Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1922 / 40
Cập nhật: 2016-06-03 16:16:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thay Phần Kết
ãn, em nhớ anh, em nhớ anh, và em muốn khóc.
Buổi chiều, em không có việc gì làm hết, mà cả ngày, cũng chẳng bao giờ em có một việc để làm. Em ngồi ở cái chỗ ngồi của em, cái chỗ mỗi buổi chiều nhìn anh H. đi qua, em giở lại sách vở, em muốn học lại, nhưng em nhớ anh, em nhớ anh đến chừng nào, anh biết không?
Chắc em phải ở lại, anh ơi. Em thèm quay về, dù một chút, để thấy anh, nhưng chắc em phải ở lại. Em không về được đâu, em nhớ anh vô cùng, nhưng em không về được đâu anh. Em biết rõ em, em nhìn thấy được cái mức nào có thể, và em thấy, cái mức để kham, để độ dễ chịu, đã qua. Em đuối rồi, anh thấy không? Em không còn được như ngày xưa, để cười cho tươi khi một hồn cay đắng, em không thể, không còn được gì. Có phải, tự vì ban đầu, em đã phung phí quá mức cái sức chịu đựng của mình?
Anh ơi, em biết rõ em mà, em không về được đâu, nếu về chỉ có nghĩa như sống lại đời đớn đau em cũ. Em cũ, em kiên tâm, em cứng cỏi, em cương quyết, giờ không còn. Đã mất. Cái cao ngạo em, đã hết. Cái kiêu hãnh em, đời sống liên tiếp quất em rát mặt, đời sống liên tiếp đập em nát tan, không ai nương tay cho em hết, và em thì em tiêu tan rồi cái gan lì bao lâu cố gắng xây đắp. Em không về được đâu anh. Em không sống được đâu. Em không nghiến răng chịu đựng tiếp tục được đâu. Cả cái tinh thần anh muốn thấy ở em, cái tinh thần của một người đàn bà, em cũng không còn. Em kiệt lực, em đuối sức, anh không biết vậy sao?
Yêu dấu, anh không thấy sao, em vùng vẫy bấy lâu? Sau cái chết của con, em quỵ xuống, em biêát mình không còn có thể gượng được mà đứng lên. Tai nạn lớn lao quá, đời sống khắc nghiệt quá khi đổ lên đầu em cùng một lúc, cái phát giác đau đớn về sự có mặt của mình, cái suy sụp của một ý chí cần có trong tình yêu kỳ quặc của mình, cái chết của con, đủ thứ, yêu dấu, em làm sao có được một ngày vàng đương chống?
Cho em ở lại anh, cho em ở lại, cho em ngậm đau đớn giữa kẽ răng, cho em tìm đắng cay trong xương tủy, cho em ở lại, sống cái đời sống lủi thủi cũ, cái đời sống không nhìn thấy gì ngoài bóng mình, lạnh lùng như một thây ma. Cho em ở lại anh, khi thành phố cũ không hề muốn dung chứa em, khi gia đình biến thành một đe dọa hãi hùng, và khi, trong cái tình yêu đã mang em ra khỏi bóng tối, đã phát cho em chút hơi thở, ở đó, em cũng không tìm được một an toàn cần thiết. Yêu dấu, cho em ở lại, và chịu một mình nghe anh, để mặc em đi, giống như người ta để mặc một đồ cũ, giống như người ta bỏ quên một vật hư, và mọi thứ, cuối cùng, rồi sẽ hết.
Anh yêu dấu, em đang giữ gìn cái thôi thúc điên cuồng, cái thôi thúc trở về, em đang giữ chặt nó như ghì cương một con ngựa chứng. Em không về được đâu, anh cũng thấy thế phải không anh?
Nhưng em nhớ anh, anh yêu dấu và nếu không thôi nhớ anh, nếu không vơi bớt nhớ anh, em sẽ điên lên lúc nào không biết chừng. Anh ở đâu, anh ở đâu bây giờ, anh yêu dấu, anh lạnh lùng, anh tàn ác?
Yêu dấu, em hỏi em, buổi sáng khi thức dậy: anh có tìm em không? Có hay không? Có hay không? Em mong mỏi, em mong mỏi điên cuồng được có lại những lúc trông thấy nhau, những lúc ở bên nhau, những lúc với nhau, ta chảy những hạt lệ, ta uống những đắng cay. Em mong mỏi, em thèm thuồng, em khao khát.
Nhưng, yêu dấu, em đã nghĩ, em đã thấy và em bảo em, thật khó khăn, thật khổ sở rằng không được. Không được, anh. Đừng tìm em, đừng gặp em, đừng nhắn gửi, đừng hỏi han. Không ích lợi gì đâu, không vui thú gì đâu khi tìm nhau, khi gặp nhau, khi trông thấy nhau lúc này. Em đã phải đi, phải rời xa, phải cắt đứt, phải bỏ lại, phải lãng quên, cũng chỉ bởi những điều chúng ta không đem lại cho nhau trong tình yêu oan trái đó. Vậy thì gặp lại nhau làm gì. Hãn, khi em đang vùi dập dần chút vui héo hắt của mình.
Đừng tìm gặp em, em van anh, em lạy anh.
Em khổ sở trăm chiều, em khổ sở vì không dập tắt được những khát khao của mình, những khát khao mà tình yêu ta không chỗ chứa, những khát khao đời sống anh không thể dung, và em nhắm nghiền mắt, em bịt kín lại, em nghiến răng cố quên những đắm đuối, những mê say mình để lại. Anh thương em, mặc em với những cố gắng tuyệt vọng đó. Đừng gặp em, anh, nếu anh còn muốn em sống mà ấp ủ chút dấu tích đau đớn của tình yêu mình, cái dấu tích chưa khô trên những ngọn nến tưởng nhớ. Hãn, hãy bỏ mặc con mình dưới những nấm đất không hề có người chăm sóc.
Mấy hôm nay em cố tránh anh H. Buổi sáng ra chợ phóng xe bên kia đường bên này em cúi gầm nhìn mũi guốc, buổi chiều ở. Phải làm sao, phải làm sao tránh hết những nhắc nhở đến anh. Phải làm sao để anh đừng nhắn nhủ gì hết, cho anh quên em đi. Hãn ơi, liệu anh có quên được em, như em mong đợi tuyệt vọng?
Hãn ơi, em còn có mấy tờ giấy cuối cùng như thế này. Và em đang tự hỏi khi hết, em sẽ viết cho anh bằng gì?
Em không còn gì nữa, để mong ngóng, để trông đợi, ngay cả một tờ thư anh. Chẳng nên hy vọng làm gì hết. Em không muốn anh viết thư cho em. Em không muốn anh tìm gặp em. Em không muốn nuôi một chút liên hệ nào với đời sống bên ngoài. Cầm bằng như mình chết đi đã lâu, và bây giờ, cái thân thể của một ai khác, xa lạ. Đâu khó khăn gì, cái ý nghĩ đó phải không? Chỉ việc coi thường mình đi, chỉ việc phế bỏ mình đi là xong. Tiếc là em đã không dứt khoát, đã không quyết liệt được trong những ngày trước, khi lẽ ra phải gửi đi tờ phát nguyện cho chùa sư nữ thì em lại kể hết với anh, và lại khóc vùi, lại ở lại. Em còn đàn bà quá, mà đời sống em phải nhận lấy cho mình từ nay lại không cho phép em có nhiều yếu đuối như vậy. Làm thế nào để chui chột mình đi cho thích ứng với bên ngoài, anh?
Em vừa viết thư cho Lam. Thư không dài, vài giòng. Bạn bè thương nhau đến đâu cũng chỉ còn có thế. Chúng ta yêu nhau bao nhiêu rồi cũng đến vậy. Đời sống giản dị như vậy mà sao mãi bao lâu nay em vẫn không nhận ra? Sao mãi bao lâu, em cứ tin tưởng nơi những thứ mình có, em cứ hãnh diện với những điều mình mang? Em còn trẻ con phải không? Phải sảy bao nhiêu lần nữa em mới khôn ra, phải có bao nhiêu cái tang nữa, em mới lớn nổi? Và phải bị bao nhiêu cái tát xiếc của bạn bè tặng em nữa, em mới biết mình có một khối óc của kẻ ngu si?
Dù sao thì ít lâu nay em cũng nhận được nhiều thứ quá. Đời sống ưu ái quá đã không chừa lại một món quà độc ác nào không gửi cho em. Mất anh em, mất cha, mất bạn bè, mất con, và bây giờ, còn Hãn, cũng mất nốt. Có còn khoảng trống nào chưa bị những thứ đó làm cho đầy không, có còn phía thịt da nào của em chưa bị định mệnh xả dao chém xuống không? Anh Hãn, anh hằng tin tưởng, cùng tắc bĩ, bĩ tắc biến, biến tắc thông, anh tin tưởng hơn cái con nhỏ Triết Đông trong em tin tưởng nữa, vậy thì bây giờ em đó, em đã cùng chưa, em đã bĩ chưa, và bao giờ, bao giờ mới đến chỗ thông cho đời em khốn khổ? Hay nơi để qua khỏi những oan khiên, chỉ có thể là cõi chết, hay chốn để thoát ra những cùng cực là mộ sâu? Anh, Hãn, anh đã là chồng em mà, anh chỉ lối cho vợ anh đi, đâu là chốn cho em nương náu, đâu là đường cho em bước lên? Anh, Hãn, hay em phải mặt trơ trán bóng, phải coi thường liêm sỉ mình, phải chà đạp danh dự anh kiểu như một người đàn bà nào đó để tự nhận mình là bà mẹ độc thân? Có hay hơn gì không cái danh xưng đó để em nhận làm của mình? Và có dáng kiêu hãnh không, đời sống hai nơi bây giờ cái kết thúc của tình yêu ta gìn giữ?
Em phải oán trách ai đây, em phải hận thù ai đây anh, Hãn? Oán trách anh đã cho em một tình yêu để sống, hay khinh khi mình đã không đủ sức mà sống cho đến ngày lụi đèn tắc bấc? Phải làm sao anh Hãn, sao anh không hề nói với em một lời cho khuây nguội, sao anh không hề vẽ cho em một đường nào rõ rệt? Chỗ nào cho em sống. Hãn ơi, cho biết cái kiếp sống tối tăm này?
Hãn ơi, hay thật sự, dù yêu nhau đến mấy ta vẫn chẳng thể cưu mang được nhau? Hay đó là lầm lẫn của em, khi ngay từ ngày đầu đã không chịu nhận biết rằng em chỉ nên yêu anh, chỉ được phép yêu anh và không nên, không được ước ao một đời cận kề, một kiếp gần gũi? Hay chính thật, cận kề và gần gũi cũng không hề có nghĩa là chảy lẫn trong nhau? Anh, Hãn, anh nói với em đi, em lầm lạc hay đời sống quanh ta có nhiều quá những mập mờ?
22 tháng 7…
Yêu dấu, anh làm gì giờ này?
Sáng ngày mượn được cái xe, đến bưu điện gửi thư cho anh. Trở ra, tần ngần trước phòng điện thoại công cộng. Có thể nào không một đường dây nối liền? Không, anh, quên dần nhau đi thôi.
Em đến thăm mộ con. Cỏ héo úa, dù con mới nằm xuống 14 ngày. Mẹ sống còn quay mắt thì làm sao con ngủ được yên? Em không khóc được, yêu dấu. Những giọt nước mắt chảy ra trong những giờ khắc hiếm hoi anh ở lại đây giờ đã khô ráo như đớn đau đã thành đá, lạnh băng.
Ngồi với con cho đến khi mặt trời gay gắt trên đỉnh đầu, em vào nhà. Hôm nay là ngày thứ nhất em thở lại cái không khí bạn bè xưa. Trang cũng héo, như em đã héo. Nhưng ít nhất, Trang còn được sống trong gia đình giữa bố mẹ. Ít nhất, nó còn có những đứa con để chăm sóc, có một người chồng để lo lắng trăm chiều.
Cả gia đình đó đều biết anh, biết Hãn, nhưng không ai biết liên hệ giữa mình. Trang hỏi: nghe nói bạn có gia đình, chồng con đâu mà chấp chới một mình thế này? Em cắn vỡ một hạt chanh giữa răng, hạt chanh đắng ngắt: chồng bỏ, con chết, tôi tứ cô vô thân. Hãn ơi, có phải đó là câu trả lời từ nay em phải có?
Và bây giờ, khi em đội một cơn nóng gắt trở về, phờ phạc, rã rượi nhớ anh quặn thắt thì anh làm gì, ở đâu, yêu dấu?
Chính là không nên nữa, những lời mãi viết cho anh này. Chính là phải lặng thinh đi cho anh nguôi dần, cho anh quên bớt, nhưng làm sao được bây giờ, làm sao cho em thôi nhớ anh, làm sao cho em bớt yêu anh, làm sao em tảng lờ được với những vết thương mãi mãi chẳng lành da? Hãn ơi, bảo cho em con đường nào để lìa nhau, mau chóng, bảo cho em phương cách nào để xóa sạch dấu tích nhau. Hãy bảo em, phải làm sao để dửng dưng trước những nhắc nhở về anh, phải làm sao để tẻ ngắt đi khi anh hiện trong trí em khắc khổ? Phải làm sao bây giờ, anh Hãn? Em phải chọc thủng mắt em để không còn nhìn được đời sống cay đắng mình? Em phải chặt những mạch máu ngược xuôi trong thân thể? Hay em phải xóa sạch mình đi, sống hoang đàng, phóng túng? Em phải chôn mình trong những bức tường tôn giáo khắc nghiệt? Hay em phải lăn vào giữa những xa hoa phù phiếm, những đưa đón mời mọc? Em phải thế nào, Hãn, để anh coi rẻ em, để anh ném em vào một xó góc tối tăm của trí nhớ?
Hãn ơi, anh có biết tại sao chúng ta lại phải xa nhau, tại sao chúng ta cần phải chối bỏ nhau? Anh có biết tại sao em phải nhận đời đắng cay tủi hổ, tại sao em phải đứt lìa với nơi chốn cuối cùng em có thể dựa nương?
Hãn ơi, tại sao chúng ta phải yêu nhau và khổ sở?
Hãn ơi, có phút giây nào giữa quay cuồng đời sống, anh dành ra một chút tội nghiệp cho em đang có quanh?
Em biết phải sống thế nào bây giờ khi chúng ta đã lìa nhau? Có chỗ nào dành cho người đàn bà sống một mình không giữa xô bồ phù phiếm? Có chỗ nào cho em tin tưởng không giữa bủa vây những bất trắc. Và có ai đưa em tránh những lối hiểm nguy? Hãn ơi, như thế là anh bỏ em thật sao? Như thế là mình xa nhau thật sao?
Tại sao lại có thể thế, anh, khi Hãn hằng bảo em còn quá nhiều khờ khạo? Tại sao em phải sống lại đời sống một mình giữa một tỉnh nhỏ giống hệt ngày nào ta chưa hề biết đến nhau? Anh, Hãn, ba năm chịu với nhau những tai ương, ba năm chia với nhau những khốn cùng, ba năm nhận cùng nhau những nhục nhã, ba năm dầy đầy những tủi cực và không hề có trọn vẹn một ngày vui, như thế không có nghĩa gì hết sao để đến bây giờ em chôn mình tuyệt vọng?
Hãn ơi, có cần phải em cắt lời van xin anh không, cho em được sống với anh, cho em được nhận từ nơi anh một chút gì có thể kéo lê lết đời em trông đợi? Hãn ơi, có cần em quỳ xuống lạy lục anh không, có cần em hủy hoại thân mình để anh thấy không có anh, em chỉ còn là một xác chết?
Em khổ sổ đến thế này vẫn chưa hài lòng anh sao, anh nhẫn tâm, anh tàn ác?
Yêu dấu,
Khi bước sang đến Trung Dung, cái môn học mà bao lần em than với anh không thể nuốt cho trôi, ở đầu trang thứ nhất em đọc thấy những dòng mình viết: Dù ngay đằng trước chúng ta là thần chết, vẫn tiến tới. Cõi chết,đó là nơi chốn nên sớm trở về.
Hãn, đó là lời em nhắc nhở mình cách đây không lâu, khi còn bên anh, khi còn trong bảo bọc và che chở của anh, khi còn nương anh mà bước, khi con níu anh mà tiến,. Khi ấy đớn đau, em vẫn thấy chúng ta còn có đôi. Khi ấy tai ương, em không hề lo cho em một. Đã có đôi, đã không một thì sợ hãi gì cõi chết, thì ngại ngần gì ngfhiệp oan. Em tin tưởng và em vững lòng, mặt đối mặt với mọi hiểm họa chực chờ.
Bây giờ vẫn chưa xa phải không Hãn? Chưa xong một năm học, những dòng viết còn mới, những lời nhắc nhở còn gần vậy mà, em đã phải sống một đời sống khác. Đời sống không còn gì tựa nương, đời sống không còn ai bảo bọc. Bây giờ chẳng cần chờ đợi, tai ương đã cạnh bên, bây giờ chẳng cần chào đón, hiểm nguy đã kề cận. Và bây giờ thần chết không còn xa lạ, địa ngục không còn cách vời, em đang bước đây. Hãn ơi, nhưng bước tới đâu và bước được đến bao lâu nữa?
Yêu nhau từ ngày đầu, ba năm trước anh có bao giờ đoán được hôm nay? Anh có bao giờ nghĩ một ngày như thế này, chúng ta ở hai nơi, và anh dù có mặt vẫn không thể đưa được em ra khỏi những ngặt nghèo?
Yêu dáu, như thế gọi là định mệnh đó phải không? Và yêu dấu, có phải dù chất ngất đắm say, ta vẫn không sao thoát khỏi cái lưới nghiệt ngã phủ chụp đời mình?
Tối, và có chút nhớ nào anh, Hãn cho em trong khuya khoắt này.
Giá chi em chảy được một giọt nước mắt cho khây, cho nguôi. Giá chi em vơi được buồn bã, cho anh. Hãn ở lại cũng theo đó mà phai nhạt yêu em. Giá chi mình quên được nhau, như bao người đã yêu nhau, dễ dàng, giản dị. Giá chi, anh Hãn, mình có được nỗi nhớ nhau thường tình bè bạn.
Buổi tối, và tắc kè kêu không ngừng. Em đếm hoài, anh. Hãn ơi, và không bao giờ con tắc kè ngưng tiếng kêu ở một số chẵn. Mà cần chi phải những điểm báo đó, sống thế này đã không đủ bất hạnh sao, thêm thắt làm gì chút mê tín nhỏ nhoi. Em bảo em thế, nhưng con tắc kè giống cái đồng hồ gõ đều đặn ở căn nhà em đã rời xa, luôn luôn nhắc nhở Phiến ơi, có lừa bịp mình đến đâu cũng là vô ích.
Phải không anh, Hãn, yêu nhau mấy rồi cũng đến xa nhau thôi. Anh. Hãn có yêu em bao nhiêu thì cũng chẳng đổi thay được gì, cũng đành để em nổi trôi một mình, quay cuồng một mình, và chết rũ một mình. Mình làm gì được hơn, anh, Hãn?
Em sắp viết hết những tờ giấy cuối cùng anh cho, những tờ giấy có hôm họp mặt cuối với Nhị, với Lam, với người bạn già ở H. nhưng có nghĩa gì điều đó? Anh mà cũng còn xa em, huống chi những trang giaấy trắng!
Hãn ơi,
Em rã rời, và không còn làm được bất cứ một việc gì, không còn thiết đến một điều gì. Em vẫn không học được gì cả. Còn chưa đầy một tháng nữa là thi, nhưng em chẳng thiết gì hết, Thi hay không cũng vậy thôi, không ích lợi gì cho cái đời sống khốn khổ em đang mắc phải. Thêm một vài chứng chỉ cũng chẳng gỡ được em ra khỏi cái trạng huống này. Không có ai giúp được em, kể cả Hãn nữa, phải không. Lúc nào thì em cũng phải một mình, ở đâu thì em cũng phải đơn độc, và càng vùng vẫy thì càng lún sâu thêm thôi.
Cái duy nhất còn lại trong trí óc em lúc này là sự chết. Em nghĩ đến Nó. Em đợi chờ nó đêm ngày. Hãn ơi, sống mà đợi chờ cái chết, còn gì buồn bã hơn không?
Nhưng thế nào thì em cũng phải vậy. Hãn đừng bắt em phải chịu đựng thêm nữa, bởi vì em không còn hơi sức nào để nhận thêm, để chịu thêm, để bị đầy đọa thêm. Cũng kiệt rồi cái đời sống em đang mang. Hãn sẽ không thấy được cái cùng quẫn của em đâu, vì rõ ràng có yêu em đến đâu. Hãn vẫn ở bên ngoài, ở một chỗ khác, nhìn đến, và thúc đẩy em, và khuyến khích em, và an ủi em vậy thôi. Không ai mang được cho em hết cái gánh nặng đó. Không ai chia xớt được cho em hết cái đau đớn đó. Em phải một mình chịu đựng. Phải nghiến răng mà chịu, đừng kêu rên vô ích. Em phải một mình mà bước qua cầu, đừng mong chờ ai đi hộ. Hãn ơi, đó là lời bà Linh nói với em, trước khi những sợi nhao nối liền thân thể em với sự sống của con bị cắt đứt! Lúc đó, em cắn nát cánh tay mình để không bật ra bất cứ một tiếng kêu nào. Lúc đó, những lời nói của bà Linh mở bừng bừng trong em một sự thật giản dị, một sự thật hiển nhiên mà bao lâu em chẳng hề nhận ra: em cô độc.
Hãn ơi, từ sau cái chết của con. Em, sự thật đã càng rõ rệt hơn nữa. Em càng lúc càng thấy mình đắm sâu vào một vũng lầy, và kêu cứu mấy cũng chẳng hề có ai đoái tưởng. Em đã van nài Hãn ra ngay với em, em đã khẩn khoản xin Hãn cho em một lời hứa hẹn để em có thể yên lòng mà sống, mà chờ, Hãn nhớ không? Nhưng đã không hề có một lời hứa, không hề có một câu hẹn mà Hãn chỉ trách mắng em bằng những trách mắng nặng nề nhất những trách mắng, những nhiếc móc giống như người ta vẫn dành cho một người đàn bà hư đốn, người không còn gì để gọi là đức hạnh. Và cộng với những mắng nhiếc đó, Hãn bảo em phải trở về ngay.
Hãn ơi, có phải vì em đã thêm một lần nữa chôn đi một phần thân thể mình, có phải chỉ vì em cùng quẫn và khổ sở đến độ không cầm giữ lại giọt máu mình, có phải chỉ vì em đã ra đi, 1 tháng, 2 tháng, sống tủi nhục và hổ thẹn với những thang thuốc, những mũi tiêm, có phải vì em không biết lựa chọn thế nào giữa tuổi già của mẹ em, vì tương lai khổ lụy của chính mình? Có phải chính vì những điều đó mà em trở thành một người đàn bà tội lỗi để Hãn khinh miệt em, để Hãn hành hạ em bây giờ không? Có phải chính vì thế mà em không đáng được nhận bất cứ một ước hẹn nào của Hãn, em không đáng được nhìn thấy bất cứ một lối đường nào thoát ra những đắng cay này? Như thế, em còn biết phải phân giải làm sao đây? Em phải nói làm sao để Hãn thấy là em không còn gì hết từ ba năm qua? Em khắt khe, em nghiêm ngặt đến không còn một người bạn nào muốn lai vãng, Hãn biết mà. Và với Lam, người bạn cuối cùng đã chắc gì em còn giữ được lâu? Bạn bè, em bằng lòng mất hết. Anh chị, gia đình em bằng lòng tách lìa. Cả các con của em, em cũng còn không được phép giữ lại, huống chi chút tình thân. Em chỉ còn duy nhất cái tuổi già khô héo của mẹ, cái quắt queo của mẹ sau bao lâu đã ngậm đắng nuốt cay vì em đã không cho phép em được cựa quậy, vùng vẫy gì nữa hết. Em chỉ còn duy nhất mẹ và Hãn. Bây giờ, Hãn bắt em trở lại, một mình trở lại với hiện tại tối tăm và tương lai không hề thấy mặt đó vì những điều mà Hãn thấy như tội lỗi em đã phạm sao?
Em van Hãn, Hãn thương em, Hãn nói với em một lời đi. Một lời rõ rệt, một lời xác quyết, rằng em phải làm gì bây giờ, em phải sống thế nào, em sẽ đi đến đâu bằng cái đời sống đó. Nói cho em biết đi, trước khi em quá suy sụp để đi về với sự chết. Cho em một lời đi, để em nương vào đó mà sống yên lòng hoặc chết cam tâm.
Hay, chính Hãn cũng không biết chúng ta phải làm gì và chúng ta sẽ đi đến đâu?
12 tháng 8-74
Bối ơi, em thấy rõ là em đang sống để đợi chờ cái chết, vậy sao mỗi lúc thoắt thấy nó hiện đến, em vẫn lặng cả người? Có phải là em sợ hãi không? Không phải đâu, phải không bố? Em mệt quá rồi, em không còn đủ sức để mong ngóng, để thiết tha, để mê mải gì nữa. Cái chết, đỡ hơn, nhẹ hơn, thoát hơn, và cứu giúp em hơn. Nhưng bố ơi, cái cảm giác đó sao nó giống hệt khi em nghe bà Linh dặn dò trước khi con mất.
Bố, em ao ước được nói với bố: em khổ sở quá đi. Có phải đó là điều mà chỉ khi nào cùng quẫn lắm em mới tỏ lộ với bố đó không? Ngay cả khi con mất, rồi thèm cảm giác nhà chị M, căn gác có những cái ghế gỗ và cánh cửa sổ mở ra soi mói, căn gác mà cho đến ngày nhắm mắt, em vẫn không làm sao quên được những giọt nước mắt mình đã rơi xuống ướt đẫm một bên vai áo chị M, khi ấy, có phải em vẫn không hề hé răng than van với bố? Một năm sau, trong căn phòng ám khói của bà Linh, em cắn nát cánh tay mình, ngọn đèn nóng treo thật thấp sát mắt em mở rộng, ngọn đèn đốt cháy mọi đau đớn, đốt cháy cả nỗi xúc động làm quặn thắt một bên hông trái khi nhìn ngón tay bé xíu của Ngạc em nhô ra, lần ấy, có phải bố vẫn không hề nghe em cất lời kể lể? Nhưng bây giờ, làm sao em ngăn được mình nữa đây? Em khổ sở, và bố được cái tuyệt vọng của em bây giờ, khi không còn gì hết để đợi chờ, để tin tưởng? Một ngày mai nào đó, chúng ta được sống với nhau ư? Có thật thế không? Có thật có một ngày mai cho chúng ta khi mọi lối đường đều đã cùng bịt kín? Làm sao em dám tin tưởng, khi em thấy rõ, khi em biết chắc (rõ và chắc như không còn gì rõ rệt và chắc chắn hơn thế, kể cả cái chết của các con em) rằng chẳng còn gì thay đổi được, trạng huống này. Bố hằng bảo em phải tin, nhưng tin nơi cái gì bây giờ? Tin rằng có ngày mẹ sẽ thay đổi chăng? Tin rằng có lúc mẹ phải nhượng bộ chăng? Không bao giờ. Không ai hiểu mẹ em bằng em hết, bố phải biết như vậy. Em là đứa con gái què quặt tinh thần ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ em xấu số, em thiếu thốn ngay từ lúc mới tượng hình, em có mặt, em gần gũi mẹ suốt từ 23 năm nay, với đủ thứ biến động, làm sao em còn dám tin tưởng ở một điều không bao giờ có thể xẩy ra như bố tưởng đến. Bố đừng nhắc đến việc cái kiên nhẫn của chúng ta có thể khiến cụ động tâm nữa. Đừng nhắc nhở đến nữa, đừng tin tưởng, đừng hy vọng ở nó nữa, bởi vì cụ không còn lối nữa để nhượng bộ cũng như em không còn sức nữa để lay chuyển chút cứng rắn sau cùng ấy! Mọi thứ đã sắp đặt, đã an bài cả rồi. Và đành thế thôi.
Làm sao em có thể nói với bố, rằng em suy sụp ghê gớm, cả sức khỏe lẫn tinh thân từ hôm trở về. Trở về, cuống cuồng với tiếng kêu của bố, em lên xe, không màng quay nhìn, không thiết nhắn nhủ. Trở về, em khóc thoả thuê, khóc sung sướng, khóc vì trong cái phút đầu tiên ấy, em tưởng mình đầy đủ, em nghĩ mình có lại. Nhưng, bố ơi, sau phút đầu, em thấy được gì, bố có biết? Em vẫn thấy mình đầy đủ, nhưng là đầy đủ những dằn vặt đay nghiến. Em vẫn nghĩ mình có lại những lối cùng đường kiệt. Và khổ sở hơn cả, là em không có cả khí trời.
Ở V.T., ừ cái thành phố không phải của em, cái nơi chốn không thuộc về em, em có phải chịu đựng những va chạm đấy, nhưng em còn có chỗ để đến, để tách rời. Em có những ngọn cỏ héo trên mộ con cần tưới nước, em có một nấm đất ủ kín con cần đắp bồi, em có những tà dương quanh chỗ con nằm để thở than kể lể, và em còn có thể khóc với con, như với một người bạn xa lìa. Về dây, bố có nhìn thấy em ra sao không? Ban ngày, em chỉ có một chỗ ngồi duy nhất, sát tường. Em chỉ nhìn thấy một vật duy nhất, bức tranh của mình. Sách vở không học đến đóng vào thùng. Sách vở phải học đến, xếp vào ngăn. Em dựa sát vào tường, và em nhìn bức tranh (hay bức tranh nhìn em?) như một vật phế thải nằm trong một căn phòng cũ. Em không học được, ban ngày. Đêm đến, đêm và căn bệnh mất ngủ triền miên, đêm và tiếng đồng hồ gõ nhịp nhắc nhở. Em chong mắt, ban đêm. Đó, bố, chỗ của em. Đó. Chỗ bố muốn em về.
Có phải vậy không, có phải bố muốn em về để nghe những đay nghiến, để chịu những dằn vặt, và để thấy mình còn cô quạnh hơn cả khi ngồi một mình, bên ngoài trường lớp, bên ngoài bạn bè, bên ngoài tình yêu? Có phải vì bố muốn em về, để nhìn thấy tận mắt chuyến xe chở đầy những ước mơ của mình đang lao xuống, lao xuống không đà thắng? Có phải bố muốn em về, để chết trong tối tăm và ẩn lạnh? Nếu quả thế, thì bố biết rồi đó, em không hề ân hận đâu. Em không tiếc vì đã trở về, đã bỏ lại con một mình trong cái thành phố xa lạ đó, và em sẵn lòng đây, em sẵn lòng chết dần chết mòn trong chốn sống mà bố đã yên tâm đặt để em vào.
Bố ơi, nhưng ít nhất thì bố cũng phải nói với em một lời nào đi chứ. Hãy nói với em, như bố đã gọi em trở về, đã vạch cho em một lối đi, một chốn đến. Hãy nói với em, giống như mới vài hôm trước bố đã nói, rằng bố yên lòng lắm, khi em đã trở về. Phải không, em đã làm bố yên lòng khi trở về và chết. Bố ơi, nói với em một lời nào đi, lúc này.
Em đuối, không phải chỉ vì tinh thần, mà cả sức khỏe nữa. Em không ngồi được lâu, không viết được nhiều. Cái đầu dường như nặng quá trên cổ. Em nhớ đến câu cuối cùng trong “Ở một đời riêng”: Chàng ở đâu, làm gì, một khi tôi đã chết? Em sống, có khác gì người con gái đó không?
Em đang đợi Hiên đến để chuyển thư cho bố. Sau thư này, chắc em không viết gì thêm nữa. Em đang lụi dần như một cái bấc đèn khô dầu, và em chẳng hề có chút áy náy nào hết, nếu phải chết đi ngay lúc này. Việc quan trọng là em đã trở về, như bố mong muốn, nên sau đó, chắc chẳng còn gì có thể làm mất đi cái yên lòng của bố được. Chỉ tiếc là em không định thi cử gì cả, nên chắc không còn dịp gặp bố trước khi thực hiện cái quyết định của em.
Em mệt rũ.
Hãn.
Bây giờ là buổi tối, gần cuối một ngày. Cả ngày hôm nay, em nằm trên gác một mình, không ăn uống, không học hành, không động đậy. Em nằm, nhìn thẳng lên trần nhà. Em đợi một tiếng xe. Em chờ một tiếng gọi. Hoặc Hiên, hoặc Lam, hoặc Kiếm, hoặc Lan, bất cứ ai, làm sao để có một người nào đến với một mảnh giấy, một vài chữ của Hãn, một vài chữ có thể thay đổi được cho em cả một đời, sống hoặc chết. Em đã nằm, như vậy, từ lúc 2 giờ sáng, nghĩa là từ lúc vào giường tắt đèn. Nằm, chong mắt nhìn lên trần nhà thấp. Nằm, không dám thở mạnh, không dám cựa mình. Nằm, căng thẳng mọi giác quan, như thế, từ hai giờ sáng. Bây giờ là tám giờ tối, mười tám tiếng đồng hồ, gần trọn một ngày.
Hãn, em thất vọng.
Em không dám nói là em tuyệt vọng, dù thật sự chính sự yên lặng của Hãn sau những tờ thư em gửi đi đã làm tắt hẳn chút hy vọng sau cuối mà em đã cố gắng ươm giữ. Em không dám nói là em tuyệt vọng. Nói thế, thê thảm quá! Đời sống em thế này chưa đủ thảm thiết sao mà còn nhân lên gấp bội bằng những danh từ. Nhưng thất vọng, như thế cũng đủ giết chết em rồi! Hãn biết không?
Hôm qua Tiến ném cho em mẩu giấy. Hãn bảo em phải cố gắng. Phải nghĩ đến con và cố gắng. Phải nhớ mình sắp được đi học và cố gắng. Phải tin tình trạng này sẽ qua đi và cố gắng. Có phải đó là tất cả những gì Hãn viết cho em không? Em đốt nó đi rồi. Từ ba năm nay, đây là những dòng chữ đầu tiên, những dòng chữ duy nhất Hãn viết mà em đốt đi. Tất cả, từ một tờ lịch đến một chiếc lá, từ một cánh hoa, tất cả mọi thứ đã có mặt quanh tình yêu của mình, em đều sắp xếp, đều giữ gìn. Hôm qua, đầu tiên. Hôm qua, duy nhất. Hôm qua, khi que diêm xòe lên, em biết rằng mình cũng đã cháy theo những dòng Hãn viết.
Cố gắng, cái cố gắng Hãn muốn ở em đã cháy thành tro rồi, không còn gì nữa đâu. Những tờ thư em gửi đi, qua Hiên, không đủ để Hãn thấy rõ điều đó sao? Những kêu van của em, kêu van của một người chết đuối, không đủ để Hãn động lòng sao? Cố gắng, Hãn, nếu còn sức để cố gắng, nếu còn tâm để chịu đựng, thì có đâu những nài nỉ, những cầu xin em đã phải thốt ra? Hãn biết rõ em là một đứa con gái có nhiều quá những kiêu hãnh trong lòng mà. Em xấu xí, em tật nguyền, em bệnh hoạn, em ngu dốt, em thiếu thốn, nhưng em chất ngất lòng yêu chính mình. Em mê đắm cái tuổi nhỏ tối tăm, cái tuổi lớn tủi nhục, những tật nguyền dai dẳng và cả cái dấu vết ghê tởm người ta đã đóng trên mặt em. Em mê đắm yêu mình đến độ không còn có thể ngọt ngào khéo léo với một ai, đến độ không còn ai muốn đến gần. Vậy mà em đã yêu Hãn. Vậy mà em yêu Hãn hơn cả yêu cái số phận khốn khổ của mình. Và yêu Hãn, ba năm, ngày tháng chưa lâu mà đớn đau đã đầy, tai ương đã lắm. Yêu Hãn em hất tung cái vỏ sơn nhem nhuốm trên những thứ gọi là danh giá, là nề nếp, là nho phong của gia đình. Yêu Hãn, em dẫm nát luân lý, đạo đức, phong tục của cái xã hội đang dung chứa chúng ta. Yêu Hãn, em bước qua miệng tiếng, em nhận đón phỉ nhổ, em chịu đựng khinh khi. Và yêu Hãn, em xót thương em hơn bất kỳ một ai khác xót thương chính mình. Nhưng làm sao em có thể nói ra với Hãn những ê chề nhục nhã em đã nhận từ bao năm qua, khi em đã lỡ là em, yêu mình đắm đuối? Hãn thừa biết, cái cao ngạo vô lối đó đã giữ gìn em lại dù em thèm được thả mình rơi xuống chân Hãn, mà khóc lóc khẩn cầu. Hãn thừa biết dù cùng khốn đến đâu, em cũng cố tâm nghiến răng chịu đựng. Hãn thừa biết em đã phải đóng vai một người đàn bà đàn ông như thế từ ba năm qua mà không hề hé môi than vãn. Nhưng bây giờ, bây giờ, Hãn thấy đó. Em không còn gì hết để nương chút lưng, để tựa chút vai. Em không còn một mảy may hơi sức để đóng tiếp cái vai trò của mình, dù thêm một ngày một phút.
Hãn, em đã van xin Hãn như một đứa con tội lỗi van xin được trở về mái nhà của cha mẹ. Em cầu khẩn một chỗ ngồi, em nài nỉ một bữa ăn có khác chi một con ăn mày không Hãn? Vậy mà đứa con được trả lời là hãy cố chịu thêm nắng mưa, đứa ăn mày được khuyên hãy chịu tiếp đói khổ, và em, em nhận được từ Hãn, nhận được từ chốn mong ngóng duy nhất, nhận được từ chốn dung chứa cuối cùng một an ủi như người ta vẫn an ủi những kẻ xa lạ: Hãy cố gắng, cố gắng! Ôi Hãn, cố gắng!
Hãy nghĩ đến con mà cố gắng!
Thôi đừng, Hãn. Thôi đừng nhắc đến con, thôi đừng nhắc đến con. Em sống còn thê thảm thế này, nhắc chi đến con đã chết. Hãy nghĩ đến con, ôi ngay Hãn còn không màng cho em một dựa nương, nói chi đến linh hồn con vất vưởng. Và làm sao cố gắng, khi sức cùng lực tận, khi hy vọng đã cháy thành tro than. Và làm sao còn nghĩ đến các con, khi thân em, em còn không tiếc, khi sự sống em, em còn chẳng màng. Hãn ơi, Hãn bảo em phải làm sao để có thể cố gắng thêm, phải làm sao để còn nghĩ được đến các con như Hãn mong muốn? Đã nói, em không muốn bất kỳ ai nữa nhắc đến con, những đứa con em đã mất đi. Em yêu Hãn, em yêu em và em yêu các con em, và tan nát, nếu có, cũng sẽ từ những yêu thương đó mà khởi đi. Em đã không hề muốn mình trở thành một vật cản trở. Được rồi, Hãn, Hãn là người duy nhất có thể đem em ra khỏi những khổ nhục này, Hãn là người duy nhất có thể đưa lại, hoặc ánh sáng, hoặc bóng tối, vĩnh viễn cho đời sống em, nhưng Hãn đã nín lặng trước những vùng vẫy vô ích của em, Hãn đã cho em thấy, em còn phải tiếp tục chịu đựng cái số phận một của mình, thì em sẽ theo đúng ý Hãn mong muốn. Em sẽ một.
Em một. Được. Không sao hết. Chỉ xin Hãn để mặc mẹ con em. Ngày của con vẫn không có một nén hương, con cũng phải tự sống cái đời sống một mình như em bắt đầu phải sống từ nay. Hãn cứ yên tâm, chúng ta có thể bắt đầu.
Cám ơn Hãn. Cám ơn, yêu dấu.
PHIẾN
Với Nhau, Một Ngày Nào Với Nhau, Một Ngày Nào - Du Tử Lê Với Nhau, Một Ngày Nào