?
Bích ỡm ờ:
- Cháu đố chú đoán ra đấy.
Dậu nghiêng tai nghe tiếng lợn kêu như đoán chừng đông hay ít rồi trả lời:
- Ba mươi con.
- Bốn mươi bảy con chú ạ.
Dậu reo lên:
- Bất ngờ quá.
Bích nhìn khuôn mặt rạng ngời của những người trong Ban quản trị thấy lòng mình tràn trề vui sướng:
- Cháu cũng không ngờ trại giống lại ưu tiên cho Hợp tác của ta như vậy. Có lẽ nhờ bác bí thư tỉnh ủy nói hộ thêm nên Hợp tác xã ta mới được thế.
Thắng nghe Bích nói vậy liền mách:
- Cô Bích không muốn kể công của mình đấy. Trại lợn giống chỉ xuất chuồng bán cho Hợp tác bốn chục con thôi. Cô Bích dân vận mãi, anh trại trưởng nghe bùi tai nên xuất thêm cho bảy con nữa đấy.
Mọi người nghe Thắng nói vậy cười vui vẻ nhìn Bích. Dậu không giấu nổi mừng vui của mình. Anh nói giọng đùa cợt:
- Hóa ra chúng ta không cố ý nhưng anh trại trưởng lại bị mỹ nhân kế cuỗm thêm được bảy con lợn giống cho Hợp tác.
Bích chống chế:
- Anh Thắng nói đùa đấy.
Thắng nói:
- Có công thì nhận đi chứ việc gì mà phải giấu.
Bích hỏi:
- Bây giờ cho lợn xuống đâu đây chú?
- Có khi tạm thời cho dọn cái kho để quang gánh, liềm hái ra bên ngoài cho lợn vào đấy để giải phóng xe rồi tính sau. Có khi ông Tế điều cho mấy người giúp dọn kho và bắt lợn đưa vào.
Ông Cẩm bảo:
- Có cái việc cỏn con ấy điều người làm gì. Hô hào Ban quản trị mỗi người một tay làm một loáng là xong ngay.
Bà Bắc đồng tình:
- Bác Cẩm nói phải đấy. Hô hào tất tần tật mọi người trong Ban quản trị ra làm một loáng là xong.
Bích bảo:
- Bắt lợn xong phải rửa xe cộ cho sạch sẽ, cho nên đường nào cũng phải điều người.
Thắng bảo:
- Không phải rửa xe đâu ạ. Tôi đánh xe về cái hồ cá gần trận địa dội mấy xô nước là xong ngay thôi mà.
- Ai lại thế. Đơn vị cho xe đi chở lợn giống cho chúng tôi đã là quý hóa lắm rồi, chú vào uống nước để mọi việc đấy cho chúng tôi - Ông Cẩm bảo Thắng.
Dậu bảo Tế:
- Ông Tế đi hô hào mọi người khẩn trương ra làm.
Tế chạy vào đưa tay đập cửa từng phòng hét:
- Ra nhanh lên đưa lợn giống vào kho.
Các cánh cửa phòng mở toang. Bốn, năm người vừa nam vừa nữ còn trẻ chạy ra khỏi phòng.
Chờ mọi người ra đông đủ, Tế bảo:
- Mọi người cho tất cả quang gánh, liềm hái ra khỏi kho rồi ra xe đưa lợn giống cho vào đấy. Khẩn trương lên kẻo lợn bị rét chết hết bây giờ. Nhớ lấy một tấm ván chắn ở cửa cho lợn khỏi chạy ra ngoài.
Chỉ loáng sau gian kho đã được dọn sạch. Tế cởi đôi dép cao su mang ở chân, xắn quần nhảy lên thùng xe. Đám lợn giống sợ hãi chạy quanh trong thùng xe, kêu inh ỏi. Tế tóm từng con lợn giống chuyển xuống cho từng người đang đứng đón ở dưới. Vừa làm Tế vừa khen:
- Lợn đẹp quá các ông các bà ạ. Đều nhau cứ như một lứa. Thế này thì các hộ mua không ai tị nạnh ai là mình phải mua lợn còi.
Dậu đón một con lợn giống, lật qua lật lại xem rất kỹ rồi hỏi.
- Những hộ mua lợn trại giống của tỉnh có khi phải tính lại định mức khoán thôi các ông các bà ạ.
Ba Bắc thắc mắc:
- Sao phải thế?
Dậu giải thích:
- Đây là giống lợn lai I-oóc-sai. Giống lợn này nuôi tốt, một năm có trọng lượng bảy, tám mươi cân. Khoán bốn chục cân, lấy thóc đâu mà trả thưởng.
Ông Cẩm đón một con lợn do Tế chuyển xuống xem rồi nói:
- Đúng thế thật. Phải bàn lại mức khoán với các hộ nuôi giống lợn này đâu vào đó mới giao cho hộ.
Bà Miệt và Lăng bê rổ rau đi qua nhìn thấy mọi người đang chuyển lợn xuống, đi đến xem.
Bà Miệt hỏi:
- Lợn đâu mà nhiều thế các ông, các bà?
Dậu đáp:
- Lợn giống Hợp tác mua hộ cho bà con đấy bà ạ.
Bà Lăng bảo:
- Sao các ông các bà không điều xã viên ra làm cho mà phải vất vả thế này?
- Có một tí công việc thế này Ban quản trị làm lấy cũng được chứ việc gì phải điều xã viên hả bà.
Nghe Dậu nói vậy, bà Lăng đặt rổ rau xuống đất bảo bà Miệt:
- Giúp các ông các bà trong Ban quản trị một tay bà Miệt. Ai lại để cho Ban quản trị làm một mình thế này coi sao được.
Bà Miệt bỏ rổ rau xuống đất rồi chạy lại đưa tay chờ Tế chuyển lợn giống xuống.
Bà Bắc nói với bà Lăng, bà Miệt:
- Các bà bận việc thì về đi. Chúng tôi chỉ làm một loáng là xong thôi mà.
Bà Lăng nói:
- Có mặt mo mới thấy Ban quản trị tất bật công việc mà mình bỏ đi. Lợn đẹp quá các ông, các bà nhỉ. Nhà nào mua được lợn này thì lợi quá. Cuối năm nhận thóc thưởng của Hợp tác không biết đổ đâu cho hết. Tiếc quá, tôi đã mua nhỡ rồi.
Ông Cẩm nói để bà Lăng yên tâm:
- Chúng tôi đang tính sẽ nâng mức khoán cho hộ nào mua được giống lợn này đấy bà ạ.
Bà Lăng hoan hỉ:
- Thế mới công bằng. Vừa khỏi mất công chạy rời cả đầu gối để tìm lợn giống, vừa được mua giống lợn lai của Nhà nước đưa về tận chuồng mà hưởng mức khoán như các hộ khác là không công bằng.
Dậu nói tiếp ý của ông Cẩm:
- Bà cứ yên tâm. Ban quản trị không khi nào để ai thiệt đâu bà ạ.
Bà Lăng bảo:
- Các ông các bà làm được thế thì chẳng ai dám động đến cái lông chân của các ông các bà.
Bà Bắc nói đùa:
- Cái Bích làm gì có lông chân mà động.
Bà Lăng đáp lại ngay:
- Nó không có lông chân thì có lông chỗ khác.
Mọi người cười ồ. Bích xấu hổ mắng át:
- Cái bà này ăn với nói.
- Tại vì bà Bắc bảo mày không có lông chân, tao mới bảo thế chứ.
Lợn chuyển hết. Tế nhảy xuống xe đến chỗ Thắng:
- Đầu làng có cái ao. Anh đánh xe ra đấy để chúng tôi rửa xe sạch sẽ, vào đây mời cơm xong rồi về đơn vị.
Thắng từ chối:
- Thôi chú ạ. Các chú bận bịu thế kia, để tôi đánh xe đi rửa lấy. Các chú không phải áy náy gì hết.
- Ai lại thế. Hôm nọ các anh đã cho xe về Hà Nội chở chiếu cho Hợp tác, hôm nay lại cho xe đi chở lợn giống để anh tự đi rửa lấy xe lấy chúng tôi không yên tâm.
- Bao nhiêu lần Hợp tác cho bà con qua sửa trận địa cho đơn vị chúng tôi, lại thỉnh thoảng còn đánh cá đưa qua cho, chúng tôi trả ơn Hợp tác một vài chuyến xe có gì đâu mà các bác áy náy.
Bích nói dứt khoát:
- Nếu không rửa xe thì cũng ăn cơm xong mới được về.
- Tôi mà ở lại ăn cơm thì Ban chỉ huy cạo đầu tôi mất.
Tế cười:
- Càng đỡ tốn tiền cắt tóc. Nói đùa cho vui thôi. Chú Thắng để chúng tôi cử người đi rửa xe với chú.
Thắng không biết làm sao từ chối được nên đồng ý:
- Thôi được rồi. Nhưng đổi lại là tôi không ăn cơm đâu đấy.
Nói xong Thắng mở cửa buồng lái nhảy lên.
Xe Thắng đi rồi, Dậu quay sang nói với mọi người:
- Rửa chân tay rồi ta vào bàn chuyện lợn gà cho xong đi các vị.
Bích đề nghị:
- Làm sao giao lợn cho bà con ngay trong chiều nay để người ta còn cho ăn uống chứ trời rét thế này mà để nó đói là gầy đi đấy.
- Lát nữa ta vào xem lại danh sách những hộ nhờ Hợp tác mua lợn giống xem còn bao nhiêu người rồi bàn tính bán cho ai.
- Cháu nhớ không nhầm thì còn bảy mươi hai hộ nhờ mua giống.
- Nhiều thế cơ à. Vậy thì thiếu to.
Dậu đã tính toán trong đầu óc mình đâu vào đó nên khi nghe Tế và Bích nói vậy, anh bảo:
- Ta cứ ưu tiên những hộ neo đơn và gia đình thương binh liệt sĩ trước. Còn lại mới xét các trường hợp khác. Đi rửa chân tay đi rồi ta vào bàn lại mức khoán của loại lợn giống này và xét từng trường hợp xem nên bán cho ai trước.
Trong khi mọi người đi rửa tay chân thì Dậu đi đến nhìn vào đàn lợn giống. Gần năm chục lợn con đồng đều như một lứa đang chen chúc nhau in ỉn đòi ăn. Tự nhiên Dậu thấy một niềm vui vô bờ đang tràn ngập lòng mình.
2
Bản dự thảo về quản lí lao động ở các Hợp tác xã nông nghiệp dù chưa hoàn thiện nhưng đã thổi một luồng gió mới vào mọi ngõ ngách của làng quê xơ xác. Khi biên soạn bản dự thảo, ông Kim bảo ông Côn ghi thêm chú thích ở bên dưới: “Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, lãnh đạo các cấp có thể vận dụng những phương pháp khoán đã ghi trong bản dự thảo vào sản xuất, rút ra những điểm được và chưa được để khi biên soạn lại được hoàn chỉnh hơn”. Nhiều Hợp tác xã đã dựa vào điều này đưa vào trong sản xuất nhiều phương pháp khoán phong phú. Phương pháp khoán được bà con xã viên hưởng ứng nhiều nhất là khoán hẳn diện tích cho xã viên trong suốt cả vụ. Với lối khoán này, người nông dân thấy thực sự mình được làm chủ. Vì vậy từ sáng sớm tinh mơ cho đến lúc nhọ mặt người mọi nhà đã huy động sức lao động hiện có trong nhà lăn lưng ra trên đồng ruộng. Cây mạ chiêm vừa cắm xuống chưa đầy tháng mà các cánh đồng đã mướt một màu xanh mát mắt. Tuy vậy không ít những nơi do lười biếng, ngại khó và sợ làm sai chủ trương đã lợi dụng coi đây chỉ là bản dự thảo, làm cũng được, không làm cũng chả sao nên cuộc sống của xã viên ở các Hợp tác xã này không mảy may thay đổi. Sau những lần đi khảo sát và thăm dò ý kiến của một số Ban quản trị hợp tác xã, các bí thư huyện ủy, ông Kim bàn với một số người trong Ban thường vụ chỉnh sửa, bổ sung lại bản dự thảo thành Nghị quyết chính thức.
Vừa thấy ông Kim bước vào phòng mình, ông Côn nói ngay:
- Tôi định qua chỗ anh để trao đổi việc này, may quá anh lại qua chỗ tôi.
- Có việc gì thế?
- Có vấn đề này tôi còn phân vân không biết có nên đưa vào văn bản chính thức của Nghị quyết hay không?
Ông Kim kéo ghế ngồi rồi hỏi:
- Vấn đề gì?
Ông Côn đáp:
- Việc để cho dân khai phá tự do đất chân rừng và gò đồi. Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ.
- Theo tớ đây là vấn đề lớn mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế lẫn tư tưởng đổi mới nên cần phải được chính thức đưa vào Nghị quyết.
- Nhưng đây cũng có thể là cái cớ để cấp trên kết tội chúng ta trả ruộng đất về cho nông dân làm ăn cá thể.
Ông Kim nói dứt khoát:
- Ông không phải sợ. Về điều này ông cứ viết rõ: Hợp tác xã để cho hộ tự do khai phá và trồng trọt đất chân rừng, gò đồi trong thời hạn ba năm, không phải nộp thuế nông nghiệp cho Nhà nước và sản lượng cho Hợp tác xã. Sau ba năm, Hợp tác xã thu đất về để sản xuất theo kế hoạch của Hợp tác xã. Hộ nào muốn tiếp tục làm phần đất khai phá của mình thì Hợp tác sẽ giao khoán làm theo kế hoạch và nộp thuế cho Nhà nước và sản lượng cho Hợp tác. Phân minh rõ ràng như vậy việc gì mà ông sợ nào.
Ông Côn cười:
- Các cụ bảo miệng quan có gang có thép. Bây giờ không còn quan nhưng còn cấp trên. Mà đã làm cấp trên thì có ba bảy đường nói. Đôi khi nhỡ nói sai không bao giờ dám cải chính vì sợ thiên hạ cho mình dốt.
- Tớ là cấp trên của huyện, của xã. Ông nói thế hóa miệng tớ cũng có gang, có thép à? – Hỏi đùa xong ông Kim cười.
- Anh thuộc vào loại số cán bộ trong như ngọc trắng như ngà nên không thể xếp anh vào cái loại tiện quan ấy được.
- Ông dùng hai tiếng tiện quan nghe hay đấy nhỉ. Nhưng ông bảo tớ trong như ngọc, trắng như ngà là nhầm to. Tớ còn ối khuyết điểm ông ạ. Đặc biệt là thói quân phiệt, nóng nảy, tớ đã khắc phục nhiều lắm nhưng đôi khi nó vẫn tái diễn khiến cấp dưới nhiều lúc sợ hơn là phục.
Ông Côn bào chữa cho ông Kim:
- Tôi thấy anh nóng nảy phần lớn là do sốt ruột với công việc. Còn cái số tiện quan mà tôi vừa nói không phải là nhiều, nhưng nó nằm rải rác trong các cấp. Số này thì lắm tật lắm. Giáo điều, bảo thủ, ức hiếp quần chúng và tham ô nhũng nhiễu. Tuy chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong Đảng, nhưng nó cản trở rất lớn.
Ông Kim đồng tình:
- Đúng thế. Dạng người như tay Đình và ông Bao rõ ràng là chiếm tỉ lệ thấp nhưng tác hại thì lại lớn. Đứng trước những người này mà yếu bóng vía thì chỉ có nhắm mắt buông tay chứ chẳng muốn làm gì.
Ông Côn khuyên chân tình:
- Tôi nghĩ anh cũng nên sắp xếp công việc cho khoa học để có thì giờ nghỉ ngơi. Dạ dày anh không ổn lắm. Anh mà làm việc kiểu ấy thì có ngày lại phải đi cấp cứu như dạo nọ thì nguy.
Ông Kim sực nhớ đến ý định của mình nên nói giọng hân hoan:
- Nhân ông nói chuyện nghỉ ngơi tớ mới nhớ. Ngày mai chủ nhật, tớ đang định rủ ông đi cùng tớ lên Đầm Voi ở xã Du Thượng bắn chim sếu. Mùa này sếu bắt đầu về nhiều rồi đấy. Tớ cũng định cho cô Lê nhà tớ cùng đi du ngoạn lên miền núi một chuyến. Thủa thanh niên còn ở nhà, cô ấy gắn bó với đồng bào thiểu số cứ như người nhà. Còn mặc cả áo chàm nữa kia ông ạ. Nhưng từ khi biến thành thị dân đến nay chẳng có dịp nào sống lại với núi rừng, với đồng bào thiểu số. Lần này cho cô ấy đi một chuyến. Ông có đi không?
Ông Côn hưởng ứng:
- Tôi cũng đang muốn thư giãn đầu óc một chút, nếu được đi thì hay quá.
- Lên đấy, tớ và tay Đô đi bắn sếu, còn ông và cô Lê ở nhà ông Tào chơi. Cái lão người Dao này có lắm chuyện lắm. Ông có nhớ có lần tớ kể cho ông nghe lão Tào bảo tỉnh ủy cứ làm địa chủ giao đất cho nông dân làm, nông dân sẽ nộp thóc cho tỉnh ủy không?
Ông Côn cười:
- Hay đấy nhưng đố anh nào dám làm, kể cả anh.
- Đúng thế thật. Trường hợp này cái ranh giới giữa tập thể và cá thể rất khó phân định. Mặt khác trình độ quản lí của cán bộ Hợp tác xã của ta hiện nay không kham nổi một vấn đề phức tạp như vậy. Quay lại bản dự thảo nhé. Ông cứ đưa việc cho dân khai phá đất chân rừng, gò đồi vào văn bản. Có gì tớ chịu trách nhiệm.
- Không phải tính đến chuyện ai chịu trách nhiệm mà đưa một vấn đề liên quan đến đường lối tập thể hóa vào Nghị quyết là cần phải cân nhắc cẩn thận. Theo tôi cứ lẳng lặng để cho dân tự làm. Coi đây chỉ là hiện tượng tự phát của nông dân.
Ông Kim ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
- Việc có đưa vấn đề để cho nông dân khai phá đất chân rừng và gò đồi vào Nghị quyết hay không để tớ suy nghĩ thêm đã. Sáng mai đi Du Thượng nhé. Chỉ cần một ngày quanh quẩn chuyện trò với bà con trên ấy, ông sẽ thu nhận rất nhiều điều bổ ích đây.
Ông Côn hỏi:
- Cơm nước thế nào?
- Đã lên đấy cả ngày không thể không ăn cơm nhà ông Tào. Nếu mang theo gạo lên thì lần sau đừng tính chuyện vác mặt lên đấy. Để tớ bảo cô Lê nhà tớ chuẩn bị mấy cân mì sợi và sáng mai ghé mua thêm một ít bánh mì lên làm quà, thế là xong. Đi sớm đấy. Chim sếu chỉ về khi sáng sớm, khoảng tám, chín giờ là chúng đã bay đi nghỉ rồi. Chiều bốn, năm giờ mới tiếp tục đi kiếm mồi cho đến khi mặt trời lặn. Ông làm việc đi, tớ sang bảo tay Đô chuẩn bị súng đạn.
Nói xong ông Kim đi ra khỏi phòng ông Côn.
3
Chiếc xe com-măng-ca hết lên đèo lại xuống dốc. Mùa đông đường khô bụi tung mù mịt. Những dãy núi xanh lam trước mắt mỗi lúc hiện ra rõ dần. Những làn mây mềm mại như những chiếc khăn lụa mỏng choàng vào cổ núi. Một sự pha màu tuyệt vời của thiên nhiên càng ngắm càng ngây ngất. Càng lên cao hơi lạnh lùa vào xe càng đậm đặc. Chiếc xe chạy vào bản và dừng lại trước ngõ nhà ông Tào. Từ trong nhà, ông Tào chạy ra mừng rỡ:
- Bí thư Kêm còn nhớ đến lão Tào này à?
Ông Kim hồ hởi bắt tay ông Tào:
- Nhớ chứ. Không nhớ sao vào nhà ông.
Ông Tào nói thao thao:
- Sáng nay tao xách dao định vào rừng kiếm một ít lá thuốc về làm men rượu. Ra đến ngõ thì có con chim khách đậu trên ngọn cây vầu kêu líu cả lưỡi Tào khách! Tào khách! Tao biết có khách quý sắp vào nhà tao nên xách dao quay về ngồi chờ. Đúng là bao nhiêu khách quý vào nhà tao thật.
- Bây giờ tôi giới thiệu khách quý với ông nhé. Chú Đô và chú Hành đã vào nhà ông rồi, khỏi phải giới thiệu. Còn đây là ông Côn, thường vụ tỉnh ủy, trưởng Ban nông nghiệp tỉnh ủy…
Ông Tào cầm lấy tay ông Côn lắc lắc:
- Làm nhiều chức thế chắc chắn là cán bộ to rồi.
Ông Côn cười:
- Còn thấp hơn trưởng bản nhiều ông ạ.
- Không thấp đâu. Trưởng bản chỉ biết cưỡi ngựa thôi chứ làm gì được đi ô-tô.
Ông Kim chỉ vào bà Lê:
- Ông Tào có biết người này là ai không?
Ông Tào nhìn một lát rồi bảo:
- Cán bộ to của phụ nữ tỉnh có phải không?
Ông Côn bảo:
- Bà Kim đấy ông ạ.
Ông Tào kêu lên:
- Thế này thì ba lần khách quý.
Ông Kim hỏi:
- Sao lại ba lần khách quý?
- Mừng gấp lên ba lần mà. Mừng quá quên cả mời khách vào nhà.
Ông Tào đi trước, mọi người theo sau.
Ông Kim nói với ông Tào:
- Tôi uống nước xong là đi bắn sếu kẻo chúng bay đi nghỉ, ông ở nhà nói chuyện với ông Côn và bà Lê nhà tôi nhé.
- Không cần gấp vậy đâu. Năm nay chúng ăn ngoài đầm suốt ngày. Hết đàn này lại đến đàn khác. Tha hồ mà bắn.
Ông Kim hỏi:
- Ông có biết vì sao năm nay sếu lại về sớm, lại còn kiếm mồi cả ngày chứ không như trước đây chỉ đi kiếm mồi bữa sáng bữa chiều như trước đây không?
Ông Tào cười:
- Chắc cái xứ chúng nó ở Hợp tác xã làm ăn chẳng ra gì nên chúng nó đói ông ạ.
- Thế Du Thượng của ông đã no chưa? - Ông Kim hỏi.
- Sắp no.
- Sao lại sắp no?
Ông Tào giải thích:
- Vừa rồi bí thư huyện ủy Hạp và chủ tịch huyện Pha về làm việc với xã và Hợp tác xã. Sau đó cả hai ông vào thăm tao. Chả là ngày đánh Pháp, lão Tào này là du kích nổi tiếng mà. Hai lần tao đi theo bộ đội huyện đánh bốt Dốc Bối đấy nhé. Có lần đang nằm ngủ thì moóc chê bốt Dốc Bối câu cầu vồng vào bản. Một mảnh đạn moóc chê từ sau vườn bay vào cắm luôn đùi tao. Phải cáng lên bệnh xá huyện mới nhổ ra được đấy. Ông Kiêm, chủ tịch xã mấy lần giục tao kê khai để hưởng chính sách thương binh. Tao bảo tao nằm ngủ bị thương chứ có đánh đá gì đâu mà gọi là thương binh. Ông ấy bảo cứ khai đánh nhau đi, ông ấy sẽ chứng nhận cho. Cả bản này biết tao nằm ngủ bị thương, đi nói dối Đảng là xấu hổ lắm.
Ông Kim thấy ông Tào nói lạc qua chuyện khác nên hướng ông về chuyện ông muốn biết:
- Bí thư Hạp nói gì với ông mà ông bảo sắp no?
- Bí thư Hạp hỏi tao nhà còn đói không? Tao bảo thóc sắp hết rồi, ngô còn vài gùi, chẳng biết lấy gì ăn chờ đến vụ lúa sau. Bí thư Hạp bảo chịu khó kiếm cái gì ăn để chờ vụ lúa đến, đang có cách làm ăn mới, sắp no đến nơi rồi. Không biết có đúng thế không?
Ông Côn hỏi:
- Ông Hạp và ông Pha không nói rõ cách làm ăn mới như thế nào à?
- Có chứ. Tin vui như vậy là phải hỏi để biết mà làm chứ. Mà Du Thượng đã làm rồi đấy. Lúa tốt lắm nên tao mới bảo là sắp no.
Ông Kim và ông Côn bắt đầu quan tâm đến những lời nói đứt đoạn của ông Tào. Ông Côn hỏi:
- Hai ông ấy bảo cách làm ăn mới thế nào và dân có làm đúng như vậy không?
- Bí thư Hạp bảo không còn khoán như cũ nữa. Đã có cách khoán mới. Hợp tác xã cày bừa xong giao ruộng, giao giống, giao phân đạm cho xã viên tự cấy và chăm sóc lấy ruộng của mình. Ruộng cạn, Hợp tác lo nước. Đến vụ gặt nộp thuế, nộp sản lượng và bán nghĩa vụ cho Nhà nước. Còn lại bao nhiêu được hưởng tất. Dân Du Thượng mừng lắm nên trẻ già lớn bé gì đều kéo nhau ra ruộng hết chứ không còn ăn rồi nằm ngủ và đi vào rừng bắn chim bắn thú như trước đây nữa.
Ông Kim thấy lòng mình phơi phới. Ông cười và nhắc lại chuyện cũ:
- Như vậy tỉnh ủy không làm địa chủ mà Hợp tác xã làm địa chủ phải không?
Ông Tào cười khà khà:
- Đầu nghĩ cạn như con suối khô mới nói thế thôi chứ chẳng cho ai làm địa chủ hết. Thời này làm chủ chỉ có dân thôi. Còn chuyện này mới sướng cái bụng người già. Ông chủ tịch Pha bảo sắp tới ai có sức làm bao nhiêu đất chân rừng bỏ hoang thì đăng ký với Hợp tác rồi tự ra mà cuốc cày. Muốn trồng cây gì thì trồng. Không phải nộp gì cho Hợp tác hết. Ba năm giao đất lại cho Hợp tác. Ai muốn làm tiếp, Hợp tác cho làm, nhưng phải chia phần cho Hợp tác. Tao bảo sắp no đến nơi là vậy đấy. Bí thư Kêm bảo chủ tịch Pha nói có đúng không hay là lừa dân.
Ông Kim đáp:
- Bí thư và chủ tịch huyện nói thì phải đúng chứ lừa dân để dân bắt làm thịt à.
- Tao cũng tin thế. Còn nói dối thì dân không cho làm chủ tịch và bí thư chứ không làm thịt đâu. Thịt thú rừng ở đây bẫy ăn không hết, dại gì mà ăn thịt chủ tịch với bí thư.
Mọi người cười vui vẻ. Ông Kim và Đô vác súng đi bắn chim sếu, chỉ còn lại ông Côn và bà Lê. Bà Lê xách cái túi mì sợi và hơn chục ổ bánh mì đặt xuống chiếc chiếu:
- Lên thăm ông bà chẳng có quà gì, chỉ có ít mì sợi và bánh mì biếu ông bà.
Ông Tào nói tự nhiên:
- Bà bí thư Kêm cho thì lấy thôi. Những thứ này trên này quý lắm đấy. Không phải ai cũng được ăn đâu.
Nói chuyện một lát, ông Côn quay lại chuyện cũ hỏi ông Tào:
- Nếu huyện cho khai hoang đất chân rừng, ông có làm không?
Ông Tào nói ngay:
- Làm chứ. Dại gì mà không làm.
- Ông định đăng ký với Hợp tác khai hoang bao nhiêu mẫu?
- Ba bố con tao sẽ xin đăng ký ba mẫu.
- Nhiều thế làm sao nổi?
Ông Tào nói rành rọt:
- Sợ Hợp tác không cho chứ cho thêm nữa vẫn làm nổi. Mấy bố con tao nếu làm cho Hợp tác tính ra chỉ có sáu người thôi. Hai vợ chồng thằng Nống, hai vợ chồng thằng Khâu và hai đứa cháu nội. Nhưng nếu làm cho gia đình thì có đến mười ba người lao động kia ông ạ. Trâu béo kéo trâu gầy. Mười ba người làm gì mà không khai hoang được ba mẫu.
Ông Côn hỏi:
- Khai hoang xong ông định trồng gì?
- Miễn sao có đất chứ trồng gì mà chả được. Không biết nơi khác thế nào chứ đất chân rừng chỗ chúng tao còn tốt hơn cả ruộng Hợp tác đang làm. Ông là thường vụ tỉnh ủy, có nghĩa là chỉ đứng sau bí thư Kim. Tao muốn hỏi cái việc giao ruộng cho xã viên làm có được lâu không hay chỉ một vụ này thôi?
Ông Côn nói với ông Tào:
- Nếu bà con làm ăn tốt, năng suất gấp đôi, gấp ba trước đây thì chắc là được làm lâu dài đấy ông ạ.
- Gì chứ năng suất gấp đôi, gấp ba là được thôi. Bởi vì mình làm càng tốt thì được hưởng càng nhiều nên ai cũng muốn làm tốt. Nhưng thế nhỡ người ta cấm và bắt trở về khoán như cũ thì sao?
Ông Côn không biết trả lời thế nào để ông Tào hiểu. Bởi chính bản thân ông khi ngồi để viết Nghị quyết, đôi lần ông cũng phân vân tự hỏi: Thế lực bảo thủ, giáo điều đang còn tràn ngập khắp ngang cùng ngõ hẻm, liệu Nghị quyết có đứng vững được không. Nhưng không thể trả lời ông Tào bằng nỗi phân vân của mình. Ông biết việc mạnh dạn cho dân khoán đến hộ của huyện ủy Linh Sơn là ngọn lửa niềm tin vừa được nhóm lên, không có lí do gì để dập tắt nó. Vì vậy ông Côn chỉ có thể trả lời nước đôi để phần nào làm ông Tào yên tâm:
- Ông hỏi câu này thì tôi khó trả lời quá. Vì cấm hay không là quyền của người còn cao hơn bí thư Kim nên bí thư Kim cũng phải chấp hành lệnh của trên thôi. Đó là nói phòng xa chứ trên thấy dân làm được nhiều ngô, nhiều thóc thì chẳng khi nào cấm đâu.
Ông Tào nói:
- Tao hỏi vậy cho yên lòng thôi chứ biết chẳng khi nào Đảng muốn cho dân đói.
Trong khi ông Côn và ông Tào ngồi nói chuyện với nhau thì bà Tào đang dẫn bà Lê đi xem cây cối trong vườn. Nhìn mận, dứa, mít ken dày khắp vườn, bà Lê hỏi bà Tào:
- Mận, mít và dứa nhiều như thế này, đến mùa có đem đi bán không bà?
- Nhà nào cũng có biết bán cho ai.
- Sao không đem xuống chợ dưới xuôi mà bán?
- Người ta không cho đem đi bán đâu.
- Ai không cho?
Bà Tào thật thà bảo:
- Hợp tác chứ ai. Họ bảo lệnh của trên là không được đưa thổ sản của địa phương đi bán nơi khác.
Bà Lê phàn nàn:
- Vô lí nhỉ. Không bán thì ăn làm sao hết?
- Ăn không hết thì bỏ thôi.
Bà Lê lại hỏi:
- Khi nãy ngồi trong nhà nghe ông bảo thóc thì sắp hết, ngô chỉ còn mấy gùi, vậy từ đây cho đến khi có lúa vụ chiêm còn gần bốn tháng nữa, gia đình ta lấy gì mà ăn?
Bà Tào đáp:
- Mấy năm nay năm nào cũng thiếu như vậy. Nhưng rồi lượm lặt một thứ một ít cho vào bụng rồi cũng qua hết.
- Các con bà có thiếu như bà không?
- Chúng nó có thóc công điểm của Hợp tác nên không thiếu nhiều lắm. Chúng nó thỉnh thoảng vẫn đưa thóc qua biếu cho bố mẹ đấy. Cũng nhờ chúng nó lắm. Nhưng mùa tới thì không phải lo rồi.
Bà Lê hỏi:
- Vì sao không còn lo?
- Bí thư Kim đã trả ruộng lại cho dân làm nên ai cũng gắng sức để có nhiều thóc nên không còn lo đói nữa.
Không nói ra nhưng bà Lê cảm thấy một nỗi lo mơ hồ đang đến với mình. Không biết cấp trên có nghĩ như dân là ông Kim đang trả lại ruộng đất cho nông dân không? Nếu vậy thì cái họa đang treo lơ lửng trên đầu ông Kim rồi, bà không thấy lo sao được.
4
- Ông Quốc ạ, tớ muốn chính thức đưa vấn đề cho nông dân khai phá đất chân rừng và gò đồi sản xuất trong ba năm không phải nộp thuế và nộp hoa lợi cho tập thể vào Nghị quyết nhưng tay Côn bảo không nên đưa. Cứ coi như việc này là do dân tự phát chứ không phải làm theo Nghị quyết của tỉnh ủy. Ông thấy thế nào? – Ông Kim hỏi ông Quốc.
Ông Quốc ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Có khi ý kiến của anh Côn là đúng đấy anh ạ. Ra Nghị quyết để cho nông dân tự do khai phá đất đai do Nhà nước quản lí là một việc làm vừa trái với pháp luật, vừa sai với đường lối tập thể hóa của Đảng. Cứ để cho nông dân làm, coi như mình không biết gì. Nếu việc làm này có hiệu quả, sau này ta sẽ ra thông tri bổ sung vẫn chưa muộn. Lúc ấy ai có nói thì ta có đủ lí lẽ chứng minh chứ chẳng sợ gì.
Ông Kim nhận ra sự nóng vội suýt làm hại mình liền nói với ông Quốc:
- Đúng là không có các ông thì tớ đã phạm phải một sai lầm hết sức ngu ngốc. Chưa thấy mình có tài đâu mà đã thấy có cái tai.
Ông Quốc không tán thành:
- Người có tài là người tìm ra được ý tưởng. Còn để ý tưởng trở thành hiện thực thì phải qua nhiều khâu, nhiều đoạn mới đi đến hoàn chỉnh, trong đó phải kể đến trí tuệ của tập thể. Cũng có rất nhiều trường hợp là ý tưởng phát sinh ra từ tập thể rồi có một đầu óc nhạy bén của một ai đó phát hiện và hoàn thiện nó. Trường hợp khai hoang đất chân rừng, gò đồi là một ví dụ. Nếu chúng ta biết nắm lấy và có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ, tôi nghĩ từ chuyện này có thể dẫn ta đến một ý tưởng khác. Đó là chia ruộng cho nông dân và khoán trắng cho họ tất cả các khâu. Họ chỉ có nộp thuế cho Nhà nước, bán thóc theo nghĩa vụ và nộp sản phẩm theo quy định của Hợp tác xã.
- Tay Hạp cho Hợp tác xã Du Thượng làm gần như ông vừa nói. Chỉ khác là sau khi Hợp tác xã cày bừa đâu vào đó mới chia ruộng và giao giống, giao phân cho hộ tự chăm sóc và thu hoạch lấy. Hợp tác chỉ còn hai việc là cung cấp thủy lợi và trừ sâu.
Ông Quốc tỏ ra lo lắng:
- Tình hình có nhiều nơi tự phát như thế này có khi tỉnh ủy phải ra Nghị quyết sớm về vấn đề Hợp tác xã nông nghiệp để cấp dưới có hướng chỉ đạo thôi anh ạ. Nếu không có khi loạn mất.
- Tớ cũng đã nghĩ tới chuyện này nên mới bảo với tay Côn soạn Nghị quyết càng sớm càng tốt. Cố gắng tháng đến thông qua thường vụ nếu có gì cần bổ sung thì bổ sung, sau đó ta triệu tập họp tỉnh ủy để thông qua.
- Năm nay xem ra thời tiết ấm hơn mọi năm. Có khi trời ủng hộ ta đây.
- Chưa biết thế nào mà nói. Trời ấm lại dễ phát sinh sâu bệnh. Trong khi đó thuốc trừ sâu còn hiếm hơn cả mì chính. Ông phải đốc thúc tay Tấn chuẩn bị dự phòng chuyện này. Ngay bây giờ phải chạy đôn chạy đáo mua cho được thuốc trừ sâu bệnh đưa về dự trữ sẵn trong kho. Phát hiện chỗ nào có sâu bệnh là tập trung dập ngay, đừng để chúng lây lan.
- Tay Tấn đã có kế hoạch chạy xin thêm thuốc trừ sâu và phân đạm rồi - Ông Quốc báo cho ông Kim biết.
Ông Kim khen:
- Tay này cũng tâm huyết với nông dân ra phết.
- Trưởng Ty Nông nghiệp mà không tâm huyết với nông dân thì còn ai tâm huyết nữa.
- Cũng còn tùy cái tâm của từng người. Tớ có chuyện này đang định bàn với ông đây.
- Chuyện gì thế anh?
- Vừa rồi tớ đi dạo một vòng qua các cửa hàng lương thực và thực phẩm. Chỗ nào cũng thấy dân xếp hàng rồng rắn chen lấn nhau trông thương lắm. Trong khi đó thái độ mấy cô mậu dịch viên cứ như bố thí cho người ta không bằng. Gắt gỏng, mắng mỏ cả với những người tuổi bằng mẹ, bằng bà của mình. Có lẽ ông nên gọi cậu Dinh, Trưởng Ty Thương nghiệp bảo với nó chấn chỉnh lại thái độ của mấy cô mậu dịch viên đối với dân. Cô nào lếu láo đuổi ra khỏi ngành. Đồng thời thay đổi phương pháp bán hàng. Có thể đẩy những chiếc xe ba gác đi quanh các phố bán hàng lưu động cho dân. Ba, bốn khu phố mới có một cửa hàng lương thực, thực phẩm thì làm gì mà dân không xếp hàng rồng rắn.
Ông Quốc biết tính ông Kim đã nghĩ ra chuyện gì thì phải làm cho bằng được nên nói để ông Kim yên tâm:
- Tôi đồng ý với anh. Để tôi bàn với cậu Dinh xem có giải pháp nào hay hơn không.
- Làm được việc gì cho dân đỡ khổ nên tìm cách mà làm, dù chỉ một việc rất nhỏ là làm cho dân không phải xếp hàng chen lấn chỉ để mua được vài ba lạng thịt. Thôi tớ về đây. Sáng mai tớ đi Thạch Sơn, ông có đi không?
- Tôi đã hẹn với tay Minh đi thăm tiểu đoàn 246 đang chuẩn bị lên đường đi B.
- Vậy thì tớ đi Thạch Sơn một mình vậy. Chuyển lời của tớ hỏi thăm anh em, chúc anh em lên đường mạnh khỏe và nhanh chóng báo công về với tỉnh.
Ông Kim nhảy lên xe đạp đi ra khỏi cơ quan ủy ban.
Bí Thư Tỉnh Ủy Bí Thư Tỉnh Ủy - Vân Thảo Bí Thư Tỉnh Ủy