Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Thợ Nhuộm Hákim
B
ản dịch của An Lý câu chuyện về Tiên tri Hákim thành Merv (rút từ tập A Universal History of Infamy)
Gã thợ nhuộm che mặt nạ Hákim thành Merv
Tặng Angélica Ocampo
An Lý dịch
Nếu tôi không nhầm thì thông tin gốc về Al Moqanna, vị Tiên Tri Che Mạng (dịch thật sát là Che Mặt Nạ) tỉnh Khorasan, chỉ từ bốn nguồn: a) vài đoạn cuốn Lịch sử các khalip trích trong sách của Baladhuri, b) cuốn Sách hướng dẫn về người khổng lồ, hay Sách về chính xác và hiệu đính của sử quan triều Abbas, ibn abi Tair Tarfur, c) bộ luật Ả rập nhan đề Tiêu hủy đóa hồng, phản bác lại những tà thuyết quái gở trong cuốn Đóa hồng đen, hay Đóa hồng ẩn, sách kinh chính thống của vị Tiên tri kia, d) vài đồng tiền kim loại không có hình vẽ được công trình sư Andrusov khai quật lên khi đào đường làm tuyến đường sắt xuyên Caspi. Những đồng tiền, sau được gửi vào lưu giữ ở Trung tâm tiền cổ Tehran, có viết nhiều câu thơ đôi tiếng Ba Tư, tóm tắt hoặc đính chính lại nhiều đoạn cuốn Tiêu hủy. Cuốn Đóa hồng gốc thì đã mất, còn bản thảo phát hiện năm 1899 rồi vội vàng được Kho lưu trữ Morgenländisches đem ra xuất bản đã bị Horn, rồi sau đó là Sir Percy Sykes, tuyên bố là ngụy kinh.
Phương Tây biết đến vị Tiên tri này chủ yếu là nhờ một bài thơ rất dông dài của Moore, tràn đầy nhớ nhung luyến tiếc kiểu các nhà âm mưu Ireland.
THUỐC NHUỘM ĐỎ
Vào năm 120 lịch Hijra tức năm 736 Công lịch, một người tên Hákim, mà những người thời đó ở vùng đó sau này sẽ xướng danh là Đấng Che Mạng, ra đời ở Turkistan. Nguyên quán ông ta là Merv, thành phố cổ có những vườn tược, đồng nho và bãi chăn thả buồn bã nhìn ra sa mạc. Buổi trưa trắng lóa mắt, những hôm nào không mịt mù vì mây bụi khiến người dân muốn chết ngạt và phủ màng bụi xám lên những chùm nho đen.
Hákim lớn lên trong thành phố kiệt quệ đó. Tương truyền một người chú đằng nội đã dẫn dắt ông ta vào nghề nhuộm: thứ nghệ thuật của kẻ vô đạo, kẻ làm giả, kẻ thiếu thủy chung, nguồn cảm hứng cho những lời nguyền rủa đầu tiên bắt đầu một sự nghiệp phong phú những lời nguyền rủa. Mặt ta vàng (theo một trang nổi tiếng trong cuốn Tiêu hủy) nhưng ta đã hòa thuốc nhuộm, đến đêm sau nhúng len chưa chải, đêm thứ ba ngâm len đã chải, mà quốc vương các đảo vẫn tranh giành thứ vải màu máu ấy. Ngày trẻ ta đắm chìm trong tội lỗi, bóp méo màu sắc thực của muôn loài. Thiên thần nói với ta cừu không khoác màu của hổ, Ác quỷ nói với ta đấng Toàn năng muốn vậy và cần đến ta, cả bàn tay và thuốc nhuộm. Nay ta đã biết cả Thiên thần và Ác quỷ đều nói lời không thực, và mọi màu sắc đều đáng khinh.
Năm Hijra thứ 146, Hákim biến mất khỏi thành. Các thùng vại ngâm thuốc bị đập vỡ, cả một thanh gươm hàng Shiraz và một cái gương đồng.
CON BÒ
Cuối tháng trăng Sha’aban năm 158, không khí sa mạc trong lành, một toán người đang nhìn trời Tây chờ vầng trăng Ramadan để bắt đầu ăn chay và tiết chế. Họ là các nô lệ, ăn mày, buôn ngựa, trộm lạc đà, đồ tể. Họ ngồi nghiêm trang trên đất, trước cổng quán trọ nơi các đoàn lữ hành thường nghỉ chân trên đường tới Merv, chờ một dấu hiệu. Họ nhìn hoàng hôn, và thấy màu hoàng hôn giống như màu cát.
Từ xa xa giữa sa mạc lấp lóa (nắng ở đây gây sốt, còn trăng gây lạnh run) hiện ra ba kẻ đang tiến lại, nhìn thật khổng lồ. Là người nhưng kẻ đi giữa có cái đầu bò đực. Đến gần hơn, họ nhìn thấy người này đeo mặt nạ còn hai kẻ kia đã mù.
Một người (như trong các truyện Ngàn lẻ một đêm) hỏi cớ sự lạ này. Chúng bị mù, kẻ đeo mặt nạ đáp, vì chúng đã thấy mặt ta.
CON BÁO
Viên sử quan nhà Abbas chép lại rằng người từ sa mạc ra (có giọng nói du dương kỳ lạ, mà cũng có thể là so với cái mặt nạ dã thú) nói với đoàn người, họ đang chờ dấu hiệu bắt đầu một tháng ăn năn, nhưng hắn thuyết giảng một dấu hiệu lớn hơn nhiều: cả một đời ăn năn, và một cái chết tử đạo. Hắn nói mình là Hákim con trai Osmán, và nói vào năm 146 sau cuộc Di cư có một kẻ thăm nhà hắn, sau khi thanh tẩy và cầu nguyện đã lấy gươm cắt đầu hắn mang lên trời. Xách trong tay phải người này (chính là thiên sứ Gabriel), cái đầu hắn đã được diện kiến Thiên chúa, được trao sứ mệnh tiên tri và dạy những lời cổ xưa đến nỗi chỉ nhắc lại cũng làm bỏng miệng người phàm, và dung nhan rực rỡ tới nỗi mắt người phàm không chịu nổi. Đấy là nguyên do đeo Mặt Nạ. Khi mỗi người trên trái đất đã thuộc làu luật mới, Tôn Nhan sẽ được hiển lộ, tất cả sẽ được thờ phụng mà không sợ nguy hiểm - như các thiên thần nay đang thờ phụng. Tuyên bố xong, Hákim cổ xúy lao vào thánh chiến - vào jihad - và phận tử đạo chờ sẵn.
Đám nô lệ, ăn mày, buôn ngựa, trộm lạc đà và đồ tể cười ầm: có tiếng hét phù thủy và tiếng khác đồ giả mạo.
Một kẻ dắt theo báo - hẳn là một con thuộc giống báo dẻo dai khát máu được thợ săn Ba Tư ưa chuộng. Con vật bỗng dưng giằng đứt xích. Trừ nhà tiên tri đeo mặt nạ cùng hai tông đồ, số còn lại giẫm đạp nhau mà chạy. Khi họ quay lại, con vật đã mù. Trước đôi mắt sáng rực đã chết, mọi người rạp đầu suy tôn Hákim và thừa nhận ngài có quyền năng siêu nhiên.
VỊ TIÊN TRI CHE MẠNG
Sử quan triều Abbas tường thuật không mấy hào hứng đường thắng lợi mau chóng của Hákim Che Mạng tỉnh Khorasan. Dân tỉnh, đang kích động sau khi thủ lĩnh nổi tiếng trong vùng thất bại phải lên thập giá, bắt vào giáo lý của Dung Nhan Rực Rỡ với một nhiệt huyết tuyệt vọng và dâng lên ngài vàng và máu của mình. (Hákim đến lúc này đã bỏ hình dung dã thú mà thay bằng tấm mạng bốn lớp bằng lụa trắng đính ngọc quý. Màu tượng trưng cho nhà Abbas là màu đen; Hákim chọn màu trắng, màu đối lập, cho Tấm Mạng Bảo Hộ, cho cờ hiệu và khăn xếp.) Chiến dịch khởi đầu thuận lợi. Quả là cuốn Sách về chính xác luôn kể quân khalip giành chiến thắng, nhưng vì chiến thắng nào cũng dẫn đến kết quả là tướng lĩnh bị lột giáp hay thành trì bất khả xâm phạm bị bỏ lại, người đọc tinh ý có thể dễ dàng đoán ra sự thực. Đến cuối tháng trăng Rajab năm 161, thành Nishapur lừng tiếng mở toang cổng sắt đón chào Đấng Che Mặt Nạ; đầu năm 162 đến lượt thành Astarabad. Hákim ở trận tiền (cũng như một vị Tiên tri may mắn hơn) chỉ làm một việc là dâng lời cầu nguyện giọng nam cao lên Đấng bề trên, ngồi trên bướu lạc đà hung đỏ từ chính giữa nơi trận đánh náo loạn nhất. Tên bay vèo vèo xung quanh, nhưng không bao giờ trúng ngài. Ngài chủ động tìm tới nguy hiểm: đêm nọ một bầy người hủi kinh tởm bao vây cung điện, ngài ra lệnh mời vào, hôn chúng và ban phát vàng bạc cho chúng.
Công việc cai trị đau đầu nhức óc được giao xuống sáu hay bảy tín đồ. Ngài cần chiêm niệm và thanh tĩnh: hậu cung gồm 114 nữ tử mù bận rộn chăm lo các nhu cầu cho tấm thân thần thánh của ngài.
NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐÁNG KHINH
Miễn nội dung họ rao giảng không trái hẳn với giáo điều chính thống, những người sống thân mật với Chúa nói chung vẫn được đạo Hồi dung thứ dù lộ liễu hay nguy hại đến đâu. Nhà tiên tri chắc cũng không chê sự dễ dãi ấy, nhưng đám đồ đệ, các chiến thắng, và cơn thịnh nộ công khai của vua khalip - chính là Muhammad al-Mahdi - đã đưa ông ta vào đường lạc giáo. Chính bất đồng giáo lý đã đẩy ông ta vào chỗ chết, sau khi xui khiến ông ta vạch ra chủ thuyết cho một tôn giáo riêng - dù có thấy dấu vết tiếp thu từ tín điều Gnosis cổ.
Căn bản của vũ trụ luận Hákim là một vì Chúa bóng ma. Uy linh thần này không nguồn gốc, không có tên cũng chẳng có mặt. Thần đó bất biến không đổi, nhưng hình ảnh nó đổ chín bóng thấp dần xuống hàng thụ tạo, hình thành nên và ngự trị trên tầng trời thứ nhất. Hóa công trên đỉnh đầu tiên tạo sinh ra thể thứ hai, đầy đủ các thiên thần, quyền lực và ngai, hợp lại thành tầng trời thấp hơn là bản sao đối xứng tầng thứ nhất. Tầng thứ hai này lại lặp lại ở tầng thứ ba, tầng thứ ba ở tầng thấp hơn nữa, cứ thế đến 999. Cai trị tầng trời thấp nhất là chúa trời của chúng ta - cái bóng của những cái bóng - và độ thiêng xuống đây đã tiệm cận 0.
Trái đất ta đang sống là một sai lầm, một bản nhại khiếm khuyết. Gương soi và sinh nở nhân bội và khẳng định thêm khiếm khuyết, vậy tức là những thứ đáng khinh. Kinh tởm được coi là đức tính cao nhất. Đạt được tới đó có hai con đường (nhà tiên tri cho tùy ý chọn): hoặc tiết tỉnh hoặc trác táng, hoặc chối từ xác thịt hoặc đắm đuối vào xác thịt.
Thiên đàng và địa ngục của Hákim cũng không kém phần tuyệt vọng. Những kẻ chối Lời, những kẻ chối Mạng Ngọc và Nhan (một lời nguyền còn lại trong Đóa hồng ẩn), ta nguyền cho các ngươi một Hỏa ngục màu nhiệm, vì mỗi linh hồn chối chúa sẽ cai trị 999 vương quốc lửa, mỗi vương quốc có 999 ngọn núi lửa, mỗi ngọn núi có 999 tòa tháp lửa, mỗi tòa tháp có 999 tầng lửa, mỗi tầng có 999 chiếc giường lửa, mỗi chiếc giường thiêu đốt bằng 999 hình hài lửa (mang gương mặt và giọng nói của hắn) tra tấn hắn đến vĩnh viễn. Một đoạn khác phụ họa thêm: Sống chịu khổ nạn một tấm thân, chết và Phán xét, chịu vô số tấm thân. Thiên đàng thì không cụ thể bằng. Vĩnh viễn là bóng tối, có những đài nước đá, và hạnh phúc trên thiên đàng là thứ hạnh phúc đặc biệt của kẻ giã từ, kẻ buông xả, kẻ biết mình đang ngủ.
GƯƠNG MẶT
Năm 163 sau chuyến Di cư và năm thứ năm Dung Nhan Rực Rỡ, Hákim bị quân khalip vây ở Sanam. Không thiếu lương thảo và người tử đạo, lại nghe nói sắp sửa có một đoàn thiên thần ánh sáng xuống ứng cứu. Đương lúc đó trong lâu đài truyền đi một tin đồn kinh sợ. Một mụ cung nữ ngoại tình, khi bị hoạn quan lôi ra siết cổ, đã la lớn rằng bàn tay phải nhà tiên tri thiếu ngón nhẫn, các ngón khác thì mất móng tay. Tin đồn lan khắp các tín đồ. Giữa công chúng, trên đỉnh tháp cao, Hákim cầu nguyện xin các thần linh quen thuộc ban chiến thắng hay dấu hiệu. Đầu cúi thấp vẻ quỵ lụy - như đang chạy vội trong mưa - hai viên tướng giật tung tấm Mạng đính ngọc.
Thoạt tiên tất cả rùng mình. Dung nhan hứa của vị Tông đồ, dung nhan đã lên trời trở lại, đúng là màu trắng, màu trắng đặc trưng của bệnh hủi. Nó sưng lên không tin nổi, trông như một cái mặt nạ. Không có lông mày; mí mắt dưới bên phải trễ xuống cái má già nhăn nheo; một đám vảy lổn nhổn ăn vào hai môi; cái mũi bẹt không giống người mà giống mũi sư tử.
Giọng nói của Hákim thốt lời mê hoặc cuối cùng. Những tội lỗi đáng khinh che mắt các ngươi thấy hào quang… nó mở đầu.
Chẳng ai lắng nghe; giáo đã đâm xuyên người hắn.