Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32
ừ bao lâu nay, chính xác lúc nào Sa không nhớ rõ, mình đã không có được những giây phút bình an chứ nói gì đến hạnh phúc, chỉ duy nhất chiều qua khi ngồi sắc siêu thuốc số sáu nàng mới cảm nhận cõi lòng có gì chuyển biến, mọi khổ đau cay đắng đang dần nguôi ngoai.
Cả đêm trằn trọc không ngủ nhưng không thấy mệt mỏi. Hình ảnh Tùng cứ lởn vởn làm Sa choáng ngợp.
Vừa chợp mắt đã nghe tiếng gà gáy.
Có tiếng guốc tre khua ngoài sân. Sa ngồi dậy kéo cái bọc đồ, lục tìm áo để thay. Khêu ngọn đèn to lên để nhìn cho rõ, nhưng cầm cái áo nào lên xem Sa cũng thở dài lắc đầu ngao ngán.
Hôm bỏ trốn khỏi căn nhà này, nàng cuốn theo toàn lụa là gấm vóc, mấy cái áo vải thô này thì để lại. Ai dè khi vấp té ngất bên bờ sông, bọc đồ đã lăn đi đâu mất. Khi về lại chốn này chị Xuân đã vào lục trong phòng riêng của hai vợ chồng mang lại cho Sa nên mới có đồ mà thay!
Bây giờ chỉ có năm bộ đồ, màu xám tro, tím than, nâu non, màu đen, màu xanh rêu. Tất cả đều sờn bạc, có cái bị những vết bám vì khi làm việc sơ ý, giặt không ra, mặc vào trông lem nhem nhưng Sa cũng không màng vì có đi đâu, ngoài ra vườn hay luẩn quẩn ở sân.
Nhưng hôm nay, bỗng dưng cảm thấy muộn phiền khi nhìn những cái áo quá tồi này! Ngắm nghía một hồi, Sa chọn cái áo màu xanh rêu mặc vào.
Chợt nghe giọng Tùng ngoài sân “ Già ơi! Lấy ít nước sôi dùm con!”
Tiếng lão câm ho húng hắng. Sa hít hít mũi. Có mùi khói nhen. Vội vã mở cửa nhìn ra, Sa thoáng thấy bóng Tùng vừa khuất sau cánh cửa phòng số sáu. Lão câm đang quạt lò hâm thuốc hôm qua Sa đã nấu sẵn. Sa chạy lại, lão câm trố mắt nhìn rồi ú ớ chỉ về phòng Sa. Sa lắc đầu:
_Thuốc này hôm qua con canh, để con rót đưa lên cho. Già cứ vào nằm lại đi. Hâm xong con bắc ấm nước giữ lửa. Giờ còn sớm quá, già ngả lưng một chút nữa đi! Con ngủ nhiều rồi không ngủ nữa đâu!
Lão câm chỉ ấm nước, chỉ cái bát rồi lại chỉ lên phòng số sáu. Sa gật đầu:
_Con hiểu rồi! Nước sôi đổ vào bát đưa lên cho anh Tùng, phải vậy không?
Lão gật đầu, ngáp dài rồi lầm lũi đi về phòng mình.
Cánh cửa phòng số sáu khép hờ, Sa định lấy vai hích cửa bước vào thì cánh cửa từ từ mở ra Tùng đứng sẵn từ lúc nào đón cái khay trên tay Sa:
_ Em dậy sớm quá vậy! Vào đi em đứng ngoài đó lạnh.
Thật ra Tùng đã thấy Sa lui cui ở sân nhưng vì muốn gần Sa nên không lên tiếng ngăn cản.
Nhìn chén thuốc Tùng khen:
_Thuốc sắc như vậy là vừa nước lắm đó!
Lại đây em, anh còn phải nhờ em vài việc!
Tùng vừa nói vừa liếc nhanh cái bát nước sôi để trên khay.
Sa bám theo Tùng. Dưới ánh nến Sa nhìn thấy người bệnh nằm sấp mê man, một chân cong lại. Ngập ngừng một lúc Sa tiến sát lại. Tùng rút trong túi áo một gói nhỏ mở ra chìa trước mặt Sa hỏi:
_Em biết cái gì đây không?
Dưới ánh nến Sa nhìn thấy những hạt nhỏ li ti màu nâu nâu đỏ đỏ. Nàng lắc đầu:
_Dạ không! Sao lạ quá!
_Em thấy lạ cũng phải thôi vì đây là liên tử, chú anh phải mang từ biên giới Việt-Hoa về. Anh nhớ từ hôm mở phòng mạch đến giờ chưa kê đơn thuốc nào có loại này cả. Bây giờ anh nhờ em chút nhé!
Sa sốt sắng:
_Dạ! Anh sai gì em làm ngay!
Tuy rất cố gắng giữ bình tĩnh giọng Sa vẫn run run.
_Em mang bát nước sôi lại đây, hoà với liên tử cho nó nở ra để đắp lên chỗ sưng tấy của bệnh nhân!
Sa mang bát nước sôi lại. Tùng dốc hết gói liên tử vào trong bát. Chỉ một lát những hạt liên tử nở thành một chất dẻo kết dính.
Bây giờ Sa đã hiểu liên tử là loại dùng để điều trị ngoài da nên không ghi trong đơn thuốc sắc uống.
Tùng nhồi đều chất dẻo. Sa nhìn ngón tay đeo nhẫn của chàng rôi lại nhìn ngón tay đeo nhẫn của minh. Một sự xúc động dâng trào. Bất giác nàng nắm chặt bàn tay mình lại như sợ nhẫn cưới không may rơi mất.
Bàn tay Tùng bóp nhè nhẹ khối liên tử miết thành một màng mỏng rồi lại nhồi trở lại.
Một lúc sau, Tùng đặt cái bát liên tử qua một bên. Những ngón tay tiếp tục thăm dò vết thương, vỗ vỗ, xoa vòng vòng hình trôn ốc, bóp nặn, vân vê chóp nhọn của vùng u tấy đang cương mủ. Đứng đằng sau lặng lẽ nhìn như bị thôi miên, Sa bất giác đưa tay mình lên khẽ chạm vào nhũ hoa. Sao bỗng dưng cương nhú lên hằn rõ dưới lớp áo thế này?. Tự nhiên hai má Sa nóng ran. Đột ngột Tùng lên tiếng:
_Đưa bát thuốc lại đây anh cho bệnh nhân uống thuốc.
Sa đưa thuốc lại tiếp tục đứng nhìn. Nàng không hiểu sao nhìn Tùng thanh nhã thư sinh không phải lực sĩ nhưng khi xốc cả một thân thể bất động lại rất gọn nhẹ không có gì khó nhọc. Thật lạ! Một tay Tùng vực người bệnh giữ ở tư thế ngồi, một tay đưa ra nhận chén thuốc. Sa đặt chén vào lòng bàn tay chàng. Hai bàn tay khẽ chạm vào nhau. Sa run bắn lên suýt nữa đổ chén thuốc. Nhìn thuốc bị sánh ra ngoài Tùng ôn tồn nói:
_Đừng vội! Thuốc này không cần phải uống nóng lắm đâu!
Nói xong chàng cầm thìa bóp nhẹ mồm bệnh nhân mớm thuốc vào từ từ.
Một lát sau người bệnh hơi động đậy, mở mắt ngơ ngác. Tùng lên tiếng trước:
_Tỉnh rồi đó à? Cậu biết đây là đâu không?
Thiếu niên không trả lời chỉ đưa mắt nhìn Tùng và Sa.
Tùng giải thích:
_Chiều qua bố mẹ cậu đưa vào đây nhờ chăm sóc mai sẽ ghé thăm cậu sau. Hiểu rồi chứ!
Thiếu niên gật đầu. Tùng quay sang nói với Sa:
_Đưa liên tử đây cho anh.
Sa vội cầm bát chất dẻo lên. Tùng bóp dồi lần cuối, dùng ngón tay miết mỏng chất dẻo đắp vào chỗ sưng tấy. Sa cúi xuống thì thầm “Cho em làm với” rồi cùng Tùng chăm chút vun vén đắp kín chỗ sưng tấy ấy lại. Những ngón tay chạm nhau Tùng nhìn Sa đắm đuối. Ánh mắt làm lòng Sa phấn chấn bớt e dè nàng vừa đắp vừa hỏi giọng tự tin:
_Vùng này u tấy mủ cứng lại, có vẻ trầm trọng quá phải không anh?
Nãy giờ thiếu niên nhìn hai người chúi đầu vào vết thương đột nhiên cất tiếng xen ngang:
_Thú thật hôm qua em đã chờ đợi người ta sẽ dùng rượu và thuốc phiện để làm giảm đau hầu loại bỏ cái chân bị cho đã hoại tử của mình nhưng hôm nay thấy anh chị chăm sóc vết thương tận tình quá, anh chị thương cái chân đau của em quá nên em tin rằng vết thương sẽ mềm, vỡ mủ, em sẽ còn đau những rồi sẽ hết, cái chân sẽ lành, em tin vậy!
Nghe bệnh nhân thổ lộ tâm tình, Tùng nhìn Sa cả hai thở phào nhẹ nhỏm. Tùng đùa:
_Cậu nói chứ không phải tôi nói đâu nhé! Thú thật suốt mấy canh giờ từ khi được đưa vô đây cậu cứ li bì làm tôi ngại quá!
Nhìn cái chân đau của bệnh nhân Sa chợt động lòng, cậu ta còn may mắn hơn mình nhiều vì vết thương đã được nhìn thấy và điều trị tận tình. Bất giác Sa thở dài. Tùng nhìn Sa hỏi khẽ:
_Em mệt à! Nếu mệt về phòng nghỉ đi!
Sa lắc đầu:
_Đâu có!
Tùng vỗ vai thiếu niên an ủi:
_ Đùa cậu vậy thôi chứ theo kinh nghiệm của tôi vết thương thì phải đau đớn, sưng tấy căng cứng rồi mới vỡ mủ, lên da non và lành nhưng phải biết cách điều trị bằng không nó chai cứng tê dại đi là hỏng. Cậu yên tâm uống thuốc, trường hợp của cậu vẫn còn kịp thời, thế nào cũng lành.
Bên ngoài có tiếng chị Xuân hỏi chuyện lão câm. Sa đưa mắt nhìn chàng rồi nói:
_Anh ra trước sửa soạn lót dạ để còn làm việc, ở đây đã có em lo!
Tùng khẽ gật đầu nhìn Sa một lúc trước khi rời khỏi phòng, niềm vui sáng bừng trong đôi mắt mệt mỏi.
Khuyên sốt ruột dòm chừng ra phía ngoài, cái ghế dài đã đầy người ngồi đợi vẫn chưa thấy tăm hơi Tùng đâu, không thể bỏ phòng đấy mà đi gọi, bực mình nàng đập mạnh tay lên bàn. Vừa lúc đó Tùng xuất hiện nhưng còn đứng ngoài chưa vào, xoay người vặn đi vặn lại, hai cánh tay quạt ngang mấy cái, tự nắn nắn hai vai một lúc, rướn người hít một hơi dài rồi mới uể oải bước vào. Khi chàng tiến gần Khuyên giật mình. Hai mắt thụt sâu thâm quầng chỉ có ánh mắt là linh động sáng rỡ.
Nhìn bộ điệu Tùng, chịu không nổi Khuyên trách:
_Bệnh nhân ngồi đầy ra rồi kìa!Tự nhiên sao anh lại bê bối chểnh mảng công việc thế?
Tùng ngồi xuống nhìn Khuyên ngơ ngác:
_Em nói sao? Anh chểnh mảng công việc ư? Em không nhớ chiều qua có trường hợp trầm trọng, từ khi ấy tới giờ lu bu có mỗi việc đó, sáng ra anh lót dạ trễ một chút chứ gì đâu mà em cằn nhằn dữ thế!
Khuyên nhếch mép cười nhạt hỏi dấm dẩn:
_Sao rồi? Cái vụ này coi bộ phải tính tiền nhiều đây mới xứng với công sức anh bỏ ra đấy!
_Ấy không được! Là thầy thuốc không tận tâm với người bệnh thì làm nghề này làm gì? Tính chi phí như mọi người thôi!
_À hay nhỉ? Sao chỉ mỗi bệnh nhân này được ưu ái vậy?
Tùng gạt đi:
_Thôi không nhì nhằng nữa bắt đầu đi!
Vừa nói xong hai vợ chồng hôm qua lại ló mặt vào. Khuyên đứng ngay dậy chỉ tay ra phía sau:
_Mời hai bác ra sau cho! Con hai bác ở dãy gỗ phòng số sáu! Đừng lảng vảng ở đây để chúng tôi làm việc.
Không được vào người chồng nói to:
_Dạ không, tôi biết mà, chúng tôi đã ra sau thăm em nó rồi giờ tôi muốn gặp quan ngự y để cảm tạ một câu! Nghe nói hôm qua hai vợ chồng quan ngự y thức suốt đêm, trời ơi cái ơn này lớn quá không biết bao giờ mới trả hết.
Nghe hai vợ chồng nói, Khuyên tức điên lên gắt:
_ Được rồi! Hai ông bà cứ về đi, khi nào cậu ấy lành hẳn rồi muốn cảm tạ cũng không muộn.
Nói xong Khuyên gọi số thứ tự bệnh nhân ngay lập tức, không để cho Tùng kịp có thời gian tiếp xúc với hai vợ chồng nữa!
Tay ghi tên các vị thuốc nhưng mắt không hề rời khỏi Tùng. Chàng vừa thăm mạch vừa ngáp lên ngáp xuống. Như vậy là đã rõ hôm qua hai người đã ở cùng nhau. Sự việc không đơn giản. Dân không phải là đối thủ của Tùng. Sa quá lợi hại. Nó đang tìm cách gần gũi Tùng và lấy lòng gia đình này. Chỉ mới một đêm bên nó mà Tùng đã đổi khác, còn mình mấy năm ròng cũng không xong. Trên đời này những gì tốt tươi đâu dễ có được, nhiều khi phải giành giật phải hy sinh nhiều thứ! Mấy bữa trước thấy chàng buồn cũng thương lắm nhưng trong lòng lại khấp khởi, giờ nhìn vẻ mặt rạng rỡ ấy lại tức anh ách xốn xang khó chịu quá!
Tùng bấm nhẹ mạch bệnh nhân đọc thật nhanh các vị thuốc: “Bạch linh hai chỉ, quy vị ba chỉ, bạch truật ba chỉ…”
Đang đọc làu làu bỗng Tùng quay lại hốt hoảng kêu:
_Chết thật! Em sửa lại đi anh nhầm bạch truật hai chỉ, quy vị cũng hai chỉ thôi!
Khuyên nhìn Tùng lắc đầu ngao ngán.
Buổi sáng rồi cũng qua, với hàng loạt những nhầm lẫn và đính chính của Tùng. Ngoài sân mặt trời đã đứng bóng. Khuyên cầm cái chuông lắc nhẹ. Sa ôm mớ lá thuốc vừa cắt về tới sân thì nghe tiếng kêu lanh canh từ phòng chẩn mạch.. Sa chạy lại dãy hoè hồi hộp nhìn ra khu phía trước tìm bóng Tùng.
Trong phòng mạch Tùng cuống quýt thu dọn đồ đứng dậy. Khuyên níu Tùng nghiêm giọng:
_Anh này, hãy vào dùng bữa rồi về phòng mình nghỉ ngơi, chiều làm việc cho tốt không nên cứ ngáp lên ngáp xuống trước mặt bệnh nhân!
_Để anh ra sau chút đã! Giờ anh tỉnh rồi! Anh muốn thăm bệnh nhân phòng số sáu.
_ Bệnh nhân phòng số sáu như vậy là ổn rồi!. Anh không được đa mang quá như vậy! Nếu anh còn muốn làm tốt công việc của mình cũng như giữ gìn phong độ trước mặt mọi người.
Còn nhiều bệnh nhân chứ không phải chỉ có bệnh nhân số sáu. Em nói anh đừng mếch lòng nhé! Nếu cứ tiếp tục cái lối làm việc như hồi sáng thì rõ ràng anh thua xa lão gia và anh cả đó! Nếu bệnh nhân phòng số sáu có gì không ổn em sẽ báo cho anh biết. Bây giờ là việc của em và già. Anh lo phòng mạch thôi!
Tùng cự nự:
_Mới hôm qua tới giờ làm sao ổn được? Để anh qua xem sao?
“Tới bữa rồi hai anh em không lo đóng cửa còn chuyện trò gì nữa đây! Tùng vào dùng cơm rồi còn thăm bệnh cho mẹ xem sao, mẹ vừa than không được khoẻ đó!”
Hai người quay lại, chị Xuân đã bước vào từ lúc nào
Khuyên giục:
_Anh vào xem bác ra sao mau lên! Thiên hạ đâu bằng mẹ mình! Để em đóng cửa cho, rồi ra sau thăm chừng bệnh nhân luôn.
Nói tới đây Khuyên liếc xéo Tùng.
Tùng kêu lên:
_Hôm qua mẹ còn khoẻ mà chị! Ăn đến ba bát cơm đầy. Kỳ thật! Để em vào thăm mẹ, thảo nào hồi sáng không thấy mẹ dậy thắp nhang, trời ơi em sơ suất quá!.
Khuyên đứng dõi theo hai chị em cho đến khi họ khuất bóng rồi mới quầy quả ra phía sau.
Đang giàn trải mớ lá thuốc vừa hái ra phên tre phơi, Sa thoáng thấy bóng Khuyên từ dãy nhà gỗ đi lại. Nàng quay mặt đi chỗ khác cúi xuống vờ quạt bếp than.
Giọng Khuyên vang lên sau lưng “Già này tôi vừa thăm bệnh nhân phòng số sáu. Cậu ta đã tỉnh. Hồi sáng thân nhân có đến thăm, họ rất hài lòng. Việc của anh Tùng tới đây là xong. Già lo canh thuốc và săn sóc rửa sạch vết thương cho cậu ta. Cậu ta là nam giới già lo là thích hợp nhất, sáng hay chiều tôi ghé qua dòm chừng lại. Đó là việc của chúng ta. Ai có phận nấy! Đừng làm phiền Tùng những chuyện không đâu nếu muốn anh ấy làm tốt công việc ở phòng mạch!”
Khuyên nói to cốt để Sa nghe thấy. Sa quay người lại, nghiêng mặt lau vào vai những giọt mồ hôi rịn hai bên thái dương rồi ngước nhìn Khuyên không nói một lời.
Chưa bước vào phòng bà Chánh, Khuyên đã nghe tiếng Tùng rõ mồn một: “Mẹ à! Mẹ bị suy nhược thôi! Hôm qua chắc mẹ đi suốt ngaỳ không có thì giờ ngơi nghỉ. Để con dặn Sa sắc thuốc cho mẹ nhé!”
Khuyên đứng yên hồi hộp nghe ngóng. Giọng bà Chánh vang lên đầy vẻ ngạc nhiên:
_Sao lại Sa?
_Ồ Bữa nay cô ấy thạo việc không ngờ, sắc thuốc còn muốn rành hơn già nữa kìa!
Bà Chánh nhìn con trai trìu mến hỏi:
_Con có khoẻ không? Sao mắt quầng thâm hết thế kia. Dạo này con gầy quá! Nếu mệt thì nghỉ vài bữa dưỡng sức đi! Con là bảo bối của gia đình con có mệnh hệ gì thì thà mẹ chết đi còn hơn!
Tùng ngồi xuống quàng tay qua vai mẹ kêu lên:
_Ôi mẹ sao lại nói thế! Con có đau ốm gì đâu, chỉ tại bữa nay có người bị bệnh nguy cấp phải thức đêm thôi mà! Tuy vậy chứ khoẻ hơn lúc nào hết đấy mẹ à!
Nhìn thái độ phấn chấn của con, bà Chánh ấm cả lòng. Bà không hiểu sao Tùng lại biến đổi nhanh thế!. Tùng thường bình thản đến độ lãnh đạm với mọi điều xung quanh cho dù trời đất có vỡ tung ra chắc cũng thế! Ít khi lộ ra ngoài. Ấy vậy mà mấy bữa nay ánh mắt con trai như một lời reo mừng khiến bà cũng vui lây mặc dù không biết đó là gì, nhưng linh cảm của người mẹ không bao giờ sai, thôi thì con muốn sao bà chiều theo vậy. Mà không thế cũng không được. Nó còn cứng đầu hơn cha và anh nó nhiều! Nó đã muốn có trời mà ngăn. Nghĩ lại số phận làm mình mất chồng và con cả nhưng lại được đền bù bằng sự trở về của Tùng, đó cũng là niềm an ủi vô bờ rồi! Không ước gì hơn thế. Bà vuốt nhẹ lưng con trai dịu dàng âu yếm:
_Tụi con muốn chăm sóc mẹ ra sao cũng được. Miễn còn được nhìn thấy con mỗi ngày là mẹ hạnh phúc rồi!
_Dạ để con ra sau bảo Sa sắc thuốc cho mẹ. Mỗi người làm một việc chứ để chị Xuân lu bu đủ thứ tội quá mẹ à! Con nói thế phải không mẹ?
_Ừ con trai mẹ lúc nào cũng phải hết. Người ngoài không hiểu có thể cho con là sai nhưng mẹ hiểu con nên lúc nào con cũng đúng cả!
Tùng ôm xiết mẹ cảm động nói không nên lời.
Bà Chánh hạ thấp giọng thì thào:
_Mẹ dặn cái này, mọi việc cái gì cũng phải từ từ con nhé! “Giục tốc bất đạt”. Đừng vội tin ai phải dè chừng thái độ của Sa. Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về!
_Dạ con biết rồi!
Khuyên dợm chân bước vào. Bà Chánh thấy Khuyên mỉm cười hỏi:
_Chưa về sao con? Trễ rồi coi chừng bố mẹ các em đợi cơm.
Khuyên sà lại nắm tay bà Chánh:
_Con về sao được, phải ghé thăm bác chút chứ! Bác đau ốm ra sao?
_Bác không khoẻ, bải hoải nhức mỏi tay chân, lại váng đầu nữa!
Khuyên vờ hỏi:
_Anh Tùng thăm mạch bác chưa?
Tùng đáp:
_Rồi, suy nhược cơ thể thôi! Uống vài thang thuốc bổ là ổn. Để anh ra nói Sa sắc thuốc cho mẹ.
Khuyên nghiến răng lại dằn cơn tức rồi gật gù:
_Phải đấy! Rước dâu về là để đỡ dần hầu hạ cho bác những lúc như thế này! Anh quyết thế là đúng!
Tùng hớn hở:
_Vậy anh đi đây!
Khuyên dõi theo Tùng, ánh mắt loé lên rồi tắt lịm, tối sầm bí ẩn.
Sa cố gắng nuốt miếng cơm cuối cùng nhưng cứ nghẹn lại phải húp miếng canh cho trôi. Lão câm định xới thêm cơm nhưng Sa lắc đầu. Vừa uể oải nhai cơm Sa vừa nhìn về phía phòng số sáu với cái nhìn tiếc nuối. Tùng xuất hiện ở sân tay cầm cái siêu thuốc kiểu cọ rất đẹp màu đen tuyền láng bóng tiến lại. Sa há hóc mồm vội buông đũa đứng lên hỏi:
_Ôi anh! Có chuyện gì vậy? Anh dùng cơm chưa mà ra đây?
_Em à! Mẹ không khoẻ. Anh đưa thuốc và siêu, em canh sắc cho mẹ nhé!
Sa sốt sắng đỡ lấy gói thuốc gật đầu:
_Dạ em sẽ sắc ngay! Mẹ đau sao vậy? Có nặng không?
_Không! Suy nhược cơ thể thôi! Chủ yếu cho mẹ uống thuốc bổ cốt khoẻ, dai sức vậy mà! Em ngồi xuống ăn đi chứ.
_Em ăn xong rồi anh ạ!
Tùng liếc nhìn mâm cơm và cái áo màu xanh rêu tuy chưa bạc màu nhưng đầy vết bám, mặt vải thủng mấy chỗ, lòng chàng bỗng xót xa quặn đau. Chàng nhớ lại những tấm khăn cùng với lụa gấm thật đẹp mua làm quà khi ở kinh thành trước khi từ quan nhưng lúc đó lại không thể tặng cho Sa được. Thôi chịu khó một thời gian nữa xem sao? Mẹ nói đúng! Phải từ từ! Làm việc như Sa giờ mặc đẹp thêm bất tiện. Mình sẽ tặng Sa lúc nào thích hợp.
Sa hỏi:
_Em sắc xong tiện thể mang thuốc cho mẹ được không?. Em muốn thăm mẹ!
_Em cứ sắc đi canh sao chiều làm việc xong anh sẽ cùng em bưng thuốc cho mẹ!
Tiếng chị Xuân réo:
_Tùng ơi! Vào ăn cơm làm gì lâu quá vậy!
Chưa vội đi Tùng đứng lặng nhìn Sa một lúc không nói gì. Sa cũng cứ nhìn Tùng không chớp mắt. Lão câm cầm bát chè xanh vừa uống vừa nhìn hai người cười tủm tỉm.
Bên ngoài màn đêm đã buông từ lúc nào, trời đang nổi gió. Nằm trên giường qua khuôn cửa bà Chánh thấy bóng những thân cây chao đảo. Thời tiết đang chuyển thì phải nên khắp mình đau nhức ê ẩm. Bà cố gượng ngồi dậy nhăn nhó tựa lưng sát vách, khẽ nhắm mắt lại hít nhẹ mùi tinh dầu hình như đang phảng phất đâu đây. Bà luồn tay xuống dưới gối lần tràng hạt lâm râm khấn. Đây là tràng hạt của một vị sư tặng. Khi nào tâm hồn không an ổn, nó là nguồn sức mạnh vô hình nâng đỡ tâm hồn bà.
Từ chiều tới giờ bà luôn giữ nó bên mình. Chút nữa sẽ giáp mặt Sa. Lâu nay chỉ đứng xa quan sát con dâu, mặc cho sự vui vẻ của con trai mấy ngày nay, bà vẫn cảm thấy nghi ngờ không biết mình có giữ được bình tĩnh hay lại nổi đoá lên như mấy lần trước gặp Sa.
Mùi tinh dầu bắt đầu tràn ngập lan toả, hơi nồng quá, không còn dễ chịu, bà nhoài người thổi tắt ánh nến, chỉ còn ánh sáng dìu dịu của chiếc đèn lồng. Có tiếng đập cửa giọng Tùng vọng vào:
_Mẹ ơi! Tụi con mang thuốc cho mẹ đây!
_Vào đi con!
Cánh cửa bật mở. Tùng bước vào. Sa đi theo cầm cái khay ngập ngừng đứng lại không dám tiến sát giường. Tùng chạy vội lại sờ chân sờ trán mẹ ân cần hỏi han:
_Mẹ thấy ra sao? Mẹ uống thuốc nhé! Chị Xuân đang hầm gà cho mẹ!
_Mẹ không ăn đâu, nấu làm gì cho thêm nhọc cái thân rõ là số khổ! Khi nào mẹ muốn ăn mẹ sẽ nói! Nghỉ ăn một bữa cho sạch ruột, người già đâu cần ăn nhiều!
_Chính vì vậy tụi con mới sắc thuốc cho mẹ uống trước, mẹ sẽ lấy lại khẩu vị sau vài canh giờ bảo đảm mai mẹ ăn gì cũng thấy ngon cả!
“Tụi con, tụi con”Lẽ nào tụi nó đã làm hoà với nhau rồi ư? Tùng đã tha thứ cho vợ nó?
Bà Chánh đưa mắt nhìn Sa. Nàng vẫn còn đứng ở xa chưa dám lại bên bà. Khuôn mặt rạng ngời của con trai khiến không thể phớt lờ thêm được nữa, bà nuốt nước miếng, cố gắng lắm mới thốt nên lời
_Sa đó à? Xớ rớ đằng đó làm gì, định chờ thuốc nguội rồi mới cho tôi uống phải không?
Sa nghe vậy cầm khay tiến lại. Tùng quay người nhấc chén thuốc trong khay kề tận miệng mẹ dịu dàng:
_Mẹ uống thuốc đi để con cầm chén cho!
Vừa uống bà Chánh vừa đưa mắt nhìn Sa. Dưới ánh sáng hồng của đèn lồng, bộ y phục đen buông lơi không thắt eo của Sa như có ánh lam, mái tóc để xoã, khuôn mặt ngời như ánh trăng, gò má hơi nhô cao, cái cằm thon gọn, hai mắt mở to u buồn, Sa đẹp não nùng! Đẹp liêu trai bất thường. Có như vậy mới làm Tùng thay đổi một sớm một chiều chứ trước tới giờ Tùng có thế đâu! Cũng như bố nó lúc mới thấy con nhỏ đã bị “chiếu tướng” nên cứ nằng nặc xin nó về làm dâu mặc dù có biết chút gì con người ta đâu!
Sa đứng bất động, những ngón tay thon gầy bám chặt cái khay, mặt cúi xuống không dám nhìn bà dù chỉ là cái liếc thoáng qua. Dáng vẻ nhẫn nhục khiến bà bỗng nhớ lại hình ảnh Sa được Bôn đặt xuống đất trước mặt mình hôm nào, khoé miệng rách bê bết máu, mặt tím bầm. Ánh mắt bà dừng lại nơi khoé miệng Sa. Không còn dấu vết gì nữa! Chỉ có điều con dâu thứ hai của bà gầy hơn hôm cưới rất nhiều.
Nãy giờ cho mẹ uống thuốc Tùng biết mẹ đang quan sát Sa nên cũng câm lặng. Khi không còn thuốc trong chén chàng quay lại nói:
_Em thăm mẹ vậy được rồi! Thôi em về phòng nghỉ đi! Tối nay anh ở lại chăm sóc mẹ.
Sa cúi đầu lí nhí:
_ Thưa mẹ con xin lui. Mẹ ngủ ngon mẹ nhé!
Rồi nàng nhìn Tùng nói:
_Anh ở lại với mẹ, em đi đây!
Nhìn dáng điệu Sa rồi lại nhìn Tùng, bà Chánh nghĩ thầm tụi nó đã cưới nhau nhưng chưa thể gọi là vợ chồng được. Con trai bà bữa nay sao cũng gầy quá! Những tức giận lâu nay vụt tan biến bà mủi lòng cất tiếng:
_Ử thôi về nghỉ đi, mai còn giúp già làm việc
Sa quay lưng cất bước. Tùng vừa xoa bóp chân cho mẹ vừa nhìn theo, ánh mắt như dán chặt vào Sa. Ánh mắt thăm thẳm ấy thường ngày ít để lộ những gì ẩn chứa giờ trào dâng mênh mang đắm đuối. Bất giác bà Chánh luồn tay mò mẩm dưới gối vân vê chuỗi tràng hạt.
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên